Thông tin giá cả thị trường tuần từ 30/11/2013 đến 06/12/2013

1 phút trước |   Lượt xem: 2736 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Kiểm soát nông sản “bẩn” từ Trung Quốc: Cần siết chặt ngay từ biên giới

Từ nay đến giáp Tết Nguyên đán, hàng nông sản nhập khẩu sẽ tăng mạnh, chủ yếu là qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Lợi dụng tâm lý tiêu dùng của một bộ phận cư dân biên giới là ham hàng rẻ, nhiều đối tượng đã tuồn nông sản kém chất lượng vào Việt Nam. Để ngăn chặn hành vi đó, ngoài sự nỗ lực của các lực lượng chức năng thì cần thay đổi nhận thức của cư dân biên giới.

Ông Chu Mạnh Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: Trong quá trình xử lý vi phạm, đội đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến nông sản kém chất lượng, dư thừa hóa chất độc hại. Những nông sản này phần lớn được chở từ các tỉnh nội địa nước bạn, khi ra đến biên giới không còn đạt tiêu chuẩn nên không xuất bán chính ngạch được. Để thu hồi vốn đầu tư, các chủ hàng bán với bất kể giá nào. Với cư dân biên giới, đa phần họ là những lao động nghèo nên khi mua nông sản với giá rẻ họ không quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm, càng không màng đến nông sản kém chất lượng chưa qua kiểm dịch sẽ kéo theo mầm dịch bệnh. Nhiều xe hàng kém chất lượng bị nước bạn cấm sử dụng thì cư dân biên giới đã mua lại với giá cực rẻ để mang vào nội địa tiêu thụ. Vì vậy, để ngăn nguồn nông sản không đủ tiêu chuẩn chất lượng vào thị trường trong nước cần ngăn chặn ngay từ biên giới bởi nông sản khi đã vào nội địa rất khó phân biệt đâu là sản phẩm Việt Nam, đâu là nông sản kém chất lượng của Trung Quốc. Thậm chí nhiều chủ hàng mua nông sản “bẩn” nhưng đóng bao bì Việt Nam, trộn lẫn một ít nông sản được sản xuất tại địa bàn để vận chuyển trên khâu lưu thông.

Trước hiện trạng đó thì việc quan trọng cần thực hiện trước tiên là phải tuyên truyền cho cư dân biên giới không mua bán nông sản kém chất lượng. Thông tin đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ dịch bệnh từ những lô hàng nông sản tiêu dùng độc hại được tuồn vào nội địa. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần kiểm soát chặt các đường mòn, đường tắt qua lại biên giới, xử phạt nghiêm các hành vi tiếp tay nhập lậu, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ hàng kém chất lượng. Mặt khác, cần hình thành 3 tuyến ngăn nông sản kém chất lượng ngay tại cửa khẩu, trên khâu lưu thông tại các chợ biên giới và khu vực nội địa. Có thể nói, để kiểm soát nông sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc khi đã vào nội địa là hết sức khó khăn, vì vậy cần đẩy mạnh phòng chống ở tuyến biên giới và chỉ có thể ngăn chặn triệt khi làm thay đổi chính nhận thức của cư dân vùng biên.

MUA GÌ?

Thủy sản khô tăng giá

Giá nhiều mặt hàng thủy sản khô hiện bất ngờ tăng cao. Khảo sát các chợ tại TP. Biên Hòa, giá tôm khô loại ngon từ 500.000 – 850.000 đồng/kg, tăng khoảng 100.000 đồng/kg so với trước đó. Tôm khô loại nhỏ, tép, ruốc... cũng tăng thêm từ 10 - 30% so với trước. Giá nhiều loại cá khô, mực khô... cũng bắt đầu leo thang với mức tăng từ 5 - 20%. Cụ thể, các loại mực khô dao động từ 280.000 – 650.000 đồng/kg. Cá chỉ vàng từ 150.000 – 250.000 đồng/kg. Các loại khô đồng, khô nước ngọt cũng bắt đầu nhích giá. Theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, giá các loại khô thường tăng vào dịp cận tết do nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, năm nay giá tăng sớm hơn mọi năm do thời gian qua các loại thủy, hải sản liên tục tăng giá. Trong đó, “sốt” nhất là mặt hàng tôm tươi đẩy giá hàng khô tăng cao.

