Đảm bảo tỷ lệ hợp lý CBCCVC người dân tộc thiểu số tham gia cơ quan trong hệ thống chính trị

03:00 PM 23/08/2022 |   Lượt xem: 6244 |   In bài viết | 

Đảm bảo tỷ lệ hợp lý CBCCVC người dân tộc thiểu số tham gia cơ quan trong hệ thống chính trị

Đây là đề xuất của Ủy ban Dân tộc tại dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về Công tác dân tộc.

Cụ thể, đối với chính sách cán bộ người DTTS, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng đảm bảo về tỷ lệ hợp lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, trong đó, ưu tiên cán bộ, công chức, viên chức nữ, trẻ, dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm thể chế hóa nội dung "Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.... Quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ nâng cao năng lực để tham gia vị trí quản lý lãnh đạo trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị" tại Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS. 

Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển

Dự thảo bổ sung mới một điều sau Điều 4 quy định về "Phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển" (phân định 3 khu vực) theo các tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ ban hành trong từng thời kỳ nhằm thể chế hóa nội dung "Xây dựng tiêu chí phân định lại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng xác định rõ vùng dân tộc thiểu số (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản), địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm" tại Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, lượng hoá các tiêu chí cụ thể tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg. Theo đó, xác định rõ địa bàn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trong từng thời kỳ, làm cơ sở để triển khai thực hiện chính sách dân tộc ổn định, lâu dài, có trọng tâm, trọng điểm.  

Về đại hội đại biểu các DTTS: Sửa đổi, bổ sung theo hướng "Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam được tổ chức định kỳ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" để đảm bảo sự linh hoạt, sự phù hợp với chủ trương của Đảng, tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tế trong quá trình tổ chức Đại hội đại biểu DTTS các cấp, hướng tới sự thống nhất, liên thông giữa kỳ Đại hội các cấp nhằm kịp thời tuyên dương, động viên, ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các DTTS trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế... Dự thảo bổ sung 1 khoản quy định về "Ưu đãi, hỗ trợ nguồn lực, kinh phí để thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc".

Bổ sung chính sách đối với người có uy tín ở vùng DTTS

Dự thảo bổ sung quy định về việc "1. Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần, được khen thưởng, biểu dương, tôn vinh, thăm hỏi, tiếp đón và được hưởng các chế độ, ưu đãi khác"; "2. Định kỳ 2 năm đối với cấp huyện và cấp tỉnh, 5 năm đối với cấp Trung ương tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, vinh danh đối với các điển hình tiên tiến (Già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ cốt cán; nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, học sinh, sinh viên, thanh niên tiêu biểu người DTTS và các đối tượng khác) trong vùng đồng bào DTTS và miền núi".

Về chính sách thông tin - truyền thông: Bổ sung quy định về việc "Tăng cường ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi" nhằm giảm gánh nặng hành chính của cán bộ địa phương, cơ sở trong thực hiện chế độ báo cáo, thống kê và giám sát, đánh giá thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia.  

Về chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý: Bổ sung quy định về "Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, biết tiếng DTTS để hỗ trợ kịp thời hỗ trợ pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là đồng bào DTTS" đảm bảo xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và huy động lực lượng này tham gia trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

(baochinhphu.vn)