Đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo vươn lên làm giàu từ trồng rừng nguyên liệu

08:42 PM 29/08/2017 |   Lượt xem: 12177 |   In bài viết | 

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Huyện M’Đrắk có nhiều diện tích đồi núi trọc, đất đai cằn cỗi gieo trồng các loại cây ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Địa phương vận động đồng bào các dân tộc chuyển phần lớn diện tích đất gò đồi, đồi núi trọc, đất trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng rừng; đồng thời, huyện tạo điệu kiện giúp đồng bào vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển kinh tế rừng.

Các ngành chức năng trên địa bàn huyện phân công cán bộ kỹ thuật  hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây rừng để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã vùng sâu Cư K’róa cho biết, địa phương có trên 70% gia đình tham gia phát triển nghề rừng bằng hình thức trồng  rừng với giống keo lai (hộ thấp nhất gần 1 ha nhiều nhất trên 10 ha). Nhờ vậy, hàng trăm gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Gia đình anh Nguyễn Văn Điêu, ở thôn 1 xã Cư K’róa chuyển 8 ha đất nương rẫy sỏi đá, cằn cỗi sang trồng keo lai; trong đó, 3,5 ha đã cho khai thác thu về trên 300 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Điêu cho biết thêm, khi vườn cây đến chu kỳ khai thác, thương lái vào tận vườn đặt mua với giá thỏa thuận, người trồng không phải lo khai thác, vận chuyển …

Bà Mạc Thị Pơ, thôn 1 xã vùng sâu Cư K’róa cho biết, gia đình trồng 3 ha keo lai cấy mô, giống này có ưu điểm vượt trội so với keo giâm hom là kháng tốt sâu bệnh, ít phân cành, sớm cho thu hoạch (từ 4 đến 5 năm, giống keo lai giâm hom phải mất từ 6 - 7 năm mới cho thu hoạch), thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai tại địa phương. Vừa rồi, gia đình bà đã khai thác đợt 1 thu về trên 200 triệu đồng…

Ngoài ra, các gia đình đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện M’Đắk liên kết với các doanh nghiệp như Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai, Công ty cổ phần Trồng rừng Trường Thành M’Đắk, Công ty TNHH Tam Phát…trồng rừng nguyên liệu để không những đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, tăng thêm độ che phủ rừng mà còn tăng thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.

Hiện, huyện M’Đắk có tổng diện tích rừng trên 72.897 ha; trong đó, 13.864 ha rừng trồng, diện tích còn lại là rừng tự nhiên. Trong tổng diện tích rừng trồng, rừng trồng của các hộ gia đình có trên 6.000 ha, còn lại là của các doanh nghiệp. Diện tích rừng trồng tập trung chủ yếu ở các xã Ea Trang, Cư K’róa, Cư San, Ea M’doan…/.

KT