Thông tin giá cả thị trường số 14/2016

09:14 PM 24/07/2016 |   Lượt xem: 3555 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Trái cây Việt xâm nhập thị trường

Sáu tháng đầu năm cả nước đã xuất khẩu hơn 4.600 tấn trái cây tươi các loại vào các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, Úc...), tăng 81% so với mức 2.542 tấn cùng kỳ năm 2015. Theo dự báo, xuất khẩu trái cây tươi sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, nếu làm tốt công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Cơ hội cho trái cây Việt

Sở dĩ xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính tăng khá mạnh trong nửa đầu năm nay do tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, chất lượng hàng hóa ổn định cũng như nhu cầu tiêu thụ tăng lên khi thị trường được mở rộng. Điển hình là thị trường Mỹ, sau giai đoạn thăm dò thị trường, trái cây tươi xuất khẩu sang Mỹ đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, nhãn Việt được nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 12/2014. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với 757 tấn nhãn (tăng 588% so với cùng kỳ năm 2015). Ngoài ra còn có chôm chôm được cấp mã số xuất sang Mỹ. Ngoài yêu cầu về canh tác an toàn, thị trường Mỹ còn đòi hỏi khắt khe về hình thức, kích cỡ sản phẩm. Nếu đáp ứng, chôm chôm Việt sẽ xuất được giá cao. Hiện các cơ quan chức năng đang đàm phán với Mỹ để mở cửa cho trái xoài Việt Nam. Trong đó có xoài cát Hòa Lộc đang xuất khẩu sang châu Âu và hiện có cơ hội rất lớn ở thị trường Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng từ thị trường Mỹ còn rất lớn do trái cây Việt phần lớn chỉ tiêu thụ trong cộng đồng người châu Á. Sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải đã được phép; vú sữa và xoài đang đàm phán, các loại cây có múi như bưởi, cam của Việt Nam cũng sẽ có thế mạnh nếu vào được thị trường Mỹ. Trong thời gian tới, dự báo thanh long xuất sang các thị trường cao cấp sẽ còn tăng mạnh khi Đài Loan mở cửa trở lại cho loại trái cây này, với sản lượng 14.000 - 16.000 tấn/năm. Cách đây 6 năm, Việt Nam đã xuất thanh long sang đây với số lượng từ 13.000 - 14.000 tấn/năm.

Tăng cường kiểm soát chất lượng

Mặc dù trái cây Việt Nam đang từng bước chinh phục thị trường khó tính. Nhưng do mỗi thị trường lại có các hàng rào kỹ thuật riêng để kiểm soát chặt chẽ về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đặc biệt là đối với các loại quả tươi. Để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu các cơ quan chức năng của Việt Nam phải thực hiện nhiều thủ tục phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm đối với từng loại sản phẩm như phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện chương trình tiền chứng, xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng) cho từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Ví dụ để cấp được 1 mã số vùng trồng cho vải sang Mỹ và Australia phải gom 24 - 28 hộ và cũng chỉ khoảng 10 héc-ta. Bên cạnh đó, phải qua công tác kiểm dịch chặt chẽ.

Để tạo thuận lợi cho việc xử lý kiểm dịch thực vật, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng đưa Trung tâm chiếu xạ Hà Nội vào hoạt động. Đây là cơ sở chiếu xạ thứ 3 sau 2 cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh là Công ty Chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần Chiếu xạ An Phú, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh xử lý sản phẩm. Từ đó, giá của vải thiều nói riêng và các loại quả xuất khẩu khác sẽ giảm, cạnh tranh hơn.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thời gian tới cùng với việc tiếp tục duy trì giữ thị phần ở những thị trường khó tính, không vi phạm kiểm dịch thực phẩm. Đồng thời tiếp tục đàm phán, mở rộng thêm trái cây vào thị trường mới, với khoảng gần 10 loại quả Việt Nam có tiềm năng và thế mạnh. Đây cũng là giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường, nâng cao giá trị nông sản Việt. Đồng thời là động lực thay đổi nền sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn cao của thế giới, bà con tránh được cảnh “được mùa, mất giá”.
 

