Thông tin giá cả thị trường số 22/2018

03:27 PM 30/05/2018 |   Lượt xem: 4778 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Trị: Liên kết trồng dứa quy mô lớn

Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã chủ động triển khai nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, chương trình liên kết trồng dứa nguyên liệu bước đầu thu được kết quả tốt.

Nhằm tạo ra vùng sản xuất chuyên canh mang tính hàng hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã ký kết hợp tác, liên kết với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thực hiện trồng giống dứa Queen với quy mô lớn. Trong quá trình thực hiện dự án, công tác tuyên truyền được đặc biệt chú trọng, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, địa phương đã mở các lớp tập huấn kỹ thuật cũng như cung ứng đầy đủ,  kịp thời giống, phân bón, bạt phủ nylon để cho người dân trồng đảm bảo lịch trình thời vụ. Các địa phương không chỉ chọn lựa, quy hoạch những vùng đất phù hợp mà còn đầu tư kinh phí làm đường điện, đường giao thông, xây dựng hệ thống phun tưới. Bên cạnh đó, các hộ gia đình đã tự nguyện thành lập nhóm, tổ hợp tác, cùng nhau liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình sản xuất từ khâu làm đất cho đến trồng và chăm sóc. Kết quả, 86 héc-ta dứa trồng đợt 1 năm 2017 hiện đang cho quả và 38 héc-ta trồng đợt 2 cây dứa đang lên xanh tốt, ra hoa.

Tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, nơi có 79 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, dứa trồng thử nghiệm đang lên xanh tốt. Ông Hồ Văn Một - Bí thư Chi bộ xã cho biết: Cách đây hơn 1 năm, khi nghe xã phổ biến chương trình trồng dứa, các hộ gia đình ở đây không ít bỡ ngỡ và lo lắng. Thế nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, mặt trận tuyên truyền, vận động cán bộ khuyến nông về tận nơi tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật với hình thức cầm tay chỉ việc, 22 hộ gia đình đã tự nguyện khai thác rừng và chuyển một số diện tích trước đây trồng sắn sang trồng 12,5 héc-ta dứa. Đến thời điểm này, cây dứa đang trong thời kỳ cho quả, dự kiến cho năng suất cao. Còn ở huyện Đắk Rông, dứa là cây trồng truyền thống nhưng chủ yếu dùng giống địa phương và người dân trồng tự phát, không tuân theo quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc đến thu hoạch. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ dứa không ổn định nên hiệu quả mang lại thấp và khó tiêu thụ. Khi tỉnh có chủ trương phát triển vùng trồng dứa nguyên liệu với hình thức liên kết, huyện đã chọn xã Hải Phúc trồng thử nghiệm 5 héc-ta. Hiện tại, dứa đang sinh trưởng, phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho sản lượng cao. Nếu như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao thu mua với giá cam kết như ban đầu là 4.000 đồng/kg thì 1 héc-ta sẽ cho nguồn thu 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ít nhất lãi 60 triệu đồng.

Sau hơn 1 năm triển khai, tuy mới trồng thử nghiệm vụ đầu tiên nhưng cho đến thời điểm này có thể khẳng định, đất đai và khí hậu ở Quảng Trị phù hợp với cây dứa. Không chỉ ở vùng gò đồi như: Cam Chính, Cam Thủy, Vĩnh Thủy mà cả ở những vùng cát ven biển như: Trung Giang, Vĩnh Thái cây dứa đều sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại dứa đã cho quả và hứa hẹn sẽ cho năng suất cao. Tuy nhiên, điều mà người dân lo lắng vẫn là vấn đề thu mua sản phẩm. Doanh nghiệp cần có kế hoạch thu mua một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Có như thế người dân mới yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích trong những năm tới.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Khai thác cây giảo cổ lam trên đảo Cồn Cỏ

Huyện đảo Cồn Cỏ là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có hệ sinh thái khá đa dạng và tương đối nguyên sơ. Đặc biệt là thảm thực vật trên đảo rất phong phú, trong đó có nhiều loại cây quý như giảo cổ lam.

