Thông tin giá cả thị trường tuần từ 01/09/2014 đến 06/9/2014

04:37 PM 01/09/2014 |   Lượt xem: 2681 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu thụ thanh long - còn nhiều việc phải làm

Số báo trước Chuyên đề DTTS & MN Báo Công Thương đã đề cập đến việc nông dân chuyển đổi diện tích các cây khác sang trồng thanh long, mà không tuân thủ theo quy hoạch chung của địa phương dẫn đến tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh đối với cây giống. Đặc biệt, với sản lượng tăng nhanh trong khi đầu ra sản phẩm thanh long khó khăn, bởi thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, dẫn đến thiệt hại lớn cho nông dân nhiều vùng đất nghèo.

Thị trường tác động đến giá cả

Cách đây 2 tuần, tại các cơ sở, điểm thu mua thanh long tại Bình Thuận thanh long mua xô, chưa phân loại là 9.500 đồng/kg, có nơi thu thanh long loại lớn ở mức 13.000 đồng/kg, tăng giá hơn nhiều so với thời điểm đầu tháng 8. Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, vào thời điểm đầu tháng 8 giá thấp là do bị cạnh tranh bởi nhiều loại cây nhiệt đới đang vào mùa thu hoạch, sản lượng thu hoạch thanh long tăng dồn. Bên cạnh đó, một số diện tích thanh long bị bệnh đốm trắng, trái bị hư hoặc không đạt chất lượng nên nông dân phải đổ bỏ hoặc bán giá bèo chứ không phải bị thương lái ép giá. Còn hiện nay, giá thanh long đã được cải thiện do sắp tới Tết trung thu, thị trường truyền thống là Trung Quốc sẽ tiêu thụ một lượng lớn thanh long. Thông thường, vào thời điểm này, doanh nghiệp thu mua sẽ chủ động tăng giá. Tuy nhiên, dù giá đã cải thiện nhưng nhiều nông dân có kinh nghiệm thị trường vẫn còn đợi thời điểm có lợi hơn nữa mới quyết định xuất bán. Trên thực tế, sự biến động về giá trong một khoảng thời gian ngắn như vừa qua là bình thường. Thanh long có 2 mùa, chính vụ và nghịch vụ. Thời điểm này là vụ chính, thường lợi nhuận thấp, có người thậm chí chấp nhận lỗ, cho đến vụ nghịch là thời điểm chong đèn, lợi nhuận sẽ lên tăng nhiều lần do nhu cầu thị trường.

Tìm thị trường xuất khẩu mới - câu chuyện dài

Đến nay, thanh long Bình Thuận đã có mặt ở 15 quốc gia, nhưng gần 80% bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (hình thức biên mậu, không chính ngạch). Thông thường các thương lái Trung Quốc chỉ giao dịch bán mua theo kiểu hàng chợ, không ký hợp đồng nhằm ép giá khi thanh long trúng mùa, sản lượng lớn. Trung Quốc cũng đang phát triển hàng chục ngàn héc-ta thanh long ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Điều này có nghĩa trái thanh long Bình Thuận đã và sẽ chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đánh giá, cái khó cho việc mở rộng sang thị trường khác ngoài Trung Quốc, bên cạnh yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm còn là việc vận chuyển theo đường biển hoặc hàng không. Trong khi thị trường Trung Quốc, hàng được vận chuyển bằng đường bộ và bao nhiêu cũng thu, chất lượng trái cỡ nào cũng tiếp nhận. Vậy nên, hướng xuất khẩu về thị trường khác vẫn còn là một câu chuyện dài, nhiều năm, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, điều kiện khác nữa.
Mở rộng tiêu thụ nội địa

Rõ ràng khâu phân phối hàng nông sản thị trường nội địa còn yếu kém, không riêng gì thanh long mà các loại trái cây khác cũng vậy. Người Việt Nam, dù ở miền nào cũng đã ít nhiều biết trái thanh long và cùng tập quán chung chuộng trái thanh long cho việc cúng lễ. Theo Đề án nghiên cứu mở rộng thị trường thanh long còn nhiều việc cần làm trước mắt trong việc lưu thông mua bán mới có thể mở rộng thị trường nội địa. Tại khu vực bán buôn như các chợ đầu mối, doanh nghiệp nên đưa loại thanh long có mẫu mã tương đối đẹp nhằm tạo uy tín cho sản phẩm thanh long Bình Thuận. Về giá cả, cần tính toán phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thanh long tại thị trường nội địa một cách ổn định. Ở khu vực bán lẻ, các doanh nghiệp Bình Thuận cần liên kết với doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố để thực hiện tốt khâu phân phối thanh long với hình dáng, mẫu mã và giá cả phù hợp, ổn định. Còn theo đề nghị tại các siêu thị, các doanh nghiệp Bình Thuận cần tiếp cận với siêu thị để 2 bên ký kết hợp đồng cung ứng thanh long với số lượng, giá cả ổn định, chất lượng tốt. Thanh long cần dán tem Chỉ dẫn địa lý Bình Thuận để khẳng định thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng. Nếu làm được, đây là bước khởi đầu trong việc xác định thị trường vùng miền trong nước cần đẩy mạnh của thanh long Bình Thuận là miền Bắc, nơi chuộng thanh long to, vỏ dày, láng đẹp.

Có thể nói, điều cần nhất hiện nay là cần liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đầu tư hạ tầng và tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng trái thanh long, làm ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa khâu phát triển thị trường nội địa, vươn đến các thị trường khó tính theo đường chính ngạch, để tránh bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay.

