Thông tin giá cả thị trường số 18/2017

08:30 AM 24/05/2017 |   Lượt xem: 4060 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cà Mau: Vực dậy vùng nguyên liệu mía Thới Bình

Huyện Thới Bình một thời là vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Cà Mau. Sau nhiều năm thăng trầm, nay vùng mía nguyên liệu này đang dần mất đi chỗ đứng bởi nhiều nguyên nhân.

Tự phát chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ở xã Trí Phải, từ trồng mía trước đây, hiện nay, nhiều bà con chuyển sang mô hình lúa - tôm, rồi chuyển sang trồng gừng khi mía mất giá. Vòng luẩn quẩn mía - gừng, gừng - mía quay đi, quay lại từ năm này qua năm khác, cây mía cho đến nay chưa lấy lại được vị thế của mình. Năm nào cây mía rớt giá thì năm sau nông dân lại chuyển sang trồng gừng và ngược lại. Năm nay giá mía tăng, khoảng 1.000 đồng/kg nên nhiều hộ trồng mía trở lại. Tuy nhiên, giá có cao thì người trồng mía thực tế cũng không lời được bao nhiêu bởi chi phí cho việc trồng mía cũng tăng cao.

Xã Biển Bạch Đông là một trong những xã có phong trào chuyển sang trồng gừng đầu tiên của huyện Thới Bình. Cuối năm 2014, diện tích mía của xã còn gần 160 héc-ta thì đến nay chỉ còn khoảng 90 héc-ta, phần đất đó chủ yếu chuyển đổi sang trồng gừng. Theo tính toán của các hộ dân, với diễn biến giá mía như năm trước chỉ từ 500 - 800 đồng/kg, người dân nơi đây không còn thiết tha với cây mía. Vụ thu hoạch, nhiều hộ đành nhìn mía khô chứ không dám thuê nhân công, vì sợ càng làm càng lỗ hơn. Để thu hoạch 1 tấn mía phải mất 200.000 - 250.000 đồng, nhưng chỉ bán được có 500.000 đồng, đó là chưa kể các chi phí phân bón, giống... Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã bỏ hẳn mía chuyển sang mô hình tôm - lúa hoặc trồng gừng.

Cần hình thành vùng nguyên liệu ổn định

Tỉnh Cà Mau đã có quy hoạch vùng nguyên liệu mía, có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng đến nay, nghề trồng mía vẫn bấp bênh. Đặc biệt, do không giải quyết được đầu ra nên việc ổn định, phát triển diện tích mía của địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Để phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tỉnh đã thông qua Quy hoạch Phát triển vùng mía nguyên liệu đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 ổn định tổng diện tích mía của tỉnh là 5.000 héc-ta, phấn đấu đến năm 2020 là 10.000 héc-ta. Riêng xã Trí Phải, nơi đặt nhà máy đường, có diện tích mía lên tới gần 2.000 héc-ta. Mặc dù quy hoạch là thế, nhưng thực tế thì diện tích mía đang ngày càng giảm. Tình trạng người dân đốt, phá bỏ mía do mất giá cứ diễn ra thường xuyên trên vùng nguyên liệu mía. Những năm gần đây trên địa bàn huyện Thới Bình đã có hàng ngàn héc-ta đất mía bị thay thế bằng mô hình tôm - lúa, trồng các loại hoa màu khác, trong đó có gừng.

Ðể vực dậy vùng nguyên liệu mía của tỉnh Cà Mau, cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành liên quan, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, đa dạng hoá phương thức canh tác, phát triển liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn. Các địa phương có nhà máy đường cần rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu cho phù hợp với quy hoạch tổng thể của cả nước và tình hình biến đổi khí hậu. Tổ chức lại sản xuất mía nguyên liệu theo hướng doanh nghiệp liên kết với nông dân, nông dân liên kết với nông dân để xây dựng các cánh đồng mía lớn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật thâm canh và cơ giới hoá. Tăng cường công tác khuyến nông cho cây mía, nhân rộng những mô hình sản xuất mía hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất đường cần phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy.

Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và chữ đường trong bối cảnh diện tích mía không tăng; đồng thời, chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của Nhà nước, để kết nối, hướng dẫn nông dân tiếp cận.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Mua sa mộc giống, tìm về Tả Nhìu

Hàng triệu cây sa mộc giống 1 năm tuổi, chất lượng tốt đang được cung cấp bởi đồng bào dân tộc Nùng ở xã Tả Nhìu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Nằm ở dưới dãy núi Tây Côn Lĩnh nên điều kiện tự nhiên của xã Tả Nhìu rất thích hợp cho việc ươm trồng cây sa mộc (còn được gọi là xa mu, sà mu, sa múc, thông mụ, co may, long len, thông Tàu). Nhiều năm nay, bà con ở thôn Vai Lũng, xã Tả Nhìu đã triển khai ươm trồng loại cây này để cung cấp cho các huyện trong tỉnh như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên.

Cây sa mộc do bà con ở Vai Lũng ươm cho tỉ lệ cây sống cao, cây có thể vận chuyển đi xa mà không ảnh hưởng tới khả năng sinh trưởng sau này…

Theo ông Sùng Diu Lìn, thôn Vai Lũng, người đã gắn bó với cây sa mộc gần trọn cuộc đời, sa mộc ưa ánh sáng, mọc nhanh so với một số loài cây lá kim khác, sinh trưởng tốt ở những nơi tầng đất dày, ẩm, nhiều mùn, thoát nước. Cây sa mộc hợp với khí hậu lạnh, còn gặp trời nắng nóng cây chỉ sinh trưởng chậm chứ không dễ chết.

Sau khoảng 20 năm trồng, cây sẽ cao trên 30 mét, đường kính có thể tới trên 20 cen-ti-mét. Thân cây tròn và rất thẳng. Gỗ sa mộc thơm, lõi màu vàng nâu hoặc đỏ nhạt, nhẹ, thớ thẳng bền đẹp, ít bị mối mọt, sâu nấm ăn hại, dễ cưa xẻ, bào trơn đánh bóng, có thể dùng đóng tàu thuyền, đồ gia dụng… Tinh dầu sa mộc dùng để chữa trị các vết thương, xây sát, thâm tím, đau thấp khớp. Sa mộc cũng là một trong những cây trồng hiệu quả để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở vùng núi phía Bắc…

Hiện, tại thôn Vai Lũng, các hộ ông Sùng Diu Lìn, Sin Văn Nghiêm, Cháng Văn Kính… đang có lượng lớn cây sa mộc do các hộ tự ươm, nay cây đã đến thời điểm có thể tách ra để trồng lấy gỗ. Giá sa mộc giao động từ 400 đến 500 đồng/cây.

Quảng Trị: Cây ném xóa nghèo

Xác định việc trồng cây ném trên đất cát trắng là một hướng làm kinh tế hiệu quả, chính quyền cùng nhân dân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Hiện nay, toàn huyện có tổng diện tích trồng ném gần 155 héc-ta, tăng 10 héc-ta so với cùng kỳ năm trước. Nhờ dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, lại được áp dụng nhiều kỹ thuật vào chăm sóc nên năng suất ném trung bình đạt 69 tạ/héc-ta và mỗi héc-ta cây ném cho thu nhập bình quân gần 150 triệu đồng.

Cây ném được trồng nhiều ở các xã như: Hải Dương, Hải Thiện, Hải Quế, Hải Ba, Hải Thọ, Hải Vĩnh, Hải Quy... Nhiều nhất là vùng sản xuất ném xen canh sắn với quy mô 52,5 héc-ta tại xã Hải Dương.

Vừa qua, nhãn hiệu ném vùng cát Hải Lăng đã được cấp giấy chứng nhận, tạo điều kiện, động lực cho người dân nơi đây mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây ném để góp phần xóa đói, giảm nghèo, vươn lên tích lũy làm giàu. Thời gian tới, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục khuyến khích bà con đầu tư cải tạo đất cát hoang hóa, mở rộng thêm diện tích trồng ném; đồng thời, tích cực hỗ trợ kỹ thuật để bà con phát triển sản xuất có hiệu quả hơn nữa.

