Thông tin giá cả thị trường số 25/2019

08:38 AM 26/06/2019 |   Lượt xem: 4482 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lạng Sơn:

Xuất khẩu vải thiều qua các cửa khẩu nhanh gọn

Những năm qua, sản lượng vải thiều xuất khẩu qua các cửa khẩu ở tỉnh Lạng Sơn chiếm khoảng 2/3 tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu của toàn quốc. Năm nay, để trái vải xuất khẩu qua các cửa khẩu diễn ra nhanh chóng, thuận lợi nhất, Lạng Sơn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, vải thiều được các lực lượng chức năng tạo thuận lợi để thông quan nhanh nhất. Hải quan chỉ kiểm tra thông qua hệ thống tờ khai điện tử và chỉ cần có chứng nhận của cơ quan kiểm dịch thực vật là làm thủ tục cho phép thông quan. Do đó, thời gian thông quan một xe chở vải thiều chỉ mất không quá 2 phút. Những xe chở vải quả cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tân Thanh hướng dẫn, phân luồng và xuất khẩu qua cửa khẩu sang Trung Quốc nhanh chóng, thuận lợi. Thậm chí, các đơn vị liên quan còn chủ động phân luồng xe, ưu tiên xe chở vải thiều đi trước, đi qua một luồng riêng. Do đó, xe chở vải thiều qua cửa khẩu không xảy ra ùn tắc.

Ngoài ra, cơ quan chức năng của tỉnh và tại các cửa khẩu có vải thiều xuất khẩu qua đã chủ động phối hợp với lực lượng liên quan phía Trung Quốc tạo thuận lợi tối đa cho vải thiều thông quan. Theo đó sẽ kéo dài thời gian thông quan (có thể đến 21 giờ hằng ngày) và làm việc cả ngày nghỉ, không để xe chở vải thiều nào không được thông quan trong ngày.

Với nhiệm vụ quản lý, nắm bắt một số hoạt động tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, thời điểm này, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chỉ đạo các Trung tâm quản lý cửa khẩu chủ động hội đàm với các cơ quan liên quan phía Trung Quốc để có thể xử lý, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình giao thương mặt hàng vải thiều giữa hai bên.

Thông tin từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, vụ vải thiều năm nay, phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm quả vải thiều tươi. Đặc biệt, doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều phía Trung Quốc rất chú trọng đến chất lượng vải quả qua việc chỉ nhập khẩu những lô hàng vải thiều bảo đảm đóng gói đúng quy cách, trong đó vải thiều không được để lá (lo ngại một số loại vi khuẩn vẫn tồn tại trên lá), cuống vải quả phải cắt gọn và chỉ để dài tối đa 15cm.

Những năm qua, các tỉnh trồng vải thiều lớn, nhất là Bắc Giang đã chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu sang nhiều nước khác, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ quan trọng. Thực tế, các doanh nghiệp nhập khẩu vải thiều phía Trung Quốc năm nay không còn “dễ tính” như những năm trước. Minh chứng rõ nhất là ngay từ đầu vụ thu hoạch, phía doanh nghiệp nước bạn đã đến các vùng vải để khảo sát, đặt hàng và cung cấp trước số lượng lớn thùng xốp, tem nhãn để doanh nghiệp Việt Nam thực hiện dán tem, đóng thùng trước khi làm thủ tục qua cửa khẩu. Mặc dù vậy, thực tế vụ vải này cũng đã có doanh nghiệp xuất khẩu vải đã thực hiện thông quan sang phía Trung Quốc nhưng lại phải “tái nhập” vì chưa đáp ứng đủ những điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng do phía bạn yêu cầu.

Để vải thiều xuất khẩu thuận lợi cũng như bán được giá cao, các cơ quan quản lý một lần nữa khuyến cáo người trồng vải và các doanh nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn, quy định về chất lượng hàng hoa quả tươi, trong đó có vải thiều.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thừa Thiên Huế:

Vào vụ thu hoạch, giá mủ cao su tăng

Thời điểm này, người dân tại các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới và các địa phương vùng gò đồi huyện Phong Điền, TX. Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) đang thu hoạch mủ cao su. So với năm ngoái, giá mủ cao su tăng gấp 1,5 lần khiến người trồng phấn khởi.

