Thông tin giá cả thị trường số 31/2019

02:30 PM 06/08/2019 |   Lượt xem: 4449 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Dán tem truy xuất nguồn gốc

Bảo vệ thương hiệu cam sành Hà Giang

Là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, vài năm trở lại đây, Hà Giang đã thực sự thay đổi tư duy từ sản xuất đơn lẻ, lạc hậu sang hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn và đặc biệt có ý thức xây dựng chất lượng, bảo hộ sản phẩm của mình.

Trong đó, cam sành Hà Giang – loại trái cây đặc sản đang được coi là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Việc làm này nhằm góp phần tránh hàng giả và nâng cao giá trị sản phẩm cam sành. Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù là thương hiệu đã tạo được uy tín trên thị trường và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2016 nhưng cam sành Hà Giang luôn phải đối mặt với việc bị mạo danh và tình trạng được mùa, mất giá. Ngay tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, việc tiếp cận được với các sản phẩm cam chính hiệu không hề dễ dàng. Trên đường phố có thể bắt gặp hàng loạt cửa hàng treo biển “Cam sành Hà Giang” với nhiều mức giá khác nhau mà khách hàng không biết chắc được từ đâu ngoài việc phải tin lời người bán hoặc chấp nhận rủi ro. Điều này đã khiến cam sành Hà Giang bị ảnh hưởng giá trị và uy tín, đồng thời gây tổn thất cho cả người nông dân cũng như người tiêu dùng.

Nhằm hạn chế tình trạng này và tăng cường xuất khẩu, các hội nông dân, hội cam sành, hợp tác xã cam sành tại Hà Giang đã chú trọng vào bảo vệ thương hiệu và truy xuất nguồn gốc. Trong đó, biện pháp đang được áp dụng hiệu quả là dán tem truy xuất điện tử lên từng quả cam.

Năm 2017, 35 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cam VietGAP đầu tiên tại 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã dán trên 1,4 triệu tem QR code của VNPT Hà Giang. Sang năm 2018, nhiều doanh nghiệp đã ý thức bảo vệ mình và chủ động đăng ký theo nhu cầu, nâng tổng số đơn vị sản xuất, tiêu thụ tem tại Hà Giang lên đến 60 doanh nghiệp. Năm nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký dán tem QR code tăng 15 - 20%. Khác với sử dụng mã vạch thường dành cho cả một lô hàng như nhau, tem truy xuất sử dụng mã QR dán lên từng trái khiến mỗi quả cam có một định danh duy nhất có thể kiểm tra bằng smartphone. Do in bằng chất liệu tem vỡ nên mỗi tem chỉ có thể dùng một lần mà không thể tái sử dụng dán cho sản phẩm giả khác. Khi mua cam dán tem truy xuất, khách hàng không chỉ tiếp cận được những thông tin cơ bản (tên sản phẩm, hộ sản xuất, số điện thoại, địa chỉ, giấy phép kinh doanh, thành phần của sản phẩm…) mà còn có thể vô hiệu hóa thông tin của tem trên hệ thống, ngăn ngừa việc tái sử dụng tem vào mục đích gian lận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, việc mở rộng sử dụng tem truy xuất của cam sành Hà Giang cũng không dễ dàng. Ngoài lượng tem mà các hợp tác xã, Tổ sản xuất cam VietGAP đăng ký được nhà nước hỗ trợ, các hộ có nhu cầu thêm phải tự chi trả và vẫn còn rất ít nhà vườn tự bỏ tiền in ấn. Bởi vì kênh tiêu thụ truyền thống của nông dân là các thương lái bán lẻ - những đối tượng khách hàng hiếm khi yêu cầu bằng chứng gốc gác, dẫn đến việc các nhà vườn cũng không dán tem vào sản phẩm.

