Thông tin giá cả thị trường số 16/2018

02:04 PM 18/04/2018 |   Lượt xem: 4391 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bắc Kạn: Liên kết tiêu thụ quả mơ

Mặc dù có diện tích và sản lượng mơ rất lớn nhưng sản phẩm trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn chủ yếu được tiêu thụ thông qua các thương lái nên giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, ảnh hưởng đến tâm lý người trồng.

Đầu năm 2018, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã triển khai xây dựng khu nhà xưởng tại Khu công nghiệp Thanh Bình trên quy mô diện tích 1,4 héc-ta với công suất 2.000 tấn/năm. Theo kế hoạch, công ty sẽ thu mua, chế biến nông sản, rau quả như mơ, mận, gừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh Tây Bắc. Điều này mở ra cơ hội lớn cho người trồng mơ trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Chợ Mới nói riêng.

Tại huyện Chợ Mới, sau khi khảo sát về vùng đất, chất lượng, kỹ thuật canh tác, thu hái quả mơ tại xã Cao Kỳ, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã đồng ý ký hợp đồng với người dân để thu mua toàn bộ sản phẩm quả mơ của xã Cao Kỳ trong thời hạn 5 năm liên tục với giá thấp nhất là 8.000 đồng/kg và không hạn chế về số lượng. Tuy nhiên, công ty cũng yêu cầu người dân phải bán sản phẩm đủ tiêu chuẩn, không dập nát, không thối, không sâu bệnh. Đến nay, có khoảng 50 hộ dân ký hợp đồng bán quả mơ cho công ty với sản lượng tương đối ổn định. Chính quyền xã vẫn đang tiếp tục vận động các hộ tham gia ký hợp đồng. Cao Kỳ là một trong những xã của huyện Chợ Mới có diện tích mơ lớn, cây mơ được trồng nhiều ở các thôn như: Chộc Toòng, Hua Phai, Bản Phố, Tổng Tàn... trên diện tích bãi đồi, khe đá vì những vị trí này cây dễ thích nghi và phát triển. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ cây mơ vì dù giá có thấp thì người dân vẫn có lãi. Có những năm, giá bán mơ chỉ được 3.000 đồng/kg, nhưng vẫn cho thu nhập cao hơn so với lúa, ngô.

Hiện nay, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng cùng các công trình phụ trợ khác, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đang triển khai thu mua quả mơ tại xã Cao Kỳ. Phía công ty đã đặt 3 điểm thu mua tại thôn Hua Phai, Bản Phố và mua mơ của người dân với giá 15.000 đồng/kg. Đây là mức giá tương đối cao so với trung bình các vụ mơ trước. Bởi theo tính toán, với giá thu mua thấp nhất là 8.000 đồng/kg thì người trồng mơ sẽ thu về khoảng 160 triệu đồng/héc-ta. Như vậy, việc người dân hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp sẽ giúp quả mơ có đầu ra ổn định, bền vững. Bà con không bị thiệt thòi, không bị tư thương ép giá và không lo sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho người trồng mơ tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vươn lên làm giàu.

Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng công suất 2.000 tấn/năm của Công ty TNHH Việt Nam Misaki, tới đây huyện Chợ Mới sẽ quy hoạch xã Cao Kỳ, Hoà Mục thành vùng trồng cây mơ tập trung với diện tích phù hợp. Ủy ban Nhân dân huyện Chợ Mới cũng chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc, thu hái bảo đảm quả mơ đạt chất lượng cao.

Tiếp sau quả mơ, huyện Chợ Mới sẽ làm việc với Công ty TNHH Việt Nam Misaki để triển khai việc thu mua củ gừng non trên địa bàn theo hướng ký kết hợp đồng giống như tiêu thụ quả mơ hiện nay. Hy vọng sự thành công của mô hình liên kết tiêu thụ này sẽ mở ra một hướng đi mới cho người nông dân. Trong tương lai sẽ có thêm một số loại củ, quả nữa như mận, gừng cũng được liên kết tiêu thụ tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa phát triển.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cà Mau: Giá keo lai tăng cao

Do cây keo lai tăng giá nên thời điểm này các chủ rừng và người dân trên lâm phần rừng tràm đang đẩy nhanh tiến độ khai thác.