Một thời, cây cao su mang lại thu nhập cao cho nhiều người dân vùng núi và các địa phương vùng bán sơn địa. Giá mủ có thời điểm lên đến 45.000 – 50.000 đồng/kg khiến nhiều người đổ xô trồng cao su. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, giá mủ giảm sâu chỉ còn khoảng 8.000 – 9.0000 đồng/kg. Hiện nay, giá mủ vào khoảng 14.000 – 15.000 đồng/kg mủ đông. Đây là mức giá được nhận định là cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Đáng mừng là mủ sau khi được thu hoạch, thương lái đến tận nơi để thu mua.

Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 8.955 héc-ta cao su. Trong đó, hơn 6.392 héc-ta đang trong giai đoạn cho khai thác mủ và 2.562,4 héc-ta kiến thiết cơ bản. Những năm trở lại đây, diện tích cây cao su không quá đột biến và luôn giữ ổn định. Chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động người hạn chế chặt bỏ, thay vào đó là tăng cường chăm sóc, ổn định vườn cây. Đối với những diện tích trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì cần tăng cường chăm sóc. Huyện Nam Đông được xem như “thủ phủ” của cây cao su với với tổng diện tích khoảng 3.100 héc-ta. Hàng năm, sản lượng khai thác mủ cao su khoảng 11.000 tấn mủ nước, tạo thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ dân.

Huyện A Lưới có hơn 1.200 héc-ta cao su, trong đó có khoảng 520 héc-ta đang đưa vào khai thác. Toàn huyện, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 18 tạ mủ đông/héc-ta. Người trồng cao su bây giờ ngoài khai thác hợp lý cũng cần có những biện pháp chăm sóc diện tích cây cao su trong giai đoạn sinh trưởng.

Phú Yên: Cây sắn vượt rào quy hoạch

Theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên, niên vụ sắn 2019 - 2020, toàn tỉnh trồng 20.000 héc-ta. Tuy nhiên, đến nay, nông dân đã trồng 23.600 héc-ta.

Diện tích gò đồi, dọc quốc lộ 19C đoạn qua thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 chạy dài đến thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), trước đây phần lớn diện tích đất của nông dân trồng mía, nay đã chuyển sang trồng sắn. Sở dĩ nông dân bỏ mía chuyển sang trồng sắn vì thời gian qua mía liên tục giảm giá. Hơn nữa, trồng sắn đến mùa thu hoạch, nông dân chỉ cần nhổ từng chòm chở nửa xe tải nhỏ bán cho thương lái, còn mía phải thuê công chặt đủ chuyến xe 15 - 20 tấn mới chạy đến nhà máy.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, niên vụ sắn 2019 - 2020, toàn tỉnh trồng 23.600 héc-ta, trong khi đó diện tích quy hoạch chỉ 20.000 héc-ta, năng suất 25 tấn/héc-ta. Đối với cây mía, niên vụ 2018 - 2019, nông dân trong tỉnh thu hoạch gần 27.985 héc-ta. Đến niên vụ 2019 - 2020 quy hoạch trồng trên diện tích 23.000 héc-ta, thế nhưng đến nay nông dân chỉ trồng 20.000 héc-ta, đang trong giai đoạn vươn lóng.

