Thông tin giá cả thị trường số 11/2018

08:29 AM 13/03/2018 |   Lượt xem: 4193 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Măng Ri đổi đời từ trồng sâm Ngọc Linh

Măng Ri là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Toàn xã có 6 làng của đồng bào dân tộc Xê Đăng nằm trong thung lũng được bao quanh bởi hệ thống các ngọn núi thuộc dãy Ngọc Linh. Đời sống của bà con Xê Đăng ngày càng được nâng cao nhờ trồng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh.

Những ngày đầu xuân, bà con Xê Đăng ở xứ nhân sâm quý này luôn lâng lâng men say của lễ hội. Họ ăn mừng sau một năm lúa thóc đầy bồ, sâm bán cháy hàng. Trong những ngày này, người Xê Đăng nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ngày ở làng này, đêm sang làng khác, dự lễ ở mọi nhà, ở nhiều làng.

Những năm gần đây, người Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông có cuộc sống khấm khá hơn nhiều nhờ cây sâm Ngọc Linh. Những ngôi làng có địa hình cao hơn mặt nước biển, có nơi lên đến 1.500 mét giờ đã có đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm. Con em của đồng bào dân tộc đã có thể tung tăng đến trường mà không phải nghĩ đến ăn cái gì để cho no cái bụng. Đó là nhờ cây sâm Ngọc Linh - một loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước giúp đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thoát nghèo và có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã phát triển trồng mới cây sâm dây (hồng đẳng sâm) thêm khoảng 25 héc-ta bằng nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp. Tuy nhiên, nhận thấy hiệu quả kinh tế do cây sâm mang lại, nhiều hộ dân đã tự gieo trồng, không cần đến nguồn vốn hỗ trợ của chính quyền. Nhờ hợp khí hậu, thổ những, cây sâm phát triển tốt, hứa hẹn những vụ thu hoạch bội thu.

Theo thống kê sơ bộ, nếu như trước năm 2013, bà con Măng Ri chỉ trồng các cây truyền thống như mì, lúa thì nay đã chuyển sang trồng các cây có giá trị cao như: Sâm dây với diện tích 25 héc-ta, sâm đương quy diện tích 4 héc-ta, cà phê xứ lạnh 200 héc-ta… Hiện có khoảng 250 hộ dân làm thuê và tham gia liên kết trồng sâm cho Công ty CP sâm Ngọc Linh trên địa bàn với mức đãi ngộ cao 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, bà con còn được hỗ trợ gạo và cuối năm được hỗ trợ 100 gốc sâm giống Ngọc Linh (tương đương khoảng 20 triệu đồng) để tự trồng. Theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, bà con đã trồng sâm Ngọc Linh theo tổ, nhóm để cùng chăm sóc, bảo vệ. Ước tính, giá sâm Ngọc Linh thấp nhất là 70 triệu đồng/kg. Với mức giá này, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã có thêm thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn. Thời gian tới, nhiều hộ dân có ý định nhân rộng vườn sâm dây vì cây này dễ sống, dễ chăm sóc, thu nhập gấp hàng chục lần so với cây mì.

Theo định hướng của huyện Tu Mơ Rông, thời gian tới sẽ tập trung phát triển Măng Ri theo 2 hướng du lịch và cây dược liệu, cây cà phê xứ lạnh. Giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, huyện tập trung phát triển sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri và đầu tư để nhân giống dòng sâm này tại khu căn cứ, hỗ trợ bà con trồng để duy trì nguồn gen cũng như xóa đói, giảm nghèo.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Ngư dân được lộc biển đầu năm

Hàng nghìn tàu đánh cá ở các cửa biển: Khánh Hội, Sông Đốc, Rạch Gốc (Cà Mau), Gành Hào, Nhà Mát (Bạc Liêu), Trần Đề (Sóc Trăng)… đồng loạt ra khơi thả những mẻ lưới đầu tiên nhằm lấy lộc đầu năm.

Sau chuyến biển ngày, tàu trở vào đất liền với các khoang đầy ắp tôm cá. Một ngư dân thị trấn Sông Đốc cho biết, thời tiết năm nay thuận lợi, chuyến biển đầu năm đã thu hoạch khá, giá tương đối ổn định.

