Thông tin giá cả thị trường số 28/2017

02:43 PM 26/07/2017 |   Lượt xem: 6581 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tìm đầu ra cho nông sản miền Tây xứ Nghệ

Không chỉ vùng đồng bằng, thực tế thời gian qua cho thấy, câu chuyện khủng hoảng thừa nông sản đã tác động không nhỏ đối với đời sống người dân miền Tây Nghệ An.

Tại một số huyện miền núi như: Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương… nhằm tạo sinh kế cho bà con nơi đây, chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng trồng rau an toàn. Theo ghi nhận bước đầu, mô hình này cho kết quả rất khả quan. Các sản phẩm rau, củ do người dân miền núi trồng trọt, sản xuất cao hơn từ 3 - 4 lần so với làm nương rẫy. Thế nhưng, đến thời điểm này do đầu ra khó khăn, nhiều mô hình trồng rau an toàn đứng trước nguy cơ bị phá sản do khó khăn đầu ra. Vùng rau an toàn thuộc một số bản làng vùng khó khăn Tri Lễ (Quế Phong), nơi mà từng được kỳ vọng sẽ trở thành nguồn rau hàng hóa cho thu nhập cao thì nay người dân chỉ sản xuất nhằm mục đích tự cung tự cấp. Các loại rau như: bắp cải, rau gia vị nổi tiếng của vùng đất này cũng vì thế mà bị thu hẹp diện tích rất nhiều.

Tại Bản Tam Thái (Tương Dương) mới đây có 14 hộ tham gia trồng rau an toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này 1/2 héc-ta diện tích trồng ớt cay của bà con đã chín đỏ trên cây mà không thể tiêu thụ được. Trung bình mỗi ngày mỗi hộ chỉ bán được khoảng 2 – 3 kg ớt tươi tại các chợ nhỏ trên địa bàn, trong khi trên vùng nguyên liệu vẫn tồn hàng tạ ớt đã đến kỳ thu hoạch. Một phương pháp tình thế được bà con áp dụng đó là phơi khô, xay nhỏ để bán dần.

Không chỉ có cây ớt, thời gian qua ở Nghệ An người dân cũng lao đao bởi cây chanh leo. Theo quy hoạch thì Quế Phong là địa phương có điều kiện thổ nhưỡng hợp với cây chanh leo nên quy hoạch 1.500 héc-ta. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Quế Phong mới trồng được 283,3 héc-ta, tập trung ở Tri Lễ với khoảng 155 héc-ta. Nhưng điều đáng nói chưa phải là câu chuyện quy hoạch, mà theo như thực tế mùa vụ vừa qua, giá chanh leo lại rớt thê thảm. Nếu như những năm trước, Công ty Cổ phần Nafoods thu mua bình quân với giá 9.000 đồng/kg, thì năm nay công ty lại phân loại ra để thu mua. Theo đó, loại 1 có giá 12.000 đồng/kg, loại 2 chỉ mua với giá 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo bà con, tỷ lệ loại quả đạt loại 1 chỉ khoảng 10% sản lượng. Điều đó cho thấy, tất cả việc thu mua chỉ phụ thuộc vào công ty thu mua mà không hề có sự đảm bảo chắc chắn nào cho đầu ra của sản phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm chanh leo ở Nghệ An hầu như vẫn là nguyên liệu thô, tiếp đến là nếu quy hoạch một diện tích lớn như vậy lại xẩy ra khủng khoảng thừa. Bởi không chỉ ở Quế Phong mà các huyện miền núi khác như Tương Dương, Kỳ Sơn cũng đều mở rộng diện tích quy hoạch cho loại cây này và xem như là giải pháp giúp bà con thoát nghèo.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Tiền Giang: Trồng sen cho thu nhập cao

Thông thường, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch ngó sen chỉ khoảng 2 tháng, chi phí đầu tư cho mỗi héc-ta khoảng 3 triệu đồng. Hiện ngó sen được thương lái thu mua với giá 17.000 đồng/kg loại ngòi viết và 11.000 đồng/kg sen tẻ. Dự kiến trung bình mỗi ngày mỗi hộ gia đình trồng sen có thu nhập từ 500.000 đồng đến 900.000 đồng tùy theo diện tích đầm. Có những thời điểm giá ngó lên đến 30.000 - 33.000 đồng/kg, lợi nhuận rất cao. Vào mùa lũ, sen vượt theo nước, cho ngó nhiều, năng suất tăng gấp đôi.

