Nhiều bất cập trong giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng ở Tây Nguyên

02:27 PM 22/09/2017 |   Lượt xem: 4998 |   In bài viết | 

Rừng tự nhiên bị tàn phá, thay thế vào đó là những trụ trồng hồ tiêu

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh sau khi triển khai giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn, buôn, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ đều để xảy ra tình trạng mất rừng, đất rừng bị lấn chiếm trái phép; trong đó, có một số huyện để diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép lên đến cả nghìn hécta như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo…

Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã giao 1.000 ha rừng thuộc các tiểu khu 480, 478, 481 cho 50 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của 7 buôn tại 2 xã Krông Na, Ea Huar quản lý, bảo vệ. Thế nhưng, qua kiểm tra, đến nay, hầu hết diện tích rừng này đã bị người dân lấn chiếm trái phép chưa có biện pháp thu hồi.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, nguyên nhân là do phần lớn các hộ nhận đất, nhận rừng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không đủ năng lực để thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, diện tích rừng, đất rừng giao cho đồng bào hầu hết là rừng non tái sinh mà trước đấy các đơn vị lâm nghiệp quản lý đã khai thác cạn kiệt, khi giao về địa phương phần lớn rừng không còn trữ lượng gỗ, địa hình phức tạp, đất xấu, việc hưởng lợi từ rừng trước mắt chưa có gì, đồng bào lại thiếu vốn, thiếu nhân lực để đầu tư phát triển lâm sinh…

Thậm chí, Quyết định 304/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc giao rừng, khoán rừng có hỗ trợ của nhà nước về giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ gạo (hộ nghèo đang thiếu đói thì được trợ cấp 10 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực), hỗ trợ tiền làm nhà, khai hoang phục hóa… ra đời chỉ trong thời gian ngắn nhưng do không có nguồn lực để hỗ trợ nên các tỉnh Tây Nguyên đã tạm dừng thực hiện Quyết định này.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, chính sách giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong thời gian qua đã góp phần giải quyết được phần nào tình trạng thiếu đất sản xuất; tăng thêm thu nhập, giải quyết được một phần khó khăn cho đồng bào trong lúc giáp hạt. Mặt khác, giao đất, giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình thí điểm giúp cho đồng bào làm quen với kỹ thuật lâm sinh, người dân có sinh kế gắn với trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, việc giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như cơ chế, chính sách, khung pháp lý về nguồn lợi thu được từ việc giao khoán chưa được quy định rõ ràng; mức giao khoán còn thấp chưa đảm bảo đời sống cho người nhận khoán, diện tích rừng giao chất lượng kém, chủ yếu là rừng nghèo…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cho phép các tỉnh Tây Nguyên tổ chức thực hiện thí điểm, nhân rộng phương thức đồng quản lý rừng trên cơ sở cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng hưởng lợi từ sự đóng góp của các bên theo quy định tại Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/2/2012 nhằm thu hút sự quan tâm, tạo cơ hội cho cộng đồng, hộ gia đình sống trong, gần rừng bảo vệ và tiếp cận các lợi ích bền vững.

Bên cạnh đó, xây dựng và phê duyệt giá rừng bình quân cho từng khu vực, từng địa bàn để tháo gỡ được “nút thắt” trong công tác giao rừng, cho thuê rừng, truy cứu trách nhiệm, bồi thường giá trị thiệt hại khi xảy ra tình trạng mất rừng. Đồng thời, làm căn cứ định giá rừng lần tiếp theo để cá nhân, tổ chức, người dân được hưởng lợi từ việc làm tăng trữ lượng gỗ… Các tỉnh Tây Nguyên cần mở rộng việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng gắn với việc khoán quản lý bảo vệ rừng đối với các nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân nhận rừng…

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã giao rừng, đất rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, bon, buôn, làng được trên 128.781 ha rừng; trong đó, giao cho cộng đồng chỉ có 26.679 ha, diện tích còn lại là giao cho hộ gia đình và cá nhân. Kon Tum và Đắk Lắk là hai địa phương thực hiện giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng, nhóm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nhiều nhất. Tỉnh Đắk Nông là địa phương giao rừng, đất rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thấp nhất chỉ có hơn 4.900 ha; trong đó, giao cho các hộ gia đình, cá nhân chỉ có 553 ha rừng, đất rừng.

(dantocmiennui.vn)