Kiểm tra, đánh giá kết quả dự án xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường khu vực Đông Bắc
12:00 AM 09/12/2018 | Lượt xem: 4159 In bài viết |Từ ngày 03 đến 08/12/2018, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc (UBDT) do ông Trần Văn Đoài, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả dự án “Xây dựng mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực Đông Bắc” thực hiện năm 2018 tại xã Đông Thọ (Sơn Dương, Tuyên Quang) và xã Ngọc Động (Thông Nông, Cao Bằng).
Tham gia đoàn công tác và làm việc ở địa phương có Lãnh đạo Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc); Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Cao Bằng, UBND huyện, các phòng chuyên môn của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), huyện Thông Nông (Cao Bằng) là lãnh đạo UBND các xã triển khai dự án.
Mục tiêu của Dự án là Xây dựng thành công mô hình cải thiện vệ sinh môi trường cho hộ dân vùng dân tộc và miền núi khu vực Đông Bắc, thông qua chuyển giao kỹ thuật sản xuất phân bón từ nguồn rác thải sinh hoạt và phế phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong bảo vệ vệ sinh môi trường và góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. Tổng số hộ tham gia Dự án trên địa bàn 2 xã là 80 hộ, trong đó, năm 2018 có 34 hộ tham gia, năm 2019 có 46 hộ tham gia.
Qua kiểm tra công tác triển khai Dự án tại 02 xã, các hộ dân được tham gia đã tiếp cận với mô hình vệ sinh môi trường thông qua việc quản lý, thu gom phế phụ nông nghiệp và chăn nuôi để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp; vận hành và sử dụng có hiệu quả nhà vệ sinh tự hoại. Hoạt động của Dự án đã góp phần cải thiện vệ sinh môi trường và nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, xây dựng nông thôn mới bền vững và tăng thu nhập.
Mô hình của Dự án có mức đầu tư thấp, người dân có thể tận dụng các vật liệu sẵn có tại chỗ ở địa phương cùng với cách thức vận hành đơn giản, chế phẩm sinh học được bán rộng rãi trên thị trường đã tạo điều kiện để người dân sản xuất ra nguồn phân bón hữu cơ, mang lại giá trị kinh tế cho hộ gia đình. Việc xây dựng và vận hành nhà vệ sinh tự hoại đã được chỉ đạo tập huấn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hộ dân sử dụng thuận lợi và tiện ích, góp phẩn cải thiện công tác vệ sinh hàng ngày, bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
Dự án xây dựng mô hình đủ về số lượng, chất lượng, theo đúng thiết kế. Phần lớn các hộ đều chủ động đối ứng thêm vật liệu và ngày công lao động, qua đó đã xây dựng hố ủ phân có khối lượng chứa phân gấp 1,5-2 lần, khối lượng xây dựng công trình nhà vệ sinh tự hoại gấp 2-3 lần so với yêu cầu của Dự án. Ngoài ra, một số hộ đã kết hợp, xây dựng thêm nhà tắm kết hợp với hệ thống công trình để tăng cường tính tiện ích, giảm thiểu chi phí.
Chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với địa phương, thực hiện tốt các nội dung theo yêu cầu. Sản phẩm của Dự án đã được bàn giao cho người dân sử dụng, đã tập huấn và hướng dẫn theo quy trình. Việc chuyển giao công trình và quy trình ủ phân, nhà vệ sinh tự hoại cho hộ dân có sự phối hợp và giám sát chặt chẽ giữa Phòng Dân tộc, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Dân tộc huyện, chính quyền địa phương và người dân tham gia thực hiện Dự án.
Trần Đoài