Thông tin giá cả thị trường tuần từ 01/03/2014 đến 07/03/2014

04:18 PM 01/03/2014 |   Lượt xem: 2747 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hiệu quả từ mô hình cánh đồng mẫu dừa

Để tạo vùng nguyên liệu dừa lớn phục vụ cho xuất khẩu, đảm bảo sản phẩm dừa được tiêu thụ với giá ổn định, tăng thu nhập cho người dân, tỉnh Bến Tre đã quyết định triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu trên cây dừa (CĐMD), qua đó tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân (ND), giảm các chi phí trung gian, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho ND, góp phần xây dựng nông thôn mới . Tỉnh Bến Tre đã triển khai thí điểm ở xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Bước đầu, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người trồng dừa.

Mô hình “độc” nhất cả nước

Mấy năm trước, trồng dừa ND thu lợi nhuận không nhiều vì phải qua khâu trung gian, vận chuyển. Từ khi bà con tham gia cánh đồng mẫu, không chỉ chi phí sản xuất giảm mà còn tăng thu nhập từ việc trồng xen cây ăn quả và nuôi tôm càng xanh. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, mô hình CĐMD ở huyện Giồng Trôm là mô hình “độc” nhất của cả nước kể cả về quy mô lẫn số hộ dân tham gia. Ông Huỳnh Thanh Hùng – nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, người “khởi xướng” và rất tâm huyết với mô hình này cho biết: Tháng 7/2012, mô hình CĐMD đã được triển khai trên địa bàn xã Châu Bình với quy mô gần 1.200 héc-ta, gần 1.800 hộ dân tham gia. Mô hình đã giúp các nông dân liên kết, hỗ trợ lẫn nhau theo quy trình sản xuất tiến bộ, góp phần thay đổi tập quán canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Với mô hình này, dù thị trường tác động như thế nào, người trồng dừa vẫn có thể tiêu thụ sản phẩm thông qua sự liên kết với DN. “Ngoài việc được hỗ trợ đầu vào như: Cây giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình còn bán dừa với giá cao hơn thị trường nên ai nấy cũng đều phấn khởi. Phấn khởi nhất là khi tham gia vào mô hình này thì đầu ra của trái dừa đều được các doanh nghiệp bao tiêu” – anh Nguyễn Văn Lộc, một nhà vườn hồ hởi nói. Đa phần các hộ dân tham gia mô hình đều tỏ ra hết sức tâm đắc, bởi không chỉ sản phẩm được ổn định đầu ra, giá cao, thì lợi ích lâu dài là vườn dừa được cải tạo một cách bài bản, tươi tốt và cho năng suất cao hơn.

Mô hình CĐMD tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Theo đó, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp; giữa nông dân với doanh nghiệp thu mua sản phẩm dừa; nông dân và nhà khoa học (qua việc thành lập tổ hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ nông dân quy trình sản xuất tiên tiến); nông dân với Nhà nước (giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện để nông dân vay vốn sản xuất, vận động doanh nghiệp tham gia mô hình).

Nhân rộng mô hình

Diện tích dừa tham gia CĐMD đang ngày càng tăng và hiệu quả kinh tế cũng thay đổi rõ rệt, qua đó cho thấy chủ trương này là đúng đắn, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Ông Võ Văn Nam – Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết: "Mô hình CĐMD là loại hình kinh tế hợp tác có tính chất bền vững cũng là cách hiệu quả để người dân cùng nhau liên kết làm ăn, không lo về đầu vào và đầu ra. Thời gian đầu thử nghiệm mô hình gặp không ít khó khăn. Một số ND không tuân thủ đúng quy trình đã được hướng dẫn, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, rồi hệ thống thương lái thu mua chi phối lớn đến lợi nhuận của ND... Qua gần 2 năm triển khai mô hình CĐMD nhận được sự đồng tình của bà con rất cao. Để mô hình đem lại hiệu quả cao nhất, chúng tôi triển khai thí điểm mô hình trồng mẫu để qua đó giúp bà con nông dân quan sát, học tập, truyền đạt kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật kể cả về mật độ và diện tích trồng dừa nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất”. Ngoài lợi nhuận từ cây dừa, mô hình trên còn giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập bằng cách tham gia sơ chế dừa trái tại các điểm thu mua, với thu nhập khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong quá trình thực hiện mô hình, ngành nông nghiệp tỉnh còn định hướng bà con nhà vườn thực hiện một số mô hình nuôi trồng xen canh trong vườn dừa, như trồng cây ca cao, chanh, bưởi, nuôi ong lấy mật... góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con.