MUA GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá dứa tăng, nông dân thu lãi lớn

Khóm (dứa) ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long được thương lái thu mua với giá cao. Bình quân sau khi trừ chi phí, nông dân trồng khóm có lãi trên 80 triệu đồng/héc-ta. Tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, giá khóm thu mua tại ruộng khóm được các thương lái đẩy lên mức 8.000 - 9.000 đồng/kg (tùy theo loại), còn khóm dạng xô được mua với giá 8.500 đồng/kg. Tại vùng nguyên liệu khóm Cầu Đúc (TP. Vị Thanh, Hậu Giang), giá khóm loại 1 (trên 1 kg/quả) được thu mua với giá từ 11.000 – 12.000 đồng/quả. Nguyên nhân khiến giá khóm tăng cao như hiện nay là do đợt hạn mặn vừa qua làm cho năng suất khóm giảm, nhiều diện tích khóm già phải trồng lại nên sản lượng khóm cung cấp cho thị trường chưa nhiều. Trong khi đó sức tiêu thụ khóm trên thị trường đang tăng do nhu cầu tiêu dùng trong nước và khóm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu tăng.

Sơn La: Xoài Yên Châu được giá

Hiện đang là những ngày cao điểm cuối cùng của vụ xoài Yên Châu (Sơn La) năm 2016. Xoài Yên Châu chính thức được trao chứng nhận thương hiệu nên bán được giá. Khảo sát các sạp bán xoài Yên Châu dọc theo quốc lộ 6 giá bán dao động 15.000 - 17.000 đồng/kg, riêng mặt hàng xoài tròn giá bán cao hơn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Theo Hội Trồng và Tiêu thụ xoài Yên Châu, tổng diện tích xoài trên địa bàn huyện trên 600 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các xã Lóng Phiêng, Tú Nang, Chiềng Hặc, sản lượng bình quân trên 500 tấn quả/năm. Trong đó, giống xoài tròn diện tích khoảng 200 héc-ta, sản lượng trên 150 tấn/năm. Đây là giống xoài bản địa duy nhất của miền Bắc nằm trong danh mục của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cần được gìn giữ, phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa xoài Yên Châu vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm cần bảo tồn và phát triển.

Tiền Giang: Thanh long bán giá cao

Hiện nay, thanh long đang trong thời điểm thu hoạch vụ thuận nên sản lượng cung ứng cho thị trường khá lớn. Trong khi đó, giá thanh long đang ở mức khá cao nên nông dân rất phấn khởi. Tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), các thương lái vào tận vườn thanh long của nông dân thu mua thanh ruột trắng với giá 8.000 - 11.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ bán với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Thanh long thu hoạch thời điểm này đang trong mùa thuận, ra trái tự nhiên (không tốn chi phí chong đèn) nên giá thành sản xuất thấp, chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. Với năng suất thanh long dao động 20 - 30 tấn/héc-ta thì sau khi trừ chi phí sản xuất nông dân có thể lãi trên 100 triệu đồng/héc-ta đối với thanh long ruột trắng và gần 400 triệu đồng/héc-ta đối với thanh long ruột đỏ. Tại huyện Chợ Gạo, cây thanh long đã phát triển thành vùng chuyên canh trên diện tích 4.406 héc-ta. Hiện nay, diện tích thanh long đang khai thác đạt 3.000 héc-ta, sản lượng đến nay đạt 54.000 tấn. Huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã thanh long xã Mỹ Tịnh An để tổ chức sản xuất và tiêu thụ thanh long cho nông dân địa phương. Ngoài ra, toàn huyện Chợ Gạo hiện có 5 doanh nghiệp đầu tư kho lạnh và 42 cơ sở thu mua thanh long.