Bắc Kạn: Mía bầu được giá

Mía bầu được coi là cây trồng mang lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân một số thôn của xã Cao Kỳ, Hòa Mục và Nông Hạ của huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Mới vào đầu vụ mía năm nay giao dịch mua bán đã rất sôi động. Những thương lái từ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang đến tận nơi để thu mua với giá ổn định. Cây to có thể bán 7.000 - 8.000 đồng/cây. Bình quân vụ mía này có giá 4.000 - 5.000 đồng/cây. Thu nhập bằng trồng mía có thể lên đến 250 triệu đồng/héc-ta, thậm chí có thể còn cao hơn, vì trên một héc-ta thường trồng được 60.000 cây mía, nếu được giá bình quân 5.000 đồng/cây sẽ cho thu nhập 300 triệu đồng/héc-ta. Tỉnh Bắc Kạn đã có chính sách hỗ trợ phát triển, tạo thành vùng chuyên canh loại mía này. Hiện toàn huyện trồng được trên 100 héc-ta. Do mía bầu ngon, mềm, nhiều nước nên không dùng làm nguyên liệu cho các nhà máy đường mà thường được người dân bày bán cho khách dọc theo quốc lộ 3 và coi đây là một mặt hàng đặc sản của vùng này. Vụ thu hoạch mía bầu thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 Âm lịch của năm sau.

Vú sữa đầu mùa khan hiếm, giá ở mức cao

Do sản lượng quả ít nên hiện nay vú sữa được thương lái thu mua với giá cao đến 315.000 - 380.000 đồng/chục (mỗi chục 14 quả), thậm chí vú sữa được các điểm thu mua gom từng trái vú sữa với giá tới gần 28.000 đồng/quả. Vú sữa nâu cũng đang cho quả sớm với số lượng nhiều hơn vú sữa Lò Rèn, được thị trường các tỉnh phía Bắc và Đài Loan, Trung Quốc… ưa chuộng và có giá bán tại điểm thu mua cao hơn vú sữa Lò Rèn, hiện giá khoảng 350.000 - 380.000 đồng/chục. Đến năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ mở rộng diện tích trồng vú sữa Lò Rèn lên 5.000 héc-ta. Bên cạnh đó, do vú sữa nâu thường chín sớm và luôn bán được giá cao nên loại vú sữa này đang có xu hướng phát triển nhanh trong mấy năm gần đây, hiện diện tích vú sữa nâu đạt khoảng 700 héc-ta.

Giá nông sản trong tuần

      Tại Gia Lai

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Cà phê nhân

32.200

Tiêu hạt

155.000

Cao su khô

30.400

Sắn lát

5.200

Đậu xanh hạt

26.500

Ca cao lên men

51.300

      Tại An Giang

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Đậu nành

26.000

Đậu xanh

28.000

Lạc

44.000

Vừng vàng

45.000

Khoai tây ta

25.000

Ngô lai

6.500

                  Tại Sóc Trăng

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Khoai lang

11.000

Củ cải trắng

10.000

Sắn

10.000

Su hào

8.500

Tỏi

20.000

Ớt hiểm

40.000

BÁN GÌ?

Giảm thuế xuất khẩu cao su

Theo Thông tư 157/2013 của Bộ Tài chính mới ban hành, thuế xuất khẩu một số mặt hàng cao su trong Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012 sẽ được giảm xuống còn 1%. Cụ thể, thuế xuất khẩu mặt hàng mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa tiền lưu hóa và mặt hàng crếp từ mủ cao su thuộc nhóm cao su tự nhiên được giảm từ 3% xuống còn 1%. Còn thuế xuất khẩu mặt hàng cao su tổng hợp được giảm từ 5% còn 1%. Theo đó, các mức thuế 1% đối với các mặt hàng nêu trên sẽ áp dụng từ 26/12/2013.

Cạn nguồn cung gạo cho xuất khẩu

Thông tin từ một số thương nhân chế biến, xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, lượng gạo tồn tại các kho của doanh nghiệp hiện đang ở mức thấp hơn so với số hợp đồng xuất khẩu đã ký. Theo đó, tính đến đầu tháng 11/2013, lũy kế hợp đồng xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã ký đạt khoảng 7,165 triệu tấn. Trong đó, số lượng hợp đồng giao từ đầu tháng 11/2013 trở đi vào khoảng 1,432 triệu tấn, gồm hợp đồng thương mại gần 1,37 triệu tấn và hợp đồng tập trung khoảng 63.000 tấn. Tuy nhiên, tổng lượng gạo còn tồn kho của các doanh nghiệp hội viên VFA hiện chỉ còn trên 1,254 triệu tấn, trong đó, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood I) tồn kho 105.000 tấn, Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) tồn kho 494.025 tấn và các doanh nghiệp khác hội viên của VFA còn 655.460 tấn. Như vậy, các doanh nghiệp đang thiếu hụt khoảng 178.000 tấn gạo so với lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký. Một đại diện VFA cũng cho biết, các doanh nghiệp cần cân nhắc lượng cung - cầu trong nước để ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới.

