Thông tin giá cả thị trường số 3/2019

10:22 AM 05/03/2019 |   Lượt xem: 4618 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phát triển bền vững thương hiệu thanh long Bình Thuận

Để trái thanh long Bình Thuận trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, thời gian qua, Bình Thuận đã đầu tư xây dựng thương hiệu thanh long Bình Thuận.

Phát triển chỉ dẫn địa lý

Việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm thanh long Bình Thuận đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long thuận lợi, quảng bá được thương hiệu thanh long Bình Thuận trên thị trường thế giới. Vì vậy, thời gian qua, Bình Thuận đã tập trung tư vấn, hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu thanh long Bình Thuận và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho 88 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh. Chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký bảo hộ tại các nước trong khối liên minh châu Âu (EU). Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ Hiệp hội Thanh long đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thanh long Bình Thuận sang các nước xuất khẩu và tiềm năng xuất khẩu, cụ thể như: Đối với nhãn hiệu “Bình Thuận DRAGON FRUIT” đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sang 14 nước và vùng lãnh thổ (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Hong Kong và Đài Loan, Hoa Kỳ). Hiện nay 12 nước (vùng lãnh thổ) đồng ý bảo hộ: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Hoa Kỳ. Đối với đơn đăng ký bảo hộ tại Singapore và Hồng Kông, hiện cơ quan sở hữu trí tuệ của 2 nơi này đang xem xét bảo hộ. Đối với nhãn hiệu “BÌNH THUẬN” đã nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc và Thái Lan, hai nước này đã đồng ý bảo hộ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý chọn thanh long đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sang Nhật Bản. Cục Sở hữu trí tuệ (cơ quan được giao chủ trì thực hiện Dự án) đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng thuyết minh và hồ sơ đăng ký chủ trì dự án để tổ chức thẩm định theo quy định của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ…

Cần các giải pháp dài hơi

Với mục tiêu phát triển thanh long bền vững, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ vào mỗi vụ thanh long, UBND tỉnh Bình Thuận đều yêu cầu địa phương khuyến cáo bà con bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ theo mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, tích cực tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con lưu ý triển khai thực hiện tốt chương trình sản xuất an toàn theo hướng VietGAP, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Đối với diện tích thanh long trái vụ sản xuất theo phương pháp chong đèn, nếu cành còn suy yếu thì phải chờ phục hồi hoàn toàn mới bắt đầu chong. Tăng cường hơn nữa phòng, chống dịch bệnh trên cây thanh long, nhất là bệnh đốm nâu; vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối… để hạn chế thấp nhất nguồn bệnh. Đối với diện tích thanh long bị ngập lụt do ảnh hưởng bão số 9 vừa qua, sau khi tập trung thoát nước nhanh, người trồng cần tăng cường ngay nguồn phân bón, nhất là các loại phân hữu cơ vi sinh để bổ sung kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng. Tổ chức sản xuất thanh long theo hướng thâm canh, nâng cao dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây trồng. Khai thác phải đi đôi với bổ sung dinh dưỡng, đảm bảo sức sống cho cây, không được khai thác quá mức.          

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, tổng diện tích thanh long Bình Thuận đến cuối năm 2018, đạt 29.270 héc-ta, tăng 5,45% so cùng kỳ. Theo tính toán chung, từ đầu năm 2018 đến nay, giá thanh long khá ổn định nên các nhà vườn tiếp tục phát triển diện tích.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Sơn La: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản

Ngày 18/1/2019, Tuần hàng dâu tây và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 đã khai mạc tại siêu thị BigC Thăng Long - Hà Nội.

Tại đây, các sản phẩm: Quả dâu tây tươi, cây dâu tây trồng trong chậu, rượu dâu tây, mứt dâu tây, bánh chưng, măng, miến, rau, củ, quả... đặc sản của Sơn La thu hút đông đảo người tiêu dùng tham quan, mua sắm.

