Thông tin giá cả thị trường số 26/2019

03:33 PM 02/07/2019 |   Lượt xem: 4090 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá cá tra giảm mạnh

Giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay khiến người nuôi và người sản xuất cá giống lỗ nặng. Trước tình trạng này, nhiều hộ đã “treo” ao.

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích mặt nước nuôi cá tra lớn ở ĐBSCL với hơn 1.100 héc-ta, tập trung ở các huyện đầu nguồn sông Tiền như: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình và TX. Hồng Ngự. Năm 2018, do giá cá tra thịt liên tục tăng cao nên nhiều thửa ruộng sản xuất 3 vụ lúa ven các tuyến kênh rạch được người nuôi cá thu mua với giá cao gấp 2 - 3 thị trường để đào ao nuôi cá. Thậm chí, ở một số tuyến kênh rạch, dù không được quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản nhưng người dân vẫn đào ao nuôi cá. Sau hơn 1,5 năm giá cá tra liên tục tăng cao, từ đầu năm 2019 đến nay giá cá liên tục giảm, tình trạng đào ao nuôi cá ở một số địa phương không còn, một số nơi đã treo ao vì thua lỗ.

So với giá đỉnh điểm 36.000 đồng/kg vào quý 4/2018, hiện cá tra thịt đã giảm khoảng 25.000 đồng/kg, chỉ còn 21.500 đồng/kg trở lại, trong khi giá thành sản xuất đã là 23.500 đồng/kg. Đây là giá liên kết chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp, còn giá bán tự do chỉ 20.000 - 20.500 đồng/kg. Giá cá tra thịt giảm nên giá cá tra giống giảm theo khiến nhiều hộ lỗ nặng.  Hiện cá giống bán ra chỉ 16.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất hơn 23.000 đồng/kg. Ngoài ra, nuôi cá tra, bà con phải đầu tư vốn rất nhiều, nếu không bán được, neo lại mỗi ngày có thể tốn chi phí thức ăn vài trăm triệu. Nhiều ao cá đến ngày thu hoạch nhưng thương lái và doanh nghiệp chưa muốn thu mua khiến người nuôi gặp khó khăn.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), bên cạnh tình trạng cung vượt cầu thì nguyên nhân chính dẫn đến giá cá tra sụt giảm mạnh là do xuất khẩu các sản phẩm cá tra đang gặp bất lợi. Các thị trường truyền thống của cá tra Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc giảm nhập khẩu cá tra. Đặc biệt, Trung Quốc đã ban hành nhiều tiêu chuẩn chất lượng áp dụng đối với sản phẩm cá tra từ Việt Nam, đồng thời thắt chặt việc nhập khẩu tiểu ngạch sản phẩm này. Điều này đòi hỏi các địa phương cần tăng cường hướng dẫn người nuôi sản xuất theo hướng an toàn, tăng cường liên kết chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp. Đặc biệt, không nên chạy theo số lượng mà phát triển đại trà; nhất là giai đoạn hiện nay cần kiểm soát chặt diện tích, vùng nuôi…

Nhằm giải quyết tình trạng này, VINAPA sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các ngành liên quan tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm từ cá tra. Bên cạnh thúc đẩy các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ… cần đẩy mạnh xúc tiến thêm thị trường các nước châu Âu và Đông Nam Á, Nhật… Bởi trong cơ cấu xuất khẩu cá tra hiện nay, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường quan trọng. Trong đó, Trung Quốc tuy là thị trường mới tiêu thụ cá tra gần đây nhưng tăng trưởng rất mạnh và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi các chính sách thường xuyên thay đổi. Đối với thị trường Mỹ, nhiều năm nay luôn gặp trở ngại về áp thuế cao, gây khó cho việc gia tăng xuất khẩu cá tra vào thị trường này. Để giải quyết bài toán bền vững cần đa dạng thị trường xuất khẩu; không nên phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc hai thị trường lớn nào. Do vậy, vấn đề cấp bách là nhanh chóng khôi phục mạnh thị trường EU, đây là thị trường quan trọng đóng vai trò dẫn dắt cho xuất khẩu cá tra.

