Thông tin giá cả thị trường số 27/2019

02:20 PM 08/07/2019 |   Lượt xem: 5161 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ngãi:

Hành, tỏi Lý Sơn được giá

Vụ này, mặc dù thiếu nước tưới nhưng bà con nông dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vẫn đầu tư trồng hành, tỏi.

Mặc dù đây không phải là vụ mùa chính nhưng nghề trồng hành cũng giúp nông dân có thêm thu nhập giữa mùa hè khắc nghiệt. Chính vì thế sau khi thu hoạch vụ trước, bà con quay lại trồng hành dù phải đối mặt với khó khăn do thiếu nước. Hiện nông dân huyện đảo Lý Sơn đã phải cắt giảm 1/3 diện tích trồng hành vụ này do thiếu nước tưới. Thậm chí, để có nước tưới cho vụ hành này, một số gia đình phải thuê người tưới nước theo hình thức ăn chia sản lượng sau thu hoạch. Chẳng hạn 1 sào hành thu hoạch được 2 tấn thì chia cho người tưới nước 15%. Ngoài ra, còn chi phí tiền mua giống 60.000 đồng/kg, mua cát trắng, mua phân bón…

Trong điều kiện khó khăn về nước tưới, nông dân huyện đảo Lý Sơn thực hiện tưới luân phiên. Mỗi đám ruộng chỉ được tưới 1 lần trong ngày. Chủ yếu bà con sử dụng nước từ các giếng khoan. Một số diện tích gần núi Thới Lới thì sử dụng nguồn nước từ hồ nước trên đỉnh núi. Hồ nước này chủ yếu hứng nước mưa nhưng từ sau tết đến nay không mưa nên nước hồ cũng dần cạn. Khi tưới cho hộ gia đình này xong là tưới cho hộ tiếp theo. Bên này mở ra thì bên kia đóng lại nhờ hệ thống tự động bắt phun. Hiện nay, dân đảo đã gắn hệ thống motor. Ví dụ ruộng ở xa thì gắn 1 motor 5 đến 7 mã lực, xa nữa thì gắn 2 cái motor. Lấy cát trắng trải lên mặt để đỡ hấp thụ ánh nắng, giữ được nước.

Huyện Lý Sơn có tổng diện tích trồng hành, tỏi khoảng 350 héc-ta. Vụ hành này, nông dân trồng khoảng 150 héc-ta. Việc cắt giảm diện tích trồng hành phù hợp với chủ trương của địa phương trong điều kiện thiếu nước tưới như hiện nay. Đối với những diện tích nông dân đã trồng, chính quyền và ngành chức năng của huyện vận động bà con tưới tiết kiệm.

Mặc dù giá cả không ổn định, nhưng nông dân Lý Sơn vẫn bám đất trồng hành, tỏi. Mỗi khẩu được 100 m2 đất nông nghiệp, người dân trồng xen kẽ hành, tỏi, đậu, bắp… Riêng đối với cây tỏi trồng từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch, vì mùa đông trên đảo chỉ có cây tỏi là chịu được sức gió. Tháng bảy, tháng tám, người dân Lý Sơn bắt đầu vào mùa làm đất trồng tỏi. Cát vụn san hô mục dưới đáy biển được hút về đổ lên mặt ruộng một lớp dày khoảng 4 cm, sau khi trải một lớp rong biển khô. Đó là loại phân đặc biệt tạo mùi vị thơm ngon riêng cho tỏi Lý Sơn, nông dân không dùng thêm loại phân hoá học khác. Sang tháng chín, đầu mùa mưa, các tép tỏi giống được trồng cắm chôn vào lớp cát, tưới ẩm những ngày trời không mưa, cây tỏi mọc lên, đến tháng hai năm sau bắt đầu thu hoạch.