Thời gian gần đây, cam sành Hà Giang bắt đầu có thêm các kênh bao tiêu như siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, doanh nghiệp xuất khẩu… Trong đó, các đối tác thường yêu cầu sản phẩm có dán tem nhãn đầy đủ để người tiêu dùng tin tưởng. Song theo đánh giá khách quan, các kênh này vẫn chưa ổn định và số lượng sản phẩm tiêu thụ chưa cao. Nhưng xét về lâu dài, cam sành Hà Giang đang trong xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ… Do vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng các công nghệ điện tử nhằm bảo vệ thương hiệu, giá trị của sản phẩm là rất cần thiết.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Thanh Hóa: Được mùa ruốc biển

Thời gian này, ngư dân các xã Quảng Thái, Quảng Hải, Quảng Lợi (huyện Quảng Xương), Quảng Đại, Quảng Vinh (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa),… đang vào vụ đánh bắt ruốc biển. Hiện ngư dân Thanh Hóa rất phấn khởi do ruốc đang được mùa.

Ruốc biển (hay còn gọi là tép biển, moi,…) xuất hiện vào 2 vụ chính trong năm là vụ nam (còn gọi là vụ chiêm) vào tháng 6, 7 Âm lịch và vụ bắc (còn gọi là vụ mùa) bắt đầu từ tháng 9 Âm lịch cho đến tháng Giêng năm sau.

Một ngày bình thường, ngư dân sẽ đi đánh bắt ruốc từ 3 - 4 giờ sáng, đến khoảng 7 - 8 giờ là về. Nhưng mấy ngày hôm nay trời mát, ruốc vào nhiều nên sau khi vào bờ ngư dân lại tiếp tục quay ra biển đánh bắt tiếp. Vùng đánh bắt cách bờ khoảng 5 - 7 hải lý, có thời điểm ruốc vào gần bờ chỉ khoảng trên dưới 2 hải lý.

Mỗi chuyến bè mảng vào bờ, ít nhất cũng được 50 - 60 kg ruốc biển, còn thường là trên 100 kg. Hiện nay, giá ruốc bán ngay tại bãi biển cho thương lái là 6.000 - 7.000 đồng/kg. Mỗi bè mảng thường đi 2 người, tính bình quân một ngày cho thu nhập hơn 1 triệu đồng/người, có thời điểm được 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng/người.

Ruốc biển đánh bắt lên sẽ được người dân địa phương làm mắm ruốc, phơi khô để dùng và bán dần, còn lại phần lớn được thương lái thu mua về bán cho dân ở xa, các nhà hàng, khách sạn, xuất khẩu…

Thạnh Hóa (Long An): Khoai mỡ được mùa, mất giá

Nông dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đang tiến hành thu hoạch khoai mỡ. Nếu như những năm trước, người trồng khoai phấn khởi vì được giá thì năm nay, họ lại thất vọng do giá khoai giảm sâu.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Thạnh Hóa hiện có 3.003,7 héc-ta khoai mỡ. Đến thời điểm hiện tại, nông dân thu hoạch trên 2.000 héc-ta, năng suất bình quân trên 12 tấn/héc-ta. Năm nay, giá khoai mỡ giảm, nông dân gặp nhiều khó khăn về giá cả và đầu ra.

Năm nay, năng suất khoai đạt 20 - 25 tấn/héc-ta đối với khoai trắng và 15 - 17 tấn/héc-ta đối với khoai tím. Khoai trắng được thương lái thu mua tại ruộng với giá dao động từ 6.000 - 6.500 đồng/kg, khoai tím từ 4.500 - 5.000 đồng/kg. Với giá bán này, bình quân mỗi héc-ta khoai trắng, nông dân lãi từ 10 - 15 triệu đồng còn khoai tím thì thua lỗ từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, một số hộ trồng khoai tím khác cũng bị thiệt hại do bệnh thối khô đầu củ. Ước tính, bệnh này làm thiệt hại lên đến gần 30% diện tích. Tính đến thời điểm này, phần lớn các hộ trồng khoai tím đều bị thua lỗ.