Trước những khó khăn trên, ngoài việc tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi, thích ứng với nhu cầu và quy định của từng thị trường, chấp hành nghiêm các tiêu chuẩn về tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước, chất phụ gia… Đối với người nuôi cá tra cần nâng cao ý thức, nuôi an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để tạo ra nguồn cá tra sạch, không nhiễm kháng sinh. Các nhà chuyên môn cũng cảnh báo bà con không mở thêm vùng nuôi, mà cần đầu tư đi vào chiều sâu theo chuỗi liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp; nâng cao chất lượng và tăng cường chế biến nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cần nhân rộng mô hình trồng sa nhân dưới tán rừng

Với mục đích đa dạng giống cây trồng để tăng thu nhập cho người dân, thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, từ tháng 6/2015, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (Ðiện Biên) đã đưa cây sa nhân vào trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại bản Nậm Khăn, với diện tích trên 2 héc-ta do 24 hộ gia đình đăng ký trồng. Với điều kiện thổ nhưỡng thích hợp, đến nay cây sa nhân phát triển tốt và cho thu hoạch ổn định.

Cùng một số người dân bản Nậm Khăn đi thăm mô hình sa nhân, chúng tôi được biết, vài năm nay, việc trồng, chăm sóc cây sa nhân không chỉ giúp dân bản tăng thêm thu nhập mà còn góp phần bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Ông Lèng Văn Chái, người có uy tín bản Nậm Khăn chia sẻ: “Trồng sa nhân 4 năm nay, mỗi vụ gia đình tôi thu hoạch trên 1 tạ quả cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. Trồng cây sa nhân không phải chăm sóc nhiều, cây sống tốt dưới tán rừng, nhưng ý nghĩa hơn là qua việc trồng và chăm sóc sa nhân, bà con dân bản có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng, bởi có rừng thì sa nhân mới phát triển tốt. Vì thế, dân bản rất mong chính quyền tiếp tục hỗ trợ mở rộng diện tích trồng sa nhân”.

Quả sa nhân là một vị thuốc có giá trị, được các tiểu thương thu mua thường xuyên. Những năm qua, người dân thu hoạch được bao nhiêu là tiểu thương thu mua hết. Cây sa nhân có thể cho thu hoạch trong thời gian khá dài (trên 10 năm) nếu chăm sóc tốt. Bình quân 1 héc-ta trồng sa nhân xanh có thể cho thu hoạch trên 150kg quả khô/năm, với giá bán hiện nay khoảng 400.000 - 450.000đ/kg quả khô, mỗi hộ dân có thu nhập vài chục triệu đồng. Nhận thấy lợi ích và tiềm năng của cây sa nhân, hiện nay xã Nậm Khăn đang nghiên cứu tiếp tục triển khai mở rộng diện tích sa nhân tại 6/7 bản còn lại trong xã.

Ông Lèng Văn Tự, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Khăn cho biết: Ngoài bản Nậm Khăn, UBND xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích sa nhân dưới tán rừng tại các bản khác. Ðầu năm 2019, UBND xã đã tổ chức 10 buổi tuyên truyền tại các bản về lợi ích, cách trồng cũng như giá trị kinh tế của cây sa nhân, đồng thời tổ chức cho người dân các bản: Nậm Pang, Huổi Nỏng, Vàng Xôm 1, Vàng Xôm 2, Hô Tâu và Huổi Văng tham quan thực địa mô hình sa nhân tại bản Nậm Khăn. Thông qua đó, đa phần bà con đồng thuận, nhất trí chủ trương của xã và tự nguyện đăng ký trồng cây sa nhân dưới tán rừng.

