Thông tin giá cả thị trường số 32/2016

1 phút trước |   Lượt xem: 1003 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chứng nhận nhãn hiệu “Giấy thông hành” cho nông sản vươn xa

Mới đây, quả sơn tra (táo mèo) của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã chính thức mang nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải”. Ðây không chỉ là tin vui cho người trồng sơn tra, mà còn cho thấy, sự quan tâm của địa phương trong việc tích cực đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Chứng nhận nhãn hiệu như là một tờ “giấy thông hành” giúp nông sản của địa phương này dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khác trong nước cũng như vươn ra thị trường quốc tế.

Sơn tra Mù Cang Chải đã có nhãn hiệu riêng

Với địa hình chủ yếu là núi cao, quanh năm khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho cây sơn tra sinh trưởng và phát triển, nên huyện Mù Cang Chải hiện có trên 200 héc-ta diện tích cây sơn tra - vừa mọc tự nhiên, vừa được nông dân trồng tại khu vực đồi núi thấp. Hàng năm, diện tích cây sơn tra này cho thu hoạch tới hơn 2.000 tấn quả tươi. Với đặc điểm ưa lạnh, có thể phát triển trên đất khô cằn, không cần phân bón và chăm sóc nhiều… nên những năm gần đây, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã tập trung đầu tư phát triển cây sơn tra và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.

Vào mùa thu hoạch sơn tra (từ tháng 9 đến tháng 11), các lái buôn từ thành phố Yên Bái lên tận huyện Mù Cang Chải để thu mua quả, tập trung ở chợ Ngã Ba Kim, chợ trung tâm thị trấn… Trái sơn tra được phân thành nhiều loại khác nhau. Loại quả to đẹp bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, loại trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi gia đình đồng bào Mông có thể thu vài chục triệu đồng/năm từ thu hái sơn tra.

Không chỉ phát triển cây sơn tra gắn với kinh tế hộ gia đình, hiện sơn tra đang được Mù Cang Chải phát triển gắn với du lịch. Đây là một trong những lợi thế quan trọng để huyện Mù Cang Chải thu hút du khách ở mọi nơi, mang lại thu nhập cho người dân.

Với mục tiêu này, việc đăng ký nhãn hiệu “Sơn tra Mù Cang Chải” được kỳ vọng sẽ góp phần không nhỏ vào việc khẳng định chất lượng, quyền sở hữu, nâng cao giá trị và giúp phân biệt sơn tra của Mù Cang Chải với sơn tra của các địa phương khác.

Nhãn hiệu hàng hóa - Tăng giá trị nông sản

Nếu như đến nay, sơn tra Mù Cang Chải mới có nhãn hiệu riêng, thì trước đó, nhiều tỉnh đã chủ động xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông sản từ rất sớm. Câu chuyện của tỉnh Bắc Giang là một ví dụ. Tính đến năm 2016, toàn tỉnh Bắc Giang có 29 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Tiêu biểu như: Gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, bánh đa Kế, nem Thổ Hà, mật ong rừng, miến dong Sơn Động, vải thiều Lục Ngạn… sau khi được bảo hộ, các sản phẩm này đã gây dựng thương hiệu, tiêu thụ thuận lợi và tăng thu nhập cho người sản xuất. Cụ thể như, nhờ được bảo hộ, 5 năm qua, mỗi héc-ta lúa thơm Yên Dũng cho thu nhập cao hơn khoảng 6 triệu đồng so với giống lúa thuần; trong khi chi phí đầu tư thấp, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.

Việc xây dựng chỉ dẫn và nhãn hiệu tập thể cũng được tỉnh Hải Dương triển khai từ năm 2007. Đến nay, Hải Dương đã có 1 chỉ dẫn địa lý và 15 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng. Cùng với gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, gà đồi Chí Linh, còn có nhiều sản phẩm khác như: cà rốt Đức Chính (Cẩm Giàng), củ đậu Kim Thành, ổi Thanh Hà, bánh gai Ninh Giang, rươi Tứ Kỳ, na Chí Linh... Sau khi có nhãn hiệu, các sản phẩm đều có giá bán cao hơn so với ngoài thị trường.

Thực tế cho thấy, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã có nhiều tác động tích cực đối với các sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh việc giúp nâng cao giá trị nông sản, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đã tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ các nông sản trên thị trường. Đây cũng là cơ sở để xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả mạo hoặc lợi dụng danh tiếng nông sản để trục lợi. Từ đó, góp phần định vị thương hiệu trên thương trường cho một số nông sản, giúp người tiêu dùng nhận diện được các nông sản mang nhãn hiệu tập thể hoặc chỉ dẫn địa lý của riêng địa phương đó. Đồng thời, việc xây dựng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã góp phần thúc đẩy và định hướng quá trình sản xuất, kinh doanh một số nông sản theo hướng chuyên nghiệp, ổn định, an toàn hơn.

