Tảo hôn và những hệ lụy
10:13 PM 11/06/2018 | Lượt xem: 14733 In bài viết |Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 1,5 triệu người, trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương còn nhiều khó khăn. Do còn hạn chế về nhận thức, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xảy ra các trường hợp trẻ vị thành niên, chưa đến tuổi kết hôn đã về ở với nhau, sinh con, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Gia Lai đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020”. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa tìm được hướng giải quyết triệt để.
Những hệ lụy
Năm 2017, tỉnh Gia Lai có gần 1.400 cặp nam, nữ tảo hôn, trong đó 97% là người dân tộc thiểu số và đều nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. “Tảo hôn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai” - ông Kapa Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết.
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là địa phương có 64% dân số là người Jrai. Riêng năm 2017 địa phương này có đến 215 cặp tảo hôn là những đôi nam nữ đang độ tuổi đến trường, chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần đã làm cha, làm mẹ ở tuổi 14 - 15. Theo luật pháp, chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được đăng ký kết hôn và không thể tách hộ, vì vậy hầu hết các cặp tảo hôn này đều sống chung với cha, mẹ, làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình.
Chúng tôi đến gặp Rcăm H’Đưng (sinh năm 2003) ở buôn Ơi Khăm, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa khi em vừa mới sinh con chưa tròn tháng. H’Đưng là người dân tộc Jrai, em “bắt chồng” khi mới 14 tuổi. Rơ Ô Chương (chồng của H’Đưng) cũng chỉ mới 17 tuổi.
Đại gia đình H'Đưng, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, sống căn nhà sàn sập sệ, chật chội mượn tạm của làng. Cuộc sống khó khăn, con đau ốm, bệnh tật vì vợ chồng H'Đưng vừa trong diện tảo hôn và cả hôn nhân cận huyết thống.
Ksor H’Ben, sinh năm 2000, trú tại làng Chơ Bạng, xã Chư Gu, đang học lớp 11 đã nghỉ học “bắt chồng”. H’Ben cho biết em lấy chồng để có thêm người làm rẫy trong mùa mì sắp tới. Gia đình H’Ben đông con, thuộc hộ đặc biệt khó khăn của xã, 11 người sống trong căn nhà sàn cũ kĩ, ọp ẹp, phía trên dùng để ngủ, nấu nướng phía dưới chân nhà sàn. Gia cảnh nhà H’Ben rất nghèo, thiếu ăn, thiếu mặc cứ bám riết từ đời này qua đời khác.
Tảo hôn dẫn đến nghèo đói, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Tảo hôn, sinh con sớm làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1 - 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi. Nhiều trường hợp con em của các cặp vợ chồng tảo hôn không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần...
Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình của mỗi thành viên trong gia đình là rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, là gánh nặng cho xã hội. Mặt khác, phần lớn các đôi vợ chồng tảo hôn còn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều đôi đã tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Đáng buồn hơn có gia đình phải bán cả nhà để trả nợ cho lễ cưới rồi sau đó dắt díu nhau ra bìa rừng dựng lều ở tạm.
Còn khó khăn trong tuyên truyền, vận động
Cán bộ dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về vấn nạn tảo hôn nhằm giảm thiểu việc kết hôn sớm trong vùng dân tộc thiểu số.
Ngăn chặn tảo hôn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tảo hôn trong khối các trường học đặc biệt là với học sinh khối Trung học cơ sở.
Huyện Kông Chro là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai, có trên 10.000 hộ dân, trong đó, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%, chủ yếu là người dân tộc Bahnar. Tình trạng tảo hôn trong vùng dân tộc thiểu số còn phổ biến bởi công tác tuyên truyền ở đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của những quan niệm lạc hậu, chế độ mẫu hệ, tục nối dây, tục hứa hôn, nội hôn tộc người, ngoại hôn dòng họ tính theo họ mẹ. Đối với họ, việc bỏ tiền ra cưới vợ gả chồng sớm cho con cái cũng đồng nghĩa với việc trong nhà sẽ có thêm người, thêm lao động để làm nương, làm rẫy. Do vậy, những chính sách tuyên truyền của địa phương chưa đạt được hiệu quả.
Công tác tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn được các địa phương tích cực lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch làm việc. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí triển khai thực hiện các hoạt động đến cơ sở và do trình độ dân trí, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao. Cùng với đó, các trường hợp tảo hôn do thiếu sự quan tâm từ gia đình và các đoàn thể xã hội, công tác tuyên truyền còn hạn chế, nhiều bất cập nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn còn khá phổ biến.
Chị A Lê H’Bát, cộng tác viên dân số xã Đất Bằng, huyện Krông Pa chia sẻ: Để người dân hiểu tảo hôn là trái pháp luật và gây nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình, xã hội là cả một vấn đề nan giải. Mặc dù là người địa phương nhưng khi đi vận động, tuyên truyền, chị thường bị bà con xa lánh, đuổi ra khỏi nhà.
Già Ksor Bring, già làng Chơ Bạng, xã Chư Gu cho hay, ông thường xuyên tổ chức họp thôn, tuyên truyền vận động bà con chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, trong đó đặc biệt chú trọng việc tuyên truyền thanh niên trong làng không lấy nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Mặc dù vậy, khi các cặp nam nữ lấy nhau, họ đến báo cáo là thương nhau muốn về ở chung, già làng cũng không nỡ... cấm đoán.
Việc kết hôn sớm xuất phát từ suy nghĩ, thói quen, chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán nên nhiều trường hợp cho rằng việc lấy vợ, lấy chồng chỉ cần sự đồng ý của những người đứng đầu trong làng hoặc của cha mẹ hai bên và sự chứng kiến của gia đình, họ hàng, làng xóm.
(baotintuc.vn)