Dâu tây được trồng ở Sơn La cách đây gần 10 năm. Đến nay, Sơn La đã có khoảng 25 héc-ta dâu tây tập trung tại các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn... với sản lượng đạt trên 300 tấn. Ngoài ra, Sơn La có 42.627 héc-ta cây ăn quả với sản lượng khoảng 200.000 tấn; giá trị sản xuất cây ăn quả ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng, chiếm 12% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm hơn 64% giá trị cây lâu năm; 86 sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 15 chuỗi sản xuất an toàn. Năm 2019, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu cho nông sản Sơn La. Tỉnh tập trung hỗ trợ cấp chứng nhận GlobalGAP về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Nhãn, xoài... phục vụ xuất khẩu.

Tại lễ khai mạc, đại diện BigC Việt Nam đã ký cam kết hợp tác tiêu thụ nông sản an toàn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La. Kỳ vọng thông qua hệ thống BigC, nông sản Sơn La sẽ được người tiêu dùng thủ đô đón nhận, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định. Qua đó, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho bà con dân tộc tỉnh Sơn La.

Cam Bình được mùa tôm hùm

Năm nay, vùng nuôi tôm xã Cam Bình, TP. Cam Ranh - thủ phủ tôm hùm ở Khánh Hòa không xảy ra dịch bệnh và thiệt hại do mưa lũ, giá bán tương đối ổn định nên người nuôi thắng lợi.

Năm 2018, toàn xã Cam Bình có trên 900 hộ nuôi khoảng 8.000 lồng tôm hùm. Qua 12 tháng thả nuôi, bà con đã xuất bán hơn 360 tấn, trong khi kế hoạch TP. Cam Ranh giao chỉ tiêu khoảng 100 tấn. Sở dĩ sản lượng vẫn đảm bảo là nhờ bà con chủ động trong việc phòng ngừa. Khi bước vào mùa mưa bão, bà con đã có kế hoạch đưa lồng bè ra xa, chằng chống và hạ lồng xuống sâu, để không bị nước ngọt “tấn công” làm giảm độ mặn dẫn đến tôm chết.

Theo Hội Nông dân xã Cam Bình, mấy năm gần đây, bà con chủ yếu nuôi tôm hùm xanh, chiếm đến 2/3 sản lượng. Vì ưu điểm loại tôm này hơn so với tôm hùm bông là dễ mua giống và giá rẻ. Bên cạnh đó, thời gian nuôi hùm xanh ngắn, thu hồi vốn nhanh, chỉ khoảng 9 - 12 tháng, trong khi tôm hùm bông khoảng 14 - 15 tháng. Thức ăn cho tôm hùm xanh cũng đơn giản, chủ yếu cá tạp, giá thành thấp. Đặc biệt, giá tôm thương phẩm tương đối ổn định. Năm nay, tôm thương phẩm từ tháng 7 - 8 ở mức trên 700.000 đồng/kg, đến tháng 11- 12 dao động trên dưới 900.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm từ 950.000 - 970.000 đồng/kg. Với giá trên 900.000 đồng/kg, người nuôi lãi từ 30 - 40%. Cho nên vụ nuôi năm nay, nhiều hộ có lãi hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán, các hội nuôi đang thu hoạch tôm tươi sống cho thương lái chở đi tiêu thụ. Hiện giá tôm xanh thương phẩm chỉ còn ở mức 900.000 đồng/kg. Với giá này, nếu mỗi lồng thả từ 300 - 400 con, nuôi đạt sẽ lãi từ 20 - 30 triệu đồng, còn bình thường cũng lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Dự báo, từ nay đến tết, giá tôm sẽ tiếp tục nhích lên. Bởi thông thường vào dịp lễ tết, thị trường Trung Quốc thường có nhu cầu cao đối với tôm hùm. Địa phương cũng khuyến cáo, bà con nên thả nuôi theo kiểu cuốn chiếu để có nguồn tôm thịt liên tục cung cấp cho thị trường và lúc nào cũng có tôm xuất bán.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Bến Tre: Giá dừa giảm thấp

Là vụ thu hoạch cuối của năm để chờ đón tết nhưng năm nay, giá dừa xuống thấp khiến người trồng lo lắng. Hiện giá dừa thu mua tại vườn chỉ đạt 26.000 đồng/chục, thấp hơn 10.000 đồng/chục so với  giá thu mua cách đây 1 tháng. So với vùng trồng dừa có chất lượng cao như huyện Giồng Trôm, tại các huyện ven biên, giá dừa xuống thấp kỷ lục chưa đến 2.000 đồng/trái, nhiều nơi giá còn rẻ hơn và không có người mua.

