Thông tin giá cả thị trường số 29/2018

02:38 PM 19/07/2018 |   Lượt xem: 4277 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đề án sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao

Thanh long Châu Thành, tỉnh Long An hiện có mặt trên nhiều thị trường như: Nhật Bản, Australia... Đặc biệt, từ khi ứng dụng công nghệ cao, sản lượng thanh long xuất khẩu ngày càng tăng giúp bà con có cuộc sống ổn định hơn.

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 4/3/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Huyện ủy Châu Thành có Nghị quyết 03 về sản xuất 2.000 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã. Trên cơ sở này, UBND huyện đã xây dựng Đề án sản xuất 2.000 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo đề án, đến năm 2020, toàn huyện xây dựng vùng sản xuất 2.000 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thực hiện được 584 héc-ta với trên 973 hộ dân tham gia. Huyện củng cố 5 hợp tác xã (HTX) hiện có, thành lập mới 8 HTX, nâng tổng số HTX toàn huyện lên 13 HTX với 1.768 thành viên, sản xuất 981 héc-ta thanh long; xây dựng mới 27 tổ hợp tác, nâng tổng số tổ hợp tác toàn huyện lên 63 tổ với 1.768 thành viên, sản xuất 989 héc-ta thanh long; xây dựng 12 mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện 6 mô hình, huyện thực hiện 6 mô hình. Bên cạnh đó, huyện còn thực hiện 58 mô hình tưới nước tiên tiến, bố trí 130 thùng thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trình diễn máy băm cành thanh long để làm phân hữu cơ tại các xã: Hòa Phú, An Lục Long, Long Trì và thị trấn Tầm Vu...

Qua 2 năm thực hiện đề án, đến nay, huyện Châu Thành đã có hơn 577 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ cao với hơn 900 hộ tham gia; thành lập mới 5 HTX, 27 tổ hợp tác. Khi tham gia đề án, người dân được tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán, tư duy canh tác, hình thành thói quen sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Riêng trong năm 2018, huyện đã triển khai sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao trên diện tích 688 héc-ta với hơn 2.000 hộ dân tham gia; xây dựng 12 mô hình điểm sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, tỉnh phụ trách 5 mô hình, huyện 7 mô hình. Để thực hiện tốt kế hoạch, huyện phối hợp các ngành chức năng chuyển giao khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đến các hội viên HTX, tổ hợp tác. Qua đó, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, an toàn, hiệu quả, bền vững. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân địa phương.

Để phát huy hiệu quả của đề án, thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia thực hiện đề án. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác; nâng cao chất lượng các mô hình điểm. Đẩy mạnh tuyên truyền để bà con trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao không sử dụng phân gà tươi bón cho thanh long; hướng dẫn nông dân vệ sinh vườn thanh long (xử lý cành, thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật...); tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long theo quy trình VietGAP; sử dụng thuốc bảo đảm thời gian cách ly và không sử dụng các loại thuốc cấm.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Hà Tĩnh: Ngô cháy khô vì nắng nóng

Chuẩn bị vào mùa thu hoạch nhưng những cánh đồng trồng ngô ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang bị cháy vàng do nắng hạn.

Bên cạnh ngô vụ xuân, hàng trăm héc-ta ngô hè thu ở huyện Hương Khê vừa mới trổ cờ cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Nhiều hộ trồng ngô có nguy cơ mất trắng.  Do nắng quá nên cây không thể hấp thụ được phân đạm, còi cọc, không thể trổ bắp, cháy sém từng đám. Ngoài ngô, các cây hoa màu như đậu tại Hương Khê cũng không thể phát triển do nắng hạn, nhiều cây bị khô rễ, tỷ lệ cây sống và nảy mầm chỉ đạt khoảng 30% mỗi sào. Mặc dù bà con đã tích cực xới cỏ, vun đất, song do nguồn nước không có nên kết quả không khả quan.