Cần nâng cao chất lượng trái thanh long để mở rộng thị trường tiêu thụ

MUA GÌ

Sơn La: Ngô được mùa, nhưng giá giảm

Vụ ngô chính bà con thu hoạch được hơn 63 vạn tấn, năng suất cao hơn do năm nay thời tiết thuận lợi, bà con có giống ngô tốt để trồng, kỹ thuật thâm canh, đầu tư nhiều phân bón hơn. Ngô bắp tươi chưa tẽ hạt năm nay giá chỉ được 2.350 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 1.000 đồng/kg. 1 héc-ta ngô được mùa như năm nay thì tăng thêm được khoảng 1 tấn, nhưng vì giá giảm thấp quá nên 1 héc-ta ngô mất luôn khoảng 8 triệu đồng, như thế là hết lãi. Tại bản Pa Chè 1 của xã Vân Hồ, hàng chục hộ nông dân cũng đang tấp nập thu ngô. Năm nay toàn xã trồng 1.800 héc-ta ngô trong khi cây lúa nương chỉ có 27 héc-ta và hơn 100 héc-ta lúa nước. Nếu giá ngô dưới 3.000 đồng/kg bắp tươi là nông dân lỗ vốn. Năm nay ngô mất giá mạnh là do thị trường tiêu thụ ngô từ Trung Quốc giảm, giá cước vận chuyển tăng cao do xe không chở quá tải được như những năm trước và số ngô tồn của vụ ngô 2013 đến nay tại các hộ chuyên thu mua, tích trữ ngô quá lớn. Ở các vùng chuyên ngô như Lóng Phiêng, Cò Nòi, Chiềng Sung… nhiều chủ ngô vẫn đang tồn cả trăm tấn ngô đã sấy khô từ vụ trước mà chưa tiêu thụ được.

Nấm mối miền Tây khan hàng, giá đắt

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên trong các gò mối cao trong các vườn cây ăn trái, phổ biến nhất là mọc trong các vườn dừa lâu năm. Món ăn được chế biến từ nấm mối được coi là đặc sản không chỉ với người dân ở địa phương mà còn là món khoái khẩu của thực khách sành ăn. Hiện nay loài nấm mối này chưa được các nhà khoa học nghiên cứu trồng nhân tạo mà chỉ dựa vào nguồn nấm do mọc tự nhiên nên số lượng còn giới hạn. Các tỉnh ĐBSCL đang bước vào cuối mùa thu hoạch nấm mối. Năm nay sản lượng giảm khiến giá nấm mối thu mua của nhà vườn tăng hơn 100.000 đồng/kg so với năm ngoái. Giá nấm mối tại các chợ chính trong tỉnh đội lên khoảng 450.000 - 500.000 đồng/kg và khi nấm được vận chuyển tới các siêu thị, chợ ở các thành phố lớn thì giá có thể đội lên 700.000 - 1 triệu đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp. Sản lượng nấm mối có xu hướng ngày càng giảm và năm nay giảm 50% so với các năm trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nấm mối trên thị trường tăng đều qua từng năm.

Lúa hè thu được giá

Tại Bạc Liêu: Nông dân Bạc Liêu đã thu hoạch hơn 21.000 héc-ta lúa hè thu, năng suất đạt từ 55 - 60 tạ/héc-ta. Năng suất, chất lượng đạt cao do nhà nông thực hiện đúng hướng dẫn của ngành nông nghiệp trong việc đưa giống mới chất lượng cao vào gieo cấy trên 90% diện tích. Nhờ vậy, giá lúa hè thu vụ này cao hơn từ 800 đồng đến 1.000 đồng/kg so với vụ hè thu trước. Hiện, thương lái thu mua lúa với giá từ 5.400 - 6.300 đồng/kg. Giá lúa gạo tăng khiến nhiều thương lái tới tận ruộng của nông dân đặt cọc mua lúa với giá cao hơn thị trường từ 50 đồng/kg trở lên. Thương lái tập trung mua lúa tạm trữ nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước nên giá chỉ mang tính tạm thời, chưa ổn định.

Tại Long An: Các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An hiện đã thu hoạch được hơn 100.000 héc-ta lúa hè thu với năng suất đạt từ 5,5 - 6 tấn/héc-ta. Ngay từ đầu vụ, các công ty, doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo của tỉnh Long An đã thông báo giá từng loại lúa, gạo cho nông dân; sử dụng mạng lưới thương lái dùng ghe tàu đến tận ruộng lúa tổ chức thu mua đưa về sân phơi, kho chứa để bảo quản trong mùa mưa bão. Riêng những diện tích thực hiện mô hình “cánh đồng lớn” các doanh nghiệp liên kết với nông dân cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm khi có lịch thu hoạch. Doanh nghiệp cũng thu mua với giá cao hơn ngoài mô hình từ 100 - 150 đồng/kg và theo đó, nông dân lãi cao hơn từ 3 - 4 triệu đồng/héc-ta.

Lâm Đồng: Chè nguyên liệu tăng giá

Thống kê mới nhất của tỉnh Lâm Đồng cho thấy, hiện nay toàn tỉnh có gần 22.000 héc-ta chè các loại. Thời gian qua, sản phẩm từ cây chè tại Lâm Đồng ngoài cung cấp cho thị trường trong nước còn xuất khẩu tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong những ngày qua, chè nguyên liệu tại Lâm Đồng được bán với giá khá cao và luôn giữ mức ổn định so với thời điểm hơn một tháng trước. Chè cành (dùng làm trà khô các loại) được nhà vườn bán với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với thời điểm hơn một tháng trước. Mức giá trên là khá cao và ổn định nhất trong khoảng thời gian hơn một năm trở lại đây.

