Thông tin giá cả thị trường số 18/2018

09:43 AM 08/05/2018 |   Lượt xem: 4256 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu thụ nông sản: Đa dạng thị trường để giảm rủi ro

Nâng cao giá trị nông sản, đa dạng thị trường tiêu thụ…được xem là giải pháp căn cơ, đòi hỏi sự đồng lòng, đồng sức của nhà nước, doanh nghiệp và nông dân.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ yếu

Là hợp tác xã (HTX) chuyên về sản xuất, chế biến nông sản công nghệ cao, mỗi năm HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) sản xuất, chế biến gần 1.000 tấn nông sản, doanh thu đạt hơn 100 tỷ đồng/năm. Mặc dù rất tự tin với chất lượng sản phẩm của HTX nhưng anh Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX cho hay: Muốn bán giá tương xứng với chất lượng sản phẩm là không đơn giản, vì hàng Trung Quốc “đội lốt” rau quả Đà Lạt khá nhiều, giá lại rẻ hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng không phải ai cũng có kiến thức để phân biệt đâu là rau quả Đà Lạt, đâu là rau quả Trung Quốc?

Bên cạnh cái khó vì bị hàng Trung Quốc cạnh tranh, nhiều nông dân lại khổ sở bởi sản phẩm làm ra chủ yếu là xuất sang Trung Quốc, mà thị trường đông dân nhất thế giới này lại luôn “diễn biến khó lường”. Câu chuyện xoài, dưa hấu, thanh long, gừng… ùn tắc, đổ đống tại một số cửa khẩu sang Trung Quốc thời gian qua là những minh chứng cụ thể.

Nếu như năm ngoái, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 73,6% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, thì năm nay, con số này đã tăng lên 77,3%. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Tuy nhiên, thay vì phần lớn rau quả từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và không được dán nhãn xuất xứ như trước kia, tới đây, hoa quả Việt Nam khi xuất khẩu sang tỉnh Quảng Tây (một trong hai điểm trung chuyển cho hoa quả từ Việt Nam sang các tỉnh, thành phố của Trung Quốc) sẽ phải tuân thủ các quy định về nhãn mác xuất xứ; bao gồm: Tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh... Đây sẽ một rào cản với các doanh nghiệp vốn không phải tuân thủ nhiều tiêu chuẩn khi xuất khẩu nông sang thị trường Trung Quốc.

Thực tế, với sản lượng xuất khẩu luôn dẫn đầu, có thể nói doanh nghiệp và người nông dân nhìn thấy trước rủi ro nếu phía Trung Quốc áp dụng các quy định này.

Tìm đầu ra cho nông sản

Trước nỗi lo vì nông sản mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, có sức tiêu thụ mạnh nhất. Lợi thế của chúng ta là nước láng giềng, lại có những mặt hàng nông sản mà nước bạn cần. Việc một số sản phẩm của chúng ta bị ùn ứ là do tiêu thụ chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Đây là kênh không chính thống, cả ta và Trung Quốc đều không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không ký kết hợp tác giao thương nên khi Trung Quốc xiết chặt, chúng ta lập tức gặp khó khăn. Tới đây, để không bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cách duy nhất là chúng ta phải tích cực tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới.

Tại buổi đối thoại cùng nông dân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: Hiện, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn thiện chính sách, chỉnh sửa và bổ sung Nghị định 210 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tới đây, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn công tác bộ, ngành đi đâu phải lưu ý tới việc tìm thị trường, giới thiệu nông sản của Việt Nam. Quan trọng hơn cả là người nông dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Phải xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng, để làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đắk Lắk: Nghệ trồng tự phát khó tiêu thụ

Là xã thuần nông còn nhiều khó khăn của huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân luôn được chính quyền xã Ea Hu chú trọng.

Tuy nhiên, ngoài các cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu thì một số hộ dân đang đổ xô trồng một số cây như chanh dây, gừng, nghệ theo hướng tự phát. Và hậu quả là hiện tại, hàng chục héc-ta nghệ trồng tự phát của người dân đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua. Để lâu dưới đất thì củ bị hư, mà đào lên thì tốn công và cũng chẳng biết làm gì… Bao nhiêu công sức, tiền bạc bà con đầu tư trồng nghệ giờ đành “đổ sông, đổ bể ”.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Ea Hu có gần 10 héc-ta nghệ của các hộ dân chủ yếu là trồng xen cà phê, tiêu. Việc trồng nghệ trên địa bàn xã phần lớn là tự phát, mới diễn ra từ năm 2016 đến nay. Nguyên nhân chính khiến bà con đổ xô trồng nghệ là do các năm trước giá tăng cao, nhiều hộ gia đình đã giàu lên từ nghệ. Thậm chí, có thời điểm khan hàng, thương lái đến tận vườn thu mua và đặt cọc. Năm nay, thương lái thu mua nghệ với giá chỉ 3.000 đồng/kg nhưng không đến tận nơi mà yêu cầu người dân phải tự vận chuyển đến đại lý thu mua. Nếu tính chi phí thuê nhân công đào, sơ chế nghệ và vận chuyển, người dân lỗ nặng.