Để hỗ trợ bà con trồng sắn, thời gian tới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp với Phòng NN-PTNT và các địa phương sẽ tăng cường điều tra, rà soát diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn và rệp sáp bột hồng tại các vùng trồng sắn. Cung cấp thông tin và hướng dẫn nông dân cách phát hiện, phòng trừ bệnh khảm lá sắn, rệp sáp bột hồng, nhện đỏ, bọ phấn trắng cho nông dân qua các phương tiện truyền thông. Ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển giống sắn từ vùng có bệnh sang vùng không bệnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Con Cuông (Nghệ An):

Cấp gần 200 con lợn đen bản địa cho bà con

Huyện Con Cuông đã tổ chức cấp giống lợn cho 6 hộ thực hiện mô hình tại 3 xã Môn Sơn, Thạch Ngàn, Mậu Đức. Đây là những hộ được huyện chọn làm mô hình điển hình để nhân dân học tập, các hộ này sau 1 năm phải có trách nhiệm tái phát triển con giống cho các hộ nghèo. Lợn được cấp là 100% giống lợn đen địa phương mua tại địa phương và có trọng lượng từ 13-15 kg/con. Tổng số tiền được hỗ trợ mô hình là 300 triệu đồng. Đây là số tiền được thực hiện từ chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ngoài được hỗ trợ về con giống, các hộ còn được đơn vị cung ứng, cán bộ chuyên môn huyện, xã hướng dẫn về quy trình chăn nuôi, cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh để lợn sinh trưởng phát triển tốt.

Giá ớt đỏ tăng cao

Tại Bình Thuận, những ngày qua, giá ớt đỏ tươi (loại nhỏ) được bán ở các chợ trên địa bàn TP. Phan Thiết tăng cao đột biến so với trước đó khoảng 1 tháng. Cụ thể, giá bán lẻ ớt tươi dao động từ 95.000 - 100.000 đồng/kg (trước đó từ 30.000 - 50.000 đồng/kg). Riêng giá bán sỉ khoảng 80.000 đồng/kg. Lý giải nguyên nhân tăng giá bán loại trái này, một số tiểu thương tại chợ Phú Thủy (Phan Thiết) cho biết, do thời gian gần đây, trên một số địa bàn trong tỉnh có mưa, gây dập, thối trái, dẫn đến sản lượng thu hoạch thấp.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gần 1 tháng nay, giá ớt luôn tăng cao ở mức từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn không đủ nguồn cung cấp cho các đại lý. Các giống ớt được trồng nhiều phổ biến là ớt Chánh Phong, Thiên Ngọc, Sen Hồng, Hai Mũi Tên, Sừng Trâu, Chỉ Thiên, ớt Búng, Tên Lửa 106…  Nếu đầu tháng 5 giá ớt hơn 20.000 đồng/kg, đến đầu tháng 6 thương lái đến tận nơi mua với giá 45.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tính toán của người trồng ớt, sau 2 tháng trồng, ớt bắt đầu cho thu hoạch và mỗi vụ cho thu hoạch từ 1,5 - 2 tháng, bình quân đạt năng suất từ 15 - 20 tấn/héc-ta. Sau khi trừ hết các chi phí, với giá này người trồng ớt lãi hơn 30 triệu đồng/công.

Vĩnh Long:

Cá kèo nghịch mùa được giá

Những ngày qua, giá cá kèo mùa nghịch tại các chợ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tăng mạnh. Cụ thể, giá cá kèo bán tại chợ hiện đã lên đến 130.000 - 150.000 đồng/kg. Tăng 40.000 - 50.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Theo nhiều tiểu thương, giá cá kèo tăng cao do thời điểm này bước vào mùa nghịch, nắng nóng kéo dài, kèm theo mưa nên thường xảy ra dịch bệnh trên cá kèo khiến năng suất đạt thấp, trọng lượng cá nhỏ. Do vậy, các hộ nuôi ít đầu tư thả nuôi, nên số lượng cá kèo về chợ ít hơn những tháng trước. Do giá cá kèo ở mức cao nên sức mua cũng giảm hơn trước.

Tây Ninh:

Giá lợn hơi tăng trở lại

Tuần qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có chiều hướng tăng sau đợt giảm giá chạm đáy 30.000 đồng/kg, dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi chưa đủ để “gỡ vốn”. Hiện nay, trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, người chăn nuôi Tây Ninh rất hoang mang, dù thời gian qua, tỉnh đã chủ động có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng, chống dịch. Vì vậy, một số hộ chăn nuôi, nhất là ở các địa bàn miền núi đã có xu hướng bán tháo lợn khoẻ mạnh để “chạy dịch” dù giá thấp.