Đồng Tháp: Rau màu đắt hàng

Bình quân mỗi ngày vùng chuyên canh rau màu tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hàng chục tấn rau các loại. Tuy giá ở mức cao nhưng vẫn “hút hàng”, nông dân phấn khởi vì giá cả và mức tiêu thụ tăng so cùng kỳ với năm ngoái. Hành lá dao động từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; củ cải trắng 6.000 - 7.000 đồng/kg; hẹ 10.000 - 12.000 đồng/kg; các loại rau ăn lá và củ như bắp cải, đậu đũa, bầu bí, dưa leo, dưa hấu nụ... cũng tăng giá từ 20 - 30% so với tháng trước. Toàn huyện Hồng Ngự xuống giống với diện tích hơn 1.500 héc-ta rau màu các loại, sản lượng đạt gần 35.000 tấn/năm. Mỗi ngày, hàng chục tấn rau các loại trên địa bàn xã Long Thuận cung ứng cho thị trường trong tỉnh và ở khu vực lân cận như: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang...

BÁN GÌ

Bình Định: Nỗi lo mất mùa kiệu giống

Để chuẩn bị cho vụ kiệu Tết, vào đầu vụ hè thu hàng năm nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) tất bật trồng kiệu giống. Năm nay nắng nóng kéo dài, những ruộng kiệu giống có nguy cơ mất mùa.

Do giống kiệu bản địa có vị cay, ngọt đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, dù kiệu ở đây nhỏ củ hơn. Do đó, sau mỗi vụ kiệu Tết, bà con trong huyện chọn những củ kiệu to, khỏe giữ lại để đến vụ hè thu sản xuất kiệu giống. Năm nay nắng nóng kéo dài, đất ruộng trồng kiệu khô rốc, cây kiệu không phát triển được bộ rễ, lá khô dần từ đọt xuống. Giá kiệu giống được dự báo là sẽ rất cao và lệ thuộc nhiều vào nguồn kiệu giống nhập về từ miền Nam. Trong khi đó giá rơm năm nay cũng cao ngất ngưởng từ 600.000 - 700.000 đồng/sào rơm. Đã trồng kiệu thì không thể không mua rơm. Rơm vừa ngăn không cho cỏ mọc, vừa giữ ẩm đất, kiệu tốt hay xấu là nhờ rơm. Năm giá giá giống tăng, giá rơm cao, nếu giá kiệu Tết không ổn định thì người trồng sẽ lâm cảnh khốn đốn.

Bà con cho biết, năm ngoái kiệu giống không mất mùa nhưng đến vụ kiệu chính, những hộ không có đất trồng kiệu giống đã phải mua giống với giá 27.000 đồng/kg (chưa lặt rễ). Năm nay vụ kiệu hè thu mất mùa, giá kiệu giống chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nhiều. Theo một nông dân trồng kiệu ở đội 12 thôn Tân An, xã Mỹ Quang, vụ hè thu này ông trồng được 2 sào kiệu. Hiện 1 sào đã chết rụi. Sào kiệu kia chưa chết, nhưng lá đã bắt đầu đỏ đọt. Đến cuối tháng 6 âm lịch mới thu hoạch kiệu giống để trồng vụ kiệu Tết, nếu nắng nóng cứ kéo dài thế này thì những ruộng kiệu không thể sống nổi đến lúc ấy. Vụ kiệu chính năm nay bà con trồng kiệu chắc chắn sẽ bị thiếu giống trầm trọng.

Quảng bá trái cây Việt tại Cộng hòa Séc

Vừa qua, tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn bán lẻ Makro (Makro) hàng đầu của Séc tổ chức Ngày Trái cây Việt Nam nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản của Việt Nam và tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm này thị trường Séc và các nước trong Liên minh châu Âu.

