Thông tin giá cả thị trường số 23/2019

10:59 AM 11/06/2019 |   Lượt xem: 4213 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh:

Bảo tồn và cung ứng nguồn giống có chất lượng

Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 21 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/6/2019 tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hơn 60kg sâm củ đã được bán ra, thu về 4 tỷ đồng. Sâm Ngọc Linh tiếp tục là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, hiếm có loại cây trồng nào so sánh được.

Những phiên chợ tiền tỷ

Phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 21 có 2 gian hàng trưng bày giới thiệu cây sâm Ngọc Linh của 6 hộ trồng sâm xã Trà Linh; hơn 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh như: Sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu.

Trong đó, có 10 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, quế, dược liệu; 10 xã trên địa bàn huyện tham gia trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu (trên 30 sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu). Ngoài ra, phiên chợ có gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm của huyện Nam Trà My. Trong 3 ngày diễn ra phiên chợ, đã có trên 1.100 lượt người đến thăm quan, mua sắm với doanh thu thống kê được khoảng 4,6 tỷ đồng, trong đó, riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 60kg, thu về gần 4,2 tỷ đồng.

Được biết, phiên chợ sâm Ngọc Linh đầu tiên được tổ chức vào tháng 6/2017, đến nay đã có 21 phiên chợ được tổ chức. Mỗi phiên chợ đều có doanh thu nhiều tỷ đồng và ngày càng thu hút được đông đảo người quan tâm đến thăm quan và tìm mua.

Đầu tư cho cây sâm để thoát nghèo bền vững

Sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Chính vì vậy, sản phẩm này hiện có giá trị kinh tế rất cao. Trung bình mỗi kg sâm củ có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, riêng lá sâm hiện có giá 10 triệu đồng/kg. Nhờ trồng sâm, nhiều hộ đồng bào miền núi huyện Nam Trà My đã tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Để đảm bảo công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện, nhất là sản phẩm sâm củ đưa vào phiên chợ sâm Ngọc Linh, UBND huyện Nam Trà My đang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, máy móc phục vụ công tác kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng vườn bảo tồn và phát triển dược liệu Quốc gia tại huyện Nam Trà My với diện tích 240 héc-ta.

Mới đây, tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời đã quy hoạch trên 15.000 héc-ta tại 7 xã của huyện Nam Trà My để phát triển vùng sâm nguyên liệu, kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào đầu tư phát triển vùng sâm nguyên liệu. Với hướng đi này, lãnh đạo UBND huyện Nam Trà My cho rằng: Nhu cầu nguồn cây giống sâm Ngọc Linh trong thời gian tới là rất lớn, đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp hiệu quả để quản lý, bảo tồn và cung ứng nguồn giống có chất lượng. Chính vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ đưa sâm Ngọc Linh vào chương trình giống quốc gia.

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhất là các huyện miền núi, trong đó có Nam Trà My đang tập trung phát triển cây dược liệu. Chính vì vậy, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của người dân, chế biến sâu các loại cây dược liệu, đem lại giá trị kinh tế cao theo chuỗi giá trị, UBND huyện Nam Trà My đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam dành khoảng 200 héc-ta diện tích tại Khu Kinh tế mở Chu Lai, với cơ chế ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, sản xuất dược liệu tập trung.     

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bắc Giang: Xúc tiến tiêu thụ vải thiều

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc đã thành công tốt đẹp. Hơn 300 khách mời là doanh nghiệp, nhà mua hàng Trung Quốc đã tham dự hội nghị. Các thương nhân Trung Quốc rất quan tâm đến quy định mới liên quan đến quy chuẩn thông quan hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16.000 héc-ta cho trái vải Bắc Giang (trong đó có 30 xã và 6 doanh nghiệp huyện Lục Ngạn). Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Phía Trung Quốc cũng sẽ linh hoạt chấp nhận thông quan các thùng xốp đựng vải có in mã chìm lẫn dán mã (trường hợp chưa kịp in mã chìm). Bên cạnh đó, hải quan cửa khẩu Trung Quốc cũng sẽ làm thêm giờ theo quan điểm hết việc chứ không hết ngày, hỗ trợ luồng riêng cho kiểm tra thông quan mặt hàng trái vải, không để xe vải nào không được thông quan trong ngày.

Năm nay, dự kiến sản lượng vải Bắc Giang đạt khoảng 150.000 tấn, giảm khoảng 40% sản lượng năm 2019. Mặc dù vậy, chất lượng được nâng lên nên quả vải to hơn, vỏ đỏ đẹp hơn, kỳ vọng sẽ được giá hơn. Tại thủ phủ vải Lục Ngạn, vải sớm đang được thu mua khoảng 26.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2 - 3 lần cùng kỳ năm 2018. Hiện đang có khoảng 250 thương nhân Trung Quốc có mặt tại huyện Lục Ngạn để thu mua trái vải. Vải sớm Lục Ngạn sang đến Bắc Kinh, Trung Quốc đang bán khoảng 120.000 đồng/kg.

