Thông tin giá cả thị trường số 21/2018

09:45 AM 28/05/2018 |   Lượt xem: 4794 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Diện tích điều già cỗi tăng

Cây điều được xem là cây công nghiệp chủ lực để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tuy nhiên, diện tích cây điều già cỗi, ảnh hưởng sâu bệnh đang gia tăng nhanh ở nhiều địa phương… là thực trạng của ngành điều hiện nay.

Hiện cả nước đang có gần 300.000 héc-ta điều; trong đó, các tỉnh Đông Nam bộ 183.655 héc-ta, chiếm 61,7%. Năng suất điều bình quân cả nước năm 2017 đạt 7,4 tạ/héc-ta, giảm 3,5 tạ/héc-ta so với năm 2016. Theo đó, vùng Đông Nam bộ năng suất 7,8 tạ/héc-ta, giảm 3,9 tạ/héc-ta. Nguyên nhân giảm năng suất do những tháng đầu năm 2017 đã xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa xảy ra vào giai đoạn điều nở bông làm ảnh hưởng đến năng suất. Nhưng có một thực tế ghi nhận được tại các địa phương có trồng điều đang bị suy kiệt vườn cây là do cây già cỗi đang gia tăng mạnh. Cụ thể, khảo sát mới nhất cho thấy, diện tích điều già cỗi đang ngày càng mở rộng, cho năng suất thấp 80.000 héc-ta ở Đông Nam bộ; trong đó, Bình Phước có diện tích điều già cỗi chiếm diện tích lên đến 50.000 héc-ta, Đồng Nai 10.800 héc-ta, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.000 héc-ta, Bình Thuận 12.800 héc-ta và một số vùng Tây Nguyên như Gia Lai 3.700 héc-ta, Đắk Nông 700 héc-ta. Phần lớn diện tích điều già cỗi trên là diện tích được quy hoạch, thuộc vùng sản xuất tập trung có điều kiện khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng phù hợp cho phát triển cây điều. Nhưng sau nhiều năm canh tác, vườn điều già cho năng suất bình quân thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2008 - 2013, năng suất điều của nước ta luôn duy trì ở mức thấp, đạt dưới 1 tấn/héc-ta. Về sản xuất, Việt Nam có hơn 465 doanh nghiệp chế biến điều, với tổng công suất thiết kế trên 1,4 triệu tấn hạt/năm. Tuy nhiên, số cơ sở chế biến nhỏ vẫn chiếm tới gần 70%.

Về tiêu thụ điều nhân, Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 90 thị trường và vùng lãnh thổ. Năm 2017, xuất khẩu điều của Việt Nam đạt 3,6 tỷ đô-la Mỹ. Cùng với đó là việc hình thành một ngành công nghiệp chế biến điều, góp phần tạo công ăn việc làm trong lĩnh vực trồng trọt và sản xuất cho gần 1 triệu dân.

Khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phần lớn diện tích trồng điều phân bố ở vùng sâu, vùng xa; chưa được quan tâm đầu tư thâm canh, đặc biệt là tưới nước, quản lý sâu bệnh, bón phân; liên kết sản xuất và chế biến sâu còn hạn chế… Do năng suất điều còn thấp nên hiệu quả kinh tế kém và đang bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác. Công tác chọn tạo giống chưa được quan tâm đúng mức. Từ năm 1999 đến nay, mới có 13 giống điều được chọn tạo và công nhận cho sản xuất thử, chưa có giống được công nhận chính thức cho sản xuất.

