Thông tin giá cả thị trường tuần từ 12/04/2014 đến 18/04/2014

04:40 PM 12/04/2014 |   Lượt xem: 2803 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Người trồng mía khốn khó

Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bà con trồng mía đang lâm vào cảnh khốn khó do giá mía giảm liên tục. Giá đường tại kho các nhà máy sản xuất cũng đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi lượng đường tồn kho tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Giá giảm liên tục

Đây là năm thứ ba liên tiếp người trồng mía ở ĐBSCL bị thua lỗ. Hiện nay, giá mía 10 chữ đường đang được thu mua tại nhà máy đường Sóc Trăng là 910 đồng/kg và thương lái thu mua tại ruộng chỉ dao động từ 600 - 650 đồng/kg. Với mức giá này, sau gần 1 năm chăm sóc với năng suất bình quân 110 tấn/héc-ta, người trồng mía sẽ bị lỗ từ 6 - 11 triệu đồng/héc-ta. Mức lỗ còn cao hơn khi năng suất và chữ lượng đường giảm sâu khiến bà con chán nản, thu hoạch cả mía non và bán mía theo kiểu tính công hay héc-ta. Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, tình hình cây mía cũng không sáng sủa hơn. Mía thu mua tại nhà máy hiện chỉ còn 900 đồng/kg đối với mía 10 chữ đường và nếu giảm 1 chữ đường sẽ bị trừ 70 đồng. Với mức giá này, chỉ có ruộng mía nào đạt năng suất từ 140 tấn/héc-ta trở lên mới có lãi, nhưng trường hợp này rất ít.

Trước thực trạng bị thua lỗ nhiều năm liên tục, nhiều hộ trồng mía đã nghĩ đến việc chuyển sang cây trồng khác. Ví dụ như ở huyện Trà Cú, một số hộ dân đã chuyển sang trồng khoai lang, đào ao nuôi cá lóc... nhưng đều không đạt được hiệu quả như mong muốn bởi để cải tạo đất mía sang cây trồng khác cần rất nhiều vốn, trong khi cây trồng, vật nuôi mới cũng không đảm bảo đầu ra. Do vậy, người trồng mía chỉ còn biết trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giảm bớt khó khăn.

Đã triển khai một số giải pháp tình thế

Trên thực tế, một số giải pháp tình thế đã được triển khai nhằm hỗ trợ bà con nông dân. Tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, niên vụ 2014 - 2015, những hộ trồng mía trên địa bàn khi ký hợp đồng cung cấp mía nguyên liệu cho công ty sẽ được hỗ trợ giống mía mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 12 triệu đồng/héc-ta. Đến kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu hồi lại vốn và cam kết mua hết mía nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo không thấp hơn giá trong khu vực. UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa quyết định đầu tư xây dựng tuyến đê dài gần 20 km, tổng kinh phí hơn 223 tỷ đồng nhằm bảo vệ vùng mía nguyên liệu của tỉnh. Việc xây dựng tuyến đê bao kiên cố sẽ giúp cho các hộ sản xuất mía được an toàn hơn và giảm được một phần chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế bởi tình trạng hợp đồng bao tiêu sản phẩm vẫn tiếp tục vướng mắc và giá thành sản xuất mía của Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung vẫn cao hơn 30% giá thành của các nước trong khu vực.

Theo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, vấn đề mấu chốt vẫn là giống mía. Trên cùng một diện tích, nếu giống mía của Thái Lan, Lào sẽ cho sản lượng cao hơn, chữ đường trong mía cũng cao hơn giống mía hiện tại. Khi năng suất và chữ đường thấp, mía rất khó cạnh tranh với giá đường với các nước trong khu vực. Đồng thời, nếu không giải quyết được khâu giống mía, địa phương rất khó duy trì được diện tích mía hiện nay. Do đó, để nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, ổn định diện tích ngoài chính sách hỗ trợ, các cấp, các ngành nên chủ động đề nghị các nhà khoa học sớm nhập cuộc để cải thiện chất lượng cũng như năng suất mía như từng được làm đối với cây lúa trước đây. Có như vậy cây mía mới có thể phát triển bền vững và đời sống của người trồng mía sẽ ổn định.