MUA GÌ

Hậu Giang: Trái cây tạo hình khan hàng trong dịp Tết

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB Sản xuất trái cây tạo hình (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, CLB có 26 thành viên, hằng năm cung ứng khoảng 10.000 trái bưởi hồ lô, nhưng dự kiến năm nay sản lượng chỉ còn khoảng 2.000 trái. Năm nay nước rút trễ hơn mọi năm, ảnh hưởng đến việc xuống giống vườn dưa hấu tạo hình. Ông Liêm dự định chỉ tạo hình khoảng 800 - 900 cặp dưa hấu thỏi vàng “Tài - Lộc”, số lượng ít hơn nhiều so với mọi năm.

Lào Cai: Sa nhân bán lãi khá

Ngoài ngô, lúa, cây sa nhân đã trở thành sản phẩm giúp đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mường Khương (Lào Cai) làm giàu và bảo vệ rừng. Nhiều hộ gia đình xã Tung Chung Phố đã mạnh dạn nhân giống và trồng dưới tán rừng, với diện tích trên 10 héc-ta, tất cả đều phát triển tốt. Sa nhân là cây thuốc quý, có giá trị kinh tế cao. Ngoài công dụng làm dược liệu, cây sa nhân còn dùng triết xuất tinh dầu làm hương liệu gia vị thực phẩm, làm nước hoa, dầu gội… Đặc biệt, cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, giá bán cao, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch và rễ cây lan tới đâu thì diện tích trồng tự nhiên được mở rộng tới đó; nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 -12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, cây sa nhân trồng dưới tán rừng còn giúp chống rửa trôi và xói mòn đất, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng. Hiện, năng suất trung bình của cây sa nhân đạt từ 100 – 200kg quả khô/héc-ta/năm. Với giá bán dao động từ 100.000 - 200.000 đồng/kg quả khô, cây sa nhân mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/héc-ta... Cây sa nhân không chỉ phát triển mạnh ở xã Tung Chung Phố mà đã trở thành cây thế mạnh của toàn huyện Mường Khương tập trung ở các xã vùng cao như: Nậm Chảy đã phát triển được 40 héc-ta, xã Phìn Ngan trồng được 60 héc-ta trên diện tích rừng trồng và rừng tái sinh ở một số thôn bản.

Khánh Hòa: Gấc giá cao vẫn thiếu hàng

Thời gian gần đây, cây gấc được trồng nhiều tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Thời điểm này gấc mặc dù tăng giá, được mùa nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường. Bà con xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm cho biết, thời gian gần đây, trời đổ mưa giúp vườn gấc xanh tốt và cho nhiều quả. Mỗi quả có trọng lượng từ 0,6 – 1,5kg, có những quả đạt trên 2kg. Giá bán gấc dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với đầu năm. Gấc được thị trường trong và ngoài nước như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản rất ưa chuộng nhưng sản lượng hiện nay vẫn còn hạn chế.

Gấc là loại cây dễ tính, không tốn nhiều công chăm sóc. Chỉ cần chủ động phòng trừ nấm và làm giàn để gấc leo thì cây sẽ cho năng suất, sản lượng cao. Đặc biệt gấc rất cần có độ ẩm và rất sợ ngập úng do đó phải tưới vừa đủ nước, vào mùa nắng phải phủ rơm rạ để giữ ẩm. Khi thu hoạch cần phải cẩn thận chọn những quả gấc chín, không dập nát, không chín ép. Xã Cam An Bắc dự kiến đang nhân rộng diện tích từ 6 – 8 héc-ta gấc cho các nông dân.

Ðồng bằng sông Cửu Long: Cá thát lát tăng giá trở lại

Vài năm nay, người nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục thua lỗ. Khá nhiều hộ dân tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Hậu Giang chuyển sang nuôi cá thát lát. Tuy nhiên, cách đây khoảng vài tháng, giá cá thác lác xuống tới đáy, người nuôi khó khăn. Theo bà con ở xã Thạnh Hòa (Phụng Hiệp - Hậu Giang), năm 2015, cá thát lát loại 3 – 4 con/kg (loại 1) có giá lên tới 55.000 đồng/kg; trung bình cũng từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Từ năm 2016, giá cá bắt đầu giảm khá mạnh. Đến thời điểm cách đây khoảng 2 tháng, giá thấp kỷ lục, chỉ còn 27.000 đồng/kg. Đến nay, đã nhích lên được trên dưới 32.000 đồng/kg.
Theo tính toán của người nuôi, với giá này vẫn chưa có lời. Tuy nhiên, hộ nào có thả xen cá sặc rằn trong ao, sẽ cho thu nhập nhỉnh hơn một chút. Người nuôi cá thát lát kỳ vọng vào vụ thu cận Tết Nguyên đán, giá cá sẽ tăng như mọi năm.