Một trong những nguyên nhân khiến giá khoai mỡ giảm như hiện nay là do nông dân nhiều tỉnh lân cận như Tiền Giang, Đồng Tháp,... trồng khoai mỡ rất nhiều dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa đang vào cuộc tìm hướng giúp nông dân tiêu thụ khoai thông qua các cửa hàng, siêu thị ở một số tỉnh miền Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

An Giang:

Phát triển đàn bò sữa 20.000 con tại Tri Tôn

Mới đây, Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã làm việc với Tập đoàn TH True Milk (Nghệ An) về dự án đầu tư trang trại bò sữa tại huyện. Theo đó, huyện Tri Tôn cam kết sẽ hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn sớm triển khai dự án. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, mở ra triển vọng mới cho huyện miền núi Tri Tôn. Trước mắt, Tập đoàn TH True Milk thống nhất sẽ thuê lại 178 héc-ta đất tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) để đầu tư trang trại bò sữa quy mô 20.000 con và xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn, kinh phí thực hiện khoảng 4.300 tỷ đồng.

Hậu Giang:

Giá trứng vịt tiếp tục giảm

Cuối vụ thu hoạch lúa hè thu 2019, giá trứng vịt trên địa bàn Hậu Giang giảm nhiều. Người nuôi vịt cho biết, giá trứng giảm do vào mùa vịt chạy đồng nên lượng trứng tăng, các thương lái thu mua với giá thấp. Khoảng 2 tuần nay, giá trứng vịt giảm khoảng 3.000 - 5.000 đồng/chục. Khảo sát ở các chợ trên địa bàn huyện Long Mỹ, Vị Thủy… giá trứng vịt được bán từ 15.000 - 17.000 đồng/chục. Giá thu gom chỉ khoảng 11.000 - 13.000 đồng/chục. bà con đã đầu tư nuôi vịt chạy đồng canh cánh nỗi lo thua lỗ vì giá trứng vịt đầu năm đến nay luôn giữ mức thấp, trong khi chi phí chăn nuôi không giảm.

Gia Lai:

Nông dân Ia Pa trúng mùa mè

Vụ mùa 2019, nông dân huyện Ia Pa, Gia Lai trồng được hơn 300 héc-ta mè, tập trung ở các xã: Chư Răng, Kim Tân, Pờ Tó. Năng suất trung bình đạt 4,5 tạ/héc-ta. Hiện nay, thương lái thu mua mè với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg. Nông dân thu về trên 20 triệu đồng/héc-ta. Trên thực tế, hầu hết diện tích mè do bà con chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả. Sau khi thu hoạch mè, người dân sẽ chuyển sang trồng đậu, bắp, rau màu… Đây là một hướng đi mới giúp nông dân chuyển đổi cây trồng trong bối cảnh giá mía nguyên liệu giảm sâu.

Lá dừa nước bán chạy

Dừa nước là loài cây mọc hoang dã có hầu khắp các khu vực ven sông ngòi, kênh rạch ở miền Tây. Cây này đang là nguồn sinh kế trời cho của nhiều người. Ngoài những trái dừa nước được sử dụng làm đồ uống thì lá dừa nước hiện nay cũng được sử dụng nhiều trong xây dựng. Xu hướng hiện nay, người dân ở các đô thị đặc biệt thích sử dụng lá dừa nước trong việc dựng chòi, quán, nhà mát để tạo ra “không khí miền quê”. Với giá bán khoảng 3 - 4 triệu đồng một thiên (gồm 1.000 lá), nhiều gia đình thu được hàng chục triệu đồng nhờ đi chặt lá dừa nước.