Miền Trung là vùng đất rất thích hợp để trồng các loại gia vị như hành, tỏi, ớt…, đặc biệt là củ ném. Ở Quảng Trị, củ ném ngoài việc dùng làm gia vị xào nấu còn dùng nấu cháo ăn để giải cảm rất hữu hiệu.   

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Đồng Nai: Dâu An Phước được mùa, được giá

Dâu An Phước (ở xã An Phước, huyện Long Thành) là trái cây đặc sản được nhiều người tiêu dùng tỉnh Ðồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng.

Dâu An Phước bắt đầu cho thu hoạch từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5. Vào đầu vụ, giá dâu An Phước rất cao, từ 25.000 - 30.000 đồng/kg bán tại vườn, cao hơn dâu ở miền Tây từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

Theo các nhà vườn, năm nay, năng suất của trái dâu thấp hơn năm trước do thời tiết không thuận lợi. Dâu ở vùng này trái lớn, cơm dày và mùi vị dôn dốt, đậm đà hơn dâu từ miền Tây và các vùng khác. Tại Đồng Nai, cũng chỉ có vài ấp gần sông ở xã An Phước trồng được dâu có mùi vị thơm ngon, đặc trưng hơn những vùng khác.

Tiền Giang: Khoai mỡ cho thu nhập cao

Vụ đông xuân 2016 - 2017, nông dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang xuống giống được 316 héc-ta khoai mỡ. Đến đầu tháng 5/2017, bà con đã thu hoạch 100% diện tích với năng suất bình quân 11,2 tấn/héc-ta, sản lượng trên 3.500 tấn khoai thương phẩm.

Tân Phước là địa phương có vùng chuyên canh khoai mỡ tập trung duy nhất của tỉnh Tiền Giang với các xã có diện tích lớn là: Thạnh Hòa, Hưng Thạnh, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Đông... Cây khoai mỡ thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất nhiễm phèn vùng Đồng Tháp Mười, dễ trồng, năng suất cao và được thị trường ưa chuộng.

Vụ khoai mỡ năm nay, nông dân địa phương trúng mùa, trúng giá, cho thu nhập cao. Hiện các trà khoai sớm thu hoạch đầu vụ được thương lái thu mua 21.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi năm trước. Nhờ cây khoai mỡ mà các hộ gia đình có cuộc sống ổn định trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười.

Sơn La: Thương lái thu mua mận hậu tại vườn

Những ngày này, bà con nông dân huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang thu hoạch mận hậu sớm. Thời tiết thuận lợi, các thương lái thu mua tận vườn khiến bà con rất phấn khởi. Do mới là đầu vụ, sản lượng thu hoạch chưa nhiều, nguồn cung ít hơn cầu, nên giá mận hậu đầu vụ tại xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu cao gấp 3 - 4 lần so với chính vụ, đạt từ 42.000 đến 45.000 đồng/kg.

Phiêng Khoài là xã trồng mận hậu nhiều nhất huyện Yên Châu với 495 héc-ta đã cho sản phẩm, 38 hộ có thu nhập từ 100 đến 300/triệu đồng/năm từ bán hoa quả, trong đó mận hậu là chính. Đây là tín hiệu vui, tạo niềm tin cho người dân, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện chủ trương đưa cây ăn quả vào trồng thay thế diện tích cây ngô trên đất dốc ở xã vùng cao biên giới Phiêng Khoài.

 Nghệ An: Nông dân được mùa lạc

Hiện bà con nông dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã thu hoạch 700/2.700 héc-ta lạc vụ xuân. Điều đáng mừng là năng suất lạc đạt tới 6 - 7 tấn lạc tươi/héc-ta, tăng hơn vụ xuân năm 2016 khoảng 5 tạ/héc-ta.

