Tham vấn sáng kiến xây dựng Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi

10:40 AM 31/07/2019 |   Lượt xem: 6129 |   In bài viết | 

Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phát biểu đề dẫn Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải dự Hội nghị.

Phát biểu đề dẫn Hội nghị, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết: Thời gian qua, HĐDT của Quốc hội và Ủy ban Dân tộc đã tổ chức nhiều Hội thảo để tham vấn ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học vào Đề án tổng thể. Những ý kiến đóng góp tại các Hội thảo đã được tổng hợp, chọn lọc để bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Hội nghị tham vấn sáng kiến lần này được tổ chức vừa để thẩm tra lại những nội dung trong Đề án, vừa tiếp tục lấy thêm ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề án. Tại Hội nghị, ở các góc độ khác nhau, các bộ, ngành đã góp ý cho Đề án những sáng kiến cụ thể thuộc lĩnh vực mình quản lý. Trong đó, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn góp ý vào các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ phát triển rừng; Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội quan tâm đến chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch góp ý vào chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa vùng DTTS và miền núi,…

Đặc biệt, vấn đề được các bộ, ngành quan tâm, thống nhất cao là việc đổi mới, cơ cấu lại chính sách và nguồn lực cho giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là ý kiến của đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi tham dự Hội nghị.

Đại diện tỉnh Lai Châu kiến nghị, các bộ, ngành cần tổng kết các chính sách đã ban hành cho vùng đồng bào DTTS còn hiệu lực trong năm 2020 trước khi ban hành Đề án tổng thể. Qua đó mới tính toán được những giải pháp hiệu quả, nhất là việc bảo đảm nguồn lực thực hiện. Còn đại diện tỉnh Trà Vinh đề xuất có chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào DTTS khu vực đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2031;…

Những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị sẽ được tổng hợp, làm cơ sở cho Ban soạn thảo Đề án tổng thể tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung Đề án. Dự kiến Đề án sẽ trình Chính phủ trong tháng 8/2019, và Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.