Trong vài năm gần đây, người dân sinh sống trên đảo Cồn Cỏ khai thác giảo cổ lam làm dược liệu gửi vào đất liền hoặc bán cho khách du lịch khi đến thăm đảo. Do đặc điểm đất đai, khí hậu đặc trưng nên chất lượng cây giảo cổ lam ở đây được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Giảo cổ lam có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp, hạ mỡ máu, giảm mỡ bụng, giảm căng thẳng, mệt mỏi, hạ men gan, trị tiểu đường rất tốt.

Trung bình mỗi ngày, một người có thể khai thác được 50 - 60 kg giảo cổ lam, tương đương 4 - 5 kg khô sau khi phơi sấy. Giá giảo cổ lam khô bán tại đảo 100.000 đồng/kg, tương đối cao so với thu nhập trung bình của các hộ dân. Mặc dù được xem là nghề phụ nhưng việc khai thác giảo cổ lam đã đem lại thu nhập tương đối cao cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, để bảo toàn giống cây dược liệu quý và khai thác nguồn lợi lâu dài, huyện đảo chỉ cho phép khai thác trong thời gian nhất định. Sau thời gian này, phải đóng cửa rừng để cây có thời gian phục hồi, sinh trưởng cho tới mùa khai thác năm sau. Đồng thời, huyện đảo Cồn Cỏ cũng đang nghiên cứu dự án bảo tồn và nhân rộng diện tích cây giảo cổ lam nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Sóc Trăng:  Người nuôi tôm thấp thỏm, lo âu

Những ngày qua, người nuôi tôm thẻ ở vùng ven biển Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thấp thỏm, lo âu khi tôm vào vụ thu hoạch nhưng liên tục rớt giá.

Cách đây hơn 3 năm, ở cuối sông Hậu, Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng là vùng tiếp giáp nước lợ và mặn, người dân đồng loạt bỏ mía theo tôm. Tuy nhiên, sau vụ thả nuôi tôm thẻ từ đầu năm đến nay thu hoạch bán giá thấp khiến không ít người chán nản. Tại huyện Cù Lao Dung, nuôi tôm thẻ đạt tiêu chuẩn VietGAP, tuy được doanh nghiệp thu mua tôm sạch tiêu thụ hết nhưng giá thu mua chỉ còn 85.000 đồng/kg (cỡ 100 con/kg), giảm so với mấy tháng trước 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, hiện nay nguồn cung tôm thẻ thu hoạch đầu vụ trong vùng tuy chưa nhiều, song do giá xuất khẩu thấp nên các nhà máy chế biến thủy sản chưa mạnh dạn ký hợp đồng. Có một số doanh nghiệp đã giảm giá thu mua. Trong đó, loại tôm thẻ từ 70 - 100 con/kg giảm giá mạnh nhất, tôm cỡ 70 con/kg hiện ở mức 90.000 đồng/kg, so với lúc tôm có giá cao điểm trước đây tôm cỡ này 120.000 đồng/kg; cỡ tôm 100 con/kg giá 80.000 đồng/kg, giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg so cách đây một tháng.

Nhiều người nuôi tôm thẻ muốn chuyển đổi nghề bởi nếu nuôi tôm trúng, giá thành đã là 70.000 đồng/kg. Với giá thu mua thấp như hiện nay, người nuôi hầu như chỉ hòa vốn. Như vậy, nếu doanh nghiệp tiếp tục thu mua với mức giá này, người nuôi tôm sẽ không mấy mặn mà, thậm chí có thể ngưng thả nuôi. Điều này nếu xảy ra có thể sẽ có nhiều khả năng vào tháng 8, tháng 9 sắp tới tôm nguyên liệu sẽ thiếu cục bộ.

Giải pháp đối phó tạm thời trong lúc này được các nhà xuất khẩu tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long khuyến cáo bà con là nên nuôi thả mật độ thưa, tôm chất lượng, ít dịch bệnh và giảm rủi ro.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bình Phước: Nông hộ phơi điều khô tích trữ đợi giá tăng