Theo thống kê sơ bộ, vụ hè thu, toàn huyện Hương Khê xuống giống hơn 1.700 héc-ta cây trồng cạn, hơn nửa diện tích đang khô héo vì nắng hạn, thiếu hệ thống nước tưới. Địa phương đang vận động người dân chăm sóc những cây có khả năng hồi phục chờ mưa, còn những cây đã khô cháy thì đề nghị trỉa bổ sung, hoặc lấy lá phục vụ chăn nuôi.

Ninh Thuận: Cấp phát gà giống cho bà con

Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận đã phối hợp cấp phát 12.600 con gà giống và 25.200 kg thức ăn cho 630 hộ bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn của tỉnh Ninh Thuận.

Dự án hỗ trợ khẩn cấp nhằm khôi phục sinh kế của những người chăn nuôi gia cầm nghèo bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn do hiện tượng El Nino. Dự án thực hiện tại 6 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Bến Tre. Tỉnh Ninh Thuận có 630 hộ của 3 huyện được hưởng lợi, kế hoạch mỗi hộ được nhận 20 con gà giống (21 ngày tuổi) và 40 kg thức ăn cho gà. Số gà cấp phát cho bà con được nhỏ mũi mắt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin Gumboro, Newcalse. Số gà con được cấp phát thuộc giống gà Ri lai, đàn gà đều khỏe mạnh, lanh lợi. Mỗi xã có 210 hộ được nhận gà giống và thức ăn.

Để chuẩn bị tốt cho việc cấp phát được diễn ra thuận tiện, đúng đối tượng, trước đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận mời các thành viên trong tổ cấp phát của các xã họp để triển khai kế hoạch. Trước đó, 630 hộ này đã được tập huấn về kỹ thuật nuôi gà an toàn. Dự kiến sau 4 tháng nuôi, các hộ đã có thể bán gà thu lãi để tái đầu tư.         

MUA GÌ - BÁN GÌ

Hưng Yên: Sản lượng nhãn dự kiến tăng 30%

Hiện nay, nhãn Hưng yên đang ở giai đoạn phát triển quả non, dự kiến cho thu hoạch trà sớm vào nửa cuối tháng 7. Theo nhận định của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm nay nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao. Nếu từ nay đến cuối vụ không bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, dự kiến toàn tỉnh thu được khoảng 41.000 tấn nhãn quả, tăng 30% so với năm 2017.

Giá mủ cao su bất ngờ giảm

Giá mủ cao su bất ngờ giảm mạnh xuống còn 30 triệu đồng/tấn so với cách đây 1 tháng (34 - 35 triệu đồng/tấn). Tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi có gần 1.000 héc-ta cao su tiểu điền đang có một số nhà vườn trồng diện tích nhỏ từ 5 công (5.000 m2) đến 1 - 2 héc-ta, ngưng cạo vì lỗ tiền công do sản lượng mủ và giá bán đều thấp. Đặc biệt, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến mủ tư nhân như đang ngồi trên chảo lửa vì giao hàng theo đường tiểu ngạch mà giá giảm thì lỗ to. Thời điểm mua mủ nước tháng 6 bình quân là 310 đồng/độ (tương ứng với 34 - 35 triệu/tấn mủ khô) mang về chế biến đến nay 1 tháng thì giá mủ nước rớt chỉ còn 255 - 260 đồng/độ (tương ứng khoảng 30 triệu/tấn). Như vậy, nếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc sẽ lỗ 4 - 5 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều đã tác động tiêu cực đến sản lượng, chất lượng của mủ cao su. Trước diễn biến này, các chuyên gia khuyến cáo bà con nên thực hiện chuyển chế độ cạo, giãn chế độ cạo để dưỡng sức cho cây và tích cực chăm sóc vườn cây.

