Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS
08:55 PM 02/04/2017 | Lượt xem: 2572 In bài viết |Đây được xem là việc làm hết sức cần thiết góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Được triển khai từ đầu năm 2017, Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020” đang được triển khai tại 223 xã thuộc 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị xã giáp ranh có xã, phường miền núi.
Đến hết quý I/2017, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã biên soạn, phát hành 33.450 tờ gấp; 11.150 cuốn sổ tay; 7.805 tờ áp phích có nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và cấp phát đến 223 xã miền núi trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các địa phương thực hiện Đề án tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ truyền thông xã, thôn của 3 huyện có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao, gồm: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn; lắp đặt pa nô tuyên truyền về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại nơi đông dân cư trên địa bàn 223 xã.
Ban Dân tộc tỉnh cũng phối hợp với các xã thực hiện Đề án xây dựng 9 mô hình “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa” tại các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình…
Các địa phương thực hiện Đề án tổ chức tuyên truyền lồng ghép vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể ở cơ sở trên địa bàn 11 huyện miền núi và 7 huyện, thị có xã miền núi.
Theo số liệu thống kê từ năm 2011 đến nay, toàn vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có 1.207 cặp tảo hôn; 86 cặp hôn nhân cận huyết thống, bình quân hàng năm có từ hơn 250 cặp đến gần 400 cặp tảo hôn và có hơn 20 cặp kết hôn cận huyết thống.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do ảnh hưởng của những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu lâu đời của các dân tộc thiểu số còn tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của đồng bào.
Các chương trình truyền thông giáo dục về tác hại của kết hôn cận huyết thống đến sức khỏe nòi giống còn nhiều hạn chế, nhiều đề án xây dựng, thực hiện mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt kết quả tốt nhưng lại chưa bền vững…
(Nguồn: TTXVN)