Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 26/6/2015

03:27 PM 26/06/2015 |   Lượt xem: 2190 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Khô hạn xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ đạt mức kỷ lục trong 40 năm qua. Để ứng phó, giảm nhẹ tác động tiêu cực của BĐKH lên sản xuất nông nghiệp, thích ứng cho cây trồng là biện pháp, hướng mở có ý nghĩa rất quan trọng và hiệu quả.

Chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Trong những năm gần đây, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ dường như năm nào cũng bị hạn, năm sau hạn gắt hơn năm trước gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho bà con. Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, tỉnh Ninh Thuận có 6.100 héc-ta đất lúa không có nước để sản xuất, hơn 2.000 héc-ta bị hạn, trong đó mất trắng 501 héc-ta, giảm năng suất gần 1.600 héc-ta. Cả tỉnh Khánh Hòa có 571 héc-ta đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, 600 héc-ta chuyển đổi cơ cấu cây trồng do không đủ nước tưới và gần 3.000 héc-ta cây trồng bị thiếu nước. Nắng hạn kéo dài cũng khiến cho diện tích thiếu nước, hạn hán ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ lên mức cao nhất 95.000 héc-ta. Hạn còn lan rộng đến tận Tây Nam bộ, gây ra tình trạng thiếu nước cho lúa vào thời gian cuối tháng 2 đầu tháng 3 ở các địa phương như Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu với diện tích gần 20.000 héc-ta.

Thích ứng cây trồng là biện pháp cần thiết để nền nông nghiệp có thể đứng vững trước các hình thái biến đổi khí hậu. Bên cạnh các giải pháp và công nghệ canh tác ở vùng khô hạn và sa mạc hóa, giải pháp bền vững tổng thể hơn là việc quy hoạch và định hướng cho bà con nông dân tại những vùng dễ xảy ra thiên tai, hạn hán chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây dài ngày sang ngắn ngày, hoán đổi một phần diện tích đất lúa sang ngô và cây ăn trái, cây công nghiệp… để giảm nhu cầu về nguồn nước, đảm bảo mùa vụ và thu nhập. Song chuyển đổi như thế nào, ở đâu thì lại cần có vai trò của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc khảo sát và quy hoạch. Khi chưa chuyển đổi đồng loạt, sản phẩm các loại cây trồng cạn còn ít, vừa sức mua của tư thương thì giá còn ở mức cao. Nhưng đến khi đã chuyển đổi mạnh, cung vượt cầu, lập tức sản phẩm bị ép giá. Do đó, khi vận động nông dân thực hiện chuyển đổi họ rất đồng tình, nhưng không khỏi lo lắng về đầu ra. Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể để gắn doanh nghiệp với nông dân mới cơ bản giải quyết được vấn đề này.

Giải pháp lâu dài để sống chung với BĐKH

Nằm trong chiến lược quốc gia ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cần có những chương trình, dự án phù hợp, vừa có tác dụng trước mắt, vừa lâu dài với BĐKH đã, đang và sẽ có ảnh hưởng xấu tới sản xuất lương thực nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, theo hướng ngày càng phức tạp và xấu hơn. Nội dung nghiên cứu nông nghiệp thích ứng bao gồm các biện pháp né và sống chung an toàn với điều kiện bất lợi do BĐKH, như dùng giống lúa cực sớm, lúa cạn và cây lương thực ăn củ ở đất cao để né lũ, né hạn, mặn xâm nhập. Với những giống cây trồng, vật nuôi đã được thử nghiệm thành công có thể thích ứng với biến đổi khí hậu (ngắn ngày, chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng, kháng sâu bệnh...) cần được các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng thành những chương trình, dự án nhân rộng ra các địa phương có những điều kiện áp dụng tương tự. Nâng cao năng lực cho các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông của địa phương về phương pháp, kỹ năng để thí điểm, nhân rộng các mô hình, giải pháp thích ứng với BĐKH.

Những tác động tiêu cực của BĐKH đang ngày càng rõ rệt và có quá nhiều việc cần phải hành động nhưng chúng ta có thể giải quyết hiệu quả từng phần, trong đó cần đẩy nhanh việc hiện thực hóa các giải pháp thích ứng cây trồng để giảm thiểu tác động, góp phần ổn định đời sống người dân và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

MUA GÌ

Quảng Trị: Giá chuối giảm do thời tiết nắng nóng

Hai tháng nay, trên địa bàn huyện vùng cao Hướng Hóa (Quảng Trị), nắng nóng đã làm đời sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất hết sức trầm trọng. Hơn nữa, nắng nóng còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giá chuối giảm xuống thấp nhất lâu nay. Hiện giá chuối chỉ 2.000 đồng/kg mà thương lái cũng không mặn mà. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, chuối chưa xuất sang Trung Quốc, Thái Lan thì đã chín hết trên đường đi nên rất khó bán, dễ bị lỗ. Tình hình này khiến lái buôn không dám “ăn” hàng. Phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa cho biết, chuối là cây chủ lực đang được khuyến khích trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện. Toàn huyện có khoảng 2.000 héc-ta chuối. Người dân sang tận Lào liên doanh trồng chuối xuất qua Trung Quốc, Thái Lan theo đường tiểu ngạch với giá bình quân 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời điểm này do thời tiết nắng nóng kéo theo giá chuối xuống thấp còn 2.000 đồng/kg, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương đang vận động người dân tiếp tục chăm sóc vườn, rẫy, nhằm đảm bảo năng suất chất lượng, chờ giá cả ổn định.