Giá chè một số địa phương trong tuần

Thò tröôøng

Chuûng loaïi

Giaù (Ñoàng/kg)

Laâm Ñoàng

Cheø buùp töôi saûn xuaát cheø xanh

10.000

Cheø buùp töôi saûn xuaát cheø ñen

6.500

Thaùi Nguyeân

Cheø xanh buùp khoâ

170.000

Cheø caønh chaát löôïng cao

300.000

Cheø xanh buùp khoâ (ñaõ sô cheá loaïi 1)

250.000

Yeân Baùi

Cheø buùp töôi trung du

3.500

Cheø Baùt Tieân

8.000

Cheø Suoái Giaøng A

18.000

Lai Chaâu

Buùp cheø xanh

5.500

BÁN GÌ


Đồng bằng sông Cửu Long: Hành lá mùa lũ “sốt” giá

Những ngày gần đây giá hành lá ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng cao. Thương lái ở Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… thu mua hành lá tại ruộng với giá 650.000 - 700.000 đồng/tạ, cao gấp nhiều lần so thời điểm đầu năm 2014. Nguyên nhân giá tăng do hiện nay nước lũ đang đổ về mạnh, nhiều nơi bị ngập sâu nên không trồng được hành lá. Điều này đã dẫn tới tình trạng cung thấp hơn cầu đẩy giá tăng cao. Với giá hành hiện tại, bình quân nông dân thu lời khoảng 15 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Đây là mức lợi nhuận rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.
Ảnh: Bà con thu hoạch hành lá

Giá cá tra tiếp tục giảm

Sau một thời gian ngắn giá cá tra đứng ở mức cao, hiện nay mặt hàng thủy sản này lại tiếp tục rớt giá. Cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8 - 0,9 kg/con) hiện chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng/kg; cá có chất lượng thịt thấp hơn (thịt vàng) chỉ còn 24.000 - 24.500 đồng/kg, thậm chí có nơi rớt xuống mức giá 21.000 - 22.000 đồng/kg .

Tại Cần Thơ, từ tháng 7 đến nay, giá bán cá tra đã giảm và biến động theo hướng bất lợi cho người nuôi. Cũng do giá giảm nên bây giờ không doanh nghiệp nào đi mua cá của người dân mà chỉ lấy cá từ vùng nuôi riêng của mình để xuất khẩu. Ở các vùng nuôi khác như Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang... giá cá tra nguyên liệu dao động từ 20.500 - 21.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với tháng 6. Tại An Giang, so với mức giá đỉnh 28.500 - 29.000 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu được xác lập cách đây không lâu, hiện cá tra nguyên liệu đã giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng đầu năm ước đạt 6.200 héc-ta với sản lượng 598.000 tấn. Sản lượng cá tra của hầu hết các tỉnh đều giảm so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp nên người nuôi cho ăn cầm chừng, kéo dài thời gian, cá không đạt kích cỡ thu hoạch.

Bến Tre: Giá ca cao tăng, nông dân không còn đốn bỏ

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá ca cao luôn ổn định ở mức cao, hiện đã đạt 5.000 – 5.500 đồng/kg trái tươi và khoảng 60.000 đồng/kg hạt khô nên bà con không đốn bỏ nữa mà chỉ chặt tỉa ở những diện tích bị sâu bệnh, năng suất thấp. Tại Bến Tre, hầu hết cây ca cao được trồng xen trong vườn dừa và thực tế cho thấy, mô hình này cho hiệu quả cao hơn so với chỉ chuyên canh dừa. Nếu chăm sóc tốt, nông dân có thu nhập hơn 100 triệu đồng/héc-ta, trừ chi phí lãi 60 – 70 triệu đồng/héc-ta. Theo dự báo, giá ca cao sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu từ các nhà sản xuất sô-cô-la cần tăng lượng lưu kho trong khi nguồn cung cấp Tây Phi hạn chế.

Trước đó, từ năm 2012 – 2013, do giá ca cao không ổn định, có lúc chỉ đạt 2.500 – 3.000 đồng/kg trái tươi, trong khi giá bưởi da xanh lại duy trì ở mức cao nên bà con đã đua nhau đốn bỏ ca cao, khiến diện tích cây trồng này giảm mạnh, từ hơn 10.000 héc-ta (năm 2010) xuống còn khoảng 5.200 héc-ta.

Mãng cầu (na) trồng trên núi hút khách

Năm nào cũng vậy, mùa mưa cũng là lúc người dân Bảy Núi, An Giang, tất bật thu hoạch mãng cầu ta từ trên núi xuống đồng bằng để tiêu thụ. Những ngày này, dọc con lộ từ Chi Lăng đến hương lộ 17 thuộc An Giang, người đi đường dễ dàng bắt gặp những giỏ mãng cầu đầy ắp xếp 2 bên đường. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, loại quả này còn được xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước lân cận, trong đó có Campuchia. Hiện giá thu mua tại vườn từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, lúc cuối vụ tăng lên 17.000 - 22.000 đồng/kg. Người trồng mãng cầu ở An Giang phần lớn là người dân tộc Khmer. Tại huyện Tịnh Biên, mãng cầu được xem là cây giảm nghèo nên nhiều bà con đang bắt đầu tăng diện tích. Mãng cầu Bảy Núi trồng không sử dụng phân hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ không khí mát mẻ trên núi cao, chất lượng quả tốt nên rất hút khách khi bán ở đồng bằng.

Hà Tĩnh: Bà con trúng mùa đậu xanh

Vụ hè thu 2014, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, gieo trồng trên 1.300 héc-ta đậu xanh, chủ yếu là các giống ngắn ngày, sinh trưởng khỏe, chịu hạn, chịu nóng tốt, cho năng suất cao. Hiện giá thu mua đậu xanh đang tăng cao, từ 26.000 - 28.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta đậu xanh trừ chi phí có thể thu lãi trên 40 triệu đồng, tăng gấp đôi so với cây trồng khác.

