Thông tin giá cả thị trường tuần từ 25/08/2014 đến 29/08/2014

04:35 PM 25/08/2014 |   Lượt xem: 2554 |   In bài viết | 

Thanh Long thừa ứ: Gia phải trả vì phát triển thiếu quy hoạch

Đối với nhiều hộ nông dân, cây thanh long hiện nay không chỉ là cây trồng tạo thêm nhiều việc làm, mà còn giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Vì vậy đã tạo ra “cơn sốt” mở rộng diện tích trồng thanh long ở nhiều địa phương, rất cần những định hướng, giải pháp cụ thể để cây thanh long phát triển bền vững.

Đứng trước nhiều rủi ro, thách thức

Nếu như năm 2000 cả nước chỉ có 560 héc-ta thanh long thì hiện nay, đã có gần 30.000 héc-ta, tức là tăng gấp 50 lần, phát triển ở hơn 40 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích tăng nhanh, nhưng việc tiêu thụ lại không dễ dàng. 6 tháng đầu năm 2014, thanh long Việt Nam đã xuất khẩu trên 540.000 tấn, trong đó riêng thị trường Trung Quốc trên 516.000 tấn. Tính đến thời điểm hiện nay, thanh long của Việt Nam được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường châu Á, nhiều nhất là Trung Quốc (chiếm gần 90%), đây là thị trường tiêu thụ lớn nhất, nhưng chủ yếu lại buôn bán qua đường tiểu ngạch, một hình thức buôn bán tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thời gian tới, thanh long sẽ chịu áp lực cạnh tranh quyết liệt do nhiều nước trong khu vực đã bắt đầu trồng loại cây này. Đáng chú ý, Đài Loan đã có thể xử lý để thanh long ra hoa, trái suốt năm và Trung Quốc đã triển khai trồng khoảng 20.000 héc-ta thanh long. Đây chính là nỗi lo của các tỉnh trồng chuyên canh và tập trung cây thanh long hiện nay. Nhất là khi đó việc trồng thanh long theo kiểu phong trào hiện nay không tuân thủ theo quy trình GAP đã ảnh hưởng lớn đến uy tín, chất lượng thanh long và làm tăng nguy cơ mất dần thị trường, trước mắt là khu vực châu Á, tiếp đến là những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... khi mà thanh long Việt Nam muốn xuất khẩu và có giá trị cao cần vượt qua hàng rào về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt của các quốc gia này. Ví dụ để thanh long xuất sang Mỹ, các nhà sản xuất phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt do Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) đề ra, bất kỳ lô hàng nào vào nước này đều phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo loại trừ sâu bệnh. Còn đối với thị trường Nhật, Hàn Quốc… họ yêu cầu phải xử lý bằng công nghệ hơi nước nóng để diệt sâu bệnh, côn trùng. Đó là rào cản kỹ thuật của từng quốc gia mà mình buộc phải tuân thủ.

Trong khi đó đối với một đất nước nhiệt đới như Việt Nam luôn tiềm ẩn, phát sinh dịch bệnh trên cây trồng là khó tránh khỏi. Tại Bình Thuận, năm nay, nhiều diện tích thanh long ở trên địa bàn tỉnh này bị nhiễm bệnh thán thư, đốm trắng khiến vỏ bị “nám”, trên vỏ xuất hiện nhiều đốm trắng, trái bị thối từ bên trong… nhìn hình thức và chất lượng loại trái cây này ngày càng đi xuống, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện hầu hết các vườn thanh long ở Bình Thuận đã bị lây bệnh, có vườn số trụ bị nhiễm bệnh chiếm đến 90%, giá bán rẻ như bèo, không đủ trả công hái nên nhiều nhà vườn đã đổ bỏ.
Để thanh long phát triển bền vững

Để cây thanh long phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế, cách duy nhất là phải tập trung sản xuất theo quy hoạch và tiêu chuẩn GAP. Thời gian qua các tỉnh trồng tập trung thanh long đã, đang chủ động rà soát, cân đối và có kế hoạch phát triển diện tích thanh long theo hướng hợp lý, an toàn, chất lượng cao. Cùng với đó là tập trung mở rộng thị trường nội địa, nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại chỗ từ 10 đến 15% hiện nay lên 16 đến 17% vào năm 2015 và 18 đến 20% vào năm 2020.

Để đạt mục tiêu này rất cần có sự phối hợp giữa các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để quảng bá thương hiệu thanh long Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ điều kiện tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn có tiềm năng. Xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ thông qua các hợp đồng để phát triển thanh long ổn định và lâu dài. Tạo điều kiện cho ngành chế biến trái cây đầu tư sản xuất những sản phẩm từ thanh long, như mứt thanh long, hay nước ép, rượu thanh long... Cuối cùng là tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gây rối loạn thị trường, làm thiệt hại cho chính doanh nghiệp và người sản xuất thanh long.

MUA GÌ

Trà Vinh: Nuôi cá lóc thu lãi khá

Giá cá lóc thương phẩm trên tỉnh Trà Vinh đang tăng dần sau thời gian giảm mạnh và khó tiêu thụ. Cụ thể, cá lóc loại 1 (khoảng 2 - 3 con/kg) hiện được thương lái mua tại ao từ 37.000 - 38.000 đồng/kg. Người nuôi thu lãi từ 5.000 đồng/kg trở lên và có khả năng thu lãi trên 100 triệu đồng/1.000 m2 mặt nước sau 5 tháng nuôi theo hình thức thâm canh.

