Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 5/6/2015

03:22 PM 06/06/2015 |   Lượt xem: 1875 |   In bài viết | 

BÀ CON CẦN BIẾT VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG

Thực hiện chương trình đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động “Đồng bào các dân tộc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” của Ủy ban Dân tộc và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. Từ số 23 (ra ngày 5/6/2015) Chuyên đề Dân tộc Thiểu số & Miền núi - Báo Công Thương mở chuyên mục “Bà con cần biết về an toàn giao thông”, nhằm tăng cường nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi hành vi của người dân miền núi, bảo đảm trật tự an toàn khi tham gia giao thông. Trân trọng kính mời bạn đọc góp ý, cộng tác với chuyên mục.

Tìm hiểu biển báo giao thông đường bộ


Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số và người dân miền núi nâng cao hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, Chuyên đề DTTS & MN xin hướng dẫn bà con tìm hiểu về biển báo giao thông đường bộ. Đây là hệ thống các biển báo được đặt ven đường giao thông, nhằm cung cấp thông tin cụ thể cho bà con khi tham gia giao thông. Biển báo chia làm 6 nhóm: biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn, biển phụ, vạch kẻ đường.

Biển báo cấm

Gồm 40 biển báo được đánh số thứ tự từ 101 đến 140. Hầu hết các biển đều có viền đỏ, nền màu trắng, trên nền có hình vẽ màu đen đặc trưng cho điều cấm hoặc hạn chế sự đi lại của các phương tiện cơ giới, thô sơ và người đi bộ.

Biển báo số 101: Đường cấm tất cả các loại phương tiện (cơ giới và thô sơ) đi lại cả hai hướng, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

Biển báo số 102: Cấm đi ngược chiều. Đường cấm tất cả các loại xe (cơ giới và thô sơ) đi vào theo chiều đặt biển, trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

Biển báo sô 103b: Đường cấm tất cả các loại xe cơ giới kể cả môtô 3 bánh có thùng xe rẽ phải, trừ môtô hai bánh, xe gắn máy và các xe được ưu tiên theo quy định.
Biển báo số 104: Cấm môtô đi qua, trừ các xe môtô được ưu tiên theo quy định.

Biển báo số 105: Đường cấm tất cả các loại xe cơ giới và môtô đi qua trừ xe gắn máy và các xe ưu tiên theo quy định.

Biển báo số 106: Để báo đường cấm tất cả các loại ôtô tải có trọng lượng lớn nhất cho phép (bao gồm trọng lượng xe và hàng) trên 3,5 tấn đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

Biển báo số 107: Để báo đường cấm ôtô chở hành khách và các loại ôtô tải có trọng lượng lớn nhất cho phép trên 3,5 tấn kể cả các loại máy kéo và xe máy thi công chuyên dùng đi qua trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

Biển báo số 108: Đường cấm tất cả các loại xe cơ giới kéo theo rơ-moóc kể cả môtô, máy kéo, ôtô khách kéo theo rơ-moóc đi qua, trừ loại ôtô sơ-mi rơ-moóc và các loại xe được ưu tiên (có kéo theo rơ-moóc) theo quy định.

Biển báo số 109: Đường cấm tất cả các loại máy kéo, kể cả máy kéo bánh hơi và bánh xích đi qua.

Biển báo số 110: Đường cấm xe đạp đi qua.

Biển báo số 110a: Đường cấm xe đạp đi qua

Biển báo số 110b: Đường cấm xe đạp thồ đi qua. Biển này không cấm người dắt loại xe này.

Biển báo số 111a: Đường cấm xe gắn máy đi qua. Biển không có giá trị đối với xe đạp.

Biển báo số 111b: Cấm xe ba bánh loại có động cơ (xe lam). Để báo đường cấm xe ba bánh loại có động cơ như xe lam, xích lô máy, xe lôi máy.

Biển báo số 111c: Cấm xe ba bánh loại có động cơ (xe lôi máy).

Biển báo số 111d: Cấm xe ba bánh loại không có động cơ như xích lô, xe lôi, xe đạp.