HTX Nông nghiệp Đức Minh, xã Liên Minh, cho biết: HTX gieo trồng hơn 60 héc-ta đậu xanh, năng suất bình quân từ 15 - 16 tạ/héc-ta, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá cao nên bà con rất phấn khởi. Không chỉ Liên Minh mà các xã Đức Đồng, Đức Lạc, Trường Sơn, Đức Tùng, Đức Châu năng suất đậu xanh cũng đạt cao.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tận dụng tấm lợp fibro xi măng nuôi hàu

Lợi trước mắt, hại lâu dài

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều hộ dân đã tận dụng tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ để nuôi hàu. Đây là mối nguy hại tiềm ẩn cho môi trường nước, ảnh hưởng đến hiệu quả nuôi trồng thủy hải sản và đặc biệt gây nguy hiểm cho sức khỏe con người bởi tấm lợp fibro xi măng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Chỉ tính đến lợi ích trước mắt

Theo khảo sát của Sở NN&PTNT tỉnh, hàng năm người dân tại các xã: Long Sơn (TP. Vũng Tàu), Tân Hải, Tân Hòa, Phước Hòa và Tân Phước (huyện Tân Thành) sử dụng khoảng 200.000 tấn tấm lợp fibrociment để nuôi hàu. Ước tính khoảng 50% tấm lợp sau khi sử dụng được thải loại trực tiếp ra sông Rạng, sông Chà Và, sông Dinh và các bến bãi nơi phân loại hàu thương phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bồi lắng đáy sông, tích tụ các cặn bã gây ô nhiễm môi trường và gây tác động trực tiếp đến nguồn nước nuôi trồng thủy sản của người nuôi.

Trước đây, người nuôi chủ yếu dùng cọc tre, gỗ cắm xuống sông cho hàu non bám vào và vào khoảng 7 - 10 tháng sau khi hàu lớn là thu hoạch. Tuy nhiên, cọc tre và gỗ thì khả năng trụ lại bền vững với sông nước không lớn. Nhiều cọc hàu khi hàu phát triển mạnh có thể bị gãy đổ hoặc bị sóng nước xô ngã, người dân thất thu. Sau này, khi phát hiện hàu thích bám vào tấm lợp fibro xi măng và tấm lợp này lại có khả năng chịu nước, chịu sóng tốt, bà con đã đổ xô nuôi theo phương pháp này mà không tính đến việc ô nhiễm nguồn nước hay ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Một ngư dân tại xã Long Sơn cho biết, những tấm lợp fibro xi măng được người nuôi cắt thành 6 hoặc 8 mảnh rồi treo thành từng ô và nhiều ô kết thành một bè. Vào tháng 3 âm lịch hàng năm khi vào mùa sinh sản của hàu các cọc fibro xi măng được thả xuống sông để hàu non bám vào, đến 10 tháng sau mới thu hoạch. Thậm chí để đỡ tốn kém một số hộ còn tận dụng các loại lốp xe phế thải để nuôi. Sau khi thu hoạch, phần lớn những vật liệu dùng để hàu bám được người dân đổ thẳng xuống sông.

Tăng cường tuyên truyền, vận động bà con

Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ môi trường - Viện Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nuôi hàu bằng cách sử dụng tấm lợp fibro xi măng hay bằng lốp xe cũ ít tốn kém, nhưng gây hại cho môi trường nước và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng. Cụ thể, tấm lợp fibro xi măng và lốp xe cũ khi ở trong môi trường nước sẽ tạo ra lưu huỳnh và nhiều hóa chất độc hại. Hành động vô ý vứt bừa bãi tấm lợp, lốp xe sau khi đã sử dụng để nuôi hàu ngay tại khu vực nuôi và điểm phân loại hàu thương phẩm sẽ gây tác động đến dòng chảy của sông, khu vực nuôi hải sản của người dân xung quanh. Trước tình trạng này, Trung tâm Công nghệ môi trường cũng đã đưa ra cảnh báo, nếu không thay đổi phương pháp nuôi hàu bằng tấm fibro xi măng, về lâu dài nghề nuôi trồng hải sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, ngành nông nghiệp cũng chỉ đang từng bước vận động người nuôi hàu hạn chế việc sử dụng tấm lợp fibro xi măng cũng như sản phẩm có liên quan. Sở NN&PTNT tỉnh thì đang xúc tiến việc mời các nhà khoa học nghiên cứu những nguy cơ từ việc dùng tấm lợp fibro xi măng để đánh giá đầy đủ về tác hại, dư lượng của chúng trong sản phẩm thủy sản nuôi trồng. Trong khi đó, vấn đề cần phải làm ngay là nghiên cứu, chuyển giao phương pháp nuôi hàu mới thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng và người sản xuất vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

box: Fibro xi măng là vật liệu xây dựng dùng để lợp mái nhà, mái hiên... và được sử dụng phổ biến ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng biển. Nhiều nước trên thế giới đã hạn chế và cấm sử dụng fibro xi măng vì trong đó có chứa amiăng - chất gây ung thư. Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý môi trường Y tế cho biết, sau hơn 40 năm nghiên cứu (từ năm 1973), Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm chất gây ung thư ở người. Hơn 10 năm nay, Việt Nam là 1 trong 10 nước tiêu thụ amiăng nhiều nhất thế giới. Ước tính, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn, sản xuất 106 triệu m2 tấm lợp fibro xi măng ở hơn 40 cơ sở sản xuất với hơn 5.000 lao động.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Lương Sơn (Hòa Bình): Phát triển chăn nuôi hàng hóa

Những năm gần đây, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Để giúp người dân phát triển chăn nuôi ổn định, thích nghi với phương thức sản xuất chăn nuôi hàng hóa, huyện đã có nhiều chương trình đầu tư phát triển chăn nuôi như: Chương trình Sind hóa đàn bò, hình thành các khu chăn nuôi theo hướng tập trung, chăn nuôi bò lấy sữa cùng nhiều chính sách khuyến khích nông dân trong xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ đó, trên địa bàn xuất hiện và hình thành ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Kinh tế trang trại trên địa bàn có bước phát triển khá, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Có những hộ gia đình đầu tư trang trại lớn để nuôi lợn, nuôi gà lấy trứng sau một thời gian khó khăn, đến nay khi giá lợn, giá trứng bắt đầu tăng đã có lãi hàng trăm triệu đồng một năm. Ngoài những mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gà, lợn thương phẩm, huyện Lương Sơn còn tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa.