Khánh Hòa: Tôm thẻ chân trắng mất mùa, mất giá

Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá. Hiện nay, ở nhiều vùng tôm như: Ninh Hà, Ninh Lộc… diện tích đìa thả nuôi rất ít, nhiều đìa nuôi bị bỏ hoang, máy móc, thiết bị nuôi tôm cũng được cất dọn. Nguyên nhân do thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh đã khiến tôm chết nhiều. Không chỉ vậy, năm nay, chi phí đầu tư nuôi tôm cũng tăng cao. Các loại thức ăn, khoáng chất trộn vào thức ăn, men vi sinh, thuốc kháng sinh đều tăng từ 15 - 20%. Ngoài ra, do tôm chết yểu, chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán tôm sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ. Chính vì thế giá bán ra rất thấp, tôm sống chỉ bán được cho thương lái tiêu thụ nội địa, còn tôm chết bán làm thức ăn cho tôm hùm. Hiện nay, tôm cỡ 100 con/kg cũng chỉ 90.000 đồng/kg (giảm khoảng 40.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước); tôm nhỏ hơn giá chỉ 55.000 đồng/kg; thậm chí chỉ còn khoảng 25.000 đồng/kg. Không chỉ có vậy, thương lái khi thu mua cũng tìm đủ cách để ép giá...

Bà Rịa – Vũng Tàu: Giá hạt điều cuối vụ tăng cao

Giá hạt điều trong những tuần cuối vụ đang tăng mạnh so với đầu vụ. Thương lái hiện mua hạt điều tại vườn là 35.000 đồng/kg, cao hơn thời điểm đầu vụ 10.000 đồng/kg. Các thương lái mua hạt điều cho biết, nguyên nhân giá hạt điều tăng là do các doanh nghiệp chế biến năm nay có hợp đồng tốt, cùng với đó, lượng mưa đầu mùa năm nay đến chậm hơn mọi năm nên độ ẩm của hạt điều thấp, các doanh nghiệp không trừ độ ẩm nhiều như mọi năm.

Theo đánh giá của các chủ vườn, giá hạt điều năm nay khá cao và ổn định so với các năm trước, lúc thấp nhất cũng đạt 2 5.000 đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ vụ điều trước khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tuy giá điều cao, nhưng hiện nhiều cơ sở chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không đủ nguyên liệu để sản xuất. Nguyên liệu trong nước chỉ đủ để sản xuất trong vòng chưa đầy 4 tháng, còn lại phải nhập hạt điều chưa qua sơ chế từ các nước châu Phi về sơ chế.

Giá đu đủ giảm mạnh

Hiện nhiều nhà vườn trồng đu đủ ở 2 tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ không còn mặn mà chăm sóc vườn cây, vì giá đu đủ đã giảm mạnh, từ 7.000 đồng/kg xuống còn 1.500 – 4.000 đồng/kg (tùy loại). Với giá này, nhà vườn không đủ bù chi phí mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tính trung bình mọi năm, đu đủ bán được giá 6.000 – 7.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu trên 100 triệu đồng cho một vườn cây. Năm nay vườn đu đủ cho sản lượng nhiều hơn nhưng giá bán chỉ từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, khiến nguồn thu giảm đi nhiều so với năm ngoái, trong khi đó các chi phí đều tăng. Nguyên nhân khiến giá đu đủ giảm mạnh vì diện tích trồng cây này năm nay tăng lên đáng kể, cộng thêm là đang vào mùa thu hoạch trái cây khác nên nhu cầu tiêu thụ đu đủ cũng giảm.

BÁN GÌ

Sẽ xuất khẩu 100.000 tấn vải thiều trong năm tới

Một ngàn tấn vải sẽ được xuất khẩu sang thị trường 6 nước gồm: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc, Mỹ và Israel ngay trong mùa vải năm nay. Và theo dự kiến, từ năm sau, số lượng vải xuất khẩu ra thị trường thế giới sẽ đạt từ 50 - 100 ngàn tấn/năm. Đây là một trong những cam kết quan trọng được ký kết tại Bộ Khoa học Công nghệ giữa Ủy ban Nghiên cứu chiến lược Nông – Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản cùng đại diện các công ty của Nhật, Malaysia, Úc, Israel với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) cùng đại diện Bộ KHCN, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam và 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang. Đại diện các bên cũng đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ về việc: Hợp tác đưa các ứng dụng khoa học công nghệ cao vào phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam cũng như chống biến đổi khí hậu. Về lâu dài, chương trình hợp tác giữa các bên sẽ xây dựng và áp dụng hệ tiêu chuẩn quốc tế để triển khai tới các địa phương và đưa nông sản Việt Nam đi xuất khẩu trên nhiều nước trên thế giới, tiến tới xây dựng thương hiệu cho trái vải Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Xoài được cấp phép vào thị trường Nhật Bản