(Mời xem tiếp số sau)

TIÊU ĐIỂM

Điều được mùa, được giá

Ở vùng Đông Nam bộ, điều là một loại cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau. Tỉnh Bình Phước có quỹ đất bazan chiếm gần 60% diện tích toàn tỉnh, rất thuận tiện cho sự phát triển tối ưu của cây điều, cho năng suất rất cao. Dẫu giá cả trồi sụt trong những năm qua, song cây điều vẫn giúp bà con nông dân nơi đây có cuộc sống ổn định.
Niềm vui được giá

Vụ thu hoạch 2015 vừa chớm kết thúc, người trồng điều ở tỉnh Bình Phước hồ hởi bởi lợi nhuận cao hơn hẳn những năm trước. Theo ghi nhận, vào thời điểm trung tuần tháng 5, giá điều thu mua tại vườn từ 26.000 – 27.000 đồng/kg, riêng tại các đại lý khoảng 28.000 đồng/kg. Đây là mức giá điều tươi cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Ông Trần Văn Thới, người dân phường Long Phước (thị xã Phước Long) canh tác 1,5 héc-ta điều đã được gần 10 năm. Vụ thu hoạch này, gia đình ông ước thu được hơn 3 tấn điều. “Năm nay ngoài bón phân hữu cơ, ngay từ lúc điều ra hoa tôi thường xuyên tưới nên vườn điều rất sai trái, hạt mẩy. Trừ các chi phí, tôi cũng có được hơn 60 triệu đồng trong vụ thu hoạch 2015” - ông Thới cười tiết lộ.

Theo nông dân trồng điều ở Bình Phước, trung bình 1 héc-ta điều cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, nhân công. Đáng chú ý, trong thời gian qua, giá cao su, cà phê và một số mặt hàng nông sản giảm sút nhiều thì điều, cây trồng chủ lực ở tỉnh Bình Phước lại giá cao, cũng đã giúp giải quyết việc làm và tạo thu nhập nhất định cho hàng trăm lao động. Ông Nguyễn Văn Chín, chủ vườn điều rộng 5 héc-ta ở xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập) cho hay, giá tiền công lượm điều tính khoán 2.000 đồng/kg, trung bình mỗi ngày 1 người có thể lượm từ 80 – 90 kg, thu nhập từ 180.000 – 190.000 đồng/ngày. Riêng đối với giá thuê công nhật từ 150 – 160.000 đồng/người/ngày.

Nông dân vẫn bị ép giá

Hiện nay, Bình Phước chiếm gần 50% diện tích điều cả nước. Tuy nhiên, việc thu mua hạt điều trên địa bàn tỉnh chủ yếu qua các thương lái, mạnh ai nấy mua. Bà con nông dân thu hoạch điều xong bán ngay cho thương lái với lý do dễ hiểu: thuận tiện, không phải đi xa, không phải mất công bảo quản, cất giữ nhưng lại dễ bị làm giá, ép giá. Thêm nữa, người nông dân làm ra hạt điều chưa liên kết được với các nhà máy chế biến, chưa liên kết giữa các khâu sản xuất - thu mua và chế biến với nhau. Từ đó, quyền lợi của người trồng điều bị ảnh hưởng rất lớn. Rõ ràng, người trồng điều và ngành chế biến điều của tỉnh Bình Phước đang đứng trước khó khăn rất lớn. Làm sao để giữ ổn định diện tích điều của địa phương trong những năm tiếp theo đang là trăn trở của các cấp, ngành chức năng trong tỉnh.

Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã có những giải pháp trước mắt và lâu dài để người trồng điều yên tâm sản xuất, ngành chế biến điều vượt qua những khó khăn đang gặp phải. Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất - khuyến nông để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân, phổ biến cơ chế chính sách, hoạch định của Nhà nước về sản xuất nông nghiệp, thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường giá cả nông nghiệp cho nông dân. Đối với diện tích điều trồng giống cũ, năng suất thấp, bà con sẽ được hướng dẫn cải tạo hoặc trồng mới bằng những giống điều có năng suất cao. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng các câu lạc bộ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả để nông dân học tập, làm theo. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bà con nông dân và các cơ sở chế biến hạt điều vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các nguồn vốn để trồng mới, canh tác, chăm sóc cây điều.

MUA GÌ

Nắng hạn gay gắt trên diện rộng: Nhiều nơi phải mua nước giá quá cao

Nhiều tháng qua, khô hạn xảy ra trên diện rộng, nhiều nơi ở miền Trung gần đây nắng nóng trên 40 độ C làm đảo lộn đời sống và sản xuất của người dân. Điển hình nhất là các khu vực miền núi khó khăn chồng chất khó khăn khi mà người dân phải vay tiền để mua nước sinh hoạt. Thực trạng này đang diễn ra tại hai tỉnh miền núi Quảng Trị và Phú Yên.

Huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) là nơi tập trung nhiều hồ thủy lợi, thủy điện cung cấp nước cho canh tác nông nghiệp và sinh hoạt của hàng vạn hộ dân. Hiện tại, các hồ đang sắp trơ đáy, suối khe khô khốc do nhiều tháng liền không mưa nên gần 5.000 héc-ta đất canh tác loại cây chủ lực như cà phê, lúa, sắn… có khả năng mất trắng. Nguồn nước sinh hoạt của hàng chục ngàn người dân ở đây cũng không thể đảm bảo. Bà con phải mua nước sinh hoạt từ nguồn cung cấp của tư nhân với giá cao vài chục ngàn đồng trở lên để mua một can nước sinh hoạt loại 20 lít. Bà con ở Phú Yên chấp nhận mua nước với giá 70.000 đồng/m3, cao gấp nhiều lần bình quân. Bà con xã Biển Bạch, huyện Thới Bình (Cà Mau) còn khốn khổ hơn vì không thể khoan giếng lấy nước sử dụng như những vùng khác được do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn rất nặng. Bà con phải bỏ tiền mua nước giếng khoan ở các vùng bên chuyển về với giá 50.000 - 80.000 đồng/m3. Giá cao nhưng cũng không đủ nguồn nước cung cấp. Muốn mua nước bà con phải đặt cọc trước, sau đó đợi mấy ngày mới tới lượt mình.

Vĩnh Long: Giá khoai lang giảm mạnh

Nhiều nông dân ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long – vùng khoai lang lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long đang điêu đứng vì khoai bị bệnh, năng suất, giá bán giảm. Hiện bà con chỉ bán được 180.000 đồng/tạ. Không chỉ giảm giá, khoai lang còn bị giảm sản lượng, chất lượng do bị nhiễm ốc “lạ”. Ốc “lạ” gây thiệt hại khoảng 60 - 70% năng suất khoai, nhiều hộ bỏ luôn ruộng khoai vì thương lái không mua. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân trồng khoai bị thua lỗ là do thời gian qua, nhiều hộ dân đã ồ ạt trồng khoai theo dạng chuyên canh, không cho đất có khoảng thời gian nghỉ ngơi. Từ đó, sâu bệnh từ vụ trước sẽ có điều kiện sống tiếp, tấn công vào vụ khoai sau. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Lon , sản xuất khoai lang chưa bền vững và an toàn trong khi thị trường cũng bấp bênh vì lượng khoai phần lớn xuất qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng chắc chắn. Đặc biệt, các thương lái nước ngoài luôn có sự thay đổi về quy cách thu mua làm cho người dân thiếu thông tin về giá cả, không hiểu về nhu cầu thị trường.

Cần Thơ: Giá lúa hè thu sớm không tăng

Trong những ngày qua, một số địa phương thuộc các tiểu vùng phù sa ngọt ở ĐBSCL vào vụ thu hoạch sớm lúa hè thu. Hiện lúa khô loại thường dao động từ 4.950 - 5.000 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.200 - 5.300 đồng/kg. Nhưng các nhà máy xay xát quanh khu vực chợ gạo Thốt Nốt (Cần Thơ) chưa mở cửa thu mua, ngoại trừ một số doanh nghiệp vẫn duy nhập hàng gạo trắng mỗi ngày. Ở vùng lúa chín sớm huyện Thới Lai, gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm giá khoảng 6.300 -6.400 đồng/kg tùy theo từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.100 – 6.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 7.250 - 7.350 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.000 - 7.100 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 6.800 – 6.900 đồng/kg.

BÁN GÌ

Đồng Tháp: Trúng giá mè

Hiện nay nông dân các xã Mỹ Quý, Đốc Binh Kiều và Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đang thu hoạch mè vụ hè thu, với giá bán khá cao. Vụ này mè cho năng suất trung bình 1,1 tấn/héc-ta, thương lái thu mua với giá từ 40.000 - 43.000 đồng/kg khi trừ các khoản chi phí về giống, phân bón, thuốc BVTV và các chi phí khác nông dân còn lãi hơn 30 triệu đồng/héc-ta. Hiện nông dân đang tiếp tục xuống giống mè được hơn 50 héc-ta và diện tích tăng hơn so với năm 2014.

Giá phân bón vụ hè thu ổn định


Vụ hè thu năm 2015, do có sự chủ động trong sản xuất và tích trữ của các doanh nghiệp phân bón trong nước nên nguồn cung Phân bón và giả cả ổn định. Theo báo cáo của Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá bán phân bón trong tháng 5 không có nhiều biến động so với thời gian trước mùa vụ. Phân bón urê tại đồng bằng sông Cửu Long tại kho cấp 1 urê Phú Mỹ giá từ 7.400 – 7.450 đồng/kg, urê Ninh Bình giá 7.200 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, urê Phú Mỹ có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, urê Ninh Bình là 7.300 đồng/kg. Một số tỉnh phía Nam như Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang... cũng đang xuống giống hè thu nên nhu cầu phân bón khá ổn định.

