Thông tin giá cả thị trường số 16/2017

12:00 AM 16/05/2017 |   Lượt xem: 2636 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Huyện Chợ Mới (Bắc Kạn): Chuối tây trượt giá

Được xem là cây nông nghiệp chủ lực, mang lại thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc, thời gian qua, trên địa bàn huyện Chợ Mới, diện tích trồng cây chuối liên tục tăng với hàng trăm héc-ta. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, loại cây xóa đói, giảm nghèo này lại làm khổ người trồng vì giá bán liên tục giảm và rất bấp bênh.

“Cây thoát nghèo” một thời...

Chợ Mới là huyện miền núi của tỉnh Bắc Kạn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng được đánh giá rất phù hợp cho phát triển cây ăn quả, trong đó có cây chuối. Từ thực tiễn này, ngay từ năm 2011, Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện đã phối hợp với Tổ chức Care và Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc (ADC) mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chuối và hỗ trợ, hướng dẫn nông dân hình thành các tổ, nhóm liên kết trong trồng, chăm sóc và tiêu thụ chuối.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền (cấp giống, hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật...), người dân địa phương, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số đã chủ động đầu tư vốn mở rộng diện tích, canh tác theo hướng thâm canh cây chuối, nên từ vài chục héc-ta ban đầu, đến nay toàn huyện đã có gần 700 héc-ta cây chuối tây.

Đặc biệt, tại xã Thanh Vận, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ chính quyền, từ năm 2012, từ hợp phần hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, người dân đã được hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật nên diện tích trồng cây chuối tây tăng liên tục. Hiện toàn xã có trên 300 héc-ta, trong đó có gần 30 héc-ta được trồng bằng giống nuôi cấy mô tiên tiến.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Chợ Mới, nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật thì sau khi trừ chi phí, 1 héc-ta cây chuối tây đem lại giá trị kinh tế khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm.

Những năm đầu mới phát triển cây chuối tây trên địa bàn, khi vào vụ thu hoạch,  thương lái đến tận nơi thu mua hết sản lượng chuối của bà con. Nhờ đó, cây chuối thực sự trở thành cây thoát nghèo của hàng trăm hộ đồng bào địa phương.

... chuối không còn ngọt

Diện tích cây chuối tây trên địa bàn huyện Chợ Mới liên tục tăng với sản lượng chuối quả ngày càng lớn, song cũng từ đây, quy luật cung - cầu bắt đầu làm khó người trồng chuối. Sau vài năm đầu thuận lợi trong tiêu thụ, từ năm 2015 đến nay, giá thu mua chuối liên tục xuống thấp, có thời điểm chỉ còn ở mức 1.500 đồng/kg khiến nhiều nông hộ lỗ nặng. Thậm chí, vì giá quá rẻ nên không ít hộ đồng bào trồng chuối đã bỏ mặc không thu hoạch. Nhiều diện tích thâm canh chuối đang trở nên cằn cỗi, nhiễm sâu bệnh do người dân không chăm sóc khiến cây còi cọc, giảm sản lượng, chất lượng và càng mất giá. Hiện nay, bà con đang bắt đầu thu hoạch chuối nhưng sản lượng chuối năm nay thấp hơn trước, tư thương phải thu gom tại nhiều điểm mới đủ số lượng cho chuyến xe tải nhỏ vận chuyển.

Tương tự như cây chuối tây, trên địa bàn huyện Chợ Mới nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung trong những năm qua đã phát triển mạnh nhiều loại cây trồng được đánh giá là có chất lượng và giá trị cao (cây thuốc lá, gừng, ớt, dong riềng...). Tuy nhiên, vì thiếu cơ chế, chính sách cũng như hoạch định thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Trong khi đó, đa phần các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các mô hình chuyển đổi giống cây trồng này đều thuộc diện khó khăn về kinh tế, hạn chế về nguồn vốn. Do đó, nếu không tiêu thụ được sản phẩm sẽ khiến bà con hết sức khó khăn và là nguyên nhân làm suy giảm niềm tin của người dân vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp của chính quyền.