Xoài Việt Nam đã chính thức xuất khẩu vào Hàn Quốc

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Hàn Quốc vừa chính thức mở cửa cho trái xoài tươi của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này. Đây là loại trái cây tươi thứ hai sau thanh long của được xuất khẩu trực tiếp vào Hàn Quốc.

Để được Hàn Quốc cho phép nhập khẩu, trái xoài Việt Nam phải được đánh giá nguy cơ dịch hại và biện pháp xử lý. Cơ quan chức năng của Hàn Quốc cũng đã đến Việt Nam để khảo sát các vườn trồng và đánh giá quy trình sản xuất, bảo quản, xử lý và đóng gói. Cũng như xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, Úc, New Zealand, Hàn Quốc yêu cầu trái xoài xử lý dịch hại bằng phương pháp hơi nước nóng. Ngoài xử lý dịch hại, các doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu vào thị trường nước này.

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Xuất thịt lợn sang Trung Quốc: Rất dỵ bị “nốc ao”

Khoảng hơn tuần nay, giá lợn hơi tại miền Bắc tăng từ 45.000 lên 50.000 đồng/kg, thậm chí ở nhiều địa phương, giá còn đạt tới 52.000 đồng/kg. Theo bà con, nguyên nhân tạo nên cơn “sốt” này là do Trung Quốc “mở cửa” nhập lợn. Đây là một tín hiệu mừng đối với người chăn nuôi song bà con cũng nên cảnh giác khi buôn bán với Trung Quốc vì thị trường này vốn không bền vững, thậm chí rất oái ăm, khi thì mua móng trâu, khi mua vịt, thậm chí mua cả đỉa, ốc bươu vàng...

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm nay, giá thức ăn chăn nuôi từng bước được kiểm soát, dịch bệnh ít nên giá lợn, gà luôn giữ mức ổn định. Đáng chú ý là giá lợn hơi hiện đã tăng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg so với trước, lượng tiêu thụ tăng mạnh nên bà con rất phấn khởi. Nguyên nhân lợn tiêu thụ mạnh, giá cao là do bắt mối được với thương lái Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc chỉ thích mua loại lợn từ 90 kg trở lên và càng mỡ càng tốt. Các thương lái cũng cho biết, phía Trung Quốc sẽ mở cửa nhập lợn từ nay cho đến Tết Nguyên đán. Do vậy, bà con chăn nuôi đang tập trung nuôi lợn mỡ với trọng lượng từ 90 - 100 kg/con theo “đặt hàng” của thương lái Trung Quốc.

Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi khuyến cáo bà con đừng vì Trung Quốc tăng lượng nhập mà đổ xô vào nuôi lợn trong giai đoạn này. Từ trước đến nay, chúng ta chưa bao giờ nắm được thế chủ động đối với thị trường Trung Quốc, vì có lúc họ nhập, có lúc không. Trên thực tế, mức giá mua lợn hơi hiện nay chưa phải là cao, năm 2011 có thời điểm giá lên tới trên 70.000 đồng/kg, nhưng do từ cuối năm 2012 đến nay bà con liên tục thua lỗ nên khi thấy thị trường tăng sức mua, nông dân lãi từ 10.000 – 12.000 đồng/kg thì ai cũng hào hứng, phấn khởi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Bắc cũng đã có văn bản khuyến cáo người dân không vì lợi ích trước mắt mà chuyển sang nuôi lợn mỡ, đồng thời hạn chế không để lợn quá 100 kg/con. Bởi nếu Trung Quốc ngừng nhập, thị trường trong nước lại không thích lợn mỡ, trọng lượng lớn, người nuôi rất dễ bị “nốc ao” không biết bán lợn cho ai.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Bột giặt Omo

Bột giặt Omo là sản phẩm phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và có sản lượng tiêu thụ tốt. Chính vì thế, nhiều đối tượng đã lợi dụng làm giả sản phẩm này và trà trộn vào thị trường.