Tại sự kiện được tổ chức tại đại siêu thị Makro, người tiêu dùng Séc có cơ hội được xem, nếm và mua 19 loại trái cây khác nhau đại diện cho các miền của Việt Nam được trưng bày trong một không gian thuần Việt. Rất nhiều trong số họ lần đầu tiên được biết tới vải, nhãn, thanh long tím hay mít của Việt Nam, thậm chí nhiều người ngạc nhiên khi nhận xét một số trái cây của Việt Nam ngon hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu và bày bán trong siêu thị. Hơn 1 tấn trái cây Việt Nam đã được tiêu thụ trong ngày. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá, do khí hậu và thổ nhưỡng Việt Nam, các loại trái cây của Việt Nam có sự khác biệt so với sản phẩm trái cây ở khu vực này và có thể làm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng tại đây. “Thông qua sự phối hợp với chuỗi siêu thị này, sản phẩm của chúng ta được giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng và qua đó chúng ta nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng trực tiếp để có thể có những điều chỉnh nhằm đưa được hàng hóa của chúng ta vào các hệ thống phân phối lớn như thế này”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Phía Việt Nam đã thảo luận với Tập đoàn Makro những giải pháp nhằm khắc phục những rào cản về kỹ thuật cản trở việc xuất khẩu trái cây vào Séc.

Việc nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng sẽ giúp các nhà xuất - nhập khẩu, phân phối điều chỉnh chiến lược kinh doanh với hy vọng một ngày không xa, các sản phẩm trái cây có xuất xứ từ Việt Nam sẽ có mặt trên các kệ hàng của các siêu thị tại Séc nói riêng và các nước trong Liên minh châu Âu nói chung.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thị trường Uc: Tiềm năng và thách thức

Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, Úc là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với ngành trái cây Việt Nam. Tại thời điểm hiện tại, Úc mới chỉ mở cửa nhập khẩu trái vải tươi của Việt Nam sau 12 năm đàm phán. Thời gian qua, hai bên tiếp tục đàm phán để xuất khẩu xoài và thanh long.
Công bố điều kiện nhập khẩu xoài

Đối với trái xoài, Việt Nam đã nộp đơn xin cấp phép nhập khẩu từ năm 2009. Đến ngày 1/8/2014, Bộ Nông nghiệp Úc đã thông báo việc thực hiện phân tích đánh giá rủi ro đối với xoài Việt Nam. Đến ngày 28/7/2015, Bộ Nông nghiệp Úc đã thông báo công khai trên mạng cho các bên có liên quan bản dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro. Các điều kiện trong báo cáo cuối cùng sẽ là cơ sở để cấp giấy phép nhập khẩu. Ngày 27/5/2016, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc đã chính thức công bố điều kiện nhập khẩu xoài Việt Nam vào Úc. Hiện Úc đang làm các thủ tục cuối cùng để cấp phép nhập khẩu cho xoài của Việt Nam.

Để góp phần đưa trái xoài nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Úc, Đại sứ quán Việt Nam đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Úc triển khai đề án nghiên cứu “Thị trường trái xoài của Úc và các giải pháp xúc tiến xuất khẩu trái xoài Việt Nam vào thị trường này” nhằm nghiên cứu tình hình sản xuất và tiêu thụ trái xoài của thị trường Úc; các quy định về kiểm dịch đối với trái xoài; kênh phân phối và thị hiếu tiêu dùng… Từ đó, đưa ra những đề xuất thiết thực góp phần đẩy mạnh xuất khẩu trái xoài sang thị trường Úc, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tiếp tục xem xét nhập khẩu thanh long

Thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Úc. Trước đây, phía Úc đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ, bao gồm đánh giá dịch hại và bệnh trên quả, thông qua một quá trình hợp tác trao đổi giữa hai chính phủ Úc và Việt Nam. Trong những tháng tới, hai bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro. Trong đó, sẽ có nội dung chuyên gia Úc tham quan vùng trồng thanh long và đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu. Dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro sẽ được công bố cho các bên đối tác tham gia đóng góp ý kiến vào khoảng cuối năm nay.