Ngoài thị trường Trung Quốc, Bắc Giang vẫn coi thị trường nội địa là số một nên đã xúc tiến, làm việc với các hệ thống bán lẻ lớn như: Saigon Co.op, Hapro, Big C, Aeon và các chợ đầu mối. Năm nay, mục tiêu không chỉ tiêu thụ ở phía Bắc mà còn miền Nam, Tây Nguyên, miền Trung. Vì vậy, rất cần sự gắn kết tham gia hỗ trợ tiêu thụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối có độ phủ thị trường rộng như Saigon Co.op.

Hà Tĩnh: Lạc được mùa, được giá

Bà con nông dân các huyện Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)... đang tích cực thu hoạch lạc vụ xuân. Năm nay, thời tiết thuận lợi, lạc được mùa, được giá khiến bà con phấn khởi.

Bà con nông dân huyện Lộc Hà thu hoạch vụ lạc xuân với niềm vui được mùa. Hầu hết diện tích lạc xuân của huyện đều cho năng suất, sản lượng cao hơn những năm trước. Lạc đang được thu hoạch trên đồng, tràn trên các bờ ruộng, đầy ắp trong sân, trước ngõ… Lạc năm nay củ nhiều, chắc, sản lượng đạt gần 1,8 - 2 tạ/sào. Khi thu hoạch gặp thời tiết nắng nóng nên thuận lợi cho việc vận chuyển, phơi phóng. Giá lạc đầu mùa khoảng 18.000 đồng/kg lạc tươi và 20.000 đồng/kg lạc khô. Nếu duy trì được năng suất và giá cả như hiện nay, người trồng lạc yên tâm, phấn khởi sản xuất.

Vụ lạc xuân năm 2019, toàn huyện Lộc Hà xuống giống được 1.192 héc-ta, đạt 100% kế hoạch. Tính đến thời điểm đầu tháng 5/2019, diện tích đã thu hoạch là 923 héc-ta, đạt tỷ lệ 77,4%; năng suất bình quân toàn huyện ước đạt trên 29 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt gần 3.500 tấn. Một số địa phương khác có năng suất lạc xuân đạt cao như: Đức Thọ (28,81 tạ/héc-ta), Nghi Xuân (27,5 tạ/héc-ta). Hiện các địa phương trong huyện đang đốc thúc bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực để sớm hoàn thành việc thu hoạch.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, năng suất lạc vụ xuân 2019 của Hà Tĩnh đạt 26,39 tạ/héc-ta, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và khá đồng đều giữa các địa phương. Nguyên nhân chính là do vụ lạc xuân năm nay sản xuất trong điều kiện thời tiết nhiều thuận lợi, nắng ráo, ít mưa. Cùng với đó, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác mới, xây dựng các vùng sản xuất lạc chuyên canh. Điều này đã cải thiện đáng kể năng suất và sản lượng vụ lạc chính của Hà Tĩnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Phong Điền (Thừa Thiên Huế):

Dưa hấu trúng vụ, được giá

Bà con nông dân trồng dưa hấu ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) đang bước vào mùa thu hoạch. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi từ đầu vụ nên năm nay bà con bội thu dưa hấu. Hiện thương lái đến thu mua tận ruộng với giá dao động từ 5.000 - 6.500 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay. Khi người dân thu hoạch, các thương lái cho xe tải về tận ruộng thu mua, dưa không bị ứ đọng, rớt giá như các năm trước. Theo chia sẻ của một nông dân có thâm niên trồng dưa hấu, nếu được giá như hiện nay, dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Năm nay, thời tiết thuận lợi nên bà con bước vào vụ thu hoạch dưa hấu sớm. Mặc dù dưa hấu là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhưng địa phương vẫn khuyến cáo người dân nên trồng theo đúng mùa vụ, theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng sâu bệnh gây hại, sản phẩm khi thu hoạch bị ứ đọng, không bán được, rớt giá dẫn đến thua lỗ, gây thiệt hại về kinh tế.

Nghệ An:

Mường Lống được mùa mận tam hoa

Mường Lống là xã vùng cao của huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Hiện nay, đồng bào dân tộc nơi đây đang vào mùa thu hoạch mận, thương lái vào tận vườn thu mua với giá cao. Mận ở Mường Lống được trồng trên đồi núi, hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên luôn đảm bảo sạch. Hiện tại, mận bán tại gốc giá từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 - 5.000 đồng/kg so với những năm trước. Vụ này, bà con phấn khởi vì mận được mùa nhưng số lượng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của thương lái.

