Thông tin giá cả thị trường số 31/2018

04:01 PM 01/08/2018 |   Lượt xem: 4000 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai: Cây atiso giúp bà con thoát nghèo

Những năm qua, cây atiso đã chứng minh hiệu quả kinh tế khi giúp cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm atiso luôn ổn định do có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp.

Tại Sa Pa, đồng bào vùng cao trồng atiso trên những thửa ruộng bậc thang trải dài. Ông Giàng A Chơ, thôn Suối Hồ, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, nhớ lại: Trước năm 2000, tại thôn Suối Hồ, cây atiso trồng tự phát, mỗi gia đình có vài ba gốc để làm vị thuốc nam. Rồi không biết từ đâu, cơ duyên nào mà người Mông ở đây đua nhau trồng loại thảo dược này. Năm 1998, Công ty TNHH Một thành viên Traphacosapa đã nhận thấy tiềm năng trồng atiso của vùng đất này và quyết định liên kết cùng địa phương để trồng atiso. Công ty hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt là nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm atiso sau thu hoạch nên bà con có động lực để mở rộng diện tích. Đến nay, cả thôn có khoảng 15 héc-ta atiso. Nhờ đầu ra ổn định và giá thành cao nên cây atiso đã giúp nhiều hộ dân trong thôn Suối Hồ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Trong niên vụ năm nay, giá lá atiso tươi được Công ty TNHH Một thành viên Traphacosapa thu mua, duy trì ổn định khoảng 2.000 - 2.200 đồng/kg. Nếu so sánh trên cùng một diện tích đất canh tác thì trồng atiso có lợi nhuận cao gấp 5 - 7 lần trồng lúa nước. Ngoài ra, bà con còn có thêm thu nhập đáng kể từ việc bán hoa và củ atiso cho khách mua về ngâm rượu, làm gia vị thuốc bắc.

Atiso là loại cây trồng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Sa Pa nên bà con không mất nhiều công chăm sóc. Đặc biệt, một niên vụ trồng và thu hoạch atiso kéo dài trong khoảng 7 - 8 tháng. Kết thúc vụ, bà con tiếp tục trồng các loại rau xanh và có thêm một nguồn thu nhập đáng kể.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế, huyện Sa Pa đã đưa 70 héc-ta cây atiso vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo. Trung bình một năm, bà con thu hoạch hơn 3.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong những năm qua, Công ty TNHH Một thành viên Traphacosapa luôn tích cực và chủ động trong việc liên kết 4 nhà. Công ty cùng đồng hành với bà con nông dân, phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng dược liệu, mỗi cây dược liệu có định hướng tại một địa điểm trồng một cách cụ thể. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của cây dược liệu. Hiện tại tỉnh Lào Cai, vùng trồng nguyên liệu atiso có khoảng 100 héc-ta, trong đó, tại huyện Sa Pa là 70 héc-ta, cơ bản đã cung ứng đủ cho dây truyền sản xuất của nhà máy lắp đặt tại Lào Cai. Công ty còn góp phần tạo việc làm và đảm bảo thu nhập cho hơn 200 hộ nông dân trồng atiso, chủ yếu là đồng bào tộc thiểu số như dân tộc Mông, Dao tại huyện Sa Pa.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tỉnh Lào Cai có chủ trương phát triển cây dược liệu đến năm 2020, với mục tiêu mở rộng diện tích đạt 3.700 héc-ta và chủng loại đạt 22 loại cây dược liệu, sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được từ cây atiso thì chi phí đầu tư trồng cây dược liệu lớn hơn so với nhiều loại cây trồng khác và trình độ lao động sản xuất của người nông dân vùng cao còn hạn chế... Do đó, địa phương mong muốn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược liệu tích cực hỗ trợ địa phương nhằm đem lại cuộc sống tốt hơn cho bà con vùng cao.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Khánh Hoà: Thương lái tấp nập thu mua sầu riêng

Bà con nông dân huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà đang tất bật thu hoạch sầu riêng. Năm nay, sầu riêng được mùa, được giá nên người trồng phấn khởi, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã có của ăn, của để từ cây sầu riêng.

