Những hiện tượng mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc nước ta hiện nay
03:13 PM 14/01/2019 | Lượt xem: 29608 In bài viết |Những năm gần đây, do sự du nhập và phát triển của các tôn giáo, đặc biệt là đạo Tin lành và các hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nước ta đã có những biến động lớn, làm xuất hiện những biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo. Những biểu hiện mới này vừa có mặt tích cực nhưng đồng thời cũng có những mặt tiêu cực, tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Do vậy, đòi hỏi công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước phải sớm nhận diện những biểu hiện để kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục.
Khu vực Tây Bắc của Việt Nam, có diện tích khoảng 50.810 km2, bao gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình. Đây là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng, là cửa ngõ phía Tây Bắc của Việt Nam; là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc thiểu số. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở khu vực này đều theo tín ngưỡng đa thần với việc thờ cúng các vị thần như: thờ cúng Trời (người Mông gọi là Vua Trời, người Thái gọi là Phi Đẳm, người Tày gọi là Phi Then, người Nùng gọi là Phi Phạ,...); thờ cúng linh hồn tổ tiên (ma nhà); thờ cúng ma bản, mường; thờ cúng các loại ma khác, như: ma chủ đất, ma chủ nước,...
Những năm gần đây, cùng với sự mở rộng truyền giáo của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã có nhiều biến động lớn. Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc có sự hiện diện của các tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và khoảng 20 hiện tượng tôn giáo mới. Sự du nhập và phát triển của các tôn giáo, đặc biệt là đạo Tin lành vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã kéo theo nhiều biến đổi trong quan hệ dân tộc, tôn giáo ở khu vực này. Có thể khái quát một số biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo ở khu vực Tây Bắc dưới tác động của các tôn giáo như sau:
Một là, hình thành các cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Sự phát triển của các tôn giáo lớn đã làm hình thành nên các cộng đồng dân tộc - tôn giáo ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt ở những cộng đồng dân tộc chịu ảnh hưởng của Công giáo và đạo Tin lành. Nếu như trước đây, các giá trị văn hóa tộc người với những quy ước chung của dòng họ, tộc người là yếu tố cơ bản gắn kết các cộng đồng dân tộc thì từ khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn, niềm tin tôn giáo trở thành yếu tố gắn kết các nhóm tộc người.
Yếu tố cơ bản để nhận diện các cộng đồng dân tộc - tôn giáo hiện nay là niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo trong các cộng đồng có cùng đức tin. Ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái từ lâu đã hình thành các cộng đồng người Mông theo Công giáo. Hiện ở khu vực này, Công giáo có khoảng hơn 36 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số và đã hình thành một liên kết chặt chẽ, thống nhất điều hành các sinh hoạt đạo theo các cơ cấu hành chính đạo là giáo phận - giáo hạt - giáo xứ - giáo họ.
Quá trình du nhập và phát triển đạo Tin lành vào khu vực Tây Bắc từ những năm 80 của thế kỷ XX đến nay cũng đã làm hình thành một thiết chế tôn giáo - tộc người, đặc biệt trong cộng đồng người Mông, người Dao. Niềm tin vào tôn giáo trở thành chất keo gắn kết giữa các cá nhân, tạo thành các nhóm tộc người Mông, người Dao có chung niềm tin vào Chúa. Nhưng khác với Công giáo, các tổ chức Tin lành không có sự liên kết chặt chẽ với nhau, không có sự quản lý thống nhất. Đạo Tin lành không có giáo hội phổ quát cho toàn đạo mà là các tổ chức độc lập với những hình thức cơ cấu khác nhau, tùy thuộc vào từng hệ phái. Vì vậy, hiện nay, khoảng hơn 150 nghìn người Mông và người Dao theo đạo ở khu vực quy tụ với nhau trong các sinh hoạt của những điểm, nhóm Tin lành và chịu sự quản lý theo từng hệ phái. Tuy nhiên, niềm tin vào Chúa là tiêu chí tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa nhóm người Mông, người Dao theo Tin lành với nhóm người Mông, người Dao theo tín ngưỡng truyền thống.
Nếu như dấu hiệu quan trọng nhất để các thành viên trong dòng họ truyền thống của người Mông nhận ra nhau là yếu tố “cùng ma”, và đây cũng là yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong dòng họ, thì với những người theo đạo Tin lành, đức tin vào Chúa là yếu tố quan trọng nhất giúp họ gắn kết với nhau, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Mối quan hệ cộng đồng gắn kết của những người Mông cùng có niềm tin vào Chúa vượt ra ngoài phạm vi dòng họ, làng bản, tộc người. Giữa họ cũng luôn có sự giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần. Nếu người Mông theo tín ngưỡng truyền thống cho rằng, chỉ có anh em trong dòng họ mới thương yêu nhau hết mình, mới có thể chết trong nhà của nhau thì người Mông theo đạo cho rằng, tất cả người Mông không phân biệt dòng họ, đều là anh em, đều phải quan tâm giúp đỡ nhau và đều có thể chết trong nhà của nhau(1).
Bên cạnh 2 tôn giáo lớn là Công giáo và Tin lành, những năm gần đây Phật giáo cũng đang nỗ lực khôi phục lại sự hiện diện của mình trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn. Mặc dù, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được tổ chức giáo hội địa phương (Ban trị sự Phật giáo) ở cả 6 tỉnh của khu vực Tây Bắc và ở một số tỉnh đã xây dựng được những ngôi chùa khá to, đẹp, nhưng sức hút của Phật giáo đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Hai là, hình thành các mối quan hệ dân tộc - tôn giáo xuyên quốc gia và liên khu vực.
Sự phát triển của đạo Tin lành trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã tạo điều kiện cho các tộc người ở khu vực này mở rộng giao lưu với các tộc người khác có cùng niềm tin tôn giáo, với cộng đồng đồng tộc có cùng đức tin ở các khu vực khác trong nước, thậm chí là ở nước ngoài.
Chúng ta đã từng chứng kiến những đợt di dân tự phát ồ ạt của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông ở khu vực miền núi phía Bắc vào khu vực Tây Nguyên từ những năm 1991 đến 2000. Hiện nay, theo ước tính có khoảng 20 nghìn người Mông đang sinh sống tại khu vực Tây Nguyên. Sự phai nhạt các giá trị văn hóa truyền thống tộc người, đặc biệt trong lĩnh vực tinh thần, tâm linh thay vào đó là các giá trị văn hóa tôn giáo đã làm cho đức tin tôn giáo là yếu tố duy nhất gắn kết cộng đồng người Mông theo đạo giữa các khu vực khác nhau (khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên), tạo ra mối liên kết, cố kết theo dạng tộc người - tôn giáo.
Bên cạnh đó, mối quan hệ dân tộc - tôn giáo xuyên quốc gia của người Mông cũng cần đặc biệt lưu tâm. Sau những biến cố lịch sử, người Mông từ Trung Quốc đã di cư sang Việt Nam, Lào, Myanma và Đông Bắc Thái Lan. Rồi sau năm 1975, từ khu vực Đông Dương, người Mông lại di cư sang các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Vì thế, người Mông ở Việt Nam hiện nay có mối quan hệ đồng tộc với người Mông ở nhiều quốc gia, khu vực.
Khi đạo Tin lành phát triển trong cộng đồng người Mông ở khu vực Tây Bắc đã không chỉ tạo nên mối liên kết tộc người - tôn giáo liên khu vực mà còn là mối liên kết tộc người - tôn giáo xuyên quốc gia (người Mông ở khu vực Tây Bắc theo đạo Tin lành với người Mông theo đạo Tin lành ở một số nước như Lào, Trung Quốc, Mỹ). Trong đó, đặc biệt lưu ý là mối quan hệ dân tộc - tôn giáo của người Mông xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu người Mông ở khu vực Tây Bắc cải đạo theo Tin lành đã luôn có sự gắn bó với những sự kiện xảy ra đồng thời với tộc người Miao (gốc của người Mông) ở Quảng Tây, Trung Quốc. Đồng thời, những năm gần đây, tại các địa phương khu vực Tây Bắc vẫn có hiện tượng người Mông từ Vân Nam, Trung Quốc nhập cảnh trái pháp luật để hoạt động tuyên truyền phát triển đạo Tin Lành, lôi kéo người Mông sang Trung Quốc học đạo, nhận kinh sách,... gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Trong những năm tới, khi khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và tuyến hành lang châu Á xuyên qua khu vực Tây Bắc Việt Nam được mở, chắc chắn người Mông ở Tây Bắc sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong giao lưu với người Mông ở Trung Quốc. Khi đó, những mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn của người Mông ở 2 bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Có thể nói, mối quan hệ tộc người - tôn giáo liên khu vực, xuyên quốc gia đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ba là, làm biến đổi các mối quan hệ gia đình, dòng tộc do tác động của yếu tố tôn giáo
Tôn giáo tín ngưỡng trong quan hệ dân tộc, ở những mức độ nhất định có thể là yếu tố góp phần vào sự ổn định chính trị - xã hội cũng như củng cố hay làm rạn nứt các mối quan hệ cộng đồng. Thực tế đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở khu vực Tây Bắc những thập niên gần đây cũng đã cho thấy rất rõ điều đó.
Khi các tôn giáo lớn du nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã dẫn đến hiện tượng một bộ phận đồng bào dân tộc cải đạo. Sự chuyển đổi niềm tin của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số đã dẫn đến những xáo trộn lớn trong quan hệ tộc người. Ở bộ phận đồng bào dân tộc theo Phật giáo, về cơ bản các mối quan hệ truyền thống không xảy ra những xáo trộn. Ở bộ phận đồng bào theo Công giáo thì các quan hệ này ít nhiều có sự biến đổi nhất định do sự khác biệt về đức tin nhưng không gây ra nhiều tác động xấu. Còn đối với đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành thì tôn giáo này có tác động rất lớn và gây nên nhiều xáo trộn trong các mối quan hệ truyền thống của tộc người.
Đạo Tin lành phát triển trong cộng đồng người Mông và người Dao nhưng tác động của nó đối với hai cộng đồng này cũng rất khác biệt. Trong cộng đồng người Dao, tác động chủ yếu của đạo Tin lành là tạo nên những đứt gãy văn hóa còn trong cộng đồng người Mông, đạo Tin lành có tác động mạnh đến cả văn hóa, đạo đức, lối sống, quan hệ cộng đồng và cả kinh tế, xã hội.
Cộng đồng người Mông truyền thống có mối liên kết cộng đồng chặt chẽ theo một cấu trúc khá thống nhất là gia đình - dòng họ - làng bản. Trong gia đình của người Mông truyền thống, người chồng và con trai là người quyết định mọi công việc quan trọng, vai trò của người vợ, người phụ nữ rất mờ nhạt. Dòng họ là một quan hệ xã hội đặc trưng và nổi bật của người Mông. Dòng họ của người Mông ở cấp độ hẹp là các thế hệ con cháu trong 3 đến 5 đời trong gia đình cố kết theo dòng máu mang họ cha; ở cấp độ rộng có thể bao gồm nhiều gia đình cư trú ở nhiều khu vực khác nhau nhưng cùng có chung ký hiệu tín ngưỡng, hay còn gọi là có ký hiệu “cùng ma”. Mỗi dòng họ người Mông có một tổ chức tự quản riêng, tổ chức này bao gồm các thành viên như: Trưởng họ, người cầm quyền ma khách, bà cô, thày pháp shaman, trong đó nổi bật là vai trò của trưởng họ. Luật tục Mông quy định, người của dòng họ cư trú ở đâu, luật tục có giá trị chi phối đến đó. Với những quy định của luật tục, sự liên kết giữa những người cùng ma trong cộng đồng người Mông vượt qua ranh giới về hành chính và lãnh thổ.