Nhưng đường tồn kho vẫn tăng 50% so cùng kỳ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính từ đầu vụ mía đường đến cuối tháng 3/2014, các nhà máy đã ép được 12.380.000 tấn mía, sản xuất được 1.174.800 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 391.000 tấn, lượng đường sản xuất tăng 119.710 tấn. Hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã lên đến 588.700 tấn, cao hơn năm trước 140.590 tấn. Trước tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã đề nghị Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu 400.000 tấn đường qua biên giới Trung Quốc để giải phóng hàng tồn kho.

Cũng theo số liệu của Bộ NN&PTNT, ước tính sản lượng đường sản xuất năm 2014 đạt 1,6 triệu tấn, lượng đường tiêu thụ trong nước đạt 1,4 triệu tấn. Như vậy, cung đã vượt cầu 200.000 tấn. Hơn nữa, theo cam kết WTO, sẽ có khoảng hơn 77.000 tấn đường được nhập về trong năm nay, cộng với lượng đường tồn kho từ năm trước và đường nhập lậu theo biên giới Tây Nam thì ước tính số đường dư thừa có thể lên 400.000 tấn. Do vậy, lối thoát duy nhất lúc này là phải đẩy mạnh xuất khẩu đường sang Trung Quốc. Theo Vụ Thương mại biên giới và miền núi, Bộ Công Thương, đường chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, Lào Cai. Nhưng đây là cửa khẩu nhỏ lại thường xuyên bị cấm biên nên việc xuất khẩu của các doanh nghiệp đường không hề dễ dàng. Bên cạnh đó là tình trạng các doanh nghiệp Việt thường xuyên bị phía Trung Quốc ép giá.

MUA GÌ?

Tây Nguyên: Bơ sớm vụ được mùa, trúng giá

Theo thường lệ ở Tây Nguyên phải 2 tháng nữa mới đến mùa thu hoạch bơ chính vụ. Tuy nhiên, thời gian qua bà con nông dân nơi đây đã đầu tư vào việc trồng bơ trái vụ với 2 dòng chủ yếu là bơ sớm và bơ muộn. Chính việc này đã hình thành nên một vụ bơ sớm mùa từ tháng 2 đến tháng 4. Điều đáng nói là mùa bơ trái vụ này, bà con nông dân nơi đây đang rất phấn khởi vì được mùa, giá cao.

Năm nay sản lượng bơ sớm vụ được mùa hơn mọi năm, trung bình mỗi cây bơ lượng quả tăng từ 10 - 20% lượng quả so với năm trước, trong đó khi đó giá loại bơ này lại cao. Hiện tại bơ sớm vụ loại 1 đang có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, bơ loại 2 có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, bơ loại 3 có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg… Bơ sớm vụ đang được giá bởi nguồn cung hiện tại không đủ cầu, hiện diện tích bơ trái vụ trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung chưa nhiều, trong khi nhu cầu sử dụng bơ trái vụ là rất lớn. Bơ không chỉ tiêu thụ riêng ở Tây Nguyên mà còn được thương lái đưa đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc để tiêu thụ. Ông Nguyễn Ngọc Đức, thôn 7, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết: “Năm nay, thời điểm trước Tết (lúc bơ bắt đầu ra hoa), thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu trái nhiều hơn so với mọi năm. Nhà tôi có 14 cây bơ trái vụ, năm nay trung bình mỗi cây cho thu nhập 3 - 4 tạ quả, so với năm trước mỗi cây phải tăng thêm 70 - 90 kg quả. Thời điểm đầu vụ tôi bán 100.000 đồng/kg. Đến nay tôi đã bán được khoảng 30 triệu đồng từ bơ sớm vụ”.

Việc trồng bơ trái vụ không nhất thiết phải chuyên canh, bà con nông dân có thể trồng xen canh trong vườn cà phê, điều này giúp nhà vườn tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, vừa có thu nhập ở nhiều thời điểm mà không ảnh hưởng đến cà phê. Cây bơ tiếp nhận ánh sáng ở tầng cao, khai thác dinh dưỡng ở tầng sâu hơn, cây bơ còn che bóng, chắn gió phù hợp cho cà phê (ưa ánh sáng tán xạ), giảm nước tưới... phù hợp trong việc phát triển cây cà phê bền vững.