Tại hội nghị phát triển ngành điều Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Điều Việt Nam tổ chức gần đây, các đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, năng suất điều có thể tăng được 30 - 40% nếu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Đây là một trong những giải pháp đột phá để phát triển ngành điều. Bên cạnh đó, các giải pháp khác như: Tái canh, liên kết 4 nhà, chế biến sâu cần được chú trọng đầu tư trong thời gian tới để ngành điều phát triển bền vững. Đặc biệt, cần tập trung vào các giải pháp tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Trong đó, cấp tỉnh phải vào cuộc quyết liệt, có sự đầu tư rõ ràng; tập trung những nhóm giải pháp như chế biến chuyên sâu, liên kết sản xuất nhằm tăng trưởng tốc độ sản xuất, nâng cao chất lượng hạt điều Việt Nam…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hòa Bình: Giá bí xanh giảm mạnh

Bí xanh là cây trồng chủ lực của xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Năm nay, do thời tiết diễn biến phức tạp nên nhiều hộ trắng tay vì gặp mưa to, bí không đậu quả. Đáng lo ngại nhất là tình trạng giá giảm xuống quá thấp khiến nông dân không muốn thu hoạch.

Năm nay, các hộ trồng bí rải rác, không cùng một thời điểm nên thời gian thu hoạch kéo dài. Có hộ thu ngay từ đầu tháng 3 và xe bí đầu tiên này bán được giá 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sau đó giá sụt giảm chỉ còn 4.500 đồng/kg và hiện nay dao động từ 1.500 - 2.500 kg. Đặc biệt, mọi năm, bí đẹp có giá 4.000 - 5.000 đồng/kg, bí xấu cũng được 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng năm nay thương lái tuyệt đối không mua bí xấu. Trong khi đó, chi phí cho mỗi gốc bí ngoài tiền giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật, nứa cắm giàn đều tăng so với năm ngoái. Mặc dù giá giảm thấp nhưng nhiều hộ vẫn bán, chấp nhận lỗ vì bí đã đến kỳ thu hoạch, nếu tiếp tục để ngoài ruộng sẽ bị cháy nắng, hỏng quả hoặc lên phấn thì không bán được. Theo tính toán, bí phải được giá khoảng trên 2.000 đồng/kg thì may ra mới hòa vốn, chưa kể công. Giá bí xuống thấp như thế này, người nông dân sẽ lỗ nặng.

Vụ bí năm nay do bà con tích cực thực hiện việc thâm canh, gối vụ nên tổng diện tích trồng bí xanh toàn xã từ đầu năm 2018 đến nay lên đến 70 héc-ta với năng suất đạt khoảng 21 tấn/héc-ta. Ngoài ra, do vụ bí xanh trái mùa cuối năm 2017 rất được giá nên năm nay, bà con đã mở rộng diện tích. Để tránh việc thu hoạch dồn vào cùng thời điểm, bà con cũng đã tính toán về thời gian xuống giống. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường giảm đã kéo giá bí giảm.

Để khắc phục tình trạng này, xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích phù hợp, tích cực tìm hiểu thị trường để chủ động về chất lượng sản phẩm cũng như đầu ra, nâng cao giá trị hiệu quả cây bí xanh.

Đắk Lắk: Bí đỏ thu hoạch cầm chừng

Những ngày này, nhiều hộ dân trồng bí đỏ trên địa bàn xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk lâm vào cảnh khốn đốn vì giá bí xuống thấp. Không ít hộ dân chỉ thu bán cầm chừng chờ giá lên mới thu hoạch.

Với giá bán hiện tại ở mức 1.500 đồng - 1.700 đồng/kg bí đỏ, người trồng bí chỉ hòa vốn.Thậm chí, một số hộ chấp nhận bán giá thấp dưới 1.000 đồng/kg để thu hồi vốn vì bí đã chín rục.

Dọc tuyến đường vào xã Cư Yang, các điểm tập kết bí của nông dân chất cao chờ thương lái đến bốc. Trên các cánh đồng bí chín đỏ cả một vùng nhưng nhiều hộ chưa dám thu hoạch. Thậm chí để tiết kiệm tiền thuê người bẻ bí, người dân chủ động đổi công cho nhau. Đặc biệt, năm nay, thương lái thu mua theo giá xô chứ không phân loại như nhiều năm trước. Tính ra, trừ hết công chăm sóc, bón tưới… người trồng lãi được rất ít hoặc hòa vốn. Dù biết vậy nhưng nhiều hộ vẫn chấp nhận vì nếu không trồng bí, họ không biết phải trồng cây gì để duy trì kinh tế gia đình.