Mùa thu hoạch, tỏi được nhổ cả thân lẫn củ, một ruộng tỏi nhổ khoảng hai tuần, tỏi già chín nhổ trước, tỏi chưa già lần lượt nhổ sau. Tỏi nhổ về sân nhà, cắt bỏ rễ và thân, lấy củ mang phơi khô, đóng bao đưa ra thị trường.

Cây tỏi vẫn là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân huyện đảo Lý Sơn. Nhiều vụ tỏi được mùa được giá đã giúp nhiều gia đình nơi đây thoát nghèo. Để hỗ trợ bà con, thời gian tới, huyện Lý Sơn sẽ dùng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hỗ trợ bà con lắp đặt hệ thống tưới tự động.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Nam: Mực khô không bán được, ngư dân lo lắng

Do chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc, mực khô của ngư dân Quảng Nam đánh bắt về không xuất bán được khiến bà con lo lắng.

Tuần qua, hàng chục chiếc tàu câu mực ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam phải nằm bờ vì sản phẩm đánh bắt về thương lái không thu mua khiến bà con không có chi phí cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ở cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) và cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang), huyện Núi Thành, các tàu câu mực phải neo đậu trong nhiều ngày qua. Trong khi những chuyến biển trước, khi tàu vừa cập cảng, thương lái đã đổ xô đến mua để xuất sang Trung Quốc. Hiện giá mực xà khô ở mức 100.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng nay nhiều tàu phải hạ giá thấp hơn nhưng cũng không có người mua.

Theo tìm hiểu thì được biết bên hải quan Trung Quốc không duyệt hàng qua đường chính ngạch vì mực này không có dán tem, truy xuất nguồn gốc theo quy định mới của họ. Vì vậy, thương lái và doanh nghiệp Trung Quốc không dám nhập hàng. Từ trước đến nay, mực xà của ngư dân Quảng Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, rất ít ràng buộc quy định của ngành chức năng hai nước. Bây giờ phải đổi lại phương thức giao hàng, có nghĩa doanh nghiệp bên Trung Quốc mua sản phẩm thì ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, có truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa. Điều này đến nay các tư thương Quảng Nam chưa thực hiện được. Do mực không tiêu thụ được nên hiện nay nhiều tàu phải nằm bờ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, đời sống của hàng ngàn hộ ngư dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hiện tỉnh Quảng Nam đang có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau để sớm ký kết việc xuất khẩu mực theo đường chính ngạch.

Châu Phú (An Giang): Thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng

Hiện nay, các hộ dân trồng nhãn tại xã Khánh Hòa và Mỹ Đức (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã bắt tay vào vụ thu hoạch nhãn xuồng cơm vàng.

Những mâm nhãn xuồng cơm vàng được người dân bày bán dọc 2 bên tuyến Quốc lộ 91 thuộc xã Mỹ Đức báo hiệu mùa thu hoạch nhãn bội thu. Mặc dù giá nhãn đầu mùa khá cao, khoảng 80.000 - 90.000 đồng/kg nhưng hàng bán rất chạy. Giá này cao hơn giá bán mùa nhãn năm trước khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Trên địa bàn xã Khánh Hòa hiện có trên 70 héc-ta diện tích trồng nhãn, trong đó có nhiều vườn tuổi đời trên 10 năm. Để thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định, UBND xã Khánh Hòa đã thành lập Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa. Tổ hợp tác đã tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng nhãn, quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm, nhằm hướng đến việc đăng ký mã vạch cho sản phẩm. Đặc biệt, để phát triển quy mô, nâng diện tích trồng nhãn, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú từng bước triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Hòa, với quy mô trên 170 héc-ta. Khi dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng theo hướng tập trung và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, mở ra hướng đi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn xuồng cơm vàng của bà con nông dân.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Khánh Hòa:

Giá đậu phộng ổn định

Năm nay, do thời tiết nắng hạn, bà con nông dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã chuyển đổi sang trồng đậu phộng (cây lạc). Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, ít công lao động, chỉ sau 70 - 75 ngày, cây đậu phộng đã cho thu hoạch. Đặc biệt, đậu phộng có giá ổn định, giao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác trên cùng diện tích. Chi phí đầu tư cho đậu phộng từ giống, phân bón không nhiều, chủ yếu là phân chuồng cộng thêm 2 đợt bón thúc phân NPK là cây lớn rất nhanh. Với diện tích 1 héc-ta bà con thu hoạch được 5 tấn đậu phộng, sau khi trừ chi phí thu về với lợi nhuận hơn 25 triệu đồng.