Bình Định: Mùa ớt thu lãi cao

Trong những ngày này, tại nhiều địa phương ở huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), nông dân đang khẩn trương thu hoạch ớt vụ thu với niềm vui được mùa, trúng giá. Giá thu mua ớt năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, ở mức từ 9.000 đến 14.000 đồng/kg, trong khi so với cùng kỳ năm trước giá bình quân chỉ 3.000 đồng/kg. Chủ cơ sở thu mua ớt Trần Văn Vương, thôn Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp cho biết, vụ ớt năm nay được mùa, hiện nay mỗi ngày cơ sở của ông thu mua từ 20 - 40 tấn. Để kịp thời thu mua ớt cho người dân, gia đình ông đã thuê 10 lao động phân loại ớt và đóng thùng chuyển đi tiêu thụ với công từ 200.000 -300.000 đồng/người/ngày. Tổng diện tích trồng ớt của xã gần 200 héc-ta. Tại địa phương cũng có 10 cơ sở thu mua ớt cho nông dân, nên đầu ra của cây ớt nhìn chung khá ổn định.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đốn cả chuối non để bán

Những ngày qua, người trồng chuối già tại ĐBSCL rất phấn khởi vì giá tăng gấp đôi, nhiều nhà vườn đốn cả chuối non để bán… Tại vựa thu mua chuối của ông Nguyễn Phước Hiền (xã Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, Vĩnh Long), chỉ ít phút là có xe chở đầy chuối đến bán, chủ yếu là chuối già. Nhiều buồng chuối còn rất non cũng được chở đến bán. Anh Nguyễn Thanh Triều, người thu mua chuối ở xã Phú Thịnh, H. Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: “Từ khi giá chuối già tăng cao, tôi đi thu gom tại các vườn khoảng 150 - 200 kg/ngày. Hiện các thương lái còn mở rộng địa bàn tìm mua chuối ở các huyện Châu Thành (Đồng Tháp), Cái Bè (Tiền Giang). Chuối già mua xong được đóng gói đưa đi Trung Quốc tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Phước Hiền, tuần trước khi giá chuối già lên khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, mỗi ngày vựa của ông mua vào hơn 3 tấn. Vừa qua do xe tải đi Lạng Sơn bị ùn tắc, nên các thương lái thu mua chuối già cũng chựng lại và giá xuống còn khoảng 6.000 đồng/kg đối với chuối đẹp, chuối hơi non khoảng 5.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với trước đây.

Giá lúa, gạo trong tuần

Thời gian qua, dù triển khai chương trình thu mua tạm trữ lúa, gạo nhằm góp phần bình ổn thị trường, giảm thiệt hại cho nông dân, nhưng ngay trong thời điểm diễn ra thu mua tạm trữ, lúa, gạo vẫn “bấp bênh” theo hướng hạ giá.

Tiền Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Gạo CLC IR 64

11.500

Gạo CLC IR 504

10.000

Gạo Nàng thơm chợ Đào

18.000

Gạo một bụi

10.500

Gạo nàng thơm

16.000

Gạo Tài nguyên Chợ Đào

16.500

Gạo thơm Jasmine

13.000

Gạo Lài sữa

17.000

Gạo thơm Thái

16.000

Gạo nếp thường

16.000

Gạo nếp Thái

15.500

 

Sóc Trăng

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lúa khô ST 5

6.800

Lúa khô  OM 4900

5.500

Lúa khô  OM 6976

4.800

Lúa tươi   ST5

5.750

Lúa tươi   ST 20

6.200

Lúa tươi  OM 4900

4.600

Lúa tươi  OM 6976

4.400

Gạo ST 5

11.000

Gạo thơm nhẹ

10.000

Gạo thường

9.000

 

BÁN GÌ?