BÁN GÌ

Gia Lai: Tinh bột sắn khó tiêu thụ

Đó là lời khẳng định của đại diện Chi nhánh Công ty cổ phần FOCOCEV Việt Nam – Nhà máy Tinh bột sắn Gia Lai đóng tại thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Đây là nhà máy tiêu thụ nguyên liệu sắn cho không chỉ nông dân trên địa bàn huyện Krông Pa mà còn ở các huyện lân cận. Tuy nhiên, hiện nay do giá mặt hàng tinh bột sắn trên thị trường quốc tế giảm nên ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Cụ thể, năm 2015, giá bán bình quân là 350 - 360 đô-la Mỹ/tấn tinh bột sắn (giá FOB). Năm nay, giá bán FOB là 270 - 280 đô-la Mỹ/tấn tinh bột. Vì vậy, giá nhà máy thu mua cao nhất hiện nay là 1.500 đồng/kg, trong khi năm 2015 là 1.850 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, nhà máy sản xuất không có lãi. Tuy nhiên, nhà máy vẫn phải hoạt động cầm chừng để giữ thị trường và đảm bảo thu nhập cho người lao động. Nếu giá bán tinh bột sắn trên thị trường tiếp tục giảm, nhà máy sẽ phải dừng sản xuất.

Quảng Ngãi: Người nuôi cá bớp thua lỗ

Thời gian gần đây, giá cá bớp nuôi trên địa bàn Quảng Ngãi chỉ còn 85.000 đồng/kg, bằng một nửa so với cùng thời điểm này năm trước. Nhưng đáng lo ngại là tình trạng tồn đọng cá bớp quá lứa tại các lồng nuôi. Trong khi đó, chi phí thức ăn (cá cơm, cá nục) cho cá bớp thương phẩm (5 kg) hiện lên tới 18.000 - 20.000 đồng/con/ngày, nên càng chậm tiêu thụ, người nuôi cá càng lỗ nặng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cá giảm giá và khó tiêu thụ là do người dân đua nhau nuôi ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương. Đây cũng là bài học cho người dân với phương thức nuôi trồng tự phát, không theo hướng dẫn của chính quyền.

Ngoài nguồn cung tăng, một số tiểu thương đưa cá bớp không rõ nguồn gốc từ nơi khác về bán với giá chỉ từ 70.000 - 75.000 đồng/kg càng khiến giá cá nuôi tại chỗ giảm mạnh.

Tiền Giang: Giá lợn thịt giảm mạnh

Hiện nay, giá lợn thịt ở địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm mạnh. Giá lợn loại tốt thương lái mua khoảng 4 triệu đồng/tạ, loại thường giá từ 3,7- 3,9 triệu đồng/tạ, giảm gần 500.000 đồng/tạ so với tháng trước. Trong khi giá con giống, thức ăn ở mức cao nên người nuôi không có lãi, thậm chí bị thua lỗ. Nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu thịt lợn gần đây tiêu thụ chậm. Một số địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng đàn, trong khi đó chất lượng lợn thịt chưa cao.

Tiền Giang hiện có đàn lợn hơn 550.000 con, đứng đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để giúp nông dân duy trì đàn lợn thương phẩm, hạn chế thua lỗ, ngành thú y tỉnh khuyến cáo và tạo điều kiện cho nông dân nuôi theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, nói không với chất cấm.

Sẽ cung ứng 250.000 tấn phân bón cho vụ Ðông Xuân

Nhằm đáp ứng nhu cầu của nông dân khi bước vào vụ Đông Xuân 2016 – 2017, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường 250.000 tấn phân bón các loại. Cụ thể, PVFCCo sẽ đưa ra thị trường 200.000 tấn Đạm Phú Mỹ, 15.000 tấn NPK Phú Mỹ và 35.000 tấn Kali Phú Mỹ. Theo sát nhu cầu mùa vụ, sản lượng này đã và đang được PVFCCo điều chuyển linh hoạt, hợp lý đến hệ thống kho, đại lý tại từng khu vực. Đồng thời, PVFCCo đẩy mạnh phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện chương trình hướng dẫn sử dụng phân bón theo hướng hiệu quả, bền vững để luôn đạt được các vụ mùa bội thu. Năm nay, 3 sản phẩm phân bón chủ lực của PVFCCo là Đạm Phú Mỹ, NPK Phú Mỹ, Kali Phú Mỹ đều được công nhận là Thương hiệu Quốc gia và dẫn đầu nhóm ngành vật tư nông nghiệp.
Giáng My