Hiện nay, diện tích trồng bí đỏ trên địa bàn xã Cư Yang lên đến hơn 100 héc-ta, chủ yếu tập trung ở thôn 4 và thôn 7. Các năm trước, thấy bà con trồng bí được giá, thu lãi nhiều nên nhiều hộ dân đua nhau trồng theo. Năm 2017, theo kế hoạch xã được giao phát triển bí trên diện tích 38 héc-ta, còn năm nay không có chỉ tiêu. Trước đó, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với chính quyền xã khuyến cáo người dân không nên phát triển cây bí mà chuyển sang trồng các loại hoa màu khác. Thậm chí, nhằm tránh tình trạng bí thu hoạch về bán không được phải nhờ doanh nghiệp “giải cứu” như năm vừa rồi, trước vụ gieo trồng, UBND huyện đã tổ chức hội nghị nông nghiệp, trong đó có đề cập đến cây bí đỏ để người dân nắm được những rủi ro khi trồng tự phát, không theo quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu. Nhờ vậy, năm nay diện tích bí đỏ trên địa bàn huyện giảm hẳn, từ vài trăm héc-ta xuống còn 140 héc-ta. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn vượt cầu dẫn đến tình trạng giá giảm mạnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá mít Thái siêu sớm giảm sâu

Khoảng 3 tháng trước, giá mít Thái siêu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng hiện nay lại giảm đột ngột do nguồn cung dồi dào. Hiện các thương lái chỉ thu mua mít thái với giá  20.000 đồng/kg. Nguyên nhân do vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung quá nhiều nên dội chợ làm giá giảm. Một nguyên nhân nữa khiến giá giảm là việc phát triển diện tích quá nhanh và nhiều đã dẫn đến tình trạng mất cân đối cung – cầu. Hầu hết các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đều tăng diện tích trồng mít Thái siêu sớm lên 30 - 40%  so với năm ngoái.

Tây Nam Bộ: Trúng đậm thanh long nghịch vụ

Thanh long nghịch vụ tại các tỉnh miền Tây Nam bộ trúng mùa, trúng giá giúp nhà vườn thu lãi cao. Thương lái tìm đến tận vườn thanh long tại các tỉnh: Tiền Giang, Trà Vinh… thu mua thanh long ruột đỏ với giá khoảng 47.000 đồng/kg (loại 1), thanh long ruột trắng 43.000 đồng/kg.

Vụ nghịch này, nhờ thời tiết thuận lợi và hệ thống điện phục vụ cho việc chong đèn xử lý ra hoa, kết trái của cây thanh long ổn định nên năng suất đạt hơn 2,5 tấn/công. Từ nhiều năm nay, nông dân đã áp dụng thành thạo kỹ thuật xông đèn, xử lý cho trái rải vụ đều đặn trong năm nhằm tránh tình trạng trúng mùa, mất giá. Mỗi năm, vườn thanh long có thể thu hoạch từ 3 - 4 vụ, trong đó có 1 vụ thuận, còn lại là các vụ nghịch. Năng suất cả năm đạt trên 30 tấn/héc-ta, với những nông dân giỏi thâm canh thì có thể đạt năng suất từ 40 - 60 tấn/héc-ta. Thanh long trúng mùa, trái đẹp, giá bán cao giúp nhà vườn thu lãi cao nên bà con rất phấn khởi.