 Văn Yên (Yên Bái): Niềm vui từ cây sắn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh Yên Bái có gần 17.000 héc-ta sắn, trong đó tập trung nhiều ở huyện Văn Yên và các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ. Với năng suất gần 19 tấn/héc-ta, tính ra nguồn thu từ cây sắn ở Yên Bái đã lên đến 50 tỷ đồng. Theo tính toán, chỉ cần sản lượng bình quân đạt khoảng 15 tấn/héc-ta, giá sắn tươi ở mức 1.200 - 1.300 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí người trồng đã có lãi. Năm nay, giá sắn củ tươi tại huyện Văn Yên có giá 1.500 - 1.600 đồng/kg; còn tại xã Vũ Linh, huyện Yên Bình có giá cao hơn là 1.800 đồng/kg… Đặc biệt, vào đầu vụ có lúc giá sắn lên tới 900 đồng/kg, thậm chí là hơn 2.000 đồng/kg. Với giá bán trên, nhiều hộ trồng sắn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Có thể nói, từ khi cây sắn cao sản “bén đất” Văn Yên và trở thành cây trồng chủ lực, cùng với sự ra đời của Nhà máy sắn Văn Yên tại xã Đông Cuông với 2 dây chuyền chế biến tinh bột sắn có tổng công xuất 150 tấn sản phẩm/ngày, tương đương với 600 tấn sắn củ tươi, thì phong trào trồng sắn cao sản đã lan rộng tại các địa phương. Cây sắn đã thật sự làm đổi đời biết bao gia đình người dân ở vùng sắn Văn Yên nói chung và xã Quang Minh nói riêng. Đến nay, xã Quang Minh đã có 98% số hộ trồng sắn với tổng diện tích 520 héc-ta sắn cao sản. Sản lượng sắn củ tươi ước đạt trên 13.000 tấn, hầu hết đều được bà con bán cho Nhà máy sắn Văn Yên. Chỉ tính riêng năm 2013, thu nhập từ sắn cao sản đã đem lại cho người dân xã Quang Minh gần 20 tỷ đồng.

Để giữ vững ổn định vùng sắn nguyên liệu, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, nhà máy sắn Văn Yên đã liên kết bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn trong việc giải quyết hài hòa lợi ích giữa người nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm. Hàng năm, nhà máy thông qua chính quyền địa phương ký cam kết đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho bà con, áp dụng giá mua linh hoạt theo thị trường, thanh toán nhanh gọn bằng tiền mặt, đồng thời có chính sách hỗ trợ canh tác sắn bền vững.

Sự vào cuộc của các cấp chính quyền huyện Văn Yên, cùng sự đồng hành gắn bó chặt chẽ giữa nhà máy sắn Văn Yên với các hộ nông dân ở các vùng nguyên liệu đã tạo nên giải pháp lâu dài để người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, tạo nền móng cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương vùng nguyên liệu sắn…

Dừa khô tăng giá mạnh

Bà con nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi vì những ngày gần đây giá dừa khô liên tục tăng mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa. Theo các nhà vườn ở các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo và Tân Phú Đông, hiện thương lái thu mua dừa với giá từ 100.000 - 110.000 đồng/chục (một chục gồm 14 trái, có nơi 12 trái), tăng 20.000 đồng/chục so với trước. Tuy giá dừa tăng cao nhưng nhà vườn không có dừa để bán bởi dừa đang ở thời kỳ “treo” và năng suất các vườn dừa đều giảm. Tại Trà Vinh, giá dừa cũng tăng mạnh do nhu cầu nhập dừa trái của Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia hiện khá lớn.

Hơn nữa, Nam Bộ đang vào thời kỳ cao điểm nắng nóng nên nhu cầu dừa tươi làm nước giải khát tăng mạnh. Ngoài ra, do giá dừa có lúc xuống quá thấp lại kéo dài, nhiều nhà vườn “nóng vội” phá bỏ diện tích dừa để trồng cây khác nên dẫn đến diện tích dừa bị thu hẹp; trong khi đó, dừa là loại cây trồng lâu năm, kể từ khi trồng đến lúc cho trái đợt đầu cần khoảng 4 - 5 năm. Trà Vinh hiện có gần 14.000 héc-ta dừa trồng chuyên canh và hơn 2.000 héc-ta trồng xen canh, tập trung chủ yếu ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và Châu Thành.