Ngoài thu hoạch ngó, các gia đình còn thu hoạch bông và lá sen để cung cấp cho thị trường. Với giá bán 500 đồng/lá, mỗi tháng các hộ gia đình có thêm thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng từ việc bán lá và bông sen.

Thạnh Hòa là xã đầu nguồn của huyện Tân Phước, có diện tích đất nông nghiệp hơn 900 héc-ta, trong đó có khoảng 800 héc-ta đất trồng lúa, do nằm trong vùng bị ngập lũ nên hằng năm có ít nhất 3 tháng người nông dân phải bỏ hoang, không thể sản xuất được. Để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, chính quyền xã Thạnh Hòa khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập. Đến nay, toàn xã có hơn 20 héc-ta sen, tuy nhiên hằng năm, diện tích sen thường tăng lên hơn 100 héc-ta vào mùa lũ.

Đắk Lắk: Mô hình sản xuất tiêu an toàn và đảm bảo đầu ra

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 12 mô hình sản xuất tiêu an toàn liên kết với 4 đơn vị hỗ trợ đầu ra trên tổng diện tích gần 199 héc-ta. Đây là những mô hình liên kết với nông dân sản xuất tiêu bền vững và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk liên kết, hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 192 héc-ta tiêu tại xã Ea Tân và Ea Toh (huyện Krông Năng); Viện Bảo vệ thực vật hỗ trợ 50% vật tư nông nghiệp xây dựng 7 mô hình với diện tích 6,3 héc-ta tại huyện Cư Kuin; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ cây giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 2 mô hình (0,5 héc-ta) tại thị xã Buôn Hồ và Cư Kuin; Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Krông Bông hỗ trợ 100% chi phí vật tư nông nghiệp cho 1 mô hình (0,2 héc-ta) tại xã Cư Drăm.

Ngoài việc liên kết với nông dân sản xuất tiêu bền vững và kết nối doanh nghiệp nước ngoài đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, các doanh nghiệp còn mở các lớp tập huấn sản xuất hồ tiêu bền vững cho bà con nông dân. Đồng thời, cam kết dành nhiều ưu đãi về giá cho người dân nếu bà con bảo đảm được việc quản lý dịch hại tổng hợp, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không ồ ạt mở rộng diện tích tiêu mà tập trung thâm canh, nâng cao năng suất tiêu hiện có; xây dựng các chỉ tiêu phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thu hút nhà đầu tư chế biến sản phẩm phục vụ xuất khẩu và xây dựng thương hiệu hồ tiêu…

MUA GÌ? - BÁN GÌ?

Đắk Lắk: Giá khoai lang giảm mạnh

Hiện nay, bà con nông dân ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch khoai lang. Tuy nhiên, giá của loại nông sản này giảm mạnh khiến người trồng khoai lao đao vì thua lỗ. Thời điểm giữa tháng 5, giá khoai được thương lái thu mua từ 12.000 – 15.000 đồng/kg thì nay xuống còn 6.000 đồng/kg. Mức giá này không đủ bù lỗ cho chi phí đầu tư, chăm sóc. Chưa kể đến vụ thu hoạch, mỗi ngày phải thuê thêm nhân công thu hoạch với chi phí 180.000 – 200.000 đồng/người.

Trong vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện Krông Bông có 124 héc-ta khoai lang được trồng chủ yếu ở các xã: Yang Reh, Ea Trul, Hòa Sơn, Hòa Lễ… Hơn nữa, hiện nay, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, chất lượng khoai lang cũng giảm đi, củ xấu hơn và hay bị sâu nên tiêu thụ chậm, các đầu mối nhập khẩu không thu mua.

Đồng Tháp: Giá thanh long ruột đỏ hồi phục do nhu cầu xuất khẩu

Thời điểm hiện tại, nông dân vùng chuyên canh thanh long huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp rất phấn khởi bởi giá nông sản này đang hồi phục trở lại. Hiện giá thanh long ruột đỏ loại 1 dao động từ 29.000 - 30.000 đồng/kg; loại 2 có giá 19.000 - 20.000 đồng/kg, tăng khoảng 8.000 - 9.000 đồng/kg so với tháng trước.

Nhiều nhà vườn trồng thanh long ruột đỏ cho biết, giá thanh long tăng là do nhu cầu xuất khẩu đang cao. Bên cạnh đó, nhiều năm nay, sau khi thu hoạch xong thanh long chính vụ, nông dân áp dụng biện pháp chong đèn để kích thích thanh long ra trái mùa nghịch. Nhờ giá thanh long mùa nghịch cao hơn nhiều lần so với chính vụ nên nhiều nhà vườn thu được lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, điều khiến nông dân lo lắng hiện nay là sâu bệnh xuất hiện trên thanh long ngày càng nhiều, nhất là bệnh đốm trắng. Chính vì thế, năng suất thanh long ruột đỏ giảm khoảng 10% so với các năm.