Do thanh long là loại cây trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất cát pha đất xám bạc màu, đất phèn đến đất phù sa… và có khả năng chịu hạn nên thời gian qua phát triển rất mạnh về diện tích tại nhiều tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Giá cá tra tiếp tục tăng

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra hiện ở mức cao, kéo giá nguyên liệu tiếp tục tăng. Hiện nay, giá cá tra phổ biến ở mức 32.000 - 33.000 đồng/kg, cao hơn tháng trước khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của sản phẩm cá tra và nhu cầu của thị trường này còn tiếp tục tăng. Chính vì vậy, tiềm năng phát triển còn nhiều nhưng đây lại là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do cách làm ăn của họ và cả một số doanh nghiệp Việt Nam. Bằng chứng, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), chỉ có 9 cá nhân được phép xuất khẩu sản phẩm cá tra qua đường biên giới với khối lượng chiếm đến 47% nhưng giá trị chỉ có 23% tổng khối lượng và giá trị sản phẩm cá tra vào thị trường Trung Quốc. Thực tế cho thấy, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt thấp là do giá xuất khẩu qua đường biên giới thấp hơn đường chính ngạch đến 1 đô-la Mỹ/kg.

Phú Yên: Mía tiêu thụ chậm

Vùng trồng mía của tỉnh Phú Yên tập trung ở các huyện miền núi khó khăn về nguồn nước tưới như: Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Vụ mía năm nay, người trồng mía Phú Yên đang gặp khó khăn vì giá thu mua giảm, tiến độ thu hoạch chậm. Tại huyện Sông Hinh, từ đầu năm đến nay, nông dân mới thu hoạch được hơn 2.000/5.000 héc-ta mía. Với tiến độ như hiện nay phải mất 3 tháng nữa mới có thể thu hoạch hết mía. Nhiều ruộng mía đã trổ cờ, người nông dân lo ngại về nguy cơ cháy mía, chữ đường, sản lượng đang giảm.

Hiện giá mía 10 chữ đường khoảng 800.000 đồng/tấn, giảm 150.000 đồng/tấn so với vụ trước. Trong khi đó, giá vận chuyển lên đến 300.000 đồng/tấn. Với mức giá này, người trồng mía cầm chắc thua lỗ. Trong khi đó, các nhà máy chậm thu mua, chi phí thu hoạch, trung chuyển tăng lên gấp rưỡi.

Trước tình hình này, tỉnh Phú Yên đã đề nghị các nhà máy đường trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ và cam kết thu mua hết mía cho các hộ dân đã ký hợp đồng bao tiêu nguyên liệu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Dầu Tiếng (Bình Dương): Nông dân được mùa măng cụt

Năm nay, măng cụt ở xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương được mùa, được giá. Các gia đình trồng măng cụt phấn khởi vì có nguồn thu nhập cao.

Hiện toàn xã Thanh Tuyền có khoảng 200 hộ trồng cây măng cụt. Nguồn thu từ cây măng cụt đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã. Đặc biệt, trong thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, UBND huyện Dầu Tiếng đã phối hợp triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ phân bón cho bà con nông dân. Chính những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần hình thành và phát huy vai trò của mô hình trồng cây măng cụt tại xã Thanh Tuyền.

Năm nay, các chủ vườn ở Thanh Tuyền rất phấn khởi vì măng cụt sai trái lại được giá. Tại chợ trung tâm xã, măng cụt tiêu thụ mạnh, giá khá cao. Theo các hộ trồng măng cụt ở đây, vụ mùa năm nay sản lượng măng cụt tăng 5 tấn so với vụ 2017. Giá bán tại vườn hiện là 45.000 - 50.000 đồng/kg, mang về lợi nhuận hàng chục triệu đồng, thậm chí hơn trăm triệu đồng cho mỗi gia đình. Măng cụt có thể bảo quản được cả tháng mà không bị hư nên thương lái có thể vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Khánh Hòa: Kiểm tra phương tiện vận chuyển tôm giống

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương triển khai kiểm tra phương tiện vận chuyển tôm giống qua địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.