Thức ăn gia súc khan hiếm, giá tăng cao

Gần một tuần nay, thức ăn cho lợn, gà, cá đóng bao loại 25 kg khan hiếm, giá tăng thêm từ 8.000 - 10.000 đồng/bao. Nguyên nhân khan hiếm, giá tăng cao là do chủ xe phải sang tải ở các trạm cân xe trên quốc lộ 70, do đó phát sinh cước bốc xếp. Một số chủ xe còn cho biết thêm, do đang có đợt kiểm tra nên các chủ xe phải chở đúng tải nên lượng hàng cung ứng chậm và giảm. Tại các tỉnh ở phía Nam, giá các loại thức ăn gia súc tăng thêm từ 300 - 400 đồng/kg. Cụ thể, cám lợn, loại bao 25 kg tăng từ 290.000 đồng lên 298.000 đồng; cám gà, loại bao 25 kg tăng từ 340.000 đồng lên 349.000 đồng; cám cá, loại bao 25 kg tăng từ 400.000 đồng lên 408.000 đồng. Giá thức ăn gia súc tăng đã khiến các hộ chăn nuôi thêm khó khăn trong bối cảnh giá bán gia súc, gia cầm đang trong chiều hướng sụt giảm.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Đánh bắt cá bằng mìn tự chế: Hiểm họa khôn lường

Suốt trong một thời gian dài, việc đánh bắt cá bằng mìn tự chế tận diệt diễn ra tại lòng hồ Thủy điện Thác Bà, tỉnh Yên Bái chẳng những khiến nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, môi sinh quanh hồ bị ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng an toàn hồ đập thủy điện, mà một thực tế đau lòng hơn, với hình thức đánh bắt này nhiều tai nạn thương tâm xảy ra.

Nguy hiểm luôn rình rập

Hơn 15.000 héc-ta mặt nước nơi mưu sinh của hàng nghìn hộ dân làng ven hồ Thủy điện Thác Bà. Cạnh công trình vốn là điểm sáng của thủy điện Việt Nam, đằng sau đó còn những mảng rất tối. Xóm Mạ, xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, nơi được biết đến với những ngôi làng “cụt tay” vì sử dụng mìn tự chế. Hầu như người dân ở đây ai cũng biết mua thuốc nổ ở đâu, bao nhiêu tiền một lạng và phân loại thuốc, pha chế tự tạo như thế nào để đánh cá có hiệu quả. Chỉ tiếc rằng không có ai lên án những người tận diệt hồ Thác Bà bằng thuốc nổ, cũng như lên tiếng cảnh báo về nỗi hiểm nguy khi dùng mìn đánh cá, để rồi kết cục lại chỉ tính riêng ở làng Mạ thì cũng hơn chục người bị mang họa do dùng mìn như cụt tay, cụt chân, mù loà. Nhưng đáng nói là, khi rất nhiều người bị mìn nổ làm cho tàn phế, trở thành gương tày liếp mà vẫn chẳng có ai sợ. Người ta vẫn đi mua thuốc nổ, tự chế ra mìn và vô tư đem ra hồ đánh cá. Ông Đặng Văn Lự, dân làng quen gọi là Lự “cụt” sinh năm 1953, vốn là lính công binh nên việc làm mìn tự chế với ông Lự không hề khó. Tận dụng những quả bom chưa nổ còn sót lại mà ông tìm được trên lòng hồ từ trước đó, ông Lự cưa bom lấy thuốc để tự chế mìn đánh cá. Cuộc tàn sát thủy sản bằng mìn ở hồ Thác Bà bắt đầu từ ngày ấy và rồi mìn cũng đã khiến ông Lự mất 2 cánh tay, vậy mà theo người dân địa phương vì mưu sinh hiện ông vẫn có thể ném mìn bằng chân để kiếm sống. Cách ông Lự chỉ vài mái nhà là gia đình anh Trần Trung Kiên, một người bị mất 65% sức khoẻ cũng chỉ vì đốt mìn tự tạo nhưng không ném kịp nên đã để nổ trên tay. Theo anh Kiên, người dân ở đây bám hồ mưu sinh, bắt con cá, con tôm đem ra chợ bán nhưng nếu mua lưới, đan rọ thì không có tiền. Trong khi mua vài cân thuốc nổ về dùng bắt cá vừa dễ dàng lại nhanh chóng. Cá bắt được cũng nhiều, nhưng số người chết vì mìn cũng không phải ít. Nguồn thủy sản ở hồ Thác Bà bị đánh bắt theo kiểu tận diệt này chưa phải là điều đáng sợ mà còn là nỗi sợ hãi, khủng khiếp, đáng lên án hơn chính là hậu quả thương tâm do mìn gây nên.