Giống xoài trồng tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã được các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn và đồng ý cấp phép vào thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có những quy định cụ thể về các tiêu chuẩn đối với trái xoài xuất sang thị trường Nhật Bản. Do vậy, trước mắt, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng như các cơ quan liên quan đang bàn các giải pháp để nâng cao chất lượng và diện tích trồng xoài, triển khai các dự án nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất xoài hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, dự án chất tạo màng trên trái xoài giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch... để đón đầu và nắm bắt cơ hội trên. Hiện nay, tổng diện tích xoài của huyện Xuân Lộc sản xuất theo hướng GAP khoảng 54 héc-ta, riêng xã Xuân Hưng có hơn 30 héc-ta xoài VietGAP.

Bình Phước: Tiêu giống bán chạy

Huyện Bù Đốp, Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước đã trở thành địa chỉ tin cậy để người trồng tiêu ở Tây Nguyên, Đắk Nông tìm về mua hom tiêu giống. Bởi ở các tỉnh Tây Nguyên, mấy năm nay diện tích trồng tiêu tăng cao nhưng giống tiêu không đảm bảo, trồng bị chết nhiều. Giá tiêu giống Ấn Độ xanh lá to khoảng 400.000 đồng/trụ, bằng giống tiêu Trung và cao hơn giống tiêu Vĩnh Linh 100.000 đồng/trụ. Nếu tiêu Ấn Độ lá tím ở các xã Tân Tiến (Bù Đốp) và Lộc Hòa, Lộc An (Lộc Ninh) thì giá 600.000 đồng/trụ do chất lượng đảm bảo hơn.

Trồng tiêu phải đầu tư vốn lớn, nhưng với giá giống cao như hiện nay thì nhà vườn sẽ thu hồi vốn ngay trong năm sau. Tuy nhiên, không phải người trồng tiêu nào cũng bán được giống. Bởi hom tiêu giống chỉ cắt được trong năm trồng đầu tiên, muốn có giống nhà vườn phải đóng đinh để tiêu bám ra rễ và ngưng bón phân ít nhất 2 tháng trước khi cắt dây. Hom chết là do người bán giống bón nhiều phân trước khi cắt ngọn để tạo sự bắt mắt với người mua thiếu kinh nghiệm, kiến thức về tiêu.

Đà Lạt, Lâm Đồng: Hành tây đổ bỏ đầy quốc lộ

Sau 3 tháng dự trữ để chờ giá lên, hiện caùc nhaø vöôøn troàng haønh taây Ñaø Laït ñang phaûi baùn thaùo döôùi giaù voán, thaäm chí boû haøng chuïc taán beân ñöôøngđquoác loä ñi Phan Rang.
Thời điểm rộ thu hoạch hành tây ở Đà Lạt cách đây 3 tháng. Giá hành tây loại một lúc đó chỉ 2.000 đồng/kg mà vẫn khó bán. Nhiều nhà vườn đã phải bỏ thêm tiền đầu tư làm kho chứa, thuê người đưa hành từ vườn về kho khiến giá vốn một ki-lô-gam hành tây đội lên thành 2.500 đồng. Tuy nhiên, sau 3 tháng dự trữ, hiện hành tây không thể lưu kho lâu hơn và đã hao hụt 15 - 20% khiến các nhà vườn phải bán tháo với giá 2.700 - 2.800 đồng/kg.

Sức tiêu thụ kém cũng khiến nhiều nhà vườn chần chừ xuống giống vụ hành mới. Vào thời điểm này những năm trước, thị trường hạt giống hành tây đã bắt đầu sôi động, mỗi nhà vườn bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua hạt giống chuẩn bị cho vụ mùa mới, còn năm nay lại rất yên tĩnh. Điều này không những ảnh hưởng đến nguồn cung sắp tới mà còn tạo cơ hội cho hành Trung Quốc thao túng thị trường.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Phòng chống thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi

Tình trạng hạn hán ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ đã ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, việc phòng chống thiệt hại cho vật nuôi, cây trồng và sinh hoạt của người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đang được các địa phương hết sức quan tâm.