Ngoài các công ty đã liên kết, định hướng trong thời gian tới ngành nông nghiệp địa phương tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia mô hình. Theo đó, các công ty này sẽ phối hợp với các nhà khoa học tổ chức lớp các hội thảo, tập huấn; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm dừa cho người dân. 
 

MUA GÌ?

Tây Nguyên: Cà phê ở mức giá cao

Giá cà phê nhân xô trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên dao động ở mức 38.400 - 38.900 đồng/kg, tăng từ 700.000 - 1.100 đồng/kg so với cuối tuần trước, trong đó cà phê tại Gia Lai có mức tăng cao nhất, đạt 38.900 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đây là mức tăng giá cao nhất từ đầu niên vụ tới nay, cũng là mức tăng cao nhất trong 6 tháng qua.

Đồng bằng sông Cửu Long: Trồng rau lỗ nặng

Bà con trồng rau chuyên canh ở thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long cho hay, tuy gắng sức chăm bón tươi tốt nhưng giá bán “nóng lạnh” thất thường như thời tiết thì cũng chịu thua. Cách đây 3 tuần, giá bắp cải dao động ở mức 5.000 đồng/kg thì nay rớt xuống 2.000 đồng/kg; củ cải trắng 1.000 - 2.000 đồng/kg, giảm mất hơn phân nửa giá so với thời điểm bán Tết. Thậm chí cà chua giá chỉ 500 - 1.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi công đất trồng hoa màu lỗ vài triệu đồng. Trong khi đó, ở vùng màu xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nông dân trồng hành lá đang rất lo lắng bởi giá giảm ở mức thấp chưa từng thấy. Theo ông Trần Công Lý ở xã Long Thuận trồng 2 công hành lá, dự tính thu khoảng 3 tấn, chi phí vốn bỏ ra gần 5 triệu đồng/công. Nếu bán chưa tới 4.000 đồng/kg sau 2 tháng trồng xem như trắng tay.

Giá phân bón sẽ tiếp tục giảm mạnh

Đây là dự báo do Bộ Công Thương đưa ra. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014 nhu cầu phân bón các loại của cả nước khoảng 11 triệu tấn, tăng hơn mức 10,3 triệu tấn năm 2013. Trong đó, nhu cầu phân urê là 2,2 triệu tấn, phân DAP 900.000 tấn, phân NPK 4 triệu tấn... Với sản lượng 8 triệu tấn phân bón các loại, doanh nghiệp trong nước đã chủ động được gần 80% nhu cầu. Riêng phân urê, do Nhà máy Đạm Cà Mau sẽ nâng sản lượng từ 150.000 tấn/năm lên 500.000 tấn/năm, dự kiến, đến cuối năm phân urê sẽ dư thừa khoảng 400.000 tấn. Sự bão hòa về cung - cầu cũng sẽ kéo giá thành phân bón tiếp tục giảm mạnh.

Gia Lai: Nông dân được mùa khoai mì

Với diện tích gieo trồng hơn 4.800 héc-ta, năng suất bình quân đạt được 25 tấn tươi/héc-ta, tổng sản lượng mì tươi của huyện Kông Chro ước đạt hơn 100.000 tấn. Hiện nay, giá mì khô được tư thương thu mua từ 3.600 - 3.800 đồng/kg, với mức giá này, sau khi trừ các khoản chi phí thu lãi từ 20 - 25 triệu đồng/héc-ta. Do đây cũng là thời gian bước vào vụ thu hoạch dưa hấu và một số diện tích mía còn lại, nên việc tìm kiếm nguồn nhân công thu hoạch mì rất khan hiếm và giá thuê nhân công cũng tăng lên khoảng 10% đến 20% (140.000 đồng/người/ngày). Bên cạnh đó, hầu hết các thương lái chủ yếu thu mua mì khô để nhập hàng về cảng Quy Nhơn, trong khi Nhà máy Chế biến Tinh bột sắn Gia Lai, cơ sở 2 tại thị xã An Khê chưa bước vào vụ sản xuất, nên để bán được mì thuận lợi, nông dân phải mất thêm chi phí thuê nhân công cho công đoạn chế biến thành mì khô.