Đánh giá tình hình cung - cầu phân bón của cả nước, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết, hiện năng lực sản xuất của cả nước vào khoảng hơn 10 triệu tấn; trong đó phân đạm urê đạt 2,6 triệu tấn, phân DAP đạt 990.000 tấn, phân lân khoảng 2 triệu tấn và phân NPK từ 3,5 – 4 triệu tấn/năm, cộng thêm lượng phân bón nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn. Với nhu cầu trong nước sử dụng khoảng 10 triệu tấn, nhiều nhà máy đã đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và tìm hướng để xuất khẩu sản phẩm.

Cần Thơ: Dừa tươi tiêu thụ mạnh, giá tăng

Những tuần gần đây giá bán lẻ dừa tươi trên thị trường tiếp tục tăng thêm khoảng 1.000 - 2.000 đồng/trái so với trước. Tại nhiều điểm kinh doanh dừa tươi, giá các loại dừa tươi ngon (nước ngọt, cơm dừa vừa ăn…) từ 10.000 - 12.000 đồng/trái; dừa non, dừa có trái nhỏ, giá phổ biến 7.000 - 9.000 đồng/trái. Giá dừa tươi tăng là do nhu cầu tiêu thụ tăng trong mùa nắng nóng, trong khi nguồn dừa tươi có phần hạn chế. Theo chủ nhiều điểm kinh doanh dừa tươi, thời điểm này rất khó tìm mua nguồn dừa tươi ngon chất lượng do vậy phải buôn bán cả các loại dừa non để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng

Phú Yên: Giá tôm hùm thương phẩm tăng trở lại

Sau thời gian rớt giá mạnh, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn Phú Yên đã tăng trở lại. Hiện giá tôm hùm bông loại 1 bình quân từ 1,5 đến 1,6 triệu đồng/kg, tăng 500.000 đến 600.000 đồng/kg so với đầu năm nay; giá tôm hùm dạt khoảng hơn 900.000 đồng/kg. Nhờ thị trường xuất khẩu rộng mở trở lại, thương lái đang đẩy mạnh mua tôm hùm giá cao nên giúp người nuôi thu lãi khá. Nhiều người đang xuất bán tôm non có trọng lượng từ 0,5 đến 0,6 kg/con. Hiện, trên địa bàn thị xã Sông Cầu có hơn 3.000 hộ dân thả nuôi khoảng 24.000 lồng tôm hùm.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thương lái Trung Quốc tiếp tục thu mua nông sản lạ: Bà con nên cảnh giác cao độ

Thời gian qua, thương lái Trung Quốc (TQ) đã có nhiều vụ thu mua nông sản Việt rất “lạ đời”. Không ai biết họ mua những thứ đó để làm gì, chỉ biết sau khi họ bỏ đi, người nông dân đành “ngậm ngùi” ôm trái đắng. Những bài học từ việc thu gom lá mãng cầu, hồ tiêu, lá sắn, lá khoai lang non... trong thời gian qua dường như vẫn chưa đủ để cảnh báo người nông dân.
Kiếm lời và phá hoại

Đầu năm 2015, thương lái TQ đặt mua hàng trăm tấn lá mãng cầu. Cây mãng cầu vào mùa xuân nếu trụi lá sẽ làm mất mùa quả và dĩ nhiên mất mùa, chúng ta sẽ phải nhập của TQ với giá cao. Phát hiện được hiện tượng phá hoại này, chính quyền địa phương đã ngăn chặn kịp thời, các thương lái chỉ kịp mua được vài bao lá. Trước đó, đầu năm 2014, thương lái TQ kéo sang Hà Giang thu mua mầm thảo quả với giá gần 50.000 đồng/kg, trong khi giá bán cao nhất vào dịp giáp tết chỉ từ 16.000 - 18.000 đồng/kg. Hành vi thu mua mầm thảo quả vào vụ sinh trưởng được xác định gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho địa phương.

Mới đây, kịch bản thu mua này lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Một vài thương lái đang đặt vấn đề thu mua nụ thanh long để về chế biến trà. Tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hiện có ít nhất 4 cơ sở thu mua nụ thanh long. Riêng tại xã Quơn Long còn có thương lái bỏ tiền ra đầu tư xây dựng kho lạnh, lò sấy để sơ chế nụ hoa tại chỗ với công suất hàng tấn nụ mỗi ngày. Giá nụ thanh long khô hiện khoảng 120.000 đồng/kg. Nhiều nông dân tại đây cho biết, nếu giá khoảng 5.000 đồng/kg thì cắt nụ bán hết lời hơn, khỏi tốn chi phí thuốc, công chăm sóc từ lúc ra nụ đến khi trái chín.

Không chỉ thu mua nụ thanh long, một vài thương lái còn thu mua cau non, cam non với số lượng lớn. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, những điểm thu mua trái cau già ở thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trở thành nơi “tập kết” cau non từ nhiều địa phương chuyển về. Giá cau non dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg, trong khi cau già chỉ có giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với giá ngất ngưởng, người dân ùn ùn bán cau non cho thương lái.