Nuôi cá lóc ở Trà Vinh chỉ mới phát triển khoảng 3 - 4 năm trở lại đây. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Trà Vinh có khoảng 1.200 hộ thả nuôi khoảng 200 triệu con cá lóc giống trên diện tích gần 200 héc-ta; tổng sản lượng đã thu hoạch được gần 20.000 tấn cá lóc thương phẩm. Tuy nhiên, các ngành chức năng tỉnh Trà Vinh đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá lóc vì loại thuỷ sản này hiện chỉ tiêu thụ nội địa, nếu mở rộng diện tích ồ ạt cung sẽ vượt cầu, giá xuống thấp dẫn đến thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Hơn nữa, hệ thống thuỷ lợi ở vùng nuôi cá lóc hiện còn nhiều bất cập, môi trường nước đang có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng, khả năng bị nhiễm bệnh là rất lớn. Mặt khác, con giống nhân tạo tại địa phương hiện chưa sản xuất được, người nuôi phải đến các tỉnh khác mua con giống nên khó quản lý chất lượng.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa gạo giảm

Sau khi tăng lên ở mức cao, hiện giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại ĐBSCL giảm trở lại từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay hơn 1 tuần. Tại An Giang, Vĩnh Long… lúa tươi IR50404 có giá khoảng 4.700 đồng/kg, còn lúa khô giá 5.500 đồng/kg. Giá nhiều loại lúa tươi hạt dài (như: OM 2517, OM 2514, OM 4218, OM 1490…) đang ở mức 4.700 - 5.000 đồng/kg, lúa khô có giá 5.700 - 6.000 đồng/kg; lúa thơm Jasmine tươi: 5.400 đồng/kg, còn phơi sấy khô khoảng 6.100 - 6.200 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo lứt nguyên liệu xuất khẩu đang phổ biến từ 7.500 - 7.750 đồng/kg, tùy loại. Ngoài tác động của việc Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo tiểu ngạch, giá lúa gạo giảm còn do thời điểm này nhiều tiểu thương và doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đã giảm thu mua hàng so với trước. Dù giá lúa gạo có giảm trở lại song vẫn ở mức khá cao so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo cho nông dân trồng lúa có lợi nhuận.

Đồng Tháp Bò giống bán giá cao

Hiện nay nhiều hộ nông dân nuôi bò ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang đối mặt với giá bò giống tăng cao, nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm. Theo Trạm Thú y huyện Lấp Vò, trong vài năm trở lại đây, số đàn bò ở huyện không ngừng tăng lên. Hiện toàn huyện có gần 3.000 con bò. Do quá nhiều hộ cùng nuôi bò nên giá bò giống tăng lên khoảng 8 triệu đồng/cặp. Hiện tại mỗi cặp bò giống giao động từ 26 - 31 triệu đồng, tùy theo lớn nhỏ (năm trước khoảng 19 - 23 triệu đồng/cặp). Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tự nhiên của bò cũng khan hiếm, giá cây bắp tăng. Trong khi đó giá bò thịt vẫn ổn định 170.000 - 180.000 đồng/kg. Nếu tình trạng này kéo dài, người nuôi bò sẽ khó khăn vì trung bình mỗi cặp bò nuôi 15 - 20 tháng trừ chi phí con giống, công cắt cỏ, chăm sóc, thức ăn, người nuôi sẽ không có lãi bao nhiêu.

Bình Định: Cuối vụ, giá ớt tăng

Thời điểm hiện nay, nông dân tại các địa phương như Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh… đang vào cuối vụ thu hoạch ớt với giá thu mua đang ở mức khá cao. Tại các chợ đầu mối thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn), giá ớt tươi được các thương lái thu mua từ 20.000 - 24.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với thời điểm chính vụ (từ tháng 4 đến tháng 7). Theo người trồng ớt, với giá ớt tăng khá cao như hiện nay, mỗi sào ớt (500 m2) nếu đầu tư thâm canh tốt có thể cho thu hoạch từ 0,7 - 1 tấn ớt tươi, thu nhập từ 20 - 22 triệu đồng. Tuy nhiên, sản lượng ớt thời điểm này tại các địa phương còn rất ít do hiện nay ớt đã “lên ngọn”, chỉ còn một số hộ trồng ớt trễ vụ hay ở những vùng có chân đất cao mới còn ớt để thu hoạch.

Đồng Nai: Lãi lớn từ chim cút

Đến làng cút tại ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thấy hàng loạt những trại cút nằm giữa những tán cây, mỗi hộ cách nhau khoảng chừng vài chục mét. Giá chim cút liên tục ở mức khá từ 40.000 – 50.000 đồng/kg đang giúp nhiều hộ chăn thu lãi lớn. Để nuôi cút thành công, người nuôi nên tham gia các khóa học về nuôi gia súc, gia cầm, học hỏi từ các chuyên gia về vấn đề dịch bệnh, thuốc, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc chim cút thế nào để tạo nền tảng vững chắc trước khi đầu tư nuôi kinh doanh... Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tổng đàn chim cút khoảng 5 triệu con, tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc. P.V

Giá cao su thành phẩm tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên (ĐVT: Đồng/kg)

Tỉnh

Chủng loại

Giá

Bình Dương

SVR 3L

33400

Đồng Nai

SVR 20

27300

Bà Rịa Vũng Tàu

SVR 10

27500

Lâm Đồng

SVR 5

28300

Bình Thuận

SVR L

33500

Bình Phước

RSS1

34200

Tây Ninh

RSS3

33600


BÁN GÌ

Khánh Hòa: Giá muối trải bạt tăng nhẹ

Cuối vụ giá muối sản xuất trải bạt tại Khánh Hòa hiện đang ở mức từ 1 - 1,1 triệu đồng/tấn, tăng 100.000 đồng/tấn so với tháng trước, còn muối sản xuất thủ công vẫn đang giữ ở mức ổn định từ 650.000 – 800.000 đồng/tấn. Theo HTX sản xuất muối Ninh Thuỷ, phường Ninh Thuỷ, TX. Ninh Hòa: Thời điểm này đang là cuối vụ sản xuất muối, với diện tích sản xuất muối trải bạt hơn 12 héc-ta, từ đầu vụ đến nay HTX sản xuất được 1.300 tấn muối, tăng 400 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Với giá muối trải bạt như hiện nay, HTX sản xuất đến đâu, thương lái đều mua hết đến đó. Mặc dù giá muối tăng nhẹ, nhưng do các chi phí tăng cao, nhất là công lao động tăng từ 20 - 30% nên HTX cũng chỉ lãi từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

Hậu Giang: Lợi nhuận của nông dân trồng mía vẫn thấp

Niên vụ mía 2013 - 2014, nông dân trên địa bàn tỉnh trồng được 13.915 héc-ta mía, trong đó có11.115 héc-ta có hợp đồng bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp, chiếm 80% tổng sản lượng mía toàn tỉnh. Dù phần lớn diện tích và sản lượng mía trên địa bàn tỉnh được bao tiêu nhưng thu nhập của nông dân trồng mía còn khá thấp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, năng suất mía bình quân trên địa bàn tỉnh là 85,22 tấn/héc-ta, cộng với các chi phí sản xuất ngày càng tăng đã kéo giá thành sản xuất mía lên mức 735 đồng/kg, trong khi giá sàn thu mua mía 10 chữ đường tại cầu cảng nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp chỉ ở mức 830 đồng/kg. Với giá thành sản xuất và giá bán bình quân theo mức giá sàn nêu trên, qua cân đối với diện tích mía có năng suất khá cao, với 100 tấn/héc-ta, người dân trồng mía trên địa bàn chỉ lãi được 9,55 triệu đồng/héc-ta/năm.

