Lồng ghép nhiều chương trình phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

10:17 AM 24/08/2020 |   Lượt xem: 5215 |   In bài viết | 

Thu hoạch thanh long tại một trang trại ở Bình Thuận. Ảnh: baobinhthuan.com.vn

Bằng các giải pháp tích cực, lồng ghép các chính sách của Trung ương và địa phương, tình hình kinh tế - xã hội tại các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận đã có những bước chuyển biến khá toàn diện. Một trong số đó là chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135). Đây được xem là chương trình đã tạo thêm nhiều động lực, thúc đẩy cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa phát triển nhanh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với hơn 24.000 hộ/100.000 người (chiếm 8% dân số của tỉnh). Giai đoạn 2015- 2016, Bình Thuận có 10 xã và 21 thôn được tham gia thực hiện Chương trình 135. Đến giai đoạn 2 (2017- 2020), tỉnh được Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất tại 9 xã và 20 thôn đặc biệt khó khăn theo diện Chương trình 135.

Xác định hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình 135. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đầu tư trên 186 tỷ đồng xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 151 công trình, gồm: 90 công trình giao thông, 14 công trình thủy lợi, 21 công trình trường học… Nhờ đó đến nay, diện mạo vùng nông thôn đã có nhiều khởi sắc. 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường nhựa thông suốt đến trung tâm xã. Nhiều cầu qua sông suối và nhiều tuyến đường giao thông được xi măng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển nông sản và đi lại giữa các vùng. 98% số hộ sử dụng lưới điện quốc gia. Hệ thống nước sinh hoạt tập trung được đầu tư, nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch lên 88%...

Nếu hợp phần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đã mang lại một diện mạo mới khởi sắc, khang trang hơn cho các xã khó khăn thì hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất lại là cơ sở cho bước tiến trong nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của bà con. Để đem lại hiệu quả, các địa phương đều linh hoạt xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với thực tế. Cùng với việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất như: trồng thanh long VietGAP, nuôi bò giống sinh sản, chăn nuôi gà thả vườn…, các địa phương còn hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế cao.

Về xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, nhiều người đã nhận thấy được sự đổi thay của vùng đất này. Nhờ chương trình 135, có 18 công trình giao thông, trường học đã được đầu tư xây dựng trong 5 năm qua. Những con đường giao thông nông thôn được đầu tư nối liền từ khu dân cư vào khu sản xuất. Trường học, trạm y tế… được sửa chữa khang trang hơn. Ngoài hỗ trợ trồng bắp lai và chăn nuôi dê, huyện Hàm Thuận Nam đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại hai xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần trồng 5.600 trụ thanh long. Đến nay, diện tích thanh long này phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.

Ngoài Chương trình 135, tại Bình Thuận, hiện nay, nhiều chương trình đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai gắn kết, lồng ghép nhằm tạo đà phát triển toàn diện từ y tế, giáo dục, văn hóa… đến phát triển kinh tế, hạ tầng. Nổi bật, thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận khóa X về phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bình Thuận giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất. Cùng với đó, chương trình giao khoán, quản lý, bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục đem lại hiệu quả. Toàn tỉnh đã giao khoán hơn 86 nghìn ha rừng cho hơn 2.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó giảm thiểu tình trạng phá rừng và khai thác lâm sản trái phép… Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: vay tín dụng ưu đãi, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số… được triển khai kịp thời.

Nếu như năm 2016, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh là 4.250 hộ (chiếm gần 20% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số), đến năm 2020, con số này chỉ còn 1.705 hộ ( chiếm 6,96% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số). Bình quân tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm trên 2,6%.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững; các dự án, chính sách an sinh xã hội của Trương ương và các chính sách đặc thù của tỉnh; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng Dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung ưu tiên nguồn lực cho phát triển hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nước sinh hoạt gắn với xây dựng nông thôn mới… Mặt khác, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ miền núi thực hiện có hiệu quả chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển; cung cấp kịp thời, đầy đủ giống, vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống; đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và có giá trị kinh tế cao; khai thác tiềm năng từng vùng…

(vtv.vn)