Cần sự quyết liệt của chính quyền

Hậu quả là thế, nhiều người vẫn liều bởi nguồn lợi quá lớn từ việc đánh bắt tận diệt. 90% người dân bám hồ mưu sinh, bà con vẫn có tâm lý làm sao đánh bắt vừa nhanh, vừa nhiều, nguồn lợi trong hồ thì dồi dào, mua mìn lại dễ hơn mua rau bởi một số công ty, xí nghiệp khai thác đá ở khu vực hồ Thác Bà bán thuốc nổ cho bà con. Để môi trường nước không bị ô nhiễm do các hộ dân dùng mìn tự tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ không bị xâm hại, các cơ quan chức năng có liên quan, cùng phối hợp với UBND huyện cần khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đang khai thác cá tràn lan, mang tính hủy diệt, tại lòng hồ Thủy điện Thác Bà. Đồng thời, cần có các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để người dân hiểu rõ việc làm của mình là trái với quy định, pháp luật của Nhà nước; cần có các biện pháp mạnh, đủ sức răn đe đối với những hộ cố tình vi phạm pháp luật. Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: “Trên địa bàn huyện Yên Bình, một số công ty khai thác đá là nguồn thuốc nổ để bà con chế mìn. Có những vùng mỏ đá rất liền kề với hồ Thác Bà thì ở đây có nguồn vật liệu nổ, vì vậy cho nên chúng tôi có những chương trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với vật liệu nổ ở từng khu mỏ. Ký cam kết cơ bản đối với những hộ vùng ven hồ”.

Mới đây một chuyên án hình sự của công an huyện Yên Bình đã phát hiện thêm vụ chế thuốc nổ trái phép, nhưng đâu đó bà con vẫn chưa lường hết tác hại khủng khiếp của loại thuốc nổ này, hay phải đợi thêm những nạn nhân tiếp theo của mìn tự chế, của hình thức đánh bắt tận diệt, thêm những cuộc đời bị hủy hoại, thêm những ngôi làng “cụt tay”, bài học mới thực sự được vỡ ra!

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bắc Giang: Xuất khẩu rau quả gặp khó vì thiếu nguyên liệu

Vụ đông vừa qua, toàn tỉnh Bắc Giang trồng 200 héc-ta dưa bao tử, cà chua bi, giảm 100 héc-ta so với năm trước. Nguyên nhân do chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, chi phí sản xuất rau chế biến lớn, tốn công lao động.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng rau quả của Bắc Giang kỳ vọng năm 2014 là năm khởi sắc bởi nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, đơn đặt hàng từ các thị trường truyền thống như: Nga, Nhật, Ukraine, Belarut... tăng mạnh. Một số doanh nghiệp đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu rau quả đến hết năm. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu sản xuất nên cả quý I/2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của tỉnh ước chỉ đạt gần 1,5 triệu đô-la Mỹ, nghĩa là bằng 4,74% kế hoạch năm.

Vụ đông năm nay, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP. Bắc Giang) có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh với diện tích 50 héc-ta. Mặc dù triển khai sản xuất sớm nhưng chỉ đạt 30 héc-ta tại các huyện Tân Yên, Lạng Giang và Lục Nam. Hơn nữa, trong vụ đông vừa qua thời tiết rét đậm kéo dài khiến một số diện tích rau chế biến bị chết hoặc chậm phát triển ảnh hưởng lớn đến sản lượng tại các vùng nguyên liệu. Do vậy, 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty ước đạt 300.000 đô-la Mỹ, chỉ bằng 60% kế hoạch đề ra. Không riêng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco mà hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rau quả đều lâm vào tình cảnh như vậy. Có DN cho biết, dù đã cung cấp giống và kỹ thuật, cam kết bao tiêu toàn bộ theo hợp đồng nhưng thương nhân lại trả cho nông dân giá cao hơn nên sản lượng rau chế biến tại các vùng nguyên liệu thường chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của DN. Bên cạnh đó, vài năm trước, người dân trong xã từng mất trắng 38 héc-ta rau chế biến trong hai vụ đông liên tiếp do sâu bệnh. Vì thế năm nay, người nông dân không gieo trồng rau chế biến trong vụ đông mà đã có nhiều loại nông sản thay thế ít rủi ro, năng suất cao hơn như hành, khoai tây. Nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco đã chủ động liên hệ thu mua nguyên liệu ở một số tỉnh như: Lào Cai, Ninh Bình. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế bởi làm như vậy vừa tăng chi phí sản xuất lại khó kiểm soát chất lượng sản phẩm nên không thể xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Công ty đang phối hợp với UBND huyện Tân Yên khảo sát để mở rộng thêm 20 hec-ta vùng nguyên liệu tại xã Việt Lập. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Bắc Giang (Lục Ngạn) đang tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 300 héc-ta vùng nguyên liệu tại huyện Lục Nam. Có DN lại chọn phương án đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu ngoài rau quả như cà rốt, dứa, ngô... 