Hậu Giang: Giá mít Thái tăng

Sau một thời gian giảm giá sâu, có lúc chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg, hiện giá mít Thái ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đã có dấu hiệu tăng mạnh trở lại. Trong khoảng 1 tuần nay, thương lái vào tận vườn thu mua mít Thái với giá 21.000 đồng/kg đối với loại 1, loại 2 ở mức 13.000 đồng/kg, bình quân tăng hơn 10.000 đồng/kg so với cách nay nửa tháng. Nếu giá mít Thái duy trì ổn định ở mức này thì người trồng vẫn có nguồn thu nhập khá. Bởi trung bình với diện tích 1.000m2, nhà vườn có thể trồng khoảng 200 cây mít Thái, sau 2 năm chăm sóc tốt, có thể cho năng suất từ 20 - 30kg/cây/năm, sau khi trừ hết chi phí cho thu nhập khoảng trên 50 triệu đồng/công.

Theo thống kê, diện tích trồng mít Thái ở huyện Phụng Hiệp hiện khoảng 200 héc-ta, tập trung nhiều ở các xã: Long Thạnh, Tân Long, Thạnh Hòa.

Đắk Lắk: Vụ dứa đắng ở Krông Bông

Hiện nay, nông dân các xã vùng sâu huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã vào cao điểm vụ thu hoạch dứa. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá” lại tiếp diễn khiến bà con nông dân lo lắng. Mặc khác, tiêu thụ dứa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ không bán được cho thương lái phải mang ra chợ bán lẻ, hoặc phải chở đi bán dạo ở các địa phương khác. Chỉ một số hộ có thương lái là bạn hàng lâu năm thì việc bán dứa mới dễ dàng hơn song giá cả phụ thuộc vào thương lái quyết định. Khi thương lái nhập dứa và bán dứa cho các chợ đầu mối được bao nhiêu tiền thì mới báo giá cho các hộ bán dứa.

Tuy đã được dự báo về đầu ra của cây dứa nhưng hai năm qua, bà con nông dân ở các xã vùng sâu của huyện Krông Bông vẫn tiếp tục tăng diện tích vì thấy hiệu quả kinh tế trước mắt mà cây dứa mang lại. Lãnh đạo các địa phương này cũng đang tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Trước mắt, các địa phương cũng chỉ khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích mà nên chú trọng đến việc chăm sóc, bảo đảm về chất lượng quả dứa.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Bến Tre: Diện tích cây măng cụt giảm

Măng cụt là loại cây ăn quả có tiếng của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân đã dần chuyển đổi diện tích cây măng cụt sang các loại cây trồng khác do hiệu quả kinh tế thấp.

Vĩnh Hòa là một trong những xã có diện tích trồng cây măng cụt lớn của huyện Chợ Lách. Năm 2015, toàn xã có trên 247 héc-ta trồng măng cụt nhưng đến nay chỉ còn khoảng 204 héc-ta. Do nước mặn xâm nhập dẫn đến năng suất măng cụt thấp, sản lượng giảm khoảng 50%. Trước cơn sốt cây giống, nhiều hộ đã đốn bỏ măng cụt để chuyển đổi sang sản xuất cây giống. Một số hộ chọn giải pháp chuyển đổi một phần diện tích măng cụt sang trồng kiểng, cây giống...

Theo quy hoạch, huyện Chợ Lách có 4 loại cây chủ lực là chôm chôm, bưởi, sầu riêng và măng cụt. Tuy nhiên, từ năm 2014 - 2017, diện tích cây măng cụt giảm liên tục (năm 2014 là 1.127 héc-ta, đến năm 2017 còn khoảng 969 héc-ta). Thời gian gần đây, măng cụt ở một số xã như: Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa... thường xuyên bị xì mủ, thương lái không mua hoặc ép giá; còn các xã như Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Tân Thiềng... bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, không ra hoa, đậu trái. Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu. Trước tình trạng này, bà con dần đốn bỏ cây măng cụt, dẫn đến diện tích cây măng cụt giảm liên tục.