Là loài cây sống ở những khu vực nước lợ, hoặc có tính phèn mặn nên tại khu vực cửa sông, ven biển hay những vùng đất ngập nước nhiễm phèn có nhiều dừa nước. Dọc các sông cửa sông, Vàm Cỏ, Hàm Luông, Cổ Chiên, Ba Lai… là những cánh rừng dừa nước xanh ngút ngàn, dài hàng chục cây số.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quảng Ngãi:

Cây Sacha Inchi chết do nắng nóng

Ba Tơ là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với 84% đồng bào dân tộc Hrê. Thời gian qua, nhiều bà con đã đầu tư trồng cây Sacha Inchi. Tuy nhiên, năm nay, nắng nóng kéo dài khiến cây gần tới kỳ thu hoạch chết hàng loạt, có nơi lên tới 60 - 70% diện tích.

Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ, trồng cây Sacha Inchi là mô hình mới tâm huyết của huyện, thuộc Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nguyên nhân khách quan khiến cây Sacha Inchi chết hàng loạt là do thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít hoặc không có. Trong khi nền nhiệt cao mà người dân tưới nước nhiều sẽ gây ra bệnh lở cổ rễ, vi khuẩn dễ xâm nhập. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp huyện Ba Tơ đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục chăm sóc những diện tích cây còn sống. Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín cũng đã cử kỹ thuật viên cùng ăn, cùng ở với người dân để lên phác đồ điều trị, cấp thuốc, hướng dẫn người dân đào hố, phơi hố, xử lý đất và sẵn sàng cấp lại lượng giống như ban đầu để họ trồng lại hoặc trồng dặm khi thời tiết thuận lợi.

Cây Sacha Inchi là loại cây cho năng suất cao, dự kiến năm đầu thu hoạch khoảng 1.000 kg/héc-ta. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, người trồng có doanh thu 50 triệu đồng và doanh thu này tăng dần theo cấp số nhân trong những năm kế tiếp. Theo tính toán, người trồng sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ năm thứ 3 trở đi với mức lãi hơn 147 triệu đồng/héc-ta. Quả của cây thu hoạch có thể cho ra đến 7 hạt màu nâu có hình bầu dục, trung bình thường là 4 đến 5 hạt trong một quả sau khi được bóc vỏ. Nó được sử dụng làm dầu, hạt có thể được rang và sau khi ép đầu có thể xay nhỏ để dùng dưới dạng bột.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi cũng đã xét duyệt đề tài “Thực nghiệm mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Sacha Inchi theo chuỗi giá trị tại huyện Ba Tơ và Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi” do Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín chủ trì thực hiện.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Truy xuất nguồn gốc hàng đặc sản đà Lạt

Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, Sở đang thực hiện Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt”. Theo đó, Sở phối hợp cùng Ban quản lý Chợ Đà Lạt và Phòng Kinh tế thành phố khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản Đà Lạt. Với các cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo việc sản xuất, kinh doanh đúng theo tiêu chí của đề án, Sở sẽ hỗ trợ cơ sở đăng ký mã vạch truy xuất nguồn gốc, đồng thời hỗ trợ đóng phí duy trì trong 2 năm kế tiếp. Đây là hỗ trợ giúp cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng đặc sản đăng ký mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc, giảm tình trạng hàng đặc sản ngoại, hàng kém chất lượng đội lốt hàng đặc sản Đà Lạt.

Bình Phước:

Bắt giữ nhiều hàng hóa nhập lậu

Ngày 25/7/2019, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 7 - Cục QLTT Bình Phước chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Phước và Trạm cảnh sát giao thông Quốc lộ 14 tiến hành khám xe ô tô tải hiệu HUYNDAI biển kiểm soát 47C-100.44 đang vận chuyển hàng hóa từ TP. Hồ Chí Minh đi tỉnh Đắk Lắk ngang qua địa phận tỉnh Bình Phước, phương tiện có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm. Kết quả khám trong thùng xe phát hiện 26.248 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu, tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 150 triệu đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: Sản phẩm hàng tiêu dùng các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Mobin hiệu TMPTM, bạc đạn MWC xe máy, dây hàn, tai nghe, bàn chải đánh răng. Sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Hạt hạnh nhân, hạt đậu hà lan, chà là, khoai sâm, hương liệu sầu riêng…

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định.