Hiện đã vào cuối vụ điều nên giá giảm mạnh. Giá hạt điều tươi giảm từ mức 32.000 đồng/kg xuống còn chưa đến 19.000 đồng/kg. Trước tình hình này, nhiều nông hộ chọn giải pháp phơi khô, tích trữ, đợi giá cao sẽ bán. Mặc dù tích trữ bán điều khô được giá nhưng các hộ không trữ số lượng lớn, mà chỉ 1 - 3 tấn/hộ do điều cuối vụ cho hạt không đẹp, không đồng đều như giữa vụ. Ngoài ra, thời điểm này cũng là thời gian bắt đầu cạo mủ cao su trong năm nên đa số các hộ không đủ người để vừa cạo mủ vừa đi thu mua điều trong dân và phơi khô. Điều kiện về kho bãi hạn chế cũng khiến nông dân ít muốn thu mua, tích trữ điều cuối vụ với số lượng lớn. Năm ngoái, một số nông hộ phơi điều khô cuối vụ bán được giá trên 50.000 đồng/kg. Kinh nghiệm cho thấy, khi cất trữ điều cuối vụ, bà con nên chọn các vườn năng suất cao, tỷ lệ hạt đồng đều, như vậy hạt đảm bảo chất lượng, không bị thương lái ép giá.

Lâm Đồng: Giá bơ tăng 10 - 20%

Tại tỉnh Lâm Đồng, tuy mới vào mùa thu hoạch nhưng bơ đang được mùa, được giá. So với cùng vụ mùa năm ngoái, thời điểm này giá bơ đã cao hơn từ 10 - 20%. Hiện bơ sáp loại 1 thương lái thu mua tại vườn dao động từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, bơ hạt 30.000 - 45.000 đồng/kg, bơ booth 40.000 - 45.000 đồng/kg. Cá biệt, loại bơ 034 (một giống bơ đặc sản của Lâm Đồng) được thương lái thu mua với giá rất cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg nhưng vẫn khan hàng do chỉ mới vào đầu vụ thu hoạch.

Năm nay, thời tiết thuận lợi, có mưa sớm nên cây bơ phát triển tốt, cho năng suất cao. Đặc biệt, thời điểm này chuẩn bị vào mùa cao điểm du lịch hè, nhu cầu tiêu thụ của thị trường lớn nên đã đẩy giá bơ lên cao.

Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 2.000 héc-ta bơ các loại. Hiện nay, nhiều địa phương đã hình thành những vườn chuyên canh bơ 034 cho hiệu quả kinh tế cao và đang là hướng đi mới của người nông dân trong vùng.

Nghệ An: Bí xanh thiếu đầu ra

Bà con nông dân xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch bí xanh. Tuy nhiên, giá bí giảm mạnh chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Nếu để ngoài đồng thì sợ mưa bão nên hầu hết các hộ gia đình phải cắt bí đem về nhà bảo quản, chờ thương lái đến thu mua. Đặc biệt, năm nay bí được mùa nên người dân đã thu gom, biến nhà ở thành kho cất giữ chờ giá lên. Hiện tại có trên 20 hộ gia đình ở đây đang cất giữ từ 4 - 6 tấn bí/hộ, chưa kể lượng bí còn rất lớn ở ngoài ruộng. Theo ước tính, hiện lượng bí tồn đọng ở xã Thanh Lĩnh còn cả trăm tấn. Xã đang liên hệ một số siêu thị tìm thị trường tiêu thụ, giải cứu bí giúp bà con.

Giá cà tím, dưa chuột giảm

Tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, gần 30 héc-ta cà tím đang trong thời kỳ thu hoạch nhưng bà con bỏ héo ngoài ruộng. Nếu như năm trước giá mỗi kg cà dao động từ 8.000 - 10.000 đồng thì đến nay giá giảm chỉ còn 700 đồng/kg. Trong khi đó, trung bình một sào cà tím, bà con phải bỏ ra khoảng 2 triệu đồng tiền giống và phân bón cộng với công sức chăm sóc gần 4 tháng để thu hoạch.