Gia súc, gia cầm gặm rơm, rạ khô

Tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, vụ hè thu không có nước nên cánh đồng chỉ còn ít khoảnh ruộng trơ gốc rạ, còn lại là những cánh đồng chết trắng hoặc xám khô nứt nẻ. Trên những cánh đồng trắng trơn không mọc nổi cọng cỏ ấy, chỉ có những đàn cừu trắng gầy giơ xương. Tại thôn Rã Giữa (xã Phước Trung, huyện Bác Ái), tình hình còn thê thảm hơn, chẳng còn đến gốc rạ cho gia súc ăn, đàn dê, cừu lăn ra chết. Trên các cánh đồng, đất đai nứt nẻ, hoa màu, cây cỏ đều chết khô, hàng chục ngàn đàn gia súc như cừu, bò… thiếu nước uống, nhiều con đã chết do suy kiệt. Theo số liệu ước tính của UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 10/6, tổng số gia súc có sừng đã chết 1.508 con, trong đó có 1.398 con dê, cừu, chủ yếu là dê, cừu non chết do thiếu sữa mẹ.

Nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, các địa phương đã chủ động hướng dẫn cho nông dân về phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng đàn gia súc, gia cầm tiết kiệm nước trong điều kiện khô hạn. Tận dụng mọi nguồn nước có thể dùng làm nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ và chế biến các loại phụ phẩm sau khi thu hoạch làm thức ăn cho gia súc, gia cầm trước và trong mùa khô hạn. Đặc biệt, trong những ngày khô hạn, bà con cần thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin… Tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm. Đồng thời, tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi. Cần tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch.

Cây trồng rụng hoa, rụng quả

Tại Đắk Lắk, sông, suối khô kiệt khiến nhiều vùng cà phê bạt ngàn ở đây lâm cảnh lao đao do thiếu nước tưới. Hơn 4.300 héc-ta cây trồng của tỉnh bị khô hạn nặng; trong đó có 3.200 héc-ta cà phê, hơn 1.000 héc-ta lúa đông xuân... Nhiều vườn cây ăn trái ở Đồng Nai, Bình Dương cũng đang phải chống chọi với khô hạn. Tại Đồng Nai, do khô hạn, các vườn điều, vườn chôm chôm, thanh long bị khô hoa, khô trái nhiều. Tuy vườn cây ra hoa sum suê nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít. Nhiều cây chôm chôm trong vườn rụng hết cả trái non, cành trơ trọi, năng suất giảm đến 30%. Đặc biệt, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hơn 1.000 héc-ta mía tới ngày thu hoạch đang trong tình trạng chết cháy vì các kênh rạch trong vùng khô hạn, cạn nước, các phương tiện chở mía không thể di chuyển ra khỏi ruộng. Dù Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch đã tháo gỡ khó khăn cho hơn 70.000 tấn mía cho bà con trong vùng bằng cách dẫn nước từ sông Đồng Nai vào các kênh rạch nhưng do mực nước trong kênh vẫn ở mức thấp nên nhiều nơi, thuyền chở mía vẫn chưa thể vào được. Trên nhiều cánh đồng khoai mì, mía tại Tây Ninh, những ngày này đi tới đâu cũng chứng kiến hàng trăm máy bơm đang hối hả bơm nước ngầm cứu cây. Tuy vậy, cây cháy vàng, xơ xác vẫn là tình trạng chung của các vùng này.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều nhà vườn ở Đồng Nai, Bình Dương đã đầu tư nạo vét, đào mới giếng khoan để lấy nước tưới, có nơi phải đào sâu 80 – 100 mét mới có mạch nước ngầm. Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan chức năng, việc đào, khoan giếng với mật độ dày, bừa bãi về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy mạch nước ngầm, gây khó khăn cho sản xuất, trồng trọt sau này. Đối với các địa phương áp dụng biện pháp tình thế là dẫn nước từ sông vào cũng cần lưu ý bởi độ mặn của nguồn nước từ sông chảy qua khu vực này hiện khá cao dẫn đến nguy cơ đất sản xuất trong vùng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tới sản xuất những mùa vụ sau.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Thị trường hồ tiêu: Thương lái nước ngoài tranh mua với doanh nghiệp trong nước

Trước khi vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2015, nhiều nông dân và doanh nghiệp nhận định sai về thị trường nên bán hàng ra với giá chỉ khoảng 160.000 đồng/kg. Nhưng ngay khi vào vụ thu hoạch, từ tháng 2/2015 có nhiều thương lái nước ngoài từ Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc vào thu gom hồ tiêu của nông dân nên giá bắt đầu tăng mạnh lên 170.000 – 180.000 đồng/kg. Giá lên cao, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài không thể mua được hàng vì nông dân không chịu bán ra. Từ đầu vụ, thậm chí có doanh nghiệp chỉ thu mua được 50% lượng hàng cần để xuất khẩu. Khi đó những doanh nghiệp nước ngoài đã thu mua được hàng từ trước bắt đầu bán “nhỏ giọt” với mức giá mới cao hơn.