Trên thực tế, thời gian qua, các hộ chăn nuôi đều cố gắng cầm cự chờ giá lợn tăng lên nhưng chỉ được vài tháng, chưa kịp gỡ vốn thì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở nơi khác đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ lợn trong tỉnh. Mặc dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, nhưng các hộ chăn nuôi vẫn không an tâm khi biết bệnh tả lợn châu Phi chưa có vắc-xin ngừa và kháng sinh điều trị, trong khi tỷ lệ lợn mắc bệnh tử vong rất cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bình Thuận:

Thanh long “cháy” hàng

Hiện nay, thanh long đang ở cuối mùa chong đèn nghịch vụ. Giá thanh long liên tục tăng từ đầu tháng 5 đến nay và đang giữ mức cao lâu nhất trong thời gian qua.

Trên thị trường, giá thanh long hàng dạt là 15.000 – 16.000 đồng/kg, thanh long đẹp giữ mức ổn định từ 26.000 đồng – 27.000 đồng/kg nhưng không có hàng để mua. Theo kinh nghiệm của những hộ gia đình trồng thanh long lâu năm, kết thúc lứa thanh long nghịch vụ này là vào hàng mùa, nhiều bà con lo sợ giảm giá nên hạn chế sản xuất. Mặt khác, do thời gian qua nắng nóng kéo dài, việc sản xuất thanh long gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tại địa bàn huyện Hàm Thuận Nam các xã Tân Lập, Tân Thuận,… một số diện tích thiếu nước nghiêm trọng, trái thanh long không đạt tỷ lệ xuất khẩu nên giá ở mức cao. Nhiều người dân so sánh với thời điểm này của năm 2018, giá thanh long chỉ ở mức 5.000 – 6.000 đồng/kg thì thời điểm hiện tại đã tăng gấp 4 – 5 lần.

Tìm hiểu thêm tại một số trang trại trồng thanh long tiêu chuẩn VietGAP cho thấy, giá thu mua thanh long mấy ngày qua đạt chuẩn xuất khẩu còn cao hơn rất nhiều từ 40.000 đồng/kg trở lên, tuy nhiên hàng cũng đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 30.000 héc-ta thanh long, tổng sản lượng hơn 500.000 tấn/năm, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân trong tỉnh. Trái thanh long Bình Thuận đã có mặt hầu hết trên các thị trường trong cả nước. Về xuất khẩu, ngoài thị trường chính là Trung Quốc, quả thanh long còn xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tổ chức các gian trưng bày hàng thật – hàng giả

Nhằm hướng dẫn cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa phân biệt hàng thật, hàng giả, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã triển khai một số hoạt động cụ thể. Đó là việc tổ chức các gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý thị trường…

Thông qua các hình thức này, nhận thức của bà con được nâng cao. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu giúp bà con phân biệt, tránh mua phải những loại hàng hóa kém chất lượng. Đơn cử như tại Thanh Hóa, mới đây, Đội quản lý thị trường số 14 Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã tổ chức gian hàng tuyên truyền hàng thật, hàng giả tại huyện Thường Xuân và huyện Thọ Xuân. Tại gian hàng, bà con đã được xem nhiều mặt hàng thật – giả để đối chứng của các sản phẩm như: Bột giặt, bột ngọt, dầu gội đầu; các loại đồ điện tử; phụ tùng xe máy; vật liệu xây dựng, thiết bị vệ sinh, đồ dùng học tập...  Tại gian hàng, cán bộ quản lý thị trường còn trao đổi, hướng dẫn bà con cách phân biệt hàng thật - hàng giả thông qua quan sát mẫu mã và cách đóng gói sản phẩm. Qua đó, bà con có thể đối chứng và nhận biết hàng thật, hàng giả một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, khi tới tham quan gian hàng, bà con còn được tuyên truyền các quy định của pháp luật về hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gian lận thương mại… Từ đó không chỉ nâng cao cảnh giác cho người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn các sản phẩm mà còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích cực tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả.

