Thông tin giá cả thị trường số 19/2019

03:09 PM 14/05/2019 |   Lượt xem: 4543 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lai Châu:

Đào chín sớm tiêu thụ chậm

Đào chín sớm được bà con dân tộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu thu hoạch vào thời điểm đầu tháng 4 hàng năm. Năm nay, thời tiết nắng nóng đúng vào vụ thu hoạch khiến diện tích đào chín nhanh hơn so với những năm trước cộng với thị trường tiêu thụ gặp khó khăn nên số lượng đào bị tồn ứ ở vườn còn khá lớn.

Toàn huyện Tam Đường có trên 76 héc-ta trồng đào tập trung ở các xã: Giang Ma, Hồ Thầu, Tả Lèng, Nùng Nàng... Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây đào đã thực sự phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Với lợi thế không tốn nhiều công chăm sóc như lúa, ngô, cây đào cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng làm kinh tế mới cho bà con dân tộc. Đặc biệt, vụ đào sớm năm nay, thời điểm từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4, giá  đào chín sớm của huyện Tam Đường dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nay, khi toàn bộ diện tích đã vào chính vụ thu hoạch, giá đột ngột giảm chỉ còn 10.000 đồng/kg. Đặc biệt, diễn biến thời tiết nắng nóng càng khiến đào chính nhanh, không kịp thu hái, dễ thối rụng, ảnh hưởng giá thành. Thêm vào đó, do số lượng quả/cây bình quân đạt từ 50 kg đến trên dưới 100 kg nhưng khi cây ra hoa đậu quả, bà con không tiến hành tỉa quả nên chất lượng quả không đạt yêu cầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ế ẩm như hiện nay. Bên cạnh đó, mấy năm nay, khi nhận thấy hiệu quả từ cây đào chín sớm, nhiều hộ dân đã tự bỏ kinh phí đầu tư trồng nên diện tích tăng khá nhanh trong khi không có đơn vị nào liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trước tình hình này, ngoài bán cho thương lái, các hộ trồng đào tranh thủ thời gian vận chuyển về thành phố, huyện hoặc ngồi bán dọc tuyến quốc lộ 4D đoạn qua địa bàn xã. Dù vậy, số đào chín trên cây còn quá nhiều khiến bà con rất lo lắng. Tại các xã Giang Ma, Hồ Thầu, một số thương lái thậm chí còn ép giá khiến bà con điêu đứng. Toàn xã Hồ Thầu có 23,19 héc-ta đào, trong đó 13 héc-ta đã cho thu hoạch. Mặc dù đã tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng đến nay bà con cũng chỉ xuất bán được một nửa diện tích so với nhu cầu.

Để tránh tình trạng được mùa, mất giá, hầu hết bà con nơi đây đều có nguyện vọng được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu đào, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Huyện Tam Đường có 76,1 héc-ta đào, trong đó 21,1 héc-ta đào chín sớm đang vào vụ thu hoạch quả. Tổng sản lượng đào chín sớm của huyện đạt 253 tấn, tập trung ở 3 xã: Giang Ma, Hồ Thầu và Sơn Bình. Trước tình trạng đào chín nhanh và đồng loạt, người trồng đào không kịp hái bán, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã động viên bà con bình tĩnh tìm giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền xã làm tốt công tác truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút thêm nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết và đặt mua hàng nông sản sạch của bà con địa phương.

Hy vọng, với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, các hộ trồng đào của huyện Tam Đường sẽ sớm tiêu thụ được lượng đào còn lại. Đây cũng là bài học để bà con rút kinh nghiệm cho vụ thu hoạch năm sau, chủ động thu hái sớm vừa đảm bảo được giá bán mà không bị ép giá khi đào chín rộ.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Nghệ An: Dưa hấu được mùa, được giá

Những ngày này, bà con nông dân huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) phấn khởi ra đồng thu hoạch dưa hấu. Năm 2019, tuy diện tích dưa hấu của huyện giảm so với năm trước nhưng giá tăng cao, thương lái vào tận ruộng thu mua, bà con phấn khởi.

Nếu như những năm trước, giá dưa hấu chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg thì năm nay giá dưa lên đến 8.000 – 12.000 đồng/kg. Tránh tình trạng “được mùa mất giá”, năm nay, huyện Nghĩa Đàn trồng gần 400 héc-ta dưa hấu tập trung ở các xã: Nghĩa Yên, Nghĩa Lâm, Nghĩa Mai, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn… Trong đó, Nghĩa Sơn chiếm diện tích nhiều nhất với khoảng 70 héc-ta. Thậm chí, người dân ở đây còn thuê đất ở các xã lân cận và huyện Như Xuân, Thanh Hóa để trồng dưa. Xã Nghĩa Yên có 5 xóm được hưởng lợi nguồn nước tưới từ đập Khe Canh. Chính vì vậy, nhiều hộ đã mạnh dạn luân canh chuyển đổi trồng dưa hấu.

Điều mà các hộ trồng dưa phấn khởi nhất là thương lái đã đến tận ruộng thu mua dưa. Hộ gia đình anh Hoàng Công Hòa ở Làng Dừa trồng 3 sào dưa hấu. Với giá bình quân 8.000 đồng/kg, mỗi sào dưa gia đình anh thu về 20 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn một nửa. Nếu như mấy năm trước, gia đình anh phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra, thì năm nay dưa hấu được thương lái đến tận ruộng để đặt cọc trước.

Để bà con yên tâm sản xuất, năm nay, Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn đã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng trừ bệnh trên cây dưa. Nhờ vậy, năng suất tăng cao, sản lượng dưa ổn định, chất lượng, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua nhanh. Đặc biệt, rút kinh nghiệm các năm trước, UBND huyện Nghĩa Đàn chỉ đạo bà con nông dân trồng dưa theo từng trà, tránh trồng ồ ạt để tư thương ép giá.

Bến Tre: Giá dừa xiêm xanh tăng mạnh

Theo đà tăng của dừa khô, tuần qua, giá dừa xiêm xanh trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng mạnh. Dừa xiêm xanh là loại dừa tươi uống nước được thị trường ưa chuộng.

Dừa xiêm xanh được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 130.000 - 135.000 đồng/chục (12 trái), tăng 40.000 đồng/chục so với tháng trước. Ngoài ra, giá của các chủng loại dừa uống nước khác như: dừa dâu, xiêm đỏ, dừa lai… cũng từ 70.000 - 80.000 đồng/chục. Nguyên nhân chính dẫn đến việc dừa xiêm xanh tăng giá là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước trên thị trường tăng cao. Tuy nhiên, hiện nay, sản lượng dừa xiêm xanh cung cấp cho thị trường khá hạn chế, chỉ bằng phân nửa so với mùa thuận (từ tháng 8 đến sau tết). Do vậy, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã hướng dẫn, chuyển giao cho bà con nông dân kỹ thuật canh tác dừa xiêm xanh nhằm nâng cao năng suất cũng như sản lượng dừa trong các tháng nắng nóng.

Thậm chí, một số công ty đã chủ động ký kết hợp đồng với các nhà vườn để bao tiêu sản phẩm. Điển hình là Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong đã ký hợp đồng liên kết thu mua dừa tươi uống nước của các hộ nông dân với giá từ 130.000 - 135.000 đồng/chục. Việc ký kết này vừa giúp bà con yên tâm về đầu ra cho sản phẩm vừa nhằm đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu của công ty. Bởi trên thực tế công ty đã đầu tư nhà máy sơ chế dừa trái uống nước xuất khẩu tại huyện Châu Thành. Bước đầu, công ty liên kết với nhà vườn tiêu thụ dừa uống nước với diện tích khoảng 70 héc-ta. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 8 đến 10 container, tương đương khoảng 200.000 trái dừa tươi uống nước sang thị trường nước ngoài.

Diện tích trồng dừa của tỉnh Bến Tre hơn 72.000 héc-ta, với sản lượng dừa trái trên dưới 600 triệu quả/năm; trong đó, có khoảng 10% là dừa tươi uống nước, chủ yếu là dừa xiêm xanh.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Miền Trung: Lúa được mùa, giá cao

Nông dân miền Trung đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2019. Lúa được mùa, giá cao nhất từ trước tới nay nên bà con rất phấn khởi. Tại Thừa Thiên - Huế, bà con nông dân thu hoạch cơ bản xong lúa đông xuân, chủ yếu nhóm giống ngắn ngày và cực ngắn như HN6, ĐV108, Ma Lâm 48... Năng suất bình quân đạt 62 tạ/héc-ta, tăng 1,3 tạ/héc-ta so với năm trước, giá lúa cao hơn từ 500 - 700 đồng/kg so với lúa đông xuân 2018. Tại Quảng Trị, 11 hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân trên địa bàn tiên phong sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật để gieo trồng các loại giống lúa mới trong vụ đông xuân đã cho thu nhập bình quân 60 triệu đồng/héc-ta, trừ chi phí lãi bình quân 40 triệu đồng/héc-ta, cao hơn sản xuất lúa đại trà từ 15 - 20 triệu đồng/héc-ta. Nhiều HTX khác tại miền Trung nhờ áp dụng phương thức cải tiến hệ thống tưới tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao.

Bến Tre: Giá bò thịt và bò giống tăng cao

Giá nhiều loại bò giống và bò thịt ở tỉnh Bến Tre hiện tăng ít nhất từ 2 - 6 triệu đồng/con (trọng lượng khoảng 50 - 110 kg/con) so với cùng kỳ năm trước và đang ở mức khá cao, giúp người chăn nuôi bò phấn khởi. Hiện các loại bò giống lai có giá từ 20 - 26 triệu đồng/con (khoảng 6 - 7 tháng tuổi, trọng lượng từ 50 - 60 kg/con trở lên), bò lai cái có giá 12 - 18 triệu đồng/con. Trong khi đó, giá nhiều loại bò thịt (bò hơi) loại tốt đang được nhiều thương lái và lò giết mổ gia súc trong tỉnh thu mua với giá 18 - 18,5 triệu đồng/con bò khoảng 100 kg, tương đương với giá bò hơi ở mức 180.000 - 185.000 đồng/kg. Giá bò tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng và người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang tăng cường tìm bò giống về để tái bầy phát triển nuôi. Hiện nguồn cung bò thịt và bò giống tại nhiều địa phương cũng có phần hạn chế vì thời gian qua người dân giảm nuôi do giá thấp.

Cà Mau: Mở rộng vùng trồng bồn bồn

Cà Mau có hơn 100 héc-ta trồng bồn bồn nguyên liệu, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Nước và rải đều ở hầu khắp các địa bàn như Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Phú Tân… Dù từng bước mở rộng diện tích, song nguồn cung hiện không đáp ứng đủ nhu cầu. Từ khi được công nhận nhãn hiệu tập thể đến nay, sản lượng bồn bồn tiêu thụ tăng lên rõ rệt, phát huy giá trị hàng hoá. Nông dân ở nhiều nơi còn tận dụng mặt nước trồng cây bồn bồn để kết hợp nuôi tôm càng xanh, cá đồng và nhiều loài cá nước ngọt khác để nâng cao thu nhập. Vào thời điểm hiện tại, bồn bồn tươi bán sỉ giá khoảng 22.000 đồng/kg, tính bình quân 1 héc-ta bồn bồn cho thu nhập trên 120 triệu đồng.

Cà Mau đang xây dựng dự án mở rộng vùng trồng bồn bồn phù hợp với nhu cầu thị trường. Việc trồng và tiêu thụ phải đi theo chuỗi và nghiên cứu sử dụng phụ phẩm cây bồn bồn nhằm nâng cao giá trị loài cây này.

Đồng Tháp: Gần 1 tấn xoài chuẩn bị xuất khẩu sang Mỹ

Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang chuẩn bị xuất khẩu gần 1 tấn xoài Cát Hòa Lộc vào thị trường Mỹ. Để đảm bảo lô xoài đạt chất lượng xuất sang Mỹ, thời gian qua HTX, các thành viên và nhiều nông dân đã nỗ lực trong sản xuất xoài theo hướng an toàn, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học từ khâu xử lý ra hoa đến bao trái; ghi chép sổ sách, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó, các ngành chức năng huyện cũng đã tích cực hỗ trợ, xây dựng nhiều điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn, tập huấn quy trình sản xuất xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tính đến thời điểm hiện tại, HTX Xoài Mỹ Xương đã xuất khẩu trên 7,5 tấn xoài Cát Chu bao vàng sang thị trường Nga; trên 10 tấn gồm xoài Cát Chu, Cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan sang thị trường Mỹ và một số thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Qua đó, giúp thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn ra thế giới, được nhiều người tiêu dùng biết đến, đồng thời khẳng định được tư duy tiến bộ trong sản xuất trái cây và hội nhập quốc tế của người nông dân.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ninh Thuận: Heo đen – sản phẩm đặc thù

Heo đen là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, được nhiều nông hộ ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Vài năm trở lại đây, nghề nuôi heo đen đang có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt ở các xã miền núi.

Lựa chọn sản phẩm đặc thù ưu tiên xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi là cách làm tạo được sự khác biệt, nâng tầm thương hiệu mặt hàng thực phẩm sản xuất ở một số huyện vùng nắng gió cực Nam Trung bộ. Trong đó, Bác Ái và Thuận Bắc là hai huyện có số lượng heo đen lớn, chiếm trên 70% tổng đàn nuôi của tỉnh Ninh Thuận. Bà con ở đây chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống, bằng cách thả ngoài tự nhiên, tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, nên tạo được vị riêng biệt, với chất lượng thịt thơm ngon, không những đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra thị trường ở các tỉnh phía Nam. Năm 2018, heo đen Bác Ái - Thuận Bắc được tỉnh chọn là sản phẩm tiềm năng hướng tới sản phẩm đặc thù của tỉnh.

Từ thế mạnh, triển vọng heo đen mang lại, tháng 10/2016, Dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho heo đen Bác Ái và Thuận Bắc” triển khai, làm cơ sở quan trọng đưa thương hiệu heo đen vươn xa, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp mở rộng quy mô tổng đàn, nâng cao thu nhập. Đơn cử, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Sản xuất Tổng hợp nông nghiệp Phước Đại đóng góp tích cực trong việc nuôi và phát triển giống heo đen ở huyện Bác Ái. HTX đầu tư xây dựng 2 trang trại, với quy mô 200 con, mỗi năm xuất ra thị trường hơn 1 tấn thịt và cung cấp hàng trăm con giống cho thành viên và bà con trên địa bàn nuôi. Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ HTX xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho heo đen Bác Ái. Có thể nói, sản phẩm heo đen đang từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Đây là cơ sở để ngành chức năng, các địa phương sớm xây dựng tiêu chí, đưa heo đen vào danh mục sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Quảng Ninh: Liên tiếp bắt giữ hàng nhập lậu từ Trung Quốc

Liên tiếp trong các ngày đầu tháng 4/2019, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ 2 vụ nhập lậu với số lượng lớn hàng nhập lậu từ Trung Quốc. Tại khu 3, phường Hải Hoà, thành phố Móng Cái, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái bắt giữ xe tải mang biển số 22C - 032.15, vận chuyển 15.000 con gà giống không rõ nguồn gốc, do tài xế Trần Quốc Tuấn điều khiển. Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe Tuấn khai nhận vận chuyển thuê số gà giống cho một người không rõ tên tuổi, từ khu vực bờ sông biên giới về huyện Hải Hà (Quảng Ninh) để lấy 3 triệu tiền công. Lực lượng chức năng thành phố Móng Cái đã ra quyết định xử phạt lái xe Trần Quốc Tuấn 5 triệu đồng và tiêu huỷ số gà trên.

Trước đó, tại thôn Thán Phún, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Đồn Biên phòng Pò Hèn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) bắt giữ xe ô tô tải mang biển số 14C - 239.70, do tài xế Vi Văn Tuấn điều khiển, vận chuyển gần 4.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại và 1.480 chiếc bút lông trang điểm xuất xứ từ Trung Quốc. Đồn Biên phòng Pò Hèn đang hoàn thiện hồ sơ để xử phạt tài xế Tuấn và lên kế hoạch tiêu huỷ số hàng tang vật.

An Giang:

Bắt giữ số lượng lớn hàng nhập lậu từ Campuchia

Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã phối hợp với Đội Đặc nhiệm Phòng chống Ma túy và Tội phạm - Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang bắt giữ số lượng lớn hàng lậu gồm: Đường cát, nước ngọt, bột ngọt, sữa hộp, gỗ từ Campuchia về Việt Nam. Qua thống kê, tang vật thu giữ gồm 25 bao đường cát (loại 50 kg/1 bao); 320 lon nước ngọt hiệu Carabao; 120 chai nước ngọt xuất xứ Thái Lan; 110 hộp sữa đặc hiệu Teapot; 100 gói bột ngọt hiệu chữ Thái Lan; 16 khúc gỗ hương; 2 khúc gỗ căm xe (đã qua chế tác thành khúc đôn).

Hiện Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã lập biên bản tạm giữ số hàng hóa trên và hoàn chỉnh hồ sơ để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Hành tăm đặc sản xứ Nghệ

Hành tăm là đặc sản Nghệ An nổi tiếng với tên gọi khác là củ nén. Đây cũng là cây trồng giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình cho thu nhập cao

Giữa tháng 4, nông dân Đô Lương đã ra đồng thu hoạch hành tăm. Năng suất hành tăm vụ này bình quân đạt 5,2 tạ/sào, với giá bán 35.000 đồng/kg, tính ra mỗi sào cho thu nhập hơn 15 triệu đồng. Với mức thu nhập này, bà con rất phấn khởi. Để mở rộng diện tích, bà con nông dân đã thay đổi cách trồng truyền thống, mất thời gian mà năng suất thấp sang trồng theo phương pháp mới. Đó là toàn bộ diện tích thửa ruộng sau khi được làm đất, cày thành các luống, hành được gieo thành từng hàng thẳng. Cách làm này vừa đảm bảo ánh sáng cho cây phát triển, vừa dễ chăm bón và thu hoạch. Hành sau khi thu hoạch được tư thương thu mua đưa đi tiêu thụ ở thành phố Vinh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nội và các tỉnh miền Nam... Hành tăm ở Đô Lương năm nay ngoài trồng ở những cánh đồng lớn, nông dân còn trồng tận dụng ở những thửa đất nhỏ, không có nước để trồng lúa.

Hành tăm cũng có những vụ rớt giá, tuy nhiên, từ nhiều năm qua, cây hành ở Đô Lương đã đem về thu nhập tiền tỷ cho bà con nông dân. Lợi ích kinh tế từ trồng cây hành tăm đã thực sự cho thấy đây là mô hình thu nhập cao, tận dụng được cả những vùng đất cao cưỡng không chủ động nước trồng lúa.

Làm giàu trên đất cằn sỏi đá

Đặc biệt, trên diện tích đất cao cưỡng, đất trồng sắn, mía kém hiệu quả, bà con đã đồng loạt chuyển sang trồng hành tăm. Tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, nhiều hộ gia đình trước đây trồng ngô, mía nay đã chuyển sang trồng hành tăm, mỗi năm thu hoạch được gần 10 triệu đồng/vụ. Hiện Nghĩa Trung trồng hơn 10 héc-ta hành tăm, nông dân thu trên 1,5 tỷ đồng từ hành tăm/năm. Trong xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Trung đã phấn đấu nâng cao thu nhập cho người dân bằng việc chuyển đổi cây trồng và hành tăm là giống cây rất hiệu quả. Từ sản phẩm hành, người dân có thể bán củ tươi hoặc xay ra bán hành khô. Tính trung bình, mỗi héc-ta hành tăm có thể cho thu nhập đến 250 triệu đồng. Hiện nay, xã đang tiếp tục nhân rộng diện tích và nâng cao chất lượng để tạo thương hiệu cho sản phẩm hành tăm. Từ đó, đời sống của người dân đã từng bước được nâng lên.

Vùng đất cao cưỡng, cằn cỗi ở xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu trước đây thường thu hoạch thấp với các cây trồng như lúa, lạc, ngô thì nay đã đạt tới 300 triệu đồng/héc-ta nhờ cây hành tăm. Trong vụ tới, Diễn Minh sẽ nâng diện tích trồng hành tăm từ 7 héc-ta lên 10 héc-ta. Người dân Diễn Minh cho biết, hành tăm có nhiều công dụng. Đối với người dân biển, nấu con cá, canh hến, canh ngao, cháo ngao, cháo cá... đều phải có hành tăm để dậy mùi thơm. Đây cũng là gia vị truyền thống của người dân miền Trung. Còn theo thói quen của các tỉnh Bắc Trung bộ, nấu các món ăn người ta thường cho hành tăm vào phi thơm lên để món ăn có hương vị thơm hơn, nhất là các món cá kho, thịt kho, các món lươn thì phải có hành tăm mới đúng hương vị.

Với ưu điểm là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, rất phù hợp chất đất sỏi sạn nên người trồng hành tăm ở Nghệ An rất yên tâm với giống cây này. Nhiều năm qua, bà con đã xác định đây là cây trồng có thể làm giàu trên đất cằn sỏi đá.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)