Hiện giá hồ tiêu nội địa đã tăng lên 204.000 – 205.000 đồng/kg và vẫn không có chiều hướng giảm. Một điều phi lý là hiện giá hồ tiêu tại thị trường trong nước đang tăng cao hơn thị trường của Ấn Độ (một nước sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu khá lớn) từ 80 - 100 đô-la Mỹ/tấn. Trong khi đó, hồ tiêu của Ấn Độ luôn được đánh giá là có chất lượng tốt hơn hồ tiêu của ta.

Còn trước mắt, do hiện tượng “găm giữ” hàng trong nông dân và đại lý, có thể trong thời gian tới, một số khách hàng nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ chuyển một phần sang thu mua hàng của Indonesia và Malaysia.

Box: Giá hồ tiêu liên tục tăng khiến cho diện tích trồng mới loại cây này đang phát triển “bùng nổ” ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đồng Nai, Bình Phước… Tính đến hết năm 2014, diện tích hồ tiêu cả nước đã trên 80.000 héc-ta. Trong khi đó, quy hoạch diện tích trồng cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đến năm 2020 mới là 50.000 héc-ta. Với đà này, chỉ vài năm nữa thôi sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt 200.000 tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của toàn thế giới chỉ khoảng 260.000 – 320.000 tấn/năm. Nguy cơ khủng khoảng thừa mặt hàng hồ tiêu đã có thể trông thấy rõ ràng.

Tiêu thụ nông sản qua biên giới: Thực tế từ một địa phương

Năm 2014, toàn tỉnh Lào Cai có 1.354 héc-ta trồng chuối, doanh thu 45,8 tỷ đồng và 998 héc-ta trồng dứa, doanh thu 78 tỷ đồng. Một vấn đề đặt ra là, phần lớn lượng chuối xuất khẩu do thương lái Trung Quốc đến tận nơi thu mua, trong khi bà con lại không mặn mà ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp trong nước.

Như ở huyện Bát Xát, 80% nông dân trồng chuối cho rằng, nếu ký hợp đồng với doanh nghiệp thì mặc dù được cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhưng giá thấp hơn nhiều so với bán cho thương lái. Bán cho thương lái Trung Quốc, mặc dù giá cao nhưng họ yêu cầu nông dân phải sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuất xứ từ Trung Quốc. Thành ra, chúng ta trở thành nơi tiêu thụ vật tư nông nghiệp cho Trung Quốc.

Một vấn đề nữa, theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu thương nhân nước ngoài không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam thì sẽ không được phép ký hợp đồng trực tiếp với người dân Việt Nam. Để lách luật, thương lái Trung Quốc chỉ thỏa thuận miệng. Do vậy chính quyền không thể can thiệp, xử lý khi xảy ra tranh chấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đến nay hiệu quả thực hiện các chính sách liên quan đến phát triển nông sản vẫn mờ nhạt. Để giải quyết thực trạng này, Chính phủ cần cho phép sự chính quyền địa phương can thiệp nhiều hơn vào việc hỗ trợ và giám sát 2 bên thực hiện hợp đồng, cũng như bảo vệ quyền lợi của 2 bên. Nên tạo điều kiện cho tư thương Trung Quốc có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, hỗ trợ ứng trước vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Và để cạnh tranh được với thương lái Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước cũng cần tính toán tỷ lệ phân chia thu nhập, giúp giảm bớt sự khác biệt về thu nhập cho người dân giữa nhóm có hợp đồng và không hợp đồng.

Box: Sản lượng chuối của Việt Nam tăng từ 1,1 triệu tấn năm 2000 lên 1,9 triệu tấn năm 2014, chiếm khoảng 1,5% tổng sản lượng chuối thế giới. Hơn 90% lượng chuối xuất khẩu của Việt Nam là đưa vào thị trường Trung Quốc nhưng giá xuất khẩu quá thấp, chỉ đạt 273 đô-la Mỹ/tấn, trong khi Trung Quốc là 1.044 đô-la Mỹ/tấn, Israel 883 đô-la Mỹ/tấn và Lào là 488 đô-la Mỹ/tấn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Giá phân đạm tăng mạnh

Thời gian gần đây, giá phân urê (đạm) bất ngờ tăng mạnh trở lại sau khi duy trì ở mức tương đối ổn định.