Ngoài ra, nhiều thương lái còn kéo về các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… để thu mua cam non bán sang TQ. Tuy nhiên, các đại lý thừa nhận, họ chỉ thu mua và bán cam non xuất sang TQ kiếm tiền lời chứ không biết bên đó mua về để làm gì.

Cần có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác


Hiện tượng thương nhân TQ trực tiếp sang Việt Nam thu mua nông sản với số lượng lớn ngày càng nhiều. Những động thái trái ngược nhau khá rõ, người nông dân thì tỏ ra vui mừng vì bán được sản phẩm với giá cao. Nhưng không ít chuyên gia và các cơ quan quản lý lại tỏ ra lo ngại. Nếu chạy theo nhu cầu bất thường của các thương nhân TQ sẽ dễ dẫn đến việc phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây ra mất cân đối cung cầu cục bộ đối với một số sản phẩm trong nước.

Trước tình trạng thương lái thu mua cau non ồ ạt, ông Nguyễn Lạc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ khuyến cáo: “Người dân không nên thấy cau có giá mà đốn những loại cây đặc sản nổi tiếng của địa phương để trồng loại cây này. Thời gian qua đã xảy ra nhiều sự kiện tương tự. Khi họ không mua nữa thì chỉ có nước ôm cây mà khóc”.

TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng nêu quan điểm, cần có nghiên cứu, khảo sát, báo cáo đầy đủ về các thủ đoạn, hành vi của thương lái TQ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cần có hướng dẫn cụ thể, đối với thương lái không có lai lịch, đăng ký khi mua cần phải báo cáo và phải ngăn chặn về mặt pháp luật hoặc thông báo đến nông dân, địa phương để có biện pháp phòng ngừa, cảnh giác.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có những rào cản kỹ thuật và những biện pháp quyết liệt để bảo vệ.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Bình Châu (Quảng Ngãi): Rong mơ có nguy cơ cạn kiệt do khai thác ồ ạt

Bà con ở các địa phương ven biển ở miền Trung nước ta coi rong mơ là "lộc biển" - không phải tốn công chăm sóc, nuôi trồng mà vẫn được thu hoạch, bán ra tiền. Tuy nhiên, như Chuyên đề Dân tộc Thiểu số & Miền núi đã cảnh báo, tình trạng khai thác ồ ạt loại rong biển này đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển gần bờ.

Nếu như trước đây, ở các vùng ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), người dân chỉ cần bước ra biển chừng 5 - 10 mét, với tay xuống đã có thể vớt được từng mảng rong mơ lớn. Nhưng 5 năm trở lại đây, khi biết được nguồn lợi thu nhập từ rong mơ đem lại, người dân ở nhiều xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi như Bình Châu, Bình Thuận, Bình Hải… đua nhau ồ ạt khai thác. Chính vì vậy, cứ qua mỗi mùa rong mơ, người dân lại phải bơi ra xa hơn nhưng khối lượng rong hái được càng ít.

Theo những ngư dân cao tuổi, rong mơ thường sống bám vào rạn san hô, các tảng đá ngầm dưới biển. Đây là chỗ trú ẩn, kiếm ăn và sinh sản của nhiều hải sản. Nếu khai thác rong bằng cách lặn xuống rạn để bứt hoặc cắt thường đồng thời cũng làm vỡ, đổ tảng san hô, phá nơi cư trú của tôm cá. Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng khai thác rong mơ tràn lan, thì các sản vật từ biển như tôm, cá… cũng dần thưa thớt.
Để hạn chế tình trạng khai thác bừa bãi, chính quyền các địa phương ở Quảng Ngãi đã quy định khai thác rong mơ với cách thức phù hợp. Riêng huyện Bình Sơn đã quy định không được khai thác rong trước ngày 20/6 hàng năm. Nhưng nhiều người dân địa phương lại cho rằng, nếu đợi đến thời điểm được cho phép, thì rong đã già và giá bán sẽ bị hạ thấp. Nên chỉ khi rong mới nhú, đang độ phát triển thì người dân mới đua nhau đi hái, bứt để có thu nhập cao (mức giá hiện tại là 5.000 – 6.000 đồng/kg rong phơi khô).