Niên vụ mía 2014 - 2015 tỉnh Hậu Giang có kế hoạch trồng 12.800 héc-ta mía, đến nay đã xuống giống được 12.559 héc-ta, ước năng suất mía bình quân trong niên vụ này đạt 90 tấn/héc-ta. Hiện có 12.175 héc-ta mía trên địa bàn tỉnh được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đường nhập lậu, giá đường trong nước thấp kéo theo giá thu mua mía nguyên liệu cho nông dân không cao. Để giúp ổn định sản xuất mía đường trong nước, tới đây công tác chống đường nhập lậu cần được các cấp, các ngành chức năng quan tâm tăng cường.

Khánh Hòa: Cá mú rớt giá

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá cá mú thương phẩm bắt đầu hạ nhiệt, hiện chỉ còn 210.000 – 215.000 đồng/kg (loại 1 - 1,4 kg/con) và 165.000 – 170.000 đồng/kg (loại trên 1,4 kg/con), do đó người nuôi không lãi mấy. Tuy giá cá mú hạ nhưng so với cùng kỳ năm ngoái giá vẫn cao hơn từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên do giá cá mồi tăng cao từ 15.000 – 16.000 đồng/kg, gấp đôi so với năm ngoái, cộng với trong quá trình nuôi bị hao hụt nhiều nên người nuôi chỉ lãi thấp. Nhưng do sản lượng nuôi đạt cao nên với giá này người nuôi thu hoạch cũng đã có mức lãi tương đối.

Nguyên nhân khiến giá cá mú giảm là do bà con đồng loạt thu hoạch, trong khi đó nguồn tiêu thụ có hạn, chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh, thành lớn như TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hà Nội. Hiện sức tiêu thụ cá mú cũng chậm lại so với tháng trước. Trong khi đó giá giống ở mức cao từ 26 - 30 ngàn đồng/con, kích cỡ 6 - 7cm tăng 3 - 5 ngàn đồng/con so với năm ngoái.

Hậu Giang: Khóm (dứa) tăng giá

Khoảng một tháng nay, giá khóm (dứa) ở tỉnh Hậu Giang luôn đứng ở mức cao do khan hiếm hàng. Hiện thương lái thu mua khóm tại rẫy có giá từ 5.000 - 5.500 đồng/trái (loại I từ 1 ký/trái trở lên), tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu vụ. Khóm bán tại chợ có giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/trái, có lúc lên đến 10.000 đồng/trái, đây là mức giá hiếm có ở tỉnh này.

Với giá khóm như hiện nay, mỗi héc-ta cho năng suất từ 20 - 22 tấn/héc-ta, nông dân có lãi ít nhất khoảng 40 triệu đồng. Giá loại quả này tăng mạnh do là cuối vụ, sản lượng ít. Trong khi đó, khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) vốn là đặc sản, chất lượng vượt trội so với những nơi khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá vỏ hạt điều chưa ép tăng mạnh

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện nay giá vỏ hạt điều chưa ép đang tăng cao, nếu cùng thời điểm này năm ngoái giá vỏ chỉ khoảng 1.400 đồng/kg thì hiện nay giá đã trên 2.000 đồng/kg thu mua tại nhà máy. Nguyên nhân khiến giá vỏ hạt điều tăng cao là do giá một số nhiên liệu như FO hay DO đang tăng cao. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cần sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất kính, xi măng, sắt thép, các nhà máy gạch, đốt rác thải và lò hơi... Chính vì vậy, giải pháp tìm và sử dụng nhiên liệu đốt thay thế cho dầu FO và DO với giá thành rẻ sẽ giúp cắt giảm nguồn chi phí lớn cho sản xuất của doanh nghiệp.

Với ưu điểm vượt trội và giá bán cạnh tranh, các chỉ tiêu kỹ thuật của dầu trong vỏ hạt điều (hàm lượng nước, nhiệt trị,...) hơn hẳn FO và đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải (công nghệ xử lý) nên nhu cầu mua vỏ hạt điều chưa ép ngày càng gia tăng.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đốn chặt cây cao su, cà phê sang trồng tiêu: Hệ lụy khôn lường

Cao su, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của một số tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng đất đỏ Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Tuy nhiên, giá cao su, cà phê liên tục giảm khiến bà con nông dân có xu hướng muốn chặt bỏ, chuyển sang trồng hồ tiêu và một số loại cây trồng khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cao su, cà phê mà còn làm xáo trộn cơ cấu giống cây trồng và để lại nhiều hệ lụy.

Nhiều diện tích cây cao su, cà phê bị chặt

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, diện tích cây cao su bị nông dân chặt bỏ trong 6 tháng đầu năm 2014 của cả nước khoảng 3.850 héc-ta. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có số lượng cây cao su bị chặt bỏ lên tới gần 1.750 héc-ta. Tại tỉnh Bình Dương, diện tích thanh lý cao su tại các hộ tiểu điền lên tới hơn 539 héc-ta, Đắk Nông là 181 héc-ta, Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 1.000 héc-ta… tập trung chủ yếu là những cây non, trồng sen canh với cây cà phê hay tiêu và vườn cây già cho năng suất thấp. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do tác động của giá mủ cao su xuống thấp, trong lúc giá hồ tiêu lại tăng cao nên một số nhà vườn đã chuyển đổi cây trồng.

Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, giá mủ cao su đã xuống thấp từ năm 2013, đặc biệt 6 tháng đầu năm 2014 có khi giá xuống chỉ còn khoảng 36 triệu đồng/tấn, dưới mức giá thành. Trong khi đó, trồng tiêu trên 1 héc-ta đạt sản lượng 4 - 5 tấn, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/năm, với mức giá cao như hiện nay, trừ chi phí thì lãi ròng thu được không dưới 500 triệu đồng/năm. Chi phí thấp lại thu về lợi nhuận quá cao nên diện tích cây hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các tỉnh khác trên cả nước đã không ngừng phát triển trong những năm gần đây. Ngoài lý do lợi nhuận thì nhiều bà con còn tính đến thời gian trồng tiêu chỉ mất khoảng 3 năm đã cho thu hoạch còn cao su là 7 năm, cà phê 5 năm.

Cũng giống như cao su, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và mang tính chiến lược của vùng đất đỏ Tây Nguyên. Tuy nhiên, giá cà phê liên tục giảm khiến nhiều người dân trên địa bàn chặt bỏ, trồng thay thế những loại cây khác. Việc nông dân đổ xô chặt cà phê trồng hồ tiêu cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành nông nghiệp các địa phương này bởi họ một lần nữa đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn chặt - trồng, trồng - chặt.

Những hệ lụy khôn lường

Theo ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, người nông dân chỉ thấy lợi trước mắt mà không tính hiệu quả lâu dài. Nông dân cũng không nên chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, bởi sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, lúc đó giá tiêu lại giảm. Hiện nay, ở Tây Nguyên có hàng nghìn héc-ta hồ tiêu được trồng mới nhưng người dân lại bất chấp vùng đất, khí hậu có phù hợp hay không, ồ ạt trồng tiêu mà không tuân thủ quy trình kỹ thuật, dẫn đến dịch bệnh lan nhanh, tiêu chết hàng loạt. Bởi trên thực tế, các nhà khoa học đã khuyến cáo, cây tiêu chỉ thích hợp với những vùng đất bazan có độ thoát nước tốt, còn những vùng đất khác cho dù có đầu tư thâm canh tốt, nhưng năng suất sẽ không cao. Thêm vào đó, nếu không lựa chọn kỹ càng nguồn gốc xuất xứ của các loại trụ, giống tiêu thì nguy cơ xuất hiện dịch bệnh hại tiêu là điều không thể tránh khỏi. Không chỉ vậy, việc ồ ạt chặt phá cà phê ở Tây Nguyên còn là mối đe dọa lớn đối với việc phát triển bền vững loại cây này, bởi phần lớn diện tích cây cà phê nơi đây đang bị chặt bỏ để thay thế loại cây trồng khác. Ngoài ra, tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu còn gây hệ lụy khác là khi bà con các dân tộc ở các địa phương đi săn lùng trụ tiêu từ những cánh rừng, dẫn đến xâm hại tài nguyên rừng, phá rừng trái phép.

Thiết nghĩ, việc chặt bỏ cà phê và thay thế vào đó cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường cho ngành nông nghiệp các tỉnh. Vì vậy, ngoài việc ngành nông nghiệp các tỉnh cần định hướng rõ cơ cấu cây trồng thích hợp riêng cho từng vùng, bà con cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phá đi diện tích cao su, cà phê và đổ xô trồng hồ tiêu. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh cũng đã gửi công văn tới các địa phương nhằm khuyến cáo nông dân không chuyển đổi cao su, cà phê sang cây trồng khác. Đặc biệt, tuyệt đối không trồng xen hồ tiêu vào vườn cao su vì dễ bị nhiễm nấm phytopthora làm chết cây cao su. Không rong tỉa cây cao su đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, thậm chí cả diện tích cao su đang bắt đầu khai thác để trồng tiêu. Trước mắt, trong thời gian giá mủ cao su xuống thấp, bà con có thể áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tối thiểu, không để vườn cây xuống cấp nhằm bảo đảm cho việc đầu tư thâm canh khi giá cao su tăng trở lại. Các công ty cao su trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai liên kết với các hộ trồng cao su tiểu điền để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc, khai thác mủ; thu mua bao tiêu sản phẩm cho nông dân để tránh tình trạng tư thương ép giá...

Nhiều diện tich cà phê già cỗi đang được phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Uông Bí (Quảng Ninh): Cần thận trọng với nhu cầu phát triển thanh long ruột đỏ

Từ năm 2010, cây thanh long ruột đỏ du nhập và phát triển ở thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) và đang được đánh giá là loại cây mang lại giá trị kinh tế lớn cho người trồng.

Đến nay, toàn thành phố đang có trên 40 héc-ta loại cây này. Qua thực tế canh tác đã cho thấy cây hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nhiều vùng trên địa bàn thành phố nên cho năng suất ổn định và khá cao, chất lượng quả cũng đảm bảo cả tiêu chí kích thước và vị ngọt của quả. Hiện năng suất trung bình mỗi héc-ta thanh long ruột đỏ thường đạt trên 5 tấn quả, nếu tính giá thu mua ngay tại vườn trên 40.000 đồng/kg như hiện nay thì đạt giá trị trên 200 triệu đồng/héc-ta/năm, mức cao so với trồng các loại cây ăn quả khác. Thực tế hai vụ thanh long gần đây, tất cả các chủ vườn thanh long ruột đỏ Uông Bí đều “trúng”, có nhà đạt doanh thu lên tới hàng tỷ đồng. Hiệu quả ban đầu có thể thấy rõ, nhưng mức đầu tư ban đầu cho loại cây này rất cao, lên đến 400 - 500 triệu đồng/héc-ta nên không phải hộ gia đình nào cũng đủ tiền để đầu tư. Thực tế tổng diện tích trên 40 héc-ta thanh long ruột đỏ của thành phố Uông Bí hiện nay chủ yếu tập trung ở khoảng 10 trang trại lớn có điều kiện đầu tư. Hiện nay nhiều hộ trong số này cũng được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn liên quan đến kinh tế trang, gia trại nên có thể vay số vốn lớn và lãi suất thấp. Cụ thể mỗi hộ có thể vay mức vốn tối đa đến 5 tỷ đồng và được hỗ trợ 6% lãi suất trong khoảng thời gian được duyệt vay. Trong khi việc tiếp cận nguồn vốn không hề dễ dàng, áp lực lãi suất đè nặng thì đây là thuận lợi rất lớn cho các hộ phát triển cây thanh long ruột đỏ. Cái khó của việc này là không phải hộ nào cũng được thụ hưởng các chính sách về vốn trên bởi tiêu chí vay vốn cũng rất chặt chẽ, quy mô trang trại từ 2,1 héc-ta trở lên, trong đó 70% diện tích này đang trồng cây.