Hiện nay ở Khánh Sơn, việc bán mua giữa nhà vườn với thương lái khá sôi động, ngày nào cũng có ô tô lớn đưa sầu riêng đi tiêu thụ. Thậm chí, nhiều thương lái đã vào tận vườn để chốt giá, đặt cọc với nhà vườn. Năm nay, giá sầu riêng liên tục thay đổi theo xu hướng tăng nên nhiều nhà vườn chưa muốn bán. Theo khảo sát, giá sầu riêng đang dao động quanh mức  50.000 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do số lượng sầu riêng đầu vụ có hạn, trong khi thương lái đổ về đông nên phải chờ mới mua được hàng.

Năm trước, sầu riêng mất mùa, trái xấu, giá cả không cao lắm, nhưng năm nay, niềm vui của nông dân được nhân đôi khi sầu riêng đạt năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, sầu riêng năm nay trái đẹp, đều nên bán được giá hơn. Nhiều nhà vườn hiện đã chốt giá, bán hết số quả trên cây cho thương lái.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, 1 héc-ta sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh, người dân chỉ mất chi phí đầu tư từ 25 - 30 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/héc-ta như năm nay, bà con trồng sầu riêng đang có lợi nhuận cao. Tuy cơn bão số 12 đã tàn phá một số vườn cây, nhưng nhờ đầu tư, chăm sóc tốt, thời tiết khá thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất sầu riêng năm nay đạt cao.

Nếu như trước đây, cây sầu riêng chỉ dành cho người Kinh có điều kiện về kinh tế, nắm bắt được kỹ thuật thì hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã trồng được sầu riêng và có thu nhập cao. Cây sầu riêng đang làm đổi thay cuộc sống lẫn nhận thức trong phát triển kinh tế của nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai tại địa phương.

Cần Thơ: Tiêu thụ cam mật không hạt VietGAP ổn định

Hội Nông dân TP. Cần Thơ đã tổ chức hội thảo đầu bờ “Trao đổi kỹ thuật trồng và hướng phát triển cam mật không hạt” theo hướng VietGap tại ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Hơn 70 nông dân đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã được tham quan và tư vấn về kỹ thuật, chăm sóc trồng cam mật không hạt theo hướng VietGap.

Huyện Phong Điền hiện có 7.200 héc-ta vườn cây ăn trái. Trong đó, mỗi xã lại chọn xây dựng một mô hình sản xuất trái cây theo hướng VietGap như: Sầu riêng xã Tân Thới, nhãn Idor xã Nhơn Nghĩa, vú sữa xã Giai Xuân… nhằm nâng cao giá trị trái cây đặc sản với đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Ví như mô hình trồng cam mật không hạt ở ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, huyện Phong Điền. Đây là mô hình mới, có thể ổn định đầu ra cho nông dân. Vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang trợ giống cho 10 hộ dân trồng trên 5 héc-ta. Với ưu điểm trái to, mọng nước, dễ tách, ruột vàng, có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng nên được người tiêu dùng ưa chuộng, cam mật không hạt dễ trồng, chi phí và công chăm sóc thấp theo hướng VietGAP. Theo thống kê sơ bộ, với diện tích 1 héc-ta, một vườn cam mật không hạt ước tính mỗi năm thu về gần 300 triệu đồng. Đặc biệt, cam mật ra trái quanh năm, 1 cây 3 năm tuổi cho từ 40 - 60 kg trái, bán với giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Một số nhà vườn còn phát triển thêm việc cung cấp cây giống cho các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi nhánh cam giống chiết bán giá 30.000 - 35.000 đồng, đọt cam để ghép với giá 700.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi năm thu lãi khoảng 300 triệu đồng từ bán trái và cây giống.