Cồn Nâm (Quảng Bình): Chưa tìm được đầu ra ổn định cho cây tỏi tím

Khoảng 15 năm trở lại đây, cây tỏi thực sự phát triển và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Cồn Nâm (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, đất màu mỡ nên cây tỏi phát triển rất tốt. Cồn Nâm có 100 hộ gia đình thì tất cả đều trồng tỏi với tổng diện tích gần 20 héc-ta. Ở vùng đất này cây tỏi là cây cho năng suất và thu nhập cao nhất hiện nay. Ngoài trồng tỏi, nông dân có thể xen canh các loại cây khác như ngò, cải, khi gần đến kỳ thu hoạch thì có thể xen canh thêm cây cà tím. Những hộ gia đình nào trồng tỏi nhiều thường có thu nhập khá, từ 15 - 20 triệu đồng/vụ/hộ. Nhờ vào việc trồng tỏi nên đời sống của bà con thôn Cồn Nâm khá hẳn lên. Trước đây hộ nghèo chiếm phần lớn nhưng hiện nay toàn thôn chỉ còn 13% thuộc diện hộ nghèo.

Tuy nhiên, nghề trồng tỏi ở Cồn Nâm vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá”. Do Cồn Nâm là ốc đảo nằm giữa sông Gianh, giao thông không thuận tiện nên nhiều thương lái chưa biết để đến thu mua. Hầu như người dân chỉ đưa tỏi qua chợ xã Quảng Minh tiêu thụ nhưng thường bị ép giá. Khi đắt hàng thì giá tỏi được khoảng 80.000 đồng/100 củ, nhưng nếu chợ ế thì loại tỏi củ to, đẹp cũng chỉ được 60.000/đồng 100 củ, tỏi củ vừa 50.000 đồng/100 củ. Vì vậy, bà con trồng tỏi ở Cồn Nâm đang rất mong các cơ quan chức năng cần có giải pháp hỗ trợ về thị trường đầu ra, kỹ thuật, giống... để thương hiệu tỏi tím Cồn Nâm sớm có chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Rủi ro cao khi trồng dược liệu ngoài quy hoạch

Người dân trồng dược liệu ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn vì sản phẩm tồn đọng nhiều, không tiêu thụ được.

Tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, bà con trồng thanh hao hoa vàng thời gian qua đã bị thua lỗ nặng nề. Toàn xã có 1.200 hộ, thì có trên 700 hộ trồng thanh hao, với diện tích 164 héc-ta. Do người dân chuyển đổi đất nông nghiệp một cách ồ ạt sang trồng thanh hao nên giá thanh hao giảm mạnh. Giá thanh hao khô thành phẩm từ hơn 40.000 đồng/kg giảm xuống còn 9.000 đồng/kg. Cho đến lúc này, chính quyền địa phương mới thừa nhận, thông tin về loại thanh hao hoa vàng và thị trường của nó rất mập mờ, rủi ro cao.

Trinh nữ hoàng cung được xem là một loại dược liệu quý, được người dân ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn - Ninh Thuận trồng nhiều từ năm 2011. Tuy vậy, đến năm 2014, người trồng trinh nữ hoàng cung ở đây đã phải bỏ mặc cho cây tàn lụi. Hầu hết diện tích trồng trinh nữ hoàng cung ngoài quy hoạch đã không thể bán được khiến nhiều hộ dân thua lỗ đến hàng tỷ đồng.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ, dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Ngoài ra, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể đã ảnh hưởng tới chất lượngsản phẩm. Đặc biệt, dược liệu được trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới còn tuỳ tiện. Trong khi đó, bà con thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây... nên chất lượng chưa cao.

Lâm Đồng: Lỗ vì trữ cà phê khô chờ giá tăng

Giá cà phê ngày càng có xu hướng giảm. Nhiều hộ trồng cà phê ở Lâm Đồng đã thua lỗ cả trăm triệu đồng vì trót trữ cà phê khô để chờ bán giá cao.

Giá cà phê khô Arabica tại Lâm Đồng hiện chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 60.000 đồng/kg của những tháng trước. Nhiều hộ nông dân trữ cà phê khô năm nay lỗ nặng. Những thương lái thu mua cũng chung nỗi lo này. Một nông dân cho biết, những năm trước gia đình anh đều thu hoạch và bán cà phê tươi dù giá thấp hơn bán cà phê khô. Năm nay, anh dành thời gian để làm khoảng 1 tấn cà phê khô dự trữ, chờ bán giá cao nhưng giá liên tục giảm khiến anh lỗ khoảng 16 triệu đồng.

Không chỉ cà phê khô giảm giá, cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên trong tuần cuối tháng 5 cũng đã giảm thêm 1.000 đồng/kg và chỉ đạt mức 33.600 – 34.100 đồng/kg. Do vậy, nhiều dự báo cho rằng vụ mùa sắp tới ở Tây Nguyên, vùng sản xuất cà phê chính của Việt Nam có dấu hiệu khả quan do hạn hán đã giảm bớt. Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn phải chấp nhận bán lỗ một phần tồn kho cho nhà xuất khẩu do giá tham chiếu cà phê Robusta kỳ hạn London quá thấp.