Hiện giá phân đạm Phú Mỹ tại kho đại lý cấp 1 bán cho đại lý cấp 2 là 8.400 - 8.500 đồng/kg, đạm Cà Mau giá 8.200 - 8.300 đồng/kg, đạm Ninh Bình là 8.300 - 8.400 đồng/kg, tăng khoảng 1.000 - 1.200 đồng/kg (tương đương 50.000 - 60.000 đồng/bao 50 kg) so với mức giá cách đây 3 tháng. Nguyên nhân tăng giá được các đại lý giải thích là do nguồn cung từ các nhà máy đang khan hiếm. Lượng hàng được đại lý cấp 1 đưa xuống đại lý cấp 2 rất hạn chế. Nhiều đại lý đã đăng ký hàng nghìn tấn để chuẩn bị cho mùa vụ mới nhưng chỉ được các nhà máy đáp ứng 1/3, thậm chí nhiều khi không có hàng.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Kinh doanh vùng Tây Nam bộ thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), cho rằng phân đạm tăng giá chỉ là hiện tượng cục bộ do nguồn cung giảm vì nhà máy đạm Phú Mỹ đang được bảo trì. Ngoài ra, những năm trước, lượng phân đạm nhập khẩu từ Trung Quốc nhiều, nhưng năm nay đã giảm xuống vì lượng hàng trong nước sản xuất đã ổn định hơn. Đồng thời, thông thường mọi năm khi bắt đầu vào vụ sản xuất, mỗi đại lý lớn tích trữ khoảng 5.000 - 10.000 tấn, còn đại lý nhỏ cũng 1.000 - 2.000 tấn. Nhưng, từ năm ngoái đến nay, khi nhà máy sản xuất ổn định, các đại lý không tích trữ nữa nên khi nhà máy ngưng, nguồn cung chậm lại, lập tức các đại lý đẩy mạnh mua dẫn đến tình trạng tăng giá. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, lượng phân được PVFCCo phân phối ra thị trường tiếp tục tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng diện tích nuôi cá lóc

Hiện nay, tại Trà Vinh, bà con nông dân đua nhau mở rộng diện tích nuôi cá lóc do giá cá lóc thương phẩm tăng cao.

Sau một thời gian dài, giá cá lóc thương phẩm luôn ở mức thấp, điều kiện nuôi không thuận lợi khiến diện tích nuôi cá lóc trong tỉnh giảm mạnh. Tuy nhiên, gần đây, giá cá lóc tăng mạnh, nông dân lại đua nhau mở rộng diện tích. Hiện cá lóc phương phẩm mua tại ao có giá từ 37.000 - 38.000 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận khá cao nhưng ít có sản phẩm để bán. Thậm chí, nhiều thời điểm khan hàng, giá cá lóc tăng đến 40.000 - 42.000 đồng/kg. Với giá cá lóc thương phẩm như hiện nay, sau khi trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá cá lóc tăng cao là do thiếu hụt nguồn cung, do thời gian qua người nuôi cá luôn bị lỗ hoặc hòa vốn nên diện tích nuôi giảm mạnh. Chỉ tính riêng tại tỉnh Trà Vinh, kể từ đầu năm đến nay địa phương chỉ thả nuôi gần 150 héc-ta, giảm trên 60 héc-ta, trong khi sản lượng chỉ đạt hơn 13.000 tấn, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi giá cá tăng lên, nông dân lại đổ xô thả cá bất chấp hạ tầng phục vụ sản xuất hạn chế vì nằm ngoài quy hoạch.

Trước tình hình đó, ngành chuyên môn Trà Vinh khuyến cáo người dân chỉ thả rải vụ để tránh lặp lại tình trạng được mùa mất giá. Người dân nên tuân thủ mật độ nuôi, lịch thời vụ, môi trường nước, không vì giá cá lóc nguyên liệu tăng mà phát triển ồ ạt. Đặc biệt, hiện nay do hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi cá lóc chưa hoàn chỉnh nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không được thả nuôi ổ ạt, tránh ô nhiễm môi trường.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Nước đóng chai giá rẻ nguy cơ rình rập

Hai năm trở lại đây, đi công tác tại các xã miền núi, thậm chí ở một số bản vùng sâu, vùng xa... dễ dàng tìm mua được nước đóng chai tại các quán ven đường. Tên gọi, hình thức của các loại nước đóng chai này khá đa dạng và chất lượng thì không theo bất cứ một loại tiêu chuẩn nào.

Nước đóng chai “tấn công” thị trường miền núi

Với tính tiện lợi không thể phủ nhận, nước đóng chai từ chỗ được sử dụng tại các đô thị lớn, nay đã “phủ sóng” ở hầu hết các làng quê. Tuy nhiên, các thương hiệu nổi tiếng, đã được kiểm định về chất lượng như: Aquafina, LaVie, Vikoda… hầu như chỉ dừng chân ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Tại các làng quê, bà con tiêu thụ chủ yếu là các sản phẩm nước đóng chai với cái tên na ná như: Aquatina, Aquafifa, LaVe, LaVi…

Nhác trông, các chai nước này không khác những chai nước đã đăng ký thương hiệu là mấy. Tuy nhiên, cầm trên tay dễ dàng nhận thấy, vỏ chai khá mỏng, mềm; chữ in nhòe, màng co ở cổ chai rất thô sơ. Khi uống, nước không có vị thanh mát; thậm chí một số loại còn hơi có vị tanh. Đây là kết quả của quy trình sản xuất được “tối giản” tới mức tối đa. Chỉ cần mấy mét vuông nhà, vài chiếc bình lọc... là đã có thể cho ra sản phẩm.