Theo thống kê toàn huyện có 44 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và 38 gia trại chăn nuôi. Phương thức chăn nuôi trang trại, gia trại đang được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đẩy mạnh phát triển, tạo điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường, xử lý tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Sản lượng thịt hơi, trứng, sữa bò nhờ áp dụng công nghệ mới và phát triển theo hướng chăn nuôi tập trung đã góp phần tăng giá trị sản xuất. Đặc biệt, đầu ra ngành chăn nuôi duy trì luôn ổn định, ngoài thị trường trong tỉnh còn đáp ứng nhu cầu hàng hóa phục vụ Thủ đô Hà Nội và vùng lân cận. Đây cũng là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp được huyện Lương Sơn xác định tập trung mở rộng trong những năm tiếp theo.

Giá thu mua nguyên liệu giấy giảm

Thời gian gần đây, giá thu mua gỗ nguyên liệu giấy ở địa bàn tỉnh Bình Định giảm khoảng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, do nhu cầu và sức mua ở thị trường Trung Quốc giảm. Trong khi đó, khối lượng nguyên liệu và dăm gỗ của các doanh nghiệp trong tỉnh còn tồn bãi khá nhiều, nếu để quá lâu chất lượng dăm gỗ sẽ giảm nên các doanh nghiệp cũng hạn chế mua vào. Hiện, giá gỗ nguyên liệu bạch đàn, keo ở mức 1,11 - 1,13 triệu đồng/tấn (giảm 100.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp thì dù giá gỗ nguyên liệu có giảm, song người trồng rừng vẫn có lãi. Bình quân 1 héc-ta rừng trồng, sản lượng gỗ thu được đạt từ 110 - 120 tấn, với mức giá như hiện nay, người trồng rừng lãi từ 40 - 50 triệu đồng.

Nhơn Hải (Ninh Thuận): Triển vọng từ mô hình trồng nấm bào ngư

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2013 xã Nhơn Hải đã triển khai mô hình trồng nấm bào ngư cho 6 hộ dân ở thôn Khánh Nhơn 2. Đến nay mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Tham gia mô hình trồng nấm bào ngư, mỗi hộ được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Ninh Hải. Để các hộ tham gia mô hình có kiến thức chăm sóc nấm, Hội Nông dân xã đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc nấm; cách phòng trừ sâu bệnh… Hiệu quả kinh tế của việc trồng nấm cũng rất dễ tính toán: Một gia đình đầu tư 1.000 bịch phôi nấm bào ngư và hệ thống tưới nước phun sương. Sau gần 3 tháng chăm sóc, nấm đã cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày 5 - 7 kg nấm thành phẩm, với giá bán bình quân từ 17.000 - 25.000 đồng/kg, thu được hơn 100.000 đồng liên tục trong vòng 3 tháng. Trừ chi phí thu lãi được gần 4 triệu đồng, một khoản đáng kể trong lúc nông nhàn. Trồng nấm không quá khó về kỹ thuật, khi mua bịch giống về treo thành từng hàng dọc trong nhà, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình và chăm sóc cẩn thận, thường xuyên kiểm tra và đảm bảo về nhiệt độ, môi trường để tránh các loại bệnh thường gặp trên cây nấm gây hại thì nấm phát triển nhanh. Ưu điểm của nấm bào ngư là không cần sử dụng thuốc, phân bón… nên bà con cũng dễ trồng.

Từ mô hình trồng nấm thí điểm tại một số hộ cho thấy hiệu quả kinh tế thiết thực, trong thời gian tới, UBND xã Nhơn Hải sẽ phối với các ngành chức năng mở thêm các lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho nông dân, vận động bà con nhân rộng mô hình trên địa bàn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển mô hình.

Đoàn thanh niên thăm quan mô hình trồng nấm bào ngư

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Giá cá ngừ vằn giảm, ngư dân miền Trung lo lắng

Ở các tỉnh miền Trung, những ngư dân làm nghề lưới vây chuyên khai thác cá dưa gang (cá ngừ vằn) đang rất lo lắng vì khả năng sẽ bị lỗ tổn phí chuyến biển.

Tại cảng cá Hòn Rớ - Nha Trang, nơi thu mua hải sản của ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, những ngày qua, giá cá dưa gang chỉ còn 8.000 đồng/kg theo dạng mua xô. Đối với loại cá đạt hơn nửa kg mỗi con, giá bán ở mức 21.000 đồng/kg. So với năm ngoái, giá cá dưa gang hiện tại chỉ bằng 2/3. Hiện tại, sản lượng cá không nhiều nhưng giá bán vẫn bị sụt giảm. Theo nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi, cứ 10 tàu làm nghề khai thác cá dưa gang chỉ có 3 tàu có sản lượng cao trên dưới 20 tấn, còn lại 7 tàu sản lượng thấp hơn mức này. Các tàu khai thác cá dưa gang kéo dài trong vòng 20 - 25 ngày, phí tổn mà ngư dân bỏ ra không dưới 150 triệu đồng. Với giá cá và với sản lượng khai thác như hiện nay, đa phần các tàu cá chỉ hòa vốn hoặc lãi không đáng kể, thậm chí lỗ tổn phí.

Tình trạng giá thu mua hải sản thường ở mức thấp và thiếu ổn định thường xuyên xảy ra ở nhiều vùng biển. Nguyên nhân chính là cách thức thu mua hải sản qua nhiều khâu trung gian, nhiều trường hợp ngư dân bị ép giá, ngoài ra chất lượng cá không đảm bảo cũng đẩy giá cá rớt thấp. Trong khai thác thủy sản hiện nay, do thiếu đội tàu làm hậu cần, cá khai thác mất nhiều thời gian mới đến được tay người tiêu dùng. Đây là lý do khiến cho chất lượng cá khi đưa vào bờ giảm sút đến 30% so với trường hợp được chuyển trực tiếp vào bờ.

