Xây dựng nông thôn mới tại các tỉnh Tây Nguyên

09:03 AM 03/07/2013 |   Lượt xem: 2455 |   In bài viết | 

Trong 2 năm thực hiện Chương trình (2011-2012), các địa phương đã hoàn thành việc thành lập, kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo, Ban quản lý điều hành các cấp. 593 xã đã hoàn thành công tác lập quy hoạch chung, đạt tỷ lệ 100%; có 224 xã tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông và Lâm Đồng (chiếm 41,15% số xã xây dựng NTM của 4 tỉnh này) triển khai và hoàn thành lập quy hoạch chi tiết xây dựng nông thôn mới. 559 xã hoàn thành việc lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đạt tỷ lệ 94,27%; trong đó có 396 xã (chiếm 66,78%) đã được UBND cấp huyện phê duyệt.

Trong 2 năm, các địa phương đã huy động tổng nguồn vốn là 32.292,59 tỷ đồng; trong đó: vốn ngân sách Trung ương 2.074,3 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là: 4.712,83 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép là từ các chương trình, chính sách khác là 2.747,25 tỷ đồng, vốn tín dụng là 19.966,55 tỷ đồng, vốn huy động từ các doanh nghiệp 850,98 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 1.940,67 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn trên, các địa phương đã đầu tư 11.251,81 tỷ đồng xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, 10.589,2 tỷ đồng cho phát triển sản xuất; xây dựng 925 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; tổ chức hơn 1.952 lớp tập huấn kỹ thuật và cuộc hội thảo khoa học với hơn 70.613 lượt người tham gia; tổ chức hơn 774 lớp đào tạo nghề cho hơn 27.475 lao động với tổng kinh phí trên 22,12 tỷ đồng (hơn 11.261 số lao động có việc làm sau đào tạo, chiếm 41%); tổ chức 802 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ các cấp tham gia thực hiện Chương trình xây dựng NTM với 42.203 lượt người tham gia.Kết quả, đã có 01 xã đạt đủ 19 tiêu chí là xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum; 17 xã đạt từ 14 đến 18 tiêu chí; 76 xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí; 235 xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí; 264 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Việc thực hiện chương trình trong hai năm qua tại các tỉnh Tây Nguyên cơ bản đã bám sát các tiêu chí, nội dung xây dựng NTM, bước đầu tạo nên diện mạo mới cho vùng nông thôn, hình thành nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và điều quan trọng nhất là đã tuyên truyền, vận động nhân dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, đất đai, hoa màu, công lao động để xây dựng các công trình công cộng tại các địa phương, cải tạo cơ sở hạ tầng nông thôn, mạnh dạn vay vốn tín dụng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn còn một số hạn chế cần được khắc phục như: Nhận thức về mục tiêu xây dựng NTM của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế cộng với ảnh hưởng của bệnh thành tích dẫn đến nôn nóng trong việc đẩy nhanh tiến độ, không phù hợp với điều kiện thực tế; một bộ phận dân cư vẫn còn nặng tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước; công tác chỉ đạo điều hành, hướng dẫn còn lúng túng, thiếu chủ động, đồng bộ; cán bộ xây dựng NTM ở một số xã vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; ngân sách đầu tư cho Chương trình còn hạn chế trong khi việc huy động nội lực của các địa phương còn yếu do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

Để đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình, trong thời gian tới, các địa phương vùng Tây Nguyên cần đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào chương trình công tác và kế hoạch hằng năm về phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia Chương trình; định kỳ kiểm tra, rà soát đánh giá thực trạng các tiêu chí đã đạt được, hướng dẫn, đề xuất giải pháp để đạt các tiêu chí theo mục tiêu đề ra.

Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho việc thực hiện Chương trình của các tỉnh Tây Nguyên; Ban Chỉ đạo Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đến năm 2020 để các tỉnh có cơ sở ban hành quy định mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện và ngân sách của địa phương; ban hành một số văn bản hướng dẫn (cụ thể như: Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành bộ tài liệu về tập huấn cán bộ làm công tác xây dựng NTM, sổ tay hướng dẫn phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn và quy định về trình tự, thủ tục công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện); Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh thủ tục thanh, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho xây dựng nông thôn mới theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tự thực hiện và chủ động giám sát; Có cơ chế chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng cho phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM và giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời bố trí gói tín dụng trung, dài hạn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định về cơ chế lồng ghép các Chương trình MTQG trên cùng một địa bàn để huy động tổng thể các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn quy trình chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng đơn giản, sửa đổi cơ chế, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các Bộ, Ban, ngành cần khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các Quyết định đã ban hành về xây dựng NTM./.

Phạm Thị Phước An