Là một trong những nước có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới, Úc đã xây dựng khuôn khổ chính sách về an toàn sinh học nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trước những rủi ro do côn trùng có hại xâm nhập và phát tán. Tiến trình phân tích rủi ro nhập khẩu là một phần quan trọng trong chính sách an toàn sinh học của Úc. Trước khi cân nhắc việc cho phép nhập khẩu một sản phẩm mới, việc phân tích rủi ro nhập khẩu được tiến hành một cách chính thức. Nếu phát hiện có nguy cơ rủi ro, các biện pháp kiểm soát rủi ro sẽ được đề xuất để làm giảm thiểu rủi ro ở mức có thể kiểm soát được. Trong trường hợp không thể giảm thiểu nguy cơ rủi ro, sản phẩm mới sẽ không được cấp phép nhập khẩu vào nước Úc. Trong quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp Úc sẽ dựa trên báo cáo của các chuyên gia để quyết định việc cấp phép hoặc không cấp phép nhập khẩu.

Box: Hiện nay, thanh long của nước ta đã được xuất khẩu sang Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thanh long Bình Thuận xuất vào thị trường Nhật Bản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP có trọng lượng từ 300 gam trở lên đồng thời phải đạt tiêu chuẩn của nước sở tại về dư lượng hóa chất. Toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình xử lý được các chuyên gia của phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát rất chặt chẽ. Trước đó, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu thanh long vào 1 trong 4 hòn đảo chính của nước này với sản lượng khoảng 800 tấn/năm. Có thêm thị trường mới cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều rủi ro.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Hưng Yên: Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào chính vụ. Năm nay, dự kiến tổng sản lượng nhãn của toàn tỉnh Hưng Yên khoảng hơn 40.000 tấn.

Nhằm hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại cho tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình quảng bá, kết nối thông tin nhãn lồng Hưng Yên với một số nhà nhập khẩu của các nước như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và đặt mục tiêu trong năm tới là hướng đến thị trường châu Âu. Trước mắt, tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai chương trình xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho mùa nhãn năm nay.

Hiện Hưng Yên có 3 chà nhãn, thời vụ thu hoạch nhãn rất dài, không bị áp lực về giá cả, thời vụ. Ngay từ đầu vụ, các cán bộ khuyến nông đã tổ chức các lớp tập huấn, quán triệt đến từng nhà vườn: Muốn tiêu thụ được sản phẩm thì việc đầu tiên là phải làm tốt quy trình giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm. Đến nay, công tác quản lý giám sát quy trình và kỹ thuật của bà con tương đối ổn định, nhãn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù hiện nay có nhiều nơi trồng được nhãn, trong đó có những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng chất đất nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon nổi tiếng mà không địa phương nào có được. Với diện tích hơn 20 héc-ta nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là con số rất nhỏ trong tổng diện tích 3.000 héc-ta của Hưng Yên. Do vậy, người trồng nhãn lồng Hưng Yên vẫn rất cần sự hỗ trợ trong liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đảm bảo cho nhãn lồng Hưng Yên không những được tiêu thụ rộng khắp tại thị trường trong nước mà còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Lâm Đồng: Tái canh cà phê

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ kinh phí 3,8 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ nông dân tái canh 650 héc-ta cà phê già cỗi trong năm nay.

Các địa phương có diện tích cà phê lớn, được hỗ trợ nhiều nhất là Di Linh, Bảo Lâm và Lâm Hà. Các hộ nông dân thực hiện chương trình tái canh cà phê được hỗ trợ từ 60 - 80% chi phí mua cà phê giống. Đồng thời, UBND tỉnh Lâm Đồng còn trích kinh phí hơn 200 triệu đồng để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất giống cà phê của các vườn ươm trên địa bàn. Tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân về trồng tái canh, ghép cải tạo, các biện pháp sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận UTZ, 4C… Ngoài kinh phí hỗ trợ, nông dân thực hiện tái canh cà phê còn được vay vốn tín dụng ưu đãi khi thực hiện chương trình này.