Nếu như năm 2017, giá 1 héc-ta keo lai dao động từ 160 đến 180 triệu đồng, thì nay đã tăng lên từ 200 đến 260 triệu đồng/héc-ta. Với mức giá này, mỗi héc-ta người dân thu lãi gần 80 triệu đồng. Nguyên nhân khiến cây keo lai tăng giá là do thị trường đang có nhu cầu lớn.

Trước tín hiệu vui này, nhiều hộ dân trên lâm phần rừng tràm đang mở rộng diện tích trồng keo lai ở các bờ bao, vườn tạp với kỹ thuật trồng mới sau 3 năm sẽ khai thác thay vì chu kỳ 5 năm như trước đây.

Thực tế cho thấy, cây keo lai đang chiếm lợi thế phát triển tại Cà Mau do hợp chất đất, cho thu nhập cao. Thậm chí, cây keo lai đang lấn dần cây tràm vì tràm hiệu quả kinh tế thấp. Chu kỳ khai thác keo lai chỉ cần từ 4 - 5 năm, thậm chí với kỹ thuật trồng mới chỉ cần sau 3 năm trong khi tràm từ 7 - 8 năm. Tính chi phí cho một chu kỳ sản xuất thì cây keo lai cao hơn cây tràm không nhiều nhưng doanh thu cao hơn gần 3 lần, lợi nhuận cao hơn gần 2 lần.

Theo Đề án tái cơ cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020 về rừng trong vùng hệ sinh thái ngọt thì chỉ tiêu được xác định là: Tổng diện tích keo lai 12.000 héc-ta; tràm cừ, tràm Úc lên liếp thâm canh 13.000 héc-ta. Tuy nhiên, nếu so về hiệu quả kinh tế thì chỉ tiêu phát triển cây keo lai có khả năng cao hơn. Vấn đề quan trọng là phải giữ hài hòa quy mô phát triển hai loại cây này để kết hợp giữa truyền thống và du nhập mới. Bởi rừng tràm là cây bản địa có từ ngàn đời, gắn liền với đời sống của người Cà Mau. Quy hoạch giữ lại phần diện tích khá lớn cho cây tràm là trân trọng giá trị văn hóa, lịch sử và phát triển một phần cây keo lai nhằm cải thiện đời sống của người dân, tăng độ phong phú cho cây rừng Cà Mau.

Tây Nguyên: Bơ trái vụ giá cao

Hiện nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang tiến hành thu hoạch bơ trái vụ (bơ sớm vụ) với tâm lý phấn khởi vì bơ năm nay không chỉ được mùa mà còn trúng giá.

Theo thường lệ ở Tây Nguyên phải 2 tháng nữa mới đến mùa thu hoạch bơ chính vụ. Tuy nhiên, thời gian qua, bà con nông dân nơi đây đã đầu tư vào  trồng bơ trái vụ với 2 dòng chủ yếu là bơ sớm và bơ muộn. Mùa bơ trái vụ này, bà con nông dân nơi đây rất phấn khởi vì bơ được mùa mà giá lại cao hơn so với năm trước.

Theo đánh giá của bà con nông dân, năm nay, sản lượng bơ sớm vụ cao hơn mọi năm. Trung bình mỗi cây bơ lượng quả tăng từ 10 - 20% so với năm trước, trong đó khi đó giá loại bơ này lại cao. Hiện giá bơ trái vụ loại 1 đang ở mức từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, bơ loại 2 có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, bơ loại 3 có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg… Chính vì bơ trái vụ được mùa mà giá lại trúng như vậy đã khiến cho thị trường thu mua bơ trở nên náo nhiệt. Thương lái phải xuống từng địa phương để thu mua bơ.

Hiện nay Đắk Lắk có khoảng 5.000 héc-ta diện tích trồng bơ quy đổi, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Cư M’Gar, Krông Pắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’Leo, Cư Kuin... chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê. Đắk Lắk cũng là địa phương có diện tích, sản lượng bơ quả nhiều nhất so với cả nước.

