Thông tin giá cả thị trường số 17/2017

12:00 AM 17/05/2017 |   Lượt xem: 3551 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giải pháp căn cơ cho trái dưa hấu

Trước tình hình xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh lạng Sơn), giá giảm sâu, Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo về tình hình tiêu thụ và thị hiếu tiêu dùng dưa hấu tại thị trường Trung Quốc.

Sản lượng dưa hấu tại Trung Quốc đang tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, trong giai đoạn từ 2015 – 2020, mỗi năm Trung Quốc sẽ tăng thêm khoảng 1% (khoảng 2,2 triệu héc-ta) diện tích trồng dưa hấu, dưa lưới. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược sản xuất dưa hấu quy mô, diện tích lớn, cũng nhằm vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán mới thu hoạch khiến lượng cung ra thị trường tăng rất mạnh. Chính vì nguồn cung nội địa tăng mạnh dẫn tới giá dưa hấu trên thị trường giảm sâu. Diễn biến trên gây bất lợi rất lớn cho dưa hấu Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh dưa hấu Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của dưa Lào và Myanma. Không những bị cạnh tranh về giá, dưa hấu của Lào và Myanma có quả nhỏ vừa phải (trọng lượng chỉ từ 3 - 4 kg) được coi là phù hợp hơn với thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc.

Đây là cảnh báo giúp các doanh nghiệp, hộ nông dân chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh thời gian tới. Diễn biến vài tháng gần đây cho thấy, tình trạng dưa hấu chất đầy cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp giá dưa đang hạ thấp từ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Báo cáo của các đơn vị chức năng cửa khẩu Tân Thanh tháng 4/2017 cho biết, tại bãi kiểm hóa còn tồn đọng trên 120 xe container chở hàng ngàn tấn dưa hấu chờ xuất bán sang Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày có khoảng 300 xe ô tô tải cỡ lớn chở dưa hấu đến khu vực Tân Thanh, trong đó chỉ có khoảng một nửa được thông quan, số còn lại nằm chờ tại con đường dẫn đến cửa khẩu 3 - 4 ngày.

Các chuyên gia nhận định, do dưa hấu là cây ngắn ngày, dễ chuyển đổi diện tích và thường được đưa vào trồng tăng vụ xen kẽ với các loại nông sản khác nên khó xây dựng được quy hoạch vùng trồng. Do đó, nhiều địa phương trồng dưa bị trùng thời gian thu hoạch, sản lượng tăng cao đã không những tạo áp lực lên xuất khẩu, mà còn làm giá trị của mặt hàng nông sản này giảm mạnh.

Chính vì vậy, việc tổ chức kết nối cung cầu nội địa, đưa ra những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối mở rộng tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước mới là giải pháp căn cơ nhất để bảo đảm đầu ra ổn định cho mặt hàng nông sản này.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm cao, nông dân phấn khởi

Nông dân các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu long đã bắt đầu bước vào thu hoạch vụ tôm nuôi nước lợ năm 2017. Đầu vụ, giá tôm đang đứng ở mức cao khiến bà con nông dân rất phấn khởi.

Giá tôm đầu vụ cao, nông dân phấn khởi

Hiện nay, nguồn cung tôm nguyên liệu đang thiếu so với nhu cầu của các nhà máy do mới là đầu vụ, sản lượng thu hoạch chưa nhiều. Tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được thương lái thu mua tại chỗ với giá 245.000 - 250.000 đồng/kg, loại 40 con mức 200.000 - 220.000 đồng/kg. Loại tôm lớn từ 10 - 20 con/kg (nông dân thường gọi tôm cù) còn sót lại từ vụ nuôi trước có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Mức giá cao này được duy trì từ đầu năm cho đến nay và dự báo ít nhất còn kéo dài thêm 1 đến 2 tháng nữa, khi vào vụ thu hoạch rộ. Với mức giá này, người nuôi tôm lãi tới 60 - 70% do nuôi quảng canh, chi phí đầu tư thấp.

