Thông tin giá cả thị trường số 26/2018

08:38 AM 28/06/2018 |   Lượt xem: 4438 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

 

Yên Bái: Nâng cao chuỗi giá trị sơn tra

Đề án phát triển cây sơn tra là một trong 8 đề án thành phần thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2015 - 2020.

Đề án được triển khai thực hiện tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với mục tiêu đến năm 2020 trồng mới và phát triển 6.200 héc-ta cây sơn tra, đưa diện tích toàn tỉnh lên trên 10.000 héc-ta, sản lượng đạt trên 7.500 tấn. Tính đến thời điểm tháng 5/2018, các địa phương trồng theo kế hoạch là 2.245 héc-ta, đạt 36,21% theo kế hoạch Đề án.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện cơ bản đạt được có sự thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là về lịch thời vụ trồng, cơ cấu chủng loại giống và các biện pháp kỹ thuật trồng. Quan trọng hơn là tư tưởng, nhận thức của bà con đã có sự chuyển biến tích cực, bước đầu làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, có đầu tư thâm canh và canh tác bền vững.

Hiện tỉnh Yên Bái đang khuyến khích bà con mở rộng diện tích, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Việc trồng bổ sung cây sơn tra dưới tán rừng để sử dụng đất quy hoạch cho lâm nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho người dân và cải thiện môi trường, chống xói mòn đất, nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng. Ý thức của người dân trong bảo vệ rừng được nâng cao, góp phần tích cực để bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Thứ nhất, đối với diện tích đất trống mà cây sơn tra có thể sinh trưởng và phát triển tốt thì phần lớn hiện nay bị người dân bao chiếm, xâm lấn làm nương rẫy, bãi chăn thả... xen kẽ nên việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện trồng cây sơn tra vào diện tích này gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, bị tư thương ép giá; các sản phẩm chế biến từ sơn tra còn nghèo nàn, chất lượng không cao; sự liên kết giữa các hộ dân với đơn vị thu mua, chế biến lỏng lẻo, không bền vững, thiếu ràng buộc… Thứ ba, địa phương chưa có các cơ sở chế biến có quy mô đủ lớn để bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Vì vậy, để phát huy hiệu quả cũng như tiến độ của Đề án, trước tiên các địa phương cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành một cách quyết liệt, sát thực tế hơn nữa. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Đưa ra các giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn; thực hiện liên doanh liên kết trong sản xuất. Bên cạnh đó, cần áp dụng các quy trình, quy phạm kỹ thuật về trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, cải tạo nuôi dưỡng và làm giàu rừng… phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng khu vực trên địa bàn. Tiến hành làm giàu rừng trên những diện tích rừng thưa, kém chất lượng bằng biện pháp trồng bổ sung cây sơn tra. Khuyến khích liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh rừng nhằm huy động vốn ở các tổ chức, cá nhân có điều kiện với nông dân để phát huy thế mạnh của cả hai bên, phục vụ tốt cho sản xuất.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo địa phương không nên phát triển cây sơn tra một cách tràn lan, mà chỉ nên trồng ở những khu vực đã cho thu hoạch năng suất cao, chất lượng tốt và trồng ở bình độ trung bình chứ không nên trồng ở khu vực đai quá cao hoặc quá thấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị sơn tra tại tỉnh Yên Bái.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

 

Sâm ba kích “bám rễ” miền biên viễn

Tây Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giáp với Lào. Đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây đã biết tận dụng nương rẫy của mình để trồng cây sâm ba kích dưới tán rừng, tạo thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Xã Lăng của người Cơ Tu nằm ở vùng trung tâm của các xã vùng biên giới Việt - Lào của huyện Tây Giang. Nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” của cây sâm ba kích. Hầu như mỗi mảnh rừng, tấc đất nơi đây đều có sự hiển hiện của loại cây dược liệu quý này. Theo định hướng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 xã sẽ đầu tư, hỗ trợ bà con mở rộng diện tích trồng cây sâm ba kích.

Ở các xã vùng thấp của Tây Giang, cây ba kích được xem như là cây trồng chủ lực với diện tích hơn 250 héc-ta. Còn các xã vùng cao thì tập trung trồng đẳng sâm với hơn 200 héc-ta. Điều đáng mừng là sâm ba kích luôn được các thương lái tìm mua, cung không đủ cầu. 

Để hỗ trợ bà con, thời gian gần đây, tỉnh đã hỗ trợ các nguồn vốn và huyện lồng ghép thêm nguồn vốn từ những chương trình 30A, 135, nông thôn mới để hỗ trợ người dân trồng sâm ba kích, đẳng sâm. Các ban ngành còn hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tây Giang đã có 3 doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của bà con để tạo ra sản phẩm rượu ba kích, đẳng sâm và những sản phẩm từ cây dược liệu nên không sợ bấp bênh về đầu ra. Bên cạnh đó, trồng ba kích vừa giúp người dân phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường rừng.        