HÀNG VIỆT

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý hành tím Vĩnh Châu

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu. Đây là cơ hội giúp Sóc Trăng quảng bá sản phẩm cũng như nâng cao giá trị hành tím Vĩnh Châu trên thị trường.

Ở nước ta, hành tím được trồng ở nhiều nơi, trong đó tập trung nhiều ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận), huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang),... Nếu chỉ xét trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng là tỉnh có diện tích gieo trồng hành tím lớn nhất, trong đó tập trung tại thị xã Vĩnh Châu. Khu vực địa lý trồng hành tím là một thị xã miền duyên hải thuộc tỉnh Sóc Trăng, chạy dọc theo bờ biển và thuộc vùng cửa sông Hậu. Vật liệu bồi lắng ở khu vực địa lý chủ yếu là sét, cát, bột mịn và các di tích thực vật... là nền tảng hình thành nên loại đất thịt pha cát có hàm lượng sét cao. Mối quan hệ giữa đặc tính của sản phẩm với điều kiện địa lý này còn được chứng minh qua thực tế hành tím Vĩnh Châu trồng trong vụ chính (thời gian canh tác kéo dài hơn), nên khi thu hoạch, hành tím vụ chính thường có kích thước, trọng lượng cao hơn so với hành vụ sớm.

Là đặc sản của tỉnh Sóc Trăng, hiện diện tích trồng hành toàn vùng trên dưới 6.500 héc-ta, sản lượng khoảng 100.000 tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, bà con đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP... Hành tím Vĩnh Châu đã được xuất khẩu sang một số nước châu Á. Điểm đặc biệt của hành tím Vĩnh Châu là có thể tồn trữ trong một khoảng thời gian dài mà không cần bất cứ chất bảo quản nào nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo. Củ hành có độ giòn lớn, mùi cay nồng nhưng không hắc mà rất ngọt… Tất cả những đặc điểm này là do độ ẩm trong củ hành tím cao. Những tính chất, chất lượng đặc thù của hành tím Vĩnh Châu có được là do điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý phù hợp với sự phát triển của cây hành tím và kinh nghiệm đã được tích lũy qua quá trình canh tác, chế biến của người dân bản địa.

Phần lớn hành tím Vĩnh Châu được tiêu thụ trong nước và qua thu mua của thương lái. Do đó, sự liên kết trong tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu chưa được rộng và gặp nhiều khó khăn. Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, Sóc Trăng mong muốn được liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, cung cấp sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Bởi thực tế thời gian qua cho thấy, cứ vào vụ thu hoạch là hành tím lại giảm giá do cung vượt cầu. Theo tính toán sơ bộ của người trồng hành, để trồng được 1 công hành thương phẩm (1.000 m2/công) phải bỏ tổng số vốn khoảng 10 triệu đồng cho tất cả các khâu. Trung bình 1 công hành cho năng suất từ 1,5 - 2 tấn/công. Như vậy, hành thương phẩm phải có giá từ 6.000 đồng/kg trở lên thì người trồng hành tím mới hoàn vốn, thấp hơn là lỗ.

Nhằm tạo sự ổn định trên thị trường cũng như tạo an tâm cho bà con trồng hành tím, Sóc Trăng đã quy hoạch vùng trồng để tránh tình trạng rớt giá như mọi năm. Sóc Trăng cũng đẩy mạnh vận động bà con duy trì vùng trồng ổn định và không mở rộng thêm diện tích trong thời gian tới. Nhờ vậy, trong 2 năm nay giá hành luôn ổn định ở mức từ 14.000 - 20.000 đồng/kg. Riêng hành tím sản xuất theo hướng hữu cơ giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Đây cũng là một hướng đi mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)