Để giúp các hộ trồng cam mật đạt hiệu quả cao, thời gian qua, huyện Phong Điền đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con nông dân.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Bình Định: Giá gà giống tăng mạnh

Thời gian gần đây, giá gà giống trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục tăng mạnh và đang trong giai đoạn khan hiếm con giống. Hiện, gà thả vườn 1 ngày tuổi bán trên thị trường huyện Phù Cát đã tăng từ 17.000 đồng/con lên mức 20.000 đồng/con. Giá gà thịt thương phẩm tăng mạnh, người nuôi gà đang có lãi cao nên nhu cầu tái đàn lớn làm khan hiếm nguồn giống.

Công TNHH Gà giống Cao Khanh cho biết, trong 2 tháng trở lại đây, việc khan hiếm con giống là nguyên nhân chính khiến giá gà giống tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, mỗi tuần công ty xuất ra thị trường hơn 300.000 con gà ta giống các dòng CK1, CK2, CK3 nhưng cung vẫn không đủ cầu.

Phú Yên: Trồng hành lỗ 5 - 10 triệu đồng/sào

Hiện hành lá thu hoạch tại ruộng bán với giá chỉ 4.000 đồng/kg, giảm 6.000 - 8.000 đồng/kg so với các tháng trước. Trong khi đó, giá hành giống và chi phí phân, thuốc, tiền công tăng cao.

Giá hành giảm mạnh và các thương lái trong tỉnh thu mua cầm chừng khiến nông dân trồng hành lỗ từ 5 - 10 triệu đồng/sào hành. Một số nông dân ở thôn Cẩm Tú và Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) không bán được hành lá đành bỏ khô hành trên đồng để lấy củ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do bà con trồng hành lá với diện tích lớn, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định dẫn đến cung vượt cầu.

Trước thực trạng trên, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã khuyến cáo, vận động nông dân trồng hành rải vụ và đa dạng hóa các loại cây trồng ngắn ngày…

Cam Lâm (Khánh Hòa): Xoài cuối vụ giá cao 

Hơn nửa tháng qua, giá thu mua xoài tại thủ phủ xoài Cam Lâm (Khánh Hòa) liên tục tăng cao, gấp 3 - 4 lần so với trước đây. Tuy nhiên, đây đang là thời điểm cuối vụ, người dân ở thủ phủ xoài không còn nhiều xoài để bán. Tại một số vựa thu mua xoài lớn ở xã Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Cam Đức, giá mua xoài Úc đã chạm mức 50.000 đồng/kg. Các loại xoài khác như: Đài Loan, cát Hòa Lộc 30.000 đồng/kg. Riêng xoài Canh Nông đã lên mức 12.000 đồng/kg.

Giá xoài tăng cao là do một số tỉnh phía Bắc đang hút hàng trong khi nguồn cung khan hiếm. Mặt khác, hiện nay bà con nông dân trong huyện đã thu hoạch hơn 90% diện tích xoài nên không nhiều nhà còn xoài để bán. Xoài Canh Nông là giống xoài cho nhiều quả, dễ chăm sóc, ít bệnh hơn so với một số giống xoài khác. Hạn chế của loại xoài này là người dân thu hoạch khi xoài gần chín rồi bán ngay ra thị trường. Vì thế, các vựa thu mua cũng hết sức dè chừng khi nhập loại xoài này vì nhập nhiều không bán được thì chỉ còn cách đổ bỏ.

Tây Nguyên: Giá cà phê tăng nhẹ

Sau nhiều phiên giảm liên tiếp, giá cà phê Tây Nguyên đang có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê sau giảm 100 đồng/kg, đang giữ ở mức 34.600 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà đang có giá 34.500 - 34.600 đồng/kg. Tại Đắk Lắk, giá cà phê trên địa bàn huyện Cư M’gar, Ea H’leo đang dao động trong khoảng 35.000 - 35.100 đồng/kg, tại huyện Buôn Hồ ở mức 35.000 đồng/kg. Còn tại Gia Lai, giá cà phê sau khi giảm mạnh phiên giao dịch cuối tuần đang ở mức 35.000 đồng/kg.