Với cơ chế vốn vay như trên, thì để phát triển cây thanh long ruột đỏ hộ gia đình ít vốn, canh tác quy mô nhỏ không làm được. Nguyện vọng chung của nhiều hộ gia đình là muốn các cơ quan quản lý xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nào đó dành cho những người sản xuất nhỏ để phát triển cây thanh long. Tuy nhiên, các cấp quản lý và bà con ở Uông Bí cũng nên thận trọng vì hiện nay xuất khẩu trái thanh long ruột đỏ không còn dễ dàng. Hiện tại, bà con ở Bình Thuận - vùng được coi là "vựa thanh long" cũng như một số địa phương trồng thanh long khác của nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn vì thanh long ruột đỏ rớt giá, lại thêm dịch bệnh đốm trắng đe dọa. Bên cạnh đó, sau một thời gian tìm hiểu, Trung Quốc (nước nhập khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam) đã đầu tư trồng hàng chục nghìn héc-ta thanh long để dần thay thế việc nhập khẩu từ Việt Nam.

Tân Lạc (Hòa Bình): Đưa bưởi đỏ, bưởi da xanh thành thương hiệu

Bưởi là cây trồng phát triển mạnh và cho hiệu quả cao, mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình trên địa bàn huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Thanh Hối là xã vùng trọng điểm bưởi đỏ, bưởi da xanh với diện tích trồng 54 héc-ta (so với 15 héc-ta mấy năm trước), trong đó có 1/3 diện tích cho thu hoạch. Xóm Tân Hương có gần 100 hộ, hầu hết đều trồng bưởi, nhà ít trồng 20 cây, nhà nhiều trồng hàng trăm cây. Những gia đình có 100 cây trở lên đều có cuộc sống khá giả. Tùy theo chất lượng và mẫu mã, giá bán bưởi đỏ từ 17 - 25.000 đồng/quả, bưởi da xanh từ 40 - 45.000 đồng/kg. Tính toán hiệu quả kinh tế, tùy theo mức độ đầu tư, thâm canh có thể cho thu bình quân 4 triệu đồng/cây nên nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Theo tính toán của Phòng NN & PTNT huyện Tân Lạc, đối với bưởi đỏ có thể trồng từ 300 - 350 cây/héc-ta, sau thời gian kiến thiết cơ bản từ 3 - 4 năm, mỗi cây có thể cho thu hoạch 100 - 150 quả thương phẩm. Tính theo giá thị trường rẻ cũng từ 10.000 - 15.000 đồng/quả, giá trị thu nhập đạt trên 300 triệu đồng/héc-ta/năm. Với bưởi da xanh đòi hỏi quy trình kỹ thuật chăm sóc cao hơn bưởi đỏ nhưng đem lại hiệu quả khá hơn, mật độ từ 250 - 300 cây/héc-ta, khi bước vào đầu thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch 60 - 80 quả với giá bán giao động từ 30.000 - 40.000 đồng quả, giá trị thu nhập trên 400 triệu đồng/héc-ta. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc thù, huyện Tân Lạc triển khai đề án phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013 - 2020, đặt mục tiêu đến năm 2015 diện tích bưởi các loại đạt 200 héc-ta.

Diện tích bưởi đỏ và da xanh của Tân Lạc tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới vì bà con đã tận dụng và khai thác các khu vực có đồi thấp để trồng bưởi. Nhiều người liên kết với nông dân các địa phương khác để mở rộng diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh. Hiện, UBND huyện đang đề xuất và thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng bưởi hàng hóa, về lâu dài, tính toán xây dựng thương hiệu giống bưởi địa phương, nâng cao hiệu quả sản xuất, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Bưởi da xanh mang lại thu nhập cao cho bà con

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Biên Hòa (Lâm Đồng): Đồ chơi Việt đắt hàng

Gần đây, xu hướng của người tiêu dùng là tìm các sản phẩm đồ chơi trẻ em có xuất xứ Việt Nam do e ngại đồ chơi Trung Quốc thiếu an toàn. Bắt lấy cơ hội này, nhiều doanh nghiệp trong nước tung ra thị trường nhiều loại đồ chơi trẻ em từ đơn giản đến cao cấp. Đặc biệt, đã xuất hiện những sản phẩm đồ chơi công nghệ, như: Máy bay, ô tô, robot, tàu lửa, thuyền... chạy bằng pin có xuất xứ Việt Nam.

Gần đây một số công ty sản xuất đồ chơi bằng gỗ ở Biên Hòa đã tập trung đầu tư mẫu mã mới nên mặt hàng này hiện khá đa dạng và phong phú. Có hơn 60 loại đồ chơi khác nhau được làm từ gỗ, trong đó phân thành nhiều nhóm, gồm: đồ chơi mô phỏng nghệ thuật, thú vật, giúp trẻ phát triển trí thông minh, nhận biết các chữ cái, học số, vần, ráp hình, ô tô, tàu lửa, ngựa gỗ... Giá các dòng sản phẩm đồ chơi bằng gỗ từ 30.000 – 300.000 đồng/bộ, ngoài ra còn có một số dòng sản phẩm đồ chơi bằng gỗ cao cấp giá lên đến trên 2 triệu đồng/bộ. Đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc tuy giá rẻ nhưng gần đây người tiêu dùng ít mua nên nhà sách cũng giảm mạnh lượng hàng nhập, chuyển qua đặt hàng với các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước.