Tại Kiên Giang, do thời tiết tương đối thuận lợi nên các ao nuôi tôm đều đạt năng suất cao. Những hộ thả giống sớm đã bước vào thu hoạch từ thời điểm cuối tháng Ba. Tại Cà Mau, tỉnh có diện tích tôm nuôi lớn nhất trong khu vực, nông dân cũng đang bước vào thu hoạch tôm nuôi đợt đầu năm. Theo chia sẻ của người dân, tình hình nuôi năm nay cơ bản thuận lợi hơn cùng kỳ năm ngoái. Độ mặn không quá cao và nắng nóng không gay gắt, chính vì vậy, một số hộ thả nuôi thời gian vừa qua đã đạt hiệu quả khá tốt. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp tôm nguyên liệu đang thiếu hụt nên giá tôm vẫn duy trì ở mức cao. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con nuôi tôm.

Mặc dù tôm đạt năng suất cao nhưng hầu hết các nhà máy chế biến tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu để chế biến. Đối với những nhà máy lớn, nguồn tôm chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 50% yêu cầu thực tế. Trong khi đó, giá tôm nguyên liệu xuất bán của các nước cũng đang ở mức cao nên các doanh nghiệp không thể nhập khẩu tôm nguyên liệu như mọi năm. Hiện đa số các doanh nghiệp đang gom hàng để đảm bảo nhu cầu xuất khẩu.

Thận trọng khi thả tôm giống

Một số nơi, do năm nay nước mặn vào trễ và độ mặn thấp nên người nuôi vẫn đang chờ để thả giống. Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi – Thú y Kiên Giang, thời điểm này, nông dân nên thận trọng khi thả tôm giống.

Nguyên nhân do hiện nay, thời tiết xuất hiện những cơn mưa trái mùa gây biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi làm tôm dễ bị sốc, suy giảm sức đề kháng và mẫn cảm với tác nhân gây bệnh. Hơn nữa, chất lượng tôm giống bán trên thị trường cũng chưa được kiểm soát tốt nên nông dân dễ gặp rủi ro. Tốt nhất, bà con nông dân cần theo dõi các yếu tố môi trường, tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo của từng địa phương. Cần xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi. Không lấy nước trực tiếp từ kênh, rạch đưa vào ao nuôi mà cần phải qua ao lắng, diệt khuẩn trước. Khi có mưa lớn trái mùa, thường xảy ra hiện tượng xì phèn, vì vậy cần phải xử lý bằng vôi bột để cân bằng các yếu tố môi trường. Đặc biệt, vào thời điểm giao mùa, thời tiết rất phức tạp. Chính vì vậy, người nuôi cần cẩn trọng trong quá trình quản lý ao nuôi đối với các mô hình nuôi tôm quảng canh. Riêng đối với mô hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, bà con phải thường xuyên theo dõi các thông số môi trường để xử lý kịp thời. Sau khi thu hoạch đợt nuôi này, bà con nên cân nhắc việc thả nuôi tôm vụ tới, trong điều kiện nắng nóng và nhất là thời điểm giao mùa nhạy cảm.

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Giá chanh tăng mạnh

Những ngày qua, giá chanh tại các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre và TP. Cần Thơ tăng mạnh. Chanh có hạt và chanh không hạt được thương lái mua tại vườn với giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, tăng 8.000 - 9.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm. Nguyên nhân chanh tăng giá do ảnh hưởng của hạn mặn năm 2016 nên sản lượng chanh năm nay giảm khoảng 30%. Hơn nữa, mùa nắng là nghịch vụ của chanh, chi phí đầu tư chăm sóc cao hơn 40% so với vụ thuận, vì vậy giá tăng cao.

Những năm gần đây, diện tích trồng chanh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao do giá loại quả này khá ổn định. Mùa thu hoạch chanh rộ vào tháng Tư hàng năm. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên cây cho trái quanh năm, giúp bà con có thu nhập ổn định.

Bình Định: Bí đỏ được mùa, được giá

Vụ đông xuân 2016 - 2017, nông dân xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định trồng trên 20 héc-ta bí đỏ, tăng gấp đôi so với năm trước. Đến nay, bà con bắt đầu thu hoạch bí, năng suất bình quân khoảng 1 tấn/sào. Với giá bán trên 7.000 đồng/kg tại ruộng, cao hơn cùng vụ năm 2016 từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, bà con trồng bí đạt được lợi nhuận cao. Đặc biệt, vụ này, năng suất cao, thu hoạch đến đâu thương lái mua hết đến đó.

Tuy là xã thuần nông nhưng diện tích canh tác của xã Ân Phong chỉ có 530 héc-ta, nước tưới rất bấp bênh nên xã đã tập trung chuyển đổi cây trồng để tăng thu nhập cho nông dân. Riêng đối với cây bí đỏ, những năm trước chỉ sản xuất 2 – 3 héc-ta, năm 2016 nâng lên 10 héc-ta và vụ đông xuân này trên 20 héc-ta. Sau khi thu hoạch bí, nông dân sẽ chuyển sang trồng 2 vụ bắp hè và thu hoặc trồng lúa vụ hè, trồng bắp vụ thu.

Theo kinh nghiệm của bà con nông dân, bí đỏ dễ trồng, phát triển nhanh, thời gian sinh trưởng ngắn (70 - 75 ngày cho thu hoạch), sau thu hoạch có thể để hàng tháng mới bán mà quả bí vẫn không bị hỏng. Mặt khác, đây là cây trồng ít sâu bệnh, ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật nên chi phí đầu tư thấp, không ảnh hưởng sức khỏe đến người trồng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Yên Bái: Trồng lúa mỳ ở vùng cao

Từ cuối năm 2015, huyện Mù Cang Chải, (tỉnh Yên Bái) đã mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm 10 héc-ta cây lúa mỳ trên đất ruộng 1 vụ. Đây là lần đầu tiên một địa phương ở vùng cao Tây Bắc tiến hành trồng loại cây này.Kết quả trồng lúa mỳ khá khả quan, nên đến vụ đông xuân 2016 - 2017 này, diện tích lúa mỳ đã được mở rộng lên thành 20 héc-ta, tập trung ở các xã: La Pán Tẩn, Púng Luông, Nậm Khắt, năng suất đạt từ 5 - 6 tấn/héc-ta.Trong vụ sản xuất tới, huyện sẽ trồng khoảng 50 héc-ta cây lúa mỳ và tiếp tục tăng diện tích qua từng năm.Không những tăng thu nhập cho người dân địa phương, những vạt lúa mỳ vàng rực đã mang đến một màu áo mới cho ruộng bậc thang Mù Cang Chải, thu hút thêm khách du lịch đến với miền đất này.

Đồng Tháp: Năng suất và giá củ đậu giảm

Củ đâu (miền Nam gọi là củ sắn) được trồng nhiều chủ yếu ở các vùng đất cồn có nhiều phù sa của các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… Hiện nay, loại nông sản này đang vào vụ chính nhưng năng suất và giá đều giảm. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, trong vụ này, người dân địa phương trồng khoảng 70 héc-ta củ đậu, tăng 30 héc-ta so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở xã Thường Phước 1. Hiện nông dân thu hoạch củ đậu đạt từ 7 - 10 tấn/công (giảm bình quân khoảng 400 kg/công). Tuy nhiên, giá củ đậu bán tại ruộng chỉ 800 - 1.000 đồng/kg (giảm khoảng 2.000 đồng/kg) so với thời điểm đầu vụ nên người trồng củ đậu không có lãi. Nguyên nhân chính khiến giá củ đậu giảm mạnh là do thi trường Hà Nội và Trung Quốc không tiêu thụ. Hiện tại xã Thường Phước 1 con khoảng 30 héc-ta củ đậu chưa thu hoạch.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Cẩn trọng khi mua và sử dụng thịt gà đông lạnh

Gần đây, do thịt gà đông lạnh nhập khẩu về nhiều, giá rẻ nên các hộ đồng bào dân tộc ở tỉnh Hà Giang thường mua sản phẩm gà đông lạnh về chế biến. Tuy nhiên, nhiều cơ sở bày bán không đảm bảo yêu cầu, gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm cho bà con.

Bán gà nhà mua… gà đông lạnh

Đến chợ huyện Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), không khó để bắt gặp hình ảnh đồng bào cắp theo con gà tự nuôi xuống chợ bán. Giá bán mỗi ki lô gam gà khoảng 120.000 – 130.000 đồng. Do gà đồng bào nuôi tự nhiên, thịt thơm ngon, săn chắc nên rất dễ bán. Gà mang xuống chợ bao nhiêu, khách mua hết bấy nhiêu.Với số tiền bán gà nhà nuôi, đồng bào chỉ bỏ ra khoảng 35.000 – 40.000 đồng là mua được 1 ki-lô-gam đùi gà đông lạnh nhập khẩu. Do giá rẻ, đùi gà đã làm sạch, chế biến khá tiện lợi nên rất nhiều đồng bào chọn mua sản phẩm này. Không chỉ mua về để ăn trong gia đình, giờ đây, mỗi khi nhà có cỗ, có công có việc tập trung ăn uống đông người, bà con cũng tìm mua gà đông lạnh về để chế biến món ăn trong mâm cỗ. Ngoài đùi gà đông lạnh, nhiều cửa hàng còn bán cả chim đông lạnh, gà cả con làm sạch đã chặt đầu với giá dao động từ 35.000 – 40.000 đồng/kg.

Theo kết quả kiểm tra mới đây của đội liên ngành thành phố Hà Giang (bao gồm đại diện: Sở Y tế, Sở Công Thương, Chi Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang), các sản phẩm gà đông lạnh này chủ yếu được cung cấp bởi 3 doanh nghiệp phân phối ở thành phố Hà Giang là: Thành Gánh, Dân Huế, Sáu Luân. Cả 3 cơ sở khi kiểm tra đều đáp ứng yêu cầu, đảm bảo tiêu chí kinh doanh hàng đông lạnh với hóa đơn, chứng từ đầy đủ.

Tại các cửa hàng bán gà đông lạnh ở các chợ như: Săm Pun (huyện Mèo Vạc); Bạch Đích (huyện Yên Minh), Bát Đại Sơn (huyện Quản Bạ); chợ huyện Hoàng Su Phù, chợ xã Bản Díu (huyện Xín Mần), hầu hết các cửa hàng đều có tủ bảo ôn để bảo quản hàng, sản phẩm có bao bì, nhãn chính bằng tiếng nước ngoài (chủ yếu là đùi gà nhập khẩu từ Mỹ), nhãn phụ bằng tiếng Việt, cùng hóa đơn, chứng từ kèm theo.

Ngoài gà đông lạnh, gần đây, gà nuôi công nghiệp được chuyển từ dưới xuôi cũng xuất hiện khá nhiều ở các chợ biên giới Hà Giang. Với giá bán 60.000 – 70.000 đồng/kg, gà công nghiệp được nhiều quán ăn mua về để chế biến phục vụ khách hàng.

Nguy cơ từ việc bày bán không đảm bảo ATTP

Điều đáng nói là mặc dù các cửa hàng bán gà đông lạnh đều có tủ bảo ôn, nhưng khi bán, rất nhiều cửa hàng để trực tiếp thịt gà ra ngoài mẹt, rổ, chậu nhôm, chậu nhựa.

Với điều kiện bảo quản như vậy, các sản phẩm không thể đảm bảo “Có thiết bị duy trì nhiệt độ từ 0 – 500C” như yêu cầu đối với việc kinh doanh thực phẩm đông lạnh. Để qua mắt các cơ quan chức năng, đa phần các chủ hàng chỉ bày bán đùi gà, cá đông lạnh khi không có lực lượng kiểm tra. Thấy bóng của các lực lượng này, các sản phẩm trên lại ngay lập tức được cho vào tủ bảo ôn.

Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, ngoài việc bày bán không đảm bảo quy định an toàn thực phẩm đối với hàng đông lạnh, nhiều khi hàng bày từ sáng đến trưa bán không hết, chủ cửa hàng lại tiếp tục cho vào tủ bảo ôn để phiên chợ sau bán tiếp. Bên cạnh đó, nhiều bà con mua đùi gà xong cho vào gùi, túi xách rồi đi chơi chợ, ăn uống, có khi vài giờ sau mới về, có bà con đi xa 1- 2 giờ đồng hồ mới về tới nhà. Đây là lý do chính khiến các sản phẩm đùi gà đông lạnh có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe khi sử dụng.

Bà con nên lưu ý, nếu đi chợ mua các sản phẩm đông lạnh, chỉ chọn những sản phẩm được đựng trong tủ bảo ôn để đảm bảo gà được bảo quản đúng quy định. Nên mua các sản phẩm đông lạnh khi chuẩn bị ra về và khi về nhà nên chế biến ngay để đảm bảo sản phẩm không bị ôi thiu.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang: Ngọt thơm hương chè Shan tuyết

Quen thuộc với thương hiệu chè Shan tuyết Bắc Kạn, mộc Châu, ít ai biết rằng, chênh vênh trên những ngọn núi cao của huyện vùng núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, những búp chè Shan tuyết xanh non, mỡ màng vẫn ngày ngày ngậm sương, ngậm gió để vươn mình lớn dậy, mang lại nguồn lợi quý giá cho bà con.

Cây trồng quý

Sở hữu cái tên mang ý nghĩa là mảnh ruộng cuối cùng của tỉnh Tuyên Quang, huyện vùng núi Na Hang có khí hậu mát mẻ quanh năm, bốn mùa mây phủ. Thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện cho những gốc chè Shan tuyết tự do sinh trưởng phát triển, sau nhiều năm đã trở thành những gốc chè cổ thụ, dày đặc những búp xanh non mơn mởn vươn mình hứng sương, đón gió. Chè Shan tuyết đặc biệt thích nghi với núi rừng Na Hang nên cho chất lượng trứ danh: hương thơm, vị đậm, nước xanh ngát. Đặc biệt, do quá trình canh tác, thu hái, chế biến được thực hiện hoàn toàn sạch, không sử dụng hóa chất nên chè có hương vị tự nhiên, đặc biệt lôi cuốn. Từ những ngày chè Shan tuyết Na Hang chưa là sản phẩm hàng hóa, chỉ được gói trong giấy báo, không nhãn mác, không thương hiệu dành riêng tặng khách, giờ đây đã trở thành thức uống khiến không ít người ngạc nhiên vì vị ngọt và hương thơm khó cưỡng.

Tiếng lành vang xa, bắt đầu từ năm 2002, người dân nơi đây nhận thấy, bên cạnh việc sản xuất chè phục vụ cho cuộc sống hàng ngày thì nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, việc thu hái tự nhiên không đủ để cung ứng cho các lò sấy thủ công. Bên cạnh đó, nếu chỉ thu hái từ các cây chè có sẵn mà không có chủ trương bảo vệ, bảo tồn thì sẽ nhanh chóng làm suy kiệt chất lượng chè nên bà con đã tập hợp lại xây dựng tổ hợp tác để trồng và chế biến chè Shan tuyết thương phẩm. Hiện nay, ngoài diện tích chè cổ thụ tự nhiên, tính riêng ở 2 bản Phia Trang và Nà Cọn có khoảng 21 héc-ta chè Shan tuyết tự trồng cho thu hoạch thường xuyên, trong đó riêng bản Phia Trang có 17 héc-ta.

Với kỹ thuật ươm cây giống được thử nghiệm qua nhiều năm, đến nay, bà con đã biết được cách ươm và trồng cây sao cho sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, nhờ vào những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, cây chè phát triển rất tốt, chỉ sau 3 năm đã cao ngang đầu người và sau 5 năm đã có thể thu hái. Giống chè này cũng rất đặc biệt, dù có chặt hay đốn sát gốc thì những chồi mới cũng mọc lên mạnh mẽ. Vì vậy, hiện nay, gốc chè của các hộ dân đều duy trì độ cao khoảng 2 mét chứ không để thấp như các loại chè khác. Những lò sấy chạy bằng sức người, bằng điện máy nổ không ổn định cũng được thay thế bằng dây chuyền hiện đại, cho năng suất chế biến cao hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

Hướng tới xây dựng thương hiệu

Thực tế từ nhiều tỉnh lân cận đã có thương hiệu chè Shan tuyết như chè Shan tuyết Suối Giàng (Yên Bái), chè Shan tuyết Phìn Hồ (Hà Giang) cho thấy, đây đều là những thương hiệu đã tạo được dấu ấn trên thị trường, có một lượng khách hàng lớn và ổn định. Ấp ủ ước mơ xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Na Hang, những người dân nơi đây kỳ vọng, khi được đăng ký thương hiệu, chè Shan tuyết Na Hang sẽ được nhiều người biết đến, bà con thu được lợi nhuận lớn hơn. Phục vụ cho mục tiêu này, vừa qua, UBND huyện Na Hang đã xây dựng Đề án Phát triển cây chè đặc sản trên địa bàn huyện Na Hang đến năm 2020. Mục tiêu của đề là tiếp tục duy trì sản phẩm trà Shan tuyết đặc sản, sạch và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người làm chè, tạo sản phẩm chè an toàn, tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm chè, ứng dụng các biện pháp canh tác tiến bộ trong sản xuất để đảm bảo có nguồn nguyên liệu chè an toàn, xây dựng thương hiệu chè đặc sản Na Hang.

Với bà con người Mông và người Dao ở huyện vùng núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, từ lâu, chè Shan tuyết đã không chỉ là một loại thức uống mà còn được xem là một vị thuốc tốt cho sức khỏe và là món quà dành cho khách quý.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo

Đồng Nai là một trong những địa phương cung cấp nguồn thịt heo lớn nhất cho thành phố Hồ Chí Minh. Để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Theo đó, kể từ ngày 1/3/2017, toàn bộ heo nhập về thành phố phải đeo vòng nhận diện để việc truy xuất nguồn gốc được dễ dàng.

Hỗ trợ 50% phí mua vòng nhận diện

Cụ thể, người nuôi và bán heo vào thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm mua, đeo vòng truy xuất ở chuồng, sau đó kích hoạt vòng trước khi bán heo. Với quy định này, người chăn nuôi phải mất thêm 6.000 đồng để mua cặp vòng đeo chân cho heo và tốn thêm chi phí nhân công để thực hiện việc này.

Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo được triển khai thí điểm từ ngày 10/12/2016 và chính thức thực hiện trên toàn thành phố từ ngày 1/3/2017, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đề án có sự tham gia của 15 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi với gần 1.000 trang trại, 11 cơ sở giết mổ, có khả năng cung cấp 100% lượng tiêu thụ của thị trường thành phố.

Để hỗ trợ cho bà con chăn nuôi, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện (màu vàng) cho các trang trại, hộ chăn nuôi tham gia đề án, thực hiện đeo và kích hoạt vòng nhận diện khi xuất bán heo về thành phố trong thời gian 6 tháng, kể từ ngày 13/3/2017. Thành phố cũng giao Ban Quản lý đề án (Sở Công Thương) khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, nâng dần tỷ lệ đối tượng đăng ký tham gia kích hoạt thông tin truy xuất. Đồng thời, hoàn thiện quy trình quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm để triển khai vào giữa tháng 5/2017.

Các địa phương tích cực hưởng ứng

Thực hiện đề án này, tỉnh Bến Tre đã tổ chức triển khai 7 lớp tuyên truyền, tập huấn tại tỉnh và các địa phương có lượng heo lớn như: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành… Các đối tượng tham gia gồm: cơ quan ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện và các cơ sở chăn nuôi heo, cán bộ kiểm dịch thú y, các tổ hợp tác chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố. Đến nay, đã có 107 cơ sở chăn nuôi, 10 thương lái, 1 tổ hợp tác chăn nuôi heo đăng ký tham gia đề án.

Từ ngày 13/3/2017 đến nay, tổng lượng heo thực hiện đeo vòng nhận diện toàn tỉnh là 19.271 con với 180 xe ô tô là các phương tiện chuyên chở heo Bến Tre đi thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo phản ánh của một số địa phương, công tác phối hợp tuyên truyền về chủ trương này chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều cán bộ, người dân chưa hiểu hết nội dung Đề án Quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhất là các hộ chăn nuôi dạng gia đình rất khó tiếp cận. Mặt khác, do đề án chỉ hợp đồng thu mua đối với những hộ chăn nuôi có từ 100 con heo trở lên, nên các hộ nuôi nhỏ lẻ còn lúng túng không biết đăng ký ở đâu, cần có người đứng ra tổ chức liên kết thì mới ký được hợp đồng. Hiện các huyện đang tiếp tục triển khai thực hiện tuyên truyền đề án này sâu rộng đến người dân.

Tỉnh Đồng Nai là địa phương cung cấp trung bình khoảng 5.000 con heo/ngày cho TP. Hồ Chí Minh, chiếm khoảng 50 - 60% nhu cầu tiêu thụ. Hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai đã có mã số trang trại, được cấp giấy vệ sinh thú y và tập huấn chăn nuôi theo mô hình VietGAP. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng Đồng Nai thường xuyên kiểm tra và không phát hiện trường hợp có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Thực hiện đề án này, Đồng Nai cũng là tỉnh tham gia nhiều nhất với 420 trang trại chăn nuôi heo. Từ ngày 1/3/2017 đến 16/4/2017 đã có 112.000 con heo từ các cơ sở chăn nuôi của tỉnh Đồng Nai được kích hoạt thông tin truy xuất nguồn gốc trước khi vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)