Ngay sau tết, các vựa cá ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển; Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Gành Hào (Bạc Liêu) đã nhộn nhịp tàu thuyền vào buôn bán các loại hải sản đánh bắt được. Các chủ tàu cho biết, họ được niềm vui kép khi vừa trúng mùa, trúng giá. Không chỉ đánh bắt được thuận lợi, các mặt hàng tôm, cua cũng được giá, thậm chí giá tăng rất cao so với trước tết. Hiện cá thu được bán với giá khoảng 180.000 đồng/kg; cá chét ướp giá 195.000 - 225.000 đồng/kg; cá khoai 65.000 - 70.000 đồng/kg; mực gai giá 80.000 - 95.000 đồng/kg… So với thời điểm trước tết, giá các loại hải sản tăng hơn 25.000 đồng/kg, đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho chủ tàu. Giá cua gạch 2 càng loại 1 bán lẻ tại các vựa cua ở TP. Cà Mau có giá 800.000 đồng/kg - 850.000 đồng/kg tăng hơn 200.000 đồng/kg; cua gạch loại 2 giá 650.000 đồng/kg tăng 250.000 đồng/kg; cua thịt 350.000 đồng/kg. Theo nhận định của các thương lái, giá cua sẽ tiếp tục tăng từ đây cho đến rằm tháng giêng. Với giá này, hầu hết người nuôi cua biển đều lãi đậm. Đặc biệt, giá tôm sú đã tăng lên do các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật… đã nhập hàng trở lại. Hiện nay, tôm sú được các thương lái thu mua tại vuông nuôi với giá 240.000 đồng/kg. Theo nhiều người nuôi, vụ này thời tiết thuận lợi, tôm ít bệnh nên sản lượng thu hoạch đạt hơn các vụ trước, người nuôi phấn khởi.

Đồng Nai: Vụ điều sẽ bội thu

Theo nông dân trồng điều tại nhiều địa phương, năm nay thời tiết khá thuận lợi cho cây điều phát triển. Vì vậy, nhiều dự báo cho rằng, vụ thu hoạch điều năm nay sẽ bội thu.

Vụ thu hoạch điều năm nay bắt đầu trễ hơn mọi năm khoảng 3 tuần nhưng nông dân trồng điều vẫn rất phấn khởi vì vừa trúng mùa, vừa trúng giá. Do thời tiết xuất hiện vài cơn mưa bất thường trong và sau tết nên ngay từ mùng 3 tết, nông dân trồng điều đã đổ ra vườn coi sóc để kịp xử lý khi cây điều bị ảnh hưởng. Nhìn chung, năm nay, cây điều rất sai bông nên hứa hẹn cho năng suất tốt. Nông dân càng phấn khởi khi đầu mùa, giá hạt điều bán ra lên đến 46.000 đồng/kg. Tuy hiện nay, giá điều có giảm nhẹ nhưng vẫn đạt mức giá tốt nhất trong vài năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, tín hiệu tốt từ thị trường xuất khẩu hạt điều trong những tháng đầu năm 2018 càng tạo sự yên tâm cho vụ thu hoạch điều năm nay. Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu hạt điều tăng rất mạnh. Trong gần 2 tháng đầu năm, Đồng Nai xuất khẩu gần 7.400 tấn hạt điều với kim ngạch đạt khoảng 74 triệu đô-la Mỹ, tăng gấp 4 lần về sản lượng và tăng 4,5 lần về giá. Tuy nhiên, giá nguyên liệu tăng cao đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp chế biến hạt điều trong nước. Vì giá hạt điều xuất khẩu thường được giữ ở mức ổn định nên doanh nghiệp rất khó điều chỉnh giá đầu ra ở mức tăng tương xứng với mức tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc chế biến để lấy số lượng tăng bù cho lợi nhuận giảm.

Ngay sau tết, các nhà máy chế biến hạt điều tại Đồng Nai, Bình Phước… đều tăng cường thu mua nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Dự báo, giá điều vẫn tiếp tục xu hướng đi lên do nguồn cung hạn chế vào thời điểm giáp hạt.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Hậu Giang: Mía lưu gốc cho thu nhập 15 triệu đồng/công

Tính đến thời điểm này, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã xuống giống niên vụ mía 2018 với diện tích gần 7.500 héc-ta, tuổi mía trung bình khoảng 2 tháng tuổi. Riêng diện tích vụ rồi thu hoạch sớm, người dân chủ động được nước, áp dụng kỹ thuật lưu gốc, hiện đang chuẩn bị thu hoạch. Theo thống kê, diện tích mía lưu gốc vụ này ở huyện Phụng Hiệp trên 200 héc-ta, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch với hình thức bán mía chục với giá bán dao động ở mức 1.300 - 1.350 đồng/kg, bao cả chi phí thu hoạch. Với mức giá này, người trồng mía thu nhập 15 triệu đồng/công. Bởi trên thực tế, mía lưu gốc không tốn chi phí đào hộc, mía giống và nhân công thu hoạch. Trồng một vụ nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch từ 2 đến 3 vụ.