Ngư dân chuyển cá ngừ lên bờ

Mỹ Sơn (Ninh Thuận): Đu đủ lùn cho hiệu quả kinh tế cao

Hiện tại, toàn xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) có hơn 10 héc-ta diện tích trồng giống đu đủ lùn cao sản. So với các loại cây trồng khác thì đu đủ là loại cây dễ trồng, không kén đất, kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đơn giản.

Với khí hậu phần nhiều là nắng nóng, vùng đất Mỹ Sơn khá thích hợp cho việc trồng đu đủ với vị ngọt đặc trưng. Mỗi sào có thể trồng khoảng 200 gốc đu đủ, sau 8 tháng thì sẽ cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây cho khoảng 30 trái, có trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, với giá bán trung bình từ 3.500 – 4.000 đồng/ kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi khoảng 15 triệu đồng/sào/vụ. Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, trồng đu đủ cần đảm bảo đủ lượng nước tưới thì cây sẽ đậu trái nhiều. Tuy nhiên, nếu quá nhiều nước thì rễ, lá sẽ bị hư hại, cây phát triển chậm. Để đạt năng suất cao, từ lúc mới trồng cho tới khi thu hoạch, cần bón khoảng từ 10 - 15 kg phân chuồng và 3 - 5 kg phân đạm trên mỗi gốc, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Lâu nay các hộ trồng đu đủ chủ yếu sử dụng giống địa phương, nên năng suất đạt thấp, thu nhập không ổn định. Trước những vụ sản xuất không mang lại hiệu quả, bà con đã chủ động sử dụng giống đu đủ mới đưa vào trồng là khá phù hợp, bởi đây là cây ăn trái vốn đầu tư ít, lại dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ mạnh và giá bán luôn ổn định. Đặc biệt, đu đủ có thời gian sinh trưởng dài ngày nên bên cạnh việc trồng đu đủ, người dân còn trồng xen canh ớt, đậu, các loại rau... để nâng cao giá trị cây trồng mang lại trên cùng một diện tích đất.

Ngành xuất khẩu gỗ Đồng Nai: Thêm nhiều đơn hàng lớn

Từ đầu năm 2014 đến nay, thị trường xuất khẩu các mặt hàng từ gỗ của Đồng Nai khá tốt. Theo các công ty sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ thì có sự dịch chuyển nhiều đơn hàng lớn từ các nước vào Việt Nam.

Các công ty sản xuất các sản phẩm từ gỗ trong tỉnh đều khẳng định, khác với năm trước, từ đầu năm đến nay họ liên tục nhận được các đơn đặt hàng lớn từ những đối tác nước ngoài. Nhiều công ty đến thời điểm này đã nhận được đơn đặt hàng đến hết quý I năm sau. Các khách hàng quen thuộc như: Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Đồng Nai. Ngoài ra, một số thị trường mới thuộc châu Mỹ Latinh, châu Phi cũng sang tìm hiểu và đặt hàng. Đặc biệt, trong số đó nhiều đơn hàng trước đây khách chỉ đặt tại Trung Quốc, Thái Lan nhưng nay lại chuyển về Việt Nam. Sở dĩ có sự dịch chuyển những đơn hàng lớn sản xuất các sản phẩm từ gỗ ở các nước lân cận vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai là để được hưởng các ưu đãi về thuế. Thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước và theo lộ trình thuế xuất nhập khẩu các mặt hàng giảm dần về 0%. Trong đó, mặt hàng gỗ đang hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu. Đây chính là yếu tố hấp dẫn và thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhằm đón đầu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TTP.

Hàng Việt: Đưa hàng Việt về nơi đất khó

Lênh đênh theo những con sóng cuộn trên biển, rong ruổi trên những chuyến xe hàng vượt đèo cao, nhiều năm qua, bằng những chuyến đưa hàng về nông thôn cần mẫn, những sản phẩm của Công ty CP May Quảng Ninh đã dần hiện diện, “cắm rễ” vào thói quen sử dụng hàng hóa của bà con vùng nông thôn, vùng cao, biên giới và hải đảo trên địa bàn.

Chú trọng sản xuất hàng phù hợp với tiêu dùng của bà con

Đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trước đây, các sản phẩm của Công ty CP May Quảng Ninh chủ yếu được xuất khẩu ra các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Tỷ lệ hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng trong nước không đáng kể. Khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo gần như “trắng” hàng của công ty.

Ông Ngô Trí Lộc – Phó Giám đốc Công ty CP May Quảng Ninh cho biết, nhận thức được tiềm năng lớn của thị trường trong nước, đặc biệt vào thời điểm năm 2008, khi khủng hoảng tài chính lan rộng, gây ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu, công ty đã tìm hướng quay trở về thị trường trong nước, trong đó một phần hàng hóa được phân phối cho khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo…

Ông Ngô Trí Lộc cũng chia sẻ: “Nếu như bán hàng không có lãi thì chắc chắn không doanh nghiệp (DN) nào hào hứng. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, hải đảo Quảng Ninh vẫn có lãi, dù không cao. Nhu cầu “ăn chắc, mặc bền” cũng khiến người dân khu vực này muốn tiếp cận nhiều với các sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng. Vấn đề là chọn cách bán hàng ra sao? Sản phẩm như thế nào? Giá cả bao nhiêu… để người tiêu dùng dễ tiếp cận”.

