Thông tin giá cả thị trường số 20/2019

03:39 PM 21/05/2019 |   Lượt xem: 4109 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giá vải thiều Lục Ngạn sẽ tăng mạnh

Khác với mùa vải thiều bội thu của năm 2018, năm nay, sản lượng vải thiều huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang có xu hướng giảm. Người dân vùng chuyên canh vải đang thấp thỏm lo lắng về tỷ lệ đậu quả và giá bán vải thiều.

Sản lượng vải thiều giảm 50%

Ngay đầu vụ vải 2018 - 2019, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Rau quả, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)… đã có những chuyến khảo sát, đánh giá về tình hình ra hoa của hai vựa vải thiều lớn là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Nhận định diễn biến thời tiết mùa đông 2018 - 2019 ấm hơn mọi năm khiến nhiều diện tích vải thiều có tỷ lệ ra hoa thấp, các đoàn công tác đã kịp thời đưa ra các giải pháp khuyến cáo cho bà con nông dân. Dù chăm sóc kỹ, đúng quy trình nhưng do thời tiết nóng ấm nên tỷ lệ ra hoa đậu quả của vải thiều trong năm nay rất thấp. Đến nay, có thể khẳng định, tỷ lệ vải ra hoa đậu quả của vải thiều huyện Lục Ngạn đạt khoảng 50% so với vụ trước. Vườn nào cao nhất cũng chỉ đạt 75% vải đậu quả. Thậm chí có gia đình mất gần hết vườn vải dù đã tỉa cành, triệt lộc, chăm sóc theo đúng hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật.

Tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn đạt gần 16.000 héc-ta. Trong đó có khoảng 1.850 héc-ta, chiếm 12,1% vải chín sớm; gần 13.500 héc-ta vải thiều chính vụ, chiếm 87,9%. Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm; thời gian thu hoạch dự kiến từ 20 - 30/7/2019. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50% (năm 2018 tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn là 150.000 tấn vải).

Giá vải thiều dự báo tăng mạnh

Sản lượng vải giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều đang ở mức cao. Hiện giá bán vải thiều tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước. Đối với vải thiều xuất khẩu, năm nay, tiêu chuẩn cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (thị trường xuất khẩu chính của vải thiều) có yêu cầu cao hơn. Các tiêu chuẩn kỹ thuật đều yêu cầu cao hơn, quy chuẩn từ bao bì đến tem nhãn sản phẩm rõ ràng để truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là cơ hội để người dân thay đổi dần phương thức sản xuất, hướng tới tiêu chuẩn, chất lượng cao hơn để hội nhập và hướng tới các thị trường khó tính.

36 mã vùng trồng của vải thiều huyện Lục Ngạn đã được xác định để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 82 cơ sở sơ chế vải thiều cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn.

Trong tiêu thụ nội địa, các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiếp tục ký kết với người dân bao tiêu sản phẩm cũng như cung cấp cho tư thương phục vụ cho các chợ đầu mối. Ngoài thị trường truyền thống phía Bắc lượng tiêu thụ ở các thị trường phía Nam cũng tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua. Với vải thiều đẹp có thể sẽ được các thương nhân Trung Quốc tranh mua khi Trung Quốc cũng mất mùa vải.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Trà Vinh: Công bố chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh tổ chức công bố chính sách đầu tư trồng, chăm sóc và giá thu mua mía nguyên liệu cho niên vụ 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Theo đó, trong niên vụ mía 2019 - 2020 Công ty cổ phần Mía đường Trà Vinh sẽ thu mua mía đạt 10 chữ đường với giá 700 đồng/kg, nếu chữ đường tăng trên 10 thì công ty mua tăng thêm 10%/chữ và ngược lại, chữ đường giảm dưới 10 thì mua giảm 10%/chữ. Các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ nông dân trồng mía thuộc vùng quy hoạch có diện tích sản xuất mía tối thiểu 01 héc-ta ký hợp đồng với công ty được hưởng các chính sách đầu tư trồng và chăm sóc, bao tiêu sản phẩm như: Công ty đầu tư mía giống (ưu tiên giống KK3) và phân bón NPK chuyên dùng cho mía. Đến kỳ thu hoạch, công ty bao tiêu sản phẩm và thu hồi vốn đầu tư với mức lãi suất được tính bằng lãi cho vay của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, để giúp nông dân trồng mía giảm thiểu được chi phí trung gian qua thương lái và chi phí vận chuyển, công ty sẽ tiếp tục triển khai chính sách thu mua tại ruộng và tự chịu chi phí vận chuyển.