Trước đó, Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo Sở NN-PTNT và các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh vận chuyển tôm giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chưa qua kiểm dịch; tổ chức quản lý, giám sát điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng và kiểm dịch giống tôm nước lợ theo đúng quy định; tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo cáo Bộ NN-PTNT (Tổng cục Thủy sản) để thực hiện truy xuất tận gốc các cơ sở vi phạm…

Trong tháng 3/2018, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với đoàn công tác liên ngành tỉnh Bạc Liêu kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống qua địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra trong 3 đêm đã phát hiện 10/36 phương tiện vận chuyển (tương đương với số lượng hơn 30 triệu giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú) chủ yếu xuất phát từ Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận không tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và vận chuyển tôm giống. Thực tế trên cho thấy tình trạng đáng báo động về nguồn tôm giống không đảm bảo chất lượng đang tiếp tục được đưa đến các vùng nuôi, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất tôm nước lợ năm 2018.

Kiểm tra phương tiện vận chuyển tôm giống qua địa bàn các tỉnh ven biển được xác định là một trong những nhiệm vụ chính từ nay đến cuối năm của tỉnh Khánh Hòa.  

HÀNG VIỆT 

Sẽ tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà

Năm nay, lần đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ hội vải thiều Thanh Hà vào cuối tháng 5/2018 hoặc đầu tháng 6/2018 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 1,4 tỷ đồng.

Cơ hội giao thương, tiêu thụ sản phẩm

Đây là cơ hội giao lưu, kết nối nông dân sản xuất, kinh doanh vải thiều và nông sản với các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chế biến, thu mua, xuất khẩu, tiêu thụ vải, nông sản; ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải thiều và các loại nông sản, sản phẩm du lịch giữa các đối tác. Cũng trong chương trình, dự kiến sẽ công bố, giới thiệu quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sông Hương, huyện Thanh Hà; tham quan cây Vải Tổ, thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ; trải nghiệm hái vải và đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương…

Ban tổ chức mong muốn thông qua lễ hội này nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành trong bảo vệ và phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Đây cũng là dịp để Hải Dương giới thiệu các tiềm năng, lợi thế  và các chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.

Năm 2007, vải thiều Thanh Hà được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và năm 2014, sản phẩm lọt Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng”. Năm 2016, sản phẩm được Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”.

Áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP

Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ vải thiều, huyện Lục Ngạn, Tân Yên và ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đang tập trung hướng dẫn, giám sát các hộ thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm điều kiện gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Niên vụ vải năm 2018, Hải Dương ước tính sẽ thu được 55.000 - 60.000 tấn vải, cao gần gấp đôi sản lượng năm 2017.  Để vải thiều được gắn tem truy xuất, các hộ cần tuân thủ đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngay sau khi thu hoạch quả, các hộ khoanh gốc, tỉa cành, bón phân cân đối, đồng thời áp dụng biện pháp chăm sóc như: Tưới nước sạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục phòng trừ sâu, bệnh đúng thời điểm, bảo đảm thời gian cách ly. Các hộ có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình chăm sóc. Vải thiều chỉ được gắn tem sau khi được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lấy mẫu quả kiểm nghiệm chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hợp tác xã khuyến cáo các hộ phun thuốc đồng loạt vào thời điểm thích hợp để phòng bệnh và bảo đảm thời gian cách ly giữa các lần phun đối với thuốc sinh học là 7 ngày, thuốc hóa học từ 15 - 10 ngày.

Hiện huyện Lục Ngạn có 11.000 héc-ta vải được chăm sóc theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Huyện giao Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với các xã, thị trấn, định kỳ 1 - 2 tuần kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký ghi chép của thành viên ở các chi hội, hợp tác xã để kịp thời hướng dẫn nhà vườn điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp. Không chỉ giám sát chặt khâu chăm sóc, huyện Lục Ngạn còn dành kinh phí hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc vải thiều cho tất cả các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ. Địa phương đang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn cũng như quy cách bao gói sản phẩm, thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn khi áp dụng và khách hàng mua sản phẩm tiện theo dõi qua điện thoại thông minh.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)