Một thương lái thu mua dừa tại Giồng Trôm cho biết, đây là lần đầu tiên giá dừa giảm sâu vào lúc cận Tết Nguyên đán. Nguyên nhân khiến giá dừa xuống thấp là do trước đó nhà sản xuất bánh kẹo tết mua dừa dự trữ vì lo lắng giá dừa tăng cao vào dịp tết, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung. Bên cạnh đó, nguồn dừa trong nước không xuất được ra nước ngoài khiến lượng tồn đọng nhiều.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có diện tích trồng dừa hơn 72.000 héc-ta, sản lượng hơn 550.000 tấn; trong đó, hơn 75% diện tích trồng dừa khô nguyên liệu.

Sa Đéc (Đồng Tháp): Hoa tết tăng giá 10 - 20%

Ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) các hộ dân  đang tập trung cao điểm cho vụ hoa tết. Hiện nay, thương lái từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đặt mua hết toàn bộ số lượng cúc mâm xôi của các hộ dân nơi đây với giá trung bình 140.000 - 160.000 đồng/cặp; trừ chi phí ước thu lãi khoảng 50%. Hoa vạn thọ cũng được thương lái thu mua giá 40.000 đồng/cặp, rau dừa 30.000 đồng/cặp, hồng leo 100.000 - 200.000 đồng/cặp, cúc Đài Loan 90.000 đồng/cặp… Tính bình quân, giá hoa năm nay cao hơn năm trước từ 10 - 20%. Với mức giá này, nông dân trồng hoa có thu nhập tương đối khá.

Đồng Tháp: Giá cá tra cao ngay từ đầu năm

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, các hộ nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã trúng mùa. Hiện giá cá tăng cao ngất ngưởng lên đến 32.000 - 35.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lãi từ 10.000 - 13.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cá tra thương phẩm loại trọng lượng bình quân 0,7 - 1,2 kg/con giá bán tại ao trên 30.000 đồng/kg. Cá tra giống loại 100 con/kg có giá từ 94.000 - 95.000 đồng/kg. Thời gian gần đây, tình hình nuôi cá tra thương phẩm ở Đồng Tháp khá thuận lợi, chi phí đầu vào ổn định, người nuôi lãi từ 6.000 - 13.000 đồng/kg.

An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và TP. Cần Thơ… là những tỉnh nuôi cá tra nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm qua, hầu hết người nuôi cá tra đều đạt hiệu quả cao, trả được nợ ngân hàng cho những năm trước thua lỗ.

Hậu Giang: Nhà vườn chuẩn bị hơn 50 tấn mãng cầu cho thị trường tết

Dự kiến Tết Kỷ Hợi 2019, nhà vườn Hậu Giang sẽ cung cấp cho thị trường hơn 50 tấn trái mãng cầu. Hiện các nhà vườn đang tích cực chăm sóc vườn mãng cầu để có những trái đẹp phục vụ tết. Trái mãng cầu xiêm là một trong những loại trái cây được người dân ưa chuộng trưng bày trong mâm ngũ quả với ước mong năm mới đủ đầy, sung túc. Nắm bắt nhu cầu này, năm nay, các nhà vườn cố gắng tập trung xử lý để có đợt trái thu hoạch đúng dịp tết. Những trái mãng cầu bày trong dịp này có trọng lượng từ 200 gam đến 1kg với giá bán từ 15.000 đến 25.000 đồng/trái, tùy theo mẫu mã, chất lượng.

Năm nay, các nhà vườn còn sản xuất khoảng 1.000 trái mãng cầu vàng bằng cách bao trái để vỏ trái có màu vàng óng đặc trưng. Do là năm đầu sản xuất thử nghiệm nên tỷ lệ trái chỉ đạt khoảng 70%. Những trái mãng cầu vàng dự kiến sẽ được bán từ 75.000 đồng đến 100.000 đồng/trái.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Đồng Nai: Gà công nghiệp tăng giá mạnh

Những ngày qua, giá gà công nghiệp tại các trang trại ở Đồng Nai liên tục tăng khiến các chủ trang trại rất phấn khởi.

Suốt cả tuần qua, giá gà công nghiệp luôn duy trì ở mức trên 40.000 đồng/kg. Tính ra, giá gà công nghiệp đã tăng tới hơn 30% so với trước đó.