Kim Sơn (Ninh Bình):

Nuôi hàu giống phát triển mạnh

Nghề nuôi hàu giống mới xuất hiện ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) từ 2 - 3 năm trở lại đây. Vùng nuôi tập trung ở vùng nuôi trồng thủy sản của 3 xã: Kim Đông, Kim Hải và Kim Trung. Đến nay, toàn huyện có hơn 60 cơ sở sản xuất hàu giống, mỗi năm xuất đi khoảng 420 triệu con giống. Nghề nuôi hàu giống đã và đang đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Do đó, chính quyền xã rất ủng hộ bà con phát triển sản xuất theo ngành nghề này. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn kiến thức sản xuất ngao giống, góp phần nâng cao kỹ thuật sản xuất cho các hộ nuôi trong vùng. Qua lớp đào tạo, người dân được trang bị những kiến thức cơ bản về đặc tính của giống hàu, cách lựa chọn giống đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hàu giống, những dịch bệnh có thể mắc phải cũng như yêu cầu để đảm bảo vệ sinh môi trường của cơ sở sản xuất.

Đồng Tháp:

Thanh long ruột đỏ được mùa được giá

Nông dân huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang vào vụ thu hoạch vụ thanh long ruột đỏ với niềm vui được mùa được giá. Vụ thanh long này, một số doanh nghiệp đã liên kết tiêu thụ, đưa xe đến tận nơi thu mua sản phẩm của bà con với giá bao tiêu là 25.000 đồng/kg và trả tiền mặt một lần sau khi mua.

Hiện toàn huyện Tam Nông có gần 200 công (1 công = 1.000 m²) thanh long ruột đỏ, nhiều nhất là ở xã Phú Đức, với 15 hộ trồng trên 135 công tại ô bao không số, quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim. Loại cây trồng này chỉ trồng một lần và cho thu hoạch từ 15 - 20 năm; từ khi xuống giống đến khi thu hoạch đợt đầu là 11 tháng. Theo tính toán sơ bộ của bà con, trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả gấp từ 5 - 10 lần trồng lúa.

Hậu Giang:

Dừa khô tăng giá trở lại

Hiện nay, nhiều nông hộ trồng dừa ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang phấn khởi khi giá dừa khô đã tăng trở lại sau một thời gian giảm sâu. Theo đó, các thương lái thu mua đối với dừa khô loại I có giá 50.000 đồng/chục (12 trái), dừa khô mua xô có giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chục, bình quân tăng hơn 30.000 đồng/chục so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Nhiều thương lái cho biết, giá dừa khô bắt đầu tăng từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân là do người dân chủ động bán dừa tươi để có giá cao nên sản lượng dừa khô giảm. Bên cạnh đó, các thương lái đang tập trung thu mua dừa khô với số lượng lớn, tạo điều kiện đẩy giá tăng mạnh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Bến Tre:

Sôi động thị trường cây giống

Từ đầu năm đến nay, thị trường cây giống trên
địa bàn huyện Chợ Lách (Bến Tre) luôn sôi động. Các cơ sở sản xuất cây giống với chủng loại khá đa dạng, hướng đến thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước.

