Thông tin giá cả thị trường số 14/2018

02:08 PM 03/04/2018 |   Lượt xem: 4333 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phục Hòa (Cao Bằng):  Làm giàu nhờ phát triển cây mía

Đến huyện Phục Hòa (Cao Bằng) vào mùa mía, đâu đâu cũng thấy màu xanh ngút ngàn của mía được trồng dọc hai bên đường, khắp các cánh đồng, tràn vào khe núi, triền đồi… Thu nhập từ trồng mía đã giúp đời sống người dân cải thiện đáng kể.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Bế Hoan - Chủ tịch UBND huyện Phục Hòa cho biết: Huyện có 9/9 xã, thị trấn trồng mía, tập trung chủ yếu ở các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Mỹ Hưng, thị trấn Tà Lùng và thị trấn Hòa Thuận. Hiện nay, cây mía là cây trồng chủ lực của người dân Phục Hòa với diện tích trồng 1.889,69 héc-ta. Sản lượng vụ 2017 đạt 125.797,51 tấn, đạt 110,8% kế hoạch… Tuy nhiên, theo đánh giá, năng suất mía vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sinh trưởng, phát triển của các giống mía đang trồng tại đất Phục Hòa.

Để tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, những năm qua, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Cao Bằng thực hiện các biện pháp: Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mía; đầu tư trợ giá mía giống, phân bón; cho nông dân vay mía giống, phân bón, máy cày chậm trả, ứng trước vật tư sản xuất cho nông dân… Qua đó, từng bước tạo chuyển biến trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây mía của nông dân. Từ năm 2014 đến nay, năng suất mía nguyên liệu đã tăng qua từng năm. Niên vụ 2014 - 2015, năng suất mía nguyên liệu bình quân đạt 55 tấn/héc-ta, vụ 2015 - 2016 đạt 58 tấn/héc-ta, vụ 2016 - 2017 đạt 59,8 tấn/héc-ta và vụ 2017 - 2018 năng suất đã đạt 66,2 tấn/héc ta. Với giá thu mua mía những năm gần đây từ 900 - 1.000 đồng/kg tại ruộng, thu nhập của nông dân tăng lên, có thêm điều kiện đầu tư chăm sóc cây mía.

Để nâng cao chất lượng và năng suất lên 70 tấn/héc-ta trong vụ mùa tới, huyện Phục Hòa tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phân bón, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mía. Đồng thời, triển khai xây dựng một số mô hình trình diễn trồng, chăm sóc mía theo đúng kỹ thuật tại mỗi xã, thị trấn để nông dân trồng mía đánh giá hiệu quả, học tập, làm theo.

Có thể thấy, từ khi Phục Hòa phát triển cây mía, bộ mặt nông thôn vùng trồng mía đã thay đổi rõ rệt. Các xóm thôn, làng bản trồng mía cơ bản không còn nhà dột nát. Đa số các hộ trồng mía sắm được xe máy, ti vi, nhiều nhà mua được ô tô vận chuyển mía, máy cày phục vụ sản xuất.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Lào Cai: Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

Hiện nay, mặc dù giá lợn hơi đã tăng nhưng các chủ trang trại, hộ chăn nuôi vẫn thận trọng tái đàn.

Thời điểm hiện nay, giá lợn hơi đã tăng trở lại và giữ ở mức khá ổn định, khoảng 33.000 đồng đến 36.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, người chăn nuôi vẫn thận trọng vào giống bởi trước mắt, thị trường đầu ra vẫn bấp bênh. Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi nhận thức được nguyên nhân giá lợn xuống thấp, thậm chí không bán được trong năm vừa qua là do nguồn cung vượt cầu. Thế nên, thay vì tiếp tục đầu tư ồ ạt, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều chủ động giảm quy mô.

Không chỉ thận trọng tái đàn, người chăn nuôi cũng có nhiều sáng tạo trong phương thức nuôi. Đó là quay lại chăn nuôi truyền thống bằng thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lợn bằng cám thảo dược, chăn thả tự nhiên… Ngoài ra, triển khai các mô hình liên kết giữa những hộ chăn nuôi với nhau, liên kết với đơn vị cung ứng giống và thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào. Qua đó, nâng cao chất lượng thịt để sản phẩm tiêu thụ dễ hơn, tăng sức cạnh tranh so với lợn nuôi theo hình thức công nghiệp.