Tại Tây Nguyên, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 4 được xác định là mùa thu hoạch bơ trái vụ. Từ tháng 5 đến tháng 6  được xác định là mùa thu hoạch bơ chính vụ.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bến Tre: Nghêu chết hàng loạt

Hiện nay, nghêu nuôi tại các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ba Tri và Bình Đại (tỉnh Bến Tre) xuất hiện tình trạng chết hàng loạt với tổng sản lượng thiệt hại khoảng 218 tấn, giá trị ước tính hơn 5,6 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, năm nào tới mùa nắng nóng cũng xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng hoạt do độ mặn cao. Cơ quan chuyên môn đã phối hợp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Cà Mau và các địa phương có nghêu chết tiến hành khảo sát để tìm nguyên nhân. Đoàn cũng đã khuyến cáo các hợp tác xã tiếp tục theo dõi sân, bãi, thu gom nghêu chết nhằm tránh lây lan. Đối với các bãi nghêu chưa có dấu hiệu chết nhưng có mật độ dày cần san thưa và di chuyển xuống vùng trung triều để hạn chế tình trạng nghêu chết.

Tây Ninh: Giá nhãn da bò tăng

Thời điểm hiện tại, giá nhãn trên địa bàn huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh ở mức từ 23.000 - 26.000 đồng/kg, có khi lên đến 30.000 đồng/kg và đang được nhiều thương lái tìm mua. Một số hộ gia đình lo ngại nhãn lại rớt giá đột ngột như mọi năm nên đã chọn giải pháp “bán mão” cho thương lái cả vườn nhãn với giá 30.000 đồng/kg. Thương lái thu mua nhãn cho biết, giá nhãn tăng cao đột ngột là do khan hàng trong khi thị trường Campuchia đang cần mua số lượng lớn.

Hiện nhãn được trồng tập trung ở hai xã Trường Hoà và Trường Ðông với diện tích gần 1.000 héc-ta, chủ yếu là nhãn tiêu da bò. Dù nhãn đang có mức giá cao nhưng nhiều nhà vườn vẫn chưa muốn bán vì hy vọng giá sẽ còn tăng. Tuy nhiên, theo nhiều người trồng nhãn có kinh nghiệm, việc “ghim vườn” là may rủi bởi giá nhãn có thể không tăng mà còn giảm xuống mức thấp hơn hiện tại.

Hậu Giang: Giá mít tăng kỷ lục

Nông dân trồng mít Thái ở các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A của tỉnh Hậu Giang đang có thu nhập cao do giá loại quả này tăng kỷ lục. Những năm trước giá mít dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, hiện đã tăng lên 38.000 - 40.000 đồng/kg. Do nhu cầu tăng nên thương lái Trung Quốc đến tận vựa để lựa mua mít rồi đưa lên xe container chở đi. Nhờ vậy mà bà con trồng mít lãi cao, có những trái to trên 20 kg bán được đến 1 triệu đồng.

Vài năm trước cam, bưởi chết vì bệnh xoắn lá nên các huyện, thị chuyển đổi cây trồng và có xu hướng chuyển sang mít. Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 750 héc-ta mít Thái. Đây cũng là loại trái cây giúp bà con nông dân có thu nhập cao trong thời gian gần đây.

Gừng trúng mùa, được giá

Năm nay, gừng được mùa lại được giá, nên nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thu nhập khá từ cây trồng này. Hiện gừng bán cho thương lái với giá 12.000 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó. Bản thân các hộ trồng gừng cũng không ngờ năm nay gừng được giá cao như thế này, trong khi năm trước chỉ bán được 6.000 đồng/kg. Bình quân 1 công gừng (1.000 m2) trồng khoảng 200kg gừng giống, cộng thêm tiền nhân công, phân thuốc thì tổng chi phí đầu tư khoảng 10 triệu đồng. Với sản lượng khoảng 2 tấn gừng củ/công, trừ chi phí đầu tư, nhà vườn còn lợi nhuận hơn chục triệu đồng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Giang: Khoai lang giá ổn định

Thích hợp với vùng đất cát của huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang từ nhiều năm nay, cây khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cây lúa, giúp nông dân nơi đây tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Huyện Châu Thành hiện có khoảng 180 héc-ta trồng khoai lang, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Lý Tây, Tân Lý Đông và Tân Hương. Trong đó, giống khoai lang bí được trồng chủ yếu. Do củ to, ngọt bùi nên khoai lang nơi đây được thị trường ưa chuộng.

Năm nay, khoai lang có giá cao và ổn định nên bà con tranh thủ thu hoạch sớm dù chưa tới lứa. Hiện các thương lái thu mua khoai lang loại 1 tại ruộng với giá 12.000 đồng/kg nên một số hộ gia đình thu hoạch khoai sớm hơn 1 tháng.