Giá tiêu dùng tháng 2/2014 tăng thấp vì tiêu dùng yếu

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2014 tăng 0,55% so với tháng trước và tăng 1,24% so với tháng 12 năm trước. Ở gốc so sánh khác, so cùng tháng năm trước, CPI chỉ tăng 4,65%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Hà Nội và TP.HCM đã công bố mức tăng CPI khá thấp trong vòng 10 năm trở lại đây, với các mức tương ứng 0,49% và 0,24%. Trong số các tỉnh được Tổng cục Thống kê chọn công bố CPI, các tỉnh thành còn lại cũng có mức tăng thấp hơn 2 thành phố trên và đều dưới 1%. Thực tế phản ánh công tác bình ổn giá ở thành phố lớn thường triển khai hiệu quả và quy mô lớn hơn các tỉnh khác. Ví như CPI của Vĩnh Long tăng 0,99% nhưng bên kia sông Hậu, qua một cây cầu lớn, CPI của thành phố Cần Thơ chỉ tăng 0,51%.

Trong tháng, mặc dù chiếm trọn thời gian Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng nhưng sức mua của người dân không ở mức cao như mọi năm, không có hiện tượng sốt giá hay khan hiếm hàng bán ở các ngày và các mặt hàng tiêu dùng. Đồng thời, mức tăng của các nhóm mặt hàng thường tăng giá vào dịp lễ Tết như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá hay nhóm văn hóa, thể thao vào du lịch năm nay đều tăng thấp hơn so với cùng tháng của các năm gần đây. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân đang phải cân nhắc rất kỹ trong tiêu dùng để cân đối với các khoản thu trong tình hình kinh tế khó khăn thời gian qua.

Giá cả trong tuần:      

Tại Thái Nguyên

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Đạm Hà Bắc

13.000

NPK

5.500

Lân Lâm Thao

5.000

Kali đỏ (Cloruakali)

11.000

Tại Lâm Đồng

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Đạm SA

6.500

NPK Cò Pháp (20+20+15)

15.000

NPK Việt Pháp (7+7+14)

12.000

Kali đỏ (Cloruakali)

11.000

Kali trắng

14.000

Urê Phú Mỹ

11.500

 Tại An Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

NPK Cò Pháp (20+20+15)

15.500

NPK Đầu Trâu (16+16+18)

13.000

Lân Long Thành

4.000

DAP (Nâu)

12.000

DAP (Mỹ)

13.000

Urê Phú Mỹ

11.000

BÁN GÌ?

Tây Nguyên: Tiêu được mùa, được giá

Ngay trong những ngày đầu năm, bà con nông dân ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang bước vào mùa thu hoạch rộ hồ tiêu. Điều đáng mừng là sau khi trải qua đợt bị nhiễm bệnh, tiêu chết hàng loạt... nhưng năm nay hồ tiêu tại Tây Nguyên không chỉ được mùa, mà giá cũng cao hơn hẳn mọi năm, điều này khiến bà con nông dân nơi đây vui mừng như được “ăn Tết thêm một lần nữa”.

Giá tăng cao

Tính đến nay tỉnh Đắk Lắk có khoảng hơn 9.750 héc-ta tiêu, trong đó có gần 5.500 héc-ta tiêu cho thu hoạch sản phẩm. Diện tích tiêu này tập trung nhiều nhất ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păc và nằm rãi rác tại một số địa phương khác. Điều khiến bà con nông dân nơi đây phấn khởi là hiện nay giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, bình quân 140.000 - 150.000 đồng/kg. Đặc biệt giá tiêu hạt khô loại 1 được thương lái thu mua tại vườn với từ 170.000 - 180.000 đồng/kg, tăng gần 40.000 đồng/kg so với mấy tháng trước.