Thanh Hóa: Nông sản được bao tiêu đầu ra

Để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đến việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành, trung bình mỗi năm, Thanh Hóa có khoảng 3.000 héc-ta lúa giống và lúa thương phẩm, hơn 3.000 héc-ta ớt, khoai tây… được sản xuất theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đánh giá thực tế, hiệu quả thu nhập của các mô hình liên kết cao hơn 1,3 lần trở lên so với phương thức sản xuất truyền thống.  Đặc biệt, khi tham gia mô hình liên kết sản xuất, bà con được chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn nên sản phẩm đạt chất lượng cao, đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá tổng quan, việc hình thành và xây dựng các chuỗi giá trị nhìn chung còn chậm; trong quá trình thực hiện nông dân và doanh nghiệp ở một số địa phương vẫn chưa thực hiện tốt các nội dung trong hợp đồng; chất lượng các loại sản phẩm trồng trọt chưa cao… Để khắc phục tình trạng này, trung tuần tháng 6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tổ chức hội nghị xúc tiến liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đối với một số cây trồng trên địa bàn. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ, tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình liên kết sản xuất, thông qua việc hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nói riêng. 

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa và Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký kết hợp đồng nguyên tắc liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh.

MUA GÌ - BÁN GÌ

 

Đồng Tháp: Giá lúa hè thu giảm

Những ngày qua, do ảnh hưởng mưa dầm đầu mùa khiến nhiều diện tích lúa hè thu đến ngày thu hoạch bị đổ ngã. Thực trạng trên dẫn đến năng suất lúa giảm từ 700 - 800kg/công, kéo theo chất lượng gạo cũng giảm nên thương lái ngại thu mua. Nếu vào thời điểm đầu vụ (khoảng đầu tháng 5/2018), thương lái thu mua lúa tươi giống IR 50404, OM 4900, OM 6976, Đài thơm 8 với giá dao động từ 5.500 - 5.700 đồng/kg thì hiện tại giá lúa đã giảm khoảng 400 - 500 đồng/kg. Ngoài ra, điều mà bà con trồng lúa khá quan tâm là doanh nghiệp thực hiện hợp đồng bao tiêu không nhiều so với vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 vừa qua.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm đã tăng trở lại

Tuần qua, giá tôm thẻ đã bắt đầu tăng trở lại ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu như vào đầu tháng 6, giá tôm thẻ loại 100 con/kg vẫn còn ở mức trên 70.000 đồng/kg, thì tới giữa tháng 6, đã tăng lên trên 80.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ tăng trở lại, trước hết là do nhiều nhà máy đang đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu để phục vụ cho những hợp đồng xuất khẩu mới ký được, trong đó có những hợp đồng lớn. Nhiều nhà máy khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã nâng giá thu mua tôm nguyên liệu. Với đà này, dự kiến đến cuối tháng 8, giá tôm thẻ sẽ tăng khoảng 30% so với mức giá lúc thấp nhất trong tháng 5. Khi ấy, tôm thẻ loại 100 con/kg màu sắc đẹp, không dư lượng kháng sinh, sẽ có giá thu mua từ 95.00 - 100.000 đồng/kg. Dự báo, giá tôm nguyên liệu sẽ phục hồi trong thời gian tới khi các doanh nghiệp nhập khẩu tăng cường thu mua nhằm phục vụ cho nhu cầu của thị trường trong những tháng cuối năm.

ĐBSCL: Nấm mối đắt hàng

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên từ các gò mối cao ở trong vườn cây ăn trái lâu năm. Thông thường các tỉnh xuất hiện nấm mối nhiều là Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ và Tiền Giang… Tuy nhiên, năm nay nấm mối rất khan hiếm, giá bán tại nhà vườn từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tuy giá tăng nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nguyên nhân chủ yếu do năm nay thời tiết không thuận lợi, nắng nhiều hơn mưa nên nấm mọc giảm hơn phân nửa so với các năm trước.