Toàn xã Mường Lống có hơn 25 héc-ta mận các loại, chủ yếu là cây mận tam hoa. Mận được mùa, được giá đã giúp nhiều hộ dân trong xã thoát khỏi cảnh khó khăn, có thu nhập ổn định.

Bình Thuận:

Giá muối tăng

Vụ sản xuất muối vừa qua, thời tiết thuận lợi, nắng nóng, gió mạnh làm tăng độ mặn, thời gian kết tinh muối nhanh. Nhờ vậy, diêm dân trong xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã thu hoạch muối đạt sản lượng 3.500 tấn/63 héc-ta, bình quân hơn 55 tấn/héc-ta… Giá thương lái thu mua muối tại ruộng 1.200 đồng/kg, tăng gần 250 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Với mức giá trên, diêm dân sản xuất có lãi khá, thu nhập ổn định cho gần 200 lao động ở địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở hạ tầng đồng muối đang xuống cấp như nền đường hẹp, bị sạt lở nhiều, hệ thống giao thông phục vụ sản xuất muối chưa đồng bộ, chưa có kho bảo quản trữ muối, nên làm tăng chi phí vận chuyển, công lao động. Xã đang vận động người dân nâng cấp hạ tầng đồng muối, giảm chi phí vận chuyển, tăng thu nhập trong mùa vụ sản xuất.

Ninh Thuận:

Nha đam tăng giá gấp đôi

Từ giữa tháng 5 đến nay, nông dân trồng cây nha đam ở phường Văn Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) phấn khởi bởi đợt thu hoạch này được mùa, được giá. Hiện nay, giá nha đam được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 1.800 - 2.400 đồng/kg, cao gấp đôi so với những vụ thu hoạch trước. Với năng suất từ 40 - 60 tấn/héc-ta/đợt thu hoạch, trung bình mỗi năm, cây nha đam cho nông dân thu lãi gần 300 triệu đồng/héc-ta.

Những năm qua, cây nha đam được xem là cây trồng thoát nghèo của nhiều hộ nông dân tại địa phương. Giá nha đam tương đối ổn định và dao động từ 900 - 1.300 đồng/kg tùy theo loại và thời điểm. Đặc biệt vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng các món ăn, nước uống liên quan đến nha đam tăng nhanh trong khi lượng cung không đủ cầu đã đẩy giá thu mua nha đam tăng cao. Hiện nay, nhiều hộ dân đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp thu mua tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây nên đầu ra tương đối ổn định. Đặc biệt, bà con đã xây dựng 2 tổ hợp tác sản xuất nha đam theo chuẩn VietGAP với 25 hộ dân tham gia trên diện tích 10 héc-ta.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Phước: Giá dê tăng kỷ lục

Thời gian gần đây, các hộ nuôi dê ở huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) vui mừng khi giá dê liên tục tăng.

Hiện giá dê hơi tăng cao kỷ lục, đạt mức 130.000 đồng/kg bán tại chuồng đã giúp bà con cải thiện đáng kể thu nhập. Thực tế cho thấy, chưa năm nào giá dê cao như năm nay. Năm ngoái, giá dê hơi lúc cao nhất cũng chỉ khoảng 90.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá dê tăng cao là do nhu cầu tăng. Mấy tháng nay, thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào tận nơi đặt mua với số lượng lớn. Một nguyên nhân khác nữa khiến dê Bình Phước hút hàng là do chất lượng tốt. Thịt dê ở Bình Phước nói chung và ở huyện Bù Đốp nói riêng đều đạt chất lượng cao, thịt săn chắc, không mỡ. Hai xã Tân Thành và Tân Tiến của huyện Bù Đốp, có đến 8 điểm thu mua dê thịt chuyên cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Ngoài các thương lái địa phương mua dê cung cấp cho thị trường Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, còn có rất nhiều thương lái từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Phước để thu gom dê với số lượng lớn. Sức mua mạnh đã khiến giá dê không ngừng tăng cao. Không chỉ có dê thịt mà giá dê giống cũng bắt đầu tăng so với những năm trước do nhu cầu tăng đàn nuôi của chính người dân địa phương.

Một điểm mạnh nữa là nguồn thức ăn tại chỗ cộng với mức giá ổn định là những yếu tố cơ bản để người dân có điều kiện tiếp tục phát triển mạnh mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 17.000 héc-ta hồ tiêu, trong đó hơn 2/3 diện tích được trồng bằng trụ keo sống. Đây là nguồn thức ăn tương đối dồi dào cho dê và là điều kiện tốt để phát triển mô hình trồng tiêu kết hợp nuôi dê. Do tiêu rớt giá mạnh, nhiều nhà không chăm sóc nữa nhưng họ vẫn chăm bón cho cây keo để lấy lá cho dê ăn.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Lạng Sơn:

Bắt giữ 50kg tôm hùm đất nhập lậu

Tổ công tác Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và tạm giữ một xe ô tô chở 3 thùng xốp bên trong chứa gần 50 kg tôm hùm đất. Bước đầu, lái xe khai đã nhận 3 thùng xốp trên tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc của một người đàn ông không rõ tên gửi về Đồng Kỵ, Bắc Ninh, với giá 100.000 đồng/thùng. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tôm càng đỏ và tôm hùm nước ngọt (tôm hùm đất) đã được đưa vào danh sách các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất là vi phạm quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.