Để giúp các hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi lợn theo nhu cầu, đảm bảo cân đối cung - cầu, ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân thận trọng xem xét thị trường, tái đàn từ từ, không vào giống đủ quy mô như giai đoạn trước. Đồng thời, cần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, chủ động liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch sản xuất theo khả năng thị trường. Ngành chăn nuôi cũng khuyến khích người dân ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào, chất lượng tốt, giá cả hợp lý và có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với nông dân trong trường hợp lợn rớt giá.

Bình Thuận: Canh tác đậu phộng thích ứng với biến đổi khí hậu

Mô hình chuyển đổi canh tác đậu phộng chịu hạn thích ứng với biến đổi khí hậu và tưới nước tiết kiệm trên đất cát kém hiệu quả đã được Ban điều phối dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu tỉnh Bình Thuận thực hiện.

Kết quả ban đầu của mô hình trồng đậu phộng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và đời sống người dân trong vùng đất cát ven biển huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Mô hình trồng đậu phộng tưới nước phun mưa theo mini pan được triển khai trồng từ tháng 7/12/2017 – 6/1/2018 với 9 hộ tham gia tại các xã Bình Tân, Hòa Thắng, Hồng Phong, huyện Bắc Bình trên quy mô 5,5 héc-ta. Các hộ dân được chuyển giao kỹ thuật sử dụng chảo bốc thoát hơi nước để xây dựng lịch trình tưới nước, quy trình kỹ thuật áp dụng, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh… Kết quả mô hình trồng đậu phộng cho thấy nguồn giống đậu L14 giống tốt, hạt to. Ngoài ra, việc áp dụng lượng nước tưới khi sử dụng mini pan tiết kiệm được nguồn nước và giảm nhân công lao động, năng suất đạt hơn giống đậu thông thường.

Theo tính toán, với giá đậu phộng khô hiện nay là 25.000 đồng/kg thì tổng doanh thu mô hình là 59 triệu đồng/héc-ta và lãi thuần là hơn 27 triệu đồng/héc-ta. Trong khi đó, sản xuất theo phương pháp truyền thống thì doanh thu chỉ đạt hơn 48 triệu đồng/héc-ta và lãi thuần là hơn 20 triệu đồng/héc-ta. Như vậy, trồng đậu theo mô hình tưới mini pan bằng péc phun mưa so với đối chứng thì năng suất tăng 21% và lãi thuần tăng hơn 33%.

Mô hình được thực hiện góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Thuận, giúp người dân trồng đậu phộng tiếp cận các biện pháp canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng đất cát Bình Thuận để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu sự thoái hóa đất, hoang mạc hóa.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bình Thuận: Cá thu, cá bớp cháy hàng

Những ngày qua, tại các quầy bán cá thu, cá bớp ở chợ Lớn, chợ Phú Thủy (Phan Thiết, Bình Thuận) luôn trong tình trạng cháy hàng. Theo các tiểu thương, cá thu, cá bớp thịt dai, thơm, có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Đặc biệt, loại cá này dù dự trữ lâu nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon hơn các loại cá khác. Vì thế, người tiêu dùng chọn mua khá nhiều, thậm chí có rất đông khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Lạt đặt mua. Hiện hai loại cá trên có giá từ 270.000 - 280.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so trước đây nửa tháng. Dự báo, giá cá thu, cá bớp còn tăng cao vào những ngày tới khi cầu vượt cung.

Hậu Giang: Cam sành tăng giá

Sau một thời gian giảm, cam sành đã bắt đầu tăng giá trở lại. Hiện nay, thương lái vào tận vườn thu mua cam sành với giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước tết. Nguyên nhân do đang vào thời điểm mùa khô nên các loại trái cây làm nước giải khát có xu hướng tăng giá mạnh. Các thương lái cũng tăng thu mua để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự báo, trong thời gian tới nhiều khả năng giá cam sẽ tiếp tục tăng. Theo tính toán của nhà vườn, với giá bán hiện nay cộng với năng suất ở mức 2 - 2,5 tấn/công, sau khi trừ hết chi phí, mỗi công cam sành cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng.

Hiện diện tích trồng cam ở huyện Phụng Hiệp khoảng 4.000 héc-ta. Trong đó, cam sành chiếm hơn 3.000 héc-ta, khoảng 40% đang cho trái ở thời điểm hiện tại.