Hương vị nấm mối đặc trưng hơn so với các loại nấm khác, nấm ăn rất ngon, ngọt, cọng nấm giòn, có nhiều chất sơ giúp dễ tiêu hóa. Ngoài ra, nấm mối còn là nguồn dược liệu giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lão hoá, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch…

Sầu riêng chính vụ vẫn sốt giá

Theo các nhà vườn, giá sầu riêng chính vụ tăng liên tục từ thời điểm bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 4 âm lịch đến nay và nhiều khả năng giá cao nhất trong vụ thuận năm nay sẽ tương đương mức trung bình vụ nghịch trước đó. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua sầu riêng với giá xô 53.000 đồng/kg  trong khi các vụ thuận năm trước giá chưa khi nào được 40.000 đồng/kg. Thông thường, giá sầu riêng vụ thuận thấp hơn vụ nghịch 10.000 đồng/kg thì nhà vườn vẫn có lợi hơn rất nhiều. Bởi chi phí đầu tư vụ thuận cao nhất là 8 triệu đồng/công so với hơn 20 triệu đồng/công nếu xử lý cho trái nghịch vụ, trong khi đó, năng suất cho trái trong vụ thuận cao hơn vụ nghịch khoảng 500 kg/công. Nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng là do người tiêu dùng trong nước chuộng sầu riêng miền Tây. Mặt khác, lượng sầu riêng được nhà vườn cho trái vụ thuận đang giảm mạnh so với vụ trước.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

 

Cà Mau: Người nuôi tôm “treo ao”

Thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng tại Cà Mau giảm mạnh, nhiều người nuôi tôm phải chịu cảnh thua lỗ. Đến nay, giá tôm vẫn chưa có tín hiệu tăng trở lại nên nhiều hộ chọn cách “treo ao”.

Hiện giá tôm thẻ chân trắng đang thấp hơn cùng kỳ từ 30 - 40%, khiến nhiều hộ nuôi tôm lỗ vốn. Giá tôm 100 con/kg hiện chỉ đạt 70.000 đồng/kg trong khi người nuôi phải mất từ 1,5 - 2 tháng mới được 100 con/kg, chi phí khoảng 70 triệu đồng. Trước tình hình này, ngành chức năng khuyến cáo bà con nên chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm sú. Vì dù giá tôm sú có giảm nhưng không giảm mạnh như tôm thẻ chân trắng. Tôm sú đạt số lượng 40 con/kg, nếu bán được 170.000 đồng/kg người nuôi lãi khoảng 40%. Tuy nhiên, khi chuyển đổi bà con cần phải xem kỹ lại quy trình, kỹ thuật nuôi và thực hiện cho đúng vì nuôi tôm sú và tôm thẻ có nhiều sự khác biệt. Đặc biệt, hiện người dân nhiều tỉnh thành đang đồng loạt chuyển sang nuôi tôm sú, nguồn cung con giống vượt cầu nên chất lượng tôm giống rất đáng lo ngại. Để có giống tôm sú chất lượng, bà con cần chọn mua tại những công ty có uy tín, nắm rõ được nguồn gốc tôm bố mẹ. Trước khi bà con thả nuôi, ngoài chọn nguồn gốc giống, cần xét nghiệm tôm bằng phương pháp PCR đối với các bệnh còi, đốm trắng, đầu vàng và một số bệnh phổ biến trên tôm sú.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 9.700 héc-ta đất nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đối tượng nuôi chủ yếu của mô hình này là tôm thẻ chân trắng nhưng do giá tôm liên tục giảm nên nhiều hộ nuôi đang gặp khó khăn. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, bà con nên lựa chọn nuôi tôm sú để đảm bảo sự ổn định về giá cả, lợi nhuận cũng cao hơn. 

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

 

Tăng cường quản lý lúa giống

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất lúa giống giả ở tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Hầu hết các cơ sở này đều mua lúa hàng hóa của thương lái rồi đóng bao, đóng dấu là lúa giống.

Thậm chí, một số điểm bán lúa giống ở vùng sâu, vùng xa còn mơ hồ về quyền sở hữu độc quyền một số giống lúa, ngang nhiên lấy một số giống lúa được bảo hộ về sản xuất bán lại cho người dân. Nhiều bà con nông dân đã mua nhầm giống lúa giả, các giống lúa mẫn cảm với các loài sâu bệnh hoặc các giống lúa có phẩm cấp gạo thấp. Một số cơ sở ở địa phương còn sản xuất và cung ứng các giống lúa đang trong quá trình khảo nghiệm quốc gia hoặc chỉ được phép sản xuất thử...

Thực tế cho thấy, thời gian qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện giống lúa thông qua hệ thống sản xuất giống lúa 3 cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận). Từ chỗ chỉ có khoảng 10 - 20% nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận cách đây khoảng 15 năm, đến nay đã nâng lên mức 40 - 60% giống xác nhận (tùy địa phương).