Bình Thuận: Thanh long tăng giá

Trong những ngày đầu xuân mới, nông dân tỉnh Bình Thuận rất phấn khởi khi thanh long bất ngờ tăng giá cao. Từ Quốc lộ 1A, xe thu mua thanh long liên tục ra vào các vùng trọng điểm như: Hàm Mỹ, Hàm Thạnh, Hàm Cần, Mương Mán, Hàm Hiệp, Hàm Chính, Hàm Liêm... để tìm nguồn hàng. So với thời điểm trước tết, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận đang nhích lên hơn 2.000 đồng/kg. Loại đẹp được mua xô tại vườn với giá 18.000 đồng/kg. Hàng có mẫu mã kém hơn được mua với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mặc dù trọng lượng trái chưa lớn nhưng với giá bán này, người trồng đã có lãi.

Theo các thương lái, sở dĩ giá tăng là do nguồn hàng đầu năm còn ít, không đủ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó, một số cửa khẩu ở biên giới Trung Quốc hiện đã thông quan tốt hơn, nên lượng thanh long từ Bình Thuận chở ra được mua nhanh hơn.

Thu hoạch xong lứa đầu xuân, các nhà vườn ở Bình Thuận đang bắt đầu chong đèn lại lứa nghịch vụ tiếp theo sau Tết Nguyên đán để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Bạc Liêu: Thương lái vào tận ruộng thu mua lúa

Tại xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu mặc dù lúa chưa đến ngày thu hoạch, mới làm đòng nhưng thương lái đã vào đến tận ruộng để hỏi mua. Thậm chí một số thương lái sẵn sàng đặt cọc trước với giá 6.000 đồng/kg. Tại vùng ngọt của huyện Hồng Dân và thị xã Giá Rai, nhiều thương lái đặt mua lúa ngay còn ngoài đồng. Không như mọi năm, qua tết, giá lúa thường xuống thấp, năm nay giá lúa tăng cao khiến nhà nông rất phấn khởi. Đặc biệt, năm nay mưa nhiều nên công bơm tưới không cao, sâu bệnh cũng ít nên dự báo nông dân sẽ có lãi khá.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện tại trên 40% diện tích lúa đã được ký hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Đầu năm, giá xuất khẩu gạo tăng, nhất là gạo thơm, gạo chất lượng cao nên các doanh nghiệp cũng chủ động thu mua giá cao, có lợi cho người trồng lúa.

Quảng Ngãi: Giá rau xanh giảm

Giá các loại rau xanh tại ruộng ở Quảng Ngãi đang giảm mạnh khiến nông dân không thu hoạch rau ngoài đồng, nhiều hộ còn cắt cho bò ăn. Khác với năm ngoái, lũ lụt làm phần lớn rau màu hư hại, khiến giá đậu cô-ve tăng cao, trung bình khoảng 30.000 đồng/kg và đạt 50.000 đồng/kg vào dịp tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nông dân được mùa thì giá lại giảm sâu chỉ còn 1.000 đồng/kg. Ngoài đậu cô-ve, các loại rau khác cũng giảm giá. Dưa leo từ 18.000 đồng/kg giảm xuống còn 2.000 đồng/kg, thấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, khổ qua khoảng 18.000 đồng/kg trước tết giảm xuống còn 2.000 đồng/kg. Rau muống, xà lách, mồng tơi... còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, vụ đông xuân, toàn tỉnh có 1.000 héc-ta đất trồng rau. Năm nay, thời tiết thuận lợi, rau phát triển tốt nên rau được mùa nhưng giá giảm do sản lượng tăng.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Ninh Thuận: Phòng chống cháy mía trong mùa khô

Huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận hiện còn hơn 100 héc-ta mía chưa thu hoạch, có nguy cơ cháy lan lớn do nằm sát khu vực rừng và rẫy, nơi người dân thường có thói quen đốt rừng vào mùa khô. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tăng cường hướng dẫn người dân vừa chủ động phát dọn ranh cản lửa, vừa thay phiên nhau trực để canh lửa. Xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn là vùng nguyên liệu mía chủ lực của Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang với diện tích lên đến 2.300 héc-ta. Đến thời điểm này, công ty mới thu mua được trên 20% diện tích, vùng mía nguyên liệu còn lại rất lớn. Do đó, nông dân đã chủ động phát dọn tạo ranh cản lửa, thu dọn các vật liệu dễ cháy tạo khoảng cách từ 5 - 7 mét để phòng chống cháy.