LƯU Ý CẢNH BÁO

Hà Tĩnh: Gần 9 tỷ đồng hỗ trợ giống cây cho vùng lũ

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thống nhất với đề nghị của liên ngành NN&PTNT - Tài chính - UBMTTQ tỉnh về việc hỗ trợ nhân dân vùng lũ khôi phục sản xuất vụ đông năm 2016. Theo đó, UBMTTQ tỉnh sẽ trích gần 9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cứu trợ lũ lụt do các tổ chức, cá nhân tài trợ để hỗ trợ các địa phương thực hiện.

Tập trung hỗ trợ giống cây

Đối tượng hỗ trợ là các nông dân trong vùng bị lũ lụt có diện tích ngô, rau, khoai lang, cam chanh, bưởi Phúc Trạch bị thiệt hại và lượng giống trong nhà bị hư hỏng.

Về phạm vi hỗ trợ, hỗ trợ hạt giống ngô cho 9 huyện, thành phố bị thiệt hại gồm: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh. Hỗ trợ hạt giống ngắn ngày (ngô nếp) chủ yếu gieo trồng trên đất lạc vụ xuân 2017 dùng để làm thực phẩm kịp thời giúp bà con ổn định cuộc sống. Hỗ trợ hạt giống ngô năng suất cao, tập trung chủ yếu trên đất chuyên canh ngô để sản xuất ngô lấy hạt và ngô sinh khối.

Hỗ trợ hạt giống rau cho tất cả 13 huyện, thành phố, thị xã bị thiệt hại. Hỗ trợ dây giống khoai lang cho 7 huyện bị thiệt hại: Hương Khê, Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Lộc Hà, huyện Kỳ Anh. Hỗ trợ cây giống cam chanh cho huyện Hương Khê, Vũ Quang. Hỗ trợ cây giống bưởi Phúc Trạch cho huyện Hương Khê.

Khẩn trương xuống giống vụ đông

Mặc dù triển khai sản xuất vụ đông 2016 sớm nhưng do thời tiết mưa nhiều nên một số địa phương ở Hà Tĩnh chưa thể xuống giống được, số còn lại đã gieo trỉa thì gặp phải mưa lũ gây thiệt hại lớn... Sau mưa lũ, bà con nông dân cần nhất là giống ngô và rau các loại. Hầu hết các huyện bị ảnh hưởng do mưa lũ đều xác định vẫn sản xuất hết diện tích đã đặt kế hoạch. Tuy nhiên, để đảm bảo lịch thời vụ, ngành nông nghiệp các huyện đã chỉ đạo chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối và các loại rau ngắn ngày. Riêng huyện Hương Sơn, lãnh đạo huyện giao phòng Nông nghiệp đánh giá lại diện tích ngô còn lại sau mưa lũ. Đối với diện tích bị hư hại trên 50% tiến hành gieo trỉa lại ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp ngắn ngày, trồng rau hoặc khoai lang. Diện tích thiệt hại dưới 50% sau khi đất khô tiếp tục chăm sóc để đảm bảo năng suất… Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất rau đậu thực phẩm ngắn ngày; mở rộng nhóm cây ăn lá, quả, gia vị như đậu cô ve, dưa chuột, bí xanh, rau cải... Hiện các huyện đang phấn đấu toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông hoàn thành xuống giống theo đúng tiến độ đã đề ra. Bởi trên thực tế, ngoài ảnh hưởng của mưa lũ, trước đó, vụ hè thu bà con đã thu hoạch muộn hơn 10 - 15 ngày càng khiến cho thời vụ đông 2016 trở nên gấp gáp. Để đảm bảo thu hoạch xong trước 15/1/2017, các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế bố trí sản xuất nhóm giống ngô ngắn ngày. Ngoài chuyển sang trồng ngô sinh khối cũng cần làm ngô lấy hạt, tuy năng suất không cao nhưng giải quyết được vấn đề dân sinh. Vùng chuyên canh cao phải sản xuất nhiều giống, nhiều thời điểm gieo trồng để né tránh thiên tai, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, các huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích bà con không bỏ hoang diện tích để khi nhà nước không còn hỗ trợ thì dân cũng không đói, không thiếu lương thực.