Vụ xuân năm nay, Diễn Châu gieo trồng 2.700 héc-ta lạc, chủ yếu cơ cấu các giống lạc sen thắt truyền thống, L14, L23. Đến thời điểm này đã có gần 700/2.700 héc-ta lạc gieo trỉa sớm ở những vùng đất cát thuộc các xã: Diễn Phong, Diễn Hùng, Diễn Hoàng, Diễn Thành… đang được bà con thu hoạch. Lạc thu hoạch đầu mùa chủ yếu được bà con bán tươi ngay tại ruộng cho các tư thương với giá 14.000 đồng/kg. Ưu điểm của bán lạc tươi không chỉ được giá mà bà con còn đỡ được rất nhiều công trong việc tuyển lựa lạc, công phơi và bảo quản. Như vậy mỗi sào lạc xuân, bà con Diễn Châu thu từ 4  đến 5 triệu đồng.

Dự kiến đến hết tháng 5/2017, bà con nông dân Diễn Châu sẽ hoàn thành thu hoạch lạc vụ xuân. Thu hoạch đến đâu, tranh thủ độ ẩm của đất, bà con bước vào gieo trồng vừng, dưa hấu, rau màu các loại.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang: Chợ truyền thống phát huy hiệu quả

Những năm gần đây, dù mạng lưới siêu thị, cửa hàng bách hóa, cửa hàng tự chọn... phát triển mạnh mẽ, song chợ truyền thống vẫn có tầm quan trọng trong sinh hoạt của người dân vùng cao, mà ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang là một ví dụ.

Nơi giao thương và lưu giữ bản sắc văn hóa

Bắc Quang là huyện cửa ngõ của tỉnh Hà Giang với 2 thị trấn, 21 xã, 236 thôn, bản. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của địa phương, đến nay toàn huyện có 20/21 xã, thị trấn có chợ, trong đó, có 19 chợ phiên hoạt động hàng tuần, 2 chợ hoạt động hàng ngày. Số hộ kinh doanh cá thể cũng tăng nhanh với 1.551 hộ, trong đó có 574 hộ kinh doanh cố định. Hầu hết các chợ hoạt động 1 phiên/tuần và phát huy được hiệu quả, giúp bà con tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương như: cam, quýt, gia cầm, thủy sản... và đáp ứng tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa, đưa quá trình giao thương nông thôn vào nền nếp.

Mặt khác, các chợ này đã từng bước thay thế chợ tạm, chợ cóc hình thành tự phát, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, đưa hàng hóa đến các vùng dân cư. Đặc biệt, tại các phiên chợ, ngoài hoạt động giao thương còn có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc trên địa bàn.

Tiếp tục đầu tư, nâng cấp chợ truyền thống

Đến thôn Minh Tâm, xã Quang Minh vào thứ bảy, ngày diễn ra phiên chợ, chúng tôi ghi nhận, dù chợ thuộc địa bàn thôn Minh Tâm, gần trung tâm xã, nhưng không chỉ phục vụ nhu cầu của bà con trong xã mà cả người dân các xã lân cận cũng đến tham gia mua, bán. Chợ có đầy đủ các mặt hàng, từ thực phẩm đến nông cụ phục vụ sản xuất...

Được biết, từ tháng 5/2015, chợ bắt đầu được xây dựng với tổng vốn khoảng 400 triệu đồng, đến nay đã có trên 90 gian hàng, trong đó có 70 gian hàng lợp mái tôn, với tổng diện tích trên 3.000 m2.

Ông Nguyễn Tiến Chước - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh - cho biết, trước đây khi chợ chưa được xây dựng, vào những ngày trời mưa, phiên chợ trở nên lầy lội, người bán hàng phải cùng nhau dựng cột, lợp mái tạm nên hoạt động mua bán rất bất tiện. Còn theo ông Nguyễn Văn Nhâm - Phó trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bắc Quang - huyện nằm ở ngõ của tỉnh, có nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Đến nay, hạ tầng giao thông của huyện được đầu tư khá đồng bộ. Để giúp người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động giao thương buôn bán, huyện đã và đang tập trung đầu tư hình thành hệ thống chợ tương đối đồng đều ở các vùng, tạo điều kiện từng bước rút ngắn khoảng cách đời sống, kinh tế, xã hội giữa vùng thấp với vùng núi, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, do đặc thù là địa phương miền núi, nguồn lực còn hạn chế nên dù đã quan tâm đầu tư, song hệ thống chợ nông thôn ở Bắc Quang vẫn còn nhiều hạn chế, như: cơ sở vật chất còn kém, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, công trình phụ, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo....

Trong thời gian tới, để chợ nông thôn phát huy được tác dụng, huyện Bắc Quang đã xây dựng quy hoạch chợ bám sát điều kiện kinh tế, tập quán của người dân, hạn chế tình trạng xây dựng xong lại bỏ, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước cũng như tiền của nhân dân.

Với các chợ hoạt động có hiệu quả, huyện sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư theo hướng xã hội hóa. Đồng thời, vận động nhân dân chung tay xây dựng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Huyện cũng sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích các thành phần tham gia đầu tư xây dựng, lồng ghép với các dự án đầu tư của tỉnh để khai thác tối đa mọi nguồn lực.

HÀNG VIỆT

Thương hiệu “Na Chi Lăng” tiêu chuẩn VietGAP

Được di thực từ Hoài Đức (Hà Nội) lên Lạng Sơn đến nay đã hơn 30 năm, giờ cây na ấy đã có thương hiệu “Na Chi Lăng”. Do hợp với thổ nhưỡng nên na Chi Lăng có hàm lượng đường, chất dinh dưỡng cao, cùi dày, ít hạt, được người tiêu dùng ưa thích. Để tiếp tục giữ vững thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ, tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tăng về lượng và chất

Chi Lăng là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Lạng Sơn gồm 212 thôn bản, khu phố thuộc 19 xã, 2 thị trấn. Những năm qua, nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế vườn đồi, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày, huyện Chi Lăng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng na, vùng trồng ớt, vùng trồng gừng... Tính đến hết năm 2016, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên toàn huyện đạt 3.100 héc-ta, trong đó cây na chiếm khoảng 1.500 héc-ta.

Để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả na, những năm qua, huyện Chi Lăng đã phối hợp các cơ quan chức năng hướng dẫn cho người dân nơi đây thực hiện chăm sóc cây và quả na theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt. Trong đó, chủ động ngăn chặn sâu bệnh hại phát sinh trên cây na bằng biện pháp canh tác, bón phân, kỹ thuật đốn tỉa cành, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao năng suất chất lượng, tạo sản phẩm na sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, trong năm 2016, huyện Chi Lăng đã phối hợp xây dựng các mô hình điểm trồng na theo quy trình VietGap với 10,7 héc-ta tại khu vực Lân Ba Tài, thôn Minh Hòa, thị trấn Chi Lăng và 30 héc-ta tại khu vực Lân Giao, thôn Làng Ngũa, xã Chi Lăng.

Tính đến nay, tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của Chi Lăng đã đạt 40,7 héc-ta, với sản lượng trung bình đạt 370 tấn/năm. Tính cả năm 2016, tổng sản lượng na Chi Lăng đạt khoảng 15.000 tấn, mang lại giá trị kinh tế ước đạt 300 tỷ đồng.

Nâng giá trị thương hiệu

Để tiếp tục nâng cao giá trị thương hiệu na Chi Lăng, vụ na năm 2017, huyện Chi Lăng có chủ trương hỗ trợ những vùng trồng na VietGap bao bì đóng gói quả na. Trong đó, sẽ có hộp, túi giấy, thùng cát tông đẹp để phục vụ khách có nhu cầu mua biếu, làm quà tặng và các túi nylon, thùng cát tông, hộp xốp bình thường có dán tem nhãn để phục vụ khách mua tiêu dùng, kinh doanh với số lượng lớn. Thậm chí băng dính dùng để đóng gói cũng sẽ được in tem nhãn mác “Na Chi Lăng”. Đồng thời, tới đây, huyện sẽ xây dựng khu trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện thuộc địa phận xã Quang Lang để phục vụ du khách thập phương khi có dịp lên thăm Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, huyện Chi Lăng cũng như tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc na và định hướng nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm chuẩn hóa quy trình canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Tổ chức quản lý, sử dụng tốt nhãn hiệu tập thể chứng nhận na Chi Lăng… Đặc biệt, tại Hội nghị Phát động sản xuất na an toàn theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt năm 2017 diễn ra mới đây, huyện Chi Lăng đã ký kết nhiều biên bản  ghi nhớ hợp tác như: ký kết Biên bản ghi nhớ giữa UBND huyện Chi Lăng và Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ký hợp đồng hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất na VietGAP tại xã Quang Lang giữa UBND xã Quang Lang và Viện Bảo vệ thực vật; ký Biên bản ghi nhớ đầu tư, bao tiêu sản phẩm giữa Công ty CP Đầu tư và Xây dựng CMT Việt Nam với Tổ hợp tác sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP thị trấn Chi Lăng; ký cam kết sản xuất na an toàn năm 2017 giữa UBND các xã, thị trấn vùng trồng na của huyện Chi Lăng.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, chắc chắn giá trị thương hiệu “Na Chi Lăng” sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Chi Lăng.     

Nhằm giới thiệu, thu hút các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số cây ăn quả chủ lực, nhất là cây na, dự kiến vào tháng 7/2017 tại xã Quang Lang, huyện Chi Lăng sẽ diễn ra Ngày hội Na Chi Lăng cấp tỉnh lần thứ nhất.

CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Nghệ An: Xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu

Thực hiện Tháng cao điểm hành động vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, Đội Quản lý thị trường số 9, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Nhằm quản lý có hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu, thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 9, Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh rượu tại 3 huyện: Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Trong các đợt kiểm tra, Đội đã thu giữ 1.300 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, mặc dù trên địa bàn huyện Quỳ Hợp chưa có tình trạng  ngộ độc rượu nhưng để cảnh tỉnh người tiêu dùng, Đội cũng đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền cho người dân không nên dùng các loại rượu không rõ nguồn gốc; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, nhất là rượu nấu, rượu ngâm. Ngoài ra, Đội sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục các nhà hàng dịch vụ ăn uống để trên địa bàn không có tình trạng bị ngộ độc về rượu không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh và mọi người dân nêu cao ý thức và hành động có trách nhiệm nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.

Quảng Trị: Tiêu hủy số lượng lớn thuốc lá lậu

Đội Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Hướng Hóa và Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức tiêu hủy số lượng lớn thuốc lá lậu. Số lượng thuốc lá tiêu hủy lần này hơn 73.000 gói, chủ yếu là các nhãn hiệu: Jet, Hero, 555. Đây là số thuốc lá lậu được 3 đơn vị BĐBP tỉnh Quảng Trị, Cục Hải quan Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa phát hiện, bắt giữ từ đầu năm đến nay.

Thời gian qua, mặc dù các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, thu giữ số lượng lớn thuốc lá lậu, nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp.

Bình Định: Xử phạt doanh nghiệp kinh doanh bugi giả nhãn hiệu NGK

Mới đây, Vina CHG phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường Bình Định đã điều tra, phát hiện, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp có hành vi kinh doanh phụ tùng xe máy giả, cụ thể là bugi xe máy giả nhãn hiệu NGK.

Theo đó, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhân Mỹ bị phạt 8 triệu đồng vì hành vi bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu NGK thuộc sở hữu của Tập đoàn NGK Nhật Bản. Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhân Mỹ phải tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm, bao gồm 210 chiếc bugi mang nhãn hiệu NGK C5HSA và đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hoá vi phạm trong 2 tháng.

Trước đó, với sự hỗ trợ của Vina CHG - công ty cung cấp các giải pháp chống hàng giả toàn diện mang tính pháp lý - đại diện bảo vệ thương hiệu cho Tập đoàn NGK Nhật Bản tại Việt Nam, Chi cục QLTT An Giang cũng đã xử phạt một cơ sở buôn bán bugi giả nhãn hiệu NGK, phạt vi phạm hành chính hơn 7 triệu đồng.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)