Gio Linh - Quảng Trị:

Vụ khai thác cá Nam gặp khó

Hiện ngư dân Quảng Trị đang vào vụ khai thác cá Nam, đây là vụ khai thác biển chính trong năm của ngư dân Quảng Trị. Tuy nhiên do giá cá thấp nên ngư dân gặp khó khăn…

Vụ cá này, cả ngư dân và chủ cơ sở cá hấp sấy khô xuất khẩu đều điêu đứng vì cá nục, cá hố tươi giá quá thấp, còn sản phẩm cá khô xuất khẩu thì không bán được. Mặc dù bắt được nhiều mẻ cá nục lớn nhưng ngư dân vẫn không có lãi do giá bán ra rất thấp, chỉ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Trên thực tế, từ trước đến nay, tất cả các sản phẩm cá hấp sấy khô đều được bán cho các thương lái Trung Quốc xuất qua đường tiểu ngạch với giá cao. Hiện giá xuất chỉ còn 45.000 đồng/kg, giá đã giảm mạnh mà cũng không thể bán được nên các hộ phải sản xuất cầm chừng. Các thương lái Trung Quốc không thu mua hàng, yêu cầu chất lượng hàng cao hơn. Bên cạnh đó, khối lượng cá được các thương lái Trung Quốc thu mua thời gian qua của các cơ sở chế biến đang bị ứ đọng lại ở cửa khẩu nhiều nên các thương lái không thu mua thêm. Nguyên nhân do từ trước đến nay hàng xuất khẩu cá của Quảng Trị qua Trung Quốc bằng được tiểu ngạch. Nay nước bạn thắt chặt chất lượng, mẫu mã, nguồn gốc truy xuất sản phẩm thì hàng hóa chưa đáp ứng kịp đòi hỏi của thị trường Trung Quốc.

Trước tình hình này, huyện Gio Linh đã đề nghị các sở, ban ngành kịp thời hướng dẫn bà con ngư dân khắc phục khó khăn để hướng đến khai thác thủy sản bền vững, xuất khẩu sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm cho ngư dân.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Cần Đước (Long An):

Tôm giảm giá, nông dân gặp nhiều khó khăn

Trong những ngày đầu tháng 6/2019, giá tôm giảm, nông dân tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An bị thua lỗ. Hiện tại, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg tại Cần Đước chỉ còn 70.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, để có 1kg tôm thịt chi phí khoảng 80.000 đồng (nếu nuôi theo mô hình công nghiệp chi phí khoảng 85.000 đồng/kg). Như vậy, mỗi kg tôm bán trong thời điểm này, nông dân lỗ khoảng 10.000 đồng/kg.

Một số hộ nuôi tôm phải kéo dài thời gian nuôi chờ giá lên. Mặc khác, giá thức ăn, thuốc thủy sản, chi phí xăng dầu, điện sản xuất đều tăng cao. Mặt khác, thời tiết năm nay khá bất lợi: Nắng nóng kéo dài, mưa liên tục, dịch bệnh phát sinh,… nên nông dân càng gặp khó.

Phong Điền - Cần Thơ:

Giá sầu riêng cuối vụ tăng cao

Giá sầu riêng ở huyện Phong Điền đang có chiều hướng tăng rất cao khi càng về cuối mùa vụ năm 2019. Mức giá được thương lái thu mua theo hướng tăng dần, dao động trong khoảng từ 55.000 – 60.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn mức giá cuối vụ năm ngoái khoảng 10.000 -  15.000 đồng/kg. Ước tính bình quân năng suất mùa vụ năm nay đạt 18,5 tấn/héc-ta, mang về nguồn lợi nhuận lớn cho bà con nhà vườn.

Đợt thu hoạch thứ 2 của mùa vụ năm nay ước tính chiếm khoảng 40% sản lượng cả mùa vụ, đạt khoảng 2.570 tấn. Thị trường đang hút hàng, trong khi sầu riêng đã vào cuối vụ, nguồn cung ít dần. Dự báo, trong thời gian tới, giá  tiếp tục bình ổn ở mức cao như hiện nay.