Với giá bán khoảng 3.000 – 4.000 đồng/chai, bà con sẵn sàng bỏ tiền để mua nước đóng chai mỗi khi có việc phải đi xa ra khỏi bản, làng. Hỏi người đàn ông Mông ở bản Xa Lao, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa về loại nước đóng chai mà ông vẫn hay mua uống mỗi khi xuống chợ, ông nói rất tự nhiên: Là nước thì uống thôi, ai biết họ làm như thế nào đâu. Mọi người vẫn cứ dùng vậy mà, có ai sao đâu. Bà con đi xa giờ không mang theo nước đâu, mua nước chai uống thôi...

Hỏi người bán tại các cửa hàng ven đường thì đại đa số đều trả lời, có người đưa thì lấy bán thôi. Có vài chai nước nên quản lý thị trường cũng chưa hỏi bao giờ. Cùng với nước đóng chai, nhiều cơ sở sản xuất còn cung cấp nước đóng bình 20 lít, với giá bán từ 13.000 – 15.000 đồng/bình. Cũng do tính tiện lợi, nên nhiều UBND xã vẫn mua các bình nước này về để sử dụng và tiếp khách.
Báo động về chất lượng

Theo PGS,TS. Phan Thị Sửu - Giám đốc Trung tâm kỹ thuật An toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, quy trình sản xuất nước đóng chai, đóng bình đảm bảo chất lượng phải qua các bước: Nước thô được lọc qua than hoạt tính để khử mùi, sau đó trao đổi ion khử các loại khoáng, lọc ngược để khử các vi sinh vật. Và qua hệ thống đóng chai phải là một môi trường rất vô trùng, có tia cực tím để chống vi sinh vật.

Căn cứ vào các tiêu chuẩn này, thì hầu hết các cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai trôi nổi đều không thực hiện đủ các bước trên. Đó là chưa kể đến việc, nhiều cơ sở mở nhà máy, xưởng sản xuất sơ sài, lại nằm ngay gần các điểm nhạy cảm như: nghĩa trang, kho xăng dầu, nhà máy hóa chất, trại chăn nuôi, khu vực xử lý chất thải… Thậm chí nhiều cơ sở sản xuất còn ngang nhiên múc nước giếng khoan, đóng chai và cung cấp ra thị trường trong khi không hề có đăng ký ngành nghề kinh doanh nước uống, nước giải khát đóng chai.

Không ít chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh nước đóng chai thừa nhận: Mở cơ sở sản xuất - kinh doanh nước tinh khiết đóng chai quá đơn giản. Chỉ cần lấy mẫu nước của cơ sở sản xuất rồi nộp cho cơ quan y tế dự phòng kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước, nồng độ PH... vậy là có thể được cấp giấy phép hoạt động. Vậy nhưng nếu kiểm tra theo đúng các yêu cầu cần có thì hầu như cơ sở nước đóng chai trôi nổi nào cũng có vô số các vấn đề.

Thực tế này đã dẫn đến việc, nhiều cơ sở dùng nước giếng khoan nhưng do không có hệ thống xử lý kỹ càng nên dễ dàng có sự xuất hiện của vi khuẩn E. Coli gây tiêu chảy, viêm đường ruột... Cùng với đó là kim loại nặng như chì, thủy ngân - các kim loại này rất độc hại, khi sử dụng lâu ngày và tích lũy trong cơ thể có khả năng gây bệnh ung thư. Chưa kể, do tận dụng máy móc thiết bị thô sơ, cũ kỹ trong quá trình sản xuất nên nước có nhiều cặn đồng, sắt.

Chính vì những nguy cơ rình rập như vậy, nên các chuyên gia khuyên bà con nên chuẩn bị nước đun sôi để nguội mang theo mỗi khi đi xa. Cách này vừa tiết kiệm vừa tốt cho sức khỏe. Bởi lẽ, thường xuyên sử dụng các loại nước đóng chai không đảm bảo chất lượng, sẽ ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của bà con.

BÀ CON CẦN BIẾT

4 đối tượng được hưởng chính sách phát triển thủy sản

Sau hơn nửa năm triển khai thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã dần đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mới đây nhất, tại Thông báo 173/TB-VPCP về tình hình triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định. Đặc biệt, thủ tục hồ sơ phải đơn giản, minh bạch nhưng đảm bảo chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Các đối tượng được hưởng chính sách phát triển thủy sản

Phó Thủ tướng đồng ý 4 đối tượng sau đây được hưởng các chính sách quy định tại Nghị định 67:

Thứ nhất, các tổ chức, cá nhân đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép.

Thứ hai, các tổ chức, cá nhân nâng cấp tàu khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ vật liệu mới được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Thứ ba, các tổ chức, cá nhân có tàu công suất từ 400 CV trở lên thực hiện một hoặc nhiều hạng mục nâng cấp tàu (gia cố vỏ tàu; nâng cấp hầm bảo quản; mua ngư lưới cụ; trang thiết bị khai thác; trang thiết bị hàng hải; trang thiết bị bảo quản; bốc xếp hàng hóa) mà không thay máy thì được hưởng hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất như đối với trường hợp nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400 CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên.