Tuy các sản phẩm đồ chơi công nghệ sản xuất trong nước đã xuất hiện nhiều, song nếu so sánh với một số dòng hàng nhập khẩu thì các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đuổi kịp về công nghệ. Nhưng theo một số chủ cửa hàng kinh doanh đồ chơi trong tỉnh và các siêu thị, nhà sách, chỉ trong khoảng thời gian ngắn các doanh nghiệp trong nước đã liên tiếp đưa ra thị trường được nhiều dòng đồ chơi bằng gỗ, nhựa với công nghệ tiến bộ khá nhanh. Và các dòng sản phẩm được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn là thành công bước đầu của các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước. Thực tế, cũng có nhiều điểm kinh doanh nhập về các loại đồ chơi có xuất xứ từ Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia… nhưng giá khá cao. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trong nước vươn ra chiếm lĩnh thị trường nếu tiếp tục được đầu tư về mẫu mã, chất lượng và công nghệ.

Đồ chơi nội ngày càng chiếm ưu thế

Đồng Nai: Xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu hạt điều sạch

Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) đã làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn Target (Đức) có trụ sở chính tại Thái Lan để hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu điều sạch tại Đồng Nai.

Theo kế hoạch, trong tháng 9/2014, Công ty Target cùng với Donafoods sẽ đến khảo sát vùng điều trong quy hoạch ở hai huyện Xuân Lộc và Định Quán và sẽ làm việc trực tiếp với nông dân trồng điều ở hai huyện này. Công ty sẽ gặp gỡ và tư vấn nông dân trồng điều bằng phương pháp hữu cơ; khảo sát các vườn điều và khuyến khích chủ vườn không sử dụng thuốc xịt cỏ; lấy mẫu đất, lá và thân cây điều đại diện tiến hành kiểm nghiệm.

Để phát triển, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho ngành chế hạt điều, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu điều của Donafoods.

Mục tiêu của đề án nhằm tổ chức lại sản xuất, hỗ trợ nông dân đầu tư, thâm canh để năm 2015, Donafoods có diện tích vùng nguyên liệu chất lượng cao quy mô 9.500 héc-ta, thuộc ba huyện Xuân Lộc, Định Quán và Trảng Bom. Mặc dù đề án phê duyệt đã gần một năm nhưng trên thực tế việc triển khai gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của các hộ nông dân trong vùng dự án cũng không dễ dàng.

Cao Phong (Hòa Bình): Liên kết với nông dân phát triển hơn 200 héc-ta cam

Hiện mô hình liên kết trồng cam đang phát triển khá mạnh ở huyện Cao Phong (Hòa Bình), tập trung ở các xã Tân Phong, Nam Phong, Bắc Phong, Dũng Phong... Mô hình thực hiện phương thức người có vốn đầu tư giống, khoa học kỹ thuật, người nông dân có đất đầu tư đất trồng cam, thực hiện chăm sóc bảo vệ theo hướng dẫn. Đến khi cây cam bước vào chu kỳ kinh doanh, sau năm thứ 4, ăn chia theo tỷ lệ 50/50. Từ vài chục héc-ta cam những năm trước, nay huyện đã phát triển được khoảng 200 héc-ta theo mô hình này. Phương thức liên kết này đang phát triển khá mạnh ở các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy. Năm 2014, huyện Cao Phong đặt kế hoạch trồng 200 héc-ta cam, tới thời điểm này đã hoàn thành vượt mức, nâng tổng diện tích cam của toàn huyện lên trên 1.000 héc-ta, dự tính sản lượng đạt khoảng 1.6000 tấn, nếu giá cam ổn định như năm trước, người trồng cam có thể thu nhập bình quân từ 600 - 650 triệu đồng/héc-ta. Năm 2013, huyện Cao Phong có 50 hộ thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên 1 tỷ đồng trở lên, khoảng 200 hộ thu nhập dưới 1 tỷ đồng.

Hàng Việt: Dệt lụa Nha Xá “Có danh, nhưng chưa có phận”

Làng nghề dệt lụa Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam) ra đời từ thế kỷ XVI. Thời kỳ thịnh vượng, Nha Xá có tới 286 hộ, với 766 nhân khẩu tham gia làm nghề và cho thu nhập bình quân tới 7 triệu đồng/người/tháng. Nhưng tới nay, với thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt nên chỉ còn 118 hộ làm nghề, với thu nhập lại rất thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng.

Thiệt thòi do phận chưa tạo được

Để tìm hiểu nguyên nhân khó khăn đó, phóng viên Báo Công Thương đã tìm đến Trưởng thôn Nha Xá - Lê Như Thiều. Ông cho biết: Nguyên nhân dẫn tới khó khăn đó, chủ yếu do người dân làm nghề chưa ý thức trong việc tuyên truyền cũng như bảo vệ thương hiệu, mà chỉ chú tâm đến việc sản xuất cho ra những sản phẩm chất lượng. Thực tế sản phẩm dệt Nha Xá đã được sánh ngang tầm với các loại lụa nổi tiếng trong nước, không những vậy mà còn tiêu thụ ra được cả thị trường những đô thị lớn, như: Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế... Đặc biệt, sản phẩm lụa còn được xuất khẩu sang các nước, như: Lào, Thái Lan và bước đầu thâm nhập được vào thị trường các nước châu Âu, như: Hà Lan, Đức, Nhật Bản...

Tuy nhiên, do chưa được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nên người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sản phẩm lụa Nha Xá và đâu là lụa của các làng nghề khác. Để sản phẩm của Nha Xá thâm nhập vào được các thị trường khó tính đó, dệt lụa Nha Xá đã làm được những đòi hỏi đến chất lượng, cũng như mẫu mã sản phẩm một cách rất khắt khe. Tuy nhiên, một điều đáng buồn, tính đến nay hầu hết số sản phẩm lụa ở đây được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đều do những công ty, doanh nghiệp ngoại tỉnh thực hiện. Khi đó, sản phẩm của làng nghề phải mang “nhãn hiệu” của các công ty, doanh nghiệp này.

Dẫu biết rằng, người sản xuất lụa Nha Xá không phải lo về đầu ra cho sản phẩm, nhưng giá trị của các sản phẩm của làng nghề dệt lụa của làng nghề so với mặt bằng của thị thường lại rất thấp. Điều quan trọng hơn cả, chính là uy tín về sản phẩm suy giảm, người tiêu dùng không phân biệt được đâu chính là sản phẩm dệt của làng nghề, dẫn tới lụa Nha Xá có danh mà vẫn chưa có phận nên rất thiệt thòi.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát do còn làm theo tính tự phát, mạnh ai nấy làm, chưa ý thức được việc liên kết, bảo hộ thương hiệu chung mà chỉ mang tính chất làng nghề, vì sản phẩm chưa được bảo hộ rõ ràng.