Điều kiện thời tiết ở khu vực Tây Nguyên đang rất thuận lợi cho vụ cà phê cuối năm. Hiện tại, người trồng cà phê Việt Nam chỉ còn khoảng 10% sản lượng cà phê niên vụ 2017/2018. Trong khi đó, các công ty đã xuất khẩu được gần 2/3 lượng cà phê tồn kho. Nhiều hộ nông dân vẫn giữ cà phê trong kho chờ giá tăng cao.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Giang: Nuôi bò phát triển tại những địa bàn khó khăn

Tiền Giang hiện có tổng đàn bò trên 116.000 con và đang phấn đấu đến hết năm 2018 tăng đàn lên 121.000 con.

Nghề chăn nuôi bò đang được khuyến khích phát triển, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho nông hộ, nhất là ở những địa bàn khó khăn như: Ven biển Gò Công, khu vực nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công, huyện Cù lao Tân Phú Đông...

Đáng chú ý, nông dân thường chăn nuôi bò lồng ghép trong các mô hình VAC (vườn ao chuồng), RAC (ruộng ao chuồng) hoặc trong các mô hình kinh tế tổng hợp. Qua đó, giúp nâng cao được hiệu quả kinh tế trong điều kiện đất hẹp, người đông, biến đổi khí hậu ảnh hưởng bất lợi đến quá trình sản xuất. Ví dụ như mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, ngụ ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây. Gia đình bà có 3 héc-ta đất trồng lúa, 0,3 héc-ta đất rẫy nên đã được cán bộ xã tư vấn xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp gồm: Trồng lúa năng suất cao kết hợp trồng rau màu, làm chuồng trại chăn nuôi bò nái sinh sản. Lúc cao điểm, trong chuồng nuôi có đến 5 con bò cái sinh sản. Trung bình mỗi năm, bà Hạnh thu lãi từ mô hình kinh tế tổng hợp gần 500 triệu đồng, trong đó nguồn lợi từ nuôi bò sinh sản đạt trên 100 triệu đồng. Đáng mừng là mô hình chăn nuôi bò đã có sức lan tỏa mạnh ở huyện ven biển Gò Công Đông. Nghề chăn nuôi bò phát triển đã góp phần tăng thêm thu nhập, giúp nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.

Còn tại huyện Cù lao Tân Phú Đông, được sự hỗ trợ của Tổ chức Heifer International (Mỹ), huyện đã triển khai Dự án hỗ trợ sinh kế cho nông hộ nghèo thông qua việc giúp vốn mở rộng nghề chăn nuôi bò, giảm nghèo nông thôn. Qua 4 năm triển khai (2013 - 2017), dự án đã chuyển giao trên 1.100 con bò, giúp Tân Phú Đông nâng tổng đàn bò lên 2.532 con, đóng góp quan trọng vào chương trình giảm nghèo nông thôn tại địa phương.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Tăng cường chống buôn lậu hàng dược phẩm

Đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại thuộc nhóm hàng này. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài. Cụ thể, Bộ Y tế tăng cường quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người. Phối hợp với các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh. Chú trọng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới đặc biệt là đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực biên giới. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa trong đó có dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Phối hợp các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tuyên truyền vận động cư dân vùng biên không tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển, phát hiện, bắt giữ các đối tượng buôn lậu trong đó có hàng hóa là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền qua đường biển.

HÀNG VIỆT 

Đưa nông sản Sơn La về Hà Nội: Giảm nỗi lo được mùa, mất giá

Tuần lễ nhãn và nông sản Sơn La năm 2018 diễn ra tại Hà Nội từ 20 - 27/7 tại siêu thị Big C Thăng Long và từ 3/8 - 9/8 sẽ diễn ra tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hoàng Quốc Việt. Đây là cơ hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho bà con Sơn La, giảm nỗi lo được mùa, mất giá.