Các hình thức tái canh được khuyến khích là trồng mới và ghép chồi, cải tạo trên nền gốc vườn cà phê lâu năm, già cỗi cho năng suất thấp. Trong số 650 héc-ta cà phê được hỗ trợ cải tạo năm nay có 565 héc-ta cà phê vối và 85 héc-ta cà phê chè. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh sẽ triển khai các gói tín dụng vay ưu đãi để tiếp tục tái canh bằng những giống cà phê mới, nâng tổng diện tích cà phê được tái canh, ghép cải tạo lên trên 38.000 héc-ta với năng suất bình quân đạt 2,8 – 3 tấn/héc-ta.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, những diện tích cà phê sau tái canh đều đạt năng suất từ 5 - 8 tấn cà phê nhân/héc-ta/năm, cao hơn 2 đến 3 lần so với chưa tái canh.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã xây dựng được 43 vườn cây cà phê đầu dòng, sản xuất trên 12 triệu mầm, chồi mỗi năm và 167 cơ sở sản xuất, kinh doanh cà phê giống đủ chất lượng với trên 12 triệu cây/năm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ninh Thuận: Táo mất mùa

Nhiều tháng nay, nông dân trồng táo tại Ninh Thuận lao đao vì mất mùa. Tại nhiều vườn, tỷ lệ táo đậu quả chỉ đạt 30% so với mọi năm, nhiều trái non bị hư do côn trùng.

Một số nhà vườn cho biết, năm nay, đến tận tháng 6, táo vẫn không chịu đậu quả, thất mùa liên tiếp. Hiện nay, số lượng táo thu hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu của thương lái. Nhiều hộ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ TP. Hồ Chí Minh nhưng không có hàng để giao. Hiện nay, giá táo xanh tại vườn thường là 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, tuỳ theo chất lượng mà táo được phân định nhiều mức giá. Những nhà vườn trồng không đúng quy trình kỹ thuật, táo có chất lượng kém chỉ bán được 3.000 - 4.000 đồng/kg. Thậm chí, táo xanh ở TP. Hồ Chí Minh có giá lên đến 60.000 đồng/kg. Nhiều cửa hàng đặc sản còn thông báo muốn mua táo Ninh Thuận, phải đặt hàng trước 1 tuần.

Nguyên nhân táo thất mùa chính là do thời tiết nắng nóng cao khiến táo không thụ phấn, côn trùng phát triển mạnh. Đặc biệt, tình hình sâu bệnh trên cây táo ngày càng phức tạp khiến nhiều hộ có xu hướng chuyển đổi sang trồng cây khác. Trong đó, cây nho đang được nông dân lựa chọn để thay thế bởi phù hợp với nhu cầu của thị trường. Thực tế cho thấy, việc nông dân chuyển đổi cây trồng khi thấy lợi nhuận từ giống mới diễn ra đã nhiều lần. Từ năm 2008 - 2011, nhiều hộ chuyển từ nho đỏ truyền thống sang táo xanh, giờ lại chuyển táo sang trồng nho xanh. Theo số liệu của UBND xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, sau 5 năm diện tích trồng táo trong vùng giảm từ 200 héc-ta xuống chỉ còn 150 héc-ta.