Những yếu điểm đó, người thợ làng nghề Nha Xá đã nhìn ra, cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của một thương hiệu chung của làng nghề. Hiện người dân làm nghề dệt lụa nơi đây đang rất mong chờ chính quyền địa phương và lãnh đạo các cấp quan tâm hơn nữa trong việc bảo hộ thương hiệu dệt lụa Nha Xá và xây dựng được các hệ thống kỹ thuật xử lý môi trường, hạ tầng giao thông… để làng nghề Nha Xá trở nên khang trang hơn và trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách thập phương.

Mong có sự liên kết hỗ trợ để phát triển

Để sản phẩm lụa phát triển bền vững, tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường, ông Trần Quang Thiện - Trưởng phòng Công Thương huyện Duy Tiên, cho rằng: Ngoài việc các hộ gia đình ở làng nghề phải nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm của làng nghề dệt lụa Nha Xá là hết sức cần thiết trong bối cảnh ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Đặc biệt, việc bảo hộ quyền sở hữu thương hiệu không chỉ duy trì và phát triển thương hiệu cho làng nghề dệt lụa Nha Xá mà còn góp phần nâng cao giá trị, uy tín sản phẩm tại thị trường trong nước và giúp sản phẩm đứng vững hơn ở thị trường nước ngoài. Đặc biệt, góp phần đảm bảo đời sống người dân làng nghề, giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề, giúp người tiêu dùng biết đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng cũng như uy tín của sản phẩm mà họ đang dùng.

Xác định được tầm quan trọng đó, Sở Công Thương Hà Nam và Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên đang chỉ đạo Phòng Công Thương huyện Duy Tiên phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm triển khai các thủ tục trình các cấp xem xét và phê duyệt, nhằm bảo hộ cho sản phẩm dệt Nha Xá. Theo đó, nguồn kinh phí làm thương hiệu sẽ được hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh Hà Nam.

box: Để vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay, người dân dệt lụa Nha Xá đã tìm hướng đi cho mình bằng việc cải tiến máy móc hiện đại để tăng năng suất sản phẩm, tạo sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, muốn tạo được thị phần để phát triển bền vững, tăng giá trị sản phẩm, thì vấn đề chính là phải bảo tồn thương hiệu bằng việc đầu tư để đăng ký nhãn hiệu sản phẩm làng nghề chính hiệu.

Người dân làng nghề mong được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm lụa Nha Xá

NHÀ NÔNG CẦN BIẾT

Nhằm giúp bà con giải đáp thắc mắc về các vấn đề thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, khoa học công nghệ, từ số 18 (ra ngày 02/5/2014), Chuyên đề DTTS & MN (Báo Công Thương) mở chuyên mục “Nhà nông cần biết” với sự hợp tác của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất, nông nghiệp...

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: Luôn thấm nhuần lời dặn của Bác

Ngày 19/8/1962, Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao, tiền thân của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Người ân cần căn dặn: "... Cán bộ, công nhân nhà máy phải thấm nhuần tinh thần làm chủ, đoàn kết chặt chẽ, tích cực học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, học tập các đồng chí chuyên gia Liên Xô, làm cho nhà máy phát triển, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...".

Con chim đầu đàn của ngành hóa chất

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, những năm qua, tập thể cán bộ, công nhân công ty đã không ngừng phấn đấu trở thành con chim đầu đàn của ngành hóa chất Việt Nam. Từ công suất ban đầu 40.000 tấn axit sunphuric và 100.000 tấn supe lân/năm, để đáp ứng nhu cầu phân bón ngày càng tăng cho nông nghiệp, với phương châm kết hợp đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ và mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại hóa, công ty đã phát huy các tiềm năng nội lực, nâng công suất axit sunphuric lên 280.000 tấn/năm, lân nung chảy 200.000 tấn/năm, supe lân lên 830.000 tấn/năm, vượt công suất thiết kế.

Nhận thấy nông dân thường bón các loại phân đơn như đạm, lân, kali riêng rẽ không thuận tiện, hiệu quả thấp, công ty đã nghiên cứu, sản xuất thành công loại phân bón NPK-S bao gồm các thành phần đạm, lân, kali. Hiện nay, sản phẩm mới của công ty đã phát triển mạnh mẽ với công suất đạt 750.000 tấn/năm, đưa năng lực sản xuất phân bón lên gấp 18 lần ban đầu, là doanh nghiệp duy nhất Việt Nam sản xuất 2 loại sản phẩm supe lân và lân nung chảy.

Những năm gần đây, khi giá cả thị trường biến động mạnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến, giá phân bón sản xuất trong nước của các đơn vị khác đều tăng nhưng phân Lâm Thao bình quân chỉ tăng 83,2% theo đúng lộ trình được Chính phủ cho phép trong khi chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm tiêu chuẩn đã công bố. Để giữ được giá bán như vậy là câu chuyện dài về những giải pháp tiết kiệm và cắt giảm chi phí... nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là truyền thống sẻ chia, đồng hành cùng bà con nông dân mà công ty đã thực hiện trong suốt những năm qua.
Đồng hành cùng nhà nông

Khẳng định trách nhiệm đến cùng với bà con nông dân, thời gian qua công ty luôn chú trọng cải tạo thiết bị, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh. Công ty đã hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu đa dạng hóa chủng loại phân hỗn hợp NPK phù hợp với từng loại cây trồng, chất đất, đặc biệt đã nghiên cứu đề xuất quy trình bón phân khép kín, sản xuất nhiều loại NPK bón thúc phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Điển hình trong số đó là mô hình trình diễn phân bón NPK-S (có bổ sung 10% lân nung chảy) cho cây lúa được ứng dụng thành công tại tỉnh Phú Thọ, đã giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm chi phí. Kết quả ứng dụng thực tế tại xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao cho thấy, chi đầu tư giảm tới 68.500 đồng/sào, năng suất lúa tăng từ 20kg/sào, trừ chi phí cho thu nhập cao hơn đối chứng tới 204.000 đồng/sào.