Theo đó, để có hàng hóa phù hợp với riêng khu vực này, Công ty CP May Quảng Ninh đã chọn phân phối những sản phẩm cần thiết như đồng phục học sinh, quần áo… Những sản phẩm được lựa chọn đều là các sản phẩm có độ bền lớn, chất lượng cao, giá thành hợp với điều kiện học tập, làm việc và thu nhập của người dân vùng cao, biên giới, hải đảo. “Đặc biệt, riêng với sản phẩm đồng phục học sinh, chúng tôi đã thường xuyên thay đổi, đa dạng hóa mẫu mã, nghiên cứu kỹ về cỡ may đo để sau kỳ nghỉ hè, học sinh vẫn có thể mặc lại đồng phục của năm cũ. Với điều kiện sống còn eo hẹp của bà con, một bộ đồng phục cần phải bền để các cháu có thể mặc được nhiều năm” – ông Ngô Trí Lộc cho biết. Theo hướng đó, đến nay, hàng của Công ty CP May Quảng Ninh đã hiện diện ở nhiều huyện vùng cao, biên giới, hải đảo, như: Bình Liêu, Hoành Bồ, Cô Tô, Vân Đồn… Tỷ lệ hàng may mặc bán trong nội địa từ chỗ không đáng kể, mấy năm nay tăng bình quân mỗi năm trên 25% và doanh thu tăng khoảng 40%.
Kiên trì vượt khó “cắm rễ” nơi vùng sâu và hải đảo

Chia sẻ về những khó khăn khi đưa hàng về nông thôn, biên giới, hải đảo, ông Ngô Trí Lộc chân thành bộc bạch: “Để đưa được một chuyến hàng Việt về nông thôn, vùng biên giới, hải đảo không phải là chuyện dễ dàng. Có những chuyến đưa hàng về Bình Liêu, hàng hóa phải chuyển xe nhiều lần, từ ô tô lớn đến ô tô nhỏ, mỗi cung đường lại là một loại xe. Có những khu vực ô tô không vào được, hàng phải chuyển bằng xe máy, xe kéo… Đưa hàng về khu vực hải đảo như Vân Đồn, Cô Tô cũng vậy… Đầu tiên, hàng được chuyển lên ô tô, rồi xuống tàu thủy, lên đảo lại phải chuyển hàng sang một loại ô tô khác…”. Trải qua nhiều lần như vậy, những chuyến hàng mới đến được tay người tiêu dùng. Dường như để đến được các khu vực này, những bộ đồng phục cũng ngấm dần mùi mặn của muối biển, mùi “thơm” nồng của nắng vùng cao… Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là dừng lại. “Có đưa hàng về khu vực này rồi mới thấy, nơi cần nhất chính là nơi thiếu nhất, bà con rất “khát” hàng của mình. Chính vì vậy, mỗi một món hàng đến được tay bà con những vùng khó khăn là một niềm vui mới với những người làm nghề như chúng tôi” – ông Ngô Trí Lộc nhấn mạnh.

Để hỗ trợ DN thuận lợi hơn trong việc đưa hàng về nông thôn, vùng cao, biên giới, hải đảo, ông Ngô Trí Lộc kiến nghị, chi phí quá cao chính là rào cản lớn nhất của hoạt động này. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, sức mua bấp bênh cũng là những khó khăn không nhỏ. Do đó, ngoài tham gia các chuyến đưa hàng về nông thôn do Sở Công Thương tổ chức, không nhiều DN chủ động tự đưa được hàng Việt về bán ở khu vực này. Chính vì vậy, thời gian tới, các DN rất mong có một nguồn vốn hỗ trợ xây dựng những điểm bán hàng tại vùng đất khó, hoặc hỗ trợ xây dựng các đại lý để nhiều DN cùng đưa hàng đến bán. Xây dựng chợ biên giới, chợ hải đảo xét cho cùng cũng là mục tiêu chính trị, rất cần chính sách và nguồn vốn “mồi” từ Nhà nước. Nếu có được những điều này, chắc chắn sẽ có nhiều DN kiên trì vượt gian nan trở ngại đưa hàng Việt “cắm rễ” nhiều hơn tại các địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Sản phẩm may mặc của Việt Nam luôn thu hút bà con tham quan, mua sắm tại các phiên chợ hàng Việt

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT


Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...

Bón NPK-S Lâm Thao cho cây cải bắp

Trên vùng cao như Đà Lạt, Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo có thể trồng cải bắp quanh năm. Ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên thì trồng vụ đông - xuân. Có 3 vụ chính: Vụ sớm gieo cuối tháng 7 đầu tháng 8, trồng cuối tháng 8 và tháng 9, thu hoạch vào tháng 11, tháng 12; Vụ chính gieo tháng 9 và tháng 10, trồng giữa tháng 10 đến hết tháng 11, thu hoạch vào tháng 1, tháng 2 năm sau; Vụ muộn gieo tháng 11, trồng vào giữa tháng 12, thu hoạch vào tháng 2 - 3 năm sau.

Có thể trồng cải bắp trên nhiều loại đất, nhưng thích hợp nhất là đất thịt nhẹ, cát pha, đất phù sa trung tính có pH = 6 - 6,5, hàm lượng hữu cơ trên 1,5%. Độ ẩm đất thích hợp nhất đối với cải bắp là 75 - 85%, ẩm độ không khí là 80 - 90%. Khi gặp độ ẩm đất trên 90% kéo dài 3 - 5 ngày sẽ làm rễ cây bị nhiễm độc.

Làm đất, lên luống rộng 1,0 - 1,2 m, luống cao 15 - 20 cm. Trồng hàng cách hàng 50 cm, cây cách cây 35 - 40 cm hoặc 50 cm tùy theo giống bắp to hay nhỏ. Mật độ khoảng 28 - 35 - 40 nghìn cây/ha. Rạch 2 hàng dọc theo luống, bón phân lót, trộn đều với đất, lấp lớp đất mỏng rồi trồng theo kiểu nanh sấu. Tưới nước đủ ẩm sau trồng và tưới nước hàng ngày đến khi cây bén rễ, hồi xanh.
Bón phân đúng liều lượng theo các thời kỳ

Bà con bón lót trước khi trồng; Bón thúc lần 1 sau trồng 20 - 25 ngày; Bón thúc lần 2 khi cây trải lá bàng.
Lượng phân bón tính trên 1 héc-ta như sau:

- Bón lót: Phân chuồng 14 - 20 tấn/héc-ta; NPK-S 5.10.3-8 : 500 - 610 kg/héc-ta.
- Bón thúc 1: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 360 - 500 kg/héc-ta.
- Bón thúc 2: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 610 - 690 kg/héc-ta.
Lượng phân bón tính trên 1 sào Bắc Bộ (360 m2) như sau:
- Bón lót: Phân chuồng 0,5 - 0,7 tấn; NPK-S 5.10.3-8 : 18 - 22 kg.
- Bón thúc 1: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 13 - 18 kg.
- Bón thúc 2: NPK-S 12.5.10-14 hoặc NPK-S 10.5.10-5: 22 - 25 kg.