Box: Theo số liệu sơ bộ mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê trong tháng 5/2015 ước đạt 101.000 tấn, đưa khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 578.000 tấn, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân trong tháng ước vẫn đạt trên 2.000 đô-la Mỹ/tấn.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Đồng bằng sông Cửu Long loạn lúa giống

Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long có trên 200 giống lúa khác nhau, tuy nhiên do quá nhiều giống lúa nên việc kiểm soát chất lượng lúa giống ở các địa phương còn bỏ ngỏ.

Ngoài các viện, trường nghiên cứu ra các giống mới siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận thì ở huyện nào, xã nào cũng mọc lên hàng loạt cơ sở nhân giống tư nhân, các điểm nhân giống tự phát… khiến nhiều người dân thiệt hại khi mua phải giống kém chất lượng.

Nhập nhèm nhãn hiệu

Tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc (Long An) mỗi vụ lúa nhu cầu cần giống cao sản không dưới 60 tấn. Trong khi theo quy định của huyện, Trạm BVTV là nơi cung cấp chính giống lúa xác nhận có chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương. Tuy nhiên, trên thị trường huyện, ngoài trạm bảo vệ thực vật rất nhiều đại lý cũng bán các loại giống xác nhận giả nhãn hiệu. Theo ông Lâm Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND xã, hiện có khoảng 50% giống lúa được nông dân mua trôi nổi bên ngoài để sản xuất, tức vào khoảng 30 tấn. Theo ông Quý, trong khi mua giống của Trạm giá 11.000 - 12.000 đồng/kg mà còn phải đi xa mấy cây số, còn bên ngoài giống trôi nổi chỉ có 7.000 - 8.000 đồng, rẻ hơn 20 - 30%. Như vậy , 5 sào lúa chỉ cần 50 - 60 kg giống, chi phí mất khoảng 500.000 đồng, người bán còn cho thiếu, thậm chí hỗ trợ vận chuyển giống tới nhà.

Bà Phạm Thị Khâu, chủ đại lý lúa giống ở Long An cho biết, trước đây bà nhập giống OM 4900 của một công ty phân phối giống, công ty này ép đại lý bán thêm giống ST20. Tuy nhiên, khi mang về thử tỷ lệ nẩy mầm giống ST20 thấy không đạt. Bà đã báo cho công ty yêu cầu đổi hàng hoặc trả lại tiền nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín. Được biết giống ST20 có dấu hiệu giả nhãn hiệu, bởi thực chất giống này đang thuộc bản quyền của ông Chín Táo ở Sóc Trăng. Đặc biệt có không ít cơ sở, hộ nông dân mua lúa giống xác nhận ngoài đồng ruộng từ khu vực Đồng Tháp Mười về đóng bao bán lại cho bà con xung quanh để sản xuất mà không hề biết lý lịch giống tên gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 34% người dân sử dụng giống lúa xác nhận, trong đó có 12% giống được cơ quan chức năng cấp chứng nhận, còn lại là mua giống ở những cơ sở nhân giống “tự phong” có chất lượng. Phần lớn các cơ sở nhân giống bán giống đã qua lai tạo nhiều đời, lẫn tạp nên không đảm bảo chất lượng, năng suất thấp.
Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Theo quy định thì việc mua bán hạt giống được Nhà nước quản lý khá chặt. Cụ thể, cơ sở kinh doanh giống phải có giấy phép của Sở NN&PTNT cho phép sản xuất cung ứng giống, đủ điều kiện kinh doanh theo Pháp lệnh Giống cây trồng. Giống đưa ra thị trường là giống xác nhận, đảm bảo 5 chỉ tiêu gồm độ ẩm, tỷ lệ lẫn tạp, nảy mầm, độ thuần…

Để đảm bảo an toàn cho sản xuất lúa mùa trên địa bàn, nhất là các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, sở NN&PTNT ở các địa phương cần phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo hệ thống khuyến nông tuyên truyền nhân dân không gieo cấy các giống lúa ngoài cơ cấu giống cây trồng theo quy định của tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chuyên ngành, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh buôn bán giống không đúng quy định để hạn chế tối đa việc đưa giống ngoài cơ cấu vào địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng. Chủ động lập kế hoạch, tổ chức đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh giống và vật tư nông nghiệp trên địa bàn, nhất là việc quản lý chất lượng giống lúa. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để giống lúa giả, giống lúa kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất.

Sở Công Thương phối hợp với ngành NN&PTNT, các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán giống lúa giả, nhái kém chất lượng gây thiệt hại cho sản xuất.