Diễn Châu - Nghệ An:

Dưa hấu được mùa, được giá

Hiện nay, bà con nông dân Diễn Châu đang ra đồng thu hoạch dưa hấu hè thu. Năm nay dưa hấu ở Diễn Châu được mùa, năng suất trung bình đạt 2 - 2,5 tấn/sào. Đặc biệt, giá dưa tăng gấp đôi so với vụ hè thu trước với 10.000 - 11.000 đồng/kg, mỗi sào dưa hiện cho thu nhập gần 25 triệu đồng. Nguyên nhân của việc giá dưa tăng mạnh là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng trái cây của người dân tăng cao, nhất là tại các nhà hàng, các điểm du lịch. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu loại dưa này, khiến cho dưa có hiện tượng “cháy hàng”. Vụ hè thu năm nay, Diễn Châu gieo trồng 250 héc-ta dưa hấu. Huyện đã xây dựng được cánh đồng lớn, liên kết từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm với trên 100 héc-ta tại xã Diễn Phong. Hiện nay, trên 80% diện tích dưa của huyện đã cho thu hoạch. Đây là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất tại huyện Diễn Châu thời điểm này.

Bắc Giang:

Xuất khẩu 9 tấn vải thiều sang Mỹ và Australia

Theo UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), hiện nay, đã có 5 tấn vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ và 4 tấn đi Australia. Ngoài ra, một số thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng đang được xúc tiến, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Giá thu mua vải thiều đã qua sơ chế, cắt cuống, đạt chất lượng cao nhất để xuất khẩu sang các thị trường này trung bình đạt 85.000 đồng/kg. Đặc biệt, vụ vải thiều năm nay, nhiều hộ đã áp dụng sản xuất hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP, ít sử dụng phân hóa học nên chất lượng có sự khác biệt rõ rệt.

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp 18 mã vùng cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 héc-ta. Theo đó, sản phẩm từ các khu vực này đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường trên thế giới.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tam Bình (Vĩnh Long):

Mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cam sành

Theo kế hoạch năm 2019, toàn huyện Tam Bình (Vĩnh Long) phát triển diện tích vườn cây ăn trái đến cuối năm là 8.190 héc-ta, đẩy mạnh phát triển diện tích vườn cam sành, đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Theo đó, huyện tập trung xây dựng mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất cam sành (100 héc-ta) ở xã Bình Ninh, Loan Mỹ. Đồng thời, tập trung phối hợp với các ngành triển khai các dự án hỗ trợ cho Hợp tác xã Cam sành Khánh Nhân và nông dân trong mô hình liên kết chuỗi, tập trung sản xuất an toàn, sản xuất đạt chứng nhận VietGAP để bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ xây dựng mỗi xã có 1 diện tích vườn mẫu. Tập trung xây dựng các mô hình trên các loại cây ăn trái có giá trị cao như: Cam sành, thanh long, bưởi da xanh, sầu riêng,… Tiếp tục chỉ đạo cải tạo vườn kém hiệu quả, khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái phù hợp với thị trường, điều kiện gia đình và theo quy hoạch của địa phương. Tăng cường tập huấn hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và phòng trừ sâu bệnh. Củng cố tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển diện tích, đảm bảo quy trình kỹ thuật, hướng tới xây dựng mô hình cánh đồng lớn trên vườn cây ăn trái như: Cam sành (Bình Ninh, Ngãi Tứ, Loan Mỹ…), xoài (Tân Phú, Long Phú, Song Phú,...), thanh long (Hậu Lộc, Mỹ Lộc, Song Phú,...). Thương hiệu “Cam sành Tam Bình” đã được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận. Đây là một trong loại cây ăn quả đặc sản của Vĩnh Long, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân có đời sống khá giả. Hiện nay, mô hình đưa cây cam sành trồng trên đất lúa cũng được tỉnh khuyến khích trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng vì cho hiệu quả cao so với trồng lúa.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Ngày 10/6/2019, Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp đã được áp dụng.