Box: Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, sau khi lũ rút, các địa phương trong tỉnh đã tích cực sản xuất vụ đông trên đất màu. Tính đến ngày 11/11/2016, các địa phương đã thực hiện gieo trồng ngô lấy hạt 1.083/4.400 héc-ta (đạt trên 24% kế hoạch); ngô sinh khối 865/2.550 héc-ta, đạt gần 34% kế hoạch; rau màu các loại 851/4.205 héc-ta, đạt trên 20%; khoai lang 337/2.628 héc-ta, đạt gần 13% kế hoạch... Nếu được hỗ trợ giống sớm, Hà Tĩnh phấn đấu đến 10/12/2016 sẽ đạt 80% kế hoạch sản xuất các loại rau màu, ngô sinh khối.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Quảng Ngãi: Xây dựng vùng chuyên canh cây quế

Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây quế tại huyện miền núi Trà Bồng, giai đoạn 2016 - 2020, với tổng mức đầu tư hơn 190 tỷ đồng.

Dự án được triển khai trên địa bàn 7 xã: Trà Lâm, Trà Hiệp, Trà Thủy, Trà Giang, Trà Sơn, Trà Tân và Trà Bùi. Mục tiêu đến năm 2020 phát triển và ổn định diện tích quế trong toàn huyện lên 2.800 héc-ta. Trong đó, vùng chuyên canh cây quế tập trung 1.718 héc-ta. Hằng năm cung cấp ra thị trường 3.150 tấn vỏ quế và 4.200 tấn cành, lá, nhánh phục vụ nhu cầu chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ, chưng cất tinh dầu.

Huyện Trà Bồng với phần lớn là đồng bào dân tộc Cor sinh sống. Đồng bào trồng quế trên rẫy, xung quanh bản làng. Từ vùng núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, quế Trà Bồng từng theo thương thuyền xuôi dòng sông Trà Bồng ra cửa Sa Cần rồi chở đi bán ở nơi nơi. Nhờ có cây quế, cuộc sống của đồng bào dân tộc Cor đã đổi thay. Bởi ít cây gì ở miền núi lại cho thu nhập cao như cây quế, từ vỏ, cành, thân đến lá đều bán được. Quế cũng được sử dụng một khối lượng lớn để làm gia vị, phụ gia sản xuất bánh kẹo. Bột quế trộn với các vật liệu khác để làm hương, khi đốt lên có mùi thơm đặc trưng, dùng nhiều trong các nghi lễ thờ cúng, tế tự ở nhiều nước châu Á. Gần đây, nhiều địa phương còn sử dụng gỗ quế, vỏ quế để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bộ khay, ấm, chén bằng vỏ quế, đế lót giày có quế…

Bạc Liêu: Muối đen tồn đọng nhiều

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là diêm dân Bạc Liêu đã bắt tay vào sản xuất vụ muối mới. Tuy nhiên, hiện tại lượng muối sản xuất trong vụ vừa qua vẫn còn tồn đọng khá lớn đang được diêm dân bảo quản trong các tu trải dài trên các bờ đê.

Vụ muối năm 2015 - 2016, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch được hơn 135.000 tấn. Đến thời điểm này, tỉnh vẫn tồn đọng khoảng 60.000 tấn muối đen. Muối không bán được, lại gặp mưa dầm làm tan chảy gây nhiều thiệt hại cho diêm dân. Thêm vào đó, muối đen không nằm trong diện thu mua tạm trữ nên diêm dân phải tự chở đi bán. Hầu hết lượng muối này là sản phẩm của một số hộ diêm dân không có tiền đầu tư vải bạt để sản xuất muối trắng.

Hiện loại muối đen đã rớt giá chỉ còn 300 - 400 đồng/kg nhưng rất ít thương lái tìm mua. Không bán được muối, bà con đưa vào bảo quản trong những tu lợp bằng lá dừa nước. Lâu ngày lá mục, lại gặp mưa dầm trong suốt thời gian qua nên lượng muối hao hụt nhiều khiến diêm dân càng thêm thiệt hại.

Toàn tỉnh Bạc Liêu có hơn 2.600 héc-ta đất muối. Trong đó, diện tích sản xuất muối đen chiếm đến 70%. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến thời điểm này, Bạc Liêu đã triển khai thu mua muối cho diêm dân trong tỉnh 2 đợt với hơn 5.000 tấn muối nhưng chủ yếu là muối trắng và trắng ngà nên lượng muối đen đến nay vẫn tồn đọng. Để gỡ khó cho bà con, vừa qua UBND tỉnh đã xuất kinh phí hơn 400 triệu đồng, hỗ trợ bà con mua lá lợp tu trữ muối. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh đang có chủ trương hỗ trợ diêm dân nâng dần diện tích sản xuất muối trắng lên theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh. Cụ thể, trong đề án tái cơ cấu ngành muối có lộ trình từ năm 2016 - 2020 sẽ chuyển đổi phương pháp làm muối phủ bạt 500 héc-ta. Ngành chuyên môn tỉnh đã tham mưu, xây dựng kế hoạch hỗ trợ lãi suất cho diêm dân theo Quyết định 68 trong 2 năm đầu và năm thứ 3 là 50% sẽ góp phần nâng tỷ lệ muối trắng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Tiền Giang: Giá dê tăng cao, người nuôi ồ ạt tăng đàn

