Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

05:10 AM 17/06/2014 |   Lượt xem: 6525 |   In bài viết | 

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay cũng đã xuất hiện một lớp người tiêu biểu là những người dân tộc thiểu số có uy tín, làm kinh tế giỏi, có tinh thần giúp đỡ đồng bào trong bản làng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, họ còn là những người rất năng nổ trong công tác xã hội, dành nhiều thời gian và công sức lo cho công việc của cộng đồng, là tấm gương sáng cho mọi người học hỏi, noi theo.

Cũng như các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị gồm dân tộc Vân Kiều và Pa Kô sinh sống ở vùng cao, có 15.754 hộ với 76.715 khẩu, địa bàn dân cư phân bố ở hai huyện Hướng Hóa, Đakrông và một số xã miền núi thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, chiếm 56% dân số toàn vùng.

Thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả tích cực.

Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh luôn vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều già làng, trưởng bản đã nêu gương sáng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; lao động cần cù, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại, bảo tồn phát triển các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, nghề rèn..., từ đó từng bước xóa được đói, giảm được nghèo, giúp nhau trong sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Mặt khác, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương thông qua việc giải thích, vận động đồng bào nâng cao cảnh giác, không nghe lời kẻ xấu xúi giục. Các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên giới”, “Xây dựng bản làng an toàn”, “Mô hình kết nghĩa bản - bản Việt - Lào”, “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc”...đi vào cuộc sống là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, trong đó có vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong vận động đồng bào tham gia hưởng ứng. Nhờ đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, hạn chế được tình trạng di cư tự do, xâm canh xâm cư, tranh chấp đất đai, khai thác rừng trái phép, truyền đạo trái phép...ở các xã miền núi, biên giới.

Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh, đặc biệt là công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc đã tích cực vận động con cháu, dòng họ và mọi người dân tham gia các tổ chức đoàn thể, phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Họ còn là người nêu gương và vận động đồng bào xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, phấn đấu xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế là một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, vị trí của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phát huy vai trò của người có uy tín trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương. Nội dung, hình thức vận động còn chung chung, chưa linh hoạt, còn mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm, chăm sóc lâu dài người có uy tín trong cộng đồng nên kết quả chưa đạt được như mong muốn. Việc phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc vận động người có uy tín đôi lúc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ.

Qua thực tiễn công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới, đó là: Cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó các cấp ủy đảng, chính quyền có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng để làm tốt công tác này. Trong quá trình thực hiện, coi trọng công tác phổ biến kiến thức cho người có uy tín bằng nhiều hình thức phù hợp về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương liên quan đến dân tộc, tôn giáo, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ môi trường, kiến thức về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm, nêu cao tinh thần cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có uy tín; linh hoạt các hình thức vận động, tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia hoạt động, phát huy vai trò đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội.

Chính quyền địa phương các cấp cần bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách đối với người uy tín theo quy định; phát hiện, bồi dưỡng, nêu gương những người có uy tín, người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức khen thưởng, tôn vinh kịp thời; tổ chức cho người có uy tín tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tham quan, giao lưu học hỏi ở trong và ngoài tỉnh.

Từ thực tiễn công tác vận động quần chúng đã chứng minh người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số là chỗ dựa quan trọng của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng và thực hiện tốt công tác vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. 

PHƯƠNG MINH (Nguồn: baoquangtri.vn)