Ở Đắk Lắk nơi có diện tích và sản lượng lớn phải kể đến huyện Cư Kuin khoảng gần 1.500 héc-ta, với diện tích hồ tiêu kinh doanh chiếm 595,3 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Hu, Ea Tiêu… Hiện bà con nông dân tại địa phương đang tiếp tục tiến hành thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2013 - 2014 với năng suất bình quân đạt gần 3 tấn/héc-ta, dự kiến vụ tiêu này toàn huyện sẽ thu được tổng sản lượng trên 3.000 tấn.

Niên vụ tiêu năm nay được mùa, hơn nữa giá tiêu hạt trên thị trường luôn giữ ở mức khá cao, bình quân 150.000 đồng/kg nên nhiều hộ nông dân khác ở các địa phương như Krông Buk, K rông Păc, Buôn Đôn… cũng bước vào vụ thu hoạch với tâm lý phấn khởi. Ông Lê Văn Hải, xã Ea Nhôn, huyện Buôn Đôn hiện trồng hơn 800 trụ tiêu và đang cho thu hoạch năm thứ ba, dự tính sản lượng khoảng 2,8 tấn tiêu hạt, tăng 1,2 tấn so với vụ trước. Với giá thị trường hiện nay, vụ tiêu này ông Hải dự kiến thu về khoảng 420 triệu đồng. 

Cân nhắc trong việc mở rộng diện tích
 

Theo tính toán của các hộ nông dân trồng tiêu thì với mức giá này, mỗi héc-ta hồ tiêu nông dân có thể đạt doanh thu từ 300 - 350 triệu đồng, trừ hết chi phí cũng còn lãi trên 50%. Đây là mức lợi nhuận khá cao vì so với các loại cây trồng khác thì mức lợi nhuận đạt 40 - 50 triệu đồng/héc-ta đã là cao. Tuy nhiên, điều này cũng cảnh báo nhiều hệ lụy rất nguy hiểm như: Phá vỡ quy hoạch cây trồng khác, hoặc những người có tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh sẽ chăm sóc vượt mức yêu cầu dinh dưỡng bình thường. Vì vậy dễ dẫn đến việc lạm dụng phân bón hóa học dẫn đến cây tiêu dễ bị nhiễm sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến cây tiêu. Hơn nữa vì lợi nhuận kinh tế bà con lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Không chỉ vậy, với giá tiêu như hiện tại, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn trong việc ồ ạt chặt phá cà phê để trồng tiêu thay thế. Điều này còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây trồng này.

Đặc biệt, hiện tiêu đang được giá khiến nhiều hộ nông dân đã đổ xô đi vay mượn tiền khắp nơi để về đầu tư cây giống, trụ cây, phân bón chăm sóc. Điều này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao bởi cây tiêu có tính rủi ro rất cao so với các loại cây trồng khác… Bài học từ thực tế ở một số hộ dân vay mượn tiền để đầu tư trồng tiêu ở những năm trước không phải là không có. Do vậy trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo người dân nếu trồng tiêu nên chọn phương thức bền vững, chi phí đầu tư thấp. Đặc biệt, chỉ trồng bằng nguồn vốn tự có của gia đình, không nên đi vay.
 

Thiết nghĩ, hồ tiêu là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng tính rủi ro cũng rất lớn. Việc giá tiêu tăng cao như hiện nay là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tiềm ẩn những nỗi lo trong thời gian tới nếu người dân tiếp tục chạy đua mở rộng về diện tích. Do vậy ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ nên trồng hồ tiêu với diện tích theo quy hoạch của từng vùng, từng nơi.
 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai: Đan lát xuất khẩu phục hồi

- Trong năm 2013, hàng đan lát xuất khẩu có nhiều chuyển biến tốt hơn về thị trường. Không chỉ tăng ở thị trường Mỹ, kim ngạch tại các thị trường khác, như: EU, Nhật Bản hay các quốc gia Đông Âu cũng được cải thiện.

- Hiện tại, hàng đan lát Việt có lợi thế hơn nhờ giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao.