Do hiệu quả kinh tế cao, phong trào nuôi dê ở tỉnh Tiền Giang đang phát triển mạnh, nhất là ở vùng cù lao, vùng ven biển. Ðàn dê toàn tỉnh hiện có hơn 100.000 con dê, tăng khoảng 30%/năm.

Trong khi giá lợn, bò có xu hướng giảm thì giá dê thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang tăng cao. Ở thời điểm này, giá dê thịt đã tăng đến trên 100.000 đồng/kg, giá dê giống từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Hiện tại, đàn dê địa phương không đủ cung ứng cho các nhà hàng, cơ sở ăn uống tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Chính vì được giá, người dân địa phương đã ồ ạt phát triển đàn. Tính trung bình một hộ gia đình nuôi 2 dê nái đẻ kiếm trên dưới 30 triệu đồng. Tại địa phương cũng đã thành lập nhiều Tổ hợp tác nuôi dê thương phẩm để nhà nông hỗ trợ nhau trong chăn nuôi. Đặc biệt, từ khi có sự cố vấn của tổ hợp tác ở địa phương về kỹ thuật, thú y, thuốc men và hỗ trợ vốn thì nuôi dê ngày càng phát triển.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, nông dân vùng chịu tác động của biến đổi khí hậu phát triển mô hình nuôi dê thương phẩm vì loại động vật này rất thích ứng với tình hình xâm nhập mặn như hiện nay. Ngoài ra, dê cũng là vật nuôi chịu được điều kiện kham khổ tốt hơn các con vật khác. Vì vậy, trong điều kiện hạn, mặn xâm nhập như hiện nay, nuôi dê sẽ rất phù hợp theo mô hình công nghiệp.

Lâm Ðồng: Phát triển cà phê bền vững

Tại Lâm Ðồng, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đang hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng trong năm đầu tiên. Ðây là tiền đề để tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu hút 14.700 hộ nông dân tham gia phát triển khoảng 16.000 héc-ta diện tích cà phê bền vững.

Dự án tập trung trên 8 địa bàn: Đà Lạt, Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm. Dự án chính thức triển khai từ đầu năm 2016 và thông qua kế hoạch hoạt động đến hết năm 2020 với tổng nguồn vốn hơn 9,1 triệu đô-la Mỹ. Đến nay, Ban quản lý Dự án VnSAT (PPMU) đã xác định 35 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố nói trên với diện tích 16.000 héc-ta cà phê và 14.700 hộ nông dân tham gia dự án. PPMU cũng đã tổ chức những hình thức đào tạo, tập huấn gồm: 3 hội thảo giới thiệu dự án và 3 khóa đào tạo TOT (đào tạo tập huấn viên) tại 3 cụm Đà Lạt, Bảo Lộc và Lâm Hà cho hơn 100 cán bộ kỹ thuật, khuyến nông viên cơ sở.

Dự kiến, PPMU sẽ xây dựng khoảng 80 mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thành lập hơn 20 tổ/nhóm nông dân và hợp tác xã tại các xã vùng dự án… Tài trợ tối đa 60% cho hàng hóa, thiết bị (máy sấy, máy sơ chế) và tỷ lệ không quá 80% giá trị xây lắp khoảng 80 nhà kho, sân phơi cà phê, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch. Hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, tập huấn kỹ thuật nhân giống, hoàn tất các thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn, chất lượng cho 13 – 15 vườn ươm giống cà phê. Ngoài ra, dự án thực hiện khoảng 10 – 15 công trình đường giao thông nông thôn, dự toán khoảng 3 – 4 tỷ đồng/công trình, phục vụ sản xuất cho hộ gia đình thành viên hợp tác xã và tổ/nhóm nông dân.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát và quản lý dịch hại trên cây cà phê. Hàng năm, thu thập mẫu bệnh, mẫu đất trồng cà phê đưa đi phân tích, làm căn cứ áp dụng các biện pháp canh tác bền vững.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Cách nhận biết đồ điện hàng Việt Nam chất lượng cao

Thời gian qua, một số sản phẩm đồ điện gia dụng do các công ty trong nước sản xuất đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng do mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá hợp lý. Vì vậy, trên thị trường một số tỉnh miền núi, vùng cao đã xuất hiện hàng giả, hàng nhái các mặt hàng này. Bắt đầu từ số này, chuyên mục “Chống buôn lậu - Mua bán gian lận” sẽ hướng dẫn bà con cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả các mặt hàng này theo tư vấn của các công ty.

