Đồng bào ổn định đời sống từ rừng

10:22 AM 02/06/2016 |   Lượt xem: 4738 |   In bài viết | 

Trồng lại diện tích rừng đã bị đốt làm nương rẫy.

Nếu năm 2010, tỷ lệ che phủ rừng ở huyện Mường Tè (Lai Châu) chỉ đạt 50%, thì đến năm 2016 đã tăng lên 62%, trở thành địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất nước, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại nhiều lợi ích kinh tế thiết thực cho đời sống người dân.

Ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, khẳng định: “Huyện giữ được tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và chỉ tăng mà không giảm. Tính đến năm 2015, trung bình một hộ nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng ở huyện được chi trả 7,4 triệu đồng/năm. Huyện đã tiến hành giao khoán đến xã, bản và tới từng hộ gia đình, với gần 18.000 lao động tham gia, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng của người dân, theo đó việc đốt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt. Công tác tuần tra bảo vệ rừng được thực hiện thường xuyên hơn”.

Xã Mù Cả (Mường Tè) là một trong những xã có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Lai Châu với hơn 38.000 ha. Trên 440 hộ dân ở đây nhận khoanh nuôi, bảo vệ rừng đã được thụ hưởng chính sách DVMTR. Ông Pò Khừ Xá, Chủ tịch UBND xã Mù Cả cho biết: “Diện tích rừng ở xã phần lớn là rừng phòng hộ đầu nguồn, tập trung ở những địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, nên chúng tôi xác định, công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình; các cấp ủy, chính quyền thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mỗi người dân; xử phạt nghiêm các đối tượng gây ra cháy rừng nên công tác bảo vệ rừng tại địa phương rất hiệu quả”.

“Ở đây phá rừng bị phạt rất nặng và ảnh hưởng tới quyền lợi được chi trả tiền DVMTR, nên người dân đều tuân thủ rất nghiêm. Hàng tuần, mỗi hộ tự cắt cử người thay phiên nhau đi tuần rừng. Nếu phát hiện cháy rừng, mọi người rất tự giác tham gia dập lửa. Mấy năm gần đây, trong bản chưa xảy ra đám cháy rừng nào”, ông Lỳ Đại Khai, Phó Bí thư bản Ma Ký chia sẻ.

Đồng bào được chi trả DVMTR, giúp đời sống ổn định hơn.

Xác định được vai trò và tầm quan trọng từ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị của rừng và những nguồn lợi từ rừng mang lại. Nhờ vậy, ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng được nâng lên. Vào đầu mùa khô hanh hằng năm, các tổ đội xung kích phòng cháy, chữa cháy được huyện, xã, bản kiện toàn, củng cố và chủ động bám nắm địa bàn. Mỗi tổ đội có từ 15-20 người thường xuyên trực 24/24 giờ, đặc biệt là ở những khu vực bà con đốt nương, làm rẫy để kịp thời xử lý khi có cháy xảy ra.

Nhờ chủ động và có nhiều biện pháp hiệu quả nên nhiều năm qua, huyện Mường Tè đã không xảy ra cháy rừng, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy đã giảm hẳn.

Theo: Trọng Thủy (baotintuc.vn)