Theo các chuyên gia trong ngành, cây măng cụt cho hiệu quả kinh tế không cao hơn so với các loại cây khác. Đặc biệt, cây măng cụt mẫn cảm với thời tiết, nhất là đất mặn, cây không ra hoa, thậm chí bị chết. Vì vậy, bà con chỉ nên trồng măng cụt ở những vùng không chịu sự tác động của xâm nhập mặn cũng như điều kiện thời tiết.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật: Xử lý nhiều vi phạm

Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo “Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ” ở khu vực phía Nam.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, các địa phương và lực lượng chức năng đã rà soát, thanh tra, kiểm tra hơn 1.400 vụ, tiến hành xử lý 306 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc BVTV. Trong đó, về phân bón, kiểm tra 958 vụ, phát hiện, xử lý 171 vụ vi phạm, tịch thu 100 tấn phân bón nhập lậu, tiêu hủy 500 tấn và 956 bao phân bón giả, kém chất lượng. Về thuốc BVTV, kiểm tra 462 vụ, phát hiện, xử lý 135 vụ vi phạm, tịch thu, tiêu hủy trên 3 tấn thuốc BVTV các loại nhập lậu, không có trong danh mục, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua nổi lên là hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV là hàng kém chất lượng, nhái nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn ra tại các địa bàn trọng điểm về trồng trọt. chăn nuôi. Các đối tượng sản xuất phân bón, thuốc BVTV giả, nhái thương hiệu thường lợi dụng quy định của pháp luật về tổng các chất dinh dưỡng để sản xuất phân bón kém chất lượng; trộn thêm tạp chất như bột đá, đất sét... để tăng khối lượng các sản phẩm phân bón. Đăng ký sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau để khi có sản phẩm bị phát hiện sẽ thay thế bằng loại khác hoặc ghi nhãn hiệu, thành phần, địa chỉ trên bao bì mập mờ vi phạm về nhãn hiệu, bao bì để gây nhầm lẫn, ngộ nhận, đánh lừa người tiêu dùng.

Đối với phân bón, nổi lên là hoạt động sản xuất, kinh doanh các loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ dán nhãn hiệu nổi tiếng, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng thực chất chỉ là các sản phẩm phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, được sản xuất hoặc đóng gói tại nhiều địa phương. Đối với thuốc BVTV, chủ yếu là hoạt động kinh doanh thuốc BVTV có nguồn gốc từ nước ngoài, xen lẫn với thuốc BVTV kém chất lượng tại địa bàn các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

HÀNG VIỆT 

Cây dược liệu ở Nam Trà My: Kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Nhắc đến huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhiều người nhớ ngay tới sâm Ngọc Linh, sa nhân, sơn tra, chuốt mốc, sâm cau, giảo cổ lam… Với khí hậu có độ ẩm cao và độ che phủ rừng lớn, các loại cây dược liệu này không chỉ giúp Nam Trà My được nhiều người biết tiếng, mà hơn thế còn tạo cơ hội để đồng bào dân tộc nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Nơi sở hữu hàng trăm loại dược liệu quý

Từ thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) phải đi thêm 120 km nữa mới đến được trung tâm huyện Nam Trà My. So với những năm trước, đường vào Nam Trà My nay đã đẹp hơn rất nhiều, nhưng vẫn xa và khá vòng vèo…Vậy nhưng, với những người đã biết về Nam Trà My thì so với ngày mới tái lập huyện (năm 2003) sự đổi thay của vùng đất này đã tăng 20 lần. Trong đó, cây dược liệu cũng đã góp một phần không nhỏ làm nên sự đổi thay ấy.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, Nam Trà My có 10 xã (Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Tập, Trà Don, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh), thì cả 10 xã đều có các loại cây dược liệu phân bố trên vùng sinh thái dưới các tán rừng nguyên sinh. Ước tính, toàn huyện hiện có khoảng hơn 300 loài dược liệu khác nhau, trong đó có nhiều cây dược liệu quý như: Đẳng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan gấm, sơn tra, sa nhân… Đây đều là các loại dược liệu mọc tự nhiên dưới tán rừng từ nhiều đời nay, được cộng đồng quản lý và người dân chủ động khai thác khi đến mùa.