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã có giải pháp kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường thu mua nghệ cho bà con. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để bà con không mở rộng diện tích mà cần có những tính toán phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ trồng sen trên đất ruộng

Những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn các huyện Phú Vang, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế chuyển đổi trồng sen thương phẩm lấy hạt trên diện tích đất ruộng bạc màu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Những ngày này, các thửa ruộng, ô đầm dọc xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) nông dân đang tấp nập bón phân, vô nước cho các ruộng sen đang phát triển. Có mặt tại ruộng sen, nông dân Nguyễn Công (thôn 2, xã Vinh Thanh) cho biết: Với giá khoảng 40.000 đồng/kg hạt sen chưa bóc vỏ thì 1 héc-ta trồng sen cho thu nhập bình quân 80 triệu đồng/năm. Hiệu quả trồng sen cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Đầu ra của sản phẩm khỏi lo, đã có các thương lái đến tận hồ thu mua từ hoa sen, hạt sen, ngó sen cho đến củ sen. Từ những hiệu quả đó, địa phương đang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi tập tính canh tác trên diện tích đất trồng lúa bạc màu sang trồng sen. Ông Phan Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh chia sẻ, trồng sen là nghề truyền thống lâu đời ở Vinh Thanh. Chính quyền đang khuyến khích nông dân chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này.

Tại xã Hương Toàn (TX. Hương Trà), một số diện tích đất trồng lúa ở địa phương luôn bị ngập úng, bạc màu nên hiệu quả mang lại kém, lúa hay chết. Trước thực trạng đó, một số nông dân đi học hỏi các mô hình trồng sen và đã mạnh dạn đầu tư trên diện tích đất ruộng. Thực tế cho thấy, chi phí trồng lúa một sào tiêu tốn 1,8 triệu đồng, nếu đạt năng suất cao thì cho lãi khoảng 700.000 đồng. Trong khi đó, trồng sen với chi phí tương đương nhưng lại thu lãi từ 2,1 - 2,2 triệu đồng, gấp 3 lần trồng lúa.

Bên cạnh đó, ngoài giải quyết việc làm cho gia đình, việc trồng sen còn tạo thêm việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương. Tận dụng nguồn lao động dồi dào lúc người dân đang nông nhàn, một số hộ đã thuê thêm nhân công để thu hoạch sen và tách hạt.

Toàn xã Hương Toàn có hơn 20 hộ trồng sen với diện tích khoảng 7 héc-ta. Thời gian tới, xã có chủ trương mở rộng diện tích trồng sen thay lúa, dự kiến lên trên 15 héc-ta.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Điên điển mùa nghịch thu lãi cao

Tại Đồng Tháp và An Giang, thời gian qua, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng điên điển mùa nghịch. Được thị trường tiêu thụ mạnh, giá điên điển mùa nghịch bán cao gấp nhiều lần so với mùa thuận từ (tháng 7 đến tháng 11 hàng năm). Hiện bông điên điển được thương lái thu mua với giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, bán tại chợ 50.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 đồng/kg so với mùa thuận. Trên thực tế, điên điển trồng mùa nghịch thường cho sản lượng thấp, nên không đủ đáp ứng cho thị trường, vì đây là loại rau sạch. Bình quân mỗi công điên điển giúp nông dân thu lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/vụ.

Đồng bằng sông Cửu Long: Sầu riêng giảm giá

Sau thời gian tăng giá ở mức cao kỷ lục, tuần qua,  giá sầu riêng tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm mạnh từ 20.000 - 30.000 đồng/kg so với trước. Tại TP. Cần Thơ và nhiều tỉnh như: Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… các loại sầu riêng ngon, hạt lép đang được nhà vườn bán cho thương lái và các vựa thu mua ở mức 45.000 -  50.000 đồng/kg. Mức giá này nhìn chung vẫn còn khá cao, đảm bảo cho người trồng sầu riêng có được lợi nhuận. Theo nhiều tiểu thương và doanh nghiệp, gần đây sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số nước lân cận đã đẩy giá lên cao, nhất là khi nguồn cung sầu riêng có phần khan hiếm do bước vào các tháng nghịch mùa. Hiện nay, sầu riêng chính vụ tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu cho thu hoạch trái sớm, nguồn cung tăng, giá giảm. Tuy nhiên, đầu ra xuất khẩu trái sầu riêng vẫn đang rất tốt, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi với giá bán cao so với cùng kỳ nhiều năm trước.

Sơn La: Mận tam hoa được mùa, mất giá

Xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La đang vào mùa thu hái mận, nhưng vụ này giá mận giảm sâu khiến người dân lao đao. Hiện giá mận tam hoa mua tại vườn là 3.000 -  5.000 đồng/kg; những quả to, đạt tiêu chuẩn cũng chỉ có giá từ 15.000 – 18.000 đồng/kg. Mức giá này chỉ bằng khoảng một nửa của năm ngoái, nên ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế của các hộ gia đình. Đặc biệt, với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cây mận là nguồn thu chính của gia đình.

Nguyên nhân chính khiến giá mận giảm sâu là do tình trạng cung nhiều hơn cầu. Nhất là trong 2 năm trở lại đây, giá mận bấp bênh, khi tăng cao, khi xuống rất thấp khiến người trồng mận lao đao..

Quảng Nam: Ớt rớt giá

Ớt là cây trồng chủ lực trong vụ đông xuân tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Mặc dù ớt năm nay có năng suất cao nhưng giá ớt tươi liên tục giảm khiến nhiều hộ trồng ớt thua lỗ.

Đầu vụ, giá ớt tươi đạt 8.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm xuống chỉ còn 4.500 - 4.800 đồng/kg, trong khi mọi năm có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, hầu hết các hộ trồng ớt đều thua lỗ. Chưa kể nhiều lúc các điểm tập kết lại thường xuyên ngừng thu mua vì tiêu thụ chậm, nông dân giờ chỉ hái cầm chừng. Giá quá thấp nông dân cũng ngại hái, nhưng nếu không thu hái thì cây sẽ không ra quả nữa rồi hư hại dần cũng bỏ. Theo tính toán, mỗi ký ớt tươi phải bán với giá 10.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi. Với giá hiện nay nông dân chỉ huề vốn vì chi phí đầu tư, giống, nhân công rất cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ninh Thuận: Gia súc chết do nắng hạn

Tại tỉnh Ninh Thuận, dự báo mùa khô hạn có khả năng bắt đầu từ cuối tháng 4 và kéo dài đến tháng 8. Đây cũng là thời điểm đàn gia súc thường thiếu thức ăn và nước uống, gây suy dinh dưỡng, mất sức đề kháng.

Hiện các chủ trang trại chăn nuôi cừu đóng trên địa bàn xã Phước Trung, huyện Bác Ái  rất lo lắng bởi tình trạng thiếu nước đã khiến đàn cừu thiệt hại nặng. Chủ một trang trại chăn nuôi cừu quy mô trên 1.000 con tại khu vực thôn Đồng Dày cho biết, từ tháng 3 đến nay, số cừu chết của trại đã gần 100 con. Riêng đầu tháng 4 đến nay cứ trung bình mỗi ngày có 3 con chết, số cừu suy kiệt vẫn còn nhiều. Hiện nay, nhiều suối, ao, hồ vừa và nhỏ tại một số khu vực vùng tâm hạn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã khô cạn. Một số hồ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Hồ Ông Kinh đã hết nước; Phước Nhơn, Bàu Dôn, Tà Ranh, Suối Lớn… đều đã xuống dưới mực nước chết. Theo ngành nông nghiệp, dự báo đến cuối tháng 4 chỉ còn 11 hồ trong tổng số 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn đủ nước để phục vụ cho sản xuất vụ hè thu. Tình trạng thiếu nước có thể sẽ xảy ra tại một số khu vực tâm hạn của tỉnh.

Trước tình trạng này, chính quyền các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ, bảo quản thức ăn, phòng, chống thiệt hại cho đàn gia súc như: Tận dụng, thu gom phế phụ phẩm sau thu hoạch để dự trữ, bảo quản và chế biến làm thức ăn cho gia súc; Di chuyển đàn từ vùng khô hạn đến dọc các kênh Nam, kênh Bắc, dọc Sông Cái… để chăn thả. Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng vắc-xin cho gia súc theo đúng quy định, nhất là vắc-xin lở mồm long móng để tránh tình trạng xảy ra dịch bệnh mùa khô.

Dự báo, tình trạng khô hạn có thể tiếp tục gay gắt như mùa hạn năm 2014 - 2015 nên chính quyền các địa phương cần phối hợp thật chặt chẽ và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền. Người chăn nuôi cần thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chức năng để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Phát hiện hơn 1.000 gói cà phê chồn làm từ đậu nành, bắp

Thanh tra Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hoàng Phú An tại thôn Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa và phát hiện việc chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm; các nguyên liệu để trực tiếp dưới nền đất bẩn.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra  còn phát hiện có 1.200 bao cà phê mang nhãn hiệu Chồn Trắng Tuy Hòa, 500 gam/bao. Sau khi gửi mẫu cà phê này vào Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực miền Trung (Viện Pasteur Nha Trang) kiểm nghiệm cho thấy, sản phẩm không có thành phần cà phê theo công bố chất lượng, mà thay vào đó, thành phần chính là đậu nành, bắp, hương vị.

Sở Công Thương tỉnh đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh xử phạt hành chính cơ sở này về hành vi sản xuất hàng giả với mức phạt 200 triệu đồng. Đồng thời, đình chỉ hoạt động 12 tháng một phần cơ sở này và yêu cầu chủ cơ sở nộp lại số lợi bất hợp pháp trị giá 39 triệu đồng.          

HÀNG VIỆT 

Tiếp sức cho nông dân làm giàu

Thay bằng những ruộng sắn, ruộng mía kém hiệu quả ngày nào, nhiều diện tích đất ở huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang được phủ xanh bởi những vườn cam trĩu quả. Trái cam vỏ xanh, lòng vàng, mọng nước và thơm dịu của Bắc Tân Uyên nay đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Bà con chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật

Với khí hậu thuận lợi, đất đai phù hợp với cây có múi... nên chục năm trở lại đây, nhiều loại cây có múi, trong đó có cam sành, đã được người dân ở Bắc Tân Uyên đầu tư trồng theo mô hình trang trại quy mô lớn.

Để có được những trái cam sành quả mọng, lòng vàng, mùi thơm, vị ngọt pha chút chua dịu, người trồng cam ở Bắc Tân Uyên đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư nhiều tỷ đồng để lắp đường điện phục vụ hệ thống nước tưới nhỏ giọt, cuốc liếp, phủ bạt nhựa lên các liếp cam, giăng lưới để hạn chế ánh nắng... Ngoài ra, nhiều nhà vườn còn ứng dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất giúp cho vườn cây sinh trưởng tốt, chất lượng quả cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Với hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các mô hình sản xuất khác, đến nay, cam sành đã trở thành cây trồng mũi nhọn tại huyện Bắc Tân Uyên với diện tích trên 10.000 héc-ta, cho sản lượng 400.000 tấn/năm; tập trung ở các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm… Không chỉ tiêu thụ mạnh ở thị trường phía Nam, cam sành Bắc Tân Uyên nay đã được tiêu thụ tại nhiều thành phố lớn, trong hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối với giá bán từ 40.000 - 65.000 đồng/kg.

Nếu như chính vụ của cam Bắc Tân Uyên là tháng 9, tháng 10, thì với kinh nghiệm, sự khéo léo và nhạy bén, các ông Lâm Thành Thắm (Ba Thắm), ông Trần Thanh Có (Tư Có) ở xã Hiếu Liêm… đã nghiên cứu và mạnh dạn áp dụng phương pháp ép cây cho ra quả trái mùa, vào dịp hè nắng nóng, hoặc dịp Tết Nguyên đán... 

Từ lợi nhuận vài trăm triệu đồng/héc-ta, khoảng 4 năm trở lại đây, với mỗi héc-ta đất trồng cam trái vụ, nhiều hộ dân thu lãi tiền tỷ. Cây cam cùng nhiều loại cây có múi đã góp phần nâng cao đời sống, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu và tạo việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài địa phương với thu nhập ổn định từ 4,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Hiệu quả từ phát triển cây có múi còn giúp huyện Bắc Tân Uyên đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện có 5/10 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Áp dụng VietGAP để nâng cao giá trị

Để mở rộng đầu ra, mấy năm trở lại đây, huyện Bắc Tân Uyên đang chuyển đổi trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, người trồng phải tuân thủ theo 4 nguyên tắc “đúng thuốc”, “đúng lúc”, “đúng nồng độ và liều lượng” và “đúng cách”. Kết quả đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho thấy, các hộ tham gia dự án đều quan tâm, học hỏi cách sản xuất mới này và thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo VietGAP, đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu từ chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch, thông qua 4 tiêu chuẩn: Kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc. Bên cạnh đó, các hộ cũng quan tâm đến việc xử lý, thu gom, tiêu hủy bao bì, phế phẩm thuốc bảo vệ thực phẩm để giảm ô nhiễm môi trường. Cam sành trồng theo chuẩn VietGAP cho quả ngọt thanh, ruột vàng và mọng nước. Quả có vỏ dày xanh thẫm, hơi sần sùi, khi chín hơi ngả vàng. Cam trồng theo tiêu chuẩn này cũng có giá bán cao hơn hẳn nhờ được phân phối chủ yếu cho các hệ thống siêu thị.

Cùng với những vườn cam được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tháng 8/2017, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “cam Bắc Tân Uyên” cho tỉnh Bình Dương. Đây được xem như “giấy thông hành” để trái cam Bắc Tân Uyên có thêm cơ hội nâng cao năng suất và giá trị.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)