Trong niên vụ mía 2017 - 2018, Công ty Cổ phần mía đường Biên Hòa - Phan Rang xây dựng vùng nguyên liệu mía với diện tích trên 3.500 héc-ta tập trung chủ yếu ở 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Đến thời điểm này, công ty mới thu hoạch được khoảng 30% diện tích. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy mía rất cao, vùng nguyên liệu mía ở đây trồng tập trung nên nếu xảy ra cháy sẽ lan rất nhanh và thiệt hại lớn. Vì vậy, các nhân viên nông vụ phải thường xuyên kiểm tra đồng và người dân chủ động bảo vệ ruộng mía trước nguy cơ xảy ra cháy. Công ty cũng hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình từ 3 - 5 triệu đồng thuê nhân công phát xung quanh bờ ranh để phòng, chống cháy. Ngoài ra, ngay từ đầu vụ, bà con đã xác định những vùng nào có nguy cơ cháy cao thì cho thu hoạch trước. Anh em nông vụ cũng thường xuyên ra ngoài đồng để khuyến cáo bà con trong công tác phòng chống cháy.

Nhiều vụ cháy mía chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, bất cẩn của con người, do đó người dân cần nêu cao ý thức, tuân thủ nghiêm những quy định trong quá trình đốt dọn ruộng mía. Bà con chỉ nên đốt, dọn rẫy mía vào thời điểm chiều tối, khi trời đã dịu nắng và cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, phương tiện để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy mía gây ra.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Cao Bằng:  Chống buôn lậu hiệu quả

Cao Bằng có hơn 300 km đường biên giới thuận lợi cho giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng đây cũng là điều kiện tốt cho các hoạt động buôn lậu... Tuy nhiên, với sự nỗ lực, các lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng luôn kiềm chế tốt tình trạng buôn lậu, giữ ổn định thị trường.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Cao Bằng, qua đấu tranh của các lực lượng cho thấy, hàng hóa vi phạm chủ yếu là các mặt hàng tạp hóa, tiêu dùng phục vụ nhu cầu của cư dân địa phương như: quả tươi, gia cầm và sản phẩm gia cầm, xúc xích, máy nông cụ, quần áo, giày dép, phân đạm... Một số mặt hàng xuất lậu chủ yếu là hàng nông sản như: ngô, thóc tẻ, gạo vẫn diễn ra nhỏ lẻ tại các khu vực lân cận biên giới. Hoạt động của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, sử dụng các phương tiện kỹ thuật để theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng, dùng nhiều loại phương tiện khác nhau để vận chuyển hàng hóa vào nội địa. Quá trình tập kết, bốc xếp vận chuyển thường bố trí người cảnh giới, giám sát báo tin, cản trở khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Đặc biệt, dịp cuối năm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm chủ yếu là pháo nổ diễn ra khá phức tạp.

Thượng úy Nguyễn Hữu Trung – Phó trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, trong đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại trước Tết Mậu Tuất, các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn bắt, xử lý nhiều vụ liên quan đến pháo nổ. Riêng phòng PC 46 đã xử lý hơn 4 tạ pháo nổ các loại, có vụ bắt 2 đối tượng vận chuyển buôn bán đến 1,6 tạ pháo nổ… Theo Thượng úy Nguyễn Hữa Trung, các lực lượng chức năng chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã phối hợp rất tốt, đấu tranh hiệu quả với tình trạng buôn lậu, không để xảy ra đường dây, ổ nhóm và những điểm nóng.

Năm 2017, các lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã kiểm tra phát hiện và xử lý 1.047 vụ vi phạm, trong đó khởi tố hình sự 61 vụ/76 đối tượng. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách Nhà nước là 25,869 tỷ đồng.

HÀNG VIỆT 

Chè Bản Ven: Tăng gấp đôi giá trị nhờ xây dựng nhãn hiệu

Từ chỗ phải đi chợ bán chè với giá thấp, đến nay, người dân ở xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang làm ra chè đến đâu, có người mua đến đó, giá chè cũng cao gấp đôi, gấp ba. Đây là kết quả trông thấy sau khi sản phẩm chè Bản Ven được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.