Bà con thu hoạch bắp cải

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Cách nhận diện phân bón Lâm Thao

Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Hậu quả là người nông dân phải chịu “tiền mất - tật mang” mà chẳng biết kêu ai. Nhằm giúp nông dân tự bảo vệ mình, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xin hướng dẫn bà con một số điểm dễ nhận dạng nhất để phân biệt phân bón Lâm Thao thật – giả.

Trước hết, bà con nên nhìn và đọc kỹ các thông tin trên nhãn mác bao bì như: Lô gô nhãn hiệu của Lâm Thao là 3 nhành cọ và có chữ Lâm Thao ở phía dưới như hình lô-gô nhãn hiệu kèm theo.

Hàm lượng, thành phần các chất dinh dưỡng chính đều được công ty in rõ trên bao bì. Ví dụ: Sản phẩm của Lâm Thao là NPK-S 12.5.10-14 thì thành phần các chất dinh dưỡng là: Hàm lượng đạm (N): 12, hàm lượng lân (P2O5) hữu hiệu: 5, hàm lượng kali (K2O): 10, hàm lượng lưu huỳnh (S): 14.

Nếu bà con thấy có những nghi ngờ thắc mắc về phân bón Lâm Thao thì nên kiểm tra khối lượng bao bì. Hiện nay, công ty đã thay đổi một số loại bao bì: Bao PP in NPK-S 5.10.3-8 loại 50 kg/bao, kích thước (570±10)x(920±10) mm, Bao PP in NPK-S 5.10.3-8 loại 25kg/bao, KT:(490±10)x(730±10) mm. Bao PP tráng in NPK-S 12.5.10-14 hoặc in NPK-S*M1 12.5.10-14 loại 25kg/bao, loại 25kg/bao, KT:(490±10)x(730±10) mm, PE ở bên trong thì tổng cộng cả bao PP tráng và PE là 110g - 120g); Bao PE dùng để lồng trong bao PP tráng PP loại 25 kg, kích thước (500x830) mm. Về mặt cảm quan, vì mọi loại phân bón đều có đặc tính riêng nên để hướng dẫn bà con cách nhận biết và phân biệt là rất khó. Tuy nhiên, bà con có thể dựa vào đặc tính riêng của từng loại như: Supe lân Lâm Thao ở dạng bột hoặc hạt đều có tính sinh lý chua, màu xanh xám, mùi chua nồng. Với NPK Lâm Thao các loại cũng có tính sinh lý chua nhẹ.

Tốt nhất, bà con nên tìm các cửa hàng, đại lý có uy tín để mua (nên tìm đến các cửa hàng có biển hiệu bán hàng sản phẩm Lâm Thao là tốt nhất) hoặc mua thông qua các kênh: Vật tư nông nghiệp, Hội nông dân, Trung tâm khuyến nông, HTX nông nghiệp... Nếu thấy nghi ngờ, bà con có thể gọi đến số điện thoại của công ty là: 02103825126 để liên hệ.

Dây chuyền sản xuất phân bón Lâm Thao

Phân bón Đầu Trâu

Thời gian qua, tại Phú Yên và Bình Định các lực lượng chức năng đã phát hiện 48 bao phân bón giả nhãn hiệu Bình Điền khiến hàng trăm héc-ta dưa hấu của nông dân không phát triển.

Đứng trước thực trạng đó, Công ty CP phân bón Bình Điền đã có những nỗ lực để tự bảo vệ mình và quyền lợi chính đáng của bà con nông dân. Hiện nay, tất cả các loại phân bón Đầu Trâu trước khi xuất xưởng đều phải trải qua các công đoạn kiểm tra hết sức nghiêm ngặt. Trong mỗi sản phẩm đều có phiếu kiểm tra, trên đó in ca sản xuất, ngày sản xuất để nông dân có căn cứ kiểm tra khi khui bao phân.

Để phân biệt phân bón Đầu Trâu thật - giả, bà con có thể căn cứ vào phiếu kiểm tra trong bao phân, cùng với đường chỉ may trên miệng bao. Hiện nay công ty chỉ sử dụng bao bì một lần nên trên miệng bao chỉ có một đường may. Nếu thấy trên miệng bao phân có hơn 1 đường may thì bà con nên lưu ý. Công ty cũng đang thử nghiệm trên những sản phẩm xuất khẩu như NPK 20-20-15, NPK 15-15-15... với dây nhựa rút để cột miệng túi nylon bên trong bao phân, trên dây nhựa có in chữ nổi "Đầu Trâu" nên khả năng làm giả là rất thấp, đòi hỏi chi phí làm giả cao. Trên bao phân thật có logo mầu đen hình đầu trâu và dòng chữ in hoa “CÔNG TY CỔ PHẦN PHÂN BÓN BÌNH ĐIỀN”. Nếu phân giả thì chỉ có hình đầu trâu và dòng chữ “CÔNG TY PHÂN BÓN BÌNH ĐIỀN”. Nhãn chất lượng bên hông bao phân nếu là phân giả sẽ bóc gỡ rất dễ vì chỉ dán đề can, còn bao phân thật thì máy dập in luôn vào bao nên không thể gỡ ra được. Khi sử dụng, nếu ngâm phân đúng chất lượng thì sẽ hòa tan vào nước, còn loại phân giả đã thì sẽ vón thành cục đất, cát lẫn lộn kết dính.

Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))