Các doanh nghiệp (DN) cũng không còn thường xuyên ở trong cảnh “ăn đong” đơn hàng như trước. So với nhiều ngành hàng khác thì đan lát xuất khẩu đang có nhiều triển vọng mới. Mùa sản xuất hàng năm 2013 dự kiến sẽ kết thúc vào khoảng cuối tháng 3/2014, nhưng có DN phải kéo dài sang đến hết tháng 4 do đơn hàng còn khá nhiều. Nhiều DN cũng khẳng định, nhờ lượng hợp đồng về nhiều nên có thể lựa chọn được các đơn hàng phù hợp và mức giá cũng tốt hơn; đặc biệt có DN trên địa bàn cho biết, khách hàng châu Âu luôn mời chào các đơn hàng lớn với mức giá cũng hấp dẫn hơn.

Theo Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, thời gian gần đây Trung Quốc đã tổ chức cơ cấu lại nguồn lao động khá mạnh. Chính vì vậy, một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động không còn là lợi thế của các DN Trung Quốc nữa, trong đó có ngành hàng đan lát xuất khẩu.

Ông Phạm Quang Đỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng hiện giá nhân công ở Trung Quốc đã không còn rẻ nữa, do chính phủ nước này cho sắp xếp lại nguồn lao động và các ngành sử dụng nhiều lao động đã mất đi lợi thế. Nhờ vậy nguồn hàng dồn về Việt Nam khá mạnh, đây là cơ hội tốt cho các DN làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu nói chung và sản phẩm đan lát nói riêng trong nước. Tuy nhiên, cũng theo ông Đỉnh, hàng đan lát của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi, tuy nhiên do vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc nên sức cạnh tranh không cao, trong khi đó ở Trung Quốc, công nghiệp hỗ trợ tốt nên các nguyên liệu mua rất dễ và rẻ do giảm được phí vận chuyển. 

Nhiều DN trong ngành đan lát nhận xét, trước đây trên thị trường hàng đan lát của Việt Nam chỉ cạnh tranh hiệu quả với hàng Trung Quốc ở những sản phẩm đan bằng lục bình (cây bèo) nhờ nguyên liệu không phải nhập khẩu. Lĩnh vực đan lát hoàn toàn phải sử dụng lao động thủ công không đưa máy móc vào thay thế được, nên khi giá nhân công tăng cao, các DN Trung Quốc bị thất thế.

Năm 2014: Dự báo xuất khẩu tôm duy trì 3 tỷ đô-la Mỹ

Năm nay, xuất khẩu tôm vẫn có thể duy trì kim ngạch như năm ngoái, nếu kiểm soát tốt giống, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
 

Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2013 đạt trên 3 tỷ đô-la Mỹ, tăng 36% so với năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo năm nay, xuất khẩu tôm vẫn có thể duy trì kim ngạch như năm ngoái, nếu kiểm soát tốt nguồn giống, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2013, nguồn cung tôm thế giới giảm do dịch bệnh tôm chết sớm, giá tôm trên thị trường thế giới tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu tôm chân trắng tăng cao là những yếu tố chính giúp Việt Nam thu được kết quả trên 3 tỷ đô-la Mỹ từ xuất khẩu tôm. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, năm nay, tình hình dịch bệnh chết sớm trên tôm nuôi sẽ được Trung Quốc, Thái Lan và Mexico kiểm soát tốt hơn, nguồn cung tôm được cải thiện nên nhiều khả năng giá có thể giảm. Cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là nước thứ 3 cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường thế giới, bởi Trung Quốc đang chuyển dần sang trở thành nước nhập khẩu tôm do nhu cầu trong nước gia tăng.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, ngành tôm Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm tra chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Vì vậy, thách thức lớn nhất trong năm 2014 vẫn từ khâu nuôi trồng và khâu nguyên liệu. Phải kiểm soát chặt ngay từ khâu con giống để làm sao sản phẩm của các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thì mới duy trì được tốc độ xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số vấn đề về chỉ tiêu Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản sẽ được điều chỉnh trong năm 2014 cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp yên tâm hơn khi xuất khẩu. Tuy nhiên cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo sản phẩm của mình có sức cạnh tranh tốt.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gạo xuất khẩu vẫn phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Theo tin từ báo Campuchia, các doanh nghiệp xuất khẩu của Campuchia đang tích cực xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ và Hàn Quốc để xuất khẩu gạo sang các thị trường này. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Gana, Philippines, Singapore, Hong Kong, Indonesia, Angola và Nga. Trong đó chủ yếu vẫn là thị trường Trung Quốc. Trao đổi với báo chí hồi cuối năm 2013, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA phải thừa nhận: “Nếu không nhờ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tình hình xuất khẩu gạo năm nay chưa biết sẽ xảy ra chuyện gì”.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong cả năm 2013 đạt hơn 2,15 triệu tấn (bao gồm cả xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ phía Bắc) chiếm hơn 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013. Trong khi đó xuất khẩu gạo sang các thị trường như Malaysia, Philippines và Indonesia lại giảm mạnh. Sang tháng 1/2014, Philippines lại là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam theo hợp đồng cấp Chính phủ mà hai nước đã ký hai tháng trước đó.