Toàn huyện Châu Thành hiện có hơn 20 héc-ta thanh long ruột đỏ được trồng tập trung tại các xã: Phú Hựu, An Phú Thuận...

Giá gà công nghiệp ở mức thấp

So với cách đây khoảng 2 - 3 tuần, giá gà công nghiệp tại nhiều địa phương trong nước hiện giảm ít nhất từ 5.000 - 10.000 đồng/kg và đang có mức giá rất thấp. Tại các tỉnh: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… giá bán lẻ gà công nghiệp (gà lông màu nuôi công nghiệp còn sống) từ 32.000 - 38.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán buôn gà lông màu nuôi công nghiệp bán ra tại nhiều trại chăn nuôi chỉ ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg.

Giá gà công nghiệp giảm mạnh chủ yếu do cung có dấu hiệu vượt cầu do thời gian qua, nông dân nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và lượng thịt gà công nghiệp nhập khẩu cũng dồi dào. Mặt khác, sức tiêu thụ thịt gia cầm cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình bệnh cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại tại một số địa phương trong nước những tháng đầu năm 2017. Để đẩy mạnh tiêu thụ gà công nghiệp, gần đây nhiều người đã đem gà công nghiệp nguyên con còn sống về các vùng nông thôn bán dọc theo các trục đường giao thông với giá khá thấp.

Hồng Ngự (Đồng Tháp): Khổ qua (mướp đắng) giảm giá mạnh

Những ngày qua, hàng trăm nông dân trồng khổ qua ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) đứng ngồi không yên vì giá khổ qua bất ngờ giảm mạnh đúng thời điểm thu hoạch rộ. Hiện khổ qua được thương lái thu mua với giá 4.000 đồng/kg loại 1 và giảm dần tùy loại. Trong khi đó, vài tuần trước, khổ qua có giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân, trừ chi phí đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/công thì dù khổ qua có cho năng suất khá, người trồng cũng còn lỗ khoảng 2 – 5 triệu đồng/công.

Khổ qua là loại cây trồng được nông dân các xã Cù lao, huyện Hồng Ngự canh tác nhiều với diện tích trên 25 héc-ta. Hiện giá giảm mạnh khiến nông dân thu hoạch cầm chừng, nhiều trái già và chín xem như bỏ khiến năng suất thu hoạch cuối vụ giảm đáng kể. Trong khi đó, phần lớn bà con nông dân và các hợp tác xã đều chưa tìm được kênh phân phối cho sản phẩm khổ qua nên vào vụ thu hoạch, nông dân tự tìm thương lái để tiêu thụ.    

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Giá thịt lợn tăng, thận trọng tái đàn

Trung tuần tháng 7/2017, giá lợn hơi đã tăng trở lại sau một thời gian dài giảm mạnh. Tuy nhiên, bà con cần thận trọng khi tính tới việc tái đàn vào thời điểm này để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung như đã từng xảy ra.

Giá lợn hơi đã tăng trở lại

Tính đến ngày 16/7/2017, giá lợn hơi đã tăng lên trung bình 42.000 đồng/kg, có nơi đã tăng lên trên 45.000 đồng/kg; giá lợn giống đã tăng lên trên 1 triệu đồng/con. Tuy nhiên, không nhiều hộ còn lợn để bán với giá này vì trước đó, nhiều người đã bán đổ, bán tháo do không còn đủ lực để duy trì đàn. Thậm chí, nhiều hộ cũng đã bán hàng trăm con lợn giống với giá chỉ từ 350.000 – 500.000 đồng/con do không đủ sức để cầm cự, cộng với tâm trạng hoang mang không biết giá lợn sẽ diễn biến như thế nào? Những ngày này, trong niềm vui của những người bán lợn được giá, có cả nỗi tiếc nuối của không ít người chăn nuôi…

Nguyên nhân chính của việc phục hồi giá lợn hơi được cho là do thương lái Trung Quốc đã khởi động lại việc mua lợn xuất sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nhằm bù đắp thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra cho nền nông nghiệp của các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Cùng với đó là nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai tích cực, trong đó đặc biệt là giải pháp kiểm soát mạnh khâu tăng đàn. Ngoài ra, các doanh nghiệp chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài đã giảm nợ tồn nên việc cung ứng ra thị trường cũng giảm theo.