Tại xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, giá dưa chuột dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg nhưng vào chính vụ thu hoạch, giá giảm chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ. Những ngày qua, các đoàn viên thanh niên huyện Diễn Châu cùng các đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã tập trung về cánh đồng xã Diễn Lộc để giải cứu dưa chuột cho bà con. Năm nay, toàn huyện Diễn Châu trồng 30 héc-ta dưa chuột vụ xuân hè. Dưa đạt năng suất cao, gần 2 tấn/sào, chất lượng an toàn nhưng khó tiêu thụ bởi hiện tại, các vùng rau phía Bắc cũng đang tập trung thu hoạch dưa chuột, dẫn đến việc hàng miền Trung bị tồn nhiều. Hiện xã Diễn Lộc đang tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho bà con.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Cẩn trọng khi trồng mít Thái siêu sớm

Khoảng 3 tháng trước, nhà vườn trồng mít Thái siêu sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long lãi to khi giá mít Thái siêu sớm dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/kg nhưng từ khoảng hơn 1 tháng nay, giá loại trái cây này đã giảm một nửa. Nguyên nhân do nguồn cung đang lớn hơn cầu.

Một thương lái chuyên thu mua mít để xuất sang Trung Quốc cho biết, hiện đang vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung quá nhiều nên dội chợ khiến giá giảm.

Thời gian gần đây, các nhà vườn tại Đồng bằng sông Cửu Long rộ lên phong trào trồng mít Thái siêu sớm. Tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang), mấy năm trước, diện tích cây mít Thái siêu sớm vào khoảng 600 - 700 héc-ta nhưng từ năm 2017 đến nay tăng lên gần 1.000 héc-ta. Phần lớn bà con nông dân thấy mít được giá nên đã đốn cây cam sành và trồng mít. Không chỉ những vườn bị lão hóa, ngay cả những vườn cam sành đang cho sản lượng tốt cũng bị đốn để trồng mít.

Trên thực tế, bài học về cây cam sành vẫn còn khi khoảng năm 2015, giá cam sành có thời điểm lên hơn 40.000 đồng/kg. Nhiều nông dân ở Hậu Giang, Vĩnh Long… đã bỏ lúa để lên liếp trồng cam, dẫn đến tình trạng diện tích cam sành tăng nhanh chóng. Nhưng chỉ được một thời gian, cây cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh, sản lượng giảm, giá cũng theo đà giảm xuống.

Thời điểm giá cam sành tăng cao, diện tích trồng cam tại huyện Châu Thành cũng được mở rộng vào khoảng 5.000 héc-ta. Sau một thời gian, giá thu mua cam sành loại 1 tại vườn chỉ còn từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nông dân lại phá bỏ vườn cam bị lão hoá trồng mít Thái. Đến thời điểm này, nhiều hộ vẫn chưa thu hồi được vốn đã bỏ ra trồng cam sành.

Chính vì vậy, địa phương đã khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt chạy theo thị trường. Phải trồng chuyên canh, chọn giống đạt chuẩn, am hiểu kỹ thuật thì trái mới cho năng suất và chất lượng ổn định. Đối với trồng mít Thái siêu sớm phải cẩn trọng vì thị trường tiêu thụ chưa ổn định, vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Phân biệt thuốc bảo vệ thực vật giả

Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc BVTV không được kiểm soát, đúng quy trình thì lại gây ra tác dụng ngược, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực tới nông sản và môi trường.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng lưu hành, buôn bán thuốc BVTV giả, nhái ngày càng phức tạp. Bên cạnh cái khó trong quản lý buôn bán thuốc BVTV tại các chợ cóc, chợ tạm, các lực lượng chức năng khó có thể phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, nhái. Chính vì vậy, cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp xã; quyết liệt thanh, kiểm tra hoạt động buôn bán thuốc BVTV.

Tuy nhiên, theo tư vấn của các chuyên gia trong ngành, để phân biệt thuốc bảo vệ thực vật giả bà con có thể  dựa vào một số điểm chính như sau:

- Đọc và xem kỹ nhãn thuốc trước khi mua: Thuốc giả thường in thiếu các thông tin quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Bao bì không đúng mẫu đăng ký; logo của nhà sản xuất không có hoặc không đúng; tên thuốc không có trong danh mục được cho phép sử dụng; không có hạn sử dụng; không có số đăng ký sản xuất và không có cơ quan cho phép sản xuất; không có thời hạn sản xuất...

- Giá chênh lệch nhiều so với giá chính thức công bố của các công ty sản xuất và phân phối.

- Khi gọi điện thoại đăng ký trên bao bì thường không liên lạc được.

