Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh

03:54 AM 22/08/2012 |   Lượt xem: 2210 |   In bài viết | 

Các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Tờ trình dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh gồm 6 chương, 42 điều, quy định về giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giáo dục quốc phòng, an ninh. Mục tiêu giáo dục quốc phòng, an ninh nhằm trang bị kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), trước tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay, để đáp ứng yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân thì việc ban hành Luật giáo dục quốc phòng, an ninh (GDQPAN) là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận cao trong Quốc hội về sự cần thiết ban hành Luật, Tờ trình của Chính phủ cần tập trung làm rõ những ưu điểm cũng như hạn chế, tồn tại qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác GDQPAN; những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GDQPAN.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết, có một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật, như: quy định về yêu cầu bố trí giáo viên chuyên trách môn giáo dục quốc phòng, an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp; tổ chức khoa, bộ môn giáo dục quốc phòng, an ninh cho các trường cao đẳng nghề, cao đẳng, đại học; yêu cầu tiêu chuẩn của giáo viên, giảng viên GDQPAN.... Bên cạnh đó, có y kiến cho rằng, dự án Luật còn thiếu các quy định về tiêu chuẩn đối với chủ thể và nơi thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; chưa quy định rõ nội dung, mục đích hướng nghiệp và điều kiện bảo đảm đối với hoạt động hướng nghiệp.

Về vấn đề này, Thường trực UBQPAN cho rằng, đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN hiện nay vừa thiếu, vừa yếu, chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm, sĩ quan quân đội từ nhiều đơn vị (gồm sĩ quan biệt phái, sĩ quan đã nghỉ hưu, sĩ quan đang giảng dạy trong các học viện, nhà trường quân đội) cho nên có sự bất cập về trình độ chuẩn theo quy định của dự thảo Luật, mặc dù những quy định này còn thấp hơn so với yêu cầu của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, do tính đặc thù của GDQPAN và điều kiện thực tế của đất nước, nếu quy định thực hiện chuẩn hóa ngay đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQPAN trong vòng 2 hoặc 3 năm tới sẽ khó có thể thực hiện được. Vì vậy, dự thảo Luật nên quy định thống nhất trình độ chuẩn đối với giáo viên, giảng viên cho từng bậc học, cấp học trong hệ thống nhà trường, hệ thống các trung tâm GDQPAN thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng phù hợp với quy định của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định có liên quan của pháp luật, nhưng có lộ trình để bảo đảm tính khả thi.

Liên quan đến việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, theo Chính phủ cần được quy định tại dự thảo luật. Vì, đây là đối tượng trực tiếp quản lý người lao động, nên phải bồi dưỡng như các đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước. Thường trực UBQPAN đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định có tính nguyên tắc theo hướng phân loại tiêu chí doanh nghiệp căn cứ vào quy mô, tính chất, số lượng lao động và mức độ ảnh hưởng đối với xã hội để xác định là đối tượng thuộc diện bồi dưỡng hoặc phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh, để đảm bảo tính khả thi.

Đề cập đến vấn đề bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, một số đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở pháp lý để xác định chức sắc, nhà tu hành tôn giáo phải thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh.

Thường trực UBQPAN nhận thấy, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cũng như già làng, trưởng bản... là những người có uy tín và ảnh hưởng lớn đối với tín đồ và cộng đồng dân cư, nếu tranh thủ được sự tham gia của họ vào công tác phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân sẽ có tác dụng tích cực. Thực tế nhiều địa phương đã và đang thực hiện có hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng này. Tuy nhiên, việc quy định “cứng” nội dung này trong dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ. Thường trực UBQPAN đề nghị dự thảo Luật nên quy định theo hướng thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối với những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, còn cụ thể sẽ do văn bản dưới luật quy định tùy theo tình hình thực tế.

Cho ý kiến về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi ủng hộ việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng chức sắc tôn giáo, nhưng yêu cầu phải có chương trình riêng, phương pháp riêng. Các mức độ “bồi dưỡng”, “phổ biến”, “giáo dục” phải làm rõ để áp dụng cho các đối tượng khác nhau, trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, đối với chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, dự án Luật nên quy định trên tinh thần khuyến khích và tạo điều kiện chứ không nên quy định bắt buộc.

“Luật nên tập trung vào đối tượng dưới 50 tuổi. Việc giáo dục về quốc phòng, an ninh cho học sinh bậc Tiểu học và Trung học cơ sở phải theo hướng vừa học vừa chơi, không nên nặng nề, quân sự hóa” - ông Ksor Phước đề nghị.

Ông Ksor Phước cũng lưu ý Ban soạn thảo Luật về tính đồng bộ, thống nhất của Luật này với các văn bản pháp luật khác có liên quan, như Luật Tổ chức cán bộ, Luật Tổ chức Quốc hội, Hội đồng nhân dân... cũng như lượng định kinh phí cho công tác này.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ thành những điều khoản riêng trong Luật này để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong quá trình triển khai thi hành Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu ra 3 phạm trù cụ thể của dự án Luật bao gồm: phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục. Đánh giá mỗi một phạm trù ứng với mức độ khác nhau, đại biểu đề nghị làm rõ 3 phạm trù này để áp dụng phù hợp đối với từng đối tượng cụ thể.

Đánh giá về dự án Luật, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, nội dung về an ninh chưa được quy định nổi bật trong dự án Luật; đồng thời chưa thấy rõ trách nhiệm các Bộ trong thực thi pháp luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo cần cố gắng làm rõ hơn nữa nội dung của dự án Luật; Luật cũng cần quy định những nguyên tắc cơ bản để soạn giáo trình cho phù hợp với trình độ ở từng lứa tuổi./.

Theo ĐCSVN [TT: N.K.T]