Trong đó, cây giống sầu riêng tiêu thụ mạnh, nhất là ở Bảo Lộc, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang… Hiện giá bán cây giống sầu riêng tăng từ 90.000 đồng/cây lên 110.000 – 120.000 đồng/cây. Các giống ổi các loại cũng tăng cao. Riêng giống ổi ruby trồng cho trái ruột đỏ gần như không còn hạt (khi thu hoạch) lại thơm ngon bán được giá 25.000 đồng/kg. Do vậy, năm nay, giá cây giống cũng tăng lên 45.000 đồng/nhánh, thậm chí có nơi bán 80.000 đồng/nhánh. Nhãn xuồng từ 18.000 đồng/nhánh đã tăng lên 22.000 đồng/nhánh. Thanh nhãn từ 40.000 đồng/nhánh tăng lên 45.000 đồng/nhánh. Dừa xiêm lùn giá cũng biến động từ 20.000 đồng/cây (cao 3 tấc) tăng lên 30.000 đồng/cây ngang với giống dừa Indonesia.

Theo một số cơ sở bán cây giống có uy tín, hiện nay, giống mít siêu sớm và sầu riêng áp đảo về số lượng tiêu thụ. So với năm ngoái, thị trường tiêu thụ cây giống vẫn rất sôi động do xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang được đẩy mạnh. Ngay cả vùng đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang chuyển dần một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu để chuyển sang trồng cây ăn trái. Một số địa phương đặc biệt quan tâm đến chọn chủng loại cây trồng cho trái gắn với thị trường tiêu thụ để “ăn chắc, mặc bền”. Đây là vấn đề mà người sản xuất cây giống luôn quan tâm để duy trì sự ổn định và phát triển trong sản xuất cây giống.

Những năm gần đây, cây giống ở Chợ Lách tiêu thụ không còn tập trung vào mùa mưa mà rải đều trong năm. Người sản xuất cây giống dễ dàng hơn trong nhận định nhu cầu thị trường tiêu thụ để sản xuất chủng loại cây giống đáp ứng. Đây cũng là bước chuyển trong sản xuất hướng đến thị trường tiêu thụ, giữ vững danh tiếng cây giống Chợ Lách.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới:

Diễn biến phức tạp

6 tháng đầu năm 2019, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến phức tạp.

Ngày 19/6/2019, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu để đánh giá tình hình công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2019. Đồng thời, quán triệt kế hoạch số 01/KH-BCĐ389 về việc giám sát kiểm tra việc thực hiện thí điểm một số chính sách xuất khẩu tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Theo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động buôn lậu gian lận thương mại hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có diễn biến phức tạp. Tình trạng buôn lậu, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn xảy ra tại nhiều địa phương, chủ yếu là các nhóm mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như: Rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá điếu, sản phẩm công nghệ, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng...

Đặc biệt, một số đối tượng lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là hàng hóa có thuế suất cao như thuốc lá, rượu… Phương thức, thủ đoạn hoạt động của số đối tượng thẩm lậu mặt hàng tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan ngày càng tinh vi và manh động; trong đó có hoạt động tạm nhập tái xuất thí điểm tại các cửa khẩu phụ lối mở theo chỉ đạo của Chính phủ tại các tỉnh biên giới phía Bắc nói chung, tại Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.

Trước tình hình này, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm tập trung xử lý vi phạm theo chuyên đề. Trong đó phải tập trung điều tra, truy tố và xét xử nghiêm các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu. Ngoài ra, lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh phát hiện ngăn chặn xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, đặc biệt phải triệt phá được các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là dược, mỹ phẩm.

HÀNG VIỆT

Bưởi da xanh Khánh Vĩnh

UBND huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) đã tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Có thương hiệu, bà con huyện miền núi này hy vọng bưởi da xanh sẽ được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Vùng chuyên canh bưởi da xanh