Vụ mía vừa qua là lần đầu tiên công ty thực hiện chính sách này cùng với mức hỗ trợ 5.000 đồng/tấn đối với mía sạch. Ngoài các chính sách vừa nêu, đối với những vùng đủ điều kiện trồng mía, khi nông dân có đơn đăng ký chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mía và cam kết giữ vững diện tích tối thiểu 2 vụ, thì sẽ được công ty hỗ trợ mỗi hộ chuyển đổi 2 triệu đồng/héc-ta. Đồng thời, công ty sẽ phối hợp với ngành nông nghiệp hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, hướng dẫn quy trình trồng mía, tư vấn giống mía, cách phòng trừ sâu bệnh trên mía cho các hộ được đầu tư.

Hiện nông dân trồng mía tỉnh Trà Vinh đã cơ bản thu hoạch diện tích mía niên vụ 2018 – 2019 với năng suất bình quân khoảng 80 - 85 tấn/héc-ta. Bước vào niên vụ mía 2019 - 2020, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được trên 2.000 héc-ta, dự kiến đến tháng 12/2019 sẽ bắt đầu thu hoạch niên vụ mía 2019 - 2020.

Bình Thuận:

Thanh long tăng giá do thời tiết nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến việc sản xuất trái thanh long ở tỉnh Bình Thuận gặp khó khăn, trái không đạt tỷ lệ xuất khẩu nên giá loại trái cây này đang tăng cao ở mức kỷ lục.

Hiện giá thanh long dao động từ 17.000 - 23.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao kỷ lục so với thời điểm cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân khiến giá thanh long tăng cao là do thời gian qua, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến thanh long không đạt tỷ lệ để xuất khẩu, hàng trở nên khan hiếm. Đây cũng là lứa thanh long chong đèn nghịch vụ cuối cùng trong năm, sắp vào hàng mùa nên nhiều bà con sợ giá giảm nên sản xuất hạn chế. Thậm chí, một số vườn thanh long đạt tỷ lệ 80% hàng lớn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được bán với giá lên đến 23.000 - 24.000 đồng/kg nhưng người dân không có hàng để bán.

Thêm một khó khăn nữa đối với người trồng thanh long là giá điện tăng. Trồng thanh long trái vụ lệ thuộc rất lớn vào nguồn điện để chong đèn. Theo tính toán của nhiều hộ dân, bình quân 1 năm làm 4 vụ, 1 vụ chong đèn 4 lần, mỗi lần từ 15 – 20 ngày. Do đó, muốn cây đạt sản lượng thì chi phí cho điện rất cao. Điện tăng giá khiến trung bình mỗi hộ trồng thanh long phải chi thêm từ 50 - 70% phí tiền điện để chong đèn. Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã có ý định không trồng thanh long trái vụ.

Hiện người dân đang mong chờ vào chính sách ưu đãi của ngành điện để tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định từ trồng thanh long.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Tây Nguyên:

Giá cà phê nhân xô tiếp tục giảm sâu

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, giá cà phê nhân xô tại khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 30.000 - 31.000 đồng/kg, giảm 400 đồng so với tuần trước. Trước đó, từ giữa tháng 4, giá cà phê nhân xô Tây Nguyên cũng liên tục giảm từ 200 tới 600 đồng/kg, duy trì ở mức giá thấp từ 30.400 - 31.400 đồng/kg và giảm 2.000 đồng so với cuối tháng 3/2019. Giá cà phê Arabica cũng có xu hướng giảm nhẹ. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, giá cà phê Tây Nguyên liên lục giảm nhẹ thời gian qua được xác định do ảnh hưởng bởi tình trạng cà phê Brazil (nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới) dư cung.

Nghệ An:

Ớt tăng giá, tiêu thụ khá

Thời điểm này, những ruộng trồng ớt cay chỉ thiên ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đang vào cuối vụ thu hoạch. Bà con nông dân phấn khởi vì một vụ mùa đạt về cả sản lượng và giá trị. Năm nay, ớt cay ra hoa và đậu quả nhiều, năng suất đạt từ 7 tạ đến 1 tấn/sào. Bà con thu hoạch sản phẩm đến đâu bán hết đến đó. Đầu vụ, ớt cay có giá 35.000 đồng/kg, hiện tại giá ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Theo bà con, để ớt cay đạt hiệu quả tốt nhất thì phải thường xuyên luân phiên ruộng trồng, không nên canh tác liên tục cây giống trên một diện tích nhằm hạn chế được các loại sâu bệnh gây hại.