Nghị định này có nêu những hành vi thường thấy và gây nguy hiểm cho rừng và con người như: Đốt lửa, sử dụng lửa để săn bắt động vật rừng, lấy mật ong, lấy phế liệu chiến tranh... có thể bị phạt từ 1,5 - 3 triệu đồng. Hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định bị phạt tiền từ 5 - 400 triệu đồng. Các hành vi chặt, đốt, phát cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc… gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép sẽ bị xử phạt đến 200 triệu đồng. Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt khai thác rừng trái pháp luật. Theo đó, khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất đối với gỗ loài thông thường phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 1 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên;... phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 - 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 7 m3 đến dưới 10 m3 gỗ rừng tự nhiên.

Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, các mức phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng, từ 3 - 7 triệu đồng, 150 - 200 triệu đồng tùy theo diện tích khai thác  trái pháp luật. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, phạt tiền từ 10 - 25 triệu đồng, 25 - 50 triệu đồng, 75 - 100 triệu đồng.

HÀNG VIỆT

Hương Khê - Hà Tĩnh:

5 sản phẩm tham gia OCOP năm 2019

Gắn với điều kiện phát triển của địa phương, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, năm 2019, huyện Hương Khê phấn đấu có 5 sản phẩm tham gia chương trình OCOP gồm: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, mật ong Hương Bưởi, hương trầm và chè Tân Hương.

Thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn HTX Long Nhâm hoàn thành xây dựng thí điểm cam Khe Mây đạt chuẩn OCOP trong năm 2019 và 4 sản phẩm còn lại đạt chuẩn trong năm 2020; đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm mới như: Bánh đa Gia Phố, các tua tuyến du lịch...

Từ nay đến 2030, huyện Hương Khê phấn đấu mỗi năm có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình OCOP của tỉnh đã ban hành và có ít nhất 3 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao gồm: Bưởi Phúc Trạch, cam và chè Tân Hương.

Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Hương Khê đã triển khai đề án, kế hoạch cho 360 đại biểu trên địa bàn huyện về chương trình OCOP. Trên quan điểm lấy người dân làm chủ thể của quá trình thông qua HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nền tảng tổ chức sản xuất; phát huy tính chủ động, tự tin, sáng tạo của cộng đồng, phát triển tuân thủ cơ chế thị trường, có định hướng, quản lý của Nhà nước và được hỗ trợ khi các tổ chức phát triển theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

Hậu Giang:

Tìm giải pháp phát triển sản phẩm OCOP

Vừa qua, tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo chuyên đề “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - thực trạng và giải pháp”. Hội thảo đã đề ra các giải pháp để phát triển các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm 2018, Hậu Giang tiến hành xây dựng đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2018 - 2020”. Mục tiêu trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp nhằm tạo ra chỗ đứng trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh dự kiến phát triển 31 loại sản phẩm và dịch vụ OCOP. Từ khi đề án OCOP được phê duyệt, đến nay, Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã triển khai 8 lớp đào tạo, tập huấn đăng ký ý tưởng. Đồng thời, mở 16 lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao năng lực xây dựng NTM và triển khai chương trình OCOP cho ban phát triển ấp, cũng như tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo của chương trình theo kế hoạch đề ra.

Hội thảo cũng chỉ rõ một số vấn đề mà Hậu Giang đang gặp phải trong quá trình triển khai OCOP. Đó là: Tuy tỉnh có sản phẩm đặc sản nhưng vẫn còn ít, chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung; năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu; bán sản phẩm qua nhiều khâu trung gian… Chính vì vậy, thời gian tới, Hậu Giang cần tăng cường công tác tuyên truyền để đảm bảo mọi người dân đều biết về nội dung chương trình OCOP. Khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại…

Hội thảo lần này cũng là cầu nối liên kết 5 nhà cùng nhau nhìn nhận, đánh giá thực trạng về sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, chỉ ra những cơ hội và thách thức của chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân khi tham gia chương trình OCOP.

 

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)