Tiếp tục phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng

11:04 AM 22/11/2020 |   Lượt xem: 2788 |   In bài viết | 

Lễ khai mạc kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào năm 2005. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bahnar, Xê Đăng, M’Nông, Cơ ho, Rơ Măm, Ê Đê, Jrai...

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là dịp quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh Gia Lai đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Lễ kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005- 25/11/2020) tại TP.Pleiku, Gia Lai được tổ chức trong 3 ngày 20 - 22/11 với nhiều hoạt động như: Biểu diễn cồng chiêng đường phố tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và các tuyến đường như Anh Hùng Núp, Lê Lợi; Hội nghị giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai; Khảo sát các điểm du lịch; Triển lãm ảnh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" và Tuần lễ hoa Dã quỳ, Núi lửa Chư Đăng Ya.

Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc, ông Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Trong 15 năm qua, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng nên các lễ hội truyền thống của người Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh đều được duy trì, bảo tồn và phát triển. Quan trọng nhất là cộng đồng dân cư vẫn giữ được không gian, môi trường sống động của cồng chiêng.

Ông Kpă Thuyên cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn cồng chiêng. Qua đó, kêu gọi các cấp, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao hãy đồng lòng, dành sự quan tâm hơn nữa cho cồng chiêng đồng thời vẫn bảo đảm phát triển kinh tế- xã hội, giảm nghèo bền vững để Không gian văn hóa cồng chiêng tiếp tục được sinh tồn ngay trên mảnh đất đã sinh ra nó.

Nhân dịp này, Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai đã trao Bằng khen cho 8 nghệ nhân chỉnh chiêng tiêu biểu trên địa bàn tỉnh góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng …

* Qua điều tra, thống kê sơ bộ tại 1.192 làng đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar trên địa bàn tỉnh Gia Lai còn lưu giữ 5.655 bộ cồng chiêng. Trong đó dân tộc Jrai có 3.373 bộ, dân tộc Bahnar có 2.282 bộ và 932 bộ cồng chiêng quý hiếm. Số lượng làng có cồng chiêng trong tổng số làng đồng bào DTTS toàn tỉnh là 948/1.192 làng chiếm 79,5%, 224 làng đồng bào DTTS không còn cồng chiêng chiếm 18,8%, đơn vị cấp huyện còn lưu giữ được nhiều cồng chiêng nhất là huyện Ia Grai với 1.116 bộ, trong đó có 353 bộ cồng chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có khoảng 900 nghệ nhân giỏi và hơn 60 nghệ nhân biết chỉnh chiêng.

(baodantoc.vn)