Luôn coi nông dân là người bạn đồng hành, công ty đặt ưu tiên hàng đầu cho bà con về vốn và phương tiện vận chuyển. Công ty cũng đã hợp tác với các nhà khoa học nghiên cứu, đa dạng hóa chủng loại phân hỗn hợp NPK phù hợp với từng loại cây trồng, chất đất... Đặc biệt, công ty đã kết hợp với các nhà khoa học đầu ngành cùng nghiên cứu, đề xuất quy trình bón phân khép kín, sản xuất nhiều loại NPK bón thúc phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Phối hợp với các cấp Hội Nông dân, các tổ chức khuyến nông... hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, tổ chức hàng vạn hội nghị, hàng nghìn mô hình trình diễn, khảo nghiệm ở các địa phương. Công ty còn chú trọng xây dựng và củng cố mạng lưới phân phối, hệ thống kho trung chuyển rộng khắp cả nước, đảm nhận vận chuyển phân bón đến các trung tâm tỉnh, huyện để cung ứng thuận tiện và kịp thời vụ cho bà con nông dân. Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng các phương thức bán hàng linh hoạt, trong đó có cơ chế bình ổn giá và tổ chức kênh bán trả chậm cho các hộ nông dân theo chương trình "liên kết bốn nhà", được bà con nông dân hết sức ủng hộ.

box: Phần thưởng cao quý nhất, đó là, từ ngày đầu vào sản xuất đến nay, phân bón Lâm Thao với lô-gô "ba nhành lá cọ" luôn được nông dân cả nước tín nhiệm và sử dụng. Điều đó cũng được thể hiện qua nhiều danh hiệu cao quý mà công ty đã đạt được trong thời gian qua:

Danh hiệu Anh hùng Lao động (1985) và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
Huân chương Hồ Chí Minh
Huân chương Độc lập hạng Nhất
Huân chương Lao động hạng Nhất
Huân chương Lao động hạng Nhì
Huân chương Lao động hạng Ba

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ

Nhận biết sản phẩm may Việt Tiến

Trên thị trường nội địa, các sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt Tiến được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là lý do mà nhiều cửa hàng bán quần áo may sẵn không phải là đại lý của Công ty may Việt Tiến lợi dụng bày bán các sản phẩm là hàng nhái, hàng giả của công ty, đặc biệt là các đại lý ở các tỉnh miền núi.

Nhập nhèm nhãn hiệu

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, trong thời gian gần đây, qua kiểm tra một số cửa hàng kinh doanh hàng may mặc, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện tình trạng gian lận thương hiệu Việt Tiến. Cụ thể: Đội QLTT số 1 phối hợp cùng đại diện Công ty CP may Việt Tiến kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn số 326 đường 30-4 (phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) và phát hiện cửa hàng này kinh doanh quần áo mang nhãn hiệu Việt Tiến, nhưng người bán hàng lại không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa và các giấy tờ có liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số quần áo vi phạm (420 áo sơ mi, 59 quần mang nhãn hiệu Việt Tiến). Trước đó, lực lượng QLTT kiểm tra và phát hiện tại cửa hàng số 409 Trương Công Định, TP. Vũng Tàu cũng bày bán áo sơ mi, quần tây giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty CP may Việt Tiến với số lượng 847 áo sơ mi, 13 quần tây... có giá trị hàng hóa vi phạm 393 triệu đồng.

Đại diện Công ty CP May Việt Tiến cho biết, thời gian qua, công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng tháo dỡ nhiều biển hiệu của các cửa hàng, đại lý bán hàng may mặc “ăn theo” thương hiệu Việt Tiến ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Hầu hết các cửa hàng này đều chọn những địa điểm xa trung tâm thành phố, giáp các cửa khẩu... Các cửa hàng này thường treo bảng hiệu mập mờ như: “Đại lý bán sản phẩm quần áo cao cấp”, trưng hộp đèn quảng cáo “Sơ mi Việt Tiến”, “có bán sơ mi Việt Tiến” hay “Sơ mi cao cấp Việt Tiến”, với mục đích gây cho người tiêu dùng nhầm lẫn khi nghĩ đó là đại lý của Việt Tiến.

Cách phân biệt hàng thật – hàng giả

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ngoài việc tăng cường phối hợp với cơ quan QLTT kiểm tra các cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn, Việt Tiến đã cung cấp một số thông tin cần thiết cho khách hàng khi mua các sản phẩm của Việt Tiến. Về phía khách hàng, khi mua các sản phẩm của Việt Tiến nên chọn mua sản phẩm thời trang tại các cửa hàng, đại lý chính thức của công ty để tránh tình trạng mua phải hàng nhái, hàng giả.

Để phân biệt áo sơ mi Việt Tiến giả, bà con nên xem mác và dây đeo trên áo. Áo sơ mi Việt Tiến giả có mác, dây đeo màu nhạt và thô hơn. Mã vạch có thể tẩy xóa được, số và chữ thường bị lem. Trong khi đó, áo sơ mi Việt Tiến chính hãng thì mác và dây đều đậm màu, số và chữ không bị nhòe, bị lem; đặc biệt ở phần mã vạch in trên mác không thể cào hay tẩy xóa được. Ngoài ra, áo sơ mi Việt Tiến chính hãng có đường may sắc nét; khi giặt đường keo không bị bong trong khi đó, áo sơ mi Việt Tiến làm giả, chỉ cần giặt 1 - 2 nước, vải sẽ bị nhão, đường keo bong tróc, đường chỉ có thể bị sổ ra… Đặc biệt, trên nhãn chính, nhãn treo, nhãn hướng dẫn sử dụng và bao bì đều sử dụng duy nhất tên “Việt Tiến”. Nút nhựa sản phẩm có khắc chữ chìm “VIETTIEN-VITEC” (riêng hàng cao cấp, có nhãn khóa nhựa “Origin” nối giữa nhãn treo và nút sản phẩm), manchette có thêu chữ Việt Tiến (đối với áo tay dài); góc túi áo có thêu chữ “V” và giá bán in trên nhãn treo được thống nhất trên toàn quốc.

Ban biên tập ((Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện))