Thông tin giá cả thị trường số 10/2019

07:00 AM 26/03/2019 |   Lượt xem: 4346 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đưa đặc sản su su Nghệ An vào Big C

Ngày 7/3/2019, Big C và Central Group Việt Nam đã quyết định mở rộng, đưa đặc sản su su Nghệ An trồng trên cát vào tiêu thụ trên toàn hệ thống Big C khu vực miền Trung và miền Nam. Đây là cơ hội đề người tiêu dùng các tỉnh thành phía Nam được thưởng thức đặc sản su su miền Bắc.

Trên cơ sở lần đầu tiên giới thiệu thành công trái su su trồng trên cát là nông sản chính gốc của thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An tại 15 siêu thị Big C khu vực miền Bắc, Big C và Central Group Việt Nam đã quyết định mở rộng, đưa đặc sản su su Nghệ An trồng trên cát vào tiêu thụ trên toàn hệ thống Big C khu vực miền Trung và miền Nam, kéo dài liên tục 1 tháng. Chương trình này nhằm đồng hành cùng người nông dân, cũng như tạo điều kiện để người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm đặc sản su su trồng trên cát. Đây là loại su su có hương vị đặc trưng, thơm ngon, ngọt đều, nổi tiếng đến từ vùng trồng su su quy mô lớn bậc nhất miền Trung.

Với việc áp dụng giá ưu đãi hấp dẫn chỉ 5.900 đồng/kg (giá thành là 9.900 đồng/kg) và áp dụng truy xuất nguồn gốc mã vạch QR, giúp người tiêu dùng yên tâm mua đúng sản phẩm su su sạch (tiêu chuẩn VietGAP), dự kiến khoảng 200 tấn su su sẽ được Big C tiêu thụ trong dịp này, gồm 100 tấn ở miền Nam và 100 tấn khu vực miền Trung, miền Bắc.

Chương trình diễn ra trong vòng 1 tháng nhằm quảng bá, giới thiệu trái su su Nghệ An tại Big C, tạo tiền đề để góp phần phát triển thương hiệu, tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định cho đặc sản của tỉnh Nghệ An. Chương trình diễn ra đúng thời điểm giá su su tại Nghệ An giảm mạnh khiến bà con nông dân lo lắng. Đặc biệt là các hộ trồng su su ở xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai. Từ mức giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, hiện giá su su bán trên thị trường chỉ còn 1.000 đồng. Nguyên nhân su su giảm giá là do sức tiêu thụ ít. Nếu được mùa và với mức 3.000 - 4.000 đồng/kg, 1 héc-ta su su sau khi trừ chi phí, người trồng thu được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá 1.000 đồng/kg, người nông dân đang bị lỗ nặng. Thời điểm giá 200 đồng/kg, nhiều hộ dân đã để su su rụng đầy gốc hoặc vứt bỏ.

Quỳnh Liên là xã ven biển của thị xã Hoàng Mai, có diện tích đất tự nhiên lớn. Những năm qua, bà con nơi đây đã chủ động chuyển đổi đất trồng cây lâm nghiệp hoang hóa ven biển sang trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây su su. Để tiết kiệm chi phí, công chăm sóc, hiện nay, các hộ trồng su su đều đầu tư làm giàn kiên cố bằng hệ thống trụ bê tông, dây thép. Cùng với đó là hệ thống vòi phun nước tự động, có thể tưới bất cứ lúc nào, giữ ẩm thường xuyên cho vườn cây, giúp cây ra nhiều hoa, đậu nhiều quả.

Toàn xã Quỳnh Liên có 1.500 hộ thì có khoảng 200 hộ trồng su su với tổng diện tích 80 héc-ta. Cây trồng này cũng được nông dân nơi đây canh tác vài chục năm nay theo diện tự phát mà không ký kết thu mua với đơn vị nào. Ước tính mỗi năm sản lượng su su tại địa phương đạt hàng chục nghìn tấn. Nếu với mức giá 3.000 - 4.000 đồng/kg thì đây là cây trồng cho thu nhập tốt hơn so với nhiều hoa màu khác. Trồng su su cũng là một hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống cho hàng trăm hộ dân địa phương.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Diện tích khoai lang vượt quy hoạch

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Gia Lai, năm 2019, toàn tỉnh trồng 2.600 héc-ta khoai lang, trong đó vụ đông xuân 900 héc-ta. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 1.330 héc-ta khoai lang, vượt 47% so với kế hoạch. Huyện Phú Thiện trồng nhiều nhất với gần 700 héc-ta, tiếp theo là Krông Pa (hơn 300 héc-ta), Chư Pưh (hơn 200 héc-ta).

Thời điểm cuối năm ngoái, giá khoai lang ở mức cao, khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg. Trước tình hình này, bà con nông dân đã tự phát xuống giống một cách ồ ạt, bất chấp cảnh báo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Sau tết, giá khoai bắt đầu giảm, đến nay chỉ còn 3.000 đồng/kg loại 1 (loại củ to, tròn, mẫu mã đẹp) và 500 - 1.000 đồng/kg với khoai loại 2. Nếu thông thường 1 héc-ta khoai lang thu hoạch gần 9 tấn thì với sự chệnh lệch giá như trên, nông dân phải chịu lỗ từ 40 - 50 triệu đồng/héc-ta. Còn nếu thương lái không thu mua, nông dân sẽ trắng tay. Trên thực tế, vụ khoai trước cũng xảy ra tình trạng tới vụ nhưng thu mua chậm, chính quyền địa phương đã vận động bà con nên hạn chế trồng, tập trung vào trồng các loại cây mang tính ổn định. Tuy nhiên, do đầu vụ giá cao, nông dân đã liều lĩnh mở rộng diện tích. Đến cuối vụ, thương lái mua rất chậm, thậm chí không bán được, bà con trồng khoai lỗ nặng.

Hiện Sở NN-PTNT Gia Lai đã trực tiếp liên hệ với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, song đơn vị này cho biết họ không có kế hoạch thu mua khoai lang. Làm việc với Công ty CP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao, sau khi nắm qua tình hình, công ty hứa sẽ cử người đi kiểm tra và sẽ có kế hoạch thu mua khoai cho nông dân. Tuy nhiên, việc tìm doanh nghiệp tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, do lượng khoai lang phát sinh, không nằm trong kế hoạch hoặc vùng nguyên liệu của các doanh nghiệp.

Đây không phải là lần đầu, nông dân tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai gặp khó với cây khoai lang, bởi ở nửa cuối mùa vụ 2017 - 2018, tình trạng khoai trượt giá và không có người thu mua cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, theo tính toán của nông dân, một vụ lúa, mỗi héc-ta lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, trong khi trồng khoai lang, giá ở mức 6.000 đồng/kg, đã có lãi gấp 3 lần so với lúa. Thậm chí, nếu khoai bán được ở mức giá 12.000 đồng/kg, lợi nhuận sẽ gấp 10 lần so với cây lúa. Chính vì vậy, dù đầu ra không chắc chắn, bà con vẫn mạo hiểm trồng khoai lang.

Bình Định: Hồ hởi vào vụ tôm mới

Mấy năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Bình Định “thuận buồm xuôi gió” nên hầu hết các hộ nuôi đều có lãi. Đặc biệt, các vụ nuôi trong năm 2018 vừa qua đều đạt sản lượng, giá cả ổn định, mang lại cho bà con khoản lãi lớn.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, vụ tôm đầu năm 2019 toàn tỉnh sẽ đưa vào nuôi tôm trên 2.132 héc-ta diện tích mặt nước. Hiện người nuôi đang tập trung cải tạo ao đìa, khôi phục cơ sở hạ tầng, chuẩn bị con giống để bắt đầu thả. Tại thời điểm này, không khí tất bật bao trùm các vùng nuôi tôm trọng điểm thuộc các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn…

So với mọi năm, thời tiết đầu năm nay đang có những biểu hiện thuận lợi cho nghề nuôi tôm. Để giúp bà con đạt thắng lợi, ngay từ đầu vụ, cán bộ kỹ thuật thủy sản của các huyện đã thay nhau bám hồ tại các vùng nuôi để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện đồng bộ từ khâu cải tạo ao nuôi, xử lý nước và đặc biệt là việc chọn con giống tốt, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đến nay, hầu hết các diện tích nuôi đã được các chủ ao cải tạo xong. Đáng phấn khởi là mấy năm gần đây, hầu hết các hộ đều tuân thủ lịch thời vụ và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Nhờ đó, liên tiếp nhiều vụ đều trúng sản lượng.

Để vụ tôm mới đạt thắng lợi, ngành thủy sản Bình Định đã tăng cường công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát các vùng nuôi trọng điểm. Đồng thời, khuyến cáo bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, chọn mua tôm giống chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng các cơ sở sản xuất tôm giống uy tín. Đặc biệt, tôm giống trước khi thả nuôi phải được kiểm dịch, người nuôi nên thực hiện việc ương nuôi giống tại các ao nhỏ tập trung trước khi thả tại các ao thương phẩm. Năm nay, Bình Định có 2.132 héc-ta mặt nước đưa vào nuôi tôm; trong đó, diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 27 héc-ta, nuôi tôm trên cát 139 héc-ta, còn lại là nuôi trong ao hồ. Đến nay, hầu hết các ao hồ trong các vùng nuôi đều đã được người dân cải tạo bài bản với tinh thần sẵn sàng thả giống theo lịch thời vụ.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhu cầu tiêu thụ cao, giá chanh tăng

Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, chanh được các tiểu thương và vựa trái cây thu mua với giá 25.000 - 26.000 đồng/kg; chanh không hạt có giá 19.000 - 20.000 đồng/kg; chanh tàu giá 17.000 - 18.000 đồng/kg. Giá này đã tăng thêm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cách đây hơn 2 tuần và đang ở mức khá cao. Nguyên nhân do bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ chanh tăng cao trong khi nguồn cung trái chanh tại nhiều địa phương hạn chế bởi mùa này chanh cho trái ít. Ngoài ra, thời điểm này, chanh cũng đang được nhiều đơn vị, doanh nghiệp thu mua xuất khẩu và làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm phục vụ tiêu dùng.

Giá phân bón giảm

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào đợt cao điểm thu hoạch lúa đông xuân, nhiều mặt hàng phân bón có chiều hướng giảm giá như: Urê, DAP, NPK… từ 10.000 - 70.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng. Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đang ở mức 360.000 - 370.000 đồng/bao 50 kg, trong khi trước đó lên đến 430.000 - 440.000 đồng/bao. Giá DAP Hồng Hà - Trung Quốc và DAP (Hàn Quốc) trước đây ở mức 690.000 - 710.000 đồng/bao, nay còn khoảng 640.000 - 650.000 đồng/bao. Các loại phân bón NPK 20-20-15 Đầu Trâu, NPK 20-20-15 Cò Bay... hiện có giá 650.000 - 680.000 đồng/bao; Kali (Nga, Canada) 420.000 - 430.000 đồng/bao… Nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước giảm do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới giảm, bên cạnh đó nguồn cung các loại phân bón trong nước dồi dào.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Ngư dân thu nhập khá từ cá chim trắng

Ngư dân ở làng cá Hải Phong, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang vào vụ cá chim trắng. Thời tiết tương đối thuận lợi, có hôm trúng luồng cá, thu nhập lên tới vài triệu đồng chỉ sau vài giờ đánh bắt. Giá thu mua cá chim trắng những ngày này rất cao, loại 1 từ 1,5 – 2 kg/con khoảng 700.000 – 800.000 đồng/kg, loại 2 khoảng ngoài 1 - 1,5 kg/con giá 500.000 – 600.000 đồng/kg. Theo các thương lái, cá chim trắng ở vùng ven biển Bình Châu (Xuyên Mộc), Long Hải (Long Điền) và Vũng Tàu thịt ngon, được thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc rất ưa chuộng. Vì vậy những hôm ăn hàng, thương lái đến tận bến thu mua. Bên cạnh đó, đầu tư cho việc đánh cá chim không cao như những loài cá khác, chỉ tốn khoảng 10 triệu đồng sắm bộ lưới, sử dụng được 4 - 5 năm nên hầu như nhà nào cũng mua lưới, chờ vào mùa là ra biển đánh bắt.

Ninh Thuận: Trồng ớt Hàn Quốc cho lãi cao

Từng trồng ngô, song thường xuyên mất mùa, giá lại thấp nên một  số hộ gia đình đồng bào dân tộc ở xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã trồng giống ớt Hàn Quốc. Sau khoảng 3 tháng trồng, bà con đã có thể thu hoạch với thu nhập trên 17 triệu đồng/sào mỗi vụ, giúp cải thiện đời sống của gia đình. Giống ớt Hàn Quốc khá hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất xã Lâm Sơn nên mỗi cây cho trái nhiều, đỏ tươi. Quả ớt khá lớn, trung bình khoảng 30 trái/kg, giá 11.000 đồng/kg.

Hiện xã Lâm Sơn có gần 35 hộ dân với 12 héc-ta trồng giống ớt Hàn Quốc. Toàn bộ sản lượng ớt được hợp tác xã ký hợp đồng canh tác thu mua theo giá thị trường thỏa thuận với các hộ dân, đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Ớt sau khi mua từ người dân được đưa đến xưởng sơ chế thành ớt bột tại địa phương.

Ớt Hàn Quốc có đặc điểm trái to, chất lượng tốt, thơm ngon, có độ cay và cho hiệu quả kinh tế cao nên được người dân trồng ngày càng nhiều.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Không nên mua giống mắc ca trôi nổi

Để phát triển cây mắc ca thành cây trồng chiến lược, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng quy trình sản xuất giống theo tiêu chuẩn chất lượng.

Cây mắc ca được nhập vào Việt Nam từ 1994 với số lượng nhỏ và diện tích tăng dần từ năm 2003, cho đến nay ước tính lên đến vài triệu cây. Vì là cây trồng nhập nội còn mới nên thông tin về giống và quy trình canh tác cũng như công tác nghiên cứu đang tiếp tục triển khai từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay với sự gia tăng nhanh chóng diện tích, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã tự ươm giống mắc ca không xuất phát từ cây đầu dòng khiến cho chất lượng giống không đảm bảo, cây sau khi trưởng thành sẽ đậu quả kém.

Tại Hội thảo phát triển và nâng cao chất lượng cây giống mắc ca do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức, các nhà khoa học đã chia sẻ kinh nghiệm về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam. Trong đó, giống cây trồng có vai trò quan trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi. Một cây giống sinh tồn và phát triển cho cả một chu kỳ mấy chục năm nên bà con trồng Mắc ca phải tính toán kỹ. Nếu mua giống không rõ nguồn gốc, sau này không hiệu quả thì mất mát rất lớn. Người dân nên mua giống tại các cơ sở có uy tín, được xác nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất giống từ cây đầu dòng.

Công ty TNHH Him Lam Mắc ca cũng cho biết, cây đầu dòng đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất cây giống mắc ca ghép. Do đó, cây đầu dòng phải là cây được định danh rõ ràng, được trồng khảo nghiệm và được công nhận phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại vùng trồng đã ra hoa đậu quả, cho năng suất ổn định ít nhất 3 năm trở lên mới được khai thác hom ghép.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Quản lý thị trường các địa phương tang cường phối hợp

Ngày 8/3/2019, tại tỉnh Đắk Nông đã diễn ra Hội nghị giao ban đánh giá kết quả công tác thỏa thuận phối hợp giữa các Cục Quản lý thị trường (QLTT) 3 tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk - Lâm Đồng.

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Cục QLTT tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng đã tạo điều kiện cho các đơn vị nắm bắt tình hình vi phạm và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại địa bàn mỗi tỉnh. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn ba tỉnh. Trong 6 tháng cuối năm 2018, Cục QLTT ba tỉnh Đắk Nông - Đắk Lắk - Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra  2.686 vụ; xử lý 1.116 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử phạt 4.767.647.178 đồng.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, Cục QLTT ba tỉnh Đắk Nông  - Lâm Đồng - Đắk Lắk vẫn duy trì các kênh trao đổi thông tin, dự báo tình hình, có biện pháp chủ động phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các Đội QLTT địa bàn giáp ranh, nhất là Đội QLTT cơ động trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình vi phạm pháp luật của các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng cấm vận chuyển từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh để cùng phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, theo đánh giá  công tác phối hợp giữa các Cục QLTT vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cụ thể như các Cục QLTT quản lý địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng mỏng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý địa bàn, công tác trinh sát, theo dõi phát hiện vi phạm còn hạn chế…

Thời gian tới Cục QLTT 3 địa phương sẽ tăng cường hơn việc chia sẻ thông tin, nhất là thông tin về các đối tượng thường xuyên có hành vi vi phạm, thời gian và địa điểm giao nhận hàng hóa. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa cấp phòng, cấp đội; Tổ chức các Hội nghị trao đổi thông tin, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, xử lý đặc biệt là trên khâu lưu thông, lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bán hàng đa cấp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu…

Tại  Hội nghị, Cục Quản lý thị trường Đắk Nông - Đắk Lắk và Lâm Đồng đã ký kết lại thỏa thuận phối hợp trong công tác quản lý thị trường.

HÀNG VIỆT

Quản Bạ - Hà Giang: Ưu tiên phát triển 14 sản phẩm OCOP

Là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, thời gian qua, Quản Bạ đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP).

Đến nay, huyện đã có 27 chủ thể (16 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 10 hộ dân) đăng ký tham gia thực hiện Đề án OCOP với 37 sản phẩm tham gia; trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có sẵn. Qua rà soát theo bộ tiêu chí tạm thời, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 2 - 4 sao. Với tổng kinh phí thực hiện trên 1 tỷ đồng, huyện Quản Bạ đã lựa chọn 14 sản phẩm đạt tiêu chí, thuộc 4 nhóm để tập trung nguồn lực và các giải pháp hoàn thiện. Tất cả các sản phẩm được lựa chọn thực hiện theo đề án OCOP đều đã có nhãn mác, bao bì. Một số sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, được chiết xuất, đóng gói bằng công nghệ bán tự động. Qua triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện Quản Bạ đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Qua triển khai chương trình, nhiều nhóm thực phẩm đã mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao như: Mật ong hoa xuyến chi; mật ong Bạc Hà; trà gừng Cao nguyên đá; trà Giảo cổ lam; hồng không hạt Quản Bạ. Nhóm thảo dược có các sản phẩm cao Astiso, cồn xoa bóp sản xuất tại Hợp tác xã Nặm Đăm…

Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ các sản phẩm và có sức cạnh tranh trên thị trường, năm 2019, huyện Quản Bạ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư công nghệ, đào tạo chế biến; thiết kế nhãn mác, bao bì cho các sản phẩm. Đặc biệt, sau khi huyện Quản Bạ hoàn thiện 14 sản phẩm đủ theo tiêu chuẩn của Đề án OCOP, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức thi cấp chứng nhận và sơ kết rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Nâng tầm thương hiệu bò Ba Tri

Huyện Ba Tri có diện tích nuôi bò lớn nhất tỉnh Bến Tre. Từ khi Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận nhãn hiệu “Bò Ba Tri”, bà con đã đẩy mạnh liên kết chăn nuôi và kinh doanh bò, từng bước nâng tầm cho thương hiệu sản phẩm bò giống của địa phương.

Hiện Ba Tri có khoảng 100.000 con bò, trong đó trên 55% số bò sinh sản, số còn lại là bò thịt và bò nuôi vỗ béo. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở NN-PTNT tỉnh, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và cho nông dân thực hiện Dự án sinh hóa đàn bò, Dự án Zebu hóa đàn để nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo các giống bò chuyên thịt. Ưu điểm của việc phát triển giống bò này là bò giống cái phát triển nhanh, trọng lượng gần gấp đối so với những giống bò truyền thống tại địa phương. Bên cạnh đó, khả năng hấp thụ thức ăn nhanh, mau lớn, khỏe mạnh, ít mắc bệnh, được thương lái thu mua với giá cao. Việc áp dụng mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò giống được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ.

Từ những kết quả tích cực trong việc tìm hướng lai tạo giống bò mới, nâng cao chất lượng con giống, năm 2016, huyện Ba Tri được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm bò Ba Tri. Đây là cơ hội để địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, là động lực để tiếp tục nhân giống, chăn nuôi để phát triển.

Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri xác định, bò Ba Tri là sản phẩm thương hiệu tập thể. Vì vậy, giống bò nơi đây phải được chăn nuôi, áp dụng phương pháp lai tạo giống phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Đặc biệt, Ba Tri xác định, việc phát triển mô hình nuôi theo hình thức hợp tác xã để chăn nuôi bò theo hướng chuỗi giá trị là rất cần thiết. Vì vậy, hiện nay huyện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi cho Hợp tác xã Mỹ Chánh. Qua đó sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ra toàn địa bàn. Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá thương hiệu ra thị trường.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)