Cần có những chính sách phù hợp, giúp hộ nghèo dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống
09:05 AM 20/03/2019 | Lượt xem: 5504 In bài viết |Chiều 19-3, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đề nghị Trung ương cần có chính sách riêng đối với các tỉnh nghèo có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu những chính sách phù hợp, giúp những hộ nghèo ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng không muốn thoát nghèo.
Về kết quả giảm nghèo, Đắk Nông cơ bản bảo đảm theo Nghị quyết đề ra, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội và ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trong giai đoạn 2012-2018, tỉnh đã tập trung các nguồn lực thực hiện các chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, trong giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,8% xuống còn 13,7%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 46,3% giảm xuống còn 42%. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13,5%; trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 38,5%.
Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn được triển khai hợp lý, phù hợp thực tiễn. Trong giai đoạn từ năm 2012-2015, tổng nguồn vốn là 1.458 tỷ đồng, trong đó, ngân sách địa phương là 146 tỷ đồng để phục vụ cho chương trình giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh huy động được hơn 248 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 185 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 63 tỷ đồng.
Các chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ như: đầu tư hạ tầng đối với Chương trình 30a, Chương trình 135, chính sách giáo dục và đào tạo, y tế, tín dụng hộ nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo, dạy nghề. Ngoài chính sách dành cho đối tượng nghèo theo quy định của Trung ương, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh...
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn bộc lộ khó khăn, hạn chế nhất định. Một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của giảm nghèo. Quá trình triển khai thiếu sự quan tâm, phối hợp của một số sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện. Chủ trương, cơ chế áp dụng chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội của Trung ương thực hiện chưa đồng bộ nên quá trình triển khai ở cơ sở còn nhiều lúng túng.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đánh giá cao những giải pháp tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện vẫn còn cao và chưa mang tính bền vững. Vì vậy, tỉnh cần nâng cao hơn nữa việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ ban hành văn bản chỉ đạo đến triển khai cụ thể ở cơ sở. Địa phương cần xác định nguyên nhân chủ yếu ở từng huyện để có những biện pháp cụ thể, đặc thù, giúp các huyện từng bước rút ngắn khoảng cách tỷ lệ hộ nghèo nói chung và hộ dân tộc thiểu số nghèo nói riêng. Những đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Đoàn giám sát sẽ ghi nhận và xem xét, nghiên cứu để có đề xuất phù hợp, nhằm triển khai các chính sách hiệu quả hơn trong thực tiễn.