Hơn lúc nào hết, để cây chuối tây thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, trở thành cây trồng chủ lực, việc tìm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các sở, ngành chức năng trong việc hỗ trợ kỹ thuật, cải tạo diện tích chuối cằn cỗi, thay thế giống chuối bị nhiễm sâu bệnh, hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất, giới thiệu sản phẩm và kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết tiêu thụ.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hưng Yên: Mật ong hoa nhãn tiêu thụ mạnh

Cứ vào thời điểm tháng Ba (âm lịch) hàng năm, khi mùa hoa nhãn bắt đầu nở rộ cũng là lúc vào mùa của những hộ nuôi ong ở Hưng Yên. Trên khắp các vườn trồng nhãn râm ran tiếng ong vo ve tìm hoa làm mật.

Hiện nay, diện tích trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 4,5 nghìn héc-ta. Vào mùa hoa nhãn, các vườn nhãn mang đến một nguồn mật hoa đáng kể, tạo điều kiện cho khoảng 200 hộ gia đình trên địa bàn tỉnh phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Mật ong hoa nhãn có đặc điểm nổi trội về chất lượng với những giọt mật ong sánh vàng, đậm đà mà chỉ riêng vùng nhãn Hưng Yên mới có được.

Điểm đặc biệt là mật ong làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Thậm chí, ngay từ đầu vụ, nhiều khách hàng đã liên lạc đặt trước hoặc đến tận nơi quay mật để mua. Một hộ nuôi ong có kinh nghiệm cho biết, chất lượng chính là yếu tố hàng đầu quyết định việc tiêu thụ sản phẩm. Không có loại hoa nào khi làm mật mà đạt năng suất và chất lượng tuyệt vời như hoa nhãn. Trong khi đó, thời gian khai thác mật ong hoa nhãn không dài, chỉ khoảng 25 - 30 ngày.

Mùa nhãn năm nào cũng vậy, cứ đến hẹn lại lên từ bao đời nay, hoa nhãn nở trên khắp triền đê, vườn trại trồng nhãn đâu đâu cũng thấy những thùng ong đặt nối đuôi nhau. Tuy nhiên, năm nay, lượng hoa nhãn nở chỉ đạt khoảng 50 - 60% so với vụ nhãn năm ngoái nên số lượng đàn ong đến tìm mật cũng giảm một nửa. nhưng mật ong hoa nhãn Hưng Yên vẫn được khẳng định trên thị trường và có giá bán ổn định, thậm chí còn cao hơn mọi năm.

Năm nay, giá bán mật ong dao động khoảng 140.000 – 150.000 đồng/kg (mật ong ta) và 110.000 – 120.000 đồng/kg (mật ong Ý), cao hơn so với năm trước từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Người dân trong vùng rất phấn khởi vì ngay từ đầu vụ, mật ong đã được tiêu thụ mạnh, báo hiệu một vụ lấy mật bội thu.     

Đồng bằng sông Cửu Long:  Nguồn cung cá tra giống tăng

Sau khi đạt mức giá kỷ lục trong suốt 6 năm qua với 50.000 đồng/kg cá tra giống loại từ 45 - 50 con/kg trong những tháng đầu năm 2017, hiện nay, giá cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu hạ nhiệt bởi nguồn cung đang dồi dào trở lại.

Hiện giá cá tra giống trên địa bàn các tỉnh  ÐBSCL chỉ còn dao động từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước.  Nguyên nhân giá giảm do đang là mùa thuận để thả nuôi cá tra, nên nguồn cung cá tra giống bắt đầu dồi dào. Nhiều hộ sản xuất cá giống đã mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thả nuôi cá tra nguyên liệu.

Mặc dù giá cá tra giống còn ở mức cao nhưng người nuôi cá vẫn không ngần ngại đầu tư, mở rộng diện tích thả nuôi mới. Bởi giá cá tra nguyên liệu đang được các doanh nghiệp mua tại ao của nông dân là 26.000 - 26.500 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi cá tra thu được lợi nhuận từ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay. Cũng chính từ lợi nhuận này mà rất nhiều nông dân ở khu vực ĐBSCL tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi mới với hy vọng mang về lợi nhuận cao, bù đắp sản xuất thua lỗ các năm trước.

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra mới ở khu vực ĐBSCL đạt 739 héc-ta, tăng 26 héc-ta so với cùng kỳ. Diện tích thu hoạch đạt 672 héc-ta, tăng 26,9% so với cùng kỳ. Các địa phương có diện tích thả nuôi mới nhiều nhất là tỉnh: Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ...  Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành thủy sản, việc mở rộng diện tích nuôi mới cá tra ồ ạt sẽ mang đến nhiều rủi ro lớn do nguồn cung vượt cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cá nguyên liệu giảm trở lại, tăng nguy cơ thua lỗ của người nuôi.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Cà Mau: Giá tràm tăng cao

Hiện nay, các hộ trồng tràm trên địa bàn tỉnh Cà Mau rất phấn khởi bởi giá tràm đang tăng.

Thời điểm này, tràm được thương lái vào tận nơi thu mua với giá từ 80 đến 120 triệu đồng/héc-ta tràm trồng theo hình thức quảng canh và 160 – 180 triệu đồng/héc-ta đối với tràm trồng theo hình thức thâm canh; tăng từ 20 đến 60 triệu đồng/héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi hộ trồng tràm thu lời từ 80 đến 120 triệu đồng/héc-ta.

Theo nhiều thương lái, nguyên nhân giá tràm tăng là do cung không đủ cầu. Tràm trồng ở rừng U Minh Hạ có chất lượng gỗ tốt nên giá mua cao hơn so với những nơi khác.

Quảng Ngãi: Ớt bất ngờ tăng giá gấp đôi

Sau nhiều tuần giảm giá kể từ đầu vụ đến nay, hiện giá ớt tươi trên địa bàn Quảng Ngãi đang tăng trở lại và được thương lái thu mua từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với đầu tháng Tư. Vì vậy, hàng ngàn nông dân Quảng Ngãi lại hối hả ra đồng, vườn thu hoạch để bán.

Vụ ớt hàng năm của người dân trong tỉnh bắt đầu trồng từ khoảng tháng Mười Một (âm lịch) năm trước, đến khoảng tháng Ba (âm lịch) năm sau thì thu hoạch đợt đầu tiên và kéo dài đến tháng 7 thì hết vụ. Chi phí đầu tư cho ớt khoảng 4 - 5 triệu đồng/sào. Từ  2 - 3 năm trở lại đây, cây ớt đã mang lại cho người dân lợi nhuận lên đến 10 - 25 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác mang lại. Riêng vụ năm 2016 vừa qua, có thời điểm giá tăng cao lên đến 60.000 đồng/kg, trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng trên 30 triệu đồng/sào/vụ. Chính vì vậy, vụ ớt năm 2017 này, người dân Quảng Ngãi từ đồng bằng lên đến miền núi đã đổ xô trồng ớt.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi, diện tích ớt năm nay tăng mạnh so với năm ngoái. Trong đó, trồng nhiều nhất là huyện Bình Sơn trên 300 héc-ta; xã Nghĩa Hà, thành phố Quảng Ngãi khoảng 45 héc-ta, cao gấp 1,5 lần so với mấy vụ trước... Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ ớt chủ yếu là xuất bán sang Trung Quốc nên đầu ra vô cùng bấp bênh.

Tiền Giang: Bưởi da xanh trái mùa sốt giá

Ở thời điểm này, bưởi da xanh ở tỉnh Tiền Giang đang sốt giá. Bưởi da xanh loại 1 có giá từ 55.000 đồng/kg trở lên, loại thường giá cũng trên 50.000 đồng/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Giá bưởi tăng cao do nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh, nhiều doanh nghiệp tăng cường thu mua phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, vào mùa khô hạn như hiện nay, bưởi da xanh thường giảm năng suất. Đối với những vườn bưởi da xanh ở vùng cù lao ven sông Tiền thuộc thành phố Mỹ Tho, huyện Cái Bè do chủ động được nguồn nước ngọt nên nhà vườn trúng mùa, trúng giá.

Hiện nay, bưởi da xanh là loại trái cây có múi cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhiều loại trái cây khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Tiền Giang có vùng chuyên canh bưởi gần 4.000 héc-ta, chủ yếu là giống bưởi da xanh, còn lại là giống bưởi Năm Roi và Lông Cổ Cò, tập trung ở các huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy.       

Đồng Nai: Hạt điều cuối vụ vẫn giữ giá cao

Tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, hiện nay cây điều đã vào cuối vụ thu hoạch. Tuy giá thu mua hạt điều có giảm so với đầu vụ nhưng vẫn ở mức cao, vào khoảng 37.000 đồng/kg (cùng kỳ năm ngoái giá điều khoảng 28.000 đồng/kg). Thông thường, giá điều giảm vào thời điểm cuối vụ do đã xuất hiện một số cơn mưa rải rác, lượng nước trong hạt cao hơn nên chất lượng hạt điều không bằng đầu vụ.

Toàn huyện Cẩm Mỹ có trên 2.800 héc-ta cây điều đang cho sản phẩm. Năng suất vụ điều năm 2017 ước đạt 8 tạ/héc-ta, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do một số diện tích ra hoa sớm, gặp mưa làm rụng hoa và trái non với tỷ lệ từ 40 - 50%. Một số diện tích mất trắng hoàn toàn tại các xã Sông Nhạn, Xuân Quế. Bên cạnh đó, một số dịch hại làm ảnh hưởng đến năng suất cây điều, như: bệnh thán thư, bọ xít muỗi, bọ trĩ. Năng suất thấp cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá điều giữ được mức cao như hiện nay.                          

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Định: Giá gia cầm giảm, người nuôi lao đao

Từ đầu năm đến nay, giá thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm liên tục giảm mạnh và ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, gây thua lỗ cho người chăn nuôi, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gia trại. Do vậy, nhiều trang trại, gia trại không mặn mà với việc tái đàn vật nuôi, thậm chí bỏ trống chuồng để tránh bị thua lỗ.

Chủ gia trại chăn nuôi gà ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước cho biết, trứng gà công nghiệp hiện chỉ ở mức từ 1.500 - 1.600 đồng/quả, giảm 400 - 500 đồng/quả so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 100 - 200 đồng/quả. Đặc biệt, giá trứng giảm mạnh khiến nhiều gia trại nuôi gà siêu trứng lao đao. Thông thường mọi năm, từ giữa tháng Hai (âm lịch), giá trứng bắt đầu tăng mạnh, nhưng năm nay, giá trứng gia cầm giảm mạnh và kéo dài nên rất khó dự đoán. Hầu như không có trang trại nào dám tái đàn, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi gia trại nhỏ lẻ còn bỏ trống chuồng để tránh lỗ.

Ngoài ra, do giá gà thịt xuống thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nên không có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi nhập giống tái đàn. Nhiều người chăn nuôi cho rằng, nếu tái đàn vào thời gian này đến tháng Bảy (âm lịch) sẽ xuất chuồng. Tuy nhiên, đây là thời gian người dân ăn chay nhiều, nên khả năng giá gà thịt sẽ tiếp tục ở mức thấp. Do đó, hầu hết các trang trại, gia trại không tái đàn.

Trước tình hình giá gia cầm ở mức thấp, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định đã khuyến cáo các địa phương trong tỉnh không phát triển chăn nuôi tự phát theo phong trào để hạn chế cung vượt cầu. Khuyến khích các doanh nghiệp, chủ trang trại, gia trại có năng lực tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao về con giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến. Đặc biệt, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình liên kết chuỗi từ việc phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Chi cục cũng kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm, xem xét, tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi cho người chăn nuôi trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Huyện Chư Prông (Gia Lai): Đẩy mạnh tái canh cây cà phê

Theo kế hoạch, trong năm 2017, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện tái canh hơn 460 héc-ta cây cà phê già cỗi của 163 hộ dân. Nguồn vốn để thực hiện tái canh dự kiến hơn 33 tỷ đồng.

Theo đó, mỗi héc-ta cây cà phê già cỗi, người dân sẽ được hỗ trợ vay 150 triệu đồng với lãi suất thấp trong thời hạn vay là 8 năm. Trong đó, 4 năm đầu người dân chưa phải trả lãi và gốc. Để triển khai chính sách cho vay vốn tái canh cà phê trên địa bàn 15 xã, thị trấn của huyện, đại diện ngân hàng đã hướng dẫn người dân các thủ tục cho vay tái canh cà phê và các vấn đề liên quan như: đối tượng vay vốn, hình thức vay tái canh, điều kiện vay vốn, lãi suất vay vốn, thời gian tính lãi và giống tái canh…

Huyện Chư Prông hiện có khoảng 13.300 héc-ta cà phê trong thời kỳ kinh doanh, trong đó, nhiều diện tích đã già cỗi, cho năng suất thấp. Những năm qua, huyện đã chú trọng vận động bà con tái canh cà phê để nâng cao năng suất cây trồng. Kết quả đến nay, toàn huyện đã tái canh được gần 400 héc-ta cà phê và tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Chư Prông cũng là 1 trong 3 huyện của tỉnh Gia Lai thực hiện Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” nên ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai các hợp phần nhằm khuyến khích bà con tham gia. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện Chương trình Hỗ trợ canh tác nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn, Chương trình “Cho vay tái canh cà phê” của Chính phủ để vận động và hỗ trợ nông dân tái canh cà phê theo hướng bền vững; phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 2.000 héc-ta cà phê tái canh.

Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Chư Prông cũng sẽ mở các lớp tập huấn để triển khai cách chăm sóc cây cà phê; cử cán bộ nông nghiệp đến tận nơi tư vấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho các hộ dân.                                                        

HÀNG VIỆT

Cao khô Vạn Linh - Đặc sản mũi nhọn của huyện Chi Lăng

Với bà con dân tộc Nùng ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, mỳ khô (hay còn gọi là cao khô) được chế biến từ những hạt gạo địa phương là món đặc sản luôn được đem ra đãi khách phương xa với niềm tự hào.

Tuy không nhiều làng nghề truyền thống nhưng Lạng Sơn cũng có những làng nghề mang đậm nét văn hóa đặc trưng. Tiêu biểu như nghề làm cao khô xã Vạn Linh (Chi Lăng), cao khô xã Tân Liên, nghề thổ cẩm ở xã Hòa Cư, nghề làm ngói ở xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn)… Trong đó, sản phẩm cao khô Vạn Linh của làng nghề Vạn Linh ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Nguyên liệu chính mà bà con sử dụng để sản xuất cao khô là từ gạo đoàn kết và gạo bao thai. Quy trình sản xuất cao khô không quá phức tạp, tuy nhiên mất khá nhiều thời gian, công sức. Hơn nữa, để sợi cao giữ được độ dai dẻo, không nát thì ở mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ có sự tỉ mỉ và kinh nghiệm. Trước kia, khi mọi công đoạn đều làm bằng phương pháp thủ công, trung bình một mẻ cao khoảng 20 kg phải làm mất 2 - 3 ngày. Hiện nay, có máy tráng tự động, sản lượng tăng cao, nhưng thời gian thì không thay đổi. Gạo sàng sảy kỹ, vo đãi thật sạch, đem ngâm chừng 2 giờ trước khi nghiền. Gạo nghiền càng kỹ, càng mịn thì sợi mỳ càng mượt mà, bóng bẩy. Vì vậy, mỗi gia đình làm cao khô ở Vạn Linh đều đặt làm riêng một chiếc cối đá chứ không dùng cối nghiền công nghiệp.

Bột nghiền xong, tiếp tục ủ qua một đêm, lắng xuống, gạn nước bên trên, sau đó hòa bột với nước sạch rồi mới đem đi tráng bánh. Bột gạo được tráng vào các khuôn kim loại bỏ vào nồi hơi cho chín rồi mới trải ra phên đem phơi. Trong quá trình tráng, phải lưu ý để tấm cao không quá dày, cũng không quá mỏng. Nhiệt độ là yếu tố quan trọng. Nếu để lửa quá nhỏ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh. Lửa lớn quá thì hao than củi, làm tăng giá thành sản phẩm. Bánh sau khi phơi khô tiếp tục được chần qua nước ấm cho mềm. Đây là công đoạn đòi hỏi kinh nghiệm của người thợ làm cao bởi nóng quá thì bị bở, nguội quá lại chưa đủ độ mềm. Cao tấm chần xong sẽ được xếp thành chồng, rồi dùng một tấm ván rộng, to và nặng ép lên cho phẳng phiu trong 2 giờ, sau đó gấp lại, hong gió qua 1 đêm rồi thái. Sợi cao tiếp tục được phơi cho khô hoàn toàn, bó lại thành từng bó, đóng bao bán ra thị trường.