Việc sản xuất lúa giống theo hệ thống phân phối 3 cấp là cơ sở để truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tạo nền tảng căn cơ trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý việc sản xuất lúa giống giả cùng các trường hợp vi phạm quyền sở hữu bản quyền lúa giống hiện nay. Ngoài ra, các địa phương cũng cần kiểm tra chặt các điểm bán lúa giống để giảm thiểu thiệt hại cho bà con nông dân.

HÀNG VIỆT 

 

Đưa hàng Việt về miền núi Yên Bái:

Khuyến khích những doanh nghiệp “đầu tàu”

những doanh nghiệp “đầu tàu” Hoạt động đưa hàng Việt về khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi tỉnh Yên Bái được triển khai trong nhiều năm trở lại đây đã mang lại kết quả tích cực trong việc giúp hàng Việt Nam chinh phục các vùng thị trường còn khó khăn; giúp bà con được sử dụng hàng Việt chính hãng với giá cả phải chăng… Tuy nhiên, hoạt động này chỉ bền vững nếu huy động được nhiều doanh nghiệp (DN) lớn, DN đầu tàu, có vai trò
dẫn dắt thị trường tham gia.

Hiệu quả cao khi đưa hàng Việt về với bà con

Giữa tháng 6 vừa qua, tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Sở Công Thương Yên Bái đã phối hợp với UBND huyện Văn Chấn tổ chức Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2018. Hơn 40 gian hàng của trên 20 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã tham gia phiên chợ với nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, đa dạng, phong phú về chủng loại như dệt may, đồ điện gia dụng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm; nhiều mặt hàng đặc sản địa phương như quế Văn Yên, chè Shan Suối Giàng…

Trong khuôn khổ chương trình, ngoài quảng bá sản phẩm, các DN đã chủ động tiếp xúc với các tiểu thương, hộ kinh doanh, bán buôn, bán lẻ trên địa bàn để trao đổi, lắng nghe những ý kiến của người tiêu dùng. Qua đó, đưa ra các phương án kinh doanh phù hợp, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng. Hội chợ là dịp quảng bá và xúc tiến thương mại, tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) đến với đông đảo nhân dân và người tiêu dùng.

Phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi huyện Văn Chấn là một trong những phiên chợ hàng Việt về miền núi được tỉnh Yên Bái tổ chức thành công trong vài năm trở lại đây. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Yên Bái mỗi năm, Yên Bái tổ chức từ 5 - 7 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi để giúp bà con, người dân xung quanh được tiếp cận hàng Việt chất lượng cao. Tại các phiên chợ này, toàn bộ sản phẩm là hàng Việt, có nguồn gốc xuất xứ được đưa về phục vụ bà con. Trước khi phiên chợ được tổ chức, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đảm bảo các sản phẩm được bày bán tại phiên chợ chính là hàng được sản xuất trong nước, có chất lượng cao.

Thông qua các phiên chợ, bà con được tiếp cận với hàng Việt Nam, từ đó so sánh chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng hóa bày bán trôi nổi trên thị trường. Đây cũng là cơ hội giúp DN trong và ngoài tỉnh quảng bá hàng hóa, tiếp cận thị trường, nắm bắt thị hiếu và sức mua của bà con, từ đó đưa ra phương thức tiếp cận thị trường hiệu quả.

Huy động doanh nghiệp lớn tham gia

Song song với những kết quả đáng ghi nhận, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tỉnh Yên Bái còn gặp phải một số khó khăn như: Khó tìm nơi đủ rộng để mở phiên chợ; thời tiết thất thường, đường xá xa xôi và khó di chuyển... Chưa kể, việc thiếu các DN lớn tham gia các phiên chợ cũng khiến sự đa dạng hàng hóa bị giảm bớt, hàng hóa khó tiếp cận và “bám rễ” chắc chắn ở thị trường này.

Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi là hoạt động tích cực, giúp hình thành thói quen tiêu dùng hàng hóa do DN trong nước sản xuất. Do đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại Yên Bái kiến nghị, để các hội chợ có quy mô lớn hơn, cần chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn về mặt bằng, thời điểm tổ chức… Bên cạnh đó, có cơ chế khuyến khích DN đầu tư vào hệ thống phân phối để ngoài việc tham gia các phiên chợ hàng Việt về miền núi còn chủ động xây dựng hệ thống cửa hàng bán hàng Việt Nam, mang lại lợi ích lớn cho cả người tiêu dùng và DN.

Nhờ sự góp sức của các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, hiện nay, các sản phẩm hàng Việt trên địa bàn tỉnh không những được người tiêu dùng trong tỉnh mà còn được nhiều du khách biết đến và ưa chuộng. Tỷ lệ hàng Việt tại các kênh phân phối của Yên Bái đang ở mức 60% tại các chợ nông thôn và khoảng 80% tại hệ thống phân phối hiện đại.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)