Mở rộng hơn quan hệ dòng họ của người Mông là quan hệ làng bản. Tổ chức làng của người Mông được xây dựng trên cơ sở đại diện các dòng họ. Làng có những quy ước chung được xây dựng dựa trên các luật tục của dòng họ. Thiết chế tự quản của làng hoạt động dựa trên cơ sở của tổ chức dòng họ. Quan hệ chủ yếu trong làng là quan hệ theo dòng họ và quan hệ hàng xóm láng giềng. Trong xã hội truyền thống, trưởng làng do dân làng suy tôn nên rất được tôn trọng và là người có vai trò quan trọng trong việc duy trì các phong tục, tập quán, là người phát ngôn, xử phạt, hòa giải trong cộng đồng.
Tuy nhiên hiện nay, các quan hệ gia đình, cộng đồng, làng bản truyền thống của người Mông đã có sự biến đổi rất lớn. Trong các gia đình người Mông theo đạo Tin lành, quan hệ giữa vợ chồng bình đẳng hơn, phụ nữ phần nào đã khẳng định được vị trí của mình trong gia đình và xã hội, được tham gia quyết định các công việc của gia đình và cộng đồng, được gia đình và cộng đồng thừa nhận. Đây là một dấu hiệu chuyển biến tích cực. Nhưng bên cạnh đó, mối quan hệ dòng họ, làng bản, cộng đồng của người Mông lại đang bị biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Với cộng đồng người Mông theo đạo, dòng họ không còn là sợi dây liên kết giữa các thành viên; vai trò, vị trí của trưởng họ, của già làng, trưởng bản cũng bị suy giảm một cách nghiêm trọng, thay vào đó là vị trí của Mục sư, trưởng nhóm Tin lành. Kết quả khảo sát cho thấy, với câu hỏi: Người quan trọng nhất trong làng/bản là ai? Có đến 81% người Mông theo đạo được hỏi cho rằng đó là Mục sư/ trưởng nhóm/trưởng điểm; 9,6% cho đó là già làng và 9,4% cho rằng đó là trưởng bản(2); Với câu hỏi: Khi có việc quan trọng ông (bà) thường hỏi xin ý kiến của ai? Kết quả thu được là có 14,5% hỏi ý kiến người thân trong gia đình, 3,0% hỏi ý kiến của già làng, 3,1% hỏi ý kiến của thày cúng, 70% hỏi ý kiến của trưởng điểm nhóm Tin lành, có 4,2% hỏi ý kiến của cán bộ địa phương và 5,1% hỏi ý kiến của người đồng đạo(3).