Giá gà công nghiệp tăng mạnh vào dịp cận tết là khá bất thường, bởi loại gà này chủ yếu tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp… Trong khi đó, vào dịp tết, các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp lại đóng cửa dài ngày do công nhân, học sinh nghỉ tết. Vì thế, loại gà này thường không tăng giá mạnh trong các dịp tết. Nguyên nhân khiến giá gà công nghiệp tăng mạnh là do trong thời gian qua, các công ty đẩy mạnh xuất khẩu gà giống công nghiệp sang Campuchia vì giá tốt. Điều này khiến nguồn gà giống đưa ra thị trường trong nước bị thiếu hụt, làm cho lượng gà công nghiệp thương phẩm bị giảm. Không chỉ xuất khẩu gà giống, nhiều công ty còn đẩy mạnh xuất khẩu cả gà công nghiệp thương phẩm sang Campuchia, cũng góp phần làm nguồn cung thịt gà công nghiệp trong nước bị giảm nhiều so với trước đó.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, do nhiều công ty thay đàn giống bố mẹ, đã khiến lượng gà giống đưa ra thị trường bị thiếu hụt, dẫn tới giá già công nghiệp thương phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do các công ty đã chuẩn bị sẵn nguồn gà công nghiệp phục vụ Tết Kỷ Hợi nên nhiều khả năng giá gà công nghiệp sẽ không tăng thêm nữa.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

“Phù phép” lợn chết thành đặc sản

Từ những phần thịt bệnh, hôi thối, nhiều người do hám lợi đã nhẫn tâm biến thành đặc sản thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói, lừa dối và móc túi người tiêu dùng.

Thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói… từ lâu đã là những món ăn phổ biến của đồng bào dân tộc tại nhiều địa phương. Các món ăn này thường được bà con làm bằng thịt trâu tươi, thịt lợn đen tự nuôi có tẩm gia vị như muối, mắc kén, hạt dổi… rồi gác trên gác bếp hoặc đem hun khói trước khi sử dụng.

Do được làm bằng thịt ngon, chăn nuôi tự nhiên nên thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói của đồng bào dân tộc ăn ngon, ngọt; ai đã một lần thưởng thức sẽ khó quên. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao nên các món ăn này đã được nhiều người chế biến và bán qua nhiều kênh. Dịp gần tết, các thực phẩm này được tiêu thụ ngày càng nhiều do nhu cầu mua về ăn và làm quà biếu. Lợi dụng thời điểm này, một số đối tượng đã “phù phép” lợn chết, lợn bệnh để làm thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói. Cận tết năm 2018, các lực lượng chức năng đã phát hiện một cơ sở tại Cao Bằng đang sử dụng hàng trăm con lợn chết để làm thịt lợn sấy. Mới đây nhất, thay vì đem chôn lấp, tiêu hủy những con lợn chết vì dịch lở mồm long móng, một số gian thương tại huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc đã thu gom lợn chết về, tẩm ướp đủ loại gia vị, biến thành thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói... và bán ra thị trường với giá từ 400.000 - 700.000 đồng/kg. Hành động vô lương tâm của các gian thương này không chỉ lừa dối, làm tổn hại sức khỏe người tiêu dùng, mà hơn thế còn ảnh hưởng không nhỏ tới những hộ đồng bào đang sản xuất - kinh doanh thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói làm ăn nghiêm túc.

Tết đã cận kề, để không mua phải những sản phẩm chất lượng kém, người tiêu dùng nên tìm đến những cơ sở, địa chỉ sản xuất thịt lợn gác bếp, thịt trâu hun khói lâu năm để mua hàng; hạn chế mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và được rao bán với giá rẻ.