Đây là sản phẩm của Công ty Cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình. Thông thường, các loại dây và cáp điện giả trên thị trường được chế tạo từ kim loại đồng, có nhiều tạp chất, độ tinh khiết không cao, đường kính các sợi nhỏ và số sợi thiếu. Vì vậy, tiết diện của các ruột dẫn nhỏ hơn so với quy định làm cho điện trở dây dẫn tăng, gây tổn thất điện. Khả năng chịu cường độ dòng điện kém do tiết diện nhỏ và điện trở lớn, gây quá tải và phát nóng. Mặt khác, phần cách điện được làm bằng nhựa kém chất lượng hoặc tái chế nên xốp, bở, giòn, dễ gãy nứt khi uốn, lắp đặt. Do vậy, trong quá trình sử dụng chóng bị lão hóa, nóng chập cháy, rò điện, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bà con có thể phân biệt dây điện Cadi-sun chính hãng với hàng giả, hàng nhái thông qua một số dấu hiệu nhận biết điển hình trên sản phẩm.

Mã số sản phẩm: Cadi-sun có một hệ thống mã số sản phẩm và trên mỗi sản phẩm sẽ được cấp một mã số riêng biệt. Việc sử dụng mã số sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp tự quản lý sản phẩm trên thị trường. Từ số này có thể truy xuất các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, bao gồm: ngày tháng, chủng loại hàng hóa, số lượng trong lô hàng, nguyên vật liệu, máy sản xuất, người sản xuất... Khi cần truy xuất các vấn đề liên quan đến các lô hàng, công ty sẽ dựa vào các mã số này. Cụ thể, nếu mã số trên sản phẩm dây điện đồng nhất với mã trên nhãn thì có thể kết luận đấy là hàng Cadi-sun chính hãng. Ngược lại, nếu hai mã số có sự sai lệch thì đấy là sản phẩm giả, nhái thương hiệu Cadi-sun.

Bao bì đóng gói: Sản phẩm dây điện Cadi-sun được đóng gói chắc chắn. Trên bao bì sản phẩm luôn kèm theo nhãn mác sản phẩm. Chữ và số liệu được in rõ ràng, sắc nét, không bị lem màu, nhòe màu. Nhãn mác của bao bì hiển thị đầy đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, mã số, quy cách đóng gói, địa chỉ sản xuất, tiêu chuẩn ISO 9001 - 2008. Đặc biệt, được gắn dấu CR theo đúng quy định của nhà nước. Trong khi đó các sản phẩm dây điện giả, nhái thương hiệu Cadi-sun thường không quá chú trọng vào bao bì đóng gói và các thông số của sản phẩm.

Tem chống hàng giả: Bao bì sản phẩm dây điện dân dụng Cadi-sun chính hãng luôn được dán tem chống hàng giả. Trên tem có các đường dập cắt để tránh trường hợp tem bị xé ra dễ dàng hoặc bị dùng lại nhiều lần.

Vỏ nhựa sản phẩm: Dây điện Cadi-sun chính hãng có vỏ nhựa nhẵn mịn, bóng và đều màu. Khi bẻ gập dây điện và quan sát, nếu bề mặt vỏ nhựa vẫn như cũ, không bị đổi màu hay biến dạng thì đó là sản phẩm dây điện Cadi-sun chính hãng. Ngược lại, nếu phần vỏ này bị đổi màu và có dấu hiệu bị nứt rạn thì đó là sản phẩm giả, nhái thương hiệu Cadi-sun.
Ruột đồng: Ruột đồng của dây điện Cadi-sun chính hãng có màu sáng đỏ; sợi đồng chính hãng mềm và rất linh hoạt, dễ dàng bẻ gập. Trong khi đó, ruột đồng của dây điện giả, nhái thương hiệu Cadi-sun không có được màu sắc trên và sợi đồng cứng hơn, rất khó bẻ cong, không linh hoạt.

 

HÀNG VIỆT

Nhãn hiệu tập thể “Cá nước lạnh Sa Pa” Cơ hội cho sản phẩm chiếm lĩnh thị trường

Vừa qua, tại Sa Pa, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Lào Cai, UBND huyện Sa Pa tổ chức lễ công bố nhãn hiệu tập thể “Cá nước lạnh Sa Pa”... Ðây là cơ hội lớn để sản phẩm cá nước lạnh của bà con dân tộc nâng cao sức cạnh tranh so với hàng nhập ngoại, giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường.