Chồng chất nỗi lo

Giống như các hộ gia đình khác, bà Phạm Thị Ảnh - Hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh - xã Mường Bú, huyện Mường La, tỉnh Sơn La mang tới Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018 rất nhiều đặc sản của Sơn La như: nhãn, xoài, bơ, dưa mèo, rau… Bà Ảnh cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, các loại cây trồng trong vườn nhà bà hầu hết được mùa, sản lượng cao, chất lượng tốt. Nhưng thay vì vui mừng, bà lại lo lắng nhiều vì sợ bị ép giá.

“Nông sản Sơn La chủ yếu vẫn bán cho thương lái, chưa trực tiếp vào được các kênh phân phối lớn nên những năm trước, rau quả cứ được mùa lại mất giá. Năm nay, nhiều loại cây của HTX được trồng theo VietGAP nên suất đầu tư cao hơn, công sức bỏ ra nhiều hơn. Nếu bị ép giá thì sẽ không đủ vốn sản xuất” - bà chia sẻ.

Mang nỗi lo tương tự, bà Trần Thị Thắng - HTX Tiến Hưng (huyện Bắc Yên) cho hay, năm nay, các loại nông sản của Sơn La đặc biệt được mùa, như xoài sản lượng gần gấp đôi năm ngoái, nhãn gấp rưỡi. Cách đây vài tháng, giá xoài thu mua tại vườn khoảng 8.000 - 13.000 đồng/kg tùy loại. Dù mức giá này vẫn giúp bà con có lãi, nhưng so với năm ngoái chỉ bằng khoảng 2/3. Vụ nhãn sắp tới, bà con rất lo lắng giá sẽ rớt tiếp.

Theo UBND tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có 12.000 héc-ta diện tích trồng nhãn, sản lượng năm 2018 khoảng 62.000 tấn, tập trung ở các huyện: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Mường La. Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp bằng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sông Mã”. Hiện Sơn La duy trì được 15 chuỗi sản xuất nhãn an toàn, sản lượng được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 5.000 tấn, trong đó 1.500 tấn được cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Ngoài ra, năm 2017, toàn tỉnh có 9 sản phẩm được cấp văn bằng Bảo hộ thương hiệu gồm: Nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, xoài tròn Yên Châu... Nhiều sản phẩm khác như na, bơ, táo, chè, khoai sọ... năm nay được mùa, sản lượng lớn, đòi hỏi có giải pháp tiêu thụ ổn định cho bà con.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Tìm đầu ra ổn định cho nông sản Sơn La là hoạt động trọng tâm được địa phương này đẩy mạnh triển khai trong thời gian qua. Theo đó, song song với hoạt động xuất khẩu, Sơn La cũng đẩy mạnh đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối ở các thành phố lớn, trong đó trọng tâm là Hà Nội - địa phương có nhu cầu tiêu thụ lớn các loại nông sản chất lượng. Tại Tuần lễ nhãn và nông sản Sơn La năm 2018, hầu hết các sản phẩm đều có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn, mẫu mã đẹp.

Các sản phẩm tại Tuần lễ đã may mắn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân Thủ đô. Bà Phạm Thị Ảnh cho hay, chỉ sau ngày khai mạc, gian hàng của bà tiêu thụ được hơn 1 tạ xoài, 1 tạ nhãn, nhiều loại rau củ… Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn La đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với siêu thị Big C và sắp tới, một số sản phẩm của HTX Hưng Thịnh sẽ được đưa vào tiêu thụ tại các kênh phân phối của Big C cả nước.

Bà Trần Thị Thắng chia sẻ, các sản phẩm được ưa chuộng nhất của gian hàng HTX Tiến Hưng là rau quả, đồ khô, rượu Hang Chú… Đặc biệt, rượu Hang Chú đã được một số nhà hàng đặt dài hạn.

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Việc được phân phối qua hệ thống phân phối của Hà Nội sẽ giúp các sản phẩm nông sản an toàn Sơn La được nhiều người tiêu dùng biết đến, góp phần tạo thị trường tiêu thụ ổn định, ổn định đời sống của bà con, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)