Nhận thấy giá trị của các dược liệu này, huyện Nam Trà My đã đưa ra những giải pháp, định hướng mang tính chiến lược để mở hướng phát triển bền vững các loại cây dược liệu quý của địa phương, dựa theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Đến nay, Nam Trà My đã có 20 héc-ta diện tích đẳng sâm, 20 héc-ta sa nhân, 30 héc-ta đương quy, 20 héc-ta giảo cổ lam, 10 héc-ta lan gấm, 10 héc-ta sơn tra… Cùng với đó là nhiều loại cây đặc hữu khác như: Quế Trà My, sâm Ngọc Linh, tam thất… Ngoài các diện tích dược liệu mọc tự nhiên, Nam Trà My cũng đã quy hoạch những vùng trồng dưới tán rừng, vừa để bà con phát triển sản phẩm hàng hóa, vừa tạo điều kiện để giữ rừng. Nhờ cây dược liệu, nhiều hộ đồng bào Xê Đăng đã có thu nhập từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.

Sản phẩm phải tốt để tiếng lành đồn xa

Dạo một vòng quanh trung tâm huyện nhỏ bé của Nam Trà My, dễ dàng bắt gặp những tấm biển thu mua dược liệu nằm xen giữa những cửa hàng kinh doanh quy mô nhỏ. Tại cơ sở Dược liệu Mai Tú - một địa chỉ mua bán dược liệu có tiếng ở đây, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng chị Trần Thị Sáu - người dân tộc  Xê Đăng - hiện đang là Phó Chủ tịch xã Trà Mai. Chị Sáu cho biết, gia đình chị thu mua dược liệu cũng đã vài năm nay. Chủ yếu là mua của đồng bào Xê Đăng, M’Nông, Co trong huyện.

Chỉ cho chúng tôi xem các sản phẩm sâm, giảo cổ lam, chuối mốc, sâm cau, sơn tra… sấy khô, đóng túi cẩn thận, chị Sáu chia sẻ: “Đây đều là các loại dược liệu đồng bào dân tộc địa phương vẫn sử dụng nhiều đời nay để phòng và chữa bệnh, hiệu quả rất tốt. Nay với các thông tin về tác dụng của dược liệu được phổ biến, nhiều người ở nơi khác cũng đến tìm mua”. Tuy nhiên, thay vì mua bất chấp chất lượng với giá thấp, gia đình chị Sáu chủ động nâng giá thu mua cao, nhưng yêu cầu bà con phải làm hàng đảm bảo theo yêu cầu. “Rễ cau phải được rửa sạch sẽ trước khi thái; chuối mốc phải chín chứ không lẫn chuối non… Tôi vừa hướng dẫn bà con làm, vừa chỉ cho bà con thấy, nếu làm ẩu, sản phẩm sẽ mốc, sẽ giảm chất lượng. Đây cũng là cách giản dị, “mưa dầm thấm lâu” để bà con có thể có được những sản phẩm hàng hóa uy tín; từ đó tạo tiếng lành đồn xa”.

Không chỉ có những diện tích dược liệu quý hứng trọn tinh túy của đất trời, Nam Trà My đang có những người thu mua có trách nhiệm như chị Trần Thị Sáu, có sự vào cuộc tích cực của chính quyền với quyết tâm phát triển dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện… Đây có thể xem là những yếu tố quan trọng để đưa Nam Trà My sớm trở thành một trung tâm nguyên, dược liệu lớn của miền Trung Tây Nguyên như kỳ vọng của chính quyền và bà con nơi đây.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)