- Về chất lượng thuốc: Khi nghi ngờ mua phải hàng giả, tốt nhất bà con phải báo với cơ quan chuyên môn như: Trạm Bảo vệ thực vật huyện, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh. Bà con nhớ giữ mẫu thuốc, hóa đơn mua hàng để so sánh, đối chiếu. Các cơ quan chuyên môn sẽ có trách nhiệm kiểm tra trực tiếp hoặc gửi đến các đơn vị có chức năng phân tích để kết luận chính xác chất lượng thuốc.

HÀNG VIỆT 

Sơn La: Quyết tâm đưa hàng Việt về vùng cao, biên giới

Sau 9 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), tỉnh Sơn La luôn chú trọng triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa; xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam…

Tổ chức phiên chợ hàng Việt

Sơn La là một trong những địa phương miền núi, điều kiện đưa hàng hóa về các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm vừa qua, đây lại là một trong những địa phương triển khai tốt nhất CVĐ này, đặc biệt trong việc đưa hàng Việt chiếm lĩnh các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn.

Theo Sở Công Thương Sơn La, tại khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, nhu cầu sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao rất lớn. Do đó, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn là một trong những hoạt động trọng tâm nhất của địa phương này trong 9 năm qua với trên 20 chuyến hàng, phiên chợ được tổ chức. Riêng trong năm 2017, Sở Công Thương đã tổ chức 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Để thu hút người tiêu dùng, các doanh nghiệp (DN) tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân. Từ đó có phương thức tổ chức phù hợp để đưa các phiên chợ trở thành điểm đến hấp dẫn. DN cũng chú ý đưa đến phiên chợ các mặt hàng mà người dân có nhu cầu cao như: Hàng may mặc, đồ gia dụng, giống cây trồng, lương thực thực phẩm. Lượng hàng hóa tại mỗi phiên chợ đều được đảm bảo ít nhất 80% là hàng Việt, bền, đẹp, giá cả hợp lý.

Nhận định về hiệu quả của các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới tỉnh Sơn La, ông Vũ Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp cho biết, qua việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, bà con đã nhận thức được đầy đủ hơn về tinh thần và ý nghĩa của CVĐ, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Thông qua các phiên chợ, bà con còn có cơ hội tiêu thụ các sản phẩm nông sản do mình làm ra như: Thịt lợn, gạo nếp, cam, quýt, xoài, sơn tra…

Nhờ hiệu quả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng hay các khu chợ truyền thống tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm khoảng 60 - 80%. Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương Sơn La đánh giá: “Điểm đáng mừng là sau một thời gian vận động, tuyên truyền, tăng cường kết nối và đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, người dân Sơn La đã ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hàng Việt chiếm tỷ lệ rất lớn tại hệ thống phân phối; được tiêu thụ khả quan trong các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2018, Sơn La đặt mục tiêu mỗi huyện xây dựng được ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam”.

Sức hút từ Điểm bán hàng Việt Nam

Cùng với việc chú trọng triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn các huyện. Trong đó, đặc biệt chú trọng các điểm tại khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Đến nay, Sơn La đã xây dựng được 7 Điểm bán hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam lên đến 90 - 100%.

Nếu như Mộc Châu Farm là điểm bán các sản phẩm đặc sản Sơn La cho du khách như: Dâu tây, mật ong rừng, phấn hoa, chè, miến dong, hoa quả... thì các điểm bán tại huyện Mai Sơn, TP. Sơn La chủ yếu bán hàng tiêu dùng cho người dân. Trong đó, có cả các mặt hàng đặc sản của các địa phương khác phục vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng các DN đã tự bỏ vốn, chủ động xây dựng 2 Điểm bán hàng Việt Nam tại TP. Sơn La để phục vụ du khách. Qua đó, Điểm bán hàng Việt Nam sẽ không chỉ là nơi bán hàng cho bà con trong tỉnh mà còn là điểm phát luồng các mặt hàng đặc sản địa phương đi khắp cả nước. Việc nhân rộng những điểm bán hàng này được kỳ vọng sẽ góp phần kết nối cung cầu, đưa hàng hóa của các DN trong nước sản xuất chiếm lĩnh thị trường, chinh phục người tiêu dùng.  

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)