Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển dược liệu tỉnh Hà Giang thành vùng trọng điểm, giai đoạn 2015 - 2020

10:11 AM 30/06/2014 |   Lượt xem: 1799 |   In bài viết | 

Dự Hội thảo, về phía tỉnh Hà Giang có các đồng chí: Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Vương Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đàm Văn Bông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh… Về phía T.Ư có các đồng chí: Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư; Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; đại diện Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Hội Dược liệu Việt Nam cùng một số viện khoa học, nhà khoa học, chuyên gia, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược liệu...

Là địa bàn có nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá, Hà Giang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc trồng các loại cây dược liệu. Theo điều tra, ở Hà Giang đã phát hiện được trên 1.101 loài được liệu khác nhau, thuộc 184 họ, 662 chi thực vật. Trong các khu bảo tồn thiên nhiên, hiện đang bảo tồn nguồn gen của nhiều loại cây thuốc quý, trong đó có 51 loài đã được đưa vào diện có nguy cơ đe dọa trong Sách Đỏ Việt Nam. Nắm bắt tiềm năng, lợi thế và để bảo tồn, phát huy các loài dược liệu, từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư và chăm sóc cây dược liệu. Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2013 – 2020, định hướng 2025; kêu gọi, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư trồng, khai thác, cung ứng giống, kỹ thuật phát triển dược liệu…

Hội thảo lần này đã làm nổi bật định hướng và quyết tâm đặc biệt của tỉnh ta trong việc xây dựng hướng khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển cây dược liệu nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển KT – XH, XĐGN của địa phương. Ngày 5.4.2013, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2715/VPCP-KGVX về chủ trương lập dự án phát triển cây dược liệu gắn với XĐGN tại 6 huyện nghèo 30a. Theo đó, đồng ý với chủ trương của tỉnh ta về lập Dự án tiền khả thi phát triển cây dược liệu gắn với XĐGN tại 6 huyện 30a. Qua đó, đến nay Hà Giang đã xây dựng Dự án tổng thể phát triển cây dược liệu gắn với XĐGN tại 6 huyện 30a trình với các bộ, ngành T.Ư thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Dự án dự kiến triển khai từ 2014 – 2020 với quy mô trồng mới và bảo tồn 12.581ha dược liệu. Tổng nhu cầu vốn thực hiện là 2.887.833 triệu đồng. Việc triển khai Dự án có thể mang đến hiệu quả thiết thực cho công tác XĐGN và mang lại những hiệu quả KT – XH trước mắt và lâu dài cho Hà Giang và cả nước, đáp ứng nhu cầu dược liệu trong nước và thế giới đang ngày càng tăng lên. Thông qua Dự án, góp phần đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm phát triển dược liệu…

Tại Hội thảo, các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với việc coi dược liệu là tiềm năng, thế mạnh và hướng đi trong phát triển kinh tế của Hà Giang. Các ý kiến tham luận nêu và lưu ý một số vấn đề trong phát triển dược liệu ở Hà Giang như: Cần phát huy tiềm năng, lợi thế và thách thức trong phát triển dược liệu; dự báo xu hướng, khuyến nghị cho tỉnh Hà Giang; một số điểm lưu ý trong phát triển dược liệu ở Hà Giang; khoa học công nghệ với phát triển dược liệu; cần quan tâm trong xây dựng chính sách thu hút đầu tư, vấn đề thị trường và công tác truyền thông…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá cao thành công của Hội thảo và cho rằng, Hà Giang là tỉnh tiên phong trong phát triển dược liệu. Hướng đi của Hà Giang là rất đúng cùng với các văn bản của T.Ư về vấn đề phát triển dược liệu đã tạo hành lang pháp lý rất thuận lợi để Hà Giang phát triển cây dược liệu. Việc tổ chức hội thảo thể hiện sự cởi mở của Hà Giang trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư. Các đồng chí cũng bày tỏ cam kết ủng hộ Hà Giang phát riển dược liệu, góp phần phát triển ngành dược liệu Việt Nam. Đồng thời lưu ý, trong quá trình phát triển, cần có sự thống nhất giữa các bộ ngành T.Ư đến địa phương, cần tạo dựng được liên kết ngành trong phát triển dược liệu…

Thay mặt Đảng bộ và chính quyền tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh và Chủ tịch UBND tỉnh Đàm Văn Bông củng nhấn mạnh quan điểm coi trọng đặc biệt đến chiến lược phát triển cây dược liệu nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào việc XĐGN, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Sự quan tâm, cam kết ủng hộ của các ngành, các cấp sẽ giúp cho Hà Giang quyết tâm trong quá trình phát triển Dự án dược liệu của địa phương. Qua hội thảo lần này với nhiều tham luận, báo cáo có chất lượng, có sự đầu tư thời gian, trí tuệ với nhiều thông tin, kinh nghiệm quan trọng, rất có ý nghĩa cho Hà Giang trong quá trình triển khai phát triển cây dược liệu.

Theo baohagiang.vn