Tham vấn kết quả nghiên cứu Phân tích thực trạng phát triển kinh tế-xã hội của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam

04:44 PM 11/12/2018 |   Lượt xem: 5572 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội thảo

Việc xây dựng Báo cáo nghiên cứu nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa UBDT, WB và Chính phủ Úc với mong muốn đưa ra bằng chứng và những luận cứ về khoảng cách phát triển giữa các nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam, qua đó góp phần cung cấp các khuyến nghị cho việc triển khai xây dựng chính sách dân tộc cho thời gian tới.

Báo cáo nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng và định tính, dựa trên những kết quả đã công bố như: Điều tra thực trạng KT-XH 53 DTTS, chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ số nghèo đa chiều (MPI); kết hợp với khảo sát tại các địa phương, tham vấn người dân và chuyên gia để phân tích sâu về các nhóm được lựa chọn. Kết quả nghiên cứu cũng phân tích, chỉ rõ các yếu tố tác động cả trực tiếp và gián tiếp đến các nhóm DTTS như: cơ sở hạ tầng, kết nối kinh tế, đất sản xuất, sức lao động, kiến thức kỹ năng, tiếp cận tín dụng, rủi ro do thiên tai, sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị tạo ra thu nhập, yếu tố văn hóa, tiếp cận giáo dục, y tế, vai trò của giới… Từ việc phân tích các yếu tố tác động, Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra các nội dung phát hiện chính để từ đó đưa ra những khuyến nghị với nhiều giải pháp trên các lĩnh vực…

Khung phân tích các yếu tố tác động trực tiếp và gián tiếp đến các nhóm DTTS

Đánh giá cao các nội dung của Báo cáo nghiên cứu, các đại biểu đã thảo luận, góp ý nhiều nội dung nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả nghiên cứu, như: thống nhất thuật ngữ, tên gọi; đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan; vai trò, tác động của văn hóa của từng nhóm dân tộc; vấn đề tư liệu sản xuất, tiếp cận thị trường, khuyến nghị trong xây dựng chính sách, tăng cường để đạt mục tiêu thay đổi nhận thức của đồng bào…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Hà Việt Quân đã cảm ơn các ý kiến đóng góp, phân tích ở nhiều góc độ khác nhau, mang tính gợi mở và phản biện chính sách và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến thảo luận để hoàn thiện Báo cáo. Đồng thời, làm rõ sự khác biệt giữa các nhóm DTTS đạt mức độ thành công về mức sống với nhóm ít thành công hơn, thống nhất trong cách sử dụng thuật ngữ, câu chữ tránh những từ ngữ kỹ thuật, chuyên môn và tập trung hơn vào các nội dung phát hiện, các khuyến nghị cần hướng đến các đối tượng tham mưu và xây dựng chính sách để có thêm căn cứ trong xây dựng chính sách dân tộc trong thời gian tới.

Hoàng Hải