Đây là năm thứ 6 xã An Hòa canh tác ớt chỉ thiên - giống cây trồng đã khẳng định được giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác ở địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.

Bình Thuận:

Giá heo hơi giảm mạnh

Giá heo hơi trên địa bàn huyện Hàm Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã bất ngờ giảm mạnh xuống chỉ còn 41.000 đồng/kg, so tháng trước mức giá 46.000 đồng/kg. Nguyên nhân do ảnh hưởng từ dịch bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại vài xã thuộc hai huyện Nhơn Trạch, Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai giáp ranh với Bình Thuận. Vì vậy, bà con nuôi heo ở đây kiến nghị các trạm kiểm dịch QL 55, QL 1A tăng cường kiểm tra kiểm soát các phương tiện tỉnh ngoài vận chuyển heo vào địa phương tiêu thụ, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng nặng nề đối với người nuôi. Hiện bà con chủ động chăn nuôi khép kín, mua thức ăn gia súc thương hiệu uy tín ở đại lý quen biết, đẩy mạnh việc phòng chống dịch.

Tiền Giang:

Giá cá giảm, ngư dân làng bè lỗ nặng

Gần đây, giá cá nuôi bè liên tục giảm, khiến cho ngư dân làng bè ở tỉnh Tiền Giang thua lỗ nặng. Hiện giá cá điêu hồng nuôi bè chỉ ở mức 28.000 - 29.000 đồng/kg, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, một kg cá điêu hồng bán ra ngư dân lỗ trên 5.000 đồng. Trong khi đó, giá thức ăn tăng cao nên bà con thả, bè ít lại. Ngoài ra, do nắng nóng nên hầu hết cá ở các lồng, bè trên sông tại tỉnh Tiền Giang đều chậm phát triển, tỷ lệ hao hụt cao.

Tỉnh Tiền Giang có hơn 1.200 lồng bè cá nuôi trên sông Tiền, tập trung nhiều ở thành phố Mỹ Tho, huyện Cai Lậy, Cái Bè, chủ yếu nuôi loại cá điêu hồng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Phong Điền - Thừa Thiên Huế: Mất mùa lạc vụ đông xuân

Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào gieo trỉa gần 930 héc-ta lạc. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn ngay từ đầu vụ đã ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Để đảm bảo cho năng suất và sản lượng cao, huyện Phong Điền đã bố trí giống lạc chủ lực được bà con nông dân xem là thế mạnh và năng suất cao để gieo trỉa như giống L14, L18, L23, lạc dù Tây Nguyên. Ngay từ đầu vụ, huyện đã có kế hoạch sản xuất cụ thể, đồng thời cử cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, hướng dẫn bà con nông dân gieo lạc đảm bảo khung lịch thời vụ, đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, do thời tiết khô hạn ngay từ đầu vụ đã ảnh hưởng đến sự nảy mầm, sinh trưởng, phát triển của cây lạc. Tỷ lệ nảy mầm của cây lạc thấp đã làm cây lạc sinh trưởng phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Vì vậy, năng suất bình quân ước đạt 18 tạ/héc-ta, sản lượng chỉ đạt 1.672 tấn.

Đây được xem là vụ lạc mất mùa của bà con nông dân trên địa huyện Phong Điền trong những năm trở lại đây. Đến thời điểm này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Phong Điền đã thu hoạch gần 200 héc-ta lạc. Tuy nhiên, do năng suất, sản lượng đạt thấp nên các hộ chỉ thu hồi được vốn sản xuất, khó có khả năng lãi.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Cục QLTT các địa phương:

Tăng cường công tác thanh kiểm tra

Hưởng ứng tháng hành động về an toàn thực phẩm, Cục QLTT các địa phương đã tăng cường công tác thanh kiểm tra trên địa bàn.

Lạng Sơn: Thu giữ nhiều mặt hàng gia vị thực phẩm nhập lậu

Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019 trên địa bàn huyện Lộc Bình. Ngay khi triển khai, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn) đã thu giữ nhiều mặt hàng gia vị thực phẩm được nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc trên đường về Việt Nam tiêu thụ. Lượng hàng hóa bị bắt giữ gồm: Nước khoáng đóng chai loại 596ml/chai, rượu đóng chai loại 480ml/chai, ớt say đóng lọ loại 500g/lọ, ớt quả đóng lọ loại 230g/lọ, ớt xanh đóng túi loại 0,5k/túi, xì dầu loại 500ml/chai, xì dầu can loại 2,5lít/can, dầu chiên can nhựa loại 750ml/can, sa tế loại 260g/lọ; đậu phụ thối loại 260g/lọ, phụ gia thực phẩm nhãn hiệu CARNATION loại 410g/hộp…