Tiềm năng lớn

Là huyện miền núi thuộc tỉnh Lào Cai, có độ cao trung bình khoảng 1.800 mét so với mực nước biển, điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ và nguồn nước lý tưởng cho việc phát triển nghề nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), nghề nuôi cá nước lạnh được coi là một trong những nghề có tiềm năng lớn cho bà con vùng cao Sa Pa.

Nhận thức rõ tiềm năng ấy, từ năm 2005, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai nuôi thử nghiệm thành công cá hồi và cá tầm thương phẩm. Từ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, xây dựng trang trại nuôi tập trung, chủ yếu tại xã Bản Khoang, San Sả Hồ, Tả Giàng Phình, Sa Pả, Tả Phìn... với số vốn lên tới hàng tỷ đồng. Đến nay, huyện Sa Pa có khoảng gần 30 hộ gia đình tham gia nuôi cá nước lạnh, sản lượng hàng năm lên đến gần 500 tấn, tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân 10%/năm. Sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa chủ yếu tiêu thụ tại địa bàn để phục vụ khách du lịch và cung cấp cho các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng…

Ngoài sản phẩm cá tươi cung cấp cho các nhà hàng tại chỗ, hiện Sa Pa đã có những cơ sở chế biến cá hồi khô, ruốc cá hồi nhằm đa dạng hóa sản phẩm cá nước lạnh tại địa phương. Một số cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm ở Sa Pa đã đầu tư ở mức cao hơn, tự nhập khẩu trứng cá về ấp và ương giống, mỗi năm cung cấp hàng vạn con cá giống ra thị trường. Nhờ cá hồi và các sản phẩm cá hồi, nhiều gia đình tại huyện Sa Pa đã có thu nhập ổn định.

Bảo hộ mạnh hơn cho sản phẩm

Khi sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa phát triển nhanh chóng về năng suất, sản lượng và đa dạng hóa sản phẩm thì cũng là lúc sản phẩm chịu sức ép từ cá hồi, cá tầm nhập lậu với chất lượng kém trôi nổi trên thị trường được tiêu thụ lấy danh nghĩa cá nước lạnh Sa Pa. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới uy tín chất lượng cá nước lạnh Sa Pa, đồng thời gây thiệt hại lợi ích kinh tế của người nuôi cá và người tiêu dùng.

Để bảo vệ sản phẩm tiềm năng của địa phương, năm 2012, Hội Cá nước lạnh Sa Pa ra đời với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền lợi người nuôi cá hồi, cá tầm thông qua việc điều chỉnh giá, thẩm định nguồn gốc sản phẩm và phối hợp ngăn chặn cá nhập lậu, tiến tới đăng ký bảo hộ thương hiệu cá hồi, cá tầm Sa Pa. Ngay sau khi thành lập, Hội đã xác định, dù việc ngăn chặn cá nhập lậu, bảo vệ sản xuất trong nước là trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại khu vực biên giới và cơ quan kiểm soát thị trường nội địa, nhiệm vụ của hội là đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao ý thức, đạo đức kinh doanh của các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ẩm thực, cần phải “nói không” với cá nhập lậu. Đặc biệt, với các cơ sở nuôi cá nước lạnh, việc xây dựng thương hiệu là điều không thể xem nhẹ.

Nghiên cứu các kinh nghiệm xây dựng thương hiệu nông sản cho thấy, bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể sẽ nhanh, không phức tạp, không tốn kém, thời gian ngắn, kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Do đó, sau 2 năm, đề tài nghiên cứu, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cá nước lạnh Sa Pa do Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận. Nhãn hiệu này sẽ được giao cho Hội Cá nước lạnh Sa Pa sử dụng, phát triển. Hội Cá nước lạnh Sa Pa cho rằng, việc được cấp nhãn hiệu là cơ hội để mở rộng thị trường, giúp sản phẩm có giá bán cao hơn. Hội cũng mong muốn, sau khi đăng ký nhãn hiệu tập thể, các thành viên của Hội sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất để phát triển hơn nữa nghề nuôi cá nước lạnh.

Đứng trước cơ hội lớn, giá cá tăng cao, tiêu thụ thuận lợi, Sa Pa đang tập trung tạo nguồn cung cấp giống tốt, bảo đảm thức ăn tiêu chuẩn để khai thác, sử dụng nguồn nước lạnh hợp lý, tập trung thâm canh nuôi cá hồi, cá tầm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cao.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)