Bắt tay vào trồng chè từ năm 2009, ông Hoàng Văn Thành (người dân tộc Cao Lan) sống ở Bản Ven, xã Xuân Lương cũng không ngờ đến một ngày, vườn chè của gia đình ông lại có thể giúp ông vươn lên làm giàu. “Năm 2009, thấy anh em xung quanh trồng chè, gia đình tôi cũng trồng theo. Năm 2012, cây chè bắt đầu cho thu nhập. Ban đầu, giá chè tươi chỉ 20.000 đồng/kg, chè khô là 70.000 đồng/kg. Sang năm 2014, khi chè Bản Ven được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, giá chè tươi, chè khô tăng lên từng ngày. Đến nay, trung bình gia đình tôi bán được khoảng 250.000 đồng/kg chè khô, 35.000 đồng/kg chè tươi” - ông Thành chia sẻ trong lúc đưa chúng tôi đi thăm vườn chè lúp xúp quanh nhà.

Cùng với ông Thành, đến nay, Bản Ven đã có gần 60 hộ trồng chè/ tổng số 145 hộ dân trong toàn bản. Thấy chúng tôi đang say sưa nói chuyện cây chè, anh Trần Văn Dị, một người anh em của ông Hoàng, ghé vào góp chuyện. Theo anh Dị, với lợi thế địa hình vùng đồi gò, cộng với khí hậu mát mẻ nên cây chè phát triển khá ổn ở Bản Ven. Bản Ven có tới 95% số hộ là người dân tộc Cao Lan. Người Cao Lan biết trồng chè từ lâu và có riêng bí quyết để chè Bản Ven có đặc trưng “nước xanh, vị đậm”. Nếu như trước kia, chè Bản Ven vẫn chỉ tự cung tự cấp trong phạm vi xã Xuân Lương thì nay, nhờ được tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật của Hội nông dân, đặc biệt là của Hợp tác xã Thân Trường, chè Bản Ven đã bắt đầu có tiếng, giá trị mỗi kg chè cũng nâng lên rõ rệt.

Thực tế, với mỗi lứa chè kéo dài từ 35 - 45 ngày, mỗi năm, người dân Bản Ven cũng thu hoạch được 8 - 9 lứa chè, trừ các khoản chi phí, số hộ có thu nhập xấp xỉ 100 triệu đồng/năm từ cây chè không còn hiếm ở Bản Ven.

Là hộ có diện tích chè lớn, anh Hoàng Văn Thành rất tích cực trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng chè. “Trước kia, thấy sâu bệnh là cứ mua thuốc về phun, sâu chết là được, chứ không quan tâm xem thuốc đó có hại không. Nay thì khác rồi, chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục Nhà nước quy định, chè có bệnh mới phun; thời gian thu hái sau khi phun thuốc phải đảm bảo quy định…”-anh Thành nói. Không chỉ ý thức về việc dùng thuốc bảo vệ được nâng cao, nhiều người trồng chè ở Bản Ven nay đã biết cách chăm bón, vun xới, thu hái sao cho hiệu quả năng suất cao. Bởi lẽ, chè Bản Ven chủ yếu vẫn là làm thủ công, hái và sao bằng tay nên đòi hỏi người làm chè phải thật nhanh nhẹn, khéo léo.

Theo ông Thân Nhân Khuyến - Chủ tịch UBND xã Xuân Lương, hiện bà con trong xã chủ yếu thâm canh các giống chè trung du, chè lai 1, chè lai 2… với hơn 500 hộ tham gia sản xuất. Nhờ sự đầu tư đăng ký chứng nhận nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu của Hợp tác xã Thân Trường cho sản phẩm chè Bản Ven, chè Bản Ven nay đã được nhiều người biết đến. Giá bán chè luôn ổn định ở mức trung bình 250.000 đồng/kg chè khô. Đặc biệt, việc triển khai mô hình liên kết sản xuất, chế biến chè xanh Bản Ven giữa các hộ dân và hợp tác xã… đã giúp người trồng chè ở Bản Ven không chỉ có sản phẩm chè chất lượng, giá trị, mà hơn thế, từ những cây chè vườn tạp, nay chè Bản Ven đã được trồng chuyên canh, trở thành một trong số cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói cho người dân nơi đây.

Đến nay, từ mô hình Bản Ven, đã nhân thêm nhiều Bản Ven trồng chè chất lượng khác ở xã Xuân Lương, Canh Nậu, góp phần đưa Bắc Giang trở thành 1 trong 7 tỉnh miền Bắc có chè với chất lượng chè được Hiệp hội chè Việt Nam xếp vào top 3 của cả nước.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)