Con người-Yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững

02:13 PM 25/09/2019 |   Lượt xem: 2709 |   In bài viết | 

Ưu tiên đến đồng bào DTTS là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của Việt Nam.

Tài liệu báo cáo “Các chỉ số Phát triển con người (HDI): Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện cho thấy: Chỉ số HDI của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua nhưng đang có chiều hướng chững lại. Chỉ số HDI Việt Nam hiện đang thuộc nhóm trung bình cao, thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia. Tuy nhiên, quá trình cải thiện HDI trong 3 thập kỷ qua lại diễn ra không đồng đều. Giai đoạn 1980-1990, HDI tăng 0,26%/năm, giai đoạn 1990-2000 tăng tốc lên 2%/năm. Nhưng đến giai đoạn 2000-2008, HDI lại giảm xuống khoảng 1,35%/năm và giai đoạn sau đó tiếp tục xuống còn trung bình 0,94%/năm...

Bên cạnh đó, giá trị HDI của Việt Nam vẫn có xu hướng tụt lại so với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 1990, giá trị HDI của Việt Nam thấp hơn 8,1% so với mức bình quân của khu vực Đông Á-Thái Bình Dương. Sau đó, chênh lệch này đã được thu hẹp xuống mức 4,7% vào năm 2008, nhưng đến 2017 đã lại giãn rộng thành 5,3%. Theo nhận định của UNDP, sự chênh lệch này là do các quốc gia khác trong khu vực ngày càng đạt được nhiều kết quả tiến bộ hơn trong phát triển con người, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn” tổ chức mới đây, nhận thấy tầm quan trọng của phát triển con người, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, thống nhất về nhận thức và hành động trong tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển bền vững; tập trung chính sách và nguồn lực cho phát triển bền vững, đặc biệt là “đưa con người vào trọng tâm của quá trình phát triển. Con người là trung tâm của phát triển bền vững”…

Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng nhận định, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song các kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác và sử dụng kém hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, mất cân đối các hệ sinh thái còn diễn ra ở nhiều nơi…

Thách thức mà Việt Nam gặp phải chính là bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao. Do đó, phát triển nguồn nhân lực phải là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên hơn nữa.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong quá trình phát triển bền vững, con người luôn coi trọng. Điển hình, tại Nhật Bản, mặc dù các doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng rất nhiều các thiết bị khoa học-công nghệ hiện đại, nhưng đối với họ, yếu tố quyết định sự phát triển thịnh vượng và bền vững lại chính là con người. Đại đa phần doanh nghiệp Nhật Bản đều có một điểm chung về triết lý kinh doanh tập trung đầu tư và quản lý con người. Yếu tố thuyết phục con người phải được hiểu là động cơ, chứ không phải là mệnh lệnh. Con người được tạo điều kiện để thể hiện sự sáng tạo và cống hiến một cách cao nhất.

Ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển con người khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (Ngân hàng Thế giới-WB) cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với hai thách thức chính trong bảo đảm nguồn vốn nhân lực chất lượng cao, đó là cần thu hẹp khoảng cách cho các nhóm DTTS và tăng cường phát triển lực lượng lao động. Từ đó, WB khuyến nghị: Cải cách các chương trình mục tiêu quốc gia, cải cách hệ thống giáo dục đại học, thu hút thêm nữa sự đầu tư và tham gia của khu vực tư nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, từ đó tạo ra kết nối chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động…