Dù giá còn bấp bênh, nhưng phải thừa nhận rằng cây khoai lang đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ khi chuyển sang trồng khoai, đời sống người nông dân có nhiều cải thiện. Đặc biệt, do có đầu ra tương đối ổn định nên bà con càng yên tâm trồng trọt.

Để hỗ trợ bà con nông dân, địa phương thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu, bệnh trên cây khoai lang, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Ngăn chặn đường giả, gian lận thương mại

Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có Công văn số 32/CV-HHMĐ gửi Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương và một số đơn vị liên quan về việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Cục Quản lý thị trường và một số đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6326/VPCP-V1 ngày 19/6/2017 về công tác chống buôn lậu thuốc lá và đường cát. Đồng thời, chỉ đạo chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường...

Trên thị trường, đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì, nhãn mác của các nhà máy, công ty đường trong nước. Đối với doanh nghiệp, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh mặt hàng đường, thường đóng bao 1 kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng…

HÀNG VIỆT 

Tây Ninh: Đưa hàng Việt về bản làng

Để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của đồng bào vùng sâu, vùng xa, ngành Công Thương tỉnh Tây Ninh đã có nhiều chương trình mang hàng Việt đến tận bản làng phục vụ bà con nơi đây.

Tây Ninh nằm ở phía Tây của vùng Đông Nam bộ, dân số hơn 1 triệu người, trong đó có 29 dân tộc anh em. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, những người anh em như Khmer, Chăm, Tà Mun Mường, Thái, Tày… đều sinh sống ở các vùng sâu, vùng xa và miền núi. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đa số còn khó khăn, vì thế việc mua sắm thụ hưởng những loại hàng hóa thiết yếu có chất lượng, giá cả mềm còn rất hạn chế. Để giúp đồng bào tiếp cận được với các mặt hàng nhu yếu phẩm chất lượng, giá rẻ, ngành Công Thương Tây Ninh đã tổ chức nhiều phiên chợ hàng Việt, nhiều chuyến xe bán hàng lưu động để phục vụ bà con và được nhiều người hưởng ứng.

Tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã có 6 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” được tổ chức. Tại phiên chợ lần thứ sáu được tổ chức vào tháng 10/2017, 37 doanh nghiệp với 42 gian hàng bày bán các sản phẩm nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, may mặc, dược phẩm, đồ dùng học sinh… “Hàng hóa tại phiên chợ do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với chất lượng cao, bán với giá khuyến mại nên được đông đảo khách hàng ưu thích. Dịp này gia đình tôi mua 6 món đồ dùng, giá chỉ bằng 2/3 ngoài chợ, toàn hàng đẹp và bền” - bà Điểu Thị Dung, ngụ tại khu vực gần Cửa khẩu quốc tế Xa Mát, huyện Tân Biên cho biết.

Tại phiên chợ, Ban Tổ chức còn trao tặng 30 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 30 phần quà cho những hộ nghèo với tổng giá trị 30 triệu đồng. Hầu hết người được nhận quà là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài tổ chức các chương trình về hàng Việt, Tây Ninh là địa phương tích cực thực hiện các chương trình đưa hàng hóa phục vụ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa. Trong năm 2017, siêu thị Co.op Mart Tây Ninh và Co.op Mart Trảng Bàng đã thực hiện 24  chuyến bán hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu 340 triệu đồng. Công ty Hùng Duy  mỗi ngày tổ chức 60 chuyến xe bán hàng lưu động với tổng doanh thu là 3,5 tỷ đồng, trong đó có 30 chuyến phục vụ các vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu là 1,1 tỷ đồng/ngày. Đại diện Công ty Hùng Duy cho biết, năm 2018, công ty sẽ tăng cường các chuyến  hàng về các bản làng ở khu vực miền núi, nông thôn để phục vụ đồng bào nghèo nơi đây.

Ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tây Ninh cho biết, ngoài yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các loại hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, bà con vùng sâu, vùng xa còn được mua hàng với giá giảm từ 5 đến 10% so với giá thị trường. “Ngành Công Thương Tây Ninh hiện đang tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp thực hiện đưa hàng về phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Kế hoạch này vừa giúp các nhà sản xuất quảng bá thương hiệu sản phẩm vừa phục vụ người dân mua được những món hàng Việt chất lượng, phù hợp với nhu cầu của họ” - ông Lê Thành Công cho biết thêm.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)