Khánh Vĩnh là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Trên mảnh đất bán sơn địa ấy, các loại cây ăn quả, đặc biệt là bưởi da xanh đã đem lại kinh tế cao cho người canh tác. Những năm gần đây, bưởi da xanh được bà con phát triển mạnh về số lượng và cả chất lượng sản phẩm. Gần đây, tỉnh Khánh Hòa cũng đã đưa bưởi da xanh vào danh sách 1 trong 5 cây chủ lực kinh tế của tỉnh để hỗ trợ các chính sách đầu tư vào các khâu: Thủy lợi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm phát triển thị trường, đổi mới tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực và chính sách đầu tư… Trong đó, huyện miền núi Khánh Vĩnh trở thành nơi chuyên canh cây ăn quả nói chung và cây bưởi da xanh nói riêng. Điều đáng mừng là song hành với những nỗ lực của người nông dân, cây bưởi da xanh luôn được các sở, ngành và UBND huyện Khánh Vĩnh đặc biệt quan tâm phát triển. Đề án phát triển cây trồng chủ lực của huyện được xây dựng năm 2016, trong đó có 4 cây trồng được xác định gồm: Bưởi da xanh, mít nghệ, sầu riêng và xoài. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện tập trung phát triển cây bưởi da xanh trước. Sau quá trình tổ chức hướng dẫn, đồng hành với người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích chuyển đổi cây trồng, phát triển mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh, từng mô hình trồng bưởi đáp ứng chuẩn VietGAP cũng ra đời, làm cơ sở cho việc thiết lập “Dự án xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Khánh Vĩnh”.

Đặc biệt, từ nguồn kinh phí dự án Y tế Hà Lan, Phòng NN&PTNT huyện Khánh Vĩnh đã phối hợp với UBND xã Khánh Thành tổ chức triển khai hỗ trợ trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP cho 14 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với quy mô 7 héc-ta tại thôn Gia Rú và Giòng Cạo. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật… Hằng năm, xã Khánh Thành đều tranh thủ các đơn vị đỡ đầu để xin hỗ trợ vật tư nông nghiệp, máy bơm nước giúp người dân chăm sóc cây tốt hơn. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng đã vay vốn của ngân hàng để đầu tư trồng bưởi nên diện tích được mở rộng. Tính đến nay, toàn huyện Khánh Vĩnh có gần 500 héc-ta bưởi da xanh. Trong đó, 85 héc-ta được cơ quan chức năng chứng nhận VietGAP. Các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây ăn quả mà chủ lực là bưởi da xanh đã được thành lập. Cây bưởi da xanh Khánh Vĩnh không chỉ là cứu cánh kinh tế của người dân mà còn là tiền đề để dần hình thành vùng chuyên canh cây bưởi da xanh.

Hướng tới thị trường cao cấp

Đó là một trong những định hướng sắp tới được lãnh đạo UBND huyện Khánh Vĩnh đưa ra tại lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh”. Đây là kết quả sau 2 năm thực hiện đề án. Việc xác lập thương hiệu một mặt nhằm từng bước hình thành vùng chuyên canh bưởi da xanh, gia tăng giá trị thương phẩm, từng bước quảng bá, làm cơ sở để quy hoạch vùng trồng trên quy mô rộng và chuyên nghiệp hơn. Có thương hiệu thì người trồng, chăm sóc cũng gắn trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ thương hiệu, uy tín sản phẩm của mình trên thị trường, được thị trường chấp nhận. Mặt khác về lâu dài, nhãn hiệu này còn có thể ngăn ngừa giả mạo trên thị trường.

Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có hơn 500 héc-ta bưởi da xanh tập trung chủ yếu ở các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Thành. Trong thời gian tới, các tập thể, hộ sản xuất cần tập trung duy trì và phát triển thương hiệu. Để trái bưởi da xanh Khánh Vĩnh có thể xâm nhập vào thị trường cao cấp, các hộ đang áp dụng quy trình VietGAP cần tuyên truyền, vận động thêm bà con xung quanh phát triển VietGAP để phát triển vùng trồng rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng quy trình mã hóa, truy xuất nguồn gốc điện tử. Có như vậy, bưởi da xanh Khánh Vĩnh mới có thể đường hoàng đi vào siêu thị, khách sạn… và xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)