Gia Lai: Dưa hấu được mùa, được giá

Thời điểm này năm ngoái, giá dưa hấu giảm mạnh, chưa đến 2.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ nặng. Năm nay, giá dưa trung bình đạt 6.000 đồng/kg, người trồng rất phấn khởi. Thương lái từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam đánh cả đoàn xe tải lên vùng Đông Nam Gia Lai để mua dưa hấu chở sang Trung Quốc bán. Năm nay, thị trường này “ăn hàng” rất mạnh nên dưa được giá. Thương lái cũng ký hợp đồng với chủ ruộng dưa, đặt cọc trước 30% số tiền. Tại thị trường nội địa, giá dưa cũng có xu hướng tăng, lượng tiêu thụ ổn định. Giá dưa hấu từ 2,5 kg/quả trở lên là 6.000 đồng/kg. Dưa loại từ 2 kg đến 2,4 kg/quả mua với giá 3.000 đồng/kg chở đi bán ở Hải Dương, Hà Nội. Còn loại dưa nhỏ hơn nữa thì có các tiểu thương đem xe tải vào thu mua để tiêu thụ tại địa phương.

Lạng Sơn: Khoai tây giảm giá mạnh

Sau củ cải, su hào đến lượt khoai tây tại một số tỉnh phía Bắc giảm giá khi vào mùa thu hoạch. Hiện mỗi kg khoai tây được người dân bán tại vườn với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, giảm hai phần ba so với cách đây một tháng. Xã Khánh Khê, huyện Văn Quang, tỉnh Lạng Sơn có hơn 3,5 héc-ta diện tích trồng khoai tây, phần lớn đang vào vụ thu hoạch nhưng nhiều gia đình không buồn dỡ khoai do giá xuống quá thấp. Một số hộ đồng bào dân tộc thường trông chờ vào vụ thu hoạch khoai tây để tăng thêm thu nhập cũng lo lắng bởi khoai tây được mùa nhưng rớt giá lại không có thương lái thu mua nên nhiều diện tích khoai đã bị thối, hỏng. Thêm vào đó, thời tiết nồm, ẩm khoai không để được lâu, nhiều nhà đành dỡ và chế biến cho lợn, gà ăn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Phú Yên: Người trồng mía thất thu

Nông dân Phú Yên đang vào giai đoạn cao điểm của mùa thu hoạch mía. Tuy nhiên, năm nay, giá mía giảm nên người trồng thất thu.

Niên vụ 2017 - 2018, toàn tỉnh Phú Yên trồng gần 28.000 héc-ta mía với sản lượng ước đạt 1,73 triệu tấn. Đối với những hộ trồng mía đã ký hợp đồng với nhà máy, hiện giá thu mua là 800.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, mía 9 chữ đường là 770.000 đồng/tấn, mía từ 8 chữ đường trở xuống, nhà máy cũng mua với giá 770.000 đồng/tấn. Đặc biệt, vụ mía này do ảnh hưởng mưa bão, mía bị ngã đổ nên khó đạt 10 chữ đường. Nếu bán đại trà với giá 770.000 đồng/tấn thì người trồng mía vừa đủ chi phí. Với những người trồng nhỏ lẻ ở vùng gò đồi, hóc núi lại không ký hợp đồng vùng nguyên liệu với nhà máy, việc tiêu thụ mía gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số hộ trồng nhỏ lẻ đã thu hoạch mía  nhưng đành chất ở ven đường, chờ được đưa đến nhà máy.

Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 3.500 héc-ta trong tổng số gần 28.000 héc-ta mía. Năng suất bình quân khoảng 63,2 tấn/héc-ta, giảm khoảng 1,8 tấn/héc-ta so với năng suất bình quân các niên vụ trước. Nguyên nhân là do bão số 12 đã làm hơn 20.284 héc-ta mía của tỉnh ngã đổ, ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, chữ đường. So với mọi năm, giá mía nguyên liệu thấp, lượng đường tồn kho ở các nhà máy tại Phú Yên khoảng 48.000 tấn. Nếu tính tổng chi phí đầu tư, người trồng mía không có lãi. Do vậy, các nhà máy đường cần có chính sách hỗ trợ người trồng mía.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Hà Quảng: Quản lý thị trường tăng cường  đấu tranh chống buôn lậu

Mặc dù đứng chân trên địa bàn biên giới, lực lượng mỏng… nhưng thời gian qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 3 (phụ trách địa bàn huyện Hà Quảng, Cao Bằng) luôn nỗ lực công tác, phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại, giữ bình ổn thị trường.