Hầu hết các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều sụt giảm cả về lượng và kim ngạch so với tháng cuối năm 2013.
Các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và châu Phi đều giảm mạnh, bên cạnh các thị trường như Bờ biển Ngà, Angola, Hà Lan, Tây Ban Nha… cũng sụt giảm cả về lượng và kim ngạch.

Vừa qua, Thái Lan cũng chính thức đưa ra thông tin về việc xả hàng trăm nghìn tấn gạo trợ giá cũng trở thành thách thức lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thể khiến sự sụt giảm số lượng và kim ngạch sẽ sâu hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng gạo cấp thấp của Việt Nam hiện không thể cạnh tranh với gạo cấp thấp của Ấn Độ về giá và gạo cấp cao của Việt Nam khó vượt qua gạo cấp cao của Thái Lan về chất lượng. 
 

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Cảnh giác trước việc thương lái mua lá khoai lang non

Gần đây, tại Vĩnh Long và một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện một số nhóm thương lái (cả người Việt và người Trung Quốc) tìm đến, đề nghị mua lá khoai lang non (người địa phương gọi là “đọt lang”) và mua đậu, bắp xanh với số lượng lớn...

Trả giá hấp dẫn, nhưng chỉ là giao dịch miệng


Theo ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Thành Lợi (Bình Tân, Vĩnh Long): Các thương lái thường đi theo nhiều nhóm, mỗi nhóm 4 - 5 người người, bao gồm cả người Việt và người Trung Quốc. Họ đặt vấn đề mua với số lượng không giới hạn. Ví như lá khoai lang mua với số lượng tới 20.000 tấn, mỗi ngày có thể mua 1 - 2 tấn và trả giá khá cao (10.000 đồng/kg), đồng thời còn trả hoa hồng cho hợp tác xã thêm 1.000 đồng/kg về việc đứng ra thu gom và sẵn sàng ứng trước hàng chục triệu đồng.


Việc thương lái thu mua nông sản bất thường này diễn ra từ trước Tết Nguyên đán và gần đây nhất, từ giữa tháng 2. Tuy nhiên, việc mua bán không hề có ký kết hợp đồng, nên không ai biết họ mua để làm gì và lấy gì bảo đảm cho làm ăn lâu dài. Tất cả những hứa hẹn việc thu mua, giá cả chỉ là giao dịch miệng. Đặc biệt, nhóm thương lái cũng không có địa chỉ liên lạc rõ ràng. Điều này làm không ít người nhớ lại những rủi ro cách đây không lâu đã từng phải hứng chịu với thương vụ thu mua củ khoai lang tím Nhật và nhiều nông sản khác khi thương lái đột ngột ngừng mua, đẩy nông dân vào cảnh lao đao. Ông Trung còn cho biết, ông nhận thấy việc mua bán này không có lợi cho bà con nông dân. Chính vì vậy, mặc dù lời mời lần này khá hấp dẫn, nhưng ông vẫn đề cao cảnh giác và kiên quyết yêu cầu việc mua bán nông sản bây giờ không thể chỉ hứa suông, nói miệng. Dứt khoát phải có hợp đồng và phải cầm hợp đồng để dễ ăn nói sau này.

Cảnh báo của cơ quan chức năng

Trao đổi với phóng viên Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi - Báo Công Thương, ông Văn Hiến Vĩnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho hay, Vĩnh Long là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất khu vực ĐBSCL. Diện tích khoai lang của tỉnh này hiện có khoảng 5.000 héc-ta, tập trung chủ yếu ở huyện Bình Tân. Đầu ra cho sản phẩm khoai lang ở đây hoàn toàn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vì chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này.