Lào Cai: Tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc

Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Công an huyện Văn Bàn kiểm tra xe khách biển 24B – 0059 do tài xế Đặng Anh Đức điều khiển đang tập kết một lô hàng gồm 150 hộp bánh kem, bánh trứng, bánh bông lan (tổng trọng lượng 315 kg) trên bao bì in nhãn mác chữ Trung Quốc; trị giá hàng hóa thu giữ là 27 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, bà Phạm Thị Tuyết - người nhận là chủ lô hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Do vậy, cơ quan chức năng đã tiến hành tịch thu đồng thời tiêu hủy lô hàng.

Trước đó, tại huyện Bảo Thắng, cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện tại khu vực ngã ba thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng có lô hàng thạch sữa chua vô chủ gồm 10 thùng catton bên ngoài có ghi chữ Trung Quốc. Toàn bộ lô hàng trên không có hóa đơn chứng từ, nên các cơ quan chức năng đã tạm giữ để xử lý theo quy định.

HÀNG VIỆT

An Giang: Dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Tiếp nối thành công trong việc xây dựng hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn, năm nay, Sở Công Thương An Giang tiếp tục triển khai thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn, nhận diện sản phẩm An Giang.

Đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ 8 doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản an toàn, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Qua thời gian sử dụng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả do Sở Công Thương An Giang vận hành được đánh giá rất cao vì đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là nâng tầm giá trị sản phẩm nông sản an toàn, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Việc truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả còn giúp người dùng có cơ hội sử dụng các thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh mua phải hàng giả kém chất lượng, kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm.

Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn, có chất lượng tốt được dán tem truy xuất nguồn gốc sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn. Thực tế cho thấy, dán tem truy xuất nguồn gốc mang lại lợi ích thiết thực cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.

An Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai mô hình truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất do những tiện ích của nó mang lại. Mô hình đã ứng dụng công nghệ QRcode, tem điện tử và hệ thống phần mềm quản lý để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm rau, củ, quả, từ khâu gieo trồng, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, đến địa điểm kinh doanh... Toàn bộ thông tin này sẽ được truyền về máy chủ vận hành. Như vậy, toàn bộ quá trình sản xuất - kinh doanh đều được kiểm tra và giám sát. Chỉ với thao tác đơn giản trên smartphone, người dùng có thể quét mã QRcode để có được đầy đủ thông tin về rau, củ, quả. Đặc biệt, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc không làm tăng chi phí và giá sản phẩm. Bởi vì toàn bộ quy trình từ triển khai phần mềm hệ thống, vận hành đến tập huấn kỹ thuật, kể cả in tem dán lên từng sản phẩm đều được Nhà nước hỗ trợ 100%.

Thời gian tới, Sở Công Thương An Giang đề nghị các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm rà soát, giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh đã có chứng nhận an toàn, VietGAP... đăng ký tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả...

Đầu mối tiếp nhận thông tin đăng ký tham gia dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh bà con có thể liên hệ Sở Công Thương (qua Phòng Quản lý Thương mại) gặp Ông Võ Quốc Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý Thương mại, điện thoại: 02963 956701 (0984 367736), email: hungsctag@gmail.com.

Danh sách 8 công ty tham gia dán tem truy xuất với các sản phẩm sau:

- Công ty TNHH MTV TM-DV Phan Nam (TP. Long Xuyên): Dưa lưới, cà chua bi, ổi.

- Hộ sản xuất Nông trại Ếch Ộp (trồng rau hữu cơ) ở TP. Long Xuyên: Cải ngồng, cải thìa khổ qua, dưa leo.

- Tổ sản xuất rau an toàn Tuấn Phong (TP. Châu Đốc): Dưa lê, dưa lưới, cà chua bi.

- Công ty TNHH MTV TM-DV Nhật Trường ở huyện Thoại Sơn: Xà lách lolo xanh, xà lách mỡ, rau muống, cải thảo.

- HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (xã Lê Trì, Tri Tôn): Xoài 3 màu, xoài Úc.

- Công ty TNHH Tứ Sơn Châu Đốc (Siêu thị Tứ Sơn): Dưa leo Nhật, cà chua, mồng tơi, cải xanh đuôi phụng.

- Hợp tác xã sản xuất GAP Bình Phước Xuân (Chợ Mới): Xoài 3 màu.

- Hợp tác xã nông sản an toàn Kiến An (Chợ Mới): Ngò gai, hẹ lá, rau ngót.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)