Cùng với giá lợn hơi tăng, giá thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị cũng nhúc nhích  tăng từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Không ít nơi, thương lái bắt đầu gặp khó khi tìm mua lợn giống và lợn thịt do nguồn cung không còn dồi dào như trước đó.

Có nên tái đàn?

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2017, đàn lợn cả nước đạt 27,23 triệu con, giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm 2016. Đến cuối tháng 6, đàn lợn giảm khoảng 1,6 triệu con so với đầu tháng 4 do người nuôi giảm tái đàn. Mặc dù giảm như vậy nhưng theo tính toán của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Với quy mô đàn nái hiện có cũng như năng lực sản xuất, cả nước vẫn có dư khả năng để tăng sản lượng cung thịt lợn cho thị trường mà chưa cần phải tính đến vấn đề mở rộng quy mô đàn và quy mô chăn nuôi.

Phân tích của nhiều chuyên gia cũng cho thấy: Việc thịt lợn hơi tăng giá chưa phải là những biểu hiện căn cốt của quan hệ cung - cầu và phát triển bền vững. Thực tế, việc buôn bán lợn theo đường xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc tưởng tiện lợi nhưng vô cùng nguy hại vì nó không gắn với một cam kết nào. Nói cách khác, việc xuất khẩu thịt lợn theo con đường tiểu ngạch khiến cho người chăn nuôi Việt Nam luôn rơi vào tình thế bị động… Nếu ồ ạt tăng đàn, chỉ cần Trung Quốc đóng cửa không nhập lợn, người chăn nuôi lại thêm một lần thua lỗ.

Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng: Trung Quốc gom thịt lợn  hay bất cứ thị trường nào đều là tín hiệu tốt cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, cần xem xét một cách thận trọng việc có nên đầu tư vào tăng đàn lợn ngay hay không. Thực tế cho thấy, nếu tăng đàn nhanh chóng có thể dẫn tới nguồn cung dư thừa.

Thay vì tái đàn, tăng đàn mạnh như trước kia, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi lúc này cần tập trung tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Một mặt thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa, mặt khác sẽ mở rộng ra nhiều thị trường khác để tiêu thụ thịt lợn, chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc. Muốn làm được điều này, người chăn nuôi cần chú trọng tổ chức chăn nuôi truyền thống kết hợp với chăn nuôi hữu cơ gắn với giết mổ, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ cho các phân khúc thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

HÀNG VIỆT

Hà Tĩnh: Cần hỗ trợ nhiều hơn để đưa hàng Việt về nông thôn

Trong gần 8 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động được địa phương này ưu tiên thực hiện là tổ chức các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, giúp bà con được sử dụng hàng Việt chính hãng. Tuy vậy, về lâu dài, vẫn cần nhiều giải pháp hỗ trợ cho việc đưa hàng Việt về vùng nông thôn.

Nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn

Theo Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, trong gần 8 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 120 phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn với 14.500 gian hàng các loại, thu hút hàng trăm doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất tham gia. 100% sản phẩm tham gia phiên chợ, hội chợ được sản xuất trong nước.

Triển khai trên địa bàn một địa phương có mức sống thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ tỉnh đến ngành chức năng, chính quyền địa phương. Việc đặt điểm bán hàng ở đâu, cấp điện như thế nào, làm sao để đảm bảo an ninh trật tự cho phiên chợ luôn được lãnh đạo địa phương coi trọng. DN cũng được khuyến cáo mang tới các chuyến hàng, phiên chợ hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng giá rẻ, phù hợp với mức sống, dễ sử dụng. Nhờ đó, mỗi chuyến hàng khi về các vùng nông thôn đều được bà con rất ưa chuộng, chờ đón.

Theo đại diện Siêu thị Co.opMart Hà Tĩnh - một đơn vị đã có nhiều năm gắn bó với hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn là hoạt động luôn được Co.opMart Hà Tĩnh chú trọng mặc dù hiệu quả kinh tế thấp. Tuy vậy, bằng sự giúp đỡ nhiệt tình và tâm huyết của lãnh đạo địa phương, với quan điểm giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hạn chế đến mức thấp nhất việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời góp sức quảng bá hàng Việt chính hãng đến với bà con, siêu thị vẫn luôn tích cực thực hiện hoạt động này từ nhiều năm qua.