Chị Lê Thị Yên - chủ một cửa hiệu tạp hóa ở Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nhiều cửa hàng hám lợi nên bán bột giặt Omo giả. Khi bán loại bột giặt này, họ thu được lợi nhuận cao hơn hẳn. Với gói 400g, nếu như bán bột giặt Omo thật chỉ được lãi khoảng 1.400 đồng. Nhưng khi bán bột giặt Omo giả lợi nhuận có thể đạt từ 3.000 đến 4.000 đồng.

Những chủ cửa hàng này thường bày bán hàng giả xen lẫn hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng.

Điều đáng nói là bột giặt Omo giả chất lượng rất kém, có hại cho sức khỏe. Chị Đinh Thị Hòa (Láng Thượng – Đống Đa) đã từng mua phải Omo giả cho biết: Omo giả có chất lượng kém hơn hẳn, một số đặc điểm có thể dễ nhận thấy khi sử dụng là: Bột giặt bị vón cục, mùi không thơm như Omo thật, ít bọt, rất hại da tay…
Trước tình trạng bột giặt Omo giả đang tràn lan, đại diện của Unilever Việt Nam, đơn vị sản xuất bột giặt Omo tại 233 Nguyễn Trãi (Hà Nội) khuyến cáo tới người tiêu dùng những đặc điểm để phân biệt thật giả. Cụ thể: Omo thật có “dấu chìm” quanh bao bì với dòng chữ: “Unilever Việt Nam – Bảo đảm hàng thật”. Chỉ cần nhìn nghiêng sẽ thấy được “dấu chìm” này. Omo giả không có “dấu chìm". Tại phần giới thiệu về công ty sản xuất, Omo giả ghi: Sản phẩm của Công ty liên doanh Unilever Việt Nam. Omo thật ghi: Sản phẩm của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam. Các họa tiết, nét chữ trên sản phẩm Omo thật được in sắc nét, khác hẳn với sản phẩm Omo giả. Giá và ngày sản xuất trên bao bì: Sản phẩm thật có giá thấp hơn và mực in có màu nâu đậm.

Bà Bùi Thị Hương, phụ trách truyền thông của Unilever Việt Nam cho biết: Công ty đã có nhiều khuyến cáo tới các đại lý và người tiêu dùng về hiện tượng hàng giả, hàng nhái. Đồng thời áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chống làm nhái, làm giả”. Bà Hương cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua bột giặt Omo tại các địa chỉ tin cậy, siêu thị, các đại lý chính thức của công ty để mua được hàng thật.

Dầu gội Sunsilk

Bên cạnh xà phòng thì mặt hàng dầu gội cũng đang bị làm giả nhiều và chủ yếu tiêu thụ ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mới đây đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã phát hiện và thu giữ 21.000 gói dầu gội đầu giả, có nguồn gốc xuất xứ nhập lậu từ Trung Quốc nhưng lại được đóng gói hết sức tinh vi và giả mạo các nhãn hiệu Sunsilk, Romano…

Quản lý thị trường Thừa Thiên - Huế cũng phát hiện nhiều loại dầu gội đầu giả của Clear, Sunsilk, Dove… bán trên địa bàn tỉnh này. Theo cơ quan chức năng, các loại dầu gội đầu này được một đường dây làm lậu chiết ra thành nhiều chai (loại 350 -450 ml) thay đổi nhãn mác, sau đó được tiêu thụ ở các chợ đầu mối như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Bao Vinh... hoặc đem bán cho các tiệm uốn tóc, quầy hàng ở các vùng quê với giá 12.000 -19.000 đồng/chai, rẻ hơn so với các loại dầu gội thật.

Dầu gội được làm giả tinh vi và bán với giá siêu rẻ nhưng chất lượng lại không được đảm bảo đang thực sự là mối nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Việc sử dụng hàng kém chất lượng sẽ có những hệ lụy không nhỏ cho người sử dụng, do vậy người tiêu dùng cần phải cẩn thận hơn với những loại dầu gội, dầu xả trôi nổi tại các chợ nhỏ, chợ cóc, không vì rẻ mà mang họa vào thân.

Bà con cần lưu ý một số chi tiết trên gói dầu gội đầu để nhận biết hàng thật, hàng giả. Cụ thể ở gói dầu gội Sunsilk như sau:

Hàng thật:
- Có lô-gô U in chìm trên vỏ bao bì.
- Có vết xé gói góc trên cùng bên trái.
- Hình ngôi sao góc trên cùng, bên trái rõ ràng, sắc nét.

Hàng giả:
- Không có lô-gô U in chìm trên vỏ bao bì.
- Không có vết xé gói.
- Hình ngôi sao góc trên cùng, bên trái không rõ ràng, sắc nét.

((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))