Trước sự quan tâm của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều gian hàng tại các xã, huyện vùng cao, vùng xa trong thời gian tới.

HÀNG VIỆT

Xây dựng nhãn hiệu tập thể sản phẩm ngựa bạch

Ngựa bạch Hữu Kiên, huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) có giá trị cao về kinh tế. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu thực nghiệm về chất lượng sản phẩm cũng như chưa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên thường bị lợi dụng danh tiếng. Vì vậy, huyện Chi Lăng đang tích cực xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm này.

Ngựa bạch là giống quý hiếm, có thể dùng thịt, xương để làm thuốc chữa bệnh. Tại Lạng Sơn, ngựa bạch được người dân chăn nuôi tập trung từ hơn 30 năm trước, trong đó, chủ yếu tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. Đây là giống vật nuôi mang về giá trị kinh tế cao cho người dân; những con ngựa hơn 3 năm tuổi có trị giá 70 – 80 triệu đồng/con. Ngựa bạch cho sản phẩm thịt tươi, thịt đã qua chế biến và cao ngựa bạch được các thị trường như: Hà Nội, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng… ưa chuộng.

Với mục tiêu phát triển chăn nuôi ngựa bạch tại Hữu Kiên, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng tốt; tạo sự liên kết giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm phối hợp với một số phòng, ban của huyện Chi Lăng triển khai dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm từ ngựa bạch của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2019. Mục tiêu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm ngựa bạch trên thị trường; thiết lập kênh tiêu thụ ổn định, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ ngựa bạch; phát triển khu vực chăn nuôi ngựa bạch.

Trong năm 2018, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đã tiến hành khảo sát thực trạng chăn nuôi, kinh doanh ngựa bạch trên địa bàn huyện Chi Lăng. Xây dựng bản đồ quy hoạch vùng chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ ngựa bạch gồm 5 xã: Hữu Kiên, Quan Sơn, Chiến Thắng, Lâm Sơn, Liên Sơn. Cùng đó, tiến hành thiết kế mẫu nhãn hiệu tập thể bao bì cho sản phẩm; 1 mẫu logo nhãn hiệu bao bì sản phẩm; 3 nhãn hàng hóa; 1 mẫu hộp đựng sản phẩm… Đồng thời, xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý nhãn hiệu tập thể như: Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, bao bì tem nhãn; xây dựng tài liệu kỹ thuật hướng dẫn chăn nuôi, chế biến; đăng ký mã số, mã vạch để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ huyện, xã về công tác quản lý cho sản phẩm, tập huấn cho người dân về quy trình chăn nuôi, chế biến, và quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể… với hơn 160 người tham gia.

Cuối năm 2018, tổng đàn ngựa trên địa bàn huyện Chi Lăng là 1.635 con, trong đó có 712 con ngựa bạch. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng phát triển khoa học công nghệ và đo lường chất lượng sản phẩm đang hoàn tất hồ sơ và gửi Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời triển khai các chương trình, hoạt động nhằm quảng bá rộng rãi về sản phẩm.

Thời gian qua có rất nhiều sản phẩm cùng loại khác lợi dụng danh tiếng, uy tín làm ảnh hưởng nên giá bán chưa phản ánh được giá trị thực của sản phẩm từ ngựa bạch. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể không chỉ giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm ngựa bạch Chi Lăng với các sản phẩm cùng loại mà còn giúp người chăn nuôi ngựa tăng thu nhập.

Thảo nguyên Khau Sao thuộc thôn Suối Mạ A (Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn) là nơi chăn thả hơn 1.700 con ngựa trong đó có gần 700 ngựa bạch thuần chủng nguồn gốc từ Việt Nam. Nơi đây, đồng bào người Tày và Nùng sinh sống chủ yếu nhờ chăn nuôi. Nhiều năm gần đây, các hộ gia đình chủ động chăn nuôi và chăm sóc nên số lượng ngựa không ngừng tăng lên, góp phần bảo vệ nguồn gen ngựa bạch Việt Nam thuần chủng.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)