Trà Vinh: Ớt chỉ thiên mang hiệu quả kinh tế cao

Ngũ Lạc là một xã vùng sâu của huyện Duyên Hải, đa số là người dân tộc Khmer. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vụ hè - thu năm 2016 bà con nông dân đã trồng thử nghiệm giống ớt chỉ thiên, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Từ trước đến nay, bà con dân tộc Khmer chủ yếu sinh sống nhờ luân canh các loại rau màu như: Dưa hấu, bí đỏ, lạc... Tuy nhiên, do bà con thường xuyên sử dụng các giống cây truyền thống, nên hiệu quả kinh tế không cao. Do đó, xã đã vận động nông dân đưa về trồng thử nghiệm giống ớt chỉ thiên ở vụ màu hè - thu 2016. Xã cũng đã tìm kiếm và vận động các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân tùy theo từng thời điểm. Để bà con nắm rõ kỹ thuật và quy trình trồng ớt chỉ thiên, các doanh nghiệp đã tổ chức tập huấn và chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nông dân thực hiện mô hình theo từng thời điểm phát triển của cây. Kết quả sau 1 vụ trồng ớt chỉ thiên cho hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với các loại cây trồng khác. Hơn nữa, ớt chỉ thiên là loại cây trồng ngắn ngày, chịu được hạn hán và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay nên năng suất cao. Tính trung bình một hộ dân trồng ớt trên diện tích 2 công đất (2.000 mét vuông) đạt năng suất bình quân trên 2,5 tấn/công.
Hiệu quả từ cây ớt chỉ thiên trên vùng đất giồng cát Trà Vinh đã thực sự mở ra một triển vọng mới cho người trồng màu vùng ven biển.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Tăng cường công tác quản lý hóa chất công nghiệp

Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ký kết “Chương trình phối hợp quản lý, kiểm soát và ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản”.

Theo nội dung Chương trình phối hợp, công tác phối hợp giữa hai Bộ phải đảm bảo tính chủ động, kịp thời; phản ứng nhanh, kiên quyết đấu tranh với những vụ việc lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có trách nhiệm: Chủ động thông báo cập nhật cho Bộ Công Thương quy định về danh mục hóa chất cấm, hóa chất hạn chế sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Kịp thời thông tin về các vụ việc hoặc nguy cơ lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản và đề xuất với Bộ Công Thương cập nhật “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt”. Chủ động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản không lạm dụng hóa chất công nghiệp trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra nhằm ngăn chặn việc lạm dụng hóa chất công nghiệp…

Trách nhiệm của Bộ Công Thương bao gồm: Chủ động thông báo cập nhật cho Bộ NN&PTNT các vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh sử dụng hóa chất công nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản. Đưa một số loại hóa chất công nghiệp đang bị lạm dụng phổ biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản vào “Danh mục hóa chất kiểm soát đặc biệt”. Chủ động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức đến cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Phối hợp với Bộ NN&PTNT trong đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức về sử dụng hóa chất và ứng phó sự cố khẩn cấp về hóa chất trong lĩnh vực quản lý của ngành nông nghiệp.

Quảng Trị: Buôn lậu gia tăng ở khu vực biên giới

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Quảng Trị, tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại 6 tháng đầu năm 2016 tăng so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là tình hình buôn bán và vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ gia tăng ở khu vực biên giới.

Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển ma túy khối lượng lớn. Trên tuyến biến giới Việt - Lào, khu vực Cửa khẩu Lao Bảo, các đối tượng lợi dụng cơ chế xuất khẩu hàng từ trong nước sang Lào được hoàn thuế và hàng do nước ngoài sản xuất để xuất quá cảnh sang Lào sau đó tìm cách thẩm lậu vào Việt Nam để tiêu thụ. Trên tuyến Quốc lộ 1A tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều lô hàng trị giá lớn, hầu hết là hàng Trung Quốc vận chuyển từ Bắc vào Nam.

Ở thị trường nội địa, tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm nhãn mác hàng hóa, niêm yết giá không đúng vẫn còn xảy ra, chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các hành vi gian lận thương mại chủ yếu là vi phạm kê khai giá bán thấp hơn giá bán thị trường nhằm trốn thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, BCĐ 389/ĐP đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thường trực BCĐ đã đi kiểm tra, làm việc với các ngành liên quan về tình hình chống buôn lậu trên tuyến biên giới. Đặc biệt, chủ động theo dõi, nắm bắt, dự báo tình hình thị trường trong và ngoài nước, các phương thức thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mới ở trong nước, trên địa bàn và tuyến biên giới Việt - Lào. Chỉ đạo các ngành tăng cường nắm tình hình, phối hợp các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)