Cùng với sự suy giảm về vai trò của người trưởng họ, của già làng, trưởng bản, các mối quan hệ cố kết trong dòng họ của người Mông cũng có sự thay đổi lớn, có sự phân hóa giữa người theo Tin lành và người không theo Tin lành. Với những nhóm người Mông theo đạo Tin lành, những quy tắc ứng xử của dòng họ đã bị phá vỡ, gây nên những mâu thuẫn với các thành viên không theo đạo. Thời kỳ đầu khi một bộ phận người Mông mới từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Tin lành thì mâu thuẫn trong dòng họ, làng bản diễn ra hết sức gay gắt. Nhưng cùng với thời gian, đặc biệt là khi đạo Tin lành được Nhà nước công nhận và tạo điều kiện để hoạt động theo quy định của pháp luật thì mâu thuẫn giảm dần. Hiện nay, anh em, bạn bè, láng giềng dù khác đức tin nhưng đã có sự hòa hợp hơn trong việc thăm hỏi, giúp nhau lúc gia đình có công việc, lúc ốm đau, hoạn nạn.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, do sự khác biệt đức tin nên mức độ giao tiếp, độ thân mật giữa cộng đồng người Mông theo đạo và cộng đồng người Mông giữ tín ngưỡng truyền thống không còn được gắn kết như xưa. Những người Mông theo Tin lành thường ít giao tiếp với những người Mông theo tín ngưỡng truyền thống, ít tham dự các nghi lễ của cộng đồng truyền thống. Mức độ quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần giữa hai cộng đồng này cũng ít hơn so với người cùng tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc biệt, ở một số địa phương, khi số người theo đạo trong một dòng họ, một làng bản ít hơn nhiều so với người không theo đạo thì người theo đạo thường bị cô lập và phân biệt đối xử. Ngược lại, khi số người theo đạo là đa số thì những người còn giữ tín ngưỡng truyền thống cũng bị tẩy chay, bị cô lập. Kết quả khảo sát cho thấy, hiện vẫn có đến 72,0% số người theo đạo Tin lành cho rằng đang có sự phân biệt giữa người theo đạo và người không theo đạo trong dòng họ(4).
Như vậy, tác động của đạo Tin lành đã làm cho các mối quan hệ truyền thống của người Mông biến đổi theo cả hai chiều hướng, tích cực và tiêu cực. Trong đó, chiều hướng biến đổi tiêu cực dường như nổi trội hơn.
Bốn là, tác động của yếu tố tôn giáo - tộc người đang tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội
Bên cạnh việc làm mai một giá trị văn hóa, gây mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ truyền thống của các cộng đồng tộc người, sự phát triển của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc những năm gần đây còn làm rạn nứt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị, xã hội.
Đạo Tin lành xâm nhập và phát triển trong cộng đồng dân tộc thiểu số và bị các thế lực xấu lợi dụng nên đã có những tác động xấu đến nhận thức và niềm tin của một bộ phận người dân đối với Đảng, Nhà nước. Từ những mâu thuẫn xung đột giữa những người theo đạo và người không theo đạo trong cùng một gia đình, dòng họ, làng bản dẫn đến việc chia tách hộ, tách bản, di dịch cư tới các địa phương khác, gây chia rẽ, phân hóa trong từng gia đình, làng bản, cộng đồng và giữa các cộng đồng dân tộc, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột xã hội. Ở một số địa phương còn xảy ra tình trạng truyền đạo trái pháp luật, đơn thư khiếu nại vượt cấp, nêu các yêu sách không chính đáng, gây mâu thuẫn với chính quyền, gây chia rẽ giữa người theo đạo và người không theo đạo.
Hoạt động tôn giáo trên địa bàn tuyến biên giới diễn biến phức tạp hơn khi những phần tử xấu kích động, lôi kéo người dân chống đối các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, như vụ việc xảy ra vào tháng 3-2017, nhóm đạo Liên hữu Cơ đốc ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã kích động tín đồ bắt con em bỏ học đồng loạt để phản đối chính quyền huyện Mường Nhé ngăn chặn việc phá rừng của số người Mông di cư...
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh phát triển tín đồ của các tôn giáo lớn cũng như sự cạnh tranh giữa các hệ phái của đạo Tin lành cũng đang gây ra rất nhiều những vấn đề phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới, chẳng hạn như hiện tượng “Con đường mới” ở Sìn Hồ, Lai Châu(5), hiện tượng tôn giáo “Zê Sùa”(6) xuất hiện ở một số địa phương,... gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Những hoạt động nói trên đã gây xáo trộn cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, xã hội vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt ở các khu vực giáp biên.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh mới, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tôn giáo, quan hệ dân tộc - tôn giáo trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc Việt Nam đang có những biến động lớn, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
(tuyengiao.vn)