Thứ tư, các thành viên nghiệp đoàn nghề cá có tham gia hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được hưởng chính sách bảo hiểm như là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản.

Thiết kế mẫu tàu

Về thiết kế mẫu tàu, đối với trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các trường hợp điều chỉnh thiết kế mẫu tàu vỏ thép nhưng không làm thay đổi tính năng, an toàn của tàu cá và ủy quyền cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt.

Đối với thiết kế mẫu tàu vỏ gỗ, Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, thẩm định và phê duyệt bảo đảm phù hợp với tập quán của ngư dân, đặc thù vùng biển của địa phương. Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc cho phép thực hiện vốn đối ứng theo tiến độ hoặc theo định kỳ. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư quy định cụ thể.

HÀNG VIỆT

Xoài tròn Yên Châu

Xoài Yên Châu là cây ăn quả có nguồn gốc gắn liền với truyền thống văn hóa và lịch sử phát triển nghề làm vườn của các dân tộc vùng đất Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Đây cũng là giống xoài bản địa duy nhất của miền Bắc Việt Nam đã được liệt kê trong danh mục của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cần được gìn giữ và phát triển.

Mùa này về Yên Châu, từ đỉnh Đèo Chiềng Đông xuôi theo quốc lộ 6 khoảng 35km thuộc địa bàn huyện Yên Châu, dịp này, chỗ nào cũng thấy xoài. Những thùng xoài xanh có, chín có được bà con dân tộc bày bán dọc hai bên đường. Mùa xoài năm nay được mùa nhưng không bị mất giá, đã vào chính vụ nhưng giá xoài vẫn bán được từ 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Xoài tròn Yên Châu được trồng tại các xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sập Vạt thuộc huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Đây là những địa phương hội tụ các điều kiện địa lý đặc biệt thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của giống xoài này. Huyện Yên Châu xác định đây là cây trồng mũi nhọn của huyện với gần 95% số hộ trong huyện trồng xoài. Diện tích trồng nhiều ở các một số xã dọc theo suối Vạt như: Sặt Vạt, Chiềng Pằn, Viềng Lán, Chiềng Khoi…

Xoài Yên Châu có rất nhiều loại như: xoài tròn, xoài hôi, xoài mút, xoài sáy… mỗi loại đều có một hương vị riêng nhưng xoài tròn được trồng phổ biến nhất vì quả có vị ngọt đậm, mềm và đặc biệt là rất thơm. Ngoài các yếu tố tự nhiên nói trên, bí quyết của các đồng bào dân tộc Thái trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm cũng góp phần tạo nên chất lượng thơm ngon của xoài tròn Yên Châu.
Cây xoài ở Yên Châu đang thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền địa phương cần tiếp tục có những cơ chế thích hợp trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật chăm bón, nâng cao hiệu quả cây trồng này trong thời gian tới.

An Giang: Tăng cường giới thiệu sản phẩm lúa gạo

Nhờ những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, hệ thống thủy nông và chú trọng áp dụng các phương pháp canh tác lúa tiên tiến, An Giang đã và đang trở thành địa phương có sản lượng lúa cao nhất trong các tỉnh, thành phố của cả nước.

Tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2015) diễn ra trong tháng 5/2015, An Giang đã tham gia triển lãm với 8 gian hàng chuyên đề về lúa gạo. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Thương mại An Giang, lý do tỉnh chọn chủ đề về lúa gạo làm chuyên đề chính tại khu gian hàng vì An Giang là tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, An Giang đã giới thiệu với người tiêu dùng cả nước các loại gạo có chất lượng cao, quy trình trồng, chế biến đạt chuẩn xuất khẩu để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu. Đồng thời, mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hoặc hợp tác đầu tư vào lĩnh vực chế biến hàng giá trị gia tăng từ lúa gạo để làm tăng giá trị hạt gạo Việt Nam; giới thiệu năng lực chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp An Giang đến các đối tác quốc tế.

Ngoài ra, An Giang đã lựa chọn các giống lúa, gạo có bao bì dán nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thông tin liên quan – đặc tính, quy trình kỹ thuật trồng để trưng bày tại triển lãm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn giới thiệu trưng bày 20 loại bánh được làm từ gạo và cử cán bộ thông thạo tiếng Anh hướng dẫn và giới thiệu về sản phẩm đến nhà nhập khẩu cũng như du khách nước ngoài.

Vietnam Foodexpo là triển lãm quốc tế chuyên ngành về thực phẩm có quy mô lớn và thu hút nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Thông qua triển lãm này, An Giang có thể giới thiệu hình ảnh cây lúa và các sản phẩm được chế biến từ gạo đến với các nước nhiều hơn. Qua đó tìm thêm được thị trường đầu ra để giải quyết nhiều khó khăn, tồn tại trong khâu xuất khẩu.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)