Ngay cả khi đã chọn được gạo ngon, qua bàn tay những người thợ lành nghề, thì chất lượng của một mẻ cao thành phẩm còn phụ thuộc vào thời tiết. Nếu được ngày nắng ráo, cao phơi được khô sẽ ngon hơn. Gặp trúng ngày mưa, cao không phơi được sẽ bị mốc, nát. Theo kinh nghiệm của bà con, từ tháng Tư đến tháng Sáu là thời gian thuận lợi nhất để làm cao khô. Gặp ngày mưa bất thường, hoặc phải sản xuất cho kịp đơn đặt hàng vào các tháng mùa mưa thì bà con chỉ có thể dùng than củi để hong cao. Cách làm này ít nhiều làm giảm mùi vị đặc trưng của cao khô Vạn Linh.

 Bao năm qua, cao khô Vạn Linh được người dân Lạng Sơn và các vùng lân cận ưa chuộng. Nghề làm cao khô đã giúp không ít hộ gia đình ở Vạn Linh xóa đói, thoát nghèo. Toàn xã có khoảng 90 hộ duy trì nghề truyền thống này với sản lượng hơn 40 tấn/tháng. Cao khô Vạn Linh đang là một trong những sản phẩm mũi nhọn được huyện Chi Lăng đầu tư phát triển.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Đình chỉ các cơ sở sản xuất rượu thủ công

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), thời gian qua, các địa phương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó tập trung vào các cơ sở sản xuất rượu thủ công.

Gia Lai: 9 cơ sở sản xuất rượu thủ công vi phạm

Tại tỉnh Gia Lai, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 9 cơ sở sản xuất rượu thủ công vi phạm các qui định về bảo đảm ATVSTP ở huyện Chư Sê, thị xã An Khê và TP. Pleiku.

Qua kiểm tra, đoàn phát hiện cả 9 cơ sở này đều vi phạm các qui định về bảo đảm ATVSTP và đã lập biên bản đình chỉ hoạt động của 9 cơ sở này. Đa số các các cơ sở sản xuất rượu đều vi phạm các lỗi như: khu sản xuất, nấu rượu chưa bố trí riêng, không cách ly với khu vực nuôi nhốt vật nuôi, gia súc. Cơ sở sản xuất nhếch nhác, bẩn thỉu và gần chuồng nuôi heo; ruồi nhặng bu bám trên các vật dụng đựng cơm rượu. Chủ cơ sở chưa cung cấp được nguồn gốc men rượu… Đặc biệt, một số chủ cơ sở không cung cấp được các giấy tờ, hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực sản xuất rượu và không được trang bị các kiến thức về ATVSTP. Trước tình trạng này, đoàn kiểm tra đã hướng dẫn các cơ sở đến các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thành hồ sơ pháp lý tiếp tục sản xuất rượu thủ công.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai, mục đích của đợt kiểm tra lần này tập trung vào các cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các cơ sở và ngăn ngừa ngộ độc rượu trong cộng đồng. Sau đợt kiểm tra, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn về ATVSTP cho Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP các xã của 3 huyện. Sau đó sẽ mở rộng sang các địa phương khác nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước của các Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP các xã, phường, địa phương vùng sâu, vùng xa.

Hà Tĩnh: Tiêu hủy gần 500 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc

Đoàn kiểm tra chuyên ngành ATVSTP  tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất và đình chỉ hoạt động sản xuất rượu đối với Công ty TNHH Rượu và Nước giải khát Hà Anh vì có nhiều vi phạm về ATVSTP.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này có các dụng cụ đựng nguyên liệu ủ cơm lên men để nấu rượu không được đậy kín dẫn đến mốc, bụi, mất vệ sinh; khu vực sản xuất rượu cũng như kho bảo quản quá bẩn, không đảm bảo ATVSTP; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, xét nghiệm định kỳ đã quá thời hạn... Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản thu hồi giấy công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở phải ngừng sản xuất rượu và tiến hành thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra chuyên ngành ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn huyện Can Lộc. Qua đó, phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh rượu không đưa ra được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của rượu (hầu hết rượu được nhập từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn)… Đoàn đã tiến hành nhắc nhở và giao các chủ cơ sở kinh doanh tự tiêu hủy gần 500 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc.

Thời gian tới, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ ATVSTP tại các cơ sở kinh doanh rượu dưới mọi hình thức, như: bán buôn, bán lẻ tại các cửa hàng ăn uống. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, hướng dẫn người tiêu dùng chỉ sử dụng những sản phẩm rượu có nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)