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lâm Đồng: Bài học từ cà chua rớt giá

Từ đầu vụ Đông - Xuân đến nay, ở các vùng có diện tích cà chua lớn như Đơn Dương, Đức Trọng, Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), giá cà chua thu mua tại vườn chỉ dao động từ 300 - 1.000 đồng/kg. Với mức thu này, nhiều lắm là lấy lại được tiền giống cây con. Không chỉ có người trồng cà chua mà những vựa thu mua cà chua cũng lỗ nặng. Câu chuyện cà chua rớt giá, nhà nông chịu lỗ không còn là chuyện mới, thế nhưng vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Nguyên nhân do hiện nay, nhiều vùng trong cả nước đã trồng được cà chua nên sản lượng ra thị trường rất nhiều, hơn nữa mối liên kết giữa nhà nông với nhà tiêu thụ còn rời rạc. Bà con nông dân vẫn đầu tư canh tác theo những phán đoán thời vụ tự phát, thiếu thông tin thị trường. Hơn nữa, hiện tại bà con cũng chưa thể tự sản xuất sản phẩm từ nông sản. Chính vì vậy, vất vả nhiều nhưng bà con rất ít khi được thụ hưởng thành quả lao động. Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, nhiều mô hình Hợp tác xã đã thành công trong việc liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhưng số lượng này không nhiều, cũng chỉ điểm được vài cái tên quen thuộc như: Dalat G.A.P, Anh Đào, Xuân Hương… Cho nên, tăng cường các mô hình liên kết thành công, có định hướng, quy hoạch, phân chia cây trồng theo vùng, điều tiết sản xuất là những hướng đi cần tích cực thực hiện trong thời gian tới để tránh trường hợp được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Không chỉ cà chua mà nhiều loại rau, củ ngắn ngày của Đà Lạt đang cùng chịu cảnh rớt giá như bắp cải, cải thảo,… bởi với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật. Nhiều địa phương trong cả nước đã bắt đầu trồng được nhiều loại rau, củ vốn trước đây là độc quyền của vùng rau Đà Lạt (gồm cả vùng phụ cận Đức Trọng, Đơn Dương).

Một vấn đề đáng quan tâm nữa đó là tình trạng đắt tại chợ nhưng ở ruộng vẫn ế bởi thương lái bắt ép. Nghĩa là giá mua tại vườn thì rẻ mà giá bán ra tại chợ vẫn đắt. Bài học cà chua rớt giá nói riêng và nhiều loại rau, củ Đà Lạt nói chung chính là kinh nghiệm cho những vụ mùa tiếp theo cho rau, củ ngắn ngày của tỉnh Lâm Đồng. Đã đến lúc cần thay đổi cách làm ăn, suy nghĩ của bà con nông dân bởi thói quen, phán đoán trồng trọt theo kinh nghiệm, cảm tính đem lại thiệt thòi nhiều hơn có lợi.

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Pin Energizer
 
Trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều pin Energizer hàng nhái. Pin loại này thường có hình thức, màu sắc cũng như bao bì hệt như pin thật nhưng những cục pin nhái này có dung lượng và dòng nhỏ hơn, khiến hiệu năng hoạt động kém. Sau đây là một vài mẹo nhỏ có thể giúp bà con phân biệt được đâu là pin Energizer (AA) thật và nhái mà không cần mở bao bì.