Lợi dụng sự hạn chế cư dân biên giới, tại thị trường Hà Quảng một số đối tượng kinh doanh cố tình đưa hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào thị trường tiêu thụ. Trong năm năm 2017 và thời điểm đầu năm 2018, đội QLTT số 3 đã kiểm tra, kiểm soát trên 200 vụ vi phạm hành chính, buôn lậu, gian lận thương mại, thu nộp ngân sách khoảng 100 triệu đồng, trong đó, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên  44 triệu đồng, tổng trị giá hàng tịch thu thanh lý trên 50 triệu đồng…

Trao đổi với phóng viên, ông Nông Đức Giang - Đội trưởng Đội QLTT số 3 cho biết: Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ hàng đầu, Đội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên thị trường; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, lực lượng QLTT tham mưu, đề xuất với UBND huyện nhiều biện pháp trong công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại cho các tổ chức và cá nhân.

Nhờ chủ động trong công tác quản lý, kiểm soát thị trường, các hoạt động kinh doanh trên địa bàn những năm qua phát triển ổn định, giá cả không có biến động, hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

HÀNG VIỆT 

Đắk Nông: Xây dựng nhãn hiệu “cà phê Đắk Mil”

Được đánh giá là huyện có diện tích canh tác cà phê lớn, sản lượng, chất lượng cao bậc nhất tỉnh Đắk Nông, Đắk Mil đang xúc tiến xây dựng nhãn hiệu cà phê chất lượng và uy tín.

Hiện nay, toàn huyện Đắk Mil hiện có hơn 21.000 héc-ta cà phê với sản lượng trung bình 50.000 tấn/năm. Mặc dù đóng góp phần lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương nhưng thời gian qua, cây cà phê chưa phát huy hết tiềm năng về sản lượng, chất lượng. Quá trình phát triển không theo quy hoạch và quy trình sản xuất, chế biến cà phê lạc hậu dần dần làm giảm năng suất, chất lượng cà phê Đắk Mil.

Để vực lại lợi thế vốn có của loại nông sản này, những năm gần đây, UBND huyện Đắk Mil đã triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con về kỹ thuật canh tác, ngành nông nghiệp địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan vận động bà con thay thế những vườn cà phê già cỗi bằng những vườn cà phê “trẻ”, có năng suất và chất lượng tốt hơn. Đồng thời, tiến hành xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “cà phê Đắk Mil”. Cuối năm 2017, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đắk Mil đã liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “cà phê Đắk Mil”.

Với những động thái này, hy vọng trong tương lai không xa, nhãn hiệu “cà phê Đắk Mil” sẽ không chỉ phát triển mạnh ở trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương.

Bắc Giang: Bưởi Hiệp Hòa được cấp nhãn hiệu bảo hộ

Hiện diện tích bưởi toàn huyện (chủ yếu giống bưởi Diễn) khoảng 340 héc-ta, trong đó có 180 héc-ta bưởi đã cho thu hoạch, tập trung ở các xã: Lương Phong, Đoan Bái, Hùng Sơn, Ngọc Sơn và Danh Thắng. Thu nhập mỗi héc-ta đạt 380 - 500 triệu đồng.

Năm 2016, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện dự án khoa học cấp tỉnh “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang”. Sau gần 2 năm triển khai dự án, đến nay, bưởi Hiệp Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Bưởi Hiệp Hòa”. Mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa đã tổ chức Lễ công bố, đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bưởi Hiệp Hòa. Toàn huyện có 30 hộ thuộc 5 xã trên đủ điều kiện cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Sau khi sở hữu nhãn hiệu chứng nhận, Ủy ban Nhân dân huyện Hiệp Hòa tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy trình, quy chế đã được ban hành, vận động người dân tham gia sử dụng nhãn hiệu hiệu quả. Bên cạnh đó, thành lập mới các hợp tác xã để mở rộng diện tích; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi; truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn nhãn hiệu. Triển khai các kế hoạch phát triển thị trường, tăng cường quảng bá, liên kết sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm.

Cây bưởi được trồng tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) cách đây khoảng 20 năm đã khẳng định vị thế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)