Nhờ sự nỗ lực của cả địa phương và DN, người tiêu dùng Hà Tĩnh ngày càng quan tâm và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt. Thị phần hàng Việt tại hệ thống phân phối khu vực nông thôn từ chỗ chưa đáng kể, đến nay đã chiếm tỷ lệ khá cao. Các mặt hàng tiêu dùng như thực phẩm, quần áo, dụng cụ sinh hoạt gia đình… thường được bố trí ở những vị trí gian hàng thuận lợi trong hệ thống phân phối để bà con dễ dàng lựa chọn.

Cần nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh sản phẩm

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhìn chung, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn chưa thực sự bền vững. Nguyên nhân bởi dù được người tiêu dùng ưa thích nhưng các chuyến hàng này chỉ tổ chức một năm vài lần, hết phiên chợ là hết hàng. DN chưa mặn mà với việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm cũng như hệ thống bán lẻ tại các vùng nông thôn do thị trường nông thôn phân tán, sức mua thấp, trong khi đó, xây dựng mạng lưới phân phối lại rất tốn kém, chi phí vận chuyển cao… nên hệ thống phân phối tại đây còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng Việt. Tại các chợ địa phương vẫn còn các sản phẩm ngoại nhập, chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan với giá rẻ, mẫu mã đã dạng, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.

Do đó, để hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn thị trường về lâu dài, Sở Công Thương Hà Tĩnh kiến nghị, cần có sự hỗ trợ dài hơi, tích cực để DN thiết lập kênh phân phối sản phẩm ổn định tại các địa phương, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Cùng với đó, DN cần tăng cường đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên sản xuất những mặt hàng phù hợp với người dân nông thôn, tạo thói quen dùng hàng Việt trong đời sống hàng ngày.

Về phía địa phương, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp với các DN sản xuất trong tỉnh, Hiệp hội Du lịch quảng bá, tuyên truyền ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... Đồng thời, tiếp tục tổ chức tốt các chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới để tăng hiệu quả quảng bá về CVĐ.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

An toàn vệ sinh thực phẩm: Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) đã triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 135 cơ sở sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm.

Đặc biệt, trước tình hình tôm bơm tạp chất tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm, các đơn vị đã tiến hành thanh tra đột xuất về sản xuất, kinh doanh tôm bơm tạp chất tại 9 cơ sở thu gom và chế biến tôm tại: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Trong nhiệm vụ giám sát an toàn thực phẩm và xử lý các sự cố, Nafiqad đã phối hợp với Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức giám sát các sản phẩm rủi ro cao tiêu thụ trong cả nước. Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy, không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 603 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ. Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép là 1.571/5.707 mẫu, chiếm 27,5% trong tổng số mẫu xét nghiệm. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 6/1.026 mẫu (chiếm 0,58%).

Các kết quả giám sát cũng cho thấy đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi; tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thủy sản đã giảm.

Mặc dù công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Nafiqad cho rằng, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm đã được ban hành nhưng chưa đi vào thực tiễn sản xuất. Bởi vậy, cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc thực thi hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm ở các cấp địa phương chưa đạt yêu cầu, nguồn nhân lực còn yếu kém.

Kế hoạch của Nafiqad trong 6 tháng cuối năm là phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm. Trọng tâm là tiếp tục xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi, Nghị định về quản lý phân bón, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 10 cuộc thanh tra chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp. Cụ thể, Bộ kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp. Các cuộc thanh tra tập trung vào kiểm dịch động, thực vật; hoạt động quản lý và cấp chứng nhận vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản. Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm như: Chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định; không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho doanh nghiệp; không đảm bảo điều kiện chứng nhận chất lượng phân bón; chưa có giấy phép trong lĩnh vực phân bón.

An Giang: Cao điểm đấu tranh triệt xóa các đường dây buôn lậu

Theo tin từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tính đến hết tháng 6/2017, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 1.126 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, giảm 29,4% so cùng kỳ; xử lý hình sự 3 vụ. Trong đó, các mặt hàng nhập lậu chủ yếu vẫn là: thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, phụ tùng xe ô tô, hàng điện tử và điện lạnh đã qua sử dụng, gỗ…

Trong những tháng cuối năm 2017, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang yêu cầu các ngành, địa phương phối hợp tổ chức cao điểm đấu tranh triệt xóa các đường dây buôn lậu, tụ điểm, ổ nhóm trên địa bàn thuộc lĩnh vực ngành, địa phương quản lý, thí điểm thành lập Đội kiểm tra liên ngành cơ động chống buôn lậu khi cần thiết. Đặc biệt, các lực lượng nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ, vận động chuyển đổi nghề cho các đối tượng đai vác, vận chuyển tiếp tay cho buôn lậu. 

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)