HÀNG VIỆT

Thí điểm thanh trà VietGAP

Tạo tiền đề nâng cao chất lượng, giá trị cho quả thanh trà, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản đã lựa chọn vùng thanh trà Thủy Biều (TP. Huế) để hỗ trợ mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cán bộ đến từng nhà bắt tay chỉ việc

Mô hình sản xuất thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP thu hút 43 hộ dân tham gia với diện tích 8,7 héc-ta. Với mục tiêu thay đổi tập quán sản xuất của người dân, mô hình đã tiến hành đào tạo, nâng cao nhận thức, hướng dẫn quy trình thực hành; kiểm định mẫu đất, nước, sản phẩm… Trong quá trình tư vấn, các cán bộ khuyến nông trực tiếp đến từng nhà bắt tay chỉ việc. Sau các lớp tập huấn, đơn vị tư vấn đã tiến hành kiểm tra đánh giá nội bộ, hướng dẫn bố trí khu vực sơ chế phù hợp tiêu chuẩn. Trong đó, công đoạn khó nhất đối với bà con là việc ghi chép nhật ký sử dụng phân bón. Ngày tháng sử dụng, loại, liều lượng, phương pháp bón phân đều phải ghi chép rõ ràng. Nhờ đó, nhà vườn có thể quản lý được thời gian cách ly, đảm bảo an toàn khi thu hoạch thanh trà. Điều này khác hoàn toàn so với tập quán canh tác trước đây của nông dân Thủy Biều.

Theo đánh giá ban đầu, mô hình hướng dẫn kỹ thuật canh tác tiên tiến, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của người dân địa phương. Đến nay, các hộ sản xuất đã nắm rõ quy trình sản xuất thanh trà an toàn, ghi chép và theo dõi tổng thể toàn bộ quy trình sản xuất của mình. Đây là cơ sở để tiến hành truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo sản phẩm cung ứng ra thị trường đạt chất lượng. Các hộ dân khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP sẽ có môi trường sản xuất an toàn hơn, sản phẩm không để lại dư lượng thuốc trừ sâu, bảo đảm chất lượng.

Về mặt giá, nếu bán ở chợ, thanh trà chỉ có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/quả; khi thực hiện mô hình trồng thanh trà VietGAP, thanh trà có giá bán tới 45.000 - 50.000 đồng/quả. Vì thế ở Thủy Biều hiện nay, có nhiều nhà vườn chuyên canh thanh trà cho thu nhập vài chục triệu đồng cho đến hơn 100 triệu đồng/vườn/năm, cá biệt có chủ vườn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Phát triển vùng trồng thanh trà

Hiện toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1.100 héc-ta thanh trà, tập trung nhiều tại các vùng đất phù sa dọc sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Riêng phường Thủy Biều có gần 150 héc-ta thanh trà, sản lượng thu hoạch đạt 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng/năm; bình quân mỗi héc-ta cho thu nhập 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, chất lượng thanh trà không đồng đều, thậm chí trên cùng 1 cây, chất lượng trái đã khác nhau. Người trồng thanh trà đang chú tâm nhiều đến số lượng quả thay vì tập trung cho việc tuyển lựa những quả đạt chuẩn với giá cao gấp 2 đến 3 lần. Việc chênh lệch giá bán ở chợ và các cửa hàng vô tình đã làm mất lòng tin khách hàng. Vì thế, người dân phải cam kết giá bán với các đơn vị thu mua nhằm phát triển thị trường lâu dài.

Hiện tỉnh đã có chủ trương phát triển vùng trồng thanh trà lên 1.400 héc-ta cùng các chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển như: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, hỗ trợ kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh. Bài toán thị trường đang dần được giải quyết khi thương hiệu thanh trà Huế đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường. Các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu, chất lượng thanh trà cũng đi vào chiều sâu.

Dự kiến, sau khi hoàn thành hỗ trợ thí điểm mô hình tại Thủy Biều, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản sẽ phối hợp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, giới thiệu sản phẩm, nhân rộng mô hình, hướng đến xây dựng vùng thanh trà đảm bảo chất lượng, an toàn. Tuy nhiên, để mô hình thành công vẫn rất cần sự liên kết, đồng lòng hưởng ứng của các nhà vườn. Đặc biệt, các hộ gia đình có có trồng cây thanh trà cần liên kết với nhau để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất vùng, sản xuất hàng hóa, thị trường tiêu thụ để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả cao.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã quy hoạch, mở rộng diện tích trồng cây đặc sản thanh trà lên 1.400 héc-ta ở những vùng đất bãi phù sa ven sông thuộc các địa phương ở thành phố Huế, thị xã Hương Trà và huyện Phong Điền. Đến nay, các địa phương trong vùng đã trồng được hơn 1.120 héc-ta thanh trà với giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình có thêm thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)