HÀNG VIỆT

An Giang: Giữ vững thương hiệu đặc sản “Mắm Châu Đốc”

Thị xã Châu Đốc - An Giang, ngoài những di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng còn được du khách xa, gần biết đến là "Vương quốc mắm" của miền Tây Nam bộ. Mỗi năm, Châu Đốc sản xuất hàng trăm ngàn tấn mắm cá các loại.

Đổi mới, đa dạng sản phẩm

Nghề làm mắm ở thành phố Châu Đốc đã có trên 100 năm với trên 100 hộ làm nghề nổi tiếng như: mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Bà giáo Khỏe năm số 5, sáu số 6, bảy số 7, mắm Cô Tư Ấu, mắm Bà Giáo Thảo... Ngoài cung cấp cho người tiêu dùng hàng ngày, đặc sản mắm Châu Đốc còn được các nhà hàng, quán ăn trong, ngoài tỉnh sử dụng, chế biến nhiều món ăn ngon đặc trưng, như lẩu mắm, mắm kho, mắm chiên hay mắm ăn sống kèm rau với thịt ba chỉ...

Chế biến mắm bây giờ đã từng bước công nghệ hóa nhiều khâu, như: Bào đu đủ, đánh vẩy cá, rang thính, xắt cá, vô keo, dán nhãn và còn làm ra sản phẩm giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ hay mang đi xa, kéo dài thời hạn sử dụng từ 6 tháng đến 2 năm. Tuy qua nhiều thế hệ làm mắm, nhưng các cơ sở đều chọn lọc rất kỹ nguồn nguyên liệu thủy sản nước ngọt dồi dào có trong mùa lũ, là thời điểm cá có thịt thơm ngon, trắng, chắc hơn so với các tháng trong năm, được chao, ướp với đường thốt nốt và thính lấy từ gạo đặc sản của vùng Bảy Núi.

Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Bà giáo Khỏe năm số 5, kiêm Chủ nhiệm CLB hỗ trợ doanh nghiệp Châu Đốc: Nghề làm mắm Châu Đốc phát triển trên nền truyền thống và nỗ lực của các cơ sở, doanh nghiệp. Sản phẩm mắm Châu Đốc nổi tiếng là nhờ chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhờ vậy đã giữ vững được thương hiệu đặc sản “Mắm Châu Đốc” xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, thông qua các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng. Hiện mỗi năm Công ty TNHH MTV mắm Bà giáo Khỏe năm số 5 của ông sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 200 tấn sản phẩm mắm các loại, trong đó 70% xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Campuchia, số còn lại tiêu thụ nội địa...

Ông Nguyễn Hoàng Ân, chủ cơ sở đặc sản mắm Bà Ba Vui, ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú thì cho rằng: Hầu hết các loại cá nước ngọt đều làm được mắm, đặc biệt tất cả các khâu trong quá trình sản xuất mắm đều quan trọng, mới cho ra sản phẩm ngon đặc trưng. Đó là kinh nghiệm 3 đời làm mắm của gia đình ông, từ ông bà, cha mẹ rồi đến gia đình hiện nay. Cơ sở mắm Bà Ba Vui sản xuất 10 loại như: mắm cá linh, cá trèn, cá lóc, cá sặc, cá chốt, cá sửu... nguyên con, cắt khúc, với trên 80 tấn mắm mỗi năm, tiêu thụ chủ yếu trong nước. Hiện nay gia đình ông đang hướng tới đưa công nghệ vào các khâu sản xuất để vừa rút ngắn thời gian vừa khắc phục thiếu nhân công lao động hiện nay.

Đảm bảo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế

Nhờ sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp chính quyền đã tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề nên các sản phẩm khô, mắm cá Châu Đốc tiếp tục phát triển ngày một lớn mạnh, bền vững và đúng định hướng như: Xây dựng thương hiệu tập thể; ứng dụng, nâng cấp thiết bị công nghệ, sử dụng Enzime vào các công đoạn chế biến mắm để giúp rút ngắn thời gian ủ chín mắm mà không thay đổi cấu trúc, chất lượng sản phẩm… giúp tiết kiệm chi phí sản xuất; thực hiện các quy chuẩn đa phương nhằm nâng cao kiểm soát chất lượng sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mắm muốn đứng vững, phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Vì vậy, chính quyền thành phố Châu Đốc luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho các cơ sở hoạt động, phát triển. Đồng thời xiết chặt công tác quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, đã được Bộ Y tế công nhận đạt dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa các chất phụ gia độc hại. Đẩy mạnh việc phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở NN&PTNT duy trì kiểm tra định kỳ hàng quý, năm để nhắc nhở các cơ sở thực hiện đúng các tiêu chuẩn quy định.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)