Đắk Lắk:

Phát hiện hơn 20 tấn phân bón không rõ nguồn gốc

Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hơn 20 tấn phân bón không rõ nguồn gốc và hết hạn sử dụng tại đại lý Kiều Oanh số 354 đường Nguyễn Thị Định, TP. Buôn Ma Thuột.

Tại thời điểm kiểm tra, trong kho của cửa hàng có hàng trăm tấn phân bón với nhiều tên sản phẩm khác nhau như: Phân bón Sumax, phân hữu cơ sinh học, phân NPK, Nasa Bio Organic… với số lượng khoảng 20 tấn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Thậm chí, một số sản phẩm đã quá hạn sử dụng và không có ngày sản xuất đóng trên mác bao bì.

Sau khi lập biên bản ghi nhận hiện trường, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành niêm phong toàn bộ số phân bón vi phạm trên để đưa về cơ quan tiếp tục điều tra, xử lý.

HÀNG VIỆT

Đồng bằng sông Cửu Long:

“Sản phẩm OCOP - Tiềm năng và phát triển”

Từ ngày 6/6 đến ngày 10/6/2019, Sở Công Thương Bến Tre, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bến Tre lần thứ nhất năm 2019 với chủ đề “Sản phẩm OCOP - Tiềm năng và phát triển”.

Hội chợ lần này là 1 trong 3 hội chợ cấp vùng (Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc) thực hiện trong năm nay. Hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu những sản phẩm OCOP của các địa phương. Qua đó, xây dựng mối liên kết giữa nhà nông - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học để phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch làng nghề. Thông qua hội chợ, các địa phương đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình và kinh nghiệm tổ chức sản xuất, chế biến, phát triển sản phẩm OCOP giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương. Nắm bắt nhu cầu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó các địa phương, các tổ chức kinh tế sẽ có những phương án phù hợp trong việc cải tiến mẫu mã, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Đồng thời, định hướng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ sản xuất mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Tham gia hội chợ có khoảng 350 gian hàng của 25 tỉnh, thành phố, trong đó có 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Các sản phẩm trưng bày trong hội chợ là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương thuộc nhóm sản phẩm OCOP, gồm: Thực phẩm, ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất, trang trí, lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn… Trong đó, các mặt hàng trái cây đặc sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long được giới thiệu và quảng bá rộng rãi. Trong khuôn khổ hội chợ diễn ra các Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa giữa Bến Tre và các tỉnh, thành; Hội thảo “Xây dựng và phát triển thương hiệu”; Hội thảo khởi nghiệp “Từ tài nguyên bản địa đến sản phẩm OCOP – Con đường chinh phục thị trường”; Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn”.

Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh điểm của cả nước triển khai Chương trình OCOP. Hiện nay, Bến Tre đã được Trung ương phê duyệt Đề án OCOP và bộ tiêu chí đánh giá. Trong đó, tỉnh đã xác định 265 sản phẩm OCOP của 6 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, du lịch, thảo dược, lưu niệm, nội thất, các sản phẩm nông nghiệp khác... Từ thành công của các địa phương triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, Bến Tre đã xây dựng và phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018 - 2020, định hướng 2030. Bến Tre cũng đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2020 tập trung khoảng 80 sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP; 100% xã trên địa bàn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và toàn tỉnh có từ 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đáng chú ý, kết quả khảo sát một số sản phẩm tiêu biểu tại 9 huyện, thành phố cho thấy, mỗi huyện, thành phố trong tỉnh đều có những sản phẩm, dịch vụ tiềm năng, thế mạnh riêng.

Trước đó, từ ngày 5 đến ngày 9/6/2019, tỉnh Bến Tre đã tổ chức Chương trình hoạt động của Lễ hội Cây – Trái ngon, an toàn tỉnh Bến Tre lần thứ 18 – 2019 với chủ đề “Cây trái ngon an toàn, Du lịch thân thiện” tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Chợ Lách; Khu làng nghề và dọc tuyến đường Quốc lộ 57 các xã.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là chương trình giúp phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện cuộc sống cho người nông dân. Nhờ chương trình OCOP, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, nhiều sản phẩm đẹp, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị nước ngoài, có mặt trên các chuyến bay quốc tế, giúp giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)