Đặc điểm 1

Pin Energizer thật có mũ kim loại phía trên to phẳng, mặt cắt ngang có hình chữ nhật.

Pin Energizer nhái có mũ kim loại phí trên nhỏ hơn, mặt cắt ngang thường có dạng hình thang (không phải hình chữ nhật)

Đặc điểm 2

Pin Energizer thật có phần đáy phẳng. Ở giữa có 1 điểm lõm hình cầu, được dập rất rõ nét.

Pin Energizer nhái thì có đáy lõm. Ở giữa có 1 điểm lõm giống như bị lấy một vật tù đập vào.

Đặc điểm 3

Pin Energizer thật có màu sáng hơn, phía thân pin có in chìm một hàng thường là 2 chữ và 5 số rất sắc nét.

Pin Energizer nhái không có hàng chữ chìm này.

Các đặc điểm trên cũng có thể áp dụng với một số loại pin Energizer khác. Ngoài ra, khi đi mua hàng bà con có thể lưu ý một số đặc điểm trên mẫu bao bì tổng thể. Ở bao bì pin nhái, sẽ có thêm dòng chữ “Move power” bên góc trái trên cùng, trong khi pin thật không có. Các dòng chữ “Hoạt động liên tục…” ở pin nhái không được thẳng hàng và sắc nét, thống nhất như ở pin thật.

Dầu nhớt Honda

Hiện nay xuất hiện tình trạng các cơ sở đua nhau sản xuất dầu nhớt xe máy giả các thương hiệu nổi tiếng. Làm từ dầu nhớt thải ra từ động cơ, ôtô, xe máy... được thu gom về nấu lại, pha hóa chất rồi đóng chai giả các nhãn hiệu dầu nhớt nổi tiếng. Lượng dầu nhớt này sẽ được đem đi tiêu thụ ở cửa hàng sửa chữa xe máy tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… Là nơi người dân và bà con chưa có nhiều ý thức cũng như nhận biết để phân biệt dầu nhớt thật và giả.

Đầu năm 2014, các lực lượng chức năng đã tạm giữ hình sự và mở rộng điều tra 1 số vụ sản xuất dầu nhớt giả. Khám xét tại một điểm sản xuất nhớt giả tại thị xã Dĩ An (Bình Dương), cảnh sát thu giữ gần 1.400 chai nhớt giả hiệu Yamalupe, Honda, Castrol, hai máy ép màng co, hai cân đồng hồ, hai máy bơm nhớt cùng một số thiết bị khác phục vụ sản xuất nhớt giả. Ước tính ban đầu, lượng hàng thành phẩm giả bị thu giữ trên 300 triệu đồng.

Để khuyến cáo người tiêu dùng, hãng Honda đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết dầu nhớt thật và giả dựa trên những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, bà con cần quan sát kỹ con tem của dầu nhớt. Với hàng giả, thông tin trên tem bị in sai chính tả, thiếu dấu ở một số chữ như: Bôi tron (bôi trơn), làm kin (làm kín), công rãnh (cống ãnh), dược (được)… Với hàng thật, thông tin trên tem được in đúng chính tả, sắc nét, rõ ràng.

Thứ hai, nhận biết trên đáy của chai dầu. Với hàng giả, ở đáy chai dầu, biểu tượng 4 mũi tên được in không rõ ràng, đầu mũi tên nhỏ. Chữ HONDA được in nét nhỏ, đều nhau. Với hàng thật, biểu tượng 4 mũi tên được in sắc nét, đầu mũi tên to. Chữ HONDA được in nét thanh, nét đậm. Đặc biệt, ở đỉnh chữ O và chữ A có thể nhìn thấy rõ sự khác biệt.

Thứ ba, nhận biết lớp dưới nắp của chai dầu. Với hàng giả, logo HONDA trên hàng niêm phong ở dưới nắp chai dầu được in to, in bằng nhiều màu sắc. Độ căng của màng niêm phong không được căng đều như ở chai dầu chính hiệu. Với hàng thật, logo HONDA được in nhỏ, độ căng đều, khoảng cách giữa các logo thưa thớt.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))