Việc chăm lo đầu ra cho tiêu thụ củ khoai lang tím Nhật, cũng như các nông sản khác được Vĩnh Long và các địa phương vùng ĐBSCL quan tâm đặc biệt. Nhưng đứng trước việc thu mua lá khoai lang và đậu bắp non bất thường như nêu trên của các nhóm thương lái diễn ra trước Tết và gần đây, thì nhiều chuyên gia kinh tế và các cơ quan chức năng đều cho rằng, việc khuyến cáo bà con phải cảnh giác với câu chuyện mua bán lá khoai lang là hết sức cần thiết và sự cảnh giác này cũng rất cần cho nhiều loại nông sản khác của ĐBSCL. Bởi một khi xảy ra việc các thương lái “dở chứng” trong các giao dịch không qua hợp đồng thì không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với bà con nông dân, mà còn gây hậu quả nặng nề do sản xuất nông nghiệp của các địa phương bị phá vỡ quy hoạch cơ cấu các cây trồng.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho rằng: "Nếu những thương lái này mua với số lượng bình thường, giá cả hợp lý thì chúng ta có thể hướng dẫn cho nông dân canh tác các chủng loại nông sản theo họ yêu cầu. Tuy nhiên, cần đặc biệt chú ý phải có hợp đồng chặt chẽ để phát triển sản xuất. Nếu họ mua với số lượng lớn, giá cả cao hơn bình thường, nhưng lại không có hợp đồng thì chúng ta phải cảnh giác cao”.

“Dây và lá sẽ hấp thụ chất dinh dưỡng nuôi củ trong suốt quá trình. Vì thế, khi cắt lá khoai lang có thể giảm 50% năng suất, thậm chí không có củ” - ông Võ Văn Theo - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân cảnh báo.

Được biết, lá khoai lang đã có một vài doanh nghiệp xuất khẩu trong 2 năm qua, nhưng là lá khoai lang trắng và nơi tiêu thụ là thị trường châu Âu. Còn lá khoai lang tím Nhật - loại hiện được trồng chủ lực nhiều ở huyện Bình Tân - Vĩnh Long thì mới được gom để xuất bán thử nghiệm. Sản phẩm này chưa có thị trường tiêu thụ ổn định và rõ ràng, do đó việc chúng ta cắt lá, cắt đọt non để bán từ những ruộng trồng để lấy củ này là điều hoàn toàn không nên.


Cùng với chuyên gia ngành nông nghiệp, các ngành chức năng cũng khuyến cáo, bà con nông dân Vĩnh Long, cũng như các địa phương khác không nên đi tắt, đón đầu trong việc trồng khoai lang ồ ạt, để bán lá non, hoặc bán lá lúc dây khoai đang phát triển, trước những thương vụ của các thương lái không có hợp đồng tin cậy.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Dầu tràm: Thật giả khó phân biệt

Từ lâu, hương tràm từ các lò nấu dầu ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã níu chân biết bao du khách. Tuy nhiên, để mua được một chai dầu tràm "nguyên chất" 100% trên thị trường rất khó.
 

"Thánh địa dầu tràm" 
 
"Thánh địa dầu tràm" đã lan ra tới phía Nam xã Lộc Tiến, thị trấn Lăng Cô, gần tiếp giáp Đà Nẵng với gần 200 điểm bán. Đi qua cung đường này thấy chi chít những chai dầu vàng, trắng hiện ra trước mắt. Hương dầu tràm nồng nặc cùng những đám khói cay xè, nghi ngút bốc lên từ những lò dầu đang nấu dường như đã trở đặc sản riêng của vùng đất này.

Trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Phú Lộc có rất nhiều cửa hàng trưng bày la liệt các loại tinh dầu "nguyên chất". Có loại được để trong chai thuỷ tinh loại 150ml hoặc 200ml, có dán nhãn mác nhưng hầu hết chỉ đề tên chủ cửa hiệu, chứ không hề có địa chỉ liên hệ, nguồn gốc, số giấy phép đăng ký kinh doanh. Thậm chí, có cửa hàng còn để nguyên dầu trong một can nhựa loại 5 - 10 lít nhìn qua chẳng khác gì dầu rửa chén. Thêm vào đó, giá thành của dầu tràm cũng được người bán “phán” nhiều mức tùy theo giọng nói, thái độ của người mua. Một chai dầu 200ml nhưng có đến gần chục mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, nếu chịu khó mặc cả có khi giá chai dầu nguyên chất loại 1 cũng chỉ còn có 20.000 đồng/chai.

Bật chai dầu tràm sánh vàng, ngào ngạt thơm vừa ra lò, bà N.T.T (xã Lộc Thủy) cho biết: “Nếu dầu tràm thứ thiệt, dù đứng xa 5, 7 mét cũng nhận được mùi cay nồng xộc lên mắt, mũi. Dầu nhái nơi khác đưa về, khi hít vô mũi vừa ít có vị cay mà lại nặng mùi như nhựa thông hay mùi dầu nhớt. Cho tới chừ, trong vùng không ai biết dầu nhái được pha chế bằng cách chi, có chứa hóa chất độc hại không”. Mùi thơm của dầu tràm nguyên chất rất đặc biệt, nó là mùi của lá, cành tràm có cảm giác nồng nhưng rất dễ chịu không quá hắc và xông thẳng lên mũi như các loại dầu tràm giá rẻ khác. Thời gian lưu hương của dầu tràm nguyên chất có thể lên đến 4 – 5 giờ trong khi các dầu tràm giá rẻ chỉ từ 1 – 2 giờ. 

Hàng kém chất lượng bán tràn lan 

Gần như tất cả mọi người đều nhầm tưởng dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm (một số nơi gọi là cây keo) trồng la liệt hai bên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Phú Lộc. Nhưng trên thực tế lại không phải vậy, dầu tràm được lấy từ lá cây tràm gió, một loại tràm mọc ở trên vùng đất cát ven biển, lá tràm gió nhỏ, có màu xanh nhạt hơn màu của lá tràm keo. Lá tràm gió mọc tự nhiên ở những vùng cát trắng, phải thuê người đi bứt và thuê xe chở về. Mùa nắng cây tràm lá xum xuê còn mùa mưa thì cây xơ xác nên nguồn nguyên liệu từ đó cũng thất thường. Anh Nguyễn Văn Trường, người chuyên cung cấp lá tràm gió cho các lò nấu dầu ở đây, cho biết: "Một bao tràm giá chở về tận lò là 25.000 đồng, nhưng đến mùa mưa giá tăng thêm 5 - 10.000 đồng/bao. Trong khi đó, một bao lá chỉ nặng cỡ 20 - 30kg nên để có thể nấu một nồi dầu tràm phải tốn 5 - 6 bao lá. Tính ra, riêng tiền lá đã mất đến 150.000 đồng cộng thêm nước, tiền củi… tính ra chi phí để nấu một nồi dầu cũng phải từ 200.000 đồng trở lên”. Do vậy, với những chai dầu mà giá dưới 200.000 đồng thì chất lượng tất nhiên là không đảm bảo. 

Trên thực tế, toàn xã Lộc Thuỷ chỉ có 1 - 2 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh mặt hàng dầu tràm. Còn lại, hầu hết các cửa hiệu đều mọc lên tự phát, để bảng "dầu tràm nguyên chất", "dầu tràm loại 1" nhưng chất lượng thật, giả như thế nào thì không ai biết. Cửa hàng nào cũng để cái lò đang nấu nghi ngút khói, nhưng thực tế thì số lò nấu dấu tràm thật chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là đốt lò nghi ngút khói như vậy để... đốt rác, nguỵ trang cho cốt bán được dầu. Dạo một vòng qua nhiều điểm bán lẻ dầu tràm ở Phú Lộc cũng thấy hầu như nơi đâu cũng bày bán loại dầu không rõ nguồn gốc.

Để bảo vệ thương hiệu và nghề nấu dầu tràm ở Lộc Thủy, Lộc Tiến rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm tạo điều kiện xây dựng thương hiệu, nhãn mác, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, xóa bỏ hàng rởm, hàng nhái từ nơi khác.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện)