Thông tin giá cả thị trường số 20/2018

02:25 PM 16/05/2018 |   Lượt xem: 4051 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển vùng nguyên liệu mía: Tập trung phát huy lợi thế vùng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành mía đường.

Cụ thể, đến năm 2020, diện tích mía đường ổn định 300.000 héc-ta, sản lượng mía trên 20 triệu tấn, sản lượng đường 2 triệu tấn; trong đó, đường tinh luyện 1,3 triệu tấn, còn lại đường trắng và đường khác. Trong giai đoạn này sẽ không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày. Đồng thời, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi.

Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy, cụm nhà máy có công suất trên 4.000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110 - 115 ngày/vụ. Các phế phụ phẩm từ bã mía để sử dụng sản xuất điện khoảng 5,5 triệu tấn/năm, chiếm 90% sản lượng bã mía từ sản xuất đường; sản lượng điện đạt 1,1 triệu kWh/năm; trong đó 20-30% điện lên lưới. Để sản xuất cồn từ rỉ mật, sẽ có từ 200.000 - 220.000 tấn/năm rỉ mật được sử dụng sản xuất cồn, chiếm 22 - 24% tổng lượng mật rỉ từ sản xuất đường, sản xuất ra được khoảng 70.000 lít/năm. Dự kiến khối lượng bã bùn được sử dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ khoảng 600.000 tấn/năm, chiếm 60% tổng lượng bã bùn từ sản xuất đường và đạt 350.000 tấn phân vi sinh hữu cơ/năm.

Đến năm 2030, giữ ổn định 300.000 héc-ta mía, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, chữ đường bình quân từ 12 - 13 CCS, sản lượng đường 2,5 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy đạt công suất từ 4.000 tấn mía/ngày trở lên. Khối lượng bã mía được tái sử dụng để sản xuất điện đạt 7 triệu tấn/năm, chiếm 91% tổng khối lượng bã mía sản xuất từ đường và sản xuất được từ 1.500 - 1.600 triệu kWh. Cùng với đó sẽ sản xuất được 100.000 lít/năm cồn từ mật rỉ; 500.000 tấn/năm phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn trong sản xuất đường.

Ngành nông nghiệp sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, cơ cấu lại ngành đường. Tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Cơ cấu lại sản phẩm chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các nhà máy đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường.

Về tiêu thụ, sẽ nâng cao vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các cơ chế kiểm soát giá thu mua nguyên liệu mía của nông dân; giá bán buôn đường của các nhà máy; giá đường xuất khẩu; giá bán đường trên thị trường nội địa. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường nhập lậu hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, cập nhật về thị trường đường thế giới.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ tuyển chọn, phục tráng giống mía tốt hiện có, khảo nghiệm nhập khẩu giống phù hợp, nghiên cứu phát triển giống mới có năng suất, chữ đường cao phù hợp với từng vùng miền và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2020, có 100% diện tích mía được trồng bằng giống từ cơ sở nhân giống của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch... giảm tổn thất sau thu hoạch; thực hiện quy trình thâm canh theo chiều sâu từ làm đất, chăm sóc, thu hoạch.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Kon Tum: Hom mì giống khan hiếm

Sau những trận mưa đầu mùa, bà con nông dân đang khẩn trương xuống giống vụ mì mới.

Năm nay, cùng với việc phải mua hom mì giống với giá cao, tình trạng khan hiếm nguồn giống cũng xảy ra khiến không ít nông dân không mua được giống để trồng. Tình trạng hom mì giống tăng giá, khan hiếm xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh Kon Tum, nhất là tại huyện Kon Rẫy và Đắk Tô. Nếu như năm ngoái, mỗi cây mì chặt ra được khoảng 10 hom, người dân chỉ phải mua trên 1.000 đồng thì vụ năm nay người dân phải mua từ 2.000 - 3.000 đồng.

Để trồng được 1 héc-ta mì người dân cần từ 12.000 đến 16.000 hom giống, tương ứng với số tiền phải bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Nếu không tự để được giống, cùng với việc phải mua với giá cao, người dân còn chịu nhiều rủi ro nhất là về chất lượng cây giống.

 Nguyên nhân khiến giá hom mì giống năm nay tăng đột biến là do người dân muốn thay thế giống KM94 nay đã thoái hóa và nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các nhà máy chế biến trên địa bàn đang thu mua mì nguyên liệu với giá khoảng 3.000 đồng/kg, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng là động lực khiến người dân tập trung trồng loại cây này.

Thực tế cho thấy, mặc dù có tổng diện tích vùng nguyên liệu tới trên 38.000 héc-ta với 8 nhà máy chế biến, song cây mì trong tỉnh vẫn đang phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm. Sự liên kết, hỗ trợ, ràng buộc trách nhiệm ở tất cả các khâu giữa người trồng mì, doanh nghiệp vẫn còn thiếu và yếu.

Cần Thơ: Hỗ trợ bà con nâng cao chất lượng vú sữa

Vú sữa là một trong những loại cây ăn quả có diện tích trồng khá lớn tại thành phố Cần Thơ. Để nâng cao giá trị loại trái cây đặc sản này, ngành nông nghiệp đang hỗ trợ nông dân sản xuất vú sữa theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, tiềm năng xuất khẩu trái vú sữa rất lớn do Mỹ và nhiều thị trường khó tính đã đón nhận loại trái cây này và cung không đủ cầu. Tuy nhiên, để tham gia tốt hơn vào thị trường quốc tế, nhà vườn cần đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và tuân thủ việc kiểm dịch thực vật.

Vì vậy, thời gian qua, Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giúp nông dân trồng vú sữa phát huy hiệu quả sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân áp dụng các quy trình, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động nông dân liên kết với nhau để hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Hiện Cần Thơ đã hình thành một số vùng trồng vú sữa tập trung trên địa bàn các xã: Giai Xuân, Nhơn Ái và Trường Long thuộc huyện Phong Điền. Nông dân trồng vú sữa tại một số tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện Phong Điền cũng được ngành nông nghiệp hướng dẫn và hỗ trợ sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ liên kết trồng vú sữa ấp Tân Hưng, xã Giai Xuân đã có 4,5 héc-ta vú sữa của 8 hộ dân được chứng nhận sản xuất theo VietGAP; Hợp tác xã (HTX) làm vườn Trường Thuận 1 ở xã Trường Long có 17,5 héc-ta cây ăn trái của 21 hộ dân sản xuất theo VietGAP, trong đó trồng vú sữa, mít, sầu riêng, nhãn, chanh, chôm chôm...

Tháng 4 vừa qua, để hỗ trợ nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ đã mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP ngay tại huyện Phong Điền để thuận lợi cho nông dân tại huyện tham dự lớp học. Các học viên đã được các giảng viên và chuyên gia cung cấp nhiều thông tin, kiến thức cụ thể về quy trình sản xuất trái cây theo hướng VietGAP và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt nói chung. Nông dân cũng được hướng dẫn cách sơ cấp cứu và sử dụng an toàn, hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp...

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng Tháp:  Cá điêu hồng giảm giá do cung vượt cầu

Giá cá điêu hồng tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp giảm chỉ còn 32.000 - 33.000 đồng/kg (loại 1), loại 2 có giá 24.000 - 25.000 đồng/kg. Mức giá này tương đương với giá thành sản xuất khiến nông dân nuôi cá điêu hồng lo lắng. Nguyên nhân do nguồn cung tại các tỉnh trong khu vực có dấu hiệu tăng trở lại sau thời gian giá ổn định ở mức khá cao. Nhiều chủ bè có cá tới lứa thu hoạch đồng loạt nên giá cá giảm.

Với giá cá điêu hồng bán tại bè hiện nay, sau khi trừ chi phí nuôi trong 6 - 7 tháng, bà con nông dân khi thu hoạch hòa vốn hay chỉ lãi khoảng 1.000 đồng/kg tùy kỹ thuật nuôi của từng hộ nuôi bè.

Quảng Nam: Giá dưa hấu lên xuống thất thường

Những ngày này, dọc theo các trục đường dẫn vào ruộng dưa hấu tại các xã Tam Thành, Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam… các thương lái đang đổ về mua dưa hấu. Cảnh người hái, kẻ khuân vác, người cân… nhộn nhịp trên các cánh đồng. Hiện giá dưa hấu đạt 5.000 - 5.500 đồng/kg, sản lượng cao từ 1,5 tấn/sào khiến nông dân phấn khởi. Trong khi đó, tuần trước dưa hấu được thương lái thu mua với giá cao hơn là 6.000 - 6.500 đồng/kg. Tuy giá dưa vẫn ở mức có lãi nhưng lên xuống thất thường khiến người dân dù được mùa, được giá vẫn mang tâm thái lo lắng.

Diện tích trồng dưa vụ đông xuân 2017 - 2018 của 9 xã, thị trấn thuộc huyện Phú Ninh tăng lên 491 héc-ta, vượt hơn 91 héc-ta so với kế hoạch đề ra và năng suất bình quân ước đạt hơn 25 tấn/héc-ta.

Bình Tân (Vĩnh Long): Mở rộng diện tích trồng hoa huệ

Tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, bà con đang có xu hướng mở rộng diện tích trồng hoa huệ. Hiện bà con đã xuống giống được 2 héc-ta hoa huệ trắng, nâng lũy kế diện tích hoa huệ lên 80 héc-ta, so cùng kỳ nhiều hơn 44 héc-ta. Sở dĩ, diện tích trồng hoa huệ trắng tăng nhanh là do bà con ở tỉnh Đồng Tháp canh tác hiệu quả mô hình này, nên sang ấp An Thới, An Phước (xã Tân An Thạnh) thuê đất để mở rộng diện tích.

Hiện hoa loại 1 được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 4.000 đồng/bông, các loại còn lại cũng có giá khoảng 2.000 đồng/bông. Đặc biệt, những ngày lễ, tết, ngày rằm, mồng 1 hoa huệ bán rất chạy, có khi không đủ cung ứng. Sau khi trừ hết chi phí như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, tiền thuê đất, mỗi công cho lợi nhuận từ 100 - 114 triệu đồng/năm. Mặc dù trồng hoa huệ không phải là mô hình mới nhưng giúp nông dân Bình Tân ổn định cuộc sống.

Miền Bắc: Giá lợn hơi tăng

Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi đang có mức phổ biến từ 37.00 - 40.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg. Nhiều địa phương như: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Ninh Bình… giá heo ở mức tương đối ổn định từ 38.000 - 40.000 đồng/kg. Nguyên nhân do nguồn cung vẫn đang khan hiếm. Tính đến thời điểm này, miền Bắc vẫn là khu vực có giá lợn hơi cao nhất cả nước, dao động từ 36.000 - 41.000 đồng/kg. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, số lượng lợn hiện tại của cả nước giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, một số tỉnh có mức giảm tổng đàn lợn lớn như: Thừa Thiên Huế giảm 16,1%, Trà Vinh giảm 15,4%, Vĩnh Long giảm 15,1%, Hà Tĩnh giảm 11,3%, Hòa Bình giảm 10,9%...

LƯU Ý- CẢNH BÁO

Huyện Lắk (Đắk Lắk): Nhiều rủi ro trong phát triển cây khoai lang

Những năm gần đây, cây khoai lang tại huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đang có xu hướng phát triển mạnh. Tuy hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cây lúa nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay, trên các cánh đồng ở huyện Lắk, nhiều diện tích lúa bấp bênh nguồn nước đã được người dân thay thế bằng cây khoai lang. Do hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa gấp nhiều lần nên người dân đổ xô đi trồng, lúc đầu chỉ vài chục héc-ta nhưng giờ đã lên đến vài trăm héc-ta. Thậm chí có nhiều hộ không chỉ chuyển đổi diện tích lúa của gia đình mà còn đi thuê đất ở nơi khác để phát triển cây khoai lang.

Tuy lợi nhuận từ cây khoai lang cao, nhưng người trồng khoai ở huyện Lắk cũng đang đối mặt với rất nhiều rủi ro vì khoai nhiễm các bệnh như: chết dây, nấm, héo xanh… Năm 2017 vừa qua, do mưa lụt kéo dài, nhiều diện tích khoai tại địa phương bị ngập, hư hỏng khiến nhiều hộ gia đình điêu đứng.

Vụ đông xuân 2017 - 2018 toàn huyện Lắk trồng 348 héc-ta cây khoai lang, nhưng các địa phương đã trồng lên 781 héc-ta, bằng 224,7% kế hoạch đề ra. Hiện nay, giá khoai lang củ thu mua tại ruộng đang ở mức khá cao, dao động từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do đầu vụ đông xuân 2017 - 2018 mưa nhiều nên nhiều diện tích còn ngập nước không xuống giống được, kéo theo nguồn cung khoai lang giảm. Do đây là cây trồng tự phát, huyện cũng chưa kêu gọi được người dân, doanh nghiệp liên kết để sản xuất nên thị trường cho loại cây này chưa ổn định, giá còn phụ thuộc vào thương lái.

Hiện Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Lắk đã khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng khoai ồ ạt mà chỉ trồng trên những vùng đất thích hợp, lựa chọn những giống khoai có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng…

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Thái Nguyên: Tăng cường quản lý thức ăn chăn nuôi

Hiện nay, trên thị trường, các loại thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ nhiều quốc gia khác nhau. Để hiểu về hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm đã khó, việc phân biệt hàng giả, hàng thật còn khó hơn.

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường các biện pháp nhằm quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đó, chỉ cấp phép sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho những cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Đặc biệt, đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra tại các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm, các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác và quá hạn sử dụng…

Hằng năm, Chi cục Thú y phối hợp với các lực lượng chức năng thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Năm 2017, đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; kiểm tra và lấy 10 mẫu thức ăn chăn nuôi của các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn gửi đi phân tích, xét nghiệm các chỉ tiêu dinh dưỡng; lấy 10 mẫu thức ăn kiểm tra chất cấm sử dụng trong chăn nuôi...

Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; sản xuất các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng và ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bà con hãy là người tiêu dùng thông thái, luôn biết lựa chọn sản phẩm thức ăn chăn nuôi có uy tín, không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác… Đặc biệt, bà con cần nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc trộn với thức ăn chăn nuôi; sử dụng thuốc thú y bừa bãi không theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

HÀNG VIỆT 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020: Cơ hội cho các đặc sản vùng, miền

Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (OCOP) thực hiện trên phạm vi cả nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm hàng hóa vùng, miền.

Những hiệu ứng tích cực

Trong cả nước, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” từ năm 2013. Từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay, Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm với hơn 200 đơn vị tham gia và trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về Chương trình OCOP.

Từ điển hình Quảng Ninh, Chính phủ đã quyết định nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Đến nay, cả nước có hơn 4.700 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm. Trong đó, nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.

Từ những sản phẩm sản xuất truyền thống, đơn thuần, tiêu thụ trong phạm vi hẹp, sau khi tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm đã có mẫu mã bao bì đẹp hơn, chất lượng tốt hơn, đặc biệt là ngày càng được người tiêu dùng ở nhiều địa phương tin dùng. Không ít sản phẩm đã bắt đầu xuất khẩu ra các nước trên thế giới.

Thành công của Chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ vào việc tăng thu nhập cho người dân, giúp nhiều địa phương hoàn thành tiêu chí số 10 (tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm) và tiêu chí số 13 (tiêu chí có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả).

Phát triển đa dạng các sản phẩm có lợi thế

Từ những kết quả đạt được của Chương trình OCOP, ngày 7/5/2018, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 -  2020.

Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình với tổng kinh phí dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn xã hội hóa.

Các sản phẩm và dịch vụ được phát triển trong Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 có nguồn gốc từ địa phương, hoặc được thuần hóa, đặc biệt là đặc sản vùng, miền. Sản phẩm OCOP được đánh giá theo 5 hạng, trong đó hạng 5 sao là cao nhất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Quyết định cũng xác định các nhóm hàng hoá, dịch vụ gồm: Thực phẩm, gồm: Nông sản tươi sống và nông sản chế biến; đồ uống, gồm: Đồ uống có cồn; đồ uống không cồn; thảo dược, gồm: Các sản phẩm có thành phần từ cây dược liệu; vải và may mặc, gồm các sản phẩm làm từ bông, sợi; lưu niệm - nội thất - trang trí, gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi, mây tre, kim loại, gốm sứ, dệt may... làm đồ lưu niệm, đồ gia dụng…

Với sự vào cuộc của Nhà nước, Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 sẽ có khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng. Đây được xem là động lực, là cơ hội, là điều kiện thuận lợi giúp nhiều sản phẩm hàng hóa, nhất là các sản phẩm của vùng nông thôn, miền núi Việt Nam, có cơ hội “cất cánh” để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Từ nay tới năm 2020, Chương trình OCOP sẽ thực hiện tiêu chuẩn hóa khoảng 2.400 sản phẩm hiện có; củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với hợp tác xã và doanh nghiệp; triển khai